KINH NGHIỆM - TULKU URGYEN RINPOCHE - As It Is

KINH NGHIỆM

 

Tác giả: TULKU URGYEN RINPOCHE

Trích từ nguyên tác AS IT IS (những bài pháp trong 2 năm cuối cùng 1994, 1995)

Việt dịch: BBT Tại đây và Bây giờ

Trong bầu trời hoàn toàn trong sáng, không hề có những đám mây. Những đám mây tạm thời che tối mặt trời. Bầu trời này là một ví dụ về không gian căn bản của bản tánh chúng ta, còn mặt trời tượng trưng cho sự bất khả phân của không gian căn bản và sự tỉnh biết. Khoảnh khắc mây che tan biến, không gian và sự tỉnh biết không thể phân chia vốn là trạng thái tự nhiên của ba thân lập...
KINH NGHIỆM - TULKU URGYEN RINPOCHE - As It Is

 

Sự thực hành chính yếu không gì khác hơn là nhận biết tâm bạn. Chỉ có tâm bạn kinh nghiệm, không có cái gì khác trong thế giới này có thể kinh nghiệm. Năm nguyên tố bên trong và bên ngoài, gồm cả thế giới và thân thể bạn, không kinh nghiệm được cái gì cả. Năm giác quan cũng không. Như vậy chính tâm này mà chúng ta cần sáng tỏ một trăm phần trăm.

 

Tâm thì trống không trong bản thể và rõ biết trong bản tánh. Nó không phải là một trạng thái trống trơn như bầu trời. Không gian trống không không thể trở nên giác ngộ, cũng không kinh nghiệm sướng và khổ. Đức Phật đã nói rằng tâm như không gian, nhưng nó không hoàn toàn giống như không gian. Dù tâm chúng ta trống không như không gian, chúng ta vẫn có thể nhận biết. Người biết cần nhận biết tâm của chính mình. Bấy giờ, chúng ta thấy rằng thậm chí không có cái gì nhỏ như cọng tóc để thấy. Như Tâm Kinh nói: “Không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có hành, không có thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”. Sự vắng mặt này của bất cứ bản chất cụ thể nào được gọi là Pháp thân. Trong toàn bộ thế giới này, có cái gì quý báu hơn Pháp thân?

 

Trong giây phút thấy cái đó, không có cái gì để thấy. Trong khoảnh khắc này, kinh nghiệm hay sự kiện ấy là thực tế hiển nhiên. Phẩm tính rõ biết, thấy rằng không có cái gì để thấy được gọi là phương diện báo thân của trạng thái giác ngộ. Sự trống không của tâm không có một vật gì và khả năng nhận biết của nó rằng không có vật gì cả, là không thể phân chia, như nước và tính ướt, như lửa và nóng, đường và vị ngọt. Cái một không thể phân chia của hai phương diện này – trống không và rõ biết – được gọi là hóa thân. Ngay khoảnh khắc nhận biết bạn thấy rằng ba cái này là không tách lìa, và đó là svabhavikakaya, thân tinh túy, thân bản thể. Đây chính là điều mà tôi đề cập ở trước: “Khi thấy không có vật gì là cái thấy tối thượng”. Trong thế giới này, có cái gì sâu thẳm hơn mặt đối mặt với ba thân? Nhận biết được sự kiện này là điểm thiết yếu của mọi thực hành.

 

Mỗi khi chúng ta nhận biết ba thân, không phải theo khái niệm mà mặt đối mặt với chúng, ba độc không chỉ bị đẩy đến hậu cảnh: nó hoàn toàn tan biến. Giống như một sợi tóc không thể nằm trong lửa, hay bóng tối bị xua tan khi mặt trời lên. Ý nghĩ khái niệm chỉ là thoáng chốc.

Trong bầu trời hoàn toàn trong sáng, không hề có những đám mây. Những đám mây tạm thời che tối mặt trời. Bầu trời này là một ví dụ về không gian căn bản của bản tánh chúng ta, còn mặt trời tượng trưng cho sự bất khả phân của không gian căn bản và sự tỉnh biết. Khoảnh khắc mây che tan biến, không gian và sự tỉnh biết không thể phân chia vốn là trạng thái tự nhiên của ba thân lập tức hiện tiền.

Những đám mây có thể tạm thời che phủ mặt trời chiếu sáng trong bầu trời, nhưng sự sáng của mặt trời luôn luôn không thể chia tách khỏi bầu trời. Thế nên, không gian ánh sáng mặt trời này giống như không gian căn bản và sự tỉnh biết nguyên thủy, chúng đã luôn luôn không thể tách lìa.

 

Chúng ta tiếp tục trong sanh tử bởi vì chúng ta rơi vào sức mạnh của suy nghĩ theo ý niệm. Nhận biết bản tánh của tâm khiến loại bỏ những ý tưởng. Vào khoảnh khắc nhận biết, những ý tưởng biến mất. Nếu những ý tưởng có chất thể hay cứng đặc, chúng ta không thể trừ bỏ chúng, nhưng chúng chỉ là những chuyển động rỗng không, bản thân chúng không vững chắc. Pháp thân như mặt trời, là bẩm sinh, vốn có sẵn trong bản tánh tâm của chúng ta. Những ý tưởng giống như những tia sáng của pháp thân, là sự biểu lộ của nó, cũng giống như những tia sáng là sự biểu lộ của mặt trời. Hãy nhớ điểm thiết yếu về bản tánh tâm: nó là ba thân của Phật.

 

Điều căn bản và thiết yếu nhất của việc thực hành Pháp là nhận biết và đối mặt với ba thân – không chỉ một lần, mà dần quen thuộc hoàn toàn với điều đó. Mỗi lúc có một sự nhận biết của ba thân, ba độc lúc ấy vắng mặt. Chúng hoàn toàn tan biến ở điểm đó. Hơn nữa, những phẩm tính có sẵn của tánh giác căn bản, những phẩm tính trí huệ hiện diện đầy đủ vào khoảnh khắc của sự nhận biết sẽ bắt đầu hiển lộ dần dần hơn nữa.

 

Những hiện tượng biểu lộ trong cả hai hình thức thanh tịnh và bất tịnh. Những hiện tượng bất tịnh là những gì được trải nghiệm trong thế giới này. Những hiện tượng thanh tịnh là khi không có sự bám chấp nhị nguyên. Đó là khi trở nên quen thuộc với pháp thân không bị ngăn ngại, không thể chia tách, không mê lầm, trong đó mọi hiện tượng xuất hiện là không có tự tánh.

Nếu bạn thực hành chuyên cần theo cách này, cuối cùng những cõi Phật với tất cả những phẩm tính không thể nghĩ bàn sẽ được biết, và những phẩm tính trí huệ bẩm sinh sẽ biểu lộ. Chỉ suy nghĩ mê lầm làm tối tăm và ngăn chặn chúng ta với tri giác thanh tịnh. Những hiện tượng bất tịnh như vậy là sự biểu lộ của suy nghĩ mê lầm của riêng chúng ta. Những hiện tượng bất tịnh – những tri giác không tỉnh thức – thì cũng giống như những hiện tượng trong mộng. Một khi chúng ta thức dậy khỏi mê lầm, chúng sẽ biến mất.

Ba thân của chư Phật, những cõi Phật dày đặc, được trang nghiêm với mọi biểu lộ khác nhau của những phẩm tính giác ngộ. Hiện giờ, những điều ấy bị che ám bởi những tri giác bất tịnh của chúng ta. Tuy nhiên, như những giấc mộng, những tri giác bất tịnh này không còn tồn tại một khi chúng ta thức giấc. Chúng biến mất hoàn toàn, chúng chấm dứt. Đây là sự hiểu biết mà bạn cần có được.

 

Giây phút nhận biết bản tánh tâm là khoảnh khắc mà cái kinh nghiệm bất tịnh ấy, thói quen trụ vào mọi sự như là thực thể cứng đặc, tan biến vào không gian căn bản. Cái còn lại là kinh nghiệm thanh tịnh, những hiện tượng thanh tịnh. Từ đó, mọi phẩm tính vĩ đại không thể quan niệm của giác ngộ bắt đầu biểu lộ.

Viễn cảnh vĩ đại của ba thân của Phật quả là một kết quả tự nhiên của kinh nghiệm thanh tịnh. Kinh nghiệm những phẩm tính này trong hiện thực không giống như chỉ tưởng tượng ra chúng. Sự thực là những phẩm tính này không giống như khi bạn nghĩ đến những bổn tôn, những thần chú và đức hạnh của họ, tất cả những thứ ấy đều là đối tượng của ý tưởng nhị nguyên.

Khi chúng ta bắt đầu vững chắc hơn trong sự vắng mặt của kinh nghiệm bất tịnh và sự biểu lộ của kinh nghiệm thanh tịnh, tất cả những phẩm tính này của các bổn tôn, cũng như mọi phương diện của trí huệ bắt đầu trở thành hiện thực.

 

Tất cả mọi phẩm tính của mặt trời vốn hiện diện tự nhiên trong chính nó. Chúng không cần được làm ra. Chỉ là những đám mây che khuất mặt trời. Một khi chúng trôi đi, những phẩm tính của mặt trời lại chiếu sáng rực rỡ. Cũng vậy, những phẩm tính của ba thân đang hiện diện như là bản tánh của tâm chúng ta. Chỉ là những suy nghĩ ý niệm che khuất nó, như những đám mây che khuất mặt trời. Điểm then chốt ở đây nằm nơi sự nhận biết bản tánh của tâm.

Biết, chúng ta có trạng thái Phật quả. Không biết chúng ta rơi vào quyền lực của suy nghĩ khái niệm và sanh tử hiển bày như một giấc mộng.

 

Sự tu tập nhận biết bản tánh của tâm là thế này: những khoảnh khắc ngắn được lặp lại nhiều lần. Không có cách nào khác. Một khoảng thời gian ngắn bảo đảm nó thực sự là bản tánh tâm. Nhiều lần lặp lại đảm bảo cho chúng ta sẽ tăng thêm sự quen thuộc với nó. Nỗ lực để kéo dài những khoảnh khắc của sự nhận biết sẽ chỉ làm hỏng kinh nghiệm tự nhiên bằng một trạng thái khái niệm của tâm.

Chúng ta đã theo thói quen xấu đi vào ba độc, là những điều tạo thêm sanh tử. Chừng nào tâm còn phóng ra ngoài, sinh tử sẽ còn tiếp tục. Nhưng nếu chúng ta tu hành trong những khoảnh khắc ngắn của tánh tự nhiên không tạo tác giả tạo, chúng ta đạt đến pháp thân không khiếm khuyết.

 

Chúng ta không cần tạo ra tánh tự nhiên không tạo tác này. Chỉ đơn giản buông bỏ suy nghĩ về ba thời. Khi quá khứ đã đi qua và tương lai còn chưa đến, sự tỉnh biết hiện tiền của bạn là ngay đây. Tất cả chúng ta đều có phẩm tính rõ biết này – nếu không chúng ta chỉ là những xác chết.

Chớ tìm kiếm hay tạo tác những ý tưởng về cái tỉnh biết đang hiện tiền này. Khởi tưởng là hành động trụ chấp nhị nguyên. Không có những ý tưởng này, chúng ta tự do khỏi ba thời.

Cái tỉnh biết đang hiện tiền, không tạo tác, không biến đổi này là Phật tánh, hoàn toàn tươi mới. Chỉ đơn giản để tự nhiên cho tâm bình thường hiện tại của bạn, không chấp nhận hay chối bỏ cái gì cả. Hoàn toàn thoát khỏi hy vọng và lo sợ, hãy để sự tỉnh biết của bạn như nó là, một cách đơn giản và tự nhiên.

Bấy giờ chỉ có bản thân Phật tánh. Vào khoảnh khắc ấy, không có gì khác với Phật tánh. Đó là cái chúng ta cần và chúng ta có ngay bây giờ trong tay chúng ta. Khoảnh khắc bạn hoàn toàn để thả, không dính mắc vào quá khứ, hiện tại hay tương lai, bèn chỉ có tự thân Phật tánh. Đó là cốt lõi nhất, trọng tâm nhất, của việc thực hành Pháp.

 

Bất cứ thực hành bổn tôn nào bạn đang tiến hành thì hoàn toàn ở trong cái thấy của Trekcho, theo nghĩa đối diện với sự nhận biết trống không vốn chính là bản tánh nền tảng của bạn. Chẳng hạn, Chakrasamvara trong tinh túy, là phẩm tính rõ biết, trong khi Vajra Varahi là phẩm tính trống không. Hai cái đó không thể tách biệt. Mặt đối mặt với sự không thể tách biệt của cái biết trống không này là đích thân gặp gỡ bổn tôn chân thật bên trong. Đó không giống như có một thị kiến bổn tôn đến từ bên ngoài.

Dĩ nhiên, kinh nghiệm cái sau sẽ tịnh hóa một số nghiệp xấu. Vào lúc thấy bổn tôn bạn có thể nghĩ: “Wow, cuối cùng thì ngài có đây!”. Rồi bạn chắp tay lại và có lòng sùng mộ và tôn kính lớn lao, điều này khiến tịnh hóa nghiệp xấu. Thị kiến dĩ nhiên không ở lại, cuối cùng nó tan biến và không cắt đứt vĩnh viễn dòng suy nghĩ nhị nguyên.

Ngược lại, vào lúc nhận biết cái biết và tánh Không không thể tách biệt là Chakrasamvara và Vajra Varahi bên trong, dòng suy nghĩ mê lầm bị gián đoạn hoàn toàn, ngay lúc đó. Sự tiếp tục mọi thói quen mê lầm từ tất cả số đời quá khứ lập tức dừng lại. Đồng thời, sự tiếp tục mọi mê lầm tương lai cũng bị ngắt ngay lúc đó.

 

Chakrasamvara và Vajra Yogini bên trong là bổn tôn căn bản. Có một thị kiến về họ bằng cách nhận biết tinh túy tâm thì quan trọng hơn và hiệu quả sâu xa hơn là có một thị kiến về một bổn tôn bên ngoài mình.

Dĩ nhiên, khi người ta có một thị kiến về một bổn tôn như Chakrasamvara họ rất vui sướng. Họ tự chúc mừng và nói: “Kỳ diệu thay, tôi đã có một thị kiến bổn tôn”. Trong sự vui mừng ấy là một sự tịnh hóa một số nghiệp xấu, nhưng vui thú khi thấy cái gì đó thì vẫn là bám luyến. Cái nghịch lại với sự bám luyến này là ghét bỏ. Như thế, có một thị kiến bổn tôn không loại bỏ suy nghĩ nhị nguyên. Tất cả bổn tôn, hoặc nam hay nữ, đều bao gồm trong cái biết rỗng rang này. Trạng thái này được giải thích là “biết cái một thì giải thoát tất cả”. Khi bạn biết một bản tánh này, mọi trạng thái của tâm có thể được giải thoát.

 

Khi bạn bắt đầu một thời khóa, hãy bắt đầu bằng quy y ba lần Phật, Pháp, Tăng. Tiếp theo, phát bồ tát nguyện, “Tôi sẽ làm thực hành này vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh”. Bấy giờ hãy tự tưởng tượng bản thân trong hình thức một vị Phật. Không kể đó là vị nào – vị nào bạn thích nhất là tốt. Hãy nghĩ, “Tôi là bổn tôn này”, và tụng mantra của ngài. Trong khi tụng mantra, hãy nhận biết ai quán tưởng bổn tôn này, cái gì đang tụng thần chú này.

“Nhận biết” nghĩa là thấy rằng, thực ra không có cái gì để thấy. Vào lúc đó bạn không phải bắt đầu hình dung một triết học về tánh Không là thế nào. Thay vì thế, hãy để nó là như nó tự nhiên là mà không làm gì cả đối với trạng thái ấy. Chớ có phán đoán. Hãy chấm dứt thời khóa bằng cách hồi hướng sự tốt lành của việc này cho hạnh phúc của tất cả chúng sanh. Mọi sự được bao gồm trong cách thực hành đơn giản này.

 

Nếu tu tập như vậy, bạn có thể là một người chăn bò và vẫn giải thoát. Nếu bạn không tu tập như thế, bạn có thể là một đại học giả và vẫn ở trong mê lầm. Khi nhận biết tinh túy tâm, chớ làm gì với nó. Hãy cho phép nó như nó là; khoảnh khắc bạn xao lãng, hãy tự nhớ lại việc nhận biết. Khi nhận biết, hãy để nó trong tính tự nhiên. Khi quên, hãy tự nhớ lại. Đó là tinh túy sự tu tập.

Bằng cách tu tập trọn vẹn theo cách này, ý tưởng lan man sẽ giảm dần, và những khoảnh khắc của tỉnh biết không có ý tưởng sẽ kéo dài hơn. Khi cái tỉnh biết không có khái niệm này kéo dài một giờ, bạn đã đạt đến cấp độ một vị a-la-hán. Khi nó kéo dài suốt ngày, bạn đã đạt được cấp độ một bồ-tát. Khi nó không gián đoạn suốt ngày đêm, bạn đã trở thành một vị Phật toàn giác. Không có gì quý báu hơn điều này.

 

Một khi bạn đã thực sự nhận được lời dạy chỉ thẳng và nhận biết tinh túy tâm, trở nên giác ngộ qua tu hành thì không ngoài tầm tay, nó nằm trong tay bạn. Bạn có thể tự nhớ lại sự nhận biết tinh túy tâm thường xuyên bao nhiêu cũng được. Nếu tu hành theo cách này, bạn có thể giải thoát thậm chí nếu cả ngày bạn phải làm công việc như cho gia súc ăn cỏ ngoài đồng. Nếu không – nếu bạn biết tất cả mọi lời pháp nhưng không thực sự kinh nghiệm nghĩa tinh túy – thì giờ phút bạn lìa khỏi đời này bạn sẽ chỉ lang thang trong mê mờ. Đây là điểm thiết yếu.

 

Không có cái gì khác tôi muốn nói. Đức Phật đã hoàn toàn thức tỉnh và thấy ba thời rõ ràng như chúng ở trong lòng bàn tay. Những giáo lý được đặt nền trên sự sáng tỏ bao la này. Chúng ta không phải tư duy những lời Pháp là đúng hay sai. Tôi không nói những lời này bởi vì tôi là một Phật tử, nhưng bởi vì nó chân thực như vậy. Không phải giống như một số hệ thống tâm linh do những người chưa giác ngộ thiết lập, họ có nội quán thiên lệch nào đó và có một phần chân lý nào đó, nhưng không phải là bức tranh toàn cảnh. Bởi vì không giác ngộ hoàn toàn và không có sự sáng tỏ vô ngại hoàn toàn, họ không thể chỉ dạy cùng một cách như một vị Phật toàn giác. Điều này phải được ghi nhớ trong tâm. Tôi không có thành kiến ở đây, nhưng sẽ là thực sự đúng đắn nếu chúng ta không phê phán những lời của một bậc giác ngộ hoàn toàn. Những lời ấy đã được kiểm chứng triệt để.

Bài viết liên quan