LỰA BỎ TÂM PHAN DUYÊN ĐỂ CHỈ RA TÁNH THẤY KHÔNG THỂ TRẢ VỀ ĐÂU - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

LỰA BỎ TÂM PHAN DUYÊN ĐỂ CHỈ RA TÁNH THẤY KHÔNG THỂ TRẢ VỀ ĐÂU

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Thế mới biết tâm ông vốn sáng tỏ, thanh tịnh, nhiệm mầu. Chỉ ông tự mê muội, bỏ mất tánh bổn nhiên mà chịu luân hồi, thường bị chìm đắm trong biển sanh tử. Thế nên, Như Lai nói là đáng thương xót.
LỰA BỎ TÂM PHAN DUYÊN ĐỂ CHỈ RA TÁNH THẤY KHÔNG THỂ TRẢ VỀ ĐÂU - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

LỰA BỎ TÂM PHAN DUYÊN ĐỂ CHỈ RA TÁNH THẤY KHÔNG THỂ TRẢ VỀ ĐÂU

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

A Nan vâng nghe lời Phật từ bi cứu độ dạy bảo, khóc lóc rồi khoanh tay bạch Phật: Tuy con vâng nghe diệu âm của Phật như vậy, ngộ được tâm diệu minh vốn là tâm địa viên mãn thường trụ. Nhưng con ngộ nơi pháp âm Phật vừa dạy, đó là con cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết điều ước mong. Dù được tâm ấy một cách mơ hồ, vẫn chưa dám nhận là tâm địa bổn nguyên.

Cúi mong Phật thương xót, lời viên âm tuyên dạy, nhổ gốc rễ nghi ngờ trong con để trở về đạo vô thượng.

Ngài A Nan tuy nói là ngộ tâm diệu minh vốn là tâm địa viên mãn thường trụ, nhưng vẫn còn mơ hồ vì chưa dứt được một cách căn bản chấp ngã và chấp pháp.

Tâm phan duyên là thức, biết được do có chủ thể biết và cái được biết. Trong khi đó tâm diệu minh thì hoàn toàn vắng bặt vì chưa từng có chủ thể và đối tượng. Có chủ thể và đối tượng, đó là thức. Không có chủ thể và đối tượng, đó là trí.

Vì còn dính dấp với thức nên tâm diệu minh trở thành đối tượng mơ hồ như là vật, và cũng tâm diệu minh ấy trở thành chủ thể như là ta. Vì còn vật và ta như vậy nên còn gốc rễ nghi ngờ.

Phật bảo A Nan: Các ông còn lấy tâm phan duyên để nghe pháp thì pháp đó cũng là cái được duyên, chẳng phải được pháp tánh.

Như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng cho người kia thì người kia phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Chứ nếu người kia nhìn ngón tay mà cho đó là thể mặt trăng thì không những bỏ mất mặt trăng mà còn bỏ mất ngón tay nữa. Vì sao thế? Vì lấy ngón tay chỉ mà cho đó là mặt trăng sáng. Không những bỏ mất ngón tay mà lại cũng không biết sáng và tối. Vì sao thế? Vì lấy cái thể của ngón tay cho là tánh sáng của mặt trăng, không biết hai tánh sáng và tối. Các ông cũng như vậy.

Lấy tâm phan duyên nghe pháp thì pháp ấy cũng là đối tượng được phan duyên, không phải pháp tánh. Khi ấy pháp trở thành thức phân biệt, chứ không phải là trí.

Tâm phan duyên vừa thấy đối tượng liền chấp cứng, vừa thấy ngón tay chỉ mặt trăng liền chấp cứng ngón tay nên không thể thấy mặt trăng.

Chính sự chấp cứng này đã tạo ra bóng tối trong tâm, thành thử kinh nói chẳng biết sáng tối.

Không bám chấp thì tất cả là ánh sáng, tất cả là mặt trăng, tất cả là pháp tánh Minh-Không.

Không phan duyên, nghĩa là không vọng tưởng theo nhân duyên thì khi ấy thấy ngay cái “chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên”.

Nếu lấy cái phân biệt tiếng nói pháp của ta làm tâm của ông, thì tâm ấy lẽ ra khi lìa tiếng phân biệt tự nó vẫn có tánh phân biệt.Ví như người khách ngủ trọ trong quán trạm,ở tạm rồi đi, chẳng thường trụ mãi. Còn người chủ quán thì không đi đâu cả mới gọi là chủ.

Đây cũng vậy, nếu thật là tâm của ông thì chẳng đi đâu, làm sao lìa tiếng lại không có tánh phân biệt?

Thế thì chẳng những tâm phân biệt các âm thanh, mà tâm phân biệt hình dung của ta, khi lìa các sắc tướng, cũng không có tánh phân biệt.

Như vậy cho đến mọi phân biệt đều không có, chẳng phải sắc, chẳng phải không, mà nhóm Câu Xá Ly lầm cho là Minh Đế. Lìa các pháp duyên mà không có tánh phân biệt, thì tâm tánh của ông, mỗi mỗi đều có chỗ trả về, làm sao gọi là chủ?

Tâm phan duyên không phải là chân tâm vì khi lìa thanh, lìa sắc thì hết sống, không còn tánh phân biệt. Nó chỉ hiện hữu khi có duyên thanh, sắc; khi không có duyên thì hết hiện hữu. Thế thì làm sao gọi là chủ, là thường trụ?

Cái tâm không cần duyên mà vẫn có tánh phân biệt, đó gọi là tánh giác. Tánh giác ứng nơi mắt gọi là tánh thấy, ứng nơi tai gọi là tánh nghe….

Ở nơi chúng ta có cái suốt ngày “không đi đâu cả mà vẫn hằng biết”, suốt muôn đời “không đi đâu cả mà vẫn hằng biết”. “Cái thật thì chẳng đi đâu”, lồ lộ, sáng rỡ, rỗng rang, “không có mắt tai mũi lưỡi thân ý”. Chẳng có sanh tử nào, Niết bàn nào đuổi nó đi được cả, chẳng có vọng tưởng nào dời nó nhúc nhích được một ly.

Hãy mở to mắt sống với tánh thấy hay tánh giác vốn không cần có duyên sắc tướng. Mở rộng tai sống với tánh nghe hay tánh giác vốn không cần có duyên âm thanh. Và hãy sống với tâm tánh không cần có nhân duyên nào để hiện hữu. Tâm tánh không cần có nhân duyên, đây chính là giải thoát.

A Nan thưa: Nếu tâm tánh của con mỗi mỗi đều có chỗ trả về thì thế nào là tâm diệu minh vốn sẳn không trả về đâu? Cúi mong Phật thương xót chỉ bảo cho con.

Phật bảo A Nan: Hãy xem cái thấy vốn sáng của ông đang thấy ta đây. Cái thấy ấy tuy chưa phải là tâm diệu minh thuần túy, nhưng nó như mặt trăng thứ hai, chứ không phải là bóng mặt trăng (trên nước). Ông hãy lắng nghe, nay ta sẽ chỉ cho ông cái không có chỗ trả về.

A Nan, cửa đại giảng đường mở thông về hướng Đông, khi mặt trời lên thì chiếu sáng, nửa đêm không trăng mây mù thì lại thấy tối. Chỗ có cái cửa thì thấy thông suốt, chỗ có tường vách thì thấy ngăn bít. Chỗ phân biệt được thì thấy cảnh duyên, chỗ trống rỗng thì toàn là hư không. Khi bụi nổi lên thì cảnh tượng mù mịt, mưa tạnh trời quang lại thấy trong sáng.

A Nan, ông hãy xem các tướng biến hóa này, nay ta trả mỗi thứ về chỗ sanh khởi của chúng. Thế nào là chỗ sanh khởi? A Nan, các thứ biến hóa này, cái sáng trả về cho mặt trời. Vì sao thế? Vì không mặt trời thì không sáng, ánh sáng thuộc và do mặt trời, nên trả về cho mặt trời. Cái tối trả về cho đêm không trăng. Thông suốt trả về cho các cửa. Ngăn bít trả về cho tường vách. Cảnh duyên trả về cho phân biệt. Trống rỗng trả về cho hư không. Mù mịt trả về cho bụi bặm. Trong sáng trả về cho trời tạnh. Tất cả những sự vật trong thế gian đều không ngoài những loại ấy. Còn tánh thấy sáng tỏ của ông thấy tám thứ kia, ông muốn trả về đâu? Vì sao thế? Nếu trả nó về cho sáng thì khi không sáng bèn chẳng thể thấy tối. Tuy sáng tối mỗi mỗi đều khác biệt, nhưng cái thấy không khác biệt.

Các thứ có thể trả về, dĩ nhiên chẳng phải là ông. Còn cái không trả về được, chẳng phải là ông thì là ai?

Thế mới biết tâm ông vốn sáng tỏ, thanh tịnh, nhiệm mầu. Chỉ ông tự mê muội, bỏ mất tánh bổn nhiên mà chịu luân hồi, thường bị chìm đắm trong biển sanh tử. Thế nên, Như Lai nói là đáng thương xót.

Cái thấy hiện giờ của mỗi người, tuy mới là mặt trăng thứ hai, nhưng mặt trăng thứ hai không thể có nếu không có mặt trăng thật. Nó là mặt trăng thật nhưng do mắt yếu mà thấy thế thôi, chứ chẳng phải là hoàn toàn không phải, như mặt trăng trong nước thì không phải, vì trong nước không có mặt trăng.

Thế nên nếu biết ngay nơi cái thấy hằng ngày mà nhận ra tánh thấy, đó là mục đích của đoạn kinh này, mà cũng là mục đích của đời người.

Hãy mở to mắt mà nhìn: tất cả các cái đều có thể trả về, còn cái đang thấy chẳng thể trả về đâu cả. Cái thấy không nhờ vào các duyên, đó là tánh thấy. Cái đó chẳng phải là ông thì là ai?

Cái không thể trả về, đó là tánh thấy hiện tiền, mãi mãi hiện tiền. Các bóng trong gương đều có chỗ trả về, nhưng tấm gương tâm không chỗ nào có thể trả về, nên nó lồ lộ, chẳng thể bỏ, chẳng thể lấy, chẳng thể di dời, nhắm mắt mở mắt đều thấy, xoay đầu ngoảnh cổ đều thấy, chưa từng thiếu hụt mảy may.

Cái đó là Phật tánh sẳn có của mỗi chúng sanh (Kinh Đại Bát Niết Bàn), là cái thấy biết của Phật, tri kiến Phật đang có nơi mỗi chúng sanh (Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa).

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan