MA TRẬN TÂM LINH - BÀN VỀ SANH TỬ - ANDREW HOLECEK

MA TRẬN TÂM LINH

BÀN VỀ SANH TỬ - ANDREW HOLECEK

Người dịch: Nhóm Dòng Sống

---o0o---

Điều tôi muốn nói ở đây là các bác sĩ, bệnh nhân và những người chăm sóc cần cẩn thận khi đưa ra những lời hứa hay chẩn đoán về bệnh tật. Đôi khi điều đó giống như bệnh nhân đã có lý do mà họ đã chờ đợi để cuối cùng buông tay với cuộc sống. Họ có thể tự nói với mình: “Tôi không còn chịu trách nhiệm về cuộc đời và những hành động của mình nữa. Căn bệnh này đã...
MA TRẬN TÂM LINH - BÀN VỀ SANH TỬ - ANDREW HOLECEK

Nhận xét của Lynn Weitzel: “Tinh thần không bị ung thư, AIDS hay Alzheimer” đã bảo đảm sự trở lại nhanh chóng của ma trận tâm linh của tất cả mọi trải nghiệm. Hiểu được bối cảnh tâm linh của ngay cả những sự kiện thể chất khó khăn nhất có thể định hình lại toàn bộ tình trạng bệnh tật hay cái chết. Điều này có thể tưới tẩm sự êm dịu vào một hoàn cảnh khó khăn.

Thật dễ để người bệnh và những người xung quanh họ bắt đầu đồng hóa mình với căn bệnh. Dù điều quan trọng là biết về căn bệnh vì những lý do cụ thể (điều gì sẽ xảy ra, điều trị như thế nào, v.v…), nhưng nếu bắt đầu đồng hóa mình với căn bệnh, chúng ta có thể mắc kẹt ở đó. Chúng ta có thể tự thuyết phục rằng hiện giờ mình chính là căn bệnh, hoặc nếu chúng ta là người chăm sóc thì bệnh nhân chính là căn bệnh. Trong một bài báo gần đây về chứng tự kỷ, một tác giả của tờ New York Times đã nhấn mạnh rằng “lời chẩn đoán [về chứng tự kỷ] theo nhiều cách đã trở thành trung tâm trong đời sống của họ”. Sự tự tiêm nhiễm kéo theo sự tự đồng hóa là một trong những thói quen mạnh nhất của chúng ta. Đây là lúc căn bệnh của cơ thể tràn lan, lấn át tâm trí và tinh thần.1

Tôi đã quan sát thấy nhiều bệnh nhân bỏ cuộc, một cách không chủ tâm hay thậm chí một cách tự nguyện chỉ vì một chẩn đoán. Ví dụ: Họ nói với tôi về căn bệnh ung thư của mình kèm theo một sự mặc nhận nguy hiểm: “Tôi có thể làm gì với nó? Bác sĩ của tôi nói rằng tiên lượng rất ảm đạm. Căn bệnh này đã kiểm soát cuộc đời tôi.” Tôi không đổ lỗi cho các bác sĩ, vì có rất nhiều người trong số họ đưa ra các chẩn đoán với sự thông cảm và tình thương. Cũng có nhiều bệnh nhân một cách vô thức đã trao quyền cho bác sĩ của mình, tô vẽ cho họ những năng lực thần kỳ đối với chuyện sinh tử. Tôi cũng không nói rằng bệnh tật không có khả năng lấn át và biến đổi một người theo chiều hướng bất lợi, biến đổi hoàn toàn đời sống thể chất của họ. Có những căn bệnh mà cái chết là gần như chắc chắn.

Điều tôi muốn nói ở đây là các bác sĩ, bệnh nhân và những người chăm sóc cần cẩn thận khi đưa ra những lời hứa hay chẩn đoán về bệnh tật. Đôi khi điều đó giống như bệnh nhân đã có lý do mà họ đã chờ đợi để cuối cùng buông tay với cuộc sống. Họ có thể tự nói với mình: “Tôi không còn chịu trách nhiệm về cuộc đời và những hành động của mình nữa. Căn bệnh này đã kiểm soát tôi, bạn không thấy tôi chính là căn bệnh này hay sao!?” Họ đã trở thành một nạn nhân, và bỏ cuộc theo một cách đầy tệ hại.

Tiến sĩ Candace Pert, một trong những người thuyết minh hùng hồn nhất về y khoa tâm thể, nói: “Hãy chịu trách nhiệm về sức khỏe của chính mình - và bệnh tật. Hãy xóa các cụm từ như “bác sĩ của tôi sẽ không cho phép tôi…” hoặc “bác sĩ của tôi nói rằng tôi bị [tình trạng] và tôi thực sự không thể làm gì được” khỏi cách nói và suy nghĩ của mình.” Có một sự khác biệt lớn giữa việc đánh giá cao một chẩn đoán và đồng hóa với nó. Khi chúng ta nói về việc đầu hàng trước thực tế thì đây không phải là sự đầu hàng đó.

Bệnh tật có thể là một thực tế thể chất tạm thời, và việc sống trong sự thiếu hiểu biết về nó có thể dẫn đến một đối cực khác là sống trong sự phủ nhận, nhưng căn bệnh này không phải là chúng ta. Tinh thần của chúng ta, con người thật của chúng ta không bao giờ bị ung thư và sẽ không bao giờ chết. Hãy hiện diện với căn bệnh của mình, nhưng đừng đồng hóa với nó. Hãy nhận ra tinh thần bất tử của mình chứ không phải những vấn đề của cơ thể đang tạm thời chứa đựng nó. Trungpa Rinpoche nói:

“Bằng cách liên hệ với những điều kiện bình thường trong đời sống của mình, bạn có thể tìm ra những khám phá gây sốc. Khi uống trà, bạn có thể nhận ra mình đang uống trà trong môi trường chân không. Thực ra thì, bạn thậm chí còn không hề đang uống trà [hay đang bị bệnh]. Sự rỗng không của không gian đang uống trà [hay đang bị bệnh]... Khi trang điểm, bạn có thể khám phá ra mình đang bôi mỹ phẩm lên không gian. Bạn đang làm đẹp cho không gian, một sự trống không thuần khiết [khi bạn bị ung thư hay mất trí thì đó chính là không gian, sự trống không thuần khiết đang “bị” bệnh].

Các bác sĩ cũng như bệnh nhân và người nhà của họ thường khó chống lại sự cám dỗ của những mặc định và do đó thường gạt bỏ. Điều đó dễ dàng và thuận tiện. Điều bị gạt bỏ là những tác nhân phức tạp liên quan đến căn bệnh, sự tương tác bí ẩn giữa vật chất và tinh thần, và bối cảnh của sự đồng nhất tinh thần lớn hơn.

Trong sự thực hành nha khoa của mình, các nhân viên thường nói với tôi: “Chúng ta có một ca sinh thiết ở phòng phẫu thuật một, chúng ta có một ca áp xe ở phòng phẫu thuật hai.” Không phải thế. Chúng ta có một con người, một biểu hiện thiêng liêng của tinh thần thuần khiết đang xử lý một trục trặc thể chất tạm thời. Vì vậy, khi một bệnh nhân đưa tôi bệnh án của họ và nói: “Tôi bị ung thư”, tôi muốn trả lời họ rằng: “Đừng để nó có được bạn.” Đừng để nó sở hữu bạn. Đừng bao giờ quên, như Stephen Levine từng nói: Chúng ta là những tồn tại tinh thần có trải nghiệm vật chất chứ không phải những tồn tại vật chất có trải nghiệm tinh thần.

Đây là lý do vì sao những lời dạy của phần 1, sự chuẩn bị tinh thần, được đưa ra trước và chứa đựng những điều được cân nhắc để trình bày trong phần 2, sự chuẩn bị thực tiễn. Trong khi tôn vinh cái sau, chúng ta nên luôn luôn nương tựa vào cái trước. Giống như bản thân không gian, tinh thần dễ dàng chứa đựng và không bị ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì phát sinh trong nó. Iyengar nói: “Dù cơ thể phải chịu đựng bệnh tật, tuổi tác, suy tàn và chết chóc, nhưng tinh thần thì không bị ảnh hưởng. Sinh tử là hiện tượng tự nhiên nhưng tâm hồn thì không chịu sinh tử. Như một người bỏ lại quần áo cũ để khoác lên những bộ quần áo mới, người ở trong cơ thể bỏ lại cơ thể đã hư hỏng sang một bên và đi vào những cơ thể mới.”

Tính Không Của Bệnh Tật

Chúng ta đã từng bàn luận ngắn gọn về tính không, một trong những giáo lý quan trọng nhất của Phật giáo. Một sự hiểu biết sâu sắc về tính không sẽ chuyển hóa hoàn toàn cách chúng ta liên hệ với bệnh tật và cái chết. Tính không là môi trường dung chứa tối thượng. Khenpo Tsültrim Gyamtso Rinpoche nói về tầm quan trọng của tính không trong sự liên hệ với bệnh tật:

“Lý do khiến chúng ta gặp rắc rối với bệnh tật là đã có một cái nhìn sai lầm về bệnh tật, một sự hiểu biết không đúng đắn: Chúng ta bám níu vào bệnh tật như thể chúng thực sự tồn tại và vì thế việc chữa lành trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, hãy nhớ lấy điều này. Hãy nhìn thẳng vào bệnh tật. Nếu trước đây nó không tồn tại thì làm sao nó có thể tồn tại sau này? Đây là một cách khác để nói rằng bệnh tật không có cốt lõi [trống không về một hiện hữu nội tại]. Nhưng ở tầng mức của thực tại hiển hiện, nó sinh khởi như một sự trình hiện, một giấc mơ, một ảo ảnh, như sự phản chiếu của mặt trăng trên nước. Với sự hiểu biết rằng bệnh tật không thực sự tồn tại, bạn có thể cứu chính mình.”

Tuyên bố cuối của Rinpoche là một lời thách thức. Điều đó không có nghĩa là tạo gánh nặng cho người bệnh bằng cách khiến họ cảm thấy bệnh tật và chữa lành chỉ thuần túy dựa trên cái nhìn của mình. Quan niệm phổ biến của phong trào New Age (Thời Đại Mới) rằng bằng cách nào đó chúng ta tự tạo ra bệnh tật với những tư tưởng xấu và có thể được chữa trị với những tư tưởng tốt, khá thô giản và thiếu sót. Nó tạo ra một áp lực và sự căng thẳng không chính đáng lên một người đang đau đớn vì bệnh tật. Điều cuối cùng mà một người đang đau bệnh cần nghe là bằng cách nào đó chính họ đã tạo ra nó. Những suy nghĩ tích cực có sức mạnh, nhưng sức mạnh cao hơn là của những suy nghĩ đúng đắn. Phật giáo dạy rằng tư tưởng tác động đến thực tại vật lý. Nhưng nó không tạo ra thực tại vật lý.1

Quan niệm của phong trào New Age rằng bạn tạo ra thực tại có thể dẫn đến điều mà nhà trị liệu tâm lý John Welwood gọi là “lối tắt tâm linh”: “Sử dụng những ý tưởng hoặc thực hành tâm linh để tránh hoặc hấp tấp vượt qua những nhu cầu, cảm xúc, những vấn đề cá nhân và nhiệm vụ trưởng thành của con người.” “Lối tắt tâm linh” này thể hiện trong điều mà Welwood gọi là “lối nói advaita”, trong đó advaita là một từ tiếng Sanskrit có nghĩa là “bất nhị”, trạng thái được cho là Thượng Đế hay Tuyệt Đối. Trạng thái thiên đường này không thể đạt được bằng lý trí hay cái tương đối. Bởi bất nhị, nó vượt lên những phê phán nhị phân và hợp lý. Nó ở trên sự lộn xộn của hiện hữu con người. Đó là “sự ưu việt” không thể chạm tới của quan niệm này, là phẩm chất về sự phức tạp của thực tại tương đối, điều rất cám dỗ với tư duy của phong trào New Age và cũng là hạn chế của họ.

Nếu bất nhị không tôn trọng nhị phân thì nó sẽ trở nên cằn cỗi, mất kết nối và nguy hiểm. Nó sẽ trở thành “thuyết siêu nghiệm một chiều”, sử dụng những thuật ngữ và ý tưởng bất nhị để bỏ qua công đoạn đầy thách thức của sự chuyển hóa cá nhân. “Lối nói advaita” có thể trở nên rất rắc rối vì điều đó sử dụng sự thật tuyệt đối để xem thường sự thật tương đối, dùng tính không để hạ thấp hình tướng, và sự thống nhất để xem nhẹ tính cá nhân.” Nói cách khác, đó là một cái nhìn hời hợt tạo ra thái độ trốn tránh những khó khăn và chi tiết thuộc tương đối.

Hiểu về “lối tắt tâm linh” giúp chúng ta tránh sự cực đoan của việc nương dựa quá mức vào tâm linh hay tuyệt đối. Khi muốn đồng hóa mình với tâm linh thì sự đồng hóa có tính loại trừ với tâm linh sẽ tạo nên một loạt những vấn đề của riêng nó.1 Chúng ta có thể trở nên kỳ quái, mất kết nối, tự cao, lãnh đạm, thậm chí là “hư vô”. Nói cách khác là mất sự liên hệ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong nỗ lực tìm kiếm thiên đường trên con đường tâm linh, chúng ta mất kết nối với trái đất. Một sự đồng nhất đúng đắn và hoàn toàn với tâm linh, theo cách diễn đạt của Ken Wilber, là “vượt qua nhưng bao hàm” vật chất. Nó tôn trọng và hợp nhất với tương đối, đồng thời vượt qua tương đối.

Thiếu đi cái nhìn hoàn thiện hơn này, một người có thiện chí nhưng hiểu sai về “tâm linh” có thể tới thăm một người sắp mất với thái độ không thừa nhận sự khổ đau thực sự của bệnh tật hay cái chết. Một cái nhìn “thuần tuyệt đối” sẽ không thể kết nối một người như vậy với sự thật tương đối một cách tạm thời như sự tạm thời của chính sự thật tương đối đó. Điều này có thể dẫn đến kết quả là một “tình thương” giả tạo, thiếu đồng cảm, hay là một sự “hiểu biết” có tính kẻ cả.

Một lần nữa, nếu người sắp mất không cởi mở với quan điểm của bạn thì đừng áp đặt triết lý của bạn lên họ. Và hãy cẩn trọng để ở mình không toát lên “lối nói advaita”: “Có chuyện gì to tát đâu? Bạn không thấy rằng không có điều gì đang thực sự diễn ra, rằng mọi thứ đều trống không à?” Dù việc nương tựa vào tâm linh là quan trọng, nhưng hãy luôn ghi nhận và trân trọng vật chất. Cái nhìn tối thượng là sự thống nhất cả hai.

Do đó một lần nữa điều mà tuyên bố của Khenpo Rinpoche ám chỉ là trong khi thừa nhận những hiện tướng tương đối của bệnh tật, chúng ta không nên khiến chúng trở nên chắc đặc. Nếu quán xét tính ảo huyễn và trong suốt của không chỉ bệnh tật mà của cả cơ thể đang tạm thời biểu lộ căn bệnh thì điều đó sẽ giúp tạo ra một môi trường dung chứa đúng đắn. Và trong khi thực hiện sự thẩm sát này, chúng ta nên luôn ghi nhận sức mạnh của sự thật tương đối. Mọi thứ xuất hiện theo một cách nhất định trong cái nhìn còn mê lầm nhưng chúng không như vậy trong cái nhìn của một người thấu tỏ hơn. Kết luận của một phân tích như thế sẽ là một trong những giáo lý trung tâm của Tử Thư Tây Tạng: Tính không không thể làm hại tính không. Tính không của căn bệnh (của sự hiện diện nội tại) không thể làm hại tính không của cơ thể bao chứa căn bệnh đó. Một cuộc tấn công trong mơ không thể ảnh hưởng đến một cơ thể trong mơ.

Tính không không phủ nhận hiện tướng. Nó thách thức tình trạng và sự chắc đặc của hiện tướng đó. Một hiểu biết đúng đắn về tính không không trượt vào “lối tắt tâm linh” bởi trong khi vượt lên thực tại vật chất, tính không luôn trân trọng và ôm trùm thực tại đó. Tính không làm giảm xu hướng tự đồng hóa của chúng ta với các sự vật, vốn là chức năng trung tâm của cái tôi, ngay cả khi những thứ đó là bệnh lý. Chúng ta đã nhấn mạnh rằng cái tôi là sự đồng hóa với hình tướng. Bây giờ chúng ta có thể thấy đó là sự đồng hóa với bất cứ thứ gì.

---o0o---

Trích “Bàn Về Sanh Tử”

Tác giả: Andrew Holecek

Người dịch: Nhóm Dòng Sống

NXB Thế Giới - Cty Sách Thiện Tri Thức

 

Bài viết liên quan