KHÔNG CŨNG CHẲNG KHÁC SẮC - TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT - GIẢNG LUẬN VỀ BÁT NHÃ TÂM KINH - LAMA MIGMAR TSETEN

KHÔNG CŨNG CHẲNG KHÁC SẮC

TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT - GIẢNG LUẬN VỀ BÁT NHÃ TÂM KINH

LAMA MIGMAR TSETEN

–––––o0o–––––

Chừng nào còn chưa có một chứng nghiệm thiền định về tính Không, mọi điều chúng ta đang tìm hiểu cũng chỉ là kiến thức trí năng. Tính Không không phải là một thứ để nghiên cứu một cách khách quan. Mục đích của nghiên cứu là truyền cảm hứng cho chứng nghiệm.
KHÔNG CŨNG CHẲNG KHÁC SẮC - TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT - GIẢNG LUẬN VỀ BÁT NHÃ TÂM KINH - LAMA MIGMAR TSETEN

Chừng nào còn chưa có một chứng nghiệm thiền định về tính Không, mọi điều chúng ta đang tìm hiểu cũng chỉ là kiến thức trí năng. Tính Không không phải là một thứ để nghiên cứu một cách khách quan. Mục đích của nghiên cứu là truyền cảm hứng cho chứng nghiệm.

Việc chúng ta dính mắc vào sự tồn tại hay sẽ siêu việt sự tồn tại phụ thuộc vào mức độ mắc mứu cảm xúc. Như đã nói, mọi thứ duyên sinh có thể được gồm trong năm uẩn. Những uẩn này có tồn tại đối với bạn hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào mức độ mắc mứu cảm xúc của bạn.

Do những níu bám mãnh liệt vào cái tôi, chúng ta sinh ra đủ kiểu cảm xúc hủy hoại. Từ những cảm xúc hủy hoại, chúng ta tạo ra nghiệp. Hai lý do chính khiến chúng ta chịu luân hồi là những cảm xúc hủy hoại và những hành động tạo nghiệp; cả hai đều có gốc rễ trong cái tôi.

Người hành trì thiền định hoặc người tu tập Phật giáo phải khảo sát xem bản ngã có tồn tại cố hữu không. Càng nhìn sâu, chúng ta càng khó tìm được một cái tôi cố hữu. Do không tìm được bản ngã, chúng ta có thể kết luận rằng bản ngã không tồn tại. Kết luận dựa vào lý trí này không có nghĩa là bạn đã xa lìa được bản ngã. Chỉ thông qua thiền định thâm sâu, chúng ta mới khiến tính chất vô ngã trở thành một chứng nghiệm.

Hành trì sơ khởi của thành tựu pháp được chia thành hai phần, tích lũy công đức và bồi đắp trí huệ. Tích lũy công đức và bồi đắp trí huệ là pháp đối trị mọi phiền não và ác nghiệp mà chúng ta đã tích tập trong nhiều kiếp sống.

Khi đã tịnh hóa mọi phiền não và nghiệp thông qua hành trì, bạn bắt đầu trải nghiệm một chút không gian bên trong. Khi có thoáng nhìn vào không gian bên trong thông qua hành thiền, bạn sẽ có một kinh nghiệm sâu sắc hơn về tính chất rỗng không của sắc tướng. Khi công đức đủ mạnh và bạn đã tịnh hóa mọi thứ tiêu cực, sự níu bám vào cái tôi sẽ lần đầu tiên bị tan rã.

Những tri kiến đầu tiên vào tính Không sẽ không tự động dẫn tới sự thực chứng ổn định về bản chất của tâm trí. Chúng ta có thể có thực hành rất hiệu quả, có một cái thấy vào bản chất rỗng không, nhưng điều đó có thể mất đi. Nó dễ bị quấy nhiễu bởi những sự việc bên ngoài hay cảm xúc bên trong.

Đó là lý do thành tựu pháp bao gồm hành trì tạo lập. Đây là một phương pháp để chúng ta biểu lộ tính Không trong một hình tướng thuần khiết hơn. Từ trạng thái rỗng không, chúng ta quán tưởng bản thân trong hình tướng của một thần thể. Không tướng của thần thể là một diễn đạt khác của không gian bên trong. Thông qua những thực hành cao cấp, không gian bên trong trở nên được hòa nhập trọn vẹn vào kinh nghiệm của chúng ta.

Ở mức độ hiện tại, chúng ta có thể có tri kiến bất chợt về không gian rỗng không, nhưng nó dễ bị các cảm xúc khỏa lấp. Chúng ta có thể có một thời hành thiền tuyệt vời, và đột nhiên những ý nghĩ dính mắc, sân hận hoặc mê lầm nổi lên trong tâm trí. Nếu sự quán tưởng bản thân như một thần thể không rõ ràng, đó là dấu hiệu cho thấy nghiệp và phiền não chưa được tịnh hóa hoàn toàn.

Sự quán tưởng càng rõ ràng, sự níu bám bản ngã càng yếu đi. Phiền não trở nên yếu đi. Khuôn mẫu hành xử do nghiệp trở nên yếu đi. Do sự thực hành giúp bạn tịnh hóa mọi yếu tố tiêu cực, những quán tưởng sẽ trở nên sống động và thuần khiết.

Khi bạn có thể thấy bản thân trong không tướng của thần thể, điều đó tương ứng với tính Không thứ hai, “Không tức là sắc”. Giờ đây, chúng ta thấy rằng “sắc” có một ý nghĩa rất khác giữa tính Không thứ nhất và tính Không thứ hai.

“Sắc tức là không” nói tới sắc dựa trên bản ngã. Sắc này là cơ thể vật lý và tất cả các uẩn. Chúng bắt rễ trong bản ngã phiền não. Kinh nghiệm đầu tiên về sắc được gọi là “cái thấy bất tịnh”.

Tính Không thứ hai, “không tức là sắc”, nói tới một hình tướng thuần khiết hơn. Nó được thể hiện bởi giai đoạn tạo lập trong thành tựu pháp. Hình tướng thuần khiết này không khởi lên từ sự níu bám bản ngã hay những cảm xúc tiêu cực. Hình tướng thiêng liêng của thần thể là một biểu đạt về bản chất thật của bạn. Mọi hiện tượng trở thành một cảnh giới thuần khiết xung quanh bạn vì chúng là biểu đạt của trí huệ bên trong. Mọi thứ giờ đây được biểu hiện từ một nguồn gốc vô ngã. Bởi vậy, những biểu hiện này không trở thành nguyên nhân và điều kiện làm tăng phiền não và nghiệp tiêu cực của bạn.

Nếu chưa có thực chứng trọn vẹn, bạn vẫn gặp rủi ro dính mắc vào cái thấy thuần khiết. Có khả năng bạn sẽ bám chấp vào hình tướng của thần thể trong thành tựu pháp. Thế nên tính Không thứ ba, “sắc chẳng khác không”, là hết sức quan trọng.

Tính Không thứ ba đang giúp chúng ta vượt khỏi hình tướng thiêng liêng. Khoảnh khắc chúng ta cảm thấy bất kỳ sự níu bám nào vào hình tướng của thần thể, sự níu bám ấy có thể trở thành một chướng ngại. Ngay cả sự kiêu hãnh thiêng liêng, ngay cả không tướng cũng phải được siêu việt.

Mục đích triết học của tính Không thứ ba là vượt qua sự bám chấp vào nhị nguyên tuyệt đối. Nếu chúng ta có một tâm trạng níu bám vào sự tồn tại của hình tướng thiêng liêng hoặc sự không tồn tại của tự ngã phàm tục, đó là nhị nguyên vẫn đang tác động. Nếu còn có nhị nguyên và sự mắc mứu cảm xúc, chúng sẽ là những chướng ngại đối với giải thoát.

Thế nên sau phần trì chân ngôn, giai đoạn tiếp theo của thành tựu pháp là sự tan rã của thần thể. Đây là lúc chúng ta thực hiện thiền vô niệm, làm tan rã thần thể. Chúng ta đang đảo ngược giai đoạn tạo lập.

Đầu tiên, chúng ta làm cái thấy thuần khiết, cảnh giới thuần khiết tan rã vào thần thể. Sau đó, chúng ta làm thần thể tan rã vào chân ngôn. Nếu đang thực hành thành tựu pháp Tara, chúng ta làm chân ngôn tan rã vào chủng âm “TAM”. Chúng ta làm tan rã lần lượt từng phần của chủng âm, phần trăng lưỡi liềm tan vào phần đỉnh, và tất cả tan vào tính Không.

Ở giai đoạn này, thành tựu pháp đang hòa nhập tính Không thứ ba, “sắc chẳng khác không”. Giờ đây, chúng ta đã vượt khỏi “vừa hiện hữu vừa không hiện hữu”. Chúng ta làm thần thể tan rã trở lại trạng thái rỗng không. Thực hành làm tan rã là để siêu việt cả sự hiện hữu lẫn không hiện hữu của thần thể.

Tính Không thứ tư nói rằng, “không cũng chẳng khác sắc” Tính Không thứ tư là để vượt khỏi nhị nguyên tuyệt đối. Có một số giáo pháp tuyên bố rằng bất nhị (non- dualism) là tuyệt đối. Nếu chúng ta tạo ra khái niệm hay tư tưởng nào đó, kể cả liên quan tới bất nhị, đó vẫn là sự dính mắc.

Tính Không thứ tư có vẻ giống như một khái niệm, nhưng thành tựu pháp cho chúng ta một phương thức rất rõ ràng để hội nhập. Sau khi thực hành phần thiền vô niệm, nếu đang hành trì thành tựu pháp Tara, chúng ta lập tức quán tưởng bản thân trong hình tướng Tara một lần nữa. Đưa quán tưởng này vào phần thực hành ngoài thời hành thiên. Chúng ta quán tưởng bản thân trong hình tướng Tara khi ăn, đi lại, ngủ, làm mọi việc hàng ngày.

Mục đích của thực hành ngoài thời hành thiền là để hòa hợp cuộc sống bình thường với cái thấy phi thường của thần thể. Bạn là Tara. Bạn là một vị Phật. Mọi người khác cũng là một vị Phật. Mọi ý nghĩ của bạn là trí huệ. Mọi lời nói của bạn là chân ngôn. Mọi hiện tượng là một biểu hiện của cái thấy thuần khiết. Khi chúng ta sống cuộc sống hàng ngày thông qua cái thấy thuần khiết của thần thể, đó là đang hội nhập tính Không thứ tư. Chúng ta đang vượt khỏi bất nhị.

Bất nhị trong ngữ cảnh này không liên quan đến chủ thể và đối tượng. Bất nhị ở đây nói tới trạng thái thiền định. Khi ở trong Phật tính, trong trạng thái thuần khiết đó, chúng ta là một với trí huệ. Chẳng có “tự ngã” hay “người khác” để mà siêu việt. Mọi thứ là toàn vẹn trong tính Không. Không gian bên ngoài và không gian bên trong được hợp nhất.

Khi sự chứng nghiệm thành tựu pháp hoặc sự chứng nghiệm sáu ba la mật đã vững chắc hơn, bốn tính Không sẽ có ý nghĩa như một sự tiến triển. Nếu chưa hiểu tính Không thông qua hành trì, bạn sẽ còn đầy rẫy nghi ngờ và những câu hỏi.

Như đã nói, bốn tính Không giúp chúng ta vượt khỏi các biên kiến. Chúng giúp chúng ta vượt khỏi nghiệp, phiền não và mọi tư tưởng. Chúng giúp chúng ta siêu việt cả ngã cá nhân lẫn ngã hiện tượng. Bởi vậy, chúng ta thường gọi bốn tính Không là “sự giải thoát khỏi bốn biên kiến”.

Bạn có thể tự hỏi kinh nghiệm xa lìa bốn biên kiến sẽ như thế nào? Nó là sự giác ngộ. Nó là Phật quả. Bạn có thể tự hỏi, “Rốt cục, sự tự do khỏi bốn biên kiến chẳng phải giống như hư vô? Chẳng phải nó sẽ xóa hết mọi thứ?” Bạn có thể tự hỏi, “Sao phải dựng lên tính Không gồm bốn khía cạnh này?”

Những nghi ngờ ấy chỉ có thể được giải quyết thông qua thực hành thành tựu pháp. Bốn tính Không giúp chúng ta đảo ngược con đường mình đã đi trong luân hồi. Thực hành thành tựu pháp có sức mạnh đảo ngược mọi dính mắc.

Bốn tính Không này không chỉ đúng với sắc tướng. Bạn có thể áp dụng bốn tính Không cho mọi uẩn khác. Đây là lý do chúng ta nhận quán đảnh của năm vị Thiền Phật để trí huệ được hợp nhất vào các uẩn. Năm vị Thiền Phật nói lên năm loại trí liên quan đến năm uẩn. Bản chất của các uẩn cũng là trí huệ. Năm trí biểu hiện trong tu tập Kim cương thừa như năm vị Phật. Họ đang dẫn dắt sự chuyển hoá của từng uẩn.

Năm uẩn là nền tảng; chúng là cơ sở để chúng ta xử lý. Chúng là đất để chúng ta cày xới. Thông qua hành thiền, năm uẩn có thể trở thành năm trí, và chúng ta thành Phật.

“Ngũ trí Như Lai” nói lên rằng sắc là trí huệ, thọ là trí huệ, tưởng là trí huệ, hành là trí huệ, thức là trí huệ.

Xá-lợi-phất! Cũng vậy, mọi hiện tượng đều là Không - thiếu vắng các đặc tính xác định; chúng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm.

Chữ “hiện tượng” dịch từ tiếng Phạn, “dharma”. Từ dharma có nhiều nghĩa. Khi chúng ta nói “Buddha, Dharma, Sangha” (Phật, Pháp, Tăng), Dharma hay Pháp nói tới giáo pháp của Đức Phật. “Dharma” có liên quan đến từ tiếng Phạn, “dharan”, nghĩa là “cầm” hay “nắm”. Trong kinh, “dharma” nghĩa là “có các đặc tính”.

“Dharma” có mười nghĩa khác nhau. Nó thường được dùng nhất trong ngữ cảnh “Buddhadharma” (Phật pháp), nói tới giáo pháp thiêng liêng và mọi hình thức tu tập mà Đức Phật đã cho chúng ta.

Trong từ “abhidharma” (a-tì-đạt-ma), chữ dharma nói tới mọi đối tượng thuộc về hiện tượng trong vũ trụ. Đây là những đối tượng có những đặc tính chung và đặc tính riêng mà chúng ta có thể sử dụng để nhận dạng chúng. Trong kinh, “dharma” dược hiểu là mọi đối tượng có những đặc tính chung và đặc tính riêng.

 “Đặc tính chung” là những đặc điểm áp dụng cho mọi thứ. “Đặc tính riêng” là những tính chất để chúng ta phân biệt đổi tượng này với đối tượng kia. Chính đặc tính riêng định ra sự khác biệt giữa hình dạng của một cái ly và hình dạng của một cái chuông. Sự kết hợp đặc tính chung và đặc tính riêng tạo nên nhận dạng của đối tượng.

Khi kinh nói, “mọi hiện tượng đều thiếu vắng các đặc tính xác định”, điều này có vẻ rất ngược đời theo mức độ hiểu biết hiện thời của chúng ta. Nếu “dharma” nghĩa là có đặc tính, tại sao lại nói chúng thiếu vắng các đặc tính?

Ở đây có một phân biệt quan trọng. Trong thế giới, tùy thuộc mọi đối tượng được nhận dạng dựa vào những đặc tính của chúng. Nhưng nếu nhìn kỹ cả đặc tính chung lẫn đặc tính riêng của những đối tượng ấy, bạn sẽ thấy các đối tượng biến mất. Đó là lý do nó có vẻ ngược đời. Theo sự thật tương đối, bạn có thể tìm được các đặc tính; bạn có thể thấy đối tượng. Theo sự thật tuyệt đối, khi khảo sát kỹ hơn, bạn thấy đối tượng thiếu vắng các đặc tính.

Trong Phật giáo, chúng ta có hai sự thật. Chúng ta có sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối. Cùng cái ly này có một phương diện tùy thuộc, tương đối, khiến chúng ta đồng ý rằng nó là cái ly. Nó còn có một phương diện tuyệt đối, trong đó bản chất thật của cái ly là sự rỗng không.

Là một người hành trì, khi có thực chứng, chúng ta có thể đồng thời thấy cả hình tướng lẫn bản chất rỗng không của cái ly. Chúng ta có thể vượt cả bốn biên kiến. Đến cuối cùng, mọi thứ đều thiếu vắng đặc tính.

Chúng ta cũng có thể thấy cụm từ “không sinh” trong kinh là rất nghịch lý. Dĩ nhiên, trong thế giới tương đối có sự sinh ra. Bởi vậy chúng ta mới đang ở đây. Nhưng xét rốt ráo, nếu nhìn kỹ hơn, sự sinh hiện diện ở đâu? Nó khởi lên như thế nào? Nhìn từ tầm nhìn của sự thật tuyệt đối, chúng ta không tìm được sự sinh ra. Nó là “không sinh”.

Bất cứ thứ gì sinh ra trong thế giới tương đối cũng sẽ hư hoại và mất đi. Nó sẽ diệt. Nhưng từ tầm nhìn của sự thật tuyệt đối, mọi thứ đều thoát khỏi cái chết, thoát khỏi sự hư hoại, thoát khỏi sự diệt. Nó là “không diệt”.

Hơn nữa, từ tầm nhìn của sự thật tuyệt đối, mọi thứ là “không dơ”. Bản chất tối hậu của mọi sự là thuần khiết, nên mọi thứ về bản chất là không dơ.

Từ tầm nhìn của sự thật tuyệt đối, kinh nói mọi thứ cũng “không sạch, không tăng, không giảm”. Những lời này đều đang nói tới bản chất thật của mọi sự, được nhìn thông qua trí huệ về sự thật tối hậu.

Ở thế giới tương đối, một thứ có thể không sạch vì nó đã bị ô uế. Nhưng ở cấp độ tối hậu, mọi thứ từ xưa đến nay vốn đã thuần khiết, nên không cần được làm sạch. Bản chất của nó đã luôn là sự thuần khiết.

Những dòng này của kinh có vẻ nghịch lý với chúng ta. Nhưng chúng không nghịch lý với một vị Phật, người thông qua thiền định đã thấy chân lý tối hậu. Những dòng này có vẻ nghịch lý với chúng ta, vì chúng ta vẫn đang trải nghiệm mọi thứ ở cấp độ tương đối. Mọi hiện tượng sẽ vẫn xuất hiện với chúng ta như là có đặc tính. Chúng được sinh ra. Chúng có thể bị ô uế, có thể được làm sạch, và có thể hư hoại. Với những hành giả thức tỉnh đã thực chứng tính Không, không có đặc tính nào tồn tại.

–––––o0o–––––

Trích “Trí Huệ Siêu Việt”, Giảng Luận Về Bát Nhã Tâm Kinh

Tác giả : Lama Migmar Tseten

Người dịch: Thái An

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

 

Bài viết liên quan