NHẬN BIẾT TÁNH GIÁC VỐN SẴN - LỜI NGUYỆN CỦA TÁNH GIÁC PHỔ HIỀN NHƯ LAI - GARCHEN RINPOCHE BÌNH GIẢNG

NHẬN BIẾT TÁNH GIÁC VỐN SẴN

LỜI NGUYỆN CỦA TÁNH GIÁC PHỔ HIỀN NHƯ LAI

GARCHEN RINPOCHE BÌNH GIẢNG

-------o0o-------

Thường thì người ta hỏi câu này: tất cả chúng sanh thực sự đến từ đâu? Ở đây có nói: Từ ban sơ, các bạn, những chúng sanh, đã bị mê lầm vì không nhận biết Tánh Giác của Nền Tảng.
NHẬN BIẾT TÁNH GIÁC VỐN SẴN - LỜI NGUYỆN CỦA TÁNH GIÁC PHỔ HIỀN NHƯ LAI - GARCHEN RINPOCHE BÌNH GIẢNG

Thường thì người ta hỏi câu này: tất cả chúng sanh thực sự đến từ đâu? Ở đây có nói: Từ ban sơ, các bạn, những chúng sanh, đã bị mê lầm vì không nhận biết Tánh Giác của Nền Tảng. Do đó mà không rõ biết rằng những gì xuất hiện là mê lầm - đây chính là trạng thái vô minh và là nguyên nhân đưa đến sự lạc lối. Như vậy, đó là sự không nhận biết Tánh Giác của Nền tảng. Chúng ta không thấy biết tánh giác của chính mình và do đó, chúng ta trở nên không rõ biết, không tỉnh thức. Bấy giờ, với sự không rõ biết này, ngay cả khi chúng ta có một số thời gian rảnh rỗi, chúng ta muốn sử dụng thời gian này để ngủ nghỉ. Chúng ta không muốn làm bất cứ điều gì khác, vì vậy, chúng ta không tỉnh thức và không rõ biết. Sau đó, bài nguyện có nói: Từ trạng thái mê lầm này đưa đến sự hoàn toàn không biết gì thình lình, và bấy giờ một thức vi tế của sự sợ hãi làm dao động. Từ trạng thái đó, chúng ta coi hoạt động của chính mình là quan trọng nhất và do đó, nỗi sợ hãi sanh khởi và chúng ta luôn tự hỏi mình sẽ làm gì. Chúng ta sợ hãi và cố gắng tìm cách không gặp phải những khó khăn. Ví dụ như, chúng ta nghĩ rằng tôi phải làm việc để không bị đói, tôi phải xây một ngôi nhà hoặc tôi phải làm việc để có thể lo cho gia đình, cho vợ/chồng, cho con cái, vân vân ... Tôi phải làm điều đó và sẽ không ổn nếu không làm điều đó. Tất nhiên chúng ta phải làm điều đó, nhưng chúng ta luôn lo lắng đến điều đó. Sau đó, khi nói đến các hoạt động mà chúng ta phải làm, chúng ta coi mình là quan trọng nhất, vì vậy chúng ta làm bất cứ điều gì cần thiết để có lợi cho bản thân và chúng ta ít quan tâm đến việc người khác bị ảnh hưởng như thế nào. Nếu người khác bị tổn hại bởi điều đó thì cũng không làm chúng ta bận tâm và ảnh hưởng nhiều. Như vậy, chúng ta coi mình là quan trọng nhất. Ngay cả giữa hai người bạn, bản thân mình luôn là quan trọng nhất. Tuy nhiên, điều đó sẽ không bao giờ dẫn đến sức khoẻ và hạnh phúc như mong muốn, mà thay vào đó, nó luôn kết thúc trong đau khổ. Đó là bởi vì không có ai mà không coi mình là quan trọng nhất. Mọi người đều nhìn nhận theo cách này. Như vậy, đó là không rõ biết, đó là vô minh. Vô minh coi cái "Tôi" là quan trọng nhất. Và sau đó, bài nguyện có nói: Từ sự dao động đó, sanh khởi một sự tách biệt giữa tự ngã và tri giác coi những cái khác như kẻ thù. Dần dần, khuynh hướng tách biệt mạnh lên và từ đó, vòng sanh tử bắt đầu. Như vậy, khuynh hướng này bắt đầu với nhận thức về một cái "Tôi" và sau đó có một sự tham ái nắm giữ cái "Tôi" này và tự nhiên có ác cảm với tất cả những người khác/cái khác. Ngay cả khi chúng ta đang ngủ, chúng ta vẫn luôn lo lắng không biết mình sẽ làm gì. Vì vậy, vô minh này được tích tụ trong tâm của chúng ta như những bông tuyết rơi xuống suốt ngày đêm. Nó luôn tích tụ trong tâm chúng ta. Nó tích tụ khi chúng ta không có chánh niệm, khi chúng ta không rõ biết, nhưvậy, nó giống như việc để cục nước đá này trong tủ đá và từ từ, nó trở nên cứng hơn và cứng hơn nữa. Nó ngày càng cứng đặc lại và rắn chắc hơn và hơn nữa. Như vậy, cách khuynh hướng này mạnh lên là nó bắt đầu từ việc bạn không nhận biết bản tánh của tâm mình. Không thấy biết bản tánh đó, bạn tri giác cái "Tôi" và sau đó bạn tri giác cái "Tôi" và những cái khác, sau đó, có sự bám luyến vào cái "Tôi" và ác cảm với những cái khác và đây là điểm sanh tử bắt đầu. Về thời điểm khi nó bắt đầu, nó đã có từ vô thủy. Từ vô thủy cho đến nay, chúng ta đã vô minh, đã tích tập vô minh và khuynh hướng này càng ngày càng mạnh hơn và hơn nữa.

Sau đó, bài nguyện có nói: Kế tiếp, những cảm xúc của năm độc phát triển. Các hành động tiếp diễn của những cảm xúc này là không dứt. Vậy cảm xúc của năm độc phát triển như thế nào? Ví dụ như, khi mọi người nghĩ về năm độc, họ chủ yếu nhìn vào hình thức rất thô lậu của chúng; chẳng hạn như họ xem lòng tham chỉ là hình thức thô lậu của ham muốn hoặc họ xem giận dữ chỉ là giận dữ. Rồi mọi người nói rằng tôi không phải như vậy. Tôi không có nhiều giận dữ. Tôi không hiếu chiến. Tôi không có nhiều mong muốn và vân vân... Như vậy tôi không bị ảnh hưởng nhiều bởi những phiền não này. Nhưng điều này không thực sự đúng bởi vì tất cả những phiền não đều có những phiên bản vi tế của chính chúng. Vì vậy, hình thức vi tế của bám luyến là hy vọng và mong đợi của chúng ta để đạt được điều gì đó. Tôi muốn thành tựu điều này. Đây là một hình thức vi tế của bám luyến và ham muốn. Sau đó, một dạng giận dữ vi tế chẳng hạn là nỗi sợ hãi - điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không đạt được điều đó. Và hình thức vi tế của vô minh là nỗi nghi ngờ trong tâm chúng ta. Những hình thức vi tế này luôn luôn và liên tục ở trong tâm chúng ta. Là một hành giả, chúng ta có thể chú ý đến cách các phiền não dạng vi tế này phát triển thành dạng thô lậu như thế nào. Làm thế nào hy vọng hoặc mong đợi phát triển thành thèm khát, tham lam và làm thế nào sợ hãi phát triển thành giận dữ, vân vân ... vào khúc cuối. Chúng ta nói về tám mươi tư tưởng phiền não khác nhau, các dạng thô lậu của phiền não, và sau đó, có những tư tưởng vi tế hơn. Như vậy, có bảy dạng vô minh, có ba mươi ba dạng giận dữ hoặc hiếu chiến và có bốn mươi hình thức của bám luyến. Đây chỉ là những dạng thô lậu của phiền não. Người ta có thể nghĩ rằng tôi không có điều đó. Tôi không có sự căm ghét hay thù hận mạnh mẽ này trong tâm. Nhưng bạn không nên nghĩ về nó theo cách này bởi vì các hình thức vi tế luôn luôn ở trong tâm của chúng ta, liên tục sanh khởi trong tâm của chúng ta. Như vậy, bất cứ khi nào chúng sanh khởi, bạn nên nhận ra rằng điều này có tinh chất của lòng tham, điều này có tinh chất của giận dữ/ hiếu chiến, từng loại trong các loại phiền não đó. Như vậy, ở dạng thô lậu hơn, chúng ta nói về tám mươi tư tưởng phiền não, nhưng sau đó ở dạng vi tế hơn, chúng ta nói về tám vạn bốn ngàn phiền não khác nhau và sau đó, còn nhiều nữa. Có vô số phiền não.

Sau đó, bài nguyện có nói: Các bạn, những chúng sanh, thiếu tỉnh giác vì không có chánh niệm, và đó là nguyên nhân đưa đến sự lạc lối. Qua lời nguyện của ta, nguyện tất cả các bạn, những chúng sanh, nhận biết Tánh Giác vốn sẵn! Như vậy, căn bản của sự lạc lối này, căn bản của mê lầm là sự không có chánh niệm, là không nhận biết được bản tánh của tâm mình, không thấy được bản tánh thực của chính mình và do đó mà sanh khởi nhận thức về cái "Tôi" và những cái khác, một tri giác nhị nguyên phân biệt. Nguyện tất cả các bạn, những chúng sanh, nhận biết Tánh Giác vốn sẵn, Rigpa. Như vậy, phẩm tính của việc nhận biết bản tánh chân thật của chính bạn là gì? Những người biết cách thiền định và những người thực hành, họ có được kinh nghiệm về khi một tư tưởng sanh khởi, bất cứ tư tưởng nào sanh khởi, trước hết, họ biết rằng cái “Tôi" và những cái khác không hiện hữu và không thể phân chia được. Họ thấu suốt bất cứ điều gì nảy sinh, bất cứ tư tưởng nào sanh khởi, bất cứ phiền não nào sanh khởi và hiểu thấu nó - nếu tôi làm theo điều này, tôi sẽ tích lũy nghiệp và nghiệp sẽ chín. Những người biết thực hành, họ có một tin tưởng và đức tin vào sự vận hành của nghiệp, nên trước tiên, họ hiểu được nguyên nhân của đau khổ, đó là Con đường Biệt giải thoát từ bỏ phiền não của họ, hiểu rằng chúng là nguyên nhân gây đau khổ và dần dần hiểu được gốc rễ thực sự của mọi đau khổ là việc nắm giữ bản ngã, liều thuốc giải độc duy nhất cho điều đó là tình yêu thương và tâm đại bi, vì vậy họ bước vào Con đường Bồ tát, nơi họ chuyển hóa các phiền não. Họ nhận ra rằng tất cả chúng sanh đều là cha mẹ của mình và do đó, đấy không phải là đối tượng phiền não của chúng ta, vì vậy không thích hợp để nổi giận với họ và vân vân ... Sau đó, họ nhận ra rằng mặc dù cơn nóng giận vẫn còn sanh khởi, nhưng do có chánh niệm nên nó tan biến và đó là bước vào Con đường Kim Cương thừa. Chánh niệm cũng giống như một người canh gác theo dõi những gì sanh khởi và khi nó sanh khởi, nó phân biệt rõ ràng giữa đức hạnh và hạnh xấu và bằng cách nhận biết này và không chạy theo những tư tưởng đó, chúng biến mất giống như những con sóng tan vào đại dương, đó là khi chúng ta đạt được kinh nghiệm rằng phiền não trở thành trí huệ. Như vậy, chúng ta gọi đó là cái thấy của Đại Ấn hay Đại Toàn Thiện, nhưng ở đây chúng ta chỉ gọi đó là nhận biết Tánh Giác vốn sẵn, rigpa. Nếu bạn nhận biết tánh giác này, bất cứ điều gì sanh khởi, những tư tưởng và cảm xúc đó sẽ tự nhiên tan biến và chúng sẽ không gây ra bất kỳ cảm xúc hay phản ứng nào trong tâm bạn. Chúng sẽ tự nhiên tan biến khi được nhận biết.

-------o0o-------

Trích: “Lời nguyện của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai”

Garchen Rinpoche bình giảng tại pháp hội ở Vancouver, Canada, ngày 17-18 tháng 7 năm 2015.

Ina Dhargye dịch trực tiếp từ tiếng Tạng sang tiếng Anh tại Pháp hội.

Trung tâm Thiền Ratnashri, Thụy Điển viết lại bản dịch tiếng Anh.

Từ Hóa Hoàng Lan dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan