NHẬN BIẾT KHI ĐANG ĐI VÀ KHI ĐANG NÓI -THƯ GIÃN VÀ NHẬN BIẾT - SAYADAW U TEJANIYA

NHẬN BIẾT KHI ĐANG ĐI VÀ KHI ĐANG NÓI.

THƯ GIÃN VÀ NHẬN BIẾT

SAYADAW U TEJANIYA

---o0o---

Với tư cách là thầy, ngài đã không dạy tôi “Hãy nhìn theo cách này đi.” Ngài chỉ đang sống đời mình và chia sẻ nó từ góc nhìn tỉnh giác.
NHẬN BIẾT KHI ĐANG ĐI VÀ KHI ĐANG NÓI -THƯ GIÃN VÀ NHẬN BIẾT - SAYADAW U TEJANIYA

Phẩm chất thực sự của Sayadaw U Tejaniya với tư cách một thiền sư là ngài dạy bằng sự trao truyền trực tiếp. Nếu bạn gõ vào một cái âm thoa gần một chiếc đàn piano, các dây đàn sẽ rung lên ở cùng cao độ với nó. Nếu bạn lắng nghe Sayadaw — cách ngài trò chuyện, cách ngài hướng dẫn — tâm của bạn khởi sự cộng hưởng với tâm của ngài. Bạn cảm nhận bên trong một sự kết nối với hiểu biết mà ngài thân giáo, khiến bạn hứng thú với từng chi tiết vi tế nhất của cuộc đời mình. Bạn bắt đầu nhận biết ngày một nhiều hơn về những tầng gốc rễ của tâm, nơi sự căng thẳng khởi phát, và đâu là chỗ nó có thể kết thúc. Bạn bắt đầu thụ nhận, thông qua sự trao truyền của ngài, nghệ thuật chuyển hoá của thiền.

Một vài năm trước khi tôi gặp Sayadaw, tôi đã vinh dự được gặp thầy của Ngài, thiền sư Miến Điện nổi tiếng Shwe Oo Min. Khi đó tôi vừa kết thúc năm năm xuất gia ở Miến, và tôi đã đến thăm Shwe Oo Min Sayadaw ở tu viện của ngài. Tôi rất ấn tượng bởi vị sư già, người kiên quyết sống cực kỳ giản dị và thanh đạm mặc dù ngài vô cùng nổi tiếng. Tu viện của ngài là một ngôi nhà gỗ đơn sơ nằm gọn trong một lùm cây nhỏ mà ngài từ chối đốn hạ, dù nó nằm ở một khu ngoại ô Rangoon tấp nập.

Ngài đón tiếp tôi lặng lẽ, dịu dàng, và với toàn bộ sự chú tâm. Trong khi trò chuyện, tôi cảm nhận được một sự cộng hưởng sâu sắc với những lời ngài nói, như thể ngài đang giải nghĩa một cách hoàn hảo con đường mà tôi đã chọn bước đi trong đời này.

Bẵng đi một vài năm, sau khi Shwe Oo Min Sayadaw đã qua đời, tôi được biết rằng một vị sư trẻ, Sayadaw U Te- janiya, đã trở thành người truyền thừa của ngài, và tôi rất háo hức mong được gặp người đó.

Tôi gửi lời nhắn hỏi, và Sayadaw đã đồng ý gặp riêng tôi, cùng với người phiên dịch của ngài, Ma Thet. Ngài cũng đã mời tôi đến gặp ngài hàng ngày để thực hiện những buổi vấn đáp một-một trong một khoá thiền sáu tuần ở thiền viện Rangoon của ngài. Tôi đã rất may mắn, vì ngài thường gặp thiền sinh theo nhóm. Ngài hướng dẫn tôi một cách ngắn gọn và trao cho tôi một tờ hướng dẫn gấp làm ba, và thế là tôi bắt đầu thực hành.

Ban đầu tôi đã không thể nào nắm được cốt lõi cách tiếp cận của ngài. Tôi đã thực hành trong ba mươi năm, bao gồm gần nhất là năm năm tu tập với một dòng thiền khác của Miến Điện. Với dòng thiền đó, mấu chốt nằm ở việc nhận biết từng chi tiết trong mỗi một trải nghiệm và báo cáo lại những quan sát đó cho thiền sư trong các buổi vấn đáp. Tôi biết rằng mình được nghe những điều khác hẳn từ Sayadaw, nhưng tôi đã không thể hiểu được cách thực hành mà ngài hướng dẫn. Thay vào đó, tôi lại kể với ngài trong những buổi gặp hàng ngày những gì mà tôi đã ghi nhận.

Sau khoảng hai hoặc ba ngày như thế, trong khi tôi đang tập thiền hành bên ngoài, Sayadaw đã gửi Ma Thet đến nói chuyện với tôi.

“Sayadaw muốn biết”, cô ấy nói, “tại sao ông lại kể với ngài về các trải nghiệm của ông trong các buổi vấn đáp?” Tôi trả lời, “Đó là cách tôi hiểu việc thực hành.” Và cô nói, “Sayadaw không thực sự cần biết về trải nghiệm của ông. Ngài muốn biết cách mà ông đang thực hành. Ngài muốn biết ông đang nhận biết như thế nào, chứ không phải điều ông đang nhận biết.”

Điều này thực sự mới lạ đối với tôi. Tôi chợt nhận ra rằng tôi đã không thể nói về sự nhận biết mà không liệt kê các trải nghiệm mà tôi đã có — các đối tượng của nhận biết như ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác, và nhận thức.

Vì thực sự muốn học phương pháp của Sayadaw, nên tôi quyết tâm gạt qua một bên tất cả những gì tôi đã biết, bao gồm mọi kỹ thuật mà tôi đã được học hay sử dụng trước đó. Từ đó về sau, bất kể lúc nào tôi bắt gặp tâm mình đi về những lối mòn hay những kỹ thuật đã thử và thấy đúng, tôi chỉ buông nó đi và thay vào đó hỏi, “Tâm hay biết đang làm gì?” Sau khoảng hai tuần, tôi cảm thấy mình đã nắm được nó; tôi có đà và tiếp tục tiến tới.

Thế rồi một sự khai ngộ lớn đã xảy ra. Bất kỳ lúc nào tâm tôi chuẩn bị hướng về phía một kỹ thuật cũ, và tôi nói “Không”, tôi nhận ra một khoảng trống mới mở ra trong tâm tôi - một khoảng trống mà tôi đã bỏ qua cho tới thời điểm đó. Tôi đã nhận ra rằng bất cứ khi nào có sự phân tâm hay xáo trộn khởi lên, rồi tôi dùng một kỹ thuật để xử lý nó, khi đó tâm tôi bận rộn với các kỹ thuật hơn là để ý tới trạng thái tâm nằm bên dưới. Hiểu biết này là một bước đột phá đối với tôi.

Nhìn vào trải nghiệm theo cách này giúp ta liên tục nhận biết không phải các đối tượng mà tâm tri nhận, mà nhận biết trạng thái của tâm quan sát, nơi ta hoặc đang tạo ra sự căng thẳng hoặc không. Nếu ta đang tạo ra căng thẳng, thì cách nhìn này mang đến một hướng xử lý khôn ngoan, bởi vì tỉnh giác liên tục mang đến phẩm chất trí tuệ cho tâm.

Đó là một thí dụ về phương pháp hành thiền vô cùng thực tế của Sayadaw, và tôi sẽ bàn về hai điều nữa: nhận biết khi đang đi và khi đang nói.

Với thiền hành, Sayadaw dạy ta giữ nhịp bước bình thường, không tập trung sự chú ý vào bất kỳ cảm giác đặc biệt nào mà thay vào đó trụ lại trong sự nhận biết về trạng thái của tâm quan sát. Tâm hay biết đang tiếp nhận và xử lý các đối tượng được biết như thế nào? Tâm đang nhận biết các trải nghiệm một cách sáng tỏ, hay tham, sân, si đang hiện diện? Nếu bạn có thể nhận biết như thế khi đang đi, bạn sẽ có thể duy trì nhận biết thường xuyên hơn suốt cả ngày, và lúc nào bạn cũng sẽ học thêm được điều gì đó về tâm mình.

Chúng ta không dành phần lớn đời mình trong các khóa thiền im lặng. Phần lớn thời gian ấy ta dành để tương tác với người khác — vì thế sự tỉnh giác trong khi nói là rất quan trọng. Nếu ta không học cách nhận biết mọi điều đang xảy ra trong tâm và thân khi nói, mỗi lời nói sẽ là phản ứng thay vì trí tuệ, và cứ thế tích luỹ thêm căng thẳng trong vô thức. Nếu bạn học cách nhận biết trong khi nói, việc nói sẽ trở nên giàu ý nghĩa và có chủ đích hơn. Bạn có thể thấy rõ các lựa chọn cũng như chủ động dùng những từ ngữ mang tính vun bồi cho sự hoà hợp và bình an bên trong bạn và với người khác.

Gần đây, tôi đã có một cơ hội quý báu để dùng đến phương pháp của Sayadaw trong đời mình, cùng với những pháp thiền khác mà tôi đã học. Vào tháng Hai năm 2018, tôi bị chẩn đoán mắc glioblastoma, một chứng ung thư não ác tính. Đây là bệnh nan y, tiên lượng xấu. Nhưng ngay từ ngày đầu, thực lòng mà nói, tôi không thấy sợ hãi hay hy vọng.

Thay vào đó, tôi đã rất hứng thú với tất cả những gì xảy đến, bao gồm cả cơn đau và sự khổ đang diễn ra.

Có những người phản ứng với chẩn đoán ung thư kiểu “Lạy Chúa tôi!” và “Điều này thật tồi tệ!”. Nhưng bất cứ khi nào tôi thấy sợ hãi hay tuyệt vọng xuất hiện trong tâm và chúng thỉnh thoảng vẫn đến chúng thường chỉ lướt qua. Tôi thấy chúng xuất hiện, nhưng sự bám chấp không có ở đó. Cách tiếp cận của Sayadaw nuôi dưỡng sâu sắc sự hứng thú với tất cả mọi điều, trong khi luôn quan sát những phản ứng bất thiện, rồi buông chúng đi. Trí tuệ đến cùng với sự nhận biết, và trí tuệ luôn nói: “Đây không phải là điều để bám chấp vào.” Nó chấp nhận mọi thứ như chúng là.

Sau năm đầu tiên thực hành với Sayadaw, tôi đã mời ngài đến giảng dạy ở các trung tâm thiền trên khắp nước Mỹ. Tôi đã được đồng hành cùng ngài từ nơi này đến nơi khác, hết giờ này đến giờ khác trên những chuyến xe, những chuyến bay đi khắp mọi nơi. Điều tôi nhận ra trong khoảng thời gian đó là ngài lúc nào cũng hứng thú với tâm. Ngài thấy mọi hoạt động đang xảy ra quanh mình — ngài lắng – nghe, ngài quan sát, nhưng sự hứng thú của ngài luôn là tâm. Điều này đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ.

Một lần chúng tôi cùng đến Maui, nơi tôi sống. Mọi thứ ở đó đều vô cùng xinh đẹp và gợi cảm — biển, những dãy núi, những bông dâm bụt. Tất cả đều rất hấp dẫn và mời gọi giác quan. Khi chúng tôi đang trong xe cùng nhau, ngài quan sát mọi thứ, nhưng thay vì lan man về vẻ đẹp xung quanh, ngài lại miêu tả cách tâm ngài đang nhận biết những trải nghiệm mới. Ngài nói, “Thật thú vị khi quan sát cách tâm tri nhận tất cả những đối tượng mới này nó chưa từng biết tới.” Tôi nhớ là mình đã nghĩ, “Ô, thật là khác biệt so với đa số những người mới đến hòn đảo này.”

Thay vì bị lôi cuốn bởi điều này điều nọ, Sayadaw bị hấp dẫn bởi tiến trình của tưởng - cách mà tâm tạo nghĩa cho tất cả những gì nó vừa nhận biết.

Với tư cách là thầy, ngài đã không dạy tôi “Hãy nhìn theo cách này đi.” Ngài chỉ đang sống đời mình và chia sẻ nó từ góc nhìn tỉnh giác. Nhờ đó, tôi bắt đầu nhìn mọi thứ theo cách mà ngài nhìn. Khi bạn ở cạnh ngài, đó là điều xảy ra. Ngài đang tỉnh giác, và chỉ đơn giản ở cùng ngài và lắng nghe ngài, bạn cũng học được cách duy trì tỉnh giác.

Những trang sách này có sự cộng hưởng tương tự như với sự kết nối mà một người cảm nhận được khi ở bên cạnh Sayadaw. Đọc lời của ngài vì thế cho ta một cơ hội để nắm bắt và cộng hưởng với tầng rung động vẹn nguyên của trí tuệ mà Phật giáo gọi là dharma, thực tại, hay là “cách mà mọi thứ đang là”. Sự trao truyền của Sayadaw hiện diện trên từng trang sách và thường khi, với biệt tài diễn đạt của ngài, âm vang trong từng câu chữ. Để cho những rung động tinh ròng ấy thấm đẫm vào ta mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, chính là nguyên lý của pháp thiền nằm ở trung tâm của cuốn sách này. Điều chúng trao tặng chính là mùi vị của giải thoát.

---o0o---

Trích: “Thư Giãn và Nhận Biết”

Sayadaw U Tejaniya

Mưa: dịch

Nhà Xuất Bản Dân Trí – Thiện Tri Thức – 2023

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan