MÀI GIŨA NHÂN CÁCH VÀ NÂNG CAO TÂM HỒN - TRÍCH "CÁCH SỐNG – TỪ BINH THƯỜNG TRỞ NÊN PHI THƯỜNG" - INAMORI KAZUO

MÀI GIŨA NHÂN CÁCH VÀ NÂNG CAO TÂM HỒN

CÁCH SỐNG – TỪ BINH THƯỜNG TRỞ NÊN PHI THƯỜNG

INAMORI KAZUO

–––––o0o–––––

Lời nói và hành động của những người thuộc hàng ngũ lãnh đạo mà như vậy thì việc giới trẻ hiện nay không còn kính trọng và tin tưởng vào người lớn cũng không có gì phải thắc mắc. Điều cần phải có ở những người có vị trí cao trong xã hội không phải là tài năng chuyên môn và khiếu ăn nói mà là nhân cách cao cả dựa trên nền tảng tư tưởng rõ ràng. Cụ thể là đức khiêm tốn, ý...
MÀI GIŨA NHÂN CÁCH VÀ NÂNG CAO TÂM HỒN - TRÍCH

LUÔN NHÌN LẠI MÌNH VÀ KHÔNG NGỪNG MÀI GIŨA NHÂN CÁCH

Tại Nhật Bản, sau chiến tranh, nhiều người thuộc nhóm tư chất thứ ba đã được đưa vào các vị trí lãnh đạo. Những người thực dụng, có năng lực, có tài ăn nói có kiến thức phong phú được trọng dụng; còn những người thuộc nhóm tư chất thứ nhất có chiều sâu nhân cách, dù không hẳn là bị coi nhẹ nhưng thường là bị gạt sang một bên. Người ta đã đặt những người không đủ tầm lãnh đạo – thiếu lương tâm, thiếu tiêu chuẩn đạo đức, thiếu bề dày trải nghiệm, thiếu chiều sâu nhân cách vào hàng ngũ “yếu nhân”. Các vụ bê bối có tính tổ chức xảy ra nhiều trong những năm gần đây, nói rộng ra là tình trạng suy thoái đạo đức, đang là khối u to lớn trong xã hội hiện nay xem ra cũng có nguồn gốc từ việc lựa chọn những người lãnh đạo như vậy. Sau các vụ bê bối, những người lãnh đạo thường tổ chức họp báo, nhưng hiếm khi tôi cảm nhận được tầm vóc nhân cách ở những người đứng đầu trong việc xử lý bê bối. Vì họ cũng chỉ đọc những bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn, hoặc lặp đi lặp lại nghe đến nhàm chán những lời nói quen thuộc: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đã để xảy ra… Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm…”.

Tôi hầu như không cảm nhận được sự thành thực, nghiêm túc, thái độ nhìn thẳng vào sự thật của người có trách nhiệm mà chỉ cảm thấy toàn là những lời ngụy biện. Phần lớn những gì tôi cảm nhận được là sự hoảng hốt, che đậy, trốn tránh trách nhiệm và hiếm khi thấy những lời nói, hành động can đảm, dám nhận trách nhiệm. Những gì cần giải thích thì phải giải thích đầy đủ, những gì đúng đắn, thuộc về lẽ phải, thì phải khẳng định là đúng đắn. Tôi phải nói rằng, do những người đó không có niềm tin vào công lý phổ quát, không có nền tảng tư tưởng, nền tảng triết học rõ ràng cho nên không có cả tiêu chuẩn để phân biệt giữa thiện và ác, giữa chính và tà của sự việc.

Lời nói và hành động của những người thuộc hàng ngũ lãnh đạo mà như vậy thì việc giới trẻ hiện nay không còn kính trọng và tin tưởng vào người lớn cũng không có gì phải thắc mắc. Điều cần phải có ở những người có vị trí cao trong xã hội không phải là tài năng chuyên môn và khiếu ăn nói mà là nhân cách cao cả dựa trên nền tảng tư tưởng rõ ràng. Cụ thể là đức khiêm tốn, ý thức tự phản tỉnh, kiềm chế bản ngã, lòng dũng cảm, trọng lẽ phải, lòng nhân ái… Gói gọn lại thì người lãnh đạo phải là người có tâm, sống đúng với đạo làm người.

Điều này cũng có trong thư tịch cổ Trung Hoa, có thể nói đó là cách sống tránh xa bốn điều: “ngụy”, “tư”, “phóng”, “xả”. Tức là không được giả dối, không được tà tâm, chạy theo dục vọng ích kỷ; không được tùy tiện bừa bãi; không được xa xỉ. Người ở vị trí lãnh đạo phải đặt mình vào cách sống nghiêm khắc với mình như vậy, phải nhận thức được rằng địa vị càng cao thì nhân cách phải càng lớn.

Nghe đến việc phải nỗ lực để sống sao cho đúng với đạo làm người chắc có nhiều người cười khẩy, “Nói cứ như rao giảng đạo đức cho trẻ con”. Thế nhưng, chính vì người lớn chúng ta đã không giữ gìn, tuân thủ những điều như vậy từ khi là học sinh tiểu học cho nên quan niệm về giá trị bị đảo lộn, kỷ cương xã hội bị băng hoại.

Tôi thường hỏi có được bao nhiêu người lớn có thể đường hoàng thuyết giảng về luân thường đạo lý cho giới trẻ, đưa ra những chuẩn mực rõ ràng về đạo đức lương tâm, chẳng hạn như: “Việc này cấm không được làm, việc kia phải làm như thế này”. Bao nhiêu người có chiều sâu nhân cách, có tầm vóc tri thức để có thể nói như vậy?

Sống sao cho đúng với đạo là người chắc chắn không phải là một việc quá khó. Vấn đề là chúng ta phải nghiêm túc một lần nữa suy nghĩ lại ý nghĩa của những nguyên tắc đạo đức chân phương, mà từ khi còn nhỏ chúng ta đã được cha mẹ dạy dỗ: không dối trá, phải thẳng thắn, hãy nỗ lực… Và chỉ cần chúng ta làm đúng những lời dạy đó cũng đã đủ để xây dựng một nền tảng nhân cách cho mình.

“SÁU PHÉP TINH TIẾN” CẦN THIẾT ĐỂ MÀI GIŨA NHÂN CÁCH

Đương nhiên việc mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn không chỉ là yêu cầu riêng đối với người lãnh đạo. Đã là con người ai cũng phải nâng cao tâm hồn mình theo hướng tốt, ai cũng phải trở thành người có nhân cách chứ không phải chỉ có năng lực và ai cũng phải là người đạo đức chứ không phải chỉ có đầu óc thông minh. Tôi có thể nói rằng: Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn chính là mục đích sống, ý nghĩa cuộc đời. Bởi vì cuộc sống nhân loại là quá trình xây dựng nhân tính hay bản chất người.

Vậy làm thế nào để nâng cao tâm hồn?

Đó không phải là một việc khó khăn như là phải đạt tới cảnh giới Thiện hoàn hảo hay đạt tới Ngộ. Tôi nghĩ rằng khi đi trọn hành trình cuộc sống, chúng ta có thể tự hào rằng đã có tâm hồn cao cả hơn, đẹp đẽ hơn dù chỉ một chút so với lúc chúng ta mới chào đời, như thế cũng là đủ.

Nói cách khác, khi từ giã cõi đời, tâm hồn chúng ta được nâng cao hơn dù chỉ một chút so với lúc mới chào đời và nhân cách của chúng ta cũng được mài giũa hơn một chút. Đó là trạng thái làm chủ bản ngã, kiềm chế được dục vọng và thói tùy tiện, thanh thản và vị tha, biết nghĩ đến người khác…

Chính việc mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn khiến con người mình đẹp đẽ hơn, cao cả hơn chính là mục đích cuộc sống. So với thời gian dài thăm thẳm của lịch sử vũ trụ thì cuộc đời con người vô cùng ngắn ngủi, giống như tia chớp chợt lóe lên rồi tắt ngấm. Chính vì vậy, ý nghĩa và mục đích sống của chúng ta nằm ở khả năng xây dựng nhân tính hay bản chất người khi kết thúc hành trình sống vô cùng ngắn ngủi đó. Nói rõ ràng hơn thì sự quý giá của con người, của cuộc sống chính là quá trình nỗ lực để có thành quả như vậy.

Con người cuối cùng cũng biết được niềm vui, niềm sung sướng trong cuộc sống, có được hạnh phúc sau khi đã nếm trải mọi cay đắng, buồn đau, trăn trở…

Những “hỉ, nộ, ái, ố… rồi “xả” lặp đi lặp lại trong suốt hành trình cuộc đời và chúng ta cố gắng sống trọn vẹn kiếp người chỉ có một lần trên thế gian. Những trải nghiệm đó, quá trình đó trở thành giấy nhám mài giũa tâm hồn chúng ta, làm tâm hồn chúng ta ngời sáng khi hành trình sống kết thúc. Nếu làm được như thế và chỉ cần như thế, cuộc đời của chúng ta đã trở nên có giá trị.

Vậy làm như thế nào để có thể mài giũa và nâng cao tâm hồn? Có rất nhiều phương pháp và cách tiếp cận. Con đường đưa chúng ta từ chân núi lên đến đỉnh cao có thể nói không giới hạn.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng phương châm mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn là thực hiện sáu phép tinh tiến:

  1. Nỗ lực để không thua kém người khác

Đi sâu nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn người khác và duy trì nghiêm túc quá trình này. Nếu có thời gian để kêu ca phàn nàn thì hãy sử dụng thời gian đó để nỗ lực tiến lên phía trước dù chỉ một chút

  1. Khiêm tốn không tự mãn

Đúng như một cổ ngữ Trung Hoa, “Khiêm thu ích” tức là khiêm tốn sẽ gọi hạnh phúc đến. Đức khiêm tốn sẽ giúp thanh lọc tâm hồn.

  1. Nhìn lại bản thân mỗi ngày

Kiểm tra xem xét lại mọi hành động và suy nghĩ của mình mỗi ngày, xem mình có suy nghĩ nào ích kỷ không, có làm điều gì hèn kém không. Nỗ lực sửa chữa sai sót của mình.

  1. Cảm ơn đời đã cho mình được sống

Luôn suy nghĩ: Được sống trên cõi đời này đã là một hạnh phúc lớn lao. Nuôi dưỡng tấm lòng biết ơn dù là từ những điều nhỏ nhặt nhất.

  1. Nhân hậu vị tha

Làm việc thiện, suy nghĩ về người khác, để tâm vào mọi lời nói và hành động, yêu thương mọi người. Người làm nhiều việc thiện sẽ được đền đáp, đúng như câu nói: “Nhà tích thiện luôn thịnh vượng”.

  1. Không để cảm tính chi phối, không quá dằn vặt trăn trở

Không kêu ca, bất mãn, lo lắng, trăn trở, dằn vặt những chuyện không đâu.

Để tránh tình trạng đó, cần phải toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc để không ân hận gì.

Những điều trên tôi gọi là “sáu phép tinh tiến” để tự nhủ hàng ngày và cố gắng thực hiện trong cuộc sống. Đó không phải là những giáo điều được cho vào khung kính và treo lên tường để trang trí. Viết ra thành chữ thì thấy quá đỗi bình thường, vấn đề là áp dụng một cách kiên trì, từng bước, sao cho “sáu phép tinh tiến” thấm vào cuộc sống.

–––––o0o–––––

Trích “Cách Sống – Từ Binh Thường Trở Nên Phi Thường”

Tác giả: Inamori Kazuo

Người dịch: Phạm Hữu Lợi

NXB Lao động – Xã hội; 2017

 

Bài viết liên quan