KIÊN TRÌ TẬP LUYỆN LÀ NGUỒN GỐC THÀNH CÔNG - NHỮNG KẺ XUẤT CHÚNG (OUTLIERS) - MALCOLM GLADWELL

KIÊN TRÌ TẬP LUYỆN LÀ NGUỒN GỐC THÀNH CÔNG

NHỮNG KẺ XUẤT CHÚNG (OUTLIERS) - MALCOLM GLADWELL

Dịch: Diệu Ngọc

---o0o---

Đầu những năm 1990, trong cuộc tranh luận về tài năng, nhà tâm lý học K. Anders Ericsson và hai đồng sự tại Học viện Âm nhạc danh giá của Berlin, đã tiến hành một nghiên cứu mang tên Exhibit A. Với sự trợ giúp của hai giáo sư Học viện, họ phân những người chơi vĩ cầm trong trường ra thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm các ngôi sao, những sinh viên có tiềm năng trở thành những nghệ sĩ...
KIÊN TRÌ TẬP LUYỆN LÀ NGUỒN GỐC THÀNH CÔNG - NHỮNG KẺ XUẤT CHÚNG (OUTLIERS) - MALCOLM GLADWELL

Đầu những năm 1990, trong cuộc tranh luận về tài năng, nhà tâm lý học K. Anders Ericsson và hai đồng sự tại Học viện Âm nhạc danh giá của Berlin, đã tiến hành một nghiên cứu mang tên Exhibit A. Với sự trợ giúp của hai giáo sư Học viện, họ phân những người chơi vĩ cầm trong trường ra thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm các ngôi sao, những sinh viên có tiềm năng trở thành những nghệ sĩ biểu diễn độc lập đẳng cấp thế giới. Nhóm thứ hai là các sinh viên được đánh giá thuần túy là “tốt”. Nhóm thứ ba là các sinh viên có vẻ sẽ không bao giờ chơi nhạc chuyên nghiệp và những người có ý định trở thành giáo viên âm nhạc trong hệ thống trường công. Tất cả những người chơi vĩ cầm sau đó đều được hỏi một câu giống nhau: xuyên suốt quá trình rèn luyện trong toàn bộ sự nghiệp của mình, kể từ lần đầu tiên cầm cây vĩ cầm, bạn đã luyện tập bao nhiêu giờ đồng hồ?

Tất cả mọi người thuộc cả ba nhóm đó đều bắt đầu chơi vào độ tuổi như nhau, khoảng 5 tuổi. Trong vài năm đầu tiên, mọi người luyện tập với khối lượng tương đương nhau, khoảng hai hoặc ba giờ một tuần. Nhưng khi các học sinh lên 8 tuổi, những khác biệt thực sự bắt đầu xuất hiện. Những học sinh cuối cùng trở thành xuất sắc nhất trong lớp bắt đầu luyện tập nhiều hơn các bạn khác: sáu giờ một tuần vào 9 tuổi, tám giờ một tuần lúc 12 tuổi, mười sáu giờ một tuần lúc 14 tuổi, và cứ nâng cao nâng cao thêm. Đến khi bước vào tuổi 20 thì họ đã luyện tập - chơi thứ nhạc cụ họ yêu thích theo cách có chủ định và đầy chuyên tâm với mục đích trau dồi cho mình xuất sắc hơn - miệt mài hơn ba mươi giờ một tuần. Trên thực tế, bước vào lứa tuổi 20, mỗi tài năng ưu tú đã có tổng cộng 10.000 giờ luyện tập. Ngược lại, những học sinh chơi tốt thuần túy chỉ có tổng cộng 8.000 giờ, còn các giáo viên âm nhạc tương lai thì chỉ có hơn 4.000 giờ.

Ericsson và các đồng sự của ông sau đó đã so sánh các tay chơi dương cầm nghiệp dư với các nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Hình mẫu tương tự lại nổi lên. Những người chơi nghiệp dư không bao giờ luyện tập nhiều hơn ba giờ một tuần trong suốt thời thơ ấu, và cho đến khi 20 tuổi, họ đã có tổng cộng 2.000 giờ luyện tập. Ở phía còn lại, thời gian luyện tập của những nghệ sĩ chuyên nghiệp đã tăng rất nhiều, cho đến tuổi 20, họ, giống như các nghệ sĩ vĩ cầm, đã đạt tới 10.000 giờ.

Điều nổi bật trong nghiên cứu của Ericsson là ông và các đồng sự không thể tìm ra bất cứ “người có khiếu tự nhiên” nào, tức không có nghệ sĩ nào dễ dàng vươn tới đỉnh cao mà lại luyện tập chỉ bằng một phần nhỏ so với thời gian các bạn đồng trang lứa bỏ ra. Hay họ cũng không thể tìm ra bất cứ “kẻ cần cù” nào - những người làm việc chăm chỉ hơn tất cả kẻ khác, mà lại không hội tụ đủ những gì cần thiết để lọt vào top xuất sắc nhất. Nghiên cứu đã kết luận rằng một nghệ sĩ âm nhạc nào đó có đủ năng lực để bước vào một trường âm nhạc đỉnh cao, thì thứ để phân biệt một nghệ sĩ trình diễn với những người khác chính là anh ta/ cô ta làm việc chăm chỉ đến đâu. Là vậy đấy. Hơn thế, những người ngự trên đỉnh cao không chỉ làm việc chăm chỉ hơn hay chăm chỉ hơn nhiều so với những người khác - họ làm việc chăm chỉ hơn rất, rất nhiều, rất nhiều.

Ý tưởng rằng: để thực hiện hoàn hảo một nhiệm vụ phức hợp đòi hỏi một mức độ luyện tập tối thiểu mang tính then chốt đã xuất hiện trở đi trở lại trong các nghiên cứu về những tài năng chuyên môn. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu có một niềm tin tuyệt đối về mức thời gian cần thiết để đạt đến sự tinh thông thực sự, đó là con số kỳ diệu: 10.000 giờ đồng hồ.

“Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: 10.000 giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới - trong bất kỳ lĩnh vực nào”, bác sĩ chuyên khoa thần kinh học Daniel Levitin viết. “Trong những nghiên cứu khác nhau về các nhà sáng tác tiểu trong bất cứ lĩnh vực soạn nhạc, cầu thủ bóng rổ, các cây bút sáng tác tiểu thuyết, vận động viên trượt băng, nghệ sĩ dương cầm, tuyển thủ cờ vua, những tên tội phạm lão luyện... hằng số này luôn trở đi trở lại. Tất nhiên, điều này không lý giải tại sao một số người lại thu hoạch được nhiều từ những buổi luyện tập hơn người khác. Nhưng cho tới chưa ai tìm thấy một trường hợp nào trong đó một nay tay lão luyện tầm cỡ thế giới lại đạt được mức hoàn thiện trong khoảng thời gian ngắn hơn. Có vẻ như não bộ phải mất từng ấy thời gian hấp thu tất cả những gì nó cần để đạt tới sự tinh thông thực thụ.”

Điều này là thật sự ngay cả với những người chúng ta thường nghĩ đến như những nhân vật phi thường. Thí dụ như Mozart, đã bắt đầu viết nhạc rất cừ từ hồi lên 6. Nhưng, nhà tâm lý học Michael Howe viết trong cuốn sách Genius Explained (tạm dịch: Lý giải thiên tài):

… So với các tiêu chuẩn dành cho những nhà soạn nhạc thuần thục, những tác phẩm ban đầu của Mozart không hề xuất sắc. Những tác phẩm sơ khởi nhất gần như chắc chắn đều do cha ông viết, và có lẽ được sửa đổi, nâng cấp... Rất nhiều trong số các tác phẩm thời thơ ấu của Wolfgang, như bảy bản đầu tiên trong số các concerto dành cho dương cầm và dàn nhạc, phần lớn đều là soạn lại từ tác phẩm của những nhà soạn nhạc khác. Còn trong số những bản concerto chỉ bao gồm âm nhạc nguyên bản của Mozart, tác phẩm sớm nhất giờ đây được coi là một kiệt tác (No.9, K.271) được sáng tạo nên khi ông 21 tuổi: vào thời điểm đó Mozart đã sáng tác concerto được mười năm rồi.

Nhà phê bình âm nhạc Harold Schonberg còn đi xa hơn khi cho rằng: Mozart, thực ra là “phát triển muộn”, vì phải sau hơn 20 năm sáng tác ông mới có được tác phẩm vĩ đại nhất của mình.

Để trở thành một kiện tướng cờ vua có vẻ cũng phải mất khoảng mười năm. (Chỉ có huyền thoại Bobby Fischer đạt tới đẳng cấp tinh hoa đó trong khoảng thời gian ngắn hơn một chút: ông mất chín năm). Còn mười năm là thứ gì vậy? À vâng, đó đại khái là chuyện mất bao nhiêu lâu để thực hiện được 10.000 giờ luyện tập nghiêm chỉnh. 10.000 giờ là con số thần kỳ của sự vĩ đại.

Đây chính là lời giải thích cho tâm lý hoang mang mà danh sách đội hình của các đội tuyển thể dục thể thao quốc gia Czech hay Canada gây ra. Thực tế là không có ai trong những đội tuyển ấy sinh sau ngày 1 tháng Chín, thứ dường như chẳng có ý nghĩa gì. Bạn sẽ nghĩ rằng có lẽ tồn tại một con số đáng kể những tuyển thủ cừ khôi môn khúc côn cầu hay túc cấu ở Czech sinh vào khoảng cuối năm, những người quá tài năng đến nỗi họ cuối cùng cũng đến được đỉnh cao như những người trưởng thành trẻ tuổi, bất kể ngày sinh của họ.

Nhưng đối với Ericsson và những ai lập luận phản lại vai trò ưu việt của tài năng, điều đó chẳng đáng ngạc nhiên chút nào. Rằng tay cừ khôi sinh sau đẻ muộn không được lựa chọn vào đội toàn-sao như một đứa trẻ 8 tuổi là bởi vì cậu ta còn quá bé. Vậy nên cậu không có được phần luyện tập phụ trội. Và thiếu mất phần luyện tập phụ trội ấy, cậu không có cơ hội nào đạt tới mức 10.000 giờ vào thời điểm các đội khúc côn cầu chuyên nghiệp bắt đầu tìm kiếm tuyển thủ. Và thiếu mất 10.000 giờ kinh nghiệm, chẳng có cách nào để cậu ta có thể vận dụng thành thục những kỹ năng cần thiết chơi ở trình độ đỉnh cao. Thậm chí cả Mozart - thiên tài âm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại - cũng không thể nào đạt tới sự tiến bộ của mình cho tới khi ông nằm trong tay 10.000 giờ đồng hồ rèn giũa. Luyện tập không phải thứ bạn làm khi bạn đã giỏi giang. Nó là thứ bạn làm để khiến mình giỏi giang.

Một điều thú vị khác về 10.000 giờ đó. Đương nhiên 10.000 giờ là một khối lượng thời gian to lớn. Nhưng lại bất khả thi để đạt tới con số đó một thân một mình cho tới tận khi bạn là một người trưởng thành trẻ tuổi. Bạn buộc phải được bố mẹ khuyến khích và hỗ trợ. Bạn không thể nghèo túng, bởi nếu bạn phải giữ rịt lấy một công việc làm thêm để kiếm kế sinh nhai, sẽ không còn đủ thời gian trong ngày để luyện tập cho đầy đủ. Trên thực tế, hầu hết mọi người có thể đạt tới con số đó chỉ khi họ tham gia vào loại chương trình đặc biệt nào đó - như là một đội tuyển toàn-sao môn khúc côn cầu - hoặc giả nếu họ có được một vận may phi thường nào đó mang lại cho họ cơ hội đạt được từng này tiếng đồng hồ.

 

Trích: Những Kẻ Xuất Chúng (Outliers)

Tác giả: Malcolm Gladwell

Dịch: Diệu Ngọc

NXB Alphabooks - NXB Thế Giới

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan