PHẬT TÁNH, KHO TÀNG CÓ SẲN CỦA MỖI NGƯỜI - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

PHẬT TÁNH, KHO TÀNG CÓ SẲN CỦA MỖI NGƯỜI

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

-------o0o-------

 

Tin, thấy và an trụ trong Phật tánh pháp thân sẽ làm cho vô minh và phiền não, phiền não chướng và sở tri chướng dần dần rơi rụng vì chúng không cùng một bản chất với Phật tánh, chúng chỉ là những cái ở ngoài mới ‘dán’ vào.
PHẬT TÁNH, KHO TÀNG CÓ SẲN CỦA MỖI NGƯỜI - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Phật tánh là chủ đề của Kinh Đại Bát Niết Bàn và được luận giảng trong Phật tánh luận. Cuốn luận này từ xưa đã được dịch sang tiếng Trung Hoa và Tây Tạng, rồi từ tiếng Tạng sang tiếng Anh. Phần chín thí dụ đều có ở cả hai bản Hán và Tạng. Trong bài này trích từ Phật tánh luận, được Bồ tát Di Lặc (Maitreya) truyền cho ngài Thiên Thân, và ngài Tam Tạng Chân Đế dịch sang tiếng Hán.

 

1/ Chín thí dụ.

Lại nữa, vì hiển hiện chín loại phiền não này nên lập chín thí dụ.

1.- Vì chỉ ra phiền não tham nên lập hoa sen hóa Phật. Sen khi nở thì đẹp đẽ, khi héo tàn thì mọi người không thích. Tham dục cũng vậy, lúc đầu nương trần cảnh mà có, rồi cũng nương trần cảnh mà hoại. Hoa dụ cho tham cũng thế, khi héo thì hóa Phật xuất thế, như tham che lấp pháp thân.

2.- Vì chỉ ra phiền não sân nên lập thí dụ con ong. Ong chích độc nhưng cũng có mật ngọt. Mật là dụ cho pháp thân bị sân che lấp.

3.- Vì chỉ ra mê lầm vô minh nên lập thí dụ hạt gạo bị vỏ trấu bao bọc, không thể dùng. Pháp thân cũng vậy, bị vỏ vô minh bao bọc không thể hiển hiện.

4.- Vì chỉ ra ba loại phiền não hiện khởi nên lập thí dụ vàng rơi vào chỗ dơ uế, trái với ý người. Người lìa dục cũng vậy, bị phiền não sanh khởi làm trái ý; pháp thân xưa nay vốn thanh tịnh nhưng bị mê lầm của phiền não sanh khởi che lấp nên nói là bất tịnh.

5.- Vì chỉ ra vô minh trụ địa nên lập thí dụ cô gái nghèo trong nhà dưới đất có kho báu nhưng vì đất che lấp nên nghèo cùng khốn khổ. Hàng Nhị thừa cũng thế, bị vô minh che lấp nên không thấy quả Phật, nên chịu bốn thứ khổ sanh tử.

6.- Vì chỉ ra mê lầm Kiến đế (Kiến đế hoặc) nên lập thí dụ hạt Yêm la. Hạt yêm la khi nẩy mầm thì vỏ nứt ra mới nẩy mầm được. Vỏ dụ cho kiến đế, mầm dụ cho pháp thân. Kiến đế cũng như vậy, lúc mới thấy chân lý, phải phá mê lầm này pháp thân mới hiển hiện.

7.- Vì chỉ ra mê lầm của tư duy (tư duy hoặc) nên lập thí dụ vàng gói trong mớ giẻ rách. Giống như áo cũ rách không còn mặc được, thân kiến từ trước đến nay đã bị phá, thánh đạo đối trị niệm niệm huân tập. Phiền não của tư duy thế lực không còn, dụ cho chiếc áo cũ rách, vàng dụ cho pháp thân bị mê lầm của tư duy ngăn che.

8.- Vì chỉ ra mê lầm ở các địa bất tịnh nên lập thí dụ cô gái nghèo mang thai vương tử; giống như con của chuyển luân vương trong thai cô gái nghèo, thai không thể làm ô nhiễm. Phiền não của Bồ tát từ địa thứ bảy trở xuống cũng vậy, tuy gọi là phiền não nhưng lại có ba đức: một, được trí huệ và từ bi vô nhiễm hàm dưỡng; hai, không có lỗi lầm vì không làm tổn hại mình người; ba, có vô lượng công đức để làm thành thục Phật pháp và chúng sanh.

9.- Vì chỉ ra mê lầm ở tịnh địa, nên lập thí dụ tượng vàng còn ở trong khuôn, khi chưa mở khuôn thì tượng cũng đã thành, nước lửa không thể phá, chỉ dùng búa mới có thể phá hoại. Mê lầm của địa thứ tám trở lên cũng như vậy, chỉ tâm kim cương mới có thể phá rốt ráo”.

 

Qua chín thí dụ trên, cho thấy rằng Phật tánh hay Như Lai tạng vốn có sẳn Pháp thân, chỉ vì vô minh mê lầm và các phiền não che lấp nên không hiển hiện. Công việc của hành giả là dựa vào các pháp môn để phá trừ sự che lấp này để cho Phật (trong Phật tánh), Như Lai (trong Như Lai tạng), hay Pháp thân hiển hiện. Tùy theo vô minh mê lầm và phiền não được phá trừ đến đâu mà có các địa từ thấp đến cao.

 

2/ Có sẳn, không do tạo tác.

Phật tánh như là pháp thân thì vốn có sẳn, không do tạo tác, chỉ vì vô minh phiền não tạm thời mà bị che lấp. Nói rằng vô minh phiền não là tạm thời bởi vì chúng mới có sau này, và chúng là ngoại sanh, do duyên mà sanh ra. Chúng không thể làm hư hoại Phật tánh, như chín thí dụ trên cho thấy và vì duyên sanh, hợp tạo, nên chúng có thể bị phá trừ, xóa bỏ, để Phật tánh lộ diện.

 

Kinh Đại Bát Nhã nói: “Tánh Không (đồng nghĩa với Phật tánh) là không do ai làm ra, dầu đó là các vua trời hay thậm chí chư Phật. Và dù Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không thì bản tánh của tất cả các pháp là tánh Không vẫn luôn luôn là như vậy”.

 

Người ta chỉ có thể bắt đầu thực hành khi có niềm tin vào Phật tánh vốn đang hiện diện. “Tin” là yếu tố đầu tiên trong Năm Căn, Năm Lực. Năm mươi hai cấp độ của con đường Bồ tát bắt đầu bằng Thập Tín.

Thiền Sư Đạo Nguyên Nhật Bản (1200 - 1253) nói: “Chúng sanh không thể thành Phật. Chỉ có Phật mới thành Phật”, là trong ý nghĩa này.

Thiền sư Thường Chiếu (?-1203) đời thứ 12, dòng Vô Ngôn Thông, có bài kệ:

Ở đời là thân người

Tâm là Như Lai tạng

Chiếu sáng khắp mười phương

Tìm đó càng rỗng suốt.

Thiền sư Hương Hải (1629 -1715) nói:

Ba đời chư Phật đều ở trong thân ta, chỉ vì tập khí che ám, ngoại cảnh làm chướng ngại, khiến ta tự mê lầm. Nếu được vô tâm là Phật quá khứ. Trong tịch lặng mà khởi tác dụng là Phật vị lai. Tùy cơ ứng vật là Phật hiện tại. Ta thanh tịnh không nhiễm ô sáu trần là Phật Ly Cấu. Ta ra vào không gì làm chướng ngại là Phật Thần Thông. Chỗ nào cũng an vui là Phật tự tại. Một tâm trong sáng là Phật Quang Minh. Tâm đạo kiên cố là Phật Bất Hoại. Ta biến hóa vô cùng chỉ do một chân tánh mà thôi”.

Qua sự diễn giảng của Thiền sư Hương Hải, chúng ta thấy Phật tánh Pháp thân được thể hiện trong đời sống bình thường hàng ngày như thế nào. Như vậy, cuộc sống ở trần gian, ở đời đã được nâng cấp thành một đời sống thiêng liêng của Đạo.

 

3/ Tin, thấy và an trụ.

Bắt đầu bằng niềm tin và củng cố niềm tin bằng sự tha thiết, nhiệt thành, mong nguyện. Rồi tìm kiếm Phật tánh, manh mối của nó bằng thiền định, thiền quán và các hạnh nhằm cảm nhận, kinh nghiệm, thoáng thấy nó. Cho đến khi trực tiếp thấy Phật tánh chưa từng bị ô nhiễm. Và khi thấy Phật tánh rõ ràng thì an trụ, sống trong đó cho thuần thục như lời dạy của Thiền sư Hương Hải ở trên.

Người thực hành có thể tham khảo Mười Bức Tranh Chăn Trâu để biết mình đang ở đâu trên Con đường.

 

Tin, thấy và an trụ trong Phật tánh pháp thân sẽ làm cho vô minh và phiền não, phiền não chướng và sở tri chướng dần dần rơi rụng vì chúng không cùng một bản chất với Phật tánh, chúng chỉ là những cái ở ngoài mới ‘dán’ vào.

Chẳng hạn, khi nổi sân, nếu chúng ta tin rằng Phật tánh vốn không có sân, tự hỏi và thấy như vậy, sân vừa khởi liền rơi rụng. Và khi bằng thiền định thiền quán đi sâu hơn, chúng ta sẽ thấy cái Nền tảng từ đó sân khởi lên và diệt mất trong đó.

-------o0o-------

Bài viết liên quan