MỞ RỘNG CHỦ ĐỀ - DEEPAK CHOPRA – CHỮA LÀNH LƯỢNG TỬ

MỞ RỘNG CHỦ ĐỀ

DEEPAK CHOPRA – CHỮA LÀNH LƯỢNG TỬ

Việt dịch: Lê Hà Lộc & Nguyễn Tăng Phú

---o0o---

Tiết lộ sự kỳ lạ của tính chất “không trụ ở đâu nhưng ở khắp mọi nơi” là điều rất quan trọng khi tìm hiểu bản chất thực sự của thực tại. Nhưng có lẽ điều này sẽ để lại trong lòng độc giả cái thắc mắc là làm thế nào để tìm được đường đến lãnh địa kỳ lạ này.
MỞ RỘNG CHỦ ĐỀ - DEEPAK CHOPRA – CHỮA LÀNH LƯỢNG TỬ

Tiết lộ sự kỳ lạ của tính chất “không trụ ở đâu nhưng ở khắp mọi nơi” là điều rất quan trọng khi tìm hiểu bản chất thực sự của thực tại. Nhưng có lẽ điều này sẽ để lại trong lòng độc giả cái thắc mắc là làm thế nào để tìm được đường đến lãnh địa kỳ lạ này. Con người dễ bị cám dỗ rơi trở lại một quan điểm mặc định, coi thế giới của năm giác quan là thật. Ngay cả khi hiểu rằng các vật thể vật lý có thể rút về thành những đám mây năng lượng vô hình trong trường lượng tử vô hạn, các nhà vật lý vẫn lái chiếc Honda hoặc đạp xe đi làm chứ không phải đi trên một đám mây năng lượng. Kể từ khi chương này được viết ra, các thí nghiệm về việc nước có trí nhớ dường như bị nghi ngờ rất nhiều, tuy vậy, cuộc tranh luận về vi lượng đồng căn vẫn chưa đi tới hồi kết.

Không thể chối cãi rằng những nghiên cứu khẳng định tính hiệu quả của phương pháp điều trị vi lượng đồng căn đối với bệnh cúm khá cân bằng với những nghiên cứu cho thấy chúng không hiệu quả. The Lancet – một tạp chí y khoa uy tín của Anh - đã nhiều lần xem xét cẩn thận về vấn đề này, chỉ chấp nhận vi lượng đồng căn có hiệu quả như giả dược, trong khi đó, về tổng thể lại bác bỏ toàn bộ phương pháp. Chưa hết, khi xem xét các nghiên cứu về vắc-xin cúm ở người cao tuổi, tạp chí The Lancet đã không tìm thấy hiệu quả nào trong việc ngăn ngừa bệnh hoặc giảm tỷ lệ nhập viện do các biến chứng. Tiến xa hơn chút nữa, sau khi phân tích “mọi nghiên cứu đã xuất bản bằng bất kỳ mọi loại ngôn ngữ nào”, The Lancet “không thể tìm thấy một nghiên cứu nào cho thấy vắc-xin cúm giúp giảm tỷ lệ tử vong hoặc các biến chứng nghiêm trọng do cúm”. Có vẻ như bệnh tật càng lúc càng đẩy sự bí ẩn của tâm trí và cơ thể vào cuộc sống của chúng ta.

Nhưng tâm trí tôi luôn quay về với khía cạnh thực tế – làm sao để chúng ta có thể học cách điều hướng thực tại lượng tử, trong khi nó vô hình và hoàn toàn khác thường, nơi mọi thứ rắn chắc, hữu hình, cố định và đáng tin cậy đều tan biến trong tay chúng ta? Câu trả lời không phải là quay lại trường học rồi lấy tấm bằng vật lý cao cấp. Hoặc là lĩnh vực lượng tử sẽ tạo nên một sự thay đổi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, ở đây và ngay bây giờ, hoặc là nó không liên quan gì cả.

