KHÔNG TRÌ HOÃN CHO VIỆC THỰC HÀNH PHÁP - Trích “Một Trăm Lời Khuyên Dạy Giáo Lý Của Phật Giáo Tây Tạng Về Những Điều Quan Trọng Nhất” – Padampa Sangye - Dilgo Khyentse Rinpoche

KHÔNG TRÌ HOÃN CHO VIỆC THỰC HÀNH PHÁP

Trích “Một Trăm Lời Khuyên Dạy Giáo Lý Của Phật Giáo Tây Tạng Về Những Điều Quan Trọng Nhất” – Padampa Sangye - Dilgo Khyentse Rinpoche

Tủ Sách Liên Hoa Sanh

---o0o---

Nếu bạn sử dụng hiện tại một cách vô ích và rời khỏi cuộc đời này với đôi bàn tay trắng,
KHÔNG TRÌ HOÃN CHO VIỆC THỰC HÀNH PHÁP - Trích “Một Trăm Lời Khuyên Dạy Giáo Lý Của Phật Giáo Tây Tạng Về Những Điều Quan Trọng Nhất” – Padampa Sangye - Dilgo Khyentse Rinpoche

 

Lời khuyên thứ 01:

Nếu bạn sử dụng hiện tại một cách vô ích và rời khỏi cuộc đời này với đôi bàn tay trắng,

Hỡi dân chúng Tingri, thật khó gặp lại một đời người sau này.

Một số người cho rằng không có gì phải vội vã trong việc gặp một Đạo sư tâm linh và sau này sẽ luôn luôn có đủ thời gian để thực hành Pháp. Với thái độ này bạn sẽ bỏ mặc việc thực hành tâm linh và mải mê theo đuổi những bận tâm tầm thường của bạn.

Khi đến mùa gieo trồng, các nông dân bắt đầu làm việc tức thì. Họ không trì hoãn công việc đến ngày hôm sau. Cũng thế, khi những thuận duyên cho việc thực hành Pháp cùng tụ hội, bạn cần tập trung mọi năng lực để thực hành, không trì hoãn thêm nữa.

Lời khuyên thứ 02:

Với thân, ngữ và tâm bạn, hãy tập trung vào Thánh Pháp,

Dân chúng Tingri, đó là điều tốt nhất bạn có thể làm.

Nhờ tiến trình liên tục của nhân và quả, những hành vi, lời nói và tư tưởng của ta quyết định cho hạnh phúc hay đau khổ mà ta sẽ trải nghiệm sau này. Nếu cán cân những hành vi của ta nghiêng về phía tiêu cực, ta sẽ đau khổ trong những trạng thái thấp kém của sự hiện hữu trong luân hồi sinh tử. Nếu nó ngả về phía tích cực, ta sẽ có thể giải thoát bản thân khỏi sinh tử và đạt được Phật quả chỉ trong một đời. Sự chọn lựa thật rõ ràng: hãy tránh những nguyên nhân của đau khổ và nhờ đó chắc chắn được hạnh phúc.

Nếu bạn được sinh ra làm người, ở một nơi Phật Pháp đã phát triển, và gặp một Đạo sư tâm linh chứng ngộ, bạn có thể đưa những giáo huấn của ngài vào thực hành và thu hoạch những lợi ích bao la trong đời này và mọi đời sau. Bạn sẽ nhận ra rằng việc bạn tập trung vào những phóng dật và bận tâm thế tục đang giam giữ bạn như những tù nhân trong sinh tử, và bạn sẽ bắt đầu cảm thấy một khát khao mãnh liệt giải thoát chính mình.

 

Ngay bây giờ, bạn đang đứng ở một giao lộ: một hướng đưa tới giải thoát, hướng kia dẫn tới những cõi sinh tử khác nhau.

Một bộ Kinh nói:

Thân là con thuyền có thể đưa con tới bến bờ giảt thoát,

Thân là tảng đá có thể khiến con đắm chìm trong vực sâu sinh tử,

Thân là người phục vụ của sự xấu xa và đức hạnh.

Giống như một miếng pha lê tinh khiết khúc xạ màu sắc của tất cả những gì đặt trước nó, các hành vi trở nên tích cực hay tiêu cực thì tùy thuộc vào ý hướng của bạn. Vì thế điều thiết yếu là bạn phải đi theo con đường đúng đắn và hướng những hành vi, lời nói, và tư tưởng của bạn về Pháp.

Vào lúc bắt đầu, bạn cần tập trung mọi năng lực vào việc nuôi dưỡng những khuynh hướng tích cực và loại trừ những khuynh hướng tiêu cực. Bà la môn Upagupta, người sống cùng thời với Đức Phật, thường làm tăng trưởng sự cảnh giác và đo lường mức tiến bộ của mình bằng cách ghi chép mỗi ngày.

Mỗi buổi tối, ông làm thành hai nhúm sỏi, sỏi đen tượng trưng cho mỗi tư tưởng hay hành động xấu mà ông đã phạm trong ngày và sỏi trắng tượng trưng cho điều đáng được ngợi khen. Lúc đầu, nhúm sỏi đen cao hơn nhiều, nhưng dần dần thì hai nhúm cao bằng nhau. Với sự kiên trì lớn lao, cuối cùng ông đạt tới chỗ toàn bộ những viên sỏi mà ông thâu thập đều là màu trắng.

