NGƯỜI NGỒI TRONG RỪNG – LỜI KẾT - TRÍCH "ÁNH TRĂNG HUYỀN ẢO CỦA SỰ GIÁC NGỘ" - TAIZAN MAEZUMI & BERNIE GLASSMAN

NGƯỜI NGỒI TRONG RỪNG – LỜI KẾT

TRÍCH "ÁNH TRĂNG HUYỀN ẢO CỦA SỰ GIÁC NGỘ"
TAIZAN MAEZUMI & BERNIE GLASSMAN

–––––o0o–––––

Công cuộc đi tìm Thực tại của tôi đã bắt đầu ít nhiều từ hơn 50 năm trước với hình ảnh của một vòng xoáy ánh sáng quay cuồng. Chỉ đến gần đây tôi mới biết là cái hình ảnh ấy đã ảnh hưởng sâu đậm ra sao trên cuộc sống của mình ngay cả lúc này.
NGƯỜI NGỒI TRONG RỪNG – LỜI KẾT - TRÍCH

Công cuộc đi tìm Thực tại của tôi đã bắt đầu ít nhiều từ hơn 50 năm trước với hình ảnh của một vòng xoáy ánh sáng quay cuồng. Chỉ đến gần đây tôi mới biết là cái hình ảnh ấy đã ảnh hưởng sâu đậm ra sao trên cuộc sống của mình ngay cả lúc này.

Tôi bắt đầu hiểu hình ảnh ấy 25 năm sau khi nó đã xuất hiện, khi tới được gặp thiền sư Hakuun Yasutani. Tôi biết đây là một người không giống với bất cứ ai mà tôi đã gặp trước đó. Cách tốt nhất để mô tả ông là nói rằng ông trong suốt. Ông cũng là một ông già bình thường với cuộc sống bình dị, đội chiếc mũ vải màu đen và thích ăn kẹo xốp.

Thiền sư Yasutani nói: “Phật tính của chúng ta có khả năng lớn là không ngừng làm sâu sắc thêm sự khai sáng thông qua thực hành”.

Thực hành? Đối với người phương Tây, thực hành khiến người ta nghĩ đến sự cử động, hành động. Trong những năm sau đó, tôi đã đi đến chỗ tin rằng điều ông muốn nói là sự tu tập vắng mặt, đặc biệt là thiếu vắng sự chuyển động theo cái nghĩa nguyên sơ nhất, trực tiếp nhất và nặng nề cảm giác nhất.

Đồng thời, thiền sư Yasutani cũng khuyên tôi nên tập chỉ quản đả tọa (shikantaza), một hình thức thiền định. Ông còn nói thêm, “chỉ quản đả tọa cũng giống như ngồi giữa một vạt rừng trống, biết rằng sự nguy hiểm cuối cùng rồi sẽ đến, nhưng không biết nó có hình dạng như thế nào và đến từ hướng nào.”

Chúng ta hãy xem xét kỹ sự mô tả chỉ quản đả tọa của thiền sư Yasutani. Chúng ta đi đến khu rừng để ngồi thiền, cố tình tránh xa những quấy rầy của cuộc sống bận rộn thường ngày và ở một nơi thuận tiện cho việc thiền định. Tuy nhiên, thay vì mô tả một sự yên vắng thanh bình sâu lắng, ông lại mô tả một tình huống nguy hiểm đe dọa tính mạng. Người ta rất có thể cho rằng đây là một cách không phù hợp để mô tả một trạng thái thiền định lý tưởng. Thế nhưng đạo sư đã dùng trạng huống này như một ẩn dụ để nói về kiểu thiền định cao nhất – chính là con đường đi đến giác ngộ.

Tôi cho rằng thiền sư đã làm như thế là vì, vào lúc nguy hiểm tột độ, tình trạng căng thẳng giữ sự cảnh giác và sự trầm tĩnh bị đẩy lên tối đa. Trong khi ngồi đọc sách yên lành, bạn hãy dành ra chốc lát để hình dung rằng một âm thanh gây sửng sốt, hoàn toàn bất ngờ và không phù hợp một cách đáng sợ, bỗng nhiên vang lên bên tai bạn mà bạn không biết chắc từ đâu. Tức thời, bạn có sự cảnh giác cao độ, đồng thời giữ sự yên tĩnh hoàn toàn, không dám thở mạnh, không tiêu phí một mảy may năng lượng nào. Bạn sẵn sàng để hành động tức thời. Mười phút tỉnh táo căng thẳng như thế có thể gây kiệt lực, do sự phối hợp giữa sự căng thẳng cao nhất với sự tĩnh lặng bên trong sâu lắng nhất, tạo ra một loạt điều kiện gần như hoàn hảo để có thể mở con đường đến giác ngộ.

Bây giờ, bạn hãy thấy mình như người ngồi qua bên trái, sự nguy hiểm có thể đến từ bên phải. Thậm chí một chớp mắt cũng có thể làm xao lãng sự chú ý trọn vẹn của bạn. Bạn không vận dụng một cơ bắp nào. Sự căng thẳng trong cơ thể tạm thời buông lỏng, và đồng thời cũng ở trong trạng thái báo động. Vì gần như không mất chút năng lượng nào trong vận động, nên nó được dành tối đa cho sự cảm nhận. Với những chuyển động nhỏ nhất của đôi mắt và tiếng nó được tìm kìềm nén, nên không có sự hỗ trợ nào cho các ý tưởng, không có sự đối thoại nội tâm. Tất cả những tiếng nói nội tâm đều đã được làm lắng dịu. Sự chú ý, không bị thu hẹp và hướng vào khách thể, cũng không bị phân tán như trong giấc ngủ, cũng không bị xao lãng vì tiếng nói nội tâm, giờ đây đang được khai phóng để đi tìm kiếm tâm điểm đích thực ở bên trong và mở rộng và tiếp nhận tối đa đối với Hiện hữu. Trong hồ nước im lìm trong trẻo về nhận thức này, mọi sự kiện đều mang những thông tin nguyên thủy và đều được xử lý thấu đáo. Trong tình trạng trật tự gần như hoàn hảo này thì những sự việc bất ngờ nhất và khó dự đoán nhất đã được thích ứng và hòa nhập một cách trọn vẹn nhất.

Tôi nghĩ rằng đây chính là lúc xuất hiện thời khắc của sự giác ngộ, nếu như có sự giác ngộ; khi sự chú ý hội tụ vào vùng trống không ở tâm điểm và mở ra đến vô tận ở ngoại vi. Thế nhưng cả tâm điểm lẫn ngoại vi đều không còn. Như lời Longchenpa, đại sư Tây Tạng thế kỷ 14, đã nói: “Người ta có thể phải phá lên cười!”

Vào thời điểm này, có một sự quay tròn 180 độ ở tâm điểm của Bản thể, kéo theo với nó một sự xoay chuyển tức thời của bối cảnh, từ cái hình thức hữu hạn từng phần bên trong đến cái bối cảnh vô tận của bản thân tâm thức, trong đó có thể nhìn thấy mọi sự diễn ra với mức độ rõ ràng không gì so sanh nổi. Tôi cho rằng tính chất hai mặt lúc này của sự nhận thức là một yếu tố then chốt của trải nghiệm giác ngộ.

Thế nhưng, điều mà tác giả D.T. Suzuki gọi là “sự kiện gây ngạc nhiên nhiều nhất có thể xảy ra trong cõi hữu thức” chỉ là sự bắt đầu mà thôi. Những điều mô tả hoành tráng về sự giác ngộ có xu hướng làm lu mờ sự kiện là một khi “cách thấy” này trở thành ma trận tự nhiên của những trải nghiệm thường ngày, thì việc thực hành nó trở thành một công việc giản dị, đòi hỏi sự chú ý và kỉ luật liên tục, không gián đoạn. Người ta tập quen để trở thành tĩnh lặng và thư giãn sâu xa. Rồi từ từ, nhè nhẹ và không gắng sức, người ta có thể học cách đưa bất cứ chuyển động ngẫu nhiên vô cùng nhỏ bé nào của đôi mắt và cổ họng vào trong một sự tĩnh lặng thật sâu lắng đến nỗi dường như không còn có con mắt và thanh quản nào cả. Những thứ đó đã được thay thế bằng một sự trống không hoàn toàn. Dần dần, sự nhận thức trở nên sắc bén và rõ ràng hơn. Đến mức chúng ta có thể nhận thấy sự ồn ào và trò chuyện nội tâm diễn ra liên tục. Mọi hình thức cảm nhận đều có sự rõ ràng của tiếng nước khua khi con ếch nhảy vào ao nước tĩnh lặng trong bài haiku của thi sĩ Nhật Bản Basho. Mọi thời khắc chú ý, dù có nhỏ bé bao nhiêu, cũng mở rộng ra đến vô tận khi mà phạm vi nhận thức trở nên uyển chuyển và rõ ràng hơn, không bị giới hạn.

Vì không mấy khi nó hiện diện nên chúng ta hiếm khi nhận biết nó, nhưng kiểu nhận thức nguyên thủy này, ai trong chúng ta cũng có vào mọi lúc tỉnh táo. Chúng ta có thể trải nghiệm nó bằng cách không làm gì khác hơn là buông bỏ những gì mà chúng ta thường dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình để làm. Chúng ta chỉ cần ngồi yên, hít thở tự nhiên, nhận ra những co giật cơ mắt rất nhẹ và cuộc đối thoại không lời bằng cách để cho lắng dịu mọi thứ. Không dò tìm và cũng không theo dõi bất cứ điều gì, như vậy là chúng ta đang mở rộng phạm vi nhận thức của mình đến với bất cứ điều gì xảy ra, không bám víu vào những gì đã qua, cũng không dự đoán những gì sắp tới. Một con chim có thể bay qua vùng trời, một đứa bé gọi mẹ, một chiếc xe chuyển bánh, chỉ thế thôi, không có gì nữa. Tất cả qui tắc của việc thiền định đều được chứa đựng trong sự chú tâm vô cùng đơn giản này.

Trong sự vắng lặng im lìm như thế, quá trình tu tập thực sự bắt đầu. Sự im lặng sâu lắng đầy tỉnh táo là một trong những trạng thái tạo nên sự toàn vẹn và thánh thiện nhiều nhất. Đây là một cánh đồng hoang, trong đó hạt giống giác ngộ đang phát triển. Gần như không có gì là không thể làm, và làm tốt hơn, trong sự ôm ấp nâng niu của nó.

Giờ đây, tôi thấy hoàn toàn chắc chắn rằng khi con mắt và tiếng nói được lặng yên thì người ta không thể cảm nhận qua cách nhìn vị kỷ được. Cái tôi tách biệt là một hiện tượng giới hạn, gắn chặt với lời nói và ý tưởng. Khi những thứ này lắng xuống thì cái tôi sẽ mất vai trò thống trị của nó và lui về vai trò phụ thuộc. tôi tin rằng, dù không gây ấn tượng nhiều, nhưng đây là nguồn gốc sự “trải nghiệm vô ngã” vốn được nói đến rất nhiều trong văn học thần bí. Vậy nên chừng nào chúng ta còn là một cái tôi đang thiền quán, hay là một cái tôi đang khát khao giác ngộ, thì chúng ta vẫn còn bị giam cầm trong sự mâu thuẫn đời đời.

Khi cái tôi bị thu hút vào sự chú tâm trực tiếp và thân thiết - ở mọi lúc – thì không có trải nghiệm giác ngộ riêng rẽ nào, không có con đường nào, sự ngăn cách nào cần phải lấp đầy nữa. Chúng ta không còn sống theo cung cách cũ. Không có gì bị mất mát. Tất cả mọi kỹ năng, chiến lược, quan hệ, và ký ức đều có thể được sử dụng để phục vụ cho một lối sống hài hòa hơn. Thay vì làm một con người đặc biệt, chúng ta sống bình dị hơn, trực tiếp hơn, và tự nhiên hơn. Chúng ta trở thành những đứa trẻ với mọi thứ có trong túi từ khi được học. Tất cả năng lượng chúng ta sử dụng trước đây để hỗ trợ cho những cái tôi riêng tư giờ đây tuôn chảy tự do vào đại đạo, đạo của tự nhiên, của những hoạt động thường ngày: làm việc, múa hát, cười vui, ăn và ngủ… - để sống an lạc.

Muốn biết cái ngã thì phải quên cái ngã
Quên cái ngã là giác ngộ trong vạn pháp.
------Thiền sư Dogen, Chánh pháp nhãn tạng-----

–––––o0o–––––

Trích “Ánh Trăng Huyền Ảo Của Sự Giác Ngộ”
Tác giả: Taizan Maezumi & Bernie Glassman
Người dịch: Chương Ngọc
Nhà xuất bản: Hồng Đức, 2018.

 

Bài viết liên quan