Tôi thực sự đã tìm được hai nhà vật lý học dẫn lối cho tôi thoát ra khỏi mớ bòng bong: Amit Goswami khi đó ở Đại học Oregon, và Menas Kafatos tại Đại học Chapman ở Orange, California. Họ trở thành những đồng nghiệp thân thiết, là nguồn ý tưởng sâu rộng và đôi khi là đồng tác giả. (Vì sự chỉ trích thậm tệ đầy hoài nghi không bao giờ có hồi kết nên việc giới thiệu các nhà khoa học có uy tín làm đồng minh và người bảo vệ là rất cần thiết.) Chính Kafatos là người đầu tiên chỉ cho tôi thấy một sự đột phá mà tôi đang tìm kiếm trong việc điều hướng lĩnh vực lượng tử.

Để xem suy nghĩ của chúng ta đã dẫn chúng ta đến đâu, hãy dừng đồng hồ ngay phút này. Bạn đang làm gì đấy? Bạn đang tham gia vào thực tại. Bằng cách nào? Bằng cách nhận biết những gì xung quanh bạn. Đôi mắt của bạn nhìn thấy trang sách này, nhưng qua khóe mắt, bạn nhận biết được căn phòng bạn đang ngồi. Mùi và âm thanh đang trôi về phía bạn. Không khí lướt qua da bạn ấm hay mát. Đây là những phẩm chất của cuộc sống. Nhờ lý thuyết quang học của Newton, ánh sáng mặt trời có thể được chia nhỏ thành các màu tạo thành nó, tuy vậy, sự phân tích này không giống với việc bạn nhìn thấy cầu vồng trên bầu trời và càng khác xa với cảm giác khi bạn ngắm nhìn nó.

Chúng ta tham gia vào thế giới thông qua trải nghiệm. Tách biệt trải nghiệm cầu vồng thành các bước sóng của ánh sáng, điều kiện thời tiết, thời gian trong ngày, công suất khúc xạ của hạt mưa – tất cả những điều đó đều không tạo điều kiện cho sự tham gia. Tâm trí phải đứng tách biệt để thu thập dữ liệu và thực hiện các phép đo để có nhiều dữ liệu hơn. Bằng cách đứng tách ra, khoa học có thể tiết lộ một loạt các sự kiện, nhưng như nhà thơ William Wordsworth đã nhận xét một cách sâu sắc: “chúng ta giết người để mổ xẻ”. Một khi bạn cắt một trải nghiệm thành các phép đo, dữ liệu và sự kiện, cuộc sống sẽ biến mất khỏi nó. Tâm trí có thói quen mổ xẻ cũng đáng sợ như con dao mổ vậy.

Nhân danh sự khách quan, khoa học loại trừ trải nghiệm chủ quan, với lý do sự chủ quan hay thay đổi, không thể đoán trước, dễ bị thành kiến, v.v... Nhưng thái độ này, dù động cơ của nó có trong sáng tới đầu, đã quên rằng cuộc sống là cái mà chúng ta đang sống. Vũ trụ là những gì chúng ta tham gia vào. Kinh nghiệm là những gì chúng ta có. Ngay cả việc làm khoa học cũng là một loại trải nghiệm khác.

Vì vậy cho nên, để giải thích vũ trụ, điều không kém phần khả thi là bắt đầu với trải nghiệm của chúng ta về nó. Thật ra việc đó còn khả thi hơn, vì nỗ lực để hoàn toàn khách quan về thế giới là một sự ảo tưởng. Quá nhiều điều đang xảy ra “bên dưới đường ngang”. Lãnh địa của những vật thể vật lý cố định có thể được đo lường và cắt xẻ như người thợ may tạo ra một bộ quần áo thì hầu như không bao gồm hầu hết những điều làm cho cuộc sống đáng sống - tình yêu, vẻ đẹp, sự sáng tạo, tri kiến, lòng biết ơn, lòng tôn kính, nghệ thuật, âm nhạc và trực giác. Đây cũng chính là những điều chúng ta đạt được khi tham gia vào vũ trụ, thay vì nhìn chằm chằm vào nó trong lúc dí mũi lên kính, giống như lũ trẻ con dí mặt vào cửa sổ tiệm bánh.

Những khối xây dựng nên kinh nghiệm được gọi là qualia, bắt nguồn từ tiếng Latinh có nghĩa là chất lượng. Một quả táo có các phẩm chất ngọt, đỏ, giòn và chua. Những qualia đó là những gì não bộ xử lý để một quả táo tồn tại. Phản ứng bên trong của tôi khi ăn một quả táo cũng là qualia. “Ở ngoài kia” những qualia của quả táo có vẻ mang tính vật chất và nằm ngoài tầm ảnh hưởng của tôi. “Ở trong này” là phản ứng của tôi với việc ăn một quả táo – tôi có thích táo hay không, thấy quả này quá ngọt hay quá chín, v.v. – cũng là một thế giới của qualia. Cả hai loại kinh nghiệm, bên trong và bên ngoài, đều được tạo ra trong ý thức. Vì lẽ đó, sự chủ quan không còn là điều hiển nhiên nữa. Một khoa học dựa trên qualia có thể khai thác được tốt nhất cả tính khách quan và chủ quan.

Hãy cùng chuyển những điểm này về khía cạnh cá nhân. Bạn trải nghiệm cơ thể của mình như thế nào? Bạn có những trải nghiệm bên ngoài – nhìn mình trong gương, chạy bộ quanh công viên, gọi món tráng miệng trong nhà hàng. Bạn cũng có những trải nghiệm bên trong - cảm thấy cơ bắp mệt mỏi khi chạy bộ, nghĩ mình già đi khi nhìn mình trong gương, đánh vật với lương tâm về việc gọi món tráng miệng trong nhà hàng. Rõ ràng là tất cả những trải nghiệm này đều có mối liên hệ với nhau và chúng đều bắt đầu “ở trong này”.

“Ở trong này là nguồn gốc của cảm giác, hình ảnh, cảm xúc và suy nghĩ (sensations, images, feelings, thoughts) có thể rút gọn thành từ viết tắt SIFT, do giáo sư tâm thần học Daniel J. Siegel, tại khoa Y Đại học California, Los Angeles, đặt ra. Trong công trình nghiên cứu lâm sàng của mình, tiến sĩ Siegel đã tạo ra những bước đột phá quan trọng khi kết hợp trạng thái chủ quan với các vùng não trong mối quan hệ chữa lành. Ví dụ, một bệnh nhân tự nhận là không có cảm xúc đang mô tả một cách chủ quan về trạng thái tê liệt của mình thì không hoàn toàn là chủ quan. Trong hạch hạnh nhân, là vùng não dành cho cảm xúc, sẽ có một sự song song xảy ra – một sự hợp nhất giữa miền khách quan và chủ quan.

Những người theo chủ nghĩa duy vật cho rằng hạch hạnh nhân tạo ra cảm xúc, họ đặt bằng chứng khách quan lên hàng đầu và trên hết. Không có gì đáng nghi ngờ khi kết quả quét não cho thấy sự tăng hoặc giảm hoạt động tại các vùng của hạch hạnh nhân tương quan với những gì bệnh nhân cảm nhận. Nhưng tế bào thần kinh thì không khóc hay cười, chỉ có con người mới làm điều đó. Thuốc không thể làm cho hạch hạnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn; nó chỉ làm cho bệnh nhân cảm thấy tốt hơn. Những gì tiến sĩ Siegel nhận thấy là ông có thể làm việc từ cả hai đầu của phổ – và điều này giúp đưa đến một kết luận phi thường.

Chúng ta không cần phải nói rằng bộ não tạo ra tâm trí hay tâm trí tạo ra bộ não. Trong một vòng phản hồi liên tục, cảm xúc luôn tạo ra các phân tử trong não, và những chất hóa học này ảnh hưởng đến cảm xúc tiếp theo. Tự nhiên luôn vượt qua rào cản tâm-thể mọi lúc, cho thấy rằng nó được xây dựng một cách độc đoán để phù hợp với một thế giới quan nhất định. Với sự chuyển đổi trong thế giới quan, mọi thứ đều thay đổi. Màu đỏ của quả táo không nhất thiết phải ở “ngoài kia” trong khi vị ngọt của nó đang “ở trong này”. Trên thực tế, không có cái gọi là “ngoài kia” và “trong này”. Chỉ có trường lượng tử tạo ra các khía cạnh khác nhau của trải nghiệm.

Trong bài ca Chí Tông Ca (Bài ca của thần thánh trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại), thần Krishna tuyên bố: “Ta là trường và là người biết về trường”. Điều này đưa chúng ta đi sâu hơn vào thực tại. Thay vì nói về trường lượng tử, chúng ta có thể chỉ đơn giản đề cập đến “trường” – là chính bản thân thực tại. Ở đây, người biết và đối tượng được biết không tách rời nhau. Chúng tan hòa thành một trải nghiệm toàn diện.

Để đưa điều này trở lại cơ thể bạn, bạn trải nghiệm bàn tay mình như một vật, một phần thêm vào bằng xương thịt có màu hồng mà bạn có thể vẫy nó trước mặt mình. Bạn cũng có thể trải nghiệm nó như một công cụ khi bạn đóng đinh, như một nguồn dục tình khi bạn vuốt ve làn da của người mình yêu, một sự nối dài của trí tưởng tượng khi bạn cầm cọ vẽ, một công cụ tính toán khi bạn đếm trên đầu ngón tay của mình, và nhiều hơn nữa. Cuộc sống chảy qua phần da thịt màu hồng này theo những gì tâm trí mong muốn.

Do đó, nói rằng bạn tồn tại bên trong cơ thể là hoàn toàn không đúng. Sự thật là cơ thể bạn tồn tại trong bạn, bên trong ý thức của bạn. Không có gì về bàn tay của bạn – cử động, chạm, đau, khéo léo, v.v... tồn tại ở bất cứ đâu ngoại trừ trong ý thức. Và vì mọi phẩm chất bạn trải nghiệm đều đến từ chính trường này, bạn có thể mượn lời thần Krishna: Bạn là trường và là người biết về trường này.

Bây giờ bạn không còn phải du hành dưới danh tính giả định là “Tôi”. Nó chỉ là cái bản ngã giới hạn bị mắc kẹt bên trong một bọc da và xương. Danh tính thực sự của bạn đưa bạn đến cấp độ cơ thể con người cơ học lượng tử. Từ đó, không ai có thể đoán được loại sức mạnh, sự sáng tạo và khả năng kiểm soát hiện đang có sẵn. Đặc biệt ở phương Tây, người ta cho rằng việc vượt qua ranh giới của bản ngã là một lãnh địa mới, họ đã được uốn nắn bởi chủ nghĩa duy vật và sự bám chấp có tính khoa học với các sự kiện, dữ liệu và tính khách quan.

May mắn thay, việc tham gia vào vũ trụ không phải là của phương Đông hay phương Tây. Tôi dần nhận ra rằng sẽ đáng tin cậy hơn nếu chúng ta cảm nhận cuộc sống theo cách của mình thay vì cứ cố gắng tìm hiểu mọi thứ bằng tâm trí. Đưa y học trở lại với thực tại cá nhân của bệnh nhân, tràn đầy những trải nghiệm riêng độc nhất, những ký ức, những điều thích và không thích, niềm tin cốt lõi và những kỳ vọng - sẽ là chìa khóa đến với chữa lành lượng tử trên một phạm vi mà cuốn sách của tôi mới chỉ hé lộ chút ít.

---o0o---

Trích: “Chữa Lành Lượng Tử”

Tác giả: Deepak Chopra

Việt dịch: Lê Hà Lộc & Nguyễn Tăng Phú

NXB Thế Giới, 2021

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan