NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP - GARCHEN RINPOCHE

NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP

GARCHEN RINPOCHE

–––––o0o–––––

Nếu bạn có kham nhẫn và yêu thương thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã thực sự hiểu và tin vào Chân Lý Tương Đối là sự vận hành của nghiệp, nhân – quả. Nếu bạn không để mất tình yêu thương, bạn sẽ có thể rất dễ dàng vượt qua tất cả các cảm xúc tiêu cực. Để vượt qua các cảm xúc tiêu cực thì không có phương pháp nào cao hơn tình yêu thương.
NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP - GARCHEN RINPOCHE

Nếu bạn có kham nhẫn và yêu thương thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã thực sự hiểu và tin vào Chân Lý Tương Đối là sự vận hành của nghiệp, nhân – quả. Nếu bạn không để mất tình yêu thương, bạn sẽ có thể rất dễ dàng vượt qua tất cả các cảm xúc tiêu cực. Để vượt qua các cảm xúc tiêu cực thì không có phương pháp nào cao hơn tình yêu thương. Nếu bạn thiền định về tánh Không, bạn vẫn có thể không vượt được qua các cảm xúc tiêu cực, nhưng chẳng có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh của tình yêu thương trong việc vượt qua các cảm xúc tiêu cực. Cho dù đó chỉ là tình yêu thương thông thường, ví dụ như là tình yêu thương của cha mẹ dành cho đứa con, thì chính tình yêu thương sẽ ngăn chặn việc gây tổn hại và buông bỏ được giận dữ. Giữa tình yêu thương và tánh Không thì tình yêu thương trân quý và mạnh mẽ hơn nhiều trong việc vượt qua được các cảm xúc tiêu cực. 

Khi bạn đã trưởng dưỡng được tình yêu thương và lòng bi mẫn dành cho mọi chúng sinh thì Khenpo Munsel Rinpoche dạy rằng, dấu hiệu tiếp theo sẽ là tri giác thanh tịnh về thực tại: “tri giác thanh tịnh về mọi thứ như chúng thực sự là”. Câu này nói đến cái thấy của Kim Cang Thừa. Ví dụ khi bạn nhận quán đảnh Kim Cang Thừa từ Đạo sư, bạn có thể nghĩ rằng “bây giờ mình đã thực sự hiểu được ý nghĩa của quán đảnh”. Nhưng điều này không phải bởi vì bạn đã thọ nhận quán đảnh hôm nay, mà là bởi vì bạn đã được giới thiệu về ý nghĩa của quán đảnh từ trước. Ý nghĩa của quán đảnh là nhận ra rằng vạn pháp – những thứ xuất hiện và hiện hữu– bao gồm cả chúng sinh và vũ trụ, thực chất là thanh tịnh. Thậm chí nếu có người chưa thọ nhận quán đảnh hay bất kỳ hướng dẫn thực hành nào khác, nhưng hiểu rằng bất cứ thứ gì xuất hiện và hiện hữu đều có bản tánh thanh tịnh, thì những người như thế đã thực sự hiểu được ý nghĩa của quán đảnh.Toàn bộ vũ trụ bao gồm năm yếu tố và năm yếu tố này thực chất là thanh tịnh. Thân của một người cũng bao gồm năm yếu tố. Vì thế thân thể một người không tách biệt khỏi vũ trụ. Thân thể một người chính là một tiểu vũ trụ. Tâm của các chúng sinh bên trong - những ai có năm cảm xúc tiêu cực – thì đồng thời cũng có bản tánh của năm trí tuệ. Thân và tâmmột người là một hình thái thu nhỏ của toàn bộ vũ trụ, trong đó bao gồm toàn bộ các chúng sinh, và về bản tánh là thanh tịnh từ nguyên sơ. 

Thực chất thì ba thân Phật [Hóa thân, Báo thân, Pháp thân], toàn bộ sáu cõi luân hồi chính là các Hóa thân. Từ góc độ này thì luân hồi bất tịnh không thực sự tồn tại. Đây là điều bạn sẽ nhận ra khi bạn hiểu được ý nghĩa của quán đảnh. Khi bạn thực hành bất kỳ pháp tu nào với tri giác này, thì bạn sẽ thấy rằng bất cứ ai mình gặp cũng đều thanh tịnh. Bạn sẽ có tri giác thanh tịnh đối với người khác, với các môn đồ v.v. Thậm chí nếu một người có lỗi lầm thì bạn cũng hiểu được rằng lỗi lầm đó không cố hữu trong người kia, đó chỉ là thứ tạm thời. Đức Phật đã nói rằng, chúng sinh bị che chướng bởi các ô nhiễm ngẫu nhiên. Mặc dù chúng ta nói họ là Phật nhưng họ vẫn chưa đạt được giác ngộ. Tức là về bản tánh thì họ là Phật – họ có tiềm năng thành Phật – nhưng họ vẫn đang bị che chướng bởi các bất tịnh tạm thời, những bất tịnh này có thể được loại bỏ. Bản tánh của họ không phải là bất tịnh. Nền tảng của họ - chân tánh của họ - thì hoàn toàn thuần tịnh. 

Nếu bạn thật sự hiểu được ý nghĩa của Kim Cang Thừa, bạn sẽ thậm chí không có bất kỳ một suy nghĩ bất tịnh nào về người khác. Và cho dù bạn có gặp phải những khó khăn gian khổ như ốm đau chẳng hạn thì bạn sẽ hiểu rằng đó là kết quả của chính các hành động của mình trong quá khứ, do cảm xúc tiêu cực dẫn dắt. Khi ấy bạn sẽ có thể vượt qua được cảm xúc tiêu cực và hiểu rằng các cảm xúc tiêu cực này chính là thứ thật sự ngăn che tâm bạn. Câu kệ về kham nhẫn trong 37 Pháp Tu Bồ Tát nói rằng “tất cả những ai làm hại bạn thì cũng giống như kho tàng quý báu”. 

Một dấu hiệu của việc đã hiểu ý nghĩa của Kim Cang Thừa là có được tri giác thanh tịnh. Bạn nhận biết rằng tất cả mọi hiện tượng – vũ trụ bên ngoài và chúng sinh, ta và người – là hoàn toàn thanh tịnh. Không có quan niệm nào về sự bất tịnh. Nếu bạn có được cái thấy thanh tịnh như thế thì sẽ không có thêm đau khổ nữa, sẽ không có bám chấp hay phiền não có thể ngăn che tri giác thanh tịnh của bạn. Tâm bạn sẽ liên tục giữ được sự thanh tịnh hoàn toàn, và toàn bộ các cái thấy sai lầm và các hoài nghi sẽ tan biến. 

Ngoài ra, nếu bạn có tri giác thanh tịnh thì một cách tự nhiên bạn sẽ có lòng sùng mộ đối với Đạo sư. Vì thế dấu hiệu tiếp theo là lòng sùng mộ đối với Đạo sư. Có lòng sùng mộ tạo tác và lòng sùng mộ vô tạo tác. Lòng sùng mộ tạo tác là kiểu sùng mộ được phát khởi dựa trên việc suy ngẫm. Ví dụ trong truyền thống Nyingma có nói rằng, mặc dù những phẩm tính của Đạo sư ngang bằng với những phẩm tính của đức Phật, lòng tốt của ngài còn vượt cả lòng tốt của đức Phật. Thân tướng của Đạo sư chính là Tăng đoàn, khẩu của ngài là Pháp, tâm của ngài là Phật. Chúng ta có thể tìm thấy mọi phẩm tính của đức Phật trong một vị đạo sư. 

Liên quan đến những phẩm tánh của đức Phật, theo như những gì được đề cập trong kinh điển thì đức Phật có nhiều đại lực - như mười năng lực, bốn vô úy, các năng lực thần thông v.v. Một người có thể tự hỏi “những phẩm tính đó nằm đâu nơi Đạo sư?” Các phẩm tính tối thượng đều nằm trong tâm của Đạo sư, tâm ấy chính thực là tâm của đức Phật. Lòng tốt của Đạo sư vượt trội lòng tốt của đức Phật bởi vì mặc dù đức Phật đã ban giáo Pháp trên thế giới này nhưng chúng ta vẫn không thể thọ nhận được các giáo Pháp này trực tiếp từ đức Phật. Nếu chúng ta không có vị Đạo sư để nương tựa thì chúng ta sẽ không thể hiểu được cách để thực hành. Vì thế để đạt được các phẩm tánh giác ngộ, chúng ta cần phải nương tựa vào vị Đạo sư. 

Trong dòng truyền thừa của chúng ta, chúng ta đạt được chứng ngộ tâm Đạo sư thông qua dòng truyền thừa thực hành mang ân phước gia trì. Truyền thống Kagyu là một dòng truyền thừa mà ở đây sự chứng ngộ được trao truyền từ tâm qua tâm (trong truyền thống Nyingma điều này được gọi là sự trao truyền tâm giác ngộ của chư Phật). Đức Tilopa đã trao truyền sự chứng ngộ của Ngài cho Naropa, và Naropa trao truyền cho Marpa, và Marpa trao truyền cho Milarepa v.v. Chúng ta chứng ngộ bản tánh của tâm thông qua năng lực gia trì mà chúng ta nhận được từ Đạo sư, đó là lý do tại sao chúng ta nói những phẩm tính của Đạo sư ngang bằng với những phẩm tính của đức Phật. 

Với năng lực gia trì của Đạo sư chúng ta có thể hiện thực được tiềm năng giác ngộ của mình. Bởi vì chúng ta có Phật tánh, vì thế tâm của Đạo sư, tâm của đức Phật và tâm của chính bạn là như nhau. Các tâm ấy kết nối với nhau, giống như các hạt của chuỗi tràng kết lại với nhau bởi sợi dây nối liền. Sự khác nhau duy nhất là đã chứng ngộ hay chưa chứng ngộ, đã phát khởi Bồ Đề tâm hay còn chấp ngã. “Có một nền tảng, nhưng hai con đường và hai kết quả”. Hai con đường là chấp ngã và Bồ Đề tâm dẫn đến hai kết quả tương ứng là luân hồi và niết bàn.

Tâm của Đạo sư là sự hợp nhất của tánh Không và lòng từ bi. Đó cũng là phẩm tính của tâm đức Phật, và sự hợp nhất đó là phẩm tính tối thượng của tâm Đạo sư. Chư Phật và chư Đạo sư thực hiện công hạnh để giải thoát tâm của chúng sinh. Và do bởi chúng ta nương tựa vào một vị Đạo sư với phẩm tính như thế, chúng ta cần xem Đạo sư của mình không khác gì một vị Phật thực sự. Chúng ta có tiềm năng để đạt được giác ngộ bởi vì chúng ta sở hữu Phật tánh, và vì thế, khi suy ngẫm theo cách này, chúng ta sẽ trưởng dưỡng được lòng sùng mộ có tạo tác (vào lúc ban đầu).

Để có thể phá hủy chấp ngã, chúng ta cần nương tựa vào các chỉ dẫn của Đạo sư. Vì thế đầu tiên chúng ta cần phải thiết lập mối liên hệ với Đạo sư. Nếu bạn hiểu được rằng nghiệp ở trong tâm của chính bạn, thì bạn biết rằng, trừ khi bạn buông bỏ chấp ngã, nếu không thì bạn sẽ không bao giờ được giải thoát khỏi luân hồi. Chúng ta làm điều này thông qua việc hiểu được rằng tâm của chúng ta là hoàn toàn giống như tâm của Đạo sư. Sau đó chúng ta thiết lập mối liên hệ của tình yêu thương và lòng bi mẫn, và rồi tiếp theo là mối liên hệ với Chân Lý Tuyệt Đối của tánh Không. Thông qua sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn, bạn có thể phá hủy được chấp ngã và hòa nhập tâm mình với hư không, nương tựa vào các chỉ dẫn chúng ta đã nhận được từ Đạo sư. 

Đức Phật đã viên thành tất cả các phẩm tánh giác ngộ, và Ngài đã hoàn toàn giác ngộ được bản tánh của sáu cõi luân hồi và ba mức độ hiện hữu (ba cõi). Từ đức Phật cho đến Đạo sư gốc từ ái của chúng ta, dòng truyền thừa được duy trì không gián đoạn, dòng Bồ Đề tâm được tiếp nối không gián đoạn. Chúng ta nhận được sự truyền thừa này khi chúng ta thọ giới Biệt Giải Thoát thừa, Bồ Tát thừa, hay Kim Cang thừa. Khi thọ nhận giới nguyện, chúng ta thọ nhận sự tương tục, thọ nhận truyền thừa không đứt đoạn. Khi bạn nghĩ về những phẩm tánh của Đạo sư thì một cảm nhận rất mạnh mẽ sinh khởi trong trái tim bạn. Nó mạnh mẽ đến nỗi bạn cảm thấy như thể tim bạn nổ tung. Khi điều này xảy đến, bạn sẽ phát khởi được lòng sùng mộ không tạo tác, lòng sùng mộ này không đòi hỏi bất kỳ sự suy ngẫm nào , nó hiện diện một cách tự nhiên. Ví dụ không chỉ đối với Đạo sư, mà mỗi khi bạn nhìn thấy một biểu tượng nào của thân, khẩu, ý của chư Phật - như thăng ca, ảnh, biểu tượng – ngay lập tức bạn sẽ phát khởi lòng sùng một cách tự nhiên mà không cần phải nghĩ về nó. Đây chính là lòng sùng mộ không tạo tác, đó là cảm nhận sinh khởi một cách tự nhiên và tự phát. Chẳng có gì để nghĩ cả. Lòng sùng mộ không tạo tác là dấu hiệu cho thấy một người đã trưởng dưỡng được tình yêu thương và lòng bi mẫn trong tâm mình. 

Vì thế hãy thường xuyên nghĩ về lỗi lầm của chấp ngã. Nếu chấp ngã quá mạnh mẽ thì bạn sẽ không tin tưởng vào nghiệp. Nếu bạn không tin tưởng vào nghiệp thì bạn sẽ cảm thấy có ít hoặc không có tình yêu thương đối với người khác như cha mẹ, đạo sư, bạn bè v.v. Khi chấp ngã trở nên mạnh mẽ một cách áp đảo, một số người thậm chí còn tự tử: đó là sai lầm lớn nhất của chấp ngã. Dạng chấp ngã mạnh nhất là mong muốn kết liễu chính cuộc đời mình, vì thường thì người ta cố để bảo vệ mình và cố để sống, cho dù điều đó đòi hỏi họ phải tiêu hàng triệu đô la để chữa bệnh. Tâm của người mà chấp ngã rất mạnh mẽ sẽ trở nên lạnh dần lên và cứng nhắc dần lên. Khi thời tiết trở nên rất lạnh thì tảng băng sẽ rạn và vỡ, và điều này thì giống như việc muốn tự tử vậy. Khi mà chúng ta coi trọng thân thể mình nhiều như thế thì làm sao một người có thể muốn kết liễu cuộc đời của chính họ? Thậm chí một con vật cũng không coi trọng thứ gì hơn cuộc đời của nó. Vậy thì tại sao con người lại muốn tự tử? Đó là do bởi chấp ngã của họ quá mạnh mẽ đến nỗi họ thậm chí không thể chịu nổi thứ có vẻ như chỉ là sự khổ sở nhỏ nhất. Đó là do bởi chấp ngã và phương thuốc đối trị duy nhất đối với chấp ngã là tâm vị tha. Chúng ta nhận được phương pháp từ Đạo sư, và người nhận được phương pháp ấy từ đức Phật. Từ đức Phật thì giáo Pháp đã xuất hiện. Phật thật sự chính là trí tuệ của bạn, Pháp thật sự chính là lòng từ bi của bạn. Thông qua giáo Pháp của đức Phật, chúng ta nhận được sự truyền thừa về tính không và từ bi. Tâm thì sẵn rỗng rang, và tất cả mọi thực hành trong Phật giáo đều là phương pháp để hòa nhập tâm rỗng rang này với từ bi. Đức Phật nói “hoàn toàn điều phục tâm mình”. Để đạt được trạng thái đó thì có nhiều việc cần phải làm. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu được điểm cốt lõi: tịnh hóa tâm và chứng ngộ bản tâm thông qua tình yêu thương và lòng bi mẫn.

–––––o0o–––––

Trích “Ngọn Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp: Bình Giảng Về “Ba Lời Tuyên Thuyết Của Đại Viên Mãn Dzogchen”

Phiên dịch Anh – Việt: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 5/2019.

 

 

Bài viết liên quan