CON TRONG ĐẠO TRÀNG NHƯ ĐẾ CHÂU - Nguyễn Thế Đăng

CON TRONG ĐẠO TRÀNG NHƯ ĐẾ CHÂU

Nguyễn Thế Đăng

 

Trong mỗi thời công phu đều có bài kệ quán tưởng:

Năng lễ, sở lễ tánh Không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì

Ngã thử đạo tràng như Đế châu

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

 

Người lễ, Như Lai tánh Không tịch,

Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn,

Con trong đạo tràng đây như lưới ngọc (của Trời Đế thích),

Mười phương chư Phật ảnh hiện trong,

Thân con ảnh hiện trước (chư) Như Lai,

Đầu sát dưới chân quy mạng lễ.

 

Đây là bài kệ để quán tưởng khi lễ lạy Phật trong chánh điện. Sự lễ lạy này được thực hiện trong tánh Không, bản tánh Không tịch của người lễ lạy và đối tượng được lễ lạy là chư Phật (“Người lễ, Như Lai tánh Không tịch”), để nối kết, hợp nhất (“cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn”) giữa người lễ và đối tượng được lễ. Lễ lạy là sự hợp nhất giữa người lễ và chư Phật, vì cả hai đều cùng một bản tánh là tánh Không. Khi ấy đạo tràng là sự hiển lộ của tánh Không. Đạo tràng chính là pháp giới tánh Không, pháp giới Hoa Nghiêm Chân Không - Diệu Hữu.

Tánh Không không phải là một cái không có gì và mờ tối, mà tánh Không đi liền với quang minh, ánh sáng, sáng tỏ. Chính trong thực tại tánh Không - ánh sáng (Không – Minh) này mà mọi sự vật hiển hiện, nghĩa là có sắc thanh hương vị xúc pháp nhưng chúng vẫn là tánh Không (“sắc tức là Không, Không tức là sắc” - Bát Nhã Tâm Kinh).

Trong ánh sáng ấy sự vật không còn mang tính chất vật chất, nặng nề, cứng đặc, mà là những “ảnh hiện” của ánh sáng. Ảnh hiện là hiện bóng. Chư Phật là những ảnh hiện, và thân hành giả cũng là ảnh hiện trong đạo tràng tánh Không và ánh sáng: “Thân con ảnh hiện trước chư Phật”, “Mười phương chư Phật ảnh hiện trong”. Chính vì các ảnh hiện của chư Phật và ảnh hiện của thân con có cùng một bản tánh là tánh Không và ánh sáng mà cả hai có thể cảm ứng, nối kết và hợp nhất trong tánh Không và ánh sáng.

Như trong một tấm gương sáng tỏ, mọi xuất hiện hình tướng đều là những ảnh hiện, những bóng hiện trong gương. Tấm gương (Đại viên cảnh trí) là pháp thân tánh Không; sự sáng tỏ, ánh sáng của tấm gương là báo thân, và các bóng hiện là các hóa thân.

Khi thấy được “thân con bóng hiện trước chư Phật và chư Phật mười phương cũng là các bóng hiện trong đó”, người ta bắt đầu bước vào đạo tràng, tức là pháp giới Hoa Nghiêm. Đạo tràng gồm đủ cả ba thân Phật, nên khi lễ lạy, hành giả kết nối kết và hợp nhất được với ba thân Phật trong đạo tràng, khi ấy hành giả cũng nhận ra ba thân Phật ở nơi mình.

Ở đây đạo tràng được ví như “lưới ngọc của trời Đế thích”. Lưới ngọc của trời Đế thích được nói đến nhiều lần trong Kinh Hoa Nghiêm để thí dụ cho pháp giới Hoa Nghiêm, trong đó các sự vật ảnh hiện dung nhiếp và thâm nhập lẫn nhau một cách vô ngại. Điều này được các vị Tổ Hoa Nghiêm gọi là “pháp giới sự sự vô ngại”.

Sở dĩ có sự nhiếp nhập lẫn nhau một cách vô ngại giữa các sự vật ảnh hiện vì các ảnh hiện đều hiện hình trong lưới ngọc, và các hạt ngọc đều có cùng một bản tánh là tánh Không và ánh sáng nên các hạt ngọc phản chiếu lẫn nhau. Các hạt ngọc đều cùng một bản tánh trong suốt, sáng sạch (tánh Không) nên đều hiện bóng lẫn nhau. Một bóng hiện trong một viên ngọc thì đều hiện bóng trong tất cả mọi viên ngọc, và tất cả các viên ngọc hiện bóng trong một viên ngọc. Một bóng hiện duyên khởi trong một viên ngọc thì đồng thời duyên khởi trong tất cả các viên ngọc và tất cả các viên ngọc đồng thời duyên khởi trong một viên ngọc. Điều này người xưa gọi là “trùng trùng duyên khởi, trùng trùng vô tận”.

Qua việc lễ lạy cùng với tâm thiền định thiền quán, người ta có thể tương ưng với pháp giới Hoa Nghiêm, pháp giới tánh Không và ánh sáng.

Nhưng không chỉ ở trong chánh điện và khi lễ lạy, mà người ta có thể bắt gặp, nối kết, hợp nhất với pháp giới Hoa Nghiêm ở mọi chỗ, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, bằng tâm thiền định và thiền quán thường trực của mình, vì pháp giới Hoa Nghiêm bao trùm và có trong tất cả mọi cảnh giới. Và như vậy con người người ta có thể nối kết, làm quen và sống luôn luôn trong lưới trời Đế thích, tức là trong pháp giới Hoa Nghiêm.

-------o0o--------

không chỉ ở trong chánh điện và khi lễ lạy, mà người ta có thể bắt gặp, nối kết, hợp nhất với pháp giới Hoa Nghiêm ở mọi chỗ, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, bằng tâm thiền định và thiền quán thường trực của mình, vì pháp giới Hoa Nghiêm bao trùm và có trong tất cả mọi cảnh giới.
CON TRONG ĐẠO TRÀNG NHƯ ĐẾ CHÂU - Nguyễn Thế Đăng

Ảnh: nguồn internet

 

Bài viết liên quan