LỜI NGUYỆN PHỔ HIỀN - GIÁO LÝ ĐẠI TOÀN THIỆN (DZOGCHEN TEACHING) - CHÖGYAL NAMKHAI NORBU

LỜI NGUYỆN PHỔ HIỀN

GIÁO LÝ ĐẠI TOÀN THIỆN (DZOGCHEN TEACHING) - CHÖGYAL NAMKHAI NORBU

Việt dịch: Thông Quang

NXB Thiện Tri Thức, 2023

-------o0o-------

Lời nguyện này không chỉ được sử dụng để cầu nguyện mà còn rất quan trọng để có được trí huệ và hiểu biết. Nói chung, người thực hành sử dụng nó như một bài tụng nguyện và trì tụng nó để ở trong trạng thái hiểu biết. Đặc biệt ở phần đầu của lời nguyện, có những câu kệ là tinh yếu Đại Toàn Thiện.
LỜI NGUYỆN PHỔ HIỀN - GIÁO LÝ ĐẠI TOÀN THIỆN (DZOGCHEN TEACHING) - CHÖGYAL NAMKHAI NORBU

Tôi muốn giải thích ý nghĩa của Lời Nguyện Phổ Hiền có trong mộttantra Upadesha. Trong tantra này chính là tinh túy trí huệcủa giáo lý Đại Toàn Thiện. Đã được dịch sang tiếng Anh.

Lời nguyện này không chỉ được sử dụng để cầu nguyện mà còn rất quan trọng để có đượctrí huệ và hiểu biết. Nói chung, người thực hành sử dụng nó như một bài tụng nguyện và trì tụng nó để ở trong trạng thái hiểu biết. Đặc biệt ở phần đầu của lời nguyện, có những câu kệ là tinh yếu Đại Toàn Thiện.

MỌI THỨ ĐỀU CÙNG MỘT NỀN TẢNG

Phần đầu của bài kệ đầu tiên nói rằng Nền tảng của cả vũ trụ, sanh tử luân hồi, niết bàn vàcả những nhận thức của chúng ta, đều là cùng một Nền tảng. Có một từ tiếng Tây Tạng là zhichig; chig nghĩa là “một”, zhi nghĩa là “nền tảng”. Một Nền tảng không có nghĩa là chỉ có một Nền tảng, mà là cùng một Nền tảng.

Ví dụ, trong vũ trụ có vô số chúng sinh, bao gồm tất cả những chúng sinh đã giác ngộ. Tất cả những chúng sinh này, dù là giác ngộ hayGiáo lý Đại Toàn Thiện trong luân hồi, đều có cùng một Nền tảng. Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta học được trong Đại Toàn Thiện là Nền tảng là gì. Nền Tảng là trạng thái thực sự của chúng ta. Khi giải thích về Nền tảng, chúng ta giải thích theo Tinh tuý, Bản tính và Năng lượng. Ngay cả khi chúng ta sử dụng những khía cạnh khác nhau này, tất cả chúng đều là Nền tảng. Không có sự khác biệt, giác ngộ hay khônggiác ngộ. Đó là lý do tại sao trong Đại Toàn Thiện chúng ta nói rằng ngay từ đầu, trạng thái của chúng ta là trạng thái giác ngộ. Nền tảng hay trạng thái thực sự của chúng ta không bao giờ thay đổi. Nếu chúng ta tuân theo giáo lýsử dụng nhữngpháp môn hay những thực hành để tịnh hóa, chúng ta sẽ tịnh hóa nhữngche chướng, nhưng điều đó không thay đổi bản tính của chúng ta. Trạng thái thực sự của chúng ta là cùng Nền tảngnhư nhau ngay từ ban đầu.

HAI CON ĐƯỜNG

Lamnyi có nghĩa là có hai con đường, hay hai phương diện của sự biểu lộ. Khi chúng ta có trí huệ hay sự hiểu biết về Nền tảng, hay ở trong trạng thái của Nền tảng, chúng ta giác ngộ, ở trong trạng thái giác ngộ. Nếu chúng ta vô minh về điều đó và không còn ở trong trạng thái đó, thì chúng ta rơi vào cái nhìn nhị nguyên và luân hồi.

Luân hồi và niết bàn này bắt đầu từ khi nào? Ở phương Tây, chúng ta thường có nền giáo dục Do Thái-Cơ đốc giáo và có ý tưởng rằng ai đó đã tạo ra mọi thứ ngay từ đầu. Ai đã tạo ra điều này và chia con đường này thành hai? Không ai phân chianó cả. Sự phân chia của nó có liên quan đến bản tính của chúng ta. Trong bản tính của mình, nếu chúng ta có chuyển động thì sự phân chia phải biểu lộ. Nếu chúng ta có khả năng biểu lộ những phản chiếu, bằng cách nào đó chúng sẽ biểu lộ khi hoàn cảnh phát sinh.

Luân hồi không có điểm bắt đầu, bởi vì trạng thái thực sự của chúng ta là vượt thời gian. Khi chúng ta vượt thời gian, chúng ta ở trong trạng thái được soi sáng và không còn trong luân hồi; tuy nhiên, chúng ta không ở trong trạng thái đó lâu, bởi vì sau vài giây hoặc vài phút, những tư tưởng khởi lên, và chúng ta bị chúng chi phối. Nếu những tư tưởng khởi lên và chúng ta không chạy theo chúng, thì đây là trạng thái tham thiền. Trạng thái sáng tỏ đó, hay “hiện diện tức thời,” là trạng thái giác ngộ. Khi chúng ta bị phân tâm bởi những tư tưởngcái nhìn nhị nguyên, chúng ta đang ở trong luân hồi. Khoảnh khắc đó là điểm khởi đầu của luân hồi. Ngày mai chúng ta có thể ở điểm khởi đầu của luân hồi nhiều lần. Chúng ta có thể có hàng triệu triệu điểm xuất phát của luân hồi. Nó phụ thuộc vào trạng thái của chúng ta.

Nói chung, người ta giải thích rằng người ở trong trạng thái hiện diện tức thời ngay từ đầu và không bao giờ bị phân tâm là người có trí huệ hay hiểu biết. Sự hiểu hiếtbổn nguyên đó được gọi là Phổ Hiền, là biểu tượng của Đức Phật Ati—vị Phật bổn nguyênngay từ ban đầu chưa bao giờ bị điều kiện hóa bởi thị kiến nhị nguyên. Nếu không có trí huệ hay sự hiểu biết này, thì không có cách nào chúng ta có thể nhận ra hay đi vào trạng thái đó.

Khi chúng ta nói về lamnyi, hay hai con đường, điều đó có nghĩa là có hai con đường mà qua đó luân hồi và niết bàn, hai quả, hay drebunyi, được tạo ra. Hai quả này tùy thuộc vào việc chúng ta có trí huệ và hiểu biết hay không. Những người có dạngtrí huệ đó được giác ngộ, và những người vô minh không ngừng tạo nghiệp xấu ác và tiềm năng của nghiệp, tạo ra luân hồi vô tận.

RIGPA VÀ MARIGPA

Nhân của hai con đường và hai quả này là gì? Ở đây chúng ta đến điểm chính: rigpa và marigpa. Rigpa có nghĩa là biết hay ở trong trí huệ và sự hiểu biết đó; marigpa có nghĩa là sự khôngbiết, vô minh về cái hiểu biết thực sự. Nếu chúng ta vô minh, chúng ta hoàn toàn rơi vào thị kiến nhị nguyên. Cách chúng ta rơi vào rất đơn giản. Ví dụ, chúng ta có thể thư giãn một chút, quan sát tư tưởng và hoàn cảnh của mình. Mắt chúng ta thấy, tai chúng ta nghe, tất cả các cơ quan của chúng ta đều hoạt động, và ngay lập tức chúng ta tiếp xúc qua các giác quan, và chúng ta tư duyđánh giá. Chúng ta nhìn thấy điều gì đó rất dễ chịu, tiếp nhận thông tin qua cái nhìn của mình, và ngay lập tức chúng ta nảy sinh đánh giá: “Ồ, thật tuyệt, tôi thích điều đó.” Điều đó có nghĩa là chúng ta đang chấp nhận và tạo ra sự tham muốn. Sau đó, chúng ta đấu tranh và cố gắng để có được đối tượng của sự tham muốn. Khi chúng ta không thể có được đối tượng đó, chúng ta đau khổ. Vì vậy, đây là cách chúng ta rơi vào đau khổ.

Nếu thấy điều gì mà mình không thích, chúng ta sẽ nói: “Ồ, tôi không thích điều đó, và nếu bạn đặt nó trước mặt tôi, điều đó sẽ khiến tôi bực dọc.” Điều đó có nghĩa là chúng ta đang từ chối và tức giận với đối tượng đó. Đây là hai cảm xúc chính của chúng ta, tham muốnvà sân hận. Bằng cách này, chúng ta chấp nhận và từ chối hết lần này đến lần khác, rơi vào thị kiến nhị nguyên và tích tụ tiềm năng của ác nghiệp. Khi chúng ta tạo ác nghiệp, nó có tiềm năng tạo ra luân hồi. Do đó, những che chướng ác nghiệp của chúng ta ngày càng dày thêm, và chúng ta càng ngày càng vô minh về trạng thái của mình.

PHẬT TÁNH

Ngay cả khi chúng ta sở hữu tiềm năng của chúng ta về những phẩm tính tự toàn thiện ngay từ đầu, nếu chúng ta không nhận thức được nó, thì cũng không có giá trị. Nguyên tắc này không chỉ được tìm thấy trong Đại Toàn Thiện, mà còn trong giáo lý theo Kinh. Trong Kinh gọi là “Phật tánh,” nghĩa là ai cũng có Phật tánh, nếu chúng ta làm những cúng dường và tịnh hóa bản thân, thì có khả năng chứng ngộ Phật quả. Có một cuốn sách gọi là Gyüd Lama, hay Uttaratantra, của Maitreyanatha. Nó giải thích và đưa ra một ví dụ cũng rất quan trọng trong giáo lý Dzogchen. Nó sử dụng ví dụ sau:

Có một người đàn ông rất nghèo sống ở nông thôn. Mỗi ngày ông ta đến thị trấn để kiếm thức ăn. Ông ta không có nhà, đêm nào cũng vào hang núi ngủ. Ông ta đã trải qua cuộc đời mình theo cách này. Trước ngọn núi này có một hành giả, một yogi, đang nhập thất. Hàng ngày, hành giả yogi thấy ông lão đi đến thị trấn và trở về vào buổi tối. Sau đó, hành giả yogi nhận thấy rằng ông lão không còn ra khỏi hang của mình nữa. Anh ta nhìn thấy bằng khả năng thấu thị của mình rằng ông lão đã chết trong hang động. Anh ta nhìn sâu hơn một chút bằng khả năng thấu thị của mình để khám phá lý do tại sao và làm thế nào mà ông lão chết, và anh ta nhận ra rằng ông lão có một ác nghiệp cần tịnh hóa và do đó, không có tiền. Anh còn thấy mỗi đêm, ở chỗ ông lão gối đầu ngủ, có một viên kim cương lớn. Mặc dù ông lão đã chạm vào viên kim cương này mỗi ngày nhưng ông không bao giờ nhận ra rằng đó là một viên kim cương. Nếu ông ta phát hiện ra viên kim cương này, ông ta sẽ trở nên rất giàu có.

Đây là một ví dụ về cách mỗi chúng ta đều có Phật tính, giống như viên kim cương đó. Khi chúng ta không khám phá ra nó, cho dù chúng ta có nó, nó cũng chẳng có giá trị gì.

CÁI NHÌN NHỊ NGUYÊN

Tất cả các giác quan của chúng ta đều hướng ra bên ngoài để tiếp xúc với các đối tượng. Khi chúng ta có sự tiếp xúc này với các đối tượng của các giác quan, chúng ta rơi vào thị kiến nhị nguyên và không có khả năng quan sát chính mình. Do đó, trong Đại Toàn Thiện, chúng ta không sử dụng giáo lý và sự hiểu biết của mình như những chiếc kính đeo mắt, bởi vì ngay cả khi chúng trong sáng và mạnh mẽ, chúng luôn nhìn ra bên ngoài. Chúng ta sử dụng giáo lý và trí tuệ như một tấm gương. Nếu chúng ta nhìn vào gương, chúng ta khám phá khuôn mặt của chúng ta trông như thế nào. Cũng như vậy, nếu chúng ta hướng nhận thức vào bên trong mình, thì chúng ta có thể khám phá và có trí huệ, hiểu biết; đây là nguyên tắc của rigpa hay marigpa có hiểu biết hay không hiểu biết. Bất cứ ai có trí huệ này đều có thể ở trong trạng thái thực sự của họ và giống như Ngài Phổ Hiền và Kim Cương Tát Đỏa. Nếu chúng ta nhìn ra bên ngoài để đánh giá, tư duy và nhân rộng cái nhìn nhị nguyên của mình—chúng ta sẽ kết thúc với cái nhìn nhị nguyên vô tận và luân hồi.

Trong giáo lý Đại Toàn Thiện, chúng ta có từ rulog, có nghĩa là “đảo ngược”. Thay vì đi thẳng vào luân hồi, chúng ta đảo ngược quá trình này và đi vào trí huệ hay sự hiểu biết thực sự.

CHỨNG NGỘ

Thông qua lời nguyện này, chúng ta có thể có kinh nghiệm này và trở lại tiềm năng thực sự của mình. Điều này được gọi là chứng ngộ, hay giác ngộ. Chứng ngộ hay giác ngộ không phải là thứ chúng ta kiến ​​tạo hay xây dựng. Nếu chúng ta xem sự chứng ngộ như một thứ gì đó mà chúng ta xây dựng, thì không đúng; nó trở thành một cái gì đó được tạo thành bởi các uẩn, hay một cái gì đó vô thường. Nếu chúng ta tạo ra thứ gì đó trong thời gian và thông qua hành động, chúng ta không bao giờ có thể vượt qua thời gian. Trong trạng thái thực sự của chúng ta, Nền tảng vượt khỏi thời gian, vượt khỏi sự suy xét, diễn giải—vượt khỏi mọi thứ. Đó là lý do tại sao vào cuối đời, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giải thích tất cả mọi thứ là tánh Không bằng giáo lý Bát Nhã Ba La Mật Đa. Thậm chí đến cuối đời, Ngài nói rằng không có trí huệ, không có con đường và không có sự chứng ngộ. Tại sao Ngài phủ nhận tất cả những điều này? Chúng ta luôn đi vào các khái niệm. Nếu chúng ta nói “trí huệ,” thì chúng ta có một khái niệm, và nếu chúng ta vẫn ở trong khái niệm này, thì chúng ta có một vấn đề. Sự chứng ngộ phải vượt khỏi tất cả điều này. Ngay trong giáo lý theo Kinh, Đức Phật đã giải thích mọi sự theo cách đó.

TỰ TOÀN THIỆN

Trong Đại Toàn Thiện, chúng ta có phẩm tính tự toàn thiện ngay từ đầu. Nó không có nghĩa là một cái gì đó đã được xây dựng và sau đó đủ điều kiện, mà là bản tính của trạng thái thực sự của chúng ta. Ví dụ, vào mùa hè có rất nhiều loại hoa và cây cối trong vườn. Không ai tạo ra chúng. Tự toàn thiện mọi thứ là phẩm tính của chúng ta. Đây là Nền tảng theo nghĩa thực.

Tại sao chúng ta nói rằng Nền tảng, hay Tinh túy, là tánh Không? Bởi vì khi chúng ta tìm kiếm thì không có gì để tìm thấy. Chúng ta luôn đạt đến điểm rỗng không; trạng thái thực sự của chúng ta là tánh Không. Nếu chúng ta ở trong một căn phòng vào ban đêm và căn phòng hoàn toàn tối om, thì dù di chuyển theo hướng nào, chúng ta cũng sẽ đụng phải một bức tường. Phòng thì có tường; chúng ta không thể vượt ra ngoài, và chúng ta chấp nhận điều đó. Tương tự như vậy, chúng ta luôn ở trong bản tính thực sự của mình là tánh không. Khi chúng ta tìm kiếm, chúng ta luôn tìm thấy sự rỗng không; và đạt đến sự rỗng không này, chúng ta khám phá ra trạng thái của chúng ta.

Mặc dù chúng ta chỉ tìm thấy sự rỗng không, nhưng trạng thái thực sự của chúng ta là sự rỗng không với tiềm năng vô hạn. Đây không chỉ là một tư tưởng về tánh Không, chẳng hạn như tư tưởng về cặp sừng của một con thỏ rừng hay một con ngựa. Những con vật này không có sừng, nhưng bạn có thể tưởng tượng chúng có, mặc dù trên thực tế chúng chưa bao giờ tồn tại. Mặc dù đây là một kiểu rỗng không, nhưng nó không có công dụng gì.

TÁNH KHÔNG VỚI TIỀM NĂNG VÔ HẠN

Tánh Không không có công dụng không giống như tánh Không toàn thể của bản tính thực sự của chúng ta, Pháp tánh hay Pháp thân. Đây là tánh Không có thể có vô số hóa hiện. Chúng ta có thể quan sát sự rỗng không của không gian và những biểu lộ vô hạn của chiều kích này. Khi chúng ta nhìn lên bầu trời, có thể không có gì ở đó; tuy nhiên, khi mây phát sinh, những biểu lộ đó không thể tách rời khỏi không gian của bầu trời; chúng biểu lộ trong cùng một chiều kích. Theo cách tương tự, tánh Không có tiềm năng vô hạn, và vì lý do đó chúng ta nói rằng Bản tính của chúng ta là sáng tỏ. Ngay cả khi nó rỗng không, thông qua sự sáng tỏ tự nhiên của nó, nó biểu lộ mọi thứ dưới dạng Năng lượng mà không bị gián đoạn. Với hiểu biết này về Tinh tuý, Bản tính và Năng lượng, chúng ta có thể hiểu được ba chiều kích—Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Trong chiều kích thanh tịnh chúng ta nói Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân. Khi chúng ta có hiểu biết này về Tinh tuý, Bản tính và Năng lượng, chúng ta có sự hiểu biết về ba chiều kích.

BA THÂN

Trong giáo lý có giải thích về ba chiều kích, ba thân của Nền tảng, Con đường và Quả. Nếu bạn đọc nhiều sách, đặc biệt là các văn bản Đại thừa, thì bạn hiểu rằng ba thân này giải thích một số phẩm tính của các bậc giác ngộ. Theo nghĩa thực, nó không chỉ là lời giải thích của các bậc giác ngộ, mà còn là lời giải thích về trạng thái của chúng ta. Điều rất quan trọng là phải biết điều này ngay từ đầu. Tinh tuý là tánh Không, và là Pháp thân. Bản tính là sáng tỏ, và có nghĩa là biểu lộ, và là Báo thân. Và Năng lượng không gián đoạn có nghĩa là Hóa thân. Khi chúng ta ở trong trạng thái tham thiền, chúng ta ở trong ba trạng thái đó. Khi chúng ta có trí huệ đó qua sự giới thiệu, chúng ta đã khám phá ra Nền tảng thực sự của mình. Chúng ta biểu lộ điều này một cách cụ thể như thế nào tùy thuộc vào cách chúng ta tu tập và chứng nghiệm.

Khám phá bản tính thực sự của chúng ta không có nghĩa là chúng ta biểu lộ những phẩm tính của mình. Trong giáo lý Đại Toàn Thiện có ví dụ về trí huệ của người thực hành, tương tự như quả trứng kim xí điểu. Trứng kim xí điểu khác với những quả trứng khác; khi nó mở ra, con kim xí điểu nhỏ đã được hình thành hoàn hảo và sẵn sàng bay, tự toàn thiện ngay từ đầu. Đó là lý do tại sao nó được cho là giống như một người thực hành Đại Toàn Thiện. Ngay cả khi chúng ta sống với sự giới hạn của cơ thể vật lý, năng lực, trí huệ và hiểu biết của chúng ta đã toàn thiện. Khi chúng ta giải thoát khỏi cơ thể vật lý này, chúng ta có sự chứng ngộ cả ba thân.

-------o0o-------

Trích: “Giáo Huấn Đại Toàn Thiện ".

Tác giả: Chögyal Namkhai Norbu.

Việt dịch: Thông Quang

NXB Snow Lion, 2006.

Ảnh: nguồn Internet.

Bài viết liên quan