NGƯỜI BÌNH THƯỜNG VÀ KHÔNG BÌNH THƯỜNG DƯỚI CON MẮT CỦA JANET - NHỮNG THÀNH TỰU LẪY LỪNG TRONG TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - PIERRE DACO

NGƯỜI BÌNH THƯỜNG VÀ KHÔNG BÌNH THƯỜNG DƯỚI CON MẮT CỦA JANET

NHỮNG THÀNH TỰU LẪY LỪNG TRONG TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - PIERRE DACO

-----o0o-----

Pierre Janet là một vĩ nhân của ngành tâm lý học Pháp… Một người đàn ông tinh tế, thanh nhã, nổi danh vào năm ba mươi hai tuổi với các công trình nghiên cứu, nhưng vẫn nhanh nhẹn cho đến khi tuổi đã cao.
NGƯỜI BÌNH THƯỜNG VÀ KHÔNG BÌNH THƯỜNG DƯỚI CON MẮT CỦA JANET - NHỮNG THÀNH TỰU LẪY LỪNG TRONG TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - PIERRE DACO

PIERRE JANET (1859 – 1947)

Pierre Janet là một vĩ nhân của ngành tâm lý học Pháp… Một người đàn ông tinh tế, thanh nhã, nổi danh vào năm ba mươi hai tuổi với các công trình nghiên cứu, nhưng vẫn nhanh nhẹn cho đến khi tuổi đã cao.

Một con người không giáo điều! Và Minkowsky đã giới thiệu ông như sau “Khi Pierre Janet, người nhanh nhẹn và dong dỏng, với ánh mắt sắc sảo, bước chân trẻ trung và linh hoạt, đưa bạn vào trong phòng làm việc của ông ta, bạn sẽ bị thu hút ngay bởi cái không khí đặc biệt trang nghiêm, tính nhẫn nại, bởi ý chí, sự tò mò cao độ, một trí lực tìm tòi, thoát ra từ người thầy này. Mà dường như mọi thứ trong căn phòng rộng lớn này đều mang dấu ấn của ông ta, từ trên các kệ cao xuống tới đất đều phủ đầy sách và nơi đây là phòng làm việc của ông. Kết quả đạt được của sự lao động cật lực và những gì tiếp tục được thực hiện sẽ làm cho bạn phải tỏ lòng thành kính”.

Ước muốn lớn nhất của Janet là hòa trộn nỗi đam mê khoa học với tôn giáo của mình. Có phải chính ông đã nói “Tôi ước mơ đến sự thỏa hiệp giữa khoa học với tôn giáo, đến sự hòa hợp khả thi bởi một triết lý hoàn hảo có thể thỏa mãn cho cả lý trí lẫn đức tin. Nhưng tôi chưa tìm được điều kỳ diệu đó, nhưng tôi vẫn là một triết gia…”

Trở thành bác sĩ y khoa, Janet nghiên cứu những người mắc chứng ưu uất. Ông hăng say thực hành thuật thôi miên, ông tìm tòi… Đến năm ba mươi tuổi, ông viết luận án “Tính tự động tâm lý”. Năm ấy là năm 1889.

Sau đó Janet lên Paris và đến thẳng ông Charcot vĩ đại ở La Salpétrière. Một môi trường lý tưởng cho ông! Những hiện tượng lạ kỳ của thuật thôi miên và chứng ưu uất đang là những vần đề nóng bỏng. Janet tham dự các buổi dạy của Charcot, sau đó trở thành giám đốc phòng nghiên cứu tâm lý học về bệnh lý.

Nhiều tựa sách đã chứng minh cho hàng ngàn nhận xét hết sức sáng suốt và luôn mang tính nhân bản sâu sắc của ông. Bốn mươi năm nghiên cứu như thế!…

Janet có nói “… việc thu hẹp các chuyên khoa không phải là một điều hay; nếu người ta chỉ phụ trách môn tâm lý, thì sẽ có rất nhiều hậu quả tai hại… Vì bằng chính cái định nghĩa thôi, môn tâm lý phải tiếp cận đến mọi thứ. Nó mang tính toàn cầu. Bất cứ đâu cũng có những sự kiện tâm lý…”

NGƯỜI BÌNH THƯỜNG VÀ KHÔNG BÌNH THƯỜNG DƯỚI CON MẮT CỦA JANET.

Đây là quan niệm chủ yếu của tâm lý học… và cho sự cân bằng trong đời sống hàng ngày. Những tình trạng thường thấy nơi con người là gì? Đó là việc họ chìm ngập trong các tình huống. Mà các tình huống đó lại đòi hỏi sự thích nghi… với những tổn thất tối thiểu có thể có được. Chính điểm này tạo ra sự khác biệt giữa người bình thường và người không bình thường.

Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy lấy một thí dụ sinh lý: một bữa ăn.

Con người được xem là bình thường ngay lúc anh ta tiêu hóa, hấp thụ một cách trọn vẹn những món của bữa ăn. Sự tiêu hóa được tiến hành mà không gặp bất cứ một trở ngại nào, một cách trơn tru.

Con người được xem là không bình thường ngay lúc anh ta tiêu hóa, và dạ dạy anh ta buộc phải làm việc vất vả. Như người ta thường nói “tôi ăn phải cái gì đó không tiêu”. Hơn nữa, có vài triệu chứng có thể xuất hiện: ợ, nôn mửa, khó ở, chóng mặt. Như thế có một món nào đó không được hấp thụ một cách trọn vẹn như các món ăn khác.

Bây giờ chúng ta thử xem xét vấn đề này về mặt tâm lý.

Một người bình thường là người có “trạng thái” tâm lý khỏe mạnh và hài hòa. Chúng ta hãy thí dụ người đó đang đứng trước một tình huống mà anh ta không được chuẩn bị. Điều gì sẽ xảy ra? Anh ta chỉ cần thoải mái “chấp nhận” sự kiện đó.

Tôi sẽ cho các bạn một thí dụ: bạn phải bước vào một căn phòng có nhiều người lạ mà không được chuẩn bị trước và cả trăm cặp mắt đang chăm chú nhìn vào bạn.

Nếu bạn là người bình thường: vì đây là một tình huống bất ngờ, bạn đứng lại để xem xét tình hình, bạn quyết định ngay và cẩn thận bước vào.

Khi làm điều đó, bạn dần dần và sau đó mau chóng hơn thích nghi với tình hình: sau vài phút bạn hành động hết sức thoải mái, không sợ sệt, không cảm xúc, không có thái độ khiêu khích hay cứng đờ.

bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi và hồi hợp. Công việc này không làm cho bạn phải tốn nhiều năng lượng. Nó đã được thực hiện và kết thúc. Nó được hòa nhập vào các tình huống khác tạo thành nhân cách của bạn.

Nếu bạn là người không bình thường: (chẳng hạn là nhút nhát, bị dồn nén, co cúm, hung hãn, v.v…)

bởi vì tình hình này bất ngờ và quá mới lạ, nên bạn đứng lại.

bạn liền bị “khớp” và phải chịu một phong tỏa cảm xúc.

nỗi sợ và xúc động xuất hiện.

hoặc bạn cứng người ra đó, hoặc bỏ chạy hoặc tấn công.

như thế bạn sẽ mệt mỏi. Hành động này làm tiêu hao sức lực. Vả lại hành động này chưa kết thúc. Thật vậy, có thể bạn đang nghiền ngẫm sự thích nghi bất thành của mình, làm tăng thêm mặc cảm tự ti, càng lo sợ hơn nữa, bị ám sợ, oán hận, v.v…

Sự bình thường và bất thường trong đời sống hàng ngày.

Đương nhiên cuộc sống hàng ngày đòi hỏi hàng ngàn sự thích nghi! Lúc nào cũng có tình huống mới, bất kể là thứ nào; có nhiều sự kiện bất ngờ, nhiều trách nhiệm mới; có nhiều “thử thách lớn”, những thất bại,…

Người bình thường sẽ hành động như thế nào? Anh ta “đón nhận” tất cả những tình huống đó. Anh ta chấp nhận và lãnh hội chúng trong tâm trí. Tất cả những sự kiện này được hòa trộn trong cái tôi, cũng như được hòa trộn một cách hài hòa trong cái nhân cách tổng thể của anh ta. Mọi việc xảy ra suôn sẻ và không mệt nhọc. Những hiện tượng cảm xúc của một con người bình thường cũng giống như một bình chứa mà trong đó sẽ hòa trộn tất cả các sự kiện… như nhiều loại trái cây được để chung trong một cái thúng. (hoặc giống như nhiều thức ăn trong một dạ dày khỏe mạnh)

Như thế này đây:

Vậy người không bình thường sẽ hành động như thế nào đây? Biến cố sẽ không được tâm trí “lĩnh hội”. Nó không được bản ngã thu nhận. Tình huống đó vẫn nằm ngoài cái tôi với hành vi một cách độc lập. Nó nằm ở ngoài cái bể chứa các hiện tượng cảm xúc và như thế sẽ tạo ra một hoặc nhiều vệ tinh tinh thần. Chúng có một cuộc sống riêng và không đạt được sự hòa hợp cần thiết. Từng cái một của những vệ tinh tinh thần đó sẽ áp đặt sự giằng xé nội tại và tạo ra nhiều triệu chứng (như thể sự bực bội tinh thần)… Tính thống nhất của cái tôi bị phá vỡ. Điều này được nhận thấy trong những mặc cảm, dồn nén, những cảm xúc chưa được giải quyết, v.v… Đến lúc này sẽ xuất hiện một chuỗi triệu chứng… đi từ cảm giác khó chịu tinh thần nhẹ đến những ám ảnh nghiêm trọng nhất.

Như thế này đây:

Janet nói ý thức là gì? Chúng ta hãy xem lại hình ảnh: ý thức như một bồn chứa mà trong đó hòa trộn tất cả các sự kiện. Như vậy ý thức làm một công việc tổng hợp. Ý thức phải thực hiện được sự hợp nhất hài hòa của hàng ngàn tình huống khác nhau. Ý thức gom nhiều hiện tượng lại thành một hiện tượng duy nhất mới hoàn toàn, nhưng không phải là một hiện tượng biệt lập.

Trường hợp của người đàn ông bình thường trong phòng khách: cái tôi của anh ta vẫn nguyên vẹn; tuy nhiên anh ta có thêm một kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm này đã hòa lẫn vào trong nhân cách của anh ta. Như thế đã có sự tổng hợp các sự kiện.

Trường hợp của người đàn ông không bình thường: cái tình huống vẫn đứng bên ngoài cái tôi của anh ta; cái tôi đó bị giằng xé bởi một “vệ tinh” tinh thần, và là một hành động bất thành của anh ta.

Vì vậy, bất cứ một căn bệnh tâm lý nào, dù thuộc loại nào đi nữa, đều xuất phát từ một yếu kém năng lực tổng hợp. Một sự kiện xuất hiện mà chủ thể không tài nào “kết nạp cho hài hòa” với cái tôi. Sự thống nhất của nhân cách bị thả lỏng, huyết áp bị hạ thấp. Trong dân gian, người ta đã không có nói như thế này sao?… “Chuyện đó à? Tôi chưa nuốt trôi được!”. Điều đó có nghĩa là sự kiện vẫn còn nằm ngoài cái tôi, làm cho anh ta bị ám ảnh và lo lắng,

NHỮNG ĐIỂM CHỦ YẾU TRONG TÂM LÝ HỌC CỦA JANET

Những hành động của con người chắc chắn sẽ không bao giờ có cùng một giá trị. Bạn có thể dễ dàng thích ứng với vài tình huống phù hợp với một thói quen. Thí dụ, một công việc làm văn phòng tự nhiên sẽ không tạo một khó khăn nào với một người bình thường. Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi nếu cuộc sống trong văn phòng trở nên bất thường (một cấp chỉ huy độc tài chẳng hạn) hoặc người nhân viên không bình thường (quá nhút nhát,hung hãn, mất bình tĩnh,…). Như vậy mọi việc đều tùy thuộc vào:

nếu hành động đó được thực hiện bởi phản xạ–thói quen: không một chút khó khăn. Sự thích nghi được thực hiện.

nếu hành động đó đòi hỏi một hành vi khác, sự thích nghi có thể hình thành… hoặc không. Tại sao? Đơn giản chỉ vì sự thích nghi tùy thuộc vào tình trạng của chủ thể (vật chất lẫn tinh thần).

Như vậy, chúng ta phải xét xem hành động đó có đòi hỏi một hành vi mới không chớ không phải là một thói quen! Nhưng những hành vi này thường hay biểu lộ: xúc cảm, sự qua đời của người thân, đính hôn, tình dục, cưới hỏi; trách nhiệm mới, những chuyến du lịch, sống chung với những người khó chịu, v.v…).

Chẳng hạn một thí dụ khác: một hành động sáng tạo và một hành vi thông minh luôn mệt mỏi hơn một hành động thường ngày hoặc theo bản năng. Nếu các bạn thả lỏng tâm trí mình, các bạn sẽ ít mệt hơn là khi các bạn phải tập trung, v.v…

Như thế người ta có thể xem là có những hành vi “tập trung cao độ” và hành vi “dễ dàng”. Sự tập trung bị đòi hỏi ở đây có liên quan trực tiếp với độ phức tạp của thái độ được lựa chọn. Ngoài ra những hành vi này phải được tổng hợp và hòa trộn với cái tôi, mà cái tôi vẫn phải hài hòa và thoải mái.

Janet nhấn mạnh “Đương nhiên là có nhiều hành động tốn sức nhiều hơn mấy thứ khác và tiêu hao nhiều năng lượng hơn, vì thế chúng ta phải hiểu rằng việc thực hiện những hành vi bậc cao thuộc phạm trù của suy tưởng, có nhiều khả năng xảy ra hơn là việc xác định những suy nhược…”

Thế nào là sự khôn ngoan?

Chúng ta biết sự giàu có bằng của cải vật chất không giống nhau với mọi người. Chúng ta cũng biết cái vốn sức lực của chúng ta cũng khác nhau giữa người này với người kia. Nhưng nếu con người tiêu xài đúng mức số tiền họ có, hỏi thử có bao nhiều người biết sử dụng sinh lực cho phù hợp với sức lực của họ?

Vậy các bạn có muốn mình khôn ngoan một cách thiết thực không”’… hãy biết rõ số vốn của mình đi! Hãy biết giới hạn sức lực mình đi! Nhất là biết rõ những hành vi làm cho mình phải tốn sức đấy! Một chuyến du lịch bình thường không tốn nhiều năng lượng đối một người nào đó, sẽ trở thành một hành động vô cùng mệt nhọc đối với một người khác. Vì vậy chúng ta phải biết các giới hạn của mình. Như thế có phải chúng ta sẽ thông minh hơn khi chúng ta biết làm cho số vốn đó sinh lợi để cho chúng ta chỉ sống bằng những lợi tức đó?

Những người “dễ bị kích thích” thường có khuynh hướng hành động đơn giản. Họ khó lòng thích nghi với các tình huống mới, nên phải tiêu xài nhiều năng lượng lớn hơn. Ngoài ra nếu một công việc làm tho người ta mệt thì cảm xúc càng làm cho con người mệt hơn nhiều nữa. Và chúng ta không được quên những “người dễ xúc động” luôn bị ý nghĩ bất tài và nỗi lo sợ mệt mỏi đeo đuổi.

Vì thế chúng ta phải biết chỉ số làm việc về mặt thể chất và tinh thần của chúng ta và không được vượt qua nó. Tiêu xài phần lợi tức là rất đúng nhưng không được đụng đến số vốn! Biết luyện tập một nhịp độ làm việc là khẩn thiết. Nhưng biết ngưng ngay một công việc khi sự mệt mỏi xuất hiện, sẽ hay hơn nhiều. Năng lượng được khôi phục sẽ được chuyển vào số vốn đã tạo ra lợi tức. Khả năng hoạt động của con người phải được chia đều giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Sự hài hòa phải chi phối hoạt động đó. Chúng ta phải chú tâm đến mệt mỏi, không phải để lo sợ, trái lại, là để rút ra một bài học và kinh nghiệm. Để thấu hiểu, để tạo một nhịp sống… không khác gì cách chúng ta phải tính toán các chi phí sau một ngày làm việc để xác định việc tiêu xài có vượt qua mức bình thường không.

Một người “dễ xúc động” không được chú tâm đến mức bị ám ảnh vì sự mệt mỏi, và tỏ ra nản chí trước việc thiếu trí nhớ của mình. Trái lại, tôi xin nhắc lại là con người phải biết cách vận dụng để nhận định và hiểu rõ các giới hạn rất co giãn của mình, để luyện cho mình một nhịp sống có thể giúp “tổng hợp” mọi hành động, dễ dàng thu nhận nó, và từ đó có thể hành động và suy nghĩ một cách thoải mái, mà nói cho đúng đó là nét đặc trưng của con người.

-----o0o-----

Trích “Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại”

Tác giả: Pierre Daco
Người dịch: Võ Liên Phương
Nhà xuất bản Lao động

Bài viết liên quan