Lời khuyên thứ 03:

Hãy hiến tặng chính cuộc đời, trái tim và tâm hồn của bạn cho Tam Bảo,

Dân chúng Tingri, những gia hộ của các ngài không thể không xuất hiện.

Niềm tin không thể lay chuyển ở Tam Bảo và ở Đạo sư tâm linh là hiện thân của Tam Bảo, thì giống như một hồ nước yên tĩnh và trong trẻo, trong đó mặt trăng gia hộ của các ngài được phản chiếu rõ ràng. Khi bạn có một sự xác tín mạnh mẽ như thế, tâm bạn sẽ trong trẻo và an tĩnh, tràn đầy ân phước của sự hiện diện của Tam Bảo. Như thế những hoàn cảnh tốt hay xấu có là gì đối với bạn?

Lời khuyên thứ 04:

Hãy quên đi những mục đích của cuộc đời này - thay vào đó tập trung vào những đời sau.

Dân chúng Tingri, đó là mục đích tối thượng.

Chẳng là vô ích sao khi chỉ thực hành Pháp trong viễn cảnh hẹp hòi của cuộc đời này, với sức khỏe, sự trường thọ, và tiện nghi của riêng bạn như những mục đích chính của bạn. Thay vào đó, hãy cố gắng suy nghĩ về những gì sắp xảy ra cho bạn trong mọi đời sau. Và bạn không chỉ suy xét về tương lai của riêng bạn mà còn phải suy xét về tương lai của tất cả chúng sinh.

Bất kỳ điều gì bạn làm, chính ý hướng tiềm ẩn sẽ quyết định kết quả là tốt hay xấu. Nếu bạn sắp kiềm chế và chuyển hóa tâm bạn – thì xét cho cùng, đó chính là mục đích của Giáo Pháp – điều quan trọng là bạn bắt đầu bằng cách khảo sát những ý hướng và tư tưởng tiềm ẩn đó. Thực ra thì bạn thực hành Pháp cho điều tốt lành của riêng bạn, hay cho điều tốt lành của những người khác?

Mối quan tâm đầu tiên của ta là tìm kiếm hạnh phúc của riêng ta và cố gắng thoát khỏi đau khổ. Nhưng nếu bạn lùi lại và nhận ra rằng bản thân bạn chỉ là một chúng sinh trong toàn thể vô lượng chúng sinh thì khi so sánh, những nhu cầu cá nhân và nỗi sợ hãi của bạn dường như vô nghĩa. Giống như bạn ước muốn hạnh phúc, mỗi một trong tất cả chúng sinh đó cũng ước muốn như thế. Nhưng khi theo đuổi hạnh phúc của họ, hầu hết mọi điều họ làm chỉ mang lại đau khổ.

Nếu như họ có thể lắng nghe và tuân theo lời dạy sâu xa của Giáo Pháp, thì giống như người mù tìm lại được thị lực của mình, họ sẽ nhận ra rằng hạnh phúc - của bản thân họ và của những người khác, trong đời này và những đời sau - chỉ được tạo nên bởi những hành vi tích cực.

Cách thức duy nhất để thoát khỏi vòng tròn xấu xa của đau khổ và đạt được hạnh phúc lâu dài của sự giác ngộ là hết sức chú tâm thực hiện những hành vi tích cực và tránh làm những hành vi tiêu cực. Quả thực, nếu bản thân bạn không hoàn toàn thâm nhập chân lý này, dù bạn có thể khẳng định là mình muốn giúp đỡ người khác, nhưng những nỗ lực của bạn sẽ hoàn toàn vô ích.

Khi bạn đang tuân theo các giáo lý và đưa chúng vào thực hành, đây là lý do tại sao điều tối quan trọng là không làm những điều đó để được kính trọng hay được tưởng thưởng cho sự uyên bác của bạn, mà làm với tư tưởng “Cầu mong tôi đạt được giác ngộ và có thể hiến tặng những giáo lý này cho tất cả chúng sinh, theo cách đó đưa dẫn họ tới Phật quả.”

Nếu tâm bạn được hướng đến những mục đích tích cực như thế, bạn có thể chắc chắn rằng những lời bạn nói và những việc bạn làm sẽ cùng đi một hướng một cách tự nhiên, giống như những người đầy tớ làm theo hiệu lệnh của ông chủ. Nhưng nếu tâm bạn bị xao lãng và đầy tham, sân và si, thì dù bạn trì tụng hay dâng cúng nhiều triệu thần chú và lễ lạy, điều đó sẽ giống như ăn thực phẩm thơm ngon trộn với thuốc độc. Đó không phải là cách thức để tiến tới Phật quả.

Hãy cố gắng duy trì một cách hoàn hảo những tư tưởng thuần tịnh trong mọi hoàn cảnh khiến cho ngay cả những hành vi vô nghĩa nhất của bạn cũng bảo tồn được năng lực tích cực của chúng cho tới khi bạn thành tựu giác ngộ. Một giọt nước rơi vào đại dương sẽ tồn tại cho đến khi đại dương còn hiện hữu.

--o0o--

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan