Tánh không tức là Phật,
Không có thể nghĩ lường.
Nếu có sinh tâm, sinh tâm là vọng, nên nói vô sinh. Phật còn không có, làm sao có vô sinh ? Nếu có sự hiểu biết về vô sinh thì bị vô sinh trói buộc cho nên nói chẳng phải không sinh.
Lại tất cả pháp chẳng sinh thì bát-nhã sinh, nên nói chẳng phải không sinh. Sinh cùng chẳng sinh xoay trở trái nhau, cũng xoay trở làm thành nhau. Chỉ cần bặt lời thì có thể khế hợp với đạo; tâm rỗng thì có thể thông lý. Nếu bặt lời thì thôi không cần nói; nếu tâm rỗng thì ngã pháp vi diệu khó hiểu đâu thể vọng sinh tri giải ?
Lại hễ vào Tông Cảnh thì pháp nhĩ bặt lời, trí chẳng thể biết được, chỉ có lòng tin mới vào được. Như Tán Bát-nhã có kệ:
Nếu ai thấy bát-nhã
Tâm luận nghĩa dứt tuyệt
Như khi mặt trời mọc
Sương sớm tức thời tan.
Cho nên Tổ sư nói: “Luận chẳng phải nghĩa, nghĩa chẳng thể luận; nếu muốn luận nghĩa thì trọn chẳng phải nghĩa luận”. Ngày xưa Lương Vũ Đế tại điện Trùng Vân trong vườn Hoa Lâm tập họp bốn chúng, tự giảng kinh Tam Tuệ Bát-nhã. Khi ấy Phó đại sĩ có mặt tại đấy, Thái tử hỏi: Đại sĩ sao không luận nghĩa? Phó đại sĩ đáp: Những gì hoàng đế nói chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng rộng, chẳng hẹp, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, như như chính lý còn phải nói chi nữa ? Lưu Trung Thừa lại hỏi: Xin ngài nói lại, mọi người muốn được nghe! Phó đại sĩ đáp: Mặt trời mặt trăng dừng lại, bốn mùa điều hòa.
-----o0o-----
Trích “Tông Cảnh Lục”
Tác giả: Thiền Sư Diên Thọ
Người dịch: Tuệ Đăng – Hân Mẫn
Nhà Xuất Bản Phương Đông