KINH NGHIỆM - BA TRỤ THIỀN – PHILIP KAPLEAU

KINH NGHIỆM

BA TRỤ THIỀN – PHILIP KAPLEAU (1912 - 2004)

Người dịch: Đỗ Đình Đồng

---o0o---

Người xưa nói Tâm giác ngộ có thể ví với con cá đang bơi. Điều đó đúng làm sao! Không có sự ngưng trệ nào cả. Mình cảm thấy vô ngại. Mọi vật chảy êm ái, tự do. Mọi vật chảy êm ái, tự do. Sự tự do vô giới hạn này ở bên kia mọi diễn đạt. Thật là một thế giới kỳ diệu!
KINH NGHIỆM - BA TRỤ THIỀN – PHILIP KAPLEAU

Ông K. Y., Quản Trị Viên Nhật, 47 tuổi

 

27-11-1953

 

Lão sư Trung Xuyên (Nakagawa - roshi) thân mến,

 

Cảm ơn thầy vì cái ngày hạnh phúc mà tôi đã sống ở tự viện của thầy.

 

Thầy nhớ cuộc tranh luận đã dấy lên về vấn đề nhận ra Tự tánh tập trung quanh người đàn ông Mỹ đó chứ? Vào lúc ấy tôi khó tưởng tượng nổi chỉ vài hôm sau tôi phải tường trình với thầy về kinh nghiệm của mình.

 

Ngay sau khi viếng thầy, tôi đã lên xe lửa trở về nhà cùng với vợ tôi. Tôi đang đọc một tập sách Thiền của Son-O, người mà thầy có thể nhớ ra là một bậc sư của Thiền Tào Động, sống vào thời Genroku (1688-1703). Khi xe lửa đến gần ga Ofuna, tôi đọc đến câu: “Tôi đã đến chỗ nhận ra rõ ràng rằng Tâm không khác với núi sông và trái đất rộng lớn, mặt trời, mặt trăng và các vì sao.”(15)

 

Trước kia tôi đã đọc câu này rồi, nhưng lần này nó gây cho tôi một ấn tượng quá ư sống động khiến tôi giật mình. Tôi tự bảo: “Sau tám năm tọa thiền, cuối cùng mình mới nhận ra cái cốt yếu của câu nói này,” và không thể nén được, nước mắt bắt đầu dâng trào. Hơi xấu hổ thấy mình

 

-----------------------------------------------

 

(15) Câu này dẫn trong Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shobo Genzo) của Đạo Nguyên, nguyên thấy trong Zenrui số 10, một tác phẩm Thiền vào thời kỳ đầu của Thiền Trung quốc.

 

khóc giữa đám đông, tôi quay mặt đi và dùng khăn tay xoa mắt.

 

Khi tàu đến ga Kamakura, vợ tôi và tôi xống tàu, trên đương về nhà, tôi nói với vợ: “Trong tâm thái hiện tại anh đã có thể vươn đến những đỉnh cao nhất.” Vợ tôi cười đáp: “Thế thì em ở chỗ nào?” Suốt lúc ấy tôi cứ lặp đi lặp lại câu dẫn trên với mình.

 

Bất ngờ, hôm ấy có vợ chồng em trai tôi ở lại nhà tôi và tôi kể cho họ nghe về cuộc viếng thăm của tôi ở chùa thầy và về người Mỹ ấy trở lại Nhật bản chỉ để đạt giác ngộ. Tóm lại, tôi đã kể lại với họ mọi chuyện mà thầy đã nói với tôi, và hơn mười một giờ rưỡi tôi mới đi ngủ.

 

Đến nửa đêm, tôi bỗng thức dậy, thoạt tiên tâm tôi u ám sương mù, rồi đột nhiên câu dẫn trên lóe lên trong tâm thức: “Tôi đã đến chỗ nhận ra rõ ràng rằng Tâm không khác với núi sông và trái đất rộng lớn, mặt trời, mặt trăng và các vì sao.” Và tôi lặp lại.

 

Rồi bỗng tôi như bị sét đánh và trời đất biến mất. Giống như những đợt sóng nhô cao, lập tức niềm hân hoan khôn tả dâng lên trong tôi, một cơn bão táp hân hoan đích thực, khi tôi cười lớn như điên cuồng: “Ha, ha, ha, ha, ha, ha, ha, ha!” Ở đây không có lý lẽ! Không có lý lẽ gì ráo! Bầu trời trống rỗng tách đôi, rồi nó há cái miệng to lớn phi thường và bắt đầu cười rú lên: “Ha, ha, ha, ha!” Sau đó, một người trong gia đình tôi bảo rằng tiếng cười của tôi nghe có vẻ không phải người.

 

Lúc ấy tôi đang nằm ngửa, bỗng nhiên tôi ngồi bật dậy, lấy hết sức đập mạnh xuống giường và dùng chân nện xuống sàn nhà như cố phá nát nó ra, và cười huyên náo suốt lúc ấy. Vợ tôi và đứa con trai nhỏ nhất của tôi ngủ bên cạnh tôi liền thức dậy, sợ hãi. Vợ tôi lấy tay bịt miệng tôi và kêu lên: “Chuyện gì thế anh? Chuyện gì thế anh?” Nhưng tôi không hề biết chuyện ấy, về sau nghe kể lại tôi mới biết. Đứa con trai tôi bảo rằng nó tưởng tôi điên.

 

“Tôi đã đến giác ngộ rồi! Phật Thích-ca Mâu-ni và chư Phật đã không lừa dối tôi! Các Ngài đã không lừa dối tôi!” Tôi nhớ mình đã khóc la lớn, khi bình tĩnh lại, tôi xin lỗi cả nhà, họ đã xuống thang gác, sợ hãi vì sự náo động.

 

Lạy trước chân dung Quan Âm thầy tặng tôi, kinh Kim Cương, tập sách Lão sư Bạch Vân viết, tôi thắp nhang và tọa thiền đến nửa giờ sau, mặc dù dường như chỉ vài ba phút trôi qua.

 

Ngay bây giờ khi tôi viết, da tôi vẫn còn run rẩy.

 

Sáng hôm đó tôi đã đến ngặp Lão sư Bạch Vân và cố gắng trình bày với ông ấy kinh nghiệm về sự phân cách đột nhiên của trời và đất. “Tôi vui quá! Tôi vui quá!” tôi cứ lặp lại mãi và vỗ tay vào đùi đen đét. Nước mắt cứ trào ra, không ngăn được. Tôi cố kể lại với ông ấy kinh nghiệm đêm đó, nhưng miệng tôi run run không thành lời. Cuối cùng, tôi chỉ úp mặt vào lòng ông ấy. Vỗ nhẹ lên lưng tôi, ông ấy bảo: “Tốt, tốt lắm, quả thật hiếm có kinh nghiệm kỳ diệu như vậy. Ấy gọi là ‘Đạt Tâm Không.’ Ông đáng chúc mừng!” “Cảm ơn thầy,” tôi thì thầm và lại khóc vì vui. Tôi lặp lại với ông ấy: “Con phải tọa thiền kịch liệt hơn nữa.” Ông ấy tử tế cho tôi lời khuyên chi tiết để theo đuổi việc tu tập trong tương lai như thế nào. Sau đó, ông lại thì thầm bên tai tôi: “Mừng cho ông!” và hộ tống tôi đến chân núi như chớp nhoáng.

 

Mặc dù hăm bốn giờ đã trôi qua, tôi vẫn còn cảm thấy rõ ràng hậu quả của trận động đất ấy. Toàn thân tôi vẫn còn rung động. Tôi đã cười và khóc suốt ngày.

 

Tôi đang viết để tường thuật kinh nghiệm của mình với hy vọng rằng nó sẽ có giá trị cho các tăng nhân của thầy và cũng vì Lão sư Bạch Vân thúc giục.

 

Xin thầy làm ơn nhắc tôi với người Mỹ ấy. Hãy bảo ông ấy rằng ngay như tôi, một kẻ tầm thường và thiếu tinh thần, cũng có thể nắm được một kinh nghiệm kỳ diệu như thế khi thời gian chín muồi. Tôi thích nói chuyện dài dòng nhiều việc với thầy nhưng phải đợi lúc khác.

 

TB: Người Mỹ ấy hỏi chúng ta ông ấy có thể đạt ngộ trong một tuần nhiếp tâm không. Xin thầy hãy nói với ông ấy hộ tôi, đừng nói ngày, tuần, năm hay cả mấy đời. Đừng nói triệu hay tỷ kiếp. Hãy bảo ông ấy nguyện đạt giác ngộ dù phải mất vô tận, vô biên, vô lượng tương lai.

 

. Nửa đêm 28

 

(các đoạn nhật ký này được viết hai ngày sau)

 

Thức dậy, tưởng ba hay bốn giờ sáng, nhưng đồng hồ cho biết lúc ấy chỉ mới 12 giờ 30.

 

Hoàn toàn bình an bình an bình an.

 

Cảm thấy toàn thân tê cóng, song hai bàn tay và hai bàn chân nhún nhảy vì vui sướng trong ngót nửa giờ đồng hồ.

 

Tự do tự do tự do tự do tối thượng

 

Mình quá hạnh phúc ư?

 

Không có con người chung.(16)

 

Cái đông hồ lớn đổ chuông. Không phải cái đồng hồ mà Tâm đổ chuông. Chính vũ trụ đổ chuông! Không có Tâm cũng không có vũ trụ. Boong! Boong! Boong!

 

Tôi hoàn toàn biến mất, Phật là!

 

“Siêu việt luật nhân quả hay bị luật nhân quả chế ngự.”(17) những ý nghĩ như thế đã ra khỏi tâm mình.

 

---------------------------------------

 

(16) Tức Phật tánh tiềm ẩn nơi mọi người.

 

(17) Đối chiếu với tắc thứ hai trong Vô Môn Quan, công án thường được biết như là “Con Chồn của Bách Trượng.”

 

Ồ, mi ! Mi cười phải không? Tiếng cười này là tiếng động của mi phóng mình vào thế giới.

 

Bản thể của Tâm giờ đây đã sáng rõ với mình.

 

Sự tập trung của mình trong tọa thiền đã trở nên sắc bén và sâu thẳm.

 

. Nửa đêm 29

 

Tôi bình an bình an bình an. Có phải sự tự do phi thường này là Đại Dừng Nghỉ(18) như người xưa miêu tả? Bất cứ ai có thể nghi vấn chắn chắn cũng phải chấp nhận rằng sự tự do này là phi thường. Nếu nó không phải là tự do tuyệt đối hay Đại Dừng Nghỉ thì nó là gì?

 

4 giờ sáng 29

 

Kính koong! Đồng hồ đổ chuông. Cái này độc hữu! Cái này độc hữu! Ở đâykhông có không có lý luận. Chắc chắn thế giới đã biến đổi [với ngộ]. Nhưng bằng cách nào?

 

Người xưa nói Tâm giác ngộ có thể ví với con cá đang bơi. Điều đó đúng làm sao! Không có sự ngưng trệ nào cả. Mình cảm thấy vô ngại. Mọi vật chảy êm ái, tự do. Mọi vật chảy êm ái, tự do. Sự tự do vô giới hạn này ở bên kia mọi diễn đạt. Thật là một thế giới kỳ diệu!

 

Đạo Nguyên, một đại sư của Phật giáo, đã nói: “Thiền là cửa từ bi rộng rãi, bao trùm tất cả.”

 

Tôi biết ơn, rất biết ơn.

 

---------------------------------------

 

(18) Chỉ tâm thái lưu chuyển từ sự giác ngộ thâm sâu rằng, xưa nay chúng ta không thiếu gì cả, không có gì để cầu tìm bên ngoài chính chúng ta.

 

---o0o---

 

Trích “Ba Trụ Thiền”

Tác giả: Philip Kapleau

Người dịch: Đỗ Đình Đồng

NXB  Thế Giới

 

 

Bài viết liên quan