“KHÔNG BẮT ĐẦU KHÔNG CHẤM DỨT”: KRISHNAMUTI CHÍN MƯƠI TUỔI

“KHÔNG BẮT ĐẦU KHÔNG CHẤM DỨT”

KRISHNAMUTI CHÍN MƯƠI TUỔI

- Jiddu Krishnamuti

-----o0o-----

Sống gần ông là ta lúc nào cũng như trong một trạng thái đầy nhiệt tình. Ông nồng cháy và thể xác những người cộng sự với ông nhanh chóng cảm thấy thân mật hình bóng ông. Thỉnh thoảng ông chất vấn các bạn mình, đòi buộc họ phải chú ý, quan sát. Ông cẩn thận trông chừng những lời phát biểu của họ, coi họ sát. Ông cẩn thận trông chừng những lời phát biểu của họ, coi họ có phản...
“KHÔNG BẮT ĐẦU KHÔNG CHẤM DỨT”: KRISHNAMUTI CHÍN MƯƠI TUỔI

Trong sách Bhagavad Gita, Arjuna hỏi thầm Krishna về bản tính của Kiên định, Hữu thể sáng lạng. “Làm thế nào ngài bước đi, làm thế nào ngài dẫn đạo bản thân?”.

Nhiều người từng gặp, từng nghe Krishnaji phát biểu cũng đặt câu hỏi như thế. Chương này có thể đưa ra lời giải đáp nào đó cho câu hỏi ấy tuy nó vẫn là lời giải đáp thiết sót vì bí nhiệm của Krishnamuti vẫn không dò thấu được.

Ở tuổi chín mươi, một ngày của Krishnaji không khác lắm một ngày của ông thuở bốn mươi. Tại Ấn, ông thức giấc khi mặt trời mọc, nằm trong giường, mọi giác quan của cơ thể thức dậy nhưng không ý nghĩa nào xuất hiện cho tới khi có một cái xuất hiện, từ chốn xa xăm mênh mông. Ông bắt đầu buổi sáng bằng yoga asanas và pranayam. Ba mươi lăm phút tập pranayam, tập thở và bỏ ra bốn mươi lăm phút cho asanas, các tư thế thể lý – làm tươi nhuận cơ thể, thần kinh, các bắp thịt và tế bào tạo hình thớ sợi của da, mở ra từng tế bào của cơ thể để chúng thở tự nhiên và hòa hợp.

Tới tám giờ, ông điểm tâm bằng trái cây, bánh mì nướng làm bằng bột mì nguyên chất và phó mát. Đôi khi bữa điểm tâm của ông gồm idlis và dosas Nam Ấn, bánh bò làm bằng gạo hấp với tương nước dừa. Tại bàn ăn sáng ở Ấn, các cộng sự viên gần gũi của ông tụ tập và thảo luận về giáo dục, các trường học, ý thức hạt giống sự phân hủy trong con người, máy vi tính và vai trò của trí tuệ nhân tạo. Ông hỏi tin tức thế giới và Ấn. Tình trạng của xứ sở được mang ra thảo luận tự do; bạo động, tham nhũng, sự băng hoại các giá trị; tương lai con người và sự chuyển đổi tâm trí con người. Từng vấn đề được đưa ra và thăm dò; mọi người đều tham dự; tràn ngập cảm giác ngăn nắp và tĩnh lặng cả trong những lúc thảo luận.

Ông có thái độ hoàn toàn như trẻ con đối với tình hình, đặc biệt về chính trị. Nhưng rõ rệt là ông cực kỳ trang trọng quan tâm tới vấn đề tâm thần và những không gian bên trong tâm trí. Ông thường ngừng nói, để tâm trí yên nghĩ với câu hỏi, rồi trả lời với nhiệt tình và chân thực.

Ngày nào có cuộc đối thoại buổi sáng thì phiên họp lúc điểm tâm thu ngắn lại. Chúng tôi giải tán rồi gặp nhau lại lúc 9 giờ rưỡi là lúc họp nhóm nhỏ để tham dự đối thoại. Cuộc đối thoại diễn ra tới 11 giờ, sau đó ai có vấn đề đặt biệt hoặc khổ não cá nhân thì có thể gặp riêng ông. Đôi khi ông cùng người ấy vào phòng ông trong ít phút. Khi không có thảo luận nhóm, cuộc đàm đạo với các cộng sự viên kéo dài trong hai hoặc ba giờ. Chúng tôi thảo luận về cái chết, bản chất của Thượng đế, vấn đề người quan sát và cái bị quan sát. Trong các cuộc mạn đàm này đã bộc lộ một số cái nhìn thấu suốt mãnh liệt nhất.

Khoảng 11 giờ, ông về phòng và nằm nghỉ nửa giờ với các tạp chí Economist (Người Kinh Tế), Time (Thời Báo) hoặc Newsweek (Tuần Tin Tức), các sách ảnh thực vật, núi, chim, loài vật hoặc truyện trinh thám. Ông hiếm khi đọc các sách về những đề tài nghiêm trọng, nhưng ông được thông tin rất trung thực về tình hình thế giới, tiến bộ trong khoa học kỹ thuật và quá trình thoái hóa đang gặm nhấm con người. Buổi trưa, ông xoa bóp bằng dầu và tắm nước nóng. Cơm trưa lúc một giờ. Ông dùng thức ăn Ấn nhưng không có món xào và rất ít ngọt. Ông thích dưa món giầm nóng và tự mình xắt nhỏ. Lúc cơm trưa lại có thảo luận và thường là khách mời.

Các cuộc đàm thoại thay đổi từ sự vụ quốc tế đến khám phá khoa học, chiến tranh, giải trừ vũ khí nguyên tử và vấn đề bế tắc của nó. Krishnaji hết sức hiếu kỳ, đặt những câu hỏi sâu xa. Đôi khi ông có tính cách tiên tri và dò dẫm vào tương lai. Những phát biểu của ông đi trước thời đại. Ông có những cái nhìn thấu suốt vào ý nghĩa trọng đại của các biến cố quốc tế và có thể nối kết chúng thành một tổng thể có tính cách toàn cầu. Ông thường hỏi khách viếng, “Điều gì đang xảy ra cho xứ sở này? Tại sao nó hoàn toàn đánh mất tính sáng tạo?” Không câu trả lời nào làm ông vừa ý. Câu hỏi nan giải này được cá nhân trang trọng giữ lấy trong mình, và như thế, đánh thức các dấu chỉ của nó. Phải đặt câu hỏi về sự thoái hóa ấy vào diễn biến nội tâm để cho tâm trí giữ lại vấn nạn đó và xem xét nó.

Sự chú ý của ông có một chiều về lâu dài thật khiếp đảm. Có lần ông nói với tôi là phải giữ mãi mãi một số vấn nạn trong tâm trí.

 Trong bữa trưa, Krishnaji tiếp tục các vấn đề được thảo luận kỹ lưỡng tại bàn ăn sáng. Đôi khi, ông kể chuyện Thánh Phêrô với thiên đàng và hỏa ngục, Liên Sô với các ủy viên nhân dân mà ông lặp lại hùng hồn, thú vị và rất tức cười. Ông hoàn toàn không có ác tâm. Ông ngượng ngịu trước người lạ và lúc ấy phải có ai đó lấp đầy khoảng trống dễ sợ đó.

Suốt nhiều năm, ông gặp biết bao là ngươi. Các sannyasi, Phật tử, tăng ni, siddha, những yogi lang thang đổ xô đến ông, tìm giải đáp hoặc an ủi. Ông không bao giờ từ chối gặp họ. Chiếc áo khất sĩ hoặc áo cà sa màu đất son của người tu khổ hạnh làm ông động lòng thương cảm sâu xa. Từ đầu thập niên 1970, có hai tu sĩ Kỳ na giáo khởi sự hằng năm viếng thăm ông. Cuộc hẹn của họ được ấn định trước một năm, vào chính xác ngày giờ và địa điểm. Trong Chaturmas, thời gian bốn tháng gió mùa, các tu sĩ ấy nghỉ trong am mình, hoàn toàn ngừng lang thang. Sau khi qua bốn tháng đó, hai tu sĩ bắt đầu hành hương, tới gặp Krishnaji, đôi khi đi bộ hơn ngàn cây số từ Bombay tới chỗ hẹn. Một tu sĩ bị bệnh bạch cầu, vị kia rất trẻ có đôi mắt đẹp. Họ mang khẩu trang vải để bảo đảm rằng cả trong khi thở cũng không làm hại côn trùng. Họ không biết tiếng Anh nên tôi phải thông dịch lời họ. Tôi ngồi trên bực cửa trong khi họ ngồi chung chiếu với Krishnaji vì giới luật tu sĩ cấm họ ngồi chung chiếu với phụ nữ. Họ nồng nhiệt đặt câu hỏi. Họ trẻ trung, khắc nghiệt phủ định thể xác mình, và sự giải thoát hứa hẹn vẫn không sắp xảy đến. Krishnaji rất dịu dàng với họ, các cuộc đàm đạo diễn ra thật lâu. Đến một năm nọ, không thấy hai tu sĩ cà sa trắng này xuất hiện theo lời hẹn. Không biết điều gì đã xảy ra. Có thể vị giám quản dòng tu của họ cảm nhận họ có sự nổi loạn chống thẩm quyền nên không cho phép họ duy trì các cuộc gặp gỡ với Krishnaji.

Sau cơm trưa, Krishnaji nghỉ ngơi. Tới khoảng bốn giờ ông lại bắt đầu gặp dân chúng. Một thiếu phụ lòa đến và ông đặt tay lên mắt bà. Ngồi với ông có một người khách vừa mất con, ông nắm tay bà, lau khô dòng lệ một cách tượng trưng, cứu chữa nội tâm bà; một thanh niên hoang mang, lạc lối trong thế giới bạo lực, đến tìm lời giải đáp.

Bắt đầu cuối thập niên 1970, ông gặp ít người hơn, nhưng hơn tuổi chín mươi ông lại sẵn lòng gặp bất cứ ai đến tìm ông; ông chẳng bao giờ từ chối người nào – người trẻ tuổi có ảo giác truyền thông với các vệ tinh; thiếu phụ trong cơn khổ não; thanh niên; cao niên; người mù. Ông không bao giờ quá bận rộn hoặc quá mệt.

Danh tính và lời giảng của ông nổi tiếng khắp nước, tận các ẩn am trong Hy Mã Lạp Sơn cũng như giới bác học. Các Phật tử Ấn nói đến ông như một Đại sư theo truyền thống Long Thọ; các Tôn sư Ấn giáo và các Sadhu nói về ông như một đấng giải thoát vĩ đại theo truyền thống Advaita, bất nhị nguyên. Họ đều thừa nhận ông là vị đạo sư sâu sắc nhất thời đại.

Khi trời về chiều, ông đi dạo. Ở tuổi chín mươi, sải chân ông vẫn dài, người vẫn thẳng đứng. Đi với ông có các bạn thân và con cháu họ. Đôi khi ông nắm tay một bé gái, cười cùng em. Thường ngày ông đi dạo hơn năm cây số, thở với đất, cỏ cây, lắng nghe âm thanh xa xa. Vừa đi vừa đàm đạo ít nhiều. Đôi khi ông thích đi một mình, tâm trí xa vắng. Ông nói rằng trong các cuộc đi dạo không một ý nghĩ nào chạm đến ông.

Về nhà, ông lại rửa người và thực hành thêm vài tư thế prayanam. Ông ăn tối nhẹ - xà lách, trái cây, hạt dẻ, cháo và rau quả. Trong những dịp họa hiếm ông ngồi lại bàn ăn với vài bạn hữu, gợi ý nhẹ nhàng đến trạng thái vĩnh cữu nằm bên kia tâm trí. Bàn tay đảm trách quan điểm của vị đạo sư. Tiếng nói ông thay đổi, đầy tràn sức mạnh, và luồng năng lượng; sự tĩnh lặng tràn vào ngập căn phòng.

Trong ông luôn tràn dòng sông thanh thản. Tâm trí ông không bao giờ cứng chắc. Ông sẵn sàng lắng nghe bất cứ lời phê phán nào. Tôi nhớ có ngày vào năm 1978 ở Colombo lúc ông và tôi ở chung nhà. Ông bồn chồn. Tôi nói với ông, “Thưa Ông, ông bị bối rối à.” Ông không trả lời. Chúng tôi bắt đầu mạn đàm về một điều khác. Tối đó, trong bữa ăn, ông quay sang tôi và nói, “Bà nói tôi bị bối rối. Chiều nay, tôi đem câu hỏi đó vào giường với mình. Tôi hỏi mình, ‘Có phải mình bối rối? Có phải vì bị tùy thuộc?’ Và đột nhiên tôi thấy nó. Tìm câu trả lời tức là để sự bối rối mọc rễ trong đất của tâm trí; và nó chấm dứt. Tôi không còn bối rối nữa. Tôi quan sát và lắng nghe mọi sự, cơ thể tôi, tâm trí tôi, để nhổ bật rễ bất cứ dấu vết bối rối nào”.

Ông cởi mở đón nhận mọi thách thức. Ông không bao giờ ngưng quan sát, lắng nghe, chất vấn. Tâm trí Krishnamuti ít giữ biểu tượng dù bản sắc con người ông rất gần gũi các dòng sông. Nói tại Bombay năm 1981, ông mô tả sông Hằng: “Có thể nó có một bắt đầu và một kết thúc. Nhưng cái bắt đầu thì không phải là dòng sông, cái kết thúc cũng không phải là dòng sông. Dòng sông là dòng nước chảy ở giữa. Nó đi qua làng mạc phố thị và người ta ném mọi sự xuống nó. Sông bị ô nhiễm, rác rưởi và nước cống tuôn xuống mình, nhưng chỉ ít dặm sau, sông thanh tẩy chính mình. Trong dòng sông đó mọi sự sinh sống, cá lội bên dưới và con người uống nước bên trên. Dòng sông đó. Đằng sau nó là áp suất lớn lao của nước, và dòng sông đó chính là diễn tiến tự thanh tẩy. Tâm trí ngây thơ như dòng sông. Không bắt đầu, không chấm dứt – không thời gian”.

Ông không bao giờ hao tổn năng lượng khi đi dạo, diễn thuyết hoặc làm công việc lặt vặt nào đó – đánh giày, nhắc lên hòn đá dời khỏi lối đi. Khi về già, những chấn động trong bàn tay ông gia tăng như một đáp ứng cơ thể nhạy cảm cao độ của ông đối với thế giới ồn ào và ô nhiễm.

Quan hệ của ông với thiên nhiên, thảo mộc, đá và quả đất có ý nghĩa đặc biệt; ông có khả năng thâm nhập vào những không gian bên trong thiên nhiên, cảm giác sự sống chuyển động trong đó. Gần đây, ông nói đến âm thanh vang vọng bên trong cây khi những âm thanh bên ngoài đã dứt.

Loài vật và chim tin cậy ông. Tôi từng thấy ông một mình ngồi trong vườn vãi gạo rang trên cỏ; chim mổ gạo cách người ông chừng gang tay, vài con đậu xuống vai ông. Mô tả chính mình, ông trích dẫn sai Browning: “e thẹn như sóc, bướng bỉnh như én”.

Khoảng mười giờ rưỡi ông đi ngủ. Ngay trước khi ngủ, trọn ngày và những hoạt động của nó lướt lẹ làng qua tâm trí ông: như một ánh chớp, ngày đó và những sự việc trong ngày cùng tất cả những hôm qua đều bị dập tắt. Trong khi ngủ, cơ thể Krishnaji giống như chim, cuộn mình vào. Ông không thích bị đánh thức thình lình. Ông nói họa hiếm lắm ông mới nằm mơ. Khi ông chổi dậy, khăn trải giường không một vệt nhăn.

Ông sẵn sàng thử mọi loại được thảo và các phương cách trị liệu cổ truyền; ông tránh dùng bất cứ thứ thuốc tây nào. Ông có ý thích kỳ cục về thực phẩm; thỉnh thoảng ông trộn sữa với nước cam; nhiều khi ông bỏ sữa; nhiều lần khác ông sống bằng thực phẩm sống. Ý thích kỳ cục này về thực phẩm thường làm trò cười cho các bạn ông. Ông không cho ai chạm vào chân ông như một nghi lễ tôn kính và chia sẻ ân phúc. Nếu có ai làm thế, ông cúi mình xuống, chạm vào chân kẻ đó.

Trong những lần diễn thuyết cho công chúng, một số lần có tới khoảng bảy ngàn người tham dự; ông vẫn mặc áo dhoti rộng, viền đỏ và áo dài màu mật. Krishnaji đi bộ tới khán đài, dân chúng vây quanh nhưng không chạm vào ông. Khi Krishnamuti ngồi trên diễn đàn, hình bóng ông vươn ra và kéo thính giả tới gần mình.

Ông bắt đầu phát biểu. Lưng thẳng, giọng rõ ràng để mọi âm sắc đạt tới tột đỉnh. Nét mặt ông không bị thời gian chạm đến. Tay ông đặt trên đùi; thỉnh thoảng chúng cử động, gánh phần biểu tượng cho điệu bộ, nhìn vào như những nụ hoa mở ra trong ánh sáng. Trong gần hai giờ, cử tọa động đảo giữ lặng yên, hầu như không nhúc nhích. Khi xong phần diễn thuyết, Krishnaji ngồi lại một phút, rồi chấp tay pranams và đám đông trào lên như sóng tràn tới phía ông. Cơ thể ông run rẩy với năng lượng tuôn trào qua nó. Ông đưa hai tay ra để người ta có thể tới gần nắm tay ông. Chầm chậm, ông tách mình ra.

Krishnaji bước xuống diễn đàn. Dân chúng dồn về lối đi nhỏ mà ông sắp bước qua; họ cúi xuống chạm bàn chân ông, ông đưa tay sờ mặt họ. Ông không rụt tay lại mà giữ chúng vươn ra tới phía bên kia. Tựa sư tử, ông bước đi, chầm chậm, trang trọng vô ngần. Mắt ông hướng tới gặp hàng trăm con mắt vây bọc ông. Đám đông không tránh khỏi xao động nhưng hình bóng tĩnh lặng của ông tỏa ra trật tự. Dân chúng dạt ra. Ông bước đi một mình. Trong xe, khi các bạn đồng hành cố quay kính lên thì ông ngăn lại. Tay ông đưa qua cửa hông xe. Suốt đường ra cổng, đàn ông, đàn bà ép vào xe, chạm tay ông, rướn người ra trước mắt ông. Một cảnh sát viên thấy đám đông dồn ép, ra lệnh đuổi họ đi. Ông bước xuống xe, ngăn anh lại, cầm tay anh và giữ nó. Người cảnh sát vứt gậy sang một bên, phụ phục dưới chân ông. Krishnaji nâng anh dậy và vẫn nắm bàn tay anh, ông bước vào xe. Khi xe chạy, người cảnh sát chạy theo, không chịu buông tay.

Trẻ con đợi ở tầng trệt trên Đường Peddar với tràng hoa thơm ngát kết bằng hoa lài và hoa hồng, lóng lánh hoa cỏ màu ngọc trai, hồng ngọc và bích ngọc. Ông vinh dự nhận nó, quàng vào cổ mình một lúc trước khi đem cho lại các trẻ em đứng gần.

Sống gần ông là ta lúc nào cũng như trong một trạng thái đầy nhiệt tình. Ông nồng cháy và thể xác những người cộng sự với ông nhanh chóng cảm thấy thân mật hình bóng ông. Thỉnh thoảng ông chất vấn các bạn mình, đòi buộc họ phải chú ý, quan sát. Ông cẩn thận trông chừng những lời phát biểu của họ, coi họ sát. Ông cẩn thận trông chừng những lời phát biểu của họ, coi họ có phản ứng nào mạnh mẽ với dân chúng không. Tâm trí nào đang băng hoại thì không kéo lê quanh ông được – ta hoặc phải chuyển động hoặc bị rớt lại đằng sau. Các khối bao la năng lượng tuôn trào; ta hoặc thuộc về nó hoặc bản thân ta không có chỗ đứng trong nó.

Thể xác ông mảnh khảnh nhưng tâm trí ông lúc nào cũng quyết liệt. Ông từng nói rằng vì ông dần dần hóa lão so với năng lượng vô tận hoạt động qua ông. Sự cấp bách gia tăng, nghị lực cũng thế. Dường như không gì có thể làm ông mệt mỏi. Ông thúc đẩy cơ thể, bước đi nhanh hơn, trắc nghiệm bản thân, tới độ hầu hết những người số tuổi bằng nửa ông cũng không theo kịp. Chỉ khi nào ông không làm gì, nằm yên trong giường, người ta mới thấy ông có vẻ còm cõi và luống tuổi. Tay ông run rẩy, cơ thể ông co rút. Nhưng trong buổi thảo luận, lúc điểm tâm hoặc ăn trưa, trong các cuộc diễn thuyết, mọi nét nhăn ấy bị quét sạch. Da ông màu ngà hình như nhẹ lâng lâng và dường như được chiếu sáng từ bên trong.

Ở tuổi chín mươi, Krishnaji tiếp tục du hành, phát biểu, tìm kiếm cho tâm trí được thức tỉnh và có khả năng nhận thức rõ ràng. Những nhận thức đó lên tới tột đỉnh không ẩn chút bóng tối nào và làm thay đổi não.

Năm 1980, Krishnaji nói với tôi rằng khi nào ông ngừng phát biểu thì cơ thể này sẽ chết. Cơ thể này chỉ có mục đích duy nhất: bộc lộ lời giảng.

-----o0o-----

Trích: Dòng Sông Thanh Tẩy

Nguyễn Ước Biên Dịch - NXB Văn Học, 2002.

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan