LỜI KHUYÊN DÀNH CHO NGƯỜI MUỐN THÀNH BẬC THẦY - TRÍCH: “ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU” - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE - Pema Trần dịch - NXB Hà Nội 2019

LỜI KHUYÊN DÀNH CHO NGƯỜI MUỐN THÀNH BẬC THẦY

TRÍCH: “ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU” - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

Pema Trần dịch - NXB Hà Nội 2019

--o0o--

Bạn phải luôn luôn chuẩn bị để thừa nhận sự thật khi bạn không biết một điều gì đó, và ngay cả khi bạn biết, thì nói không biết cũng vẫn tốt.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO NGƯỜI MUỐN THÀNH BẬC THẦY - TRÍCH: “ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU” - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE - Pema Trần dịch - NXB Hà Nội 2019

 

Tên của ngài ấy là Đức Ngài

Ngài ấy chỉ là một trẻ vị thành niên

Ngài đeo một chiếc đồng hồ Rolex

Ngài xuất thân từ dòng truyền thừa có áo choàng thêu kim tuyến

Cha của ngài là một vị rinpoche

Mẹ của ngài là con gái của một gia đình cao cấp

DOLPOPA SHERAB GYELTSHEN ĐÃ NÓI ở một trong những lời cầu nguyện của ngài: “Tôi nguyện được tái sinh thành một người lo lắng về sự tồn vong của Phật pháp. Động cơ để trở thành một bậc thầy giáo pháp phải đến từ thái độ này. Lo lắng cho sự tồn vong của giáo pháp là bằng chứng của lòng bi mẫn cho tất cả hữu tình chúng sinh và lòng sùng mộ đối với Phật pháp. Động cơ của bạn phải được quán xét thấu triệt. Chúng ta không nhận ra rằng, thông thường, dù hiện tướng thế nào, chúng ta đang phục vụ giáo pháp chỉ để khuếch trương ý tưởng của riêng chúng ta, giá trị của riêng chúng ta, trung tâm thực hành và dòng truyền thừa của riêng chúng ta. Nếu bạn không có một lòng sùng mộ mạnh mẽ đối với Phật pháp và lòng từ bi hướng đến tất cả hữu tình chúng sinh, việc cho phép bạn giảng dạy giáo lý sẽ giống như trao vũ khí cho một kẻ khùng rất thông minh. Nó sẽ hủy hoại bạn và những người khác.

Lòng bi mẫn mạnh mẽ được minh chứng rõ rệt khi bạn nhìn tất cả chúng sinh đều bình đẳng với người bạn yêu thương nhiều nhất - người mẹ nuôi dưỡng bạn, người bà yếu đuối của bạn, người em gái nhỏ của bạn, người em trai nhỏ của bạn. Khi chúng ta nghĩ về những người họ hàng này, chúng ta thường xúc động. Người muốn thành bậc thầy phải có được thái độ tình cảm, tâm lý này hướng đến tất cả hữu tình chúng sinh – không chỉ hướng đến những chú chó không được che chở lang thang trên phố mà hướng đến cả những người đang nằm sưởi nắng, chăm sóc làn da rám nắng của họ với hàng tỉ đô-la trong tài khoản ngân hàng. Chúng ta có thể vẫn có được lòng bi mẫn cho những người như vậy, vì họ thực ra rất nghèo. Họ mong ước được hạnh phúc, họ mong ước được chấm dứt khổ đau, nhưng họ không có thông tin đúng đắn. Thay vì phải làm những việc cần phải làm để chấm dứt khổ đau, họ lại làm những điều ngược lại. Họ tích lũy những nguyên nhân của khổ đau và xua đuổi những nguyên nhân của hạnh phúc.

Có những hướng dẫn khác để người muốn thành bậc thầy có thể tham khảo:

- Là một bậc thầy thì không nên trở thành một phần của sứ mạng truyền giáo. Không có truyền thống hay quy định nào bắt buộc phải tăng số lượng Phật tử.

- Làm một bậc thầy không phải để phô trương bản thân hay xây dựng cái tôi của bạn. Bạn nên cố gắng cung cấp thông tin trong khi vẫn giấu kín được bản thân. Đó là pháp đối trị với cái ngã của bạn, hãy thử phương pháp trao truyền sự thật một cách ẩn danh.

* Bạn phải luôn luôn chuẩn bị để thừa nhận sự thật khi bạn không biết một điều gì đó, và ngay cả khi bạn biết, thì nói không biết cũng vẫn tốt.

Hãy quan tâm nhiều hơn đến những đệ tử dễ bị tổn thương về tình cảm. Họ sẽ đến với bạn và cảm nhận một sự an ủi từ sự hiện diện của bạn, và tại thời điểm đó, bạn cần phải nhớ rằng họ không phải đang tìm kiếm một sự an ủi từ bản thân bạn; họ đang tìm kiếm sự an ủi chỉ vì bạn đang đội chiếc mũ của Tam Bảo, bạn đang mặc một chiếc áo giáp tánh không, bạn được an trụ vững vàng trong dòng truyền thừa của bậc thầy của bạn, và bạn sở hữu những phương tiện của giáo pháp siêu việt. Giống như một diễn viên đang biểu diễn, hãy nhớ rằng khán giả đi xem Homer Simpson, không phải xem bạn.

Khuyến khích học trò của bạn đi gặp các bậc thầy khác. Bạn nên tùy hỷ rằng họ gặp được giáo pháp, bậc thầy và giáo lý. Bạn nên tùy hỷ rằng có người khác đang làm những việc bạn nên làm, thay cho bạn. Một số bậc thầy quá bất an về việc sợ mất học trò đến nỗi họ tạo ra những quy định như “Nếu con nhận giáo pháp này, con không thể đi gặp bậc thầy khác được”. Điều này chắc chắn là một điềm rõ ràng của một thời đại suy thoái.

Nếu bạn có đầy đủ phẩm tánh và khả năng của một bậc thầy toàn hảo, sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng ngay cả những bản văn Mật thừa từ thế kỷ VI và VII cũng tuyên thuyết rằng thời đại đang suy thoái và một bậc thầy toàn hảo không thể xuất hiện. Nếu ở thời điểm đó là suy thoái rồi, thì cơ hội của chúng ta ngày nay là gì? Vài trăm năm sau nữa, liệu một bậc thầy toàn hảo có xuất hiện không? Nhưng những kinh văn này cũng nói rằng nếu bạn gặp được một người trong suốt thời đại suy thoái, người thậm chí chỉ có một hoặc hai phẩm tánh tốt đẹp, đặc biệt là tôn trọng nghiệp quả và tin tưởng vào Tam Bảo, thì bạn nên tôn kính người đó như Đức Phật.

 

Tôi cho rằng hầu hết những người muốn làm bậc thầy đều không nhất thiết phải là các chúng sinh đã giác ngộ. Trong khi bạn có thể nhận được lợi lạc từ việc nghĩ rằng bạn là một chúng sinh đã giác ngộ, điều này không có nghĩa bạn tích lũy được chút công đức nào từ việc đó. Trên thực tế, nếu bạn còn lợi dụng tình huống của bạn, bạn đang tạo ra một món nợ nghiệp rất sâu nặng.

HỆ THỐNG TULKU

Thuật ngữ “tulku” và “guru” dường như đã trở nên gần như đồng nghĩa, và đây là một sự hiểu lầm to lớn. Như tôi đã nhắc đến nhiều lần, một bậc thầy không cần phải có bất cứ bằng cấp nào, danh vị nào kiểu như “tulku”, hoặc thuộc về một gia đình danh giá nào, hoặc liên quan đến một vị lạt-ma tôn quý nào. Tuy nhiên, những kết nối như vậy sẽ thường có sẵn ở đó, bởi vì chúng ta đều là con người, và chúng ta thường bị cuốn đi bởi những chiếc bẫy kiểu này.

Một bậc thầy phải hành động như một hình mẫu lý tưởng, một người thực sự tận hiến phụng sự cho giáo pháp và mong ước được làm lợi lạc cho hữu tình chúng sinh. Một người như Gene Smith của Trung tâm Tư liệu Phật pháp Tây Tạng là một hình mẫu như vậy. Ngay cả khi bạn không thể coi ông ấy là một bậc thầy, ông đã làm được rất nhiều điều cho giáo pháp. Tuy vậy, ở những nơi như Tây Tạng, những người như ông lại không được tôn kính (như kiểu một bậc thầy).

Thay vào đó, chúng ta có các vị tulku và rinpoche, là những người được đặt lên ngai vị, những người được xem là tái sinh cao hơn và là thị hiện của các bậc thầy lớn. Đây là một hiện tượng rất phổ biến ở vùng Himalaya. Những đứa trẻ tuyên bố là nhớ lại các kiếp sống trước đó và công nhận những thị giả trước đây của chúng. Có một sự mê hoặc đầy ngu ngốc với cách những cậu bé trai này nhận ra những đôi giày cũ của chúng và xỏ vào. Không một điều nào trong những chuyện đó thực sự có nhiều ý nghĩa.

Hệ thống này có thể đã hoạt động tốt trong quá khứ khi mọi người không quá nghi ngờ và dễ dàng tin tưởng, nhưng hệ thống ấy không nên tồn tại trong thời đại ngày nay dù nó có thể vẫn tạo cảm hứng cho một số người. Nó có thể giúp xác nhận một vài điều ở đây hay ở kia. Nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là bây giờ, những hệ thống như thế này là lời mời gọi cho những vấn nạn lớn sẽ xảy ra trong tương lai.

Trong thế hệ của tôi, có rất nhiều ví dụ về những cậu bé như thế này, và nhìn lại tôi có thể thấy họ đã được dạy dỗ khéo léo như thế nào dưới sự dẫn dắt của những bậc thầy sống trên núi như Dilgo Khyentse Rinpoche, Chokling Rinpoche, và Karmapa. Ví dụ, vị Neten Chokling Rinpoche hiện tại đã có những ký ức chi tiết về mọi người và nói được tiếng nước ngoài từ khi còn rất nhỏ tuổi. Nếu một vị tulku thể hiện dù chỉ 1% những gì ngài làm thì ngày nay sẽ ngay lập tức được cường điệu hóa: cậu ta sẽ được ghi chép bằng mọi phương tiện, góc cạnh; cậu ta sẽ được lan truyền trên Facebook, Wechat, và Twitter; cậu ta sẽ được đưa đi trên những chuyến lưu diễn để quảng bá hình ảnh với đám đông. Cha mẹ của cậu ta và đoàn tùy tùng sẽ bán vé để mọi người đến nhìn ngắm cậu ta. Ở thời của tôi (lúc ngài còn nhỏ), những sự kiện phi thường như thế này đều được tổ chức một cách rất khéo léo, cẩn mật, như thể là họ không được đề cập đến. Một số câu chuyện hay nhất là những câu chuyện không bao giờ được kể lại. Nhưng tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện ở đây.

Vào một ngày trời nắng đẹp trong những năm 1970, Tulku Pema Wangyal Rinpoche đi thăm Nyima Dzong, một pháo đài cổ dành cho các Hiệp sĩ dòng Đền ở miền Đông Nam nước Pháp, được bao quanh bốn hướng bởi bốn ngọn đồi dốc đá dựng đứng. Một nhóm người quyết định đi cùng với Tulku Rinpoche đến đổi Amoghasiddhi để treo một lá cờ cầu nguyện lớn trên một chiếc cột gỗ to.

Một con chó lớn đi theo nhóm người đó lên đồi, mặc dù chủ nó là một thành viên của nhóm đã luôn miệng nói nó quay lại. Ông ta thậm chí còn ném đá vào con chó để nó quay trở về, nhưng chẳng có tác dụng gì. Khi nhóm bắt đầu trèo lên đỉnh đồi, mang theo chiếc cột, sương mù bắt đầu bò từ chân đồi lên dày đến nỗi khiến họ không thể nhìn được cảnh quan bên dưới.

Khi họ leo đến đỉnh đồi, tất cả bắt đầu nhặt đá để cố định chiếc cột vào vị trí. Thời tiết bắt đầu thay đổi: một cơn bão đang đến, và mưa nhẹ bắt đầu rơi xuống. Tulku Rinpoche đọc một vài lời cầu nguyện trong khi ngài vẫn đang cầm một chiếc ô, với nhóm người vây quanh mình. Cơn bão đã đến, âm thanh của sấm và chớp xuất hiện gần như đồng thời. Cách đó chưa đến 3m, một chiếc cột ăng-ten kim loại do những người khảo sát địa chất dựng lên bị sét đánh trúng. Lúc này, những người đang nhặt đá suy nghĩ: “Sợ quá, có lẽ chúng ta sẽ chết ở đây!”

Christian, một trong số những người có mặt tại đó, nói rằng anh ta đã nghe thấy một âm thanh lớn như tiếng bom nổ và cảm thấy một luồng điện chạy qua cơ thể anh ta, khiến anh ta buông rơi hòn đá mà anh ta vừa lượm lên. Quá sốc, anh ta đã nghĩ mình đang mơ.

Khi anh ta nhìn lên chỗ mọi người đứng, anh ta chỉ nhìn thấy một mình Tulku Rinpoche, tay đang cầm ô. Dưới chân anh ta là những tia cỏ cháy đen tỏa đi khắp các hướng.

Điều đầu tiên Christian nghe Rinpoche nói là: “Thật hỷ lạc. Rồi ngài quay sang Christian và nói: “Khổ thân mọi người. Tôi phải giúp những người khốn khổ này. Hãy giúp tôi dựng họ dậy” Xung quanh Rinpoche, những người khác đều bị bắn đi khắp các hướng nhưng không một ai trong số họ bị thương nặng, trừ người chủ của con chó, chân của ông ta bị bỏng, và con chó của ông bị chết vì đau tim.

Rinpoche và Christian đưa người đàn ông xuống đồi cùng với những người khác. Christian hỏi Rinpoche điều gì đã xảy ra, nhưng Rinpoche liên tục nhắc lại “lòng từ bi của các bậc thầy thật là đáng kinh ngạc”. Sau đó ngài nói với Christian rằng ở Tây Tạng, nhiều người thường bị sét đánh. Cha ngài là Kangyur Rinpoche biết một bài cầu nguyện có thể giúp bảo vệ người khỏi bị sét đánh nhưng không ban cho Rinpoche khi ngài còn ở Tây Tạng. Khi Kangyur Rinpoche an cư ở Darjeeling, ngài đã truyền khẩu bài nguyện này cho Tulku Rinpoche. Tuy nhiên, Darjeeling không phải là một nơi thường xuyên bị sét đánh, và Tulku Rinpoche nghĩ rằng bài này có lẽ có ích nhiều hơn ở Tây Tạng.

Vào ngày họ đi lên đồi, Tulku Rinpoche cảm thấy sự hiện diện rõ rệt của Kangyur Rinpoche. Khi cơn bão đến, ngài đã nhớ lại bài nguyện và bắt đầu thực hành. Ngài tin chắc rằng Kangyur Rinpoche đã ban cho ngài bài nguyện ấy để sử dụng vào chính thời khắc đặc biệt này. Ngài nói rằng, ngài cảm thấy một sự hỷ lạc đáng kinh ngạc khi tia sét đi xuyên qua người ngài. Ngài nói thêm rằng, bởi vì Nyima Dzong đã từng là một pháo đài vững chắc của các Hiệp sĩ dòng Đền, những vị hộ pháp địa phương có thể đã cảm thấy buồn phiền vì Phật pháp xuất hiện ở nơi đó.

Tôi khá chắc rằng câu chuyện này vẫn chưa được kể cho nhiều người nghe.

CÓ PHẢI NHỮNG NGƯỜI TÂY TẠNG

LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC LỰA CHỌN?

Có phải chỉ người Tây Tạng mới là những người duy nhất được lựa chọn để dạy Kim Cương thừa? Nếu không, có lẽ chúng ta phải bắt đầu trách nhiệm to lớn là giao phó dòng truyền thừa cho những người không phải Tây Tạng. Cho đến ngày hôm nay, không nhiều lạt-ma Tây Tạng đã đạt được sự tin tưởng đó. Việc thiếu niềm tin này là một sự lặp lại của những gì đã xảy ra cách đây hàng ngàn năm. Người Ấn Độ không tin tưởng người Tây Tạng khi Phật giáo được du nhập sang Tây Tạng. Họ sẽ ghen tị khi một bậc thầy ban giáo lý bí mật hoặc bất kỳ chút quyền lực nào cho một người Tây Tạng. Và những hành giả, học giả, dịch giả này đã đến Ấn Độ để học giáo lý rồi quay trở lại Tây Tạng hoặc Trung Quốc, mang theo những dòng truyền thừa rực rỡ từ Ấn Độ, vô vàn khó khăn đã xảy đến với họ. Mọi người chết trên đường. Mọi người phải hy sinh. Quốc gia suy vong.

 

Chúng ta phải trân trọng sự quý giá của những huyền thoại tâm linh này, giống như một tài sản thừa kế vô giá. Nếu bạn muốn nghỉ hưu và đặt sự tin tưởng của doanh nghiệp hàng tỉ đô-la của bạn vào thế hệ tiếp theo, bạn phải truyền lại cho người nào thực sự biết cách phải làm gì với nó. Đối với những người thực hành tâm linh, giáo pháp còn đáng giá hơn một công ty hàng tỉ đô-la nhiều lần.

Cùng lúc đó, chúng ta phải làm dấu cho những người đi theo con đường này là bất kỳ ai cũng có thể trì giữ dòng truyền thừa. Thành công không phải chỉ dành riêng cho một chủng tộc hoặc giới nào. Đối với người Bhutan, họ có thể đau khổ khi nghe rằng một ngày kia sẽ có một bậc thầy tên là Alex Starkey, hoặc họ sẽ phải nhận lễ quán đảnh Rigdzin Dupa từ Julie Alder. Nhưng vai trò của bậc thầy không chỉ dành riêng cho người Tây Tạng. Bất kỳ ai có đủ phẩm tánh và trình độ đều có thể đảm nhận. Điều này cần phải được nói ra và minh chứng.

GIA ĐÌNH TRỊ

Có lần tôi đã hỏi David Noodle rằng ông ấy nghĩ gì về cuốn sách Blazing Splendor, và ông ta trả lời: “Ồ, câu chuyện về chế độ gia đình trị ở Tây Tạng phải không?” Ông ta có thể nói đùa, nhưng đó là sự thật: có rất nhiều gia đình trị trong Phật giáo Tây Tạng. Các bậc cha mẹ trong nhiều nền văn hóa sắp xếp hôn nhân cho con cái của họ, dàn xếp để ghép đôi con cái của mình với con trai và con gái của những gia đình giàu có, đó là hiện tượng đang xảy ra với các tulku hiện nay. Các tu viện không hề hổ thẹn khi cố gắng tìm kiếm những cậu bé trai được sinh ra từ những gia đình giàu có và quyền lực. Các vị tulku được lựa chọn, nuôi dưỡng để kiếm tiền và thống trị hệ thống. Hệ thống gia đình trị bắt đầu ngay khi các vị tulku được đặt lên ngai vị. Nếu các vị tulku không tham gia vào các thực hành cá nhân thì họ hàng của họ sẽ tham gia. Chủ nghĩa thiên vị sẽ cướp đi Phật giáo nói chung và đặc biệt con đường Mật thừa nói riêng, rồi sẽ có sự phá vỡ thệ nguyện. Anh chị em họ, anh em trai, chị em gái, cha mẹ của các vị tulku này – tất cả những người liên quan này đều có nhiều ý kiến. Họ bắt đầu lèo lái vị tulku và do đó điều khiển cả tu viện cùng dòng truyền thừa.

Tất nhiên, một đệ tử thực sự sùng mộ sẽ có lòng sùng mộ thậm chí với cả con thú cưng của bậc thầy, vì thế, những thành viên gia đình của các vị tulku này sẽ được đối xử tốt. Nhưng đó chỉ là sau khi đệ tử đã phân tích và chấp nhận bậc thầy. Bằng mọi cách, nếu ngài ấy là một vị thầy tốt, hãy theo ngài ấy; chỉ cần tỉnh thức ghi nhớ rằng có một số vị lạt-ma có thể có những điểm yếu là thuộc về một hệ thống gia đình trị. Bạn có thể xoay sở với một hệ thống gia đình trị đến mức nào? Tất cả những điều này không liên quan gì đến con đường tâm linh của bạn, là nơi được định ra để đưa bạn đến giác ngộ. Nhưng nếu bạn không cẩn thận, bạn có thể bị mắc kẹt trong đó. Vì vậy, lý tưởng nhất, như Longchenpa đã nói, một lạt-ma dường như tách biệt ra khỏi họ hàng và gia đình của vị ấy thì khá tốt.

Nói như vậy, đôi khi điều tốt nhất của bạn là hãy làm một chú ong thợ hút mật từ một bông hoa: chỉ nhận đúng giáo lý của bậc thầy và tránh xa các vấn đề quan hệ, chính trị.

Có quá nhiều các vị lạt-ma Tây Tạng coi những trung tâm pháp như là tài sản của họ. Một lần khi tôi đang đi đường, tôi đã gặp một số học trò học pháp ở phương Tây, và người anh/em trai của bậc thầy họ lại tình cờ đang đến thăm trung tâm đúng thời điểm ấy. Họ nói rằng người anh/em trai này đang kiểm tra những tài sản tồn kho của trung tâm để xem có thể mang được thứ gì về nhà. Tài sản của một trung tâm giáo pháp không bao giờ nên được coi là tài sản, đặc biệt những thứ như tượng vàng và bát cúng dường. Những thứ này không phải là tài sản. Tài sản là những thứ thuộc về thế giới thế tục. Một khi vàng hay bạc đã được cúng dường, chúng không còn là tài sản của riêng ai nữa. Chúng thuộc về Tam Bảo.

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan