NHỮNG LỜI DẠY VỀ THIỀN ĐỊNH - CHOGYAL NAMKHAI NORBU - NGUỒN TỐI THƯỢNG

NHỮNG LỜI DẠY VỀ THIỀN ĐỊNH

CHOGYAL NAMKHAI NORBU - NGUỒN TỐI THƯỢNG

---o0o---

Đây là lời dạy của ta. Tất cả là tham thiền của sự thanh tịnh của cái vô sanh, dù người ta có thiền định hay không. Tất cả mọi hiện tượng của hiện hữu là “đối tượng” của thiền định mà không bị điều kiện hóa bởi một phương pháp riêng biệt. Để cho chúng tự do như chúng là, đó là thiền định!
NHỮNG LỜI DẠY VỀ THIỀN ĐỊNH - CHOGYAL NAMKHAI NORBU - NGUỒN TỐI THƯỢNG

I. DẪN NHẬP

Sattvavajra, bây giờ kinh nghiệm trạng thái chân thật! Chớ xao lãng dù chỉ khoảnh khắc khỏi sự thấu hiểu khối cầu đơn nhất của tâm con, vốn không nguồn gốc!

Trong trạng thái giác ngộ, nó là thật tánh của hiện hữu vượt khỏi thiền định, không có nhị nguyên giữa thiền định và đối tượng thiền định. Thế nên, nếu con để cho tình trạng tự nhiên như nó là mà không thiền định, thì đây là thiền định!

Cách thế hiện hữu của vũ trụ là không có nguồn gốc, nhưng nếu nhận biết rằng những tư tưởng và khái niệm cũng là bản tánh này, bấy giờ bất kỳ cái gì sanh khởi trong tâm con, bất cứ cái gì con nghĩ đến, con sẽ không xao lãng khỏi thể trạng tự nhiên không nguồn gốc. Như vậy, nếu con thấu hiểu rằng bất cứ cái gì con nghĩ đến đều là thiền định, trong bất cứ trạng thái nào con ở, không cần thiền định, sẽ không có xao lãng.

Hãy nghe! Những vị thầy của ba chiều kích, họ sanh khởi từ ta, dạy cho những người bị hấp dẫn bởi thiền định theo ý niệm cái thích hợp nhất cho họ và do đó, họ chủ trương rằng cần phải thiền định.

Hãy nghe! Vị thầy độc nhất, nguồn tối thượng, là trí huệ của hiện diện tự sanh khởi; những vị thầy (của ba chiều kích) cũng tự nhiên gồm trong đó.

Vị thầy độc nhất này dạy rằng không có thiền định để làm và lời dạy rốt ráo của ông thì vượt khỏi diễn tả và những tính chất trí thức: những lời dạy (của ba chiều kích) cũng gồm trong ấy.

Cõi tối thượng Akanistha của sự hiện diện thanh tịnh không thoái hóa cũng chứa những cung điện cõi trời (của ba chiều kích).

Mọi hiện tượng của hiện hữu được chứa đựng trong hiện diện toàn thể và thanh tịnh, cái tinh túy. Ba loại đệ tử và những thời đại cũng thế, được chứa trong đó. Không có gì không được chứa một cách tự phát trong trí huệ tự sanh khởi.

Lời dạy này về làm thế nào tìm thấy trạng thái tự nhiên mà không cần thiền định không có những khẳng định như “Cần phải thiền định” hay “Không cần thiền định”. Cũng không lưu tâm đến tâm nhị nguyên bám vào hy vọng và lo sợ, vào tưởng tượng hay bác bỏ sự vật bằng những khái niệm.

[70.Chương giải thích có cần thiết thiền định hay không]

II. TRẠNG THÁI KHÔNG THIỀN ĐỊNH CỦA MƯỜI BẢN CHẤT

1. Về cái Thấy

Những vị thầy của ba chiều kích, những hóa thân lưu xuất của ta, dạy những phương pháp thiền định theo khái niệm cho những người đi vào những đặc trưng khái niệm.

[Những Thanh Văn] dạy thiền định về trạng thái yên tĩnh, [Những Bích chi Phật] dạy về trạng thái sâu xa của samatha (chỉ) và vipasyana (quán).

[Những Bồ tát] dạy thiền định về sự vắng mặt của tính cách (vô tự tánh), biểu trưng sự hợp nhất của chỉ và quán.

[Những người theo kriya tantra] căn cứ vào khái niệm thanh tịnh, quán tưởng (chính họ và bổn tôn) như người giúp việc và bậc chủ tể.

[Những người theo ubhaya tantra] thì căn cứ vào sự phân cách của cái thấy và hạnh, trụ trong thiền định để thành tựu sự hợp nhất.

[Những người theo yoga tantra] căn cứ vào trạng thái siêu vượt những đặc trưng (tướng), an trụ trong thiền định có những đặc trưng (tướng)

[Những người theo mahayoga tantra] căn cứ vào sự thanh tịnh của tự tâm họ, an trụ trong sự phát ra và thu lại ba (tham thiền).

[Những người theo anuyoga tantra] chủ yếu căn cứ vào sự thanh tịnh của nguyên nhân và kết quả, an trụ trong tham thiền về ánh sáng. Tất cả những cái này là những thiền định khái niệm và không đại diện cho lời dạy của ta.

Đây là lời dạy của ta. Tất cả là tham thiền của sự thanh tịnh của cái vô sanh, dù người ta có thiền định hay không. Tất cả mọi hiện tượng của hiện hữu là “đối tượng” của thiền định mà không bị điều kiện hóa bởi một phương pháp riêng biệt. Để cho chúng tự do như chúng là, đó là thiền định!

Hãy nghe! Như những giáo huấn bí mật này về “không thiền định” ám chỉ thật nghĩa siêu vượt những lời nói và định nghĩa, thật ra những Kunjed Gyalpo trong quá khứ không dạy điều gì cả, những Kunjed Gyalpo trong tương lai sẽ không dạy điều gì cả, và những Kunjed Gyalpo hiện tại cũng vậy.

Hãy nghe! Nguồn tối thượng, vị thầy của những vị thầy, trao truyền nghĩa nền tảng một cách chính xác. Nói thiền định hay không thiền định đối với nghĩa nền tảng siêu vượt mọi xác định và phủ định thì giống như chiến đấu với không khí!

Trạng thái trong đó không có xao lãng khỏi trí huệ không thể định nghĩa là “cụ thể” hay “không cụ thể”. Vì nó siêu vượt mọi giới hạn và ngay cả khái niệm “vượt khỏi những giới hạn”, nó không thể bị giới hạn trong định nghĩa hạn hẹp “thiền định” hay “không thiền định”.

Hãy nghe! Đối với ta, vị thầy của những vị thầy, nguồn tối thượng, không thể dùng những định nghĩa “thiền định” hay “không thiền định”, thế nên ngươi cũng thế, Sattvavajra, và các hành giả các ngươi an trụ trong thật nghĩa, hãy cố gắng ở trong trạng thái này!

Hãy nghe! Nguồn tối thượng, vị thầy của ba thời, không bao giờ định nghĩa trạng thái của thức toàn thể và thanh tịnh, nói rằng, “Nó là như vầy!”. Nó không làm như thế bây giờ, và mãi mãi sẽ không làm như thế!

Khi người ta hiểu rằng không có cái thấy để thiền định về, sự luân phiên giữa thiền định và không thiền định trở thành một lạc lối.

Khi người ta chứng ngộ trạng thái tối thượng vô sanh, không có nữa ý niệm lầm lạc hay không lầm lạc.

[71.Chương về sự không thể tách lìa cái thấy và trạng thái trí huệ]

2.Về cam kết giới nguyện

Chừng nào họ còn ở trên con đường của những đặc trưng khái niệm, những vị thầy của ba chiều kích, những lưu xuất của ta, phân biệt giữa giữ và không giữ (giới nguyện), và kết quả là họ dạy rằng cần thiết tuân thủ những điều luật chính và phụ.

Hãy nghe! Từ sơ thủy Ta, nguồn tối thượng, là thể trạng tự nhiên, và vì bản tánh này siêu vượt nhị nguyên chủ thể và đối tượng, bất cứ ai thấu hiểu mọi hiện tượng theo cách này thậm chí không hình thành ý niệm giữ hay không giữ.

Hãy nghe! Ta là cội nguồn, thức toàn thể và thanh tịnh không biến chất, Ta không dựa vào những đối trị và không phát sanh cái tưởng về một đối tượng. Cam kết của trạng thái hiện diện thanh tịnh tự toàn thiện và tự sanh khởi không thể nứt vở hay hư hại. Như vậy nó không phải là cái gì người ta phải cố ý giữ gìn.

Chỉ có hiện diện thuần túy (rigpa) đích thực, không biến chất bởi những ý niệm, ban cho lối vào nghĩa nền tảng. Như trạng thái vô sanh của thức pháp thân toàn thể chỉ có một vị, ta siêu vượt giới hạn của “vào” hay “không vào”.

Hãy nghe! Sattvavajra, hãy kinh nghiệm trạng thái chân thật! Trừ phi trạng thái bí mật của hiện diện thanh tịnh, tinh túy nền tảng, sanh khởi, ngoài ra ngay cả một người lão luyện trong ngôn ngữ và định nghĩa cũng sẽ không gặp gỡ lời dạy của ta.

Từ ban đầu, trạng thái tối thượng này, trong đó không có gì để giữ gìn, thấm nhập khắp mọi sự mà không cần bảo vệ: trừ phi người ta có được kinh nghiệm, bất kỳ cách nào khác để giữ gìn đều trở nên một bệnh tật không thể chữa!

Hãy nghe! Đây là cam kết giới nguyện của trạng thái của ta: qua hiện diện không xao lãng, không cần làm bất cứ thay đổi nào, tất cả mọi hiện diện vật chất biểu lộ tự nhiên như trí huệ. Khi người ta làm chủ được hiện diện thanh tịnh, giới hạn của giữ và không giữ được vượt khỏi.

Khi mọi hiện tượng của hiện hữu được quán triệt qua sáng tỏ như là tinh túy tự sanh khởi, người ta vượt khỏi những khái niệm trí huệ và vô minh về sự biểu lộ toàn bộ của nguồn tối thượng!

Ta là nguồn tối thượng, thức toàn thể và thanh tịnh, và vì ta siêu vượt mọi xác định và phủ định, ta không nghĩ đến cái gì và không thiền định về cái gì!

Ta không sửa cho đúng thân, ngữ hay tâm: ta để chúng thư giãn. Ta không quán tưởng cái gì, không sử dụng những ấn hay chú. Nguồn, nó là thức toàn thể và thanh tịnh, không biết biên giới giữa giữ và không giữ!

[72.Chương giải thích rằng người ta không thể lạc khỏi cái thấy và thiền định]

3.Về khả năng đối với hành động tâm linh

Ta là nguồn tối thượng và, vì trạng thái của ta siêu vượt khỏi sự đối tượng hóa của tư tưởng, nó không thể trở thành cái gì mà người ta có thể thiền định về.

Hãy nghe! Thức là tinh túy của thể trạng đích thực, và ta không bao giờ sửa chữa thể trạng này. Là tự sanh khởi, ta không có những nguyên nhân và điều kiện, thế nên hãy để cho thân, ngữ, và tâm trong trạng thái thư giãn, không có cố gắng! Những người theo những phương pháp buộc với cố gắng không gặp gỡ ta, cội nguồn.

Hãy nghe! Vì khả năng của ta đối với hành động tâm linh không biết đến sự làm việc, ta không dính líu với nỗ lực của các hoạt động. Không có mục tiêu, ta không sanh ra sự suy xét của thiền định.

Vì trạng thái này vượt khỏi hợp nhất hay chia lìa, hãy duy trì sự hiện diện của nó không bỏ quên! Khi những tư tưởng biểu lộ như vô sanh, không làm gì và người ta hoàn thành mọi hành động.

Hãy nghe! Ta là vị thầy, nguồn tối thượng, và cho dù ta đã tạo ra mọi hành động tâm linh của chư Phật, sự thật là, trí huệ tự sanh khởi vốn toàn thiện không cần hành động, thể trạng tự nhiên chưa từng hành động. Hãy ở trong thể trạng tự nhiên không biến chất.

Khi tâm và những biến cố tâm thức sanh khởi trong thể trạng tự nhiên không biến chất này, đó là trạng thái của những bậc giác ngộ; nếu người ta có khả năng ở lại trong cái vô sanh, mọi ý tưởng buộc vào hành động và nỗ lực có thể được vượt khỏi.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm thể trạng tự nhiên! Chớ sửa chữa thân, chớ kiểm soát các giác quan, chớ uốn giọng: không có hành động nào để làm. Bất cứ chỗ nào tâm chuyển, hãy để nó trong trạng thái không lo lắng!

Kinh nghiệm khả năng tâm linh siêu vượt hành động này, dù không hành động chút nào, người ta hoàn thành mọi mục đích.

Hãy nghe! Trong lạc phúc toàn thể của trạng thái tự nhiên siêu vượt nỗ lực, chớ dàn xếp thân, ngữ, hay tâm, chớ sửa sang chúng cũng không hướng chúng đến một mục đích.

Chớ sa lầy vào bất kỳ ý nghĩ nào, để qua một bên mọi khái niệm: hãy ở trong lạc phúc của trí huệ tự sanh khởi. Chính xác đây là trạng thái của tịnh quang tự sanh khởi, khả năng cho hành động tâm linh của trạng thái của nguồn tối thượng.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm thể trạng tự nhiên! Để nhập vào trạng thái tự nhiên bất biến, không cần lý luận hay những đối trị để sửa chữa cái gì cả. Hãy ở yên trong hiểu biết mà không biến đổi cái gì!

Hãy nghe! Hoạt động tự nhiên siêu vượt những hành động thì không hoàn thành qua nỗ lực và thân, ngữ, tâm. Khi người ta ở trong trạng thái của nguồn tối thượng, khả năng cho hành động tâm linh biểu lộ vốn tự toàn thiện!

 

[73. Chương khai thị như thế nào an trụ trong thể trạng “như nó là” mà không hành động và tìm kiếm]

4. Về Mạn đà la

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm thể trạng tự nhiên! Ta, thầy của các vị thầy, nguồn tối thượng, dạy rằng tinh túy không thể được tạo ra: điều này nghĩa là thể trạng tự nhiên siêu vượt sự phân biệt giữa [bổn tôn] trung tâm và [những bổn tôn] phụ.

Hãy nghe! Khi người ta làm chủ cách rõ ràng trạng thái tối thượng của hiện diện thanh tịnh, trí huệ tối thượng thấu hiểu tinh túy vốn siêu vượt mọi nỗ lực. Chính xác đây là mạn đà la của nguồn tối thượng.

Hãy nghe! Đây là nguồn tối thượng, thầy của các vị thầy, biểu lộ tinh túy trong mạn đà la của Thân như thế nào: mọi hiện tượng thấy được vốn an trụ trong chiều kích vô sanh tối hậu. Vì tinh túy vượt khỏi lấy bỏ, [mạn đà la của Thân] biểu lộ từ ta, cội nguồn.

Hãy nghe! Đây là nguồn tối thượng, thầy của các vị thầy, biểu lộ tinh túy trong mạn đà la của Ngữ như thế nào: mọi hiện tượng nghe được an trụ trong Ngữ phát sanh từ chiều kích vô sanh tối hậu và thực sự là tinh túy của Ngữ siêu vượt giải thích. Như vậy [mạn đà la của Ngữ] cũng biểu lộ từ ta, nguồn cội.

Hãy nghe! Đây là nguồn tối thượng, thầy của các vị thầy, biểu lộ tinh túy trong mạn đà la của hiện diện thanh tịnh như thế nào: mọi tư tưởng và khái niệm được nhận biết là bản thân nguồn tối thượng vô sanh.

Thân Ngữ và Tâm của nguồn tối thượng là ba mạn đà la của thể trạng tự nhiên bất biến. Hiểu rằng chúng là tức thời toàn thiện không cần được tạo tác, người ta nhập vào nghĩa nền tảng của tự toàn thiện.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm! Nếu con ở trong mạn đà la tối thượng này của tinh túy tự sanh khởi, duy trì thể trạng tự nhiên và thư giãn thân, ngữ, tâm, con sẽ hiện hữu trong trạng thái của ta!

Những Kunjed Gyalpo của quá khứ đã thành tựu mục đích ở trong thể trạng tự nhiên: cũng thể là những Kunjed Gyalpo hiện tại và sẽ đến trong tương lai.

[74. Chương khai thị an trụ trong nghĩa nền tảng như thế nào]

5. Về Quán đảnh nhập môn

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm thể trạng tự nhiên! Khi người ta rõ ràng làm chủ trạng thái tối thượng của hiện diện thuần túy, người ta không dựa nơi nhập môn vào một cảm giác lạc phúc liên hệ với những đặc tướng khái niệm. Khi cái hiểu sanh khởi, người ta tự nhiên ở trong trạng thái vô niệm.

Hãy nghe! Trong hiện diện thanh tịnh sau khi đã nhận quán đảnh của nguồn tối thượng, những hiện tượng biểu lộ liên tục như là trạng thái tự nhiên bất biến. Đây là con đường tối thượng đến niết bàn không dựa vào những nhân và duyên.

Hãy nghe! Trạng thái này của nguồn tối thượng trong đó hiện diện thanh tịnh không rung động vốn không diễn tả được bằng lời và siêu vượt sự đối tượng hóa của tâm; nó làm bình lặng mọi tư tưởng và không thể bị khái niệm hóa; nó toàn khắp và vô biên như bầu trời.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm thể trạng tự nhiên! Khi người ta siêu vượt thiền định và không thiền định, không có nữa mong muốn vào trạng thái thiền định cũng không lo để tự nó, thế nên người ta không có ý tưởng “vào định” hay thiền định về nó. Không cần nhận một nhập môn hay có được một siddhi, không biến đổi cái gì, người ta an trụ trong trạng thái của nguồn tối thượng.

Hãy nghe! Ta là vị thầy nguồn tối thượng, tinh túy tự sanh khởi, không phải là cái gì để thiền định về: tính sáng tỏ của trí huệ không thể hoàn thành bởi nỗ lực.

[75. Chương về thần lực của hiện diện thanh tịnh tức thời]

6. Về con đường

Sattvavajra, hãy nghe! Bây giờ, không xao lãng, hãy kinh nghiệm cái hiểu khối cầu đơn nhất của tâm vô sanh của con!

Giống như bầu trời, con đường của tinh túy nền tảng của trạng thái vô niệm thì toàn khắp. Như thế không có gì hiện hữu ngoài cái vô sanh không do thiền định.

Vì nó siêu vượt sự đối tượng hóa bởi phân tích, tinh túy này không thể là đích nhắm của những khái niệm. Vì nó không là mục đích của một tiến trình, tinh túy này siêu vượt những đặc tướng khái niệm nên không thể đạt đến bằng một con đường thứ lớp. Ở trong lạc của trạng thái vô niệm, không theo một con đường thứ lớp hay tu tập để đạt những cấp độ khác nhau, người ta chứng ngộ tự toàn thiện.

Hãy nghe! Con đường này của nguồn tối thượng bao giờ cũng như nhau trong chiều kích tối hậu của hiện hữu: như thế nó không phải là cái gì cần phải dẫm bước.

Khi người ta luôn luôn cùng với tinh túy nền tảng, không thể có bất kỳ xao lãng phóng tâm nào. Vì mọi sự đã thống nhất trong khối cầu đơn nhất, không có chỗ nào để đạt đến.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm thực tại này! Trừ phi con kinh nghiệm trạng thái của “không thiền định” dù có thiền định hàng trăm kiếp trên cơ sở của đặc tướng khái niệm, con cũng sẽ không hiểu trạng thái của ta.

Trạng thái của nguồn tối thượng siêu vượt mọi đặc tướng của đối tượng của những tư tưởng: tìm thấy chính mình trong cái không hướng về hành động, thì không cần làm bất kỳ hành động nào.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm rõ ràng trạng thái chân thực này! Ta, vị thầy, nguồn tối thượng, đã hướng dẫn tất cả chư Phật của ba thời, thế nên bây giờ con cũng theo đúng con đường của ta! Chư Phật thời quá khứ đã theo con đường vô sanh, chư Phật tương lai cũng sẽ như thế, và chính xác chư Phật thời hiện tại trụ trong cái vô sanh. Như vậy nguồn tối thượng là con đường phổ quát.

Hãy nghe! Từ giây phút đầu tiên, những hành giả vào con đường này và thiền định [tương ưng với nó] thấy mình ở cấp độ của các bậc giác ngộ mà những tư tưởng của họ không bám luyến vào trạng thái hiểu biết và không ở một vị trí giới hạn. Con đường nền tảng thì vượt khỏi [khái niệm] “vào” hay “không vào” một con đường.

Hãy nghe! Giây phút họ nhận trao truyền hiểu biết nguồn tối thượng, những hành giả có khả năng tức thời đảm nhận trạng thái tự nhiên thì có thể duy trì sự hiện diện nền tảng của sự chuyển động của những tư tưởng và trở nên quen thuộc với nó. Ngoài cái này không có cái gì để thiền định về hay một trạng thái nào để thể nhập: hãy dạy như vậy!

Hãy nghe! Ta là vị thầy, cội nguồn, tâm thức toàn thể và thanh tịnh: mọi hiện tượng được sáng tạo phát xuất từ tâm thức toàn thể và thanh tịnh và chính xác là con đường đưa đến trạng thái vô sanh của tâm. Nhưng con đường đến hạnh phúc của cái vô sanh không phải là cái gì có thể “được vào”. Bằng cách quen thuộc với nó, những Bồ tát may mắn biết con đường này bèn hiểu tinh túy nền tảng vượt khỏi sự dẫm bước một con đường và vượt khỏi tìm kiếm đến độ không còn nghi ngờ nào về trạng thái của nguồn tối thượng.

[76. Chương về an trụ trên con đường của tinh túy nền tảng như thế nào]

7. Về những Cấp độ Chứng ngộ

Hãy nghe! Dù cho những vị thầy của ba chiều kích nói đến những cấp độ chứng ngộ khác nhau, cấp độ của nguồn tối thượng thì không có những cấp độ. Ngược lại, điều họ dạy các đệ tử chính là sự khác biệt giữa một cấp độ chứng ngộ này và một cái khác.

Hãy nghe! Nguồn tối thượng, vị thầy của các vị thầy, dạy rằng không có những chướng ngại cũng không có những cấp độ cho những người hiểu tinh túy và hiểu phương pháp của bản tánh vô sanh bình đẳng.

Bản tánh của ta không phải là cái gì bị giới hạn bởi ba thời để có thể được vào hay được hiện hữu, cũng không phải nó có thể trở thành đối tượng của tư tưởng. Nó không thể thuộc về bất kì quan điểm thiên chấp nào cũng không thể tìm kiếm như một đối tượng với những đặc tướng. Đây là trạng thái chân thật của nguồn tối thượng!

Hãy nghe! Trạng thái của ta không thể được tìm thấy qua những chỉ dẫn bằng lời nói hay kinh điển, cũng không thể được xác lập qua chứng minh lý luận hay định nghĩa. Chưa bao giờ sanh, nó không thể diệt. Nó không thể tăng cũng không thể giảm. Nó không được phú cho những đặc tướng khái niệm, nhưng thậm chí bác bỏ này cũng không định nghĩa được nó.

Hãy nghe! Vì ta, nguồn tối thượng, thầy của các vị thầy, quán đảnh cho mọi hiện tượng của hiện hữu trong bản tánh của cái vô sanh, khi người ta thấu hiểu, mọi sự trở thành hòa nhập trong trạng thái này.

Tinh túy nền tảng của không thiền định là duy trì hiện diện không xao lãng: đây là giáo huấn bí mật! Nguồn tối thượng này, tâm thức toàn thể và thanh tịnh, không thoát sanh từ giải thích và kệ, cũng không dựa vào được thiền định hay không được thiền định. Tinh túy chân thật siêu vượt mọi thần chú và ấn.

Hãy nghe! Những người theo cấp độ ta dạy sẽ tự giải thoát khỏi lấy và bỏ. Ở trong trạng thái toàn khắp thoát khỏi phương hướng, họ sẽ vượt thắng giới hạn của “lớn và nhỏ”. An trụ trong chiều kích chân thực của những hiện tượng, họ sẽ siêu vượt nhị nguyên của hiểu và không hiểu, minh và vô minh. Thế nên, Sattvavajra, hãy ở trọn vẹn trong cấp độ tức thời này!

[77. Chương khai thị rằng thật nghĩa thì vượt khỏi bất kỳ tiến bộ nào]

8. Về Hạnh

Hãy nghe! Ta, nguồn tối thượng, thầy của các vị thầy, chỉ phô diễn bản tánh vô sanh của tâm thức toàn thể và thanh tịnh và không dạy rằng để đạt được trạng thái đích thực bất biến người ta cần đi vào nhị nguyên của lấy và bỏ.

Bản tánh vô sanh siêu vượt mọi xác nhận và bác bỏ, trong khi chấp nhận và từ chối bao gồm xác nhận và bác bỏ không thể tránh. Người nào đi vào nghĩa nền tảng chứng ngộ trạng thái vượt khỏi xác nhận và bác bỏ. Siêu vượt mọi tư tưởng, người ta hiểu thật tánh vượt khỏi lấy bỏ.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm bản tánh nền tảng! Ta là bản tánh nền tảng đích thật, và những phán đoán bị kết buộc với lấy bỏ không thể làm biến đổi ta: người ta quen thuộc với trạng thái của ta là qua lạc tối thượng hiện hữu tự nhiên. Hiểu nguồn tối thượng, tất cả trở lại an trụ trong tinh túy.

Như thế, tinh túy này không phải là cái gì để lấy hay bỏ, nó không sanh không diệt, không tốt không xấu, không sạch không dơ. Thế nên nó siêu vượt mọi đối tượng hóa do phân tích hay lý luận.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm ngay bây giờ! Thiền định và đối tượng của thiền định cả hai là bản tánh bất biến của tâm thức toàn thể và thanh tịnh, vượt khỏi phân biệt thiền định hay không thiền định.

Hãy nghe! Ta, nguồn tối thượng, tâm thức toàn thể và thanh tịnh, không dạy phân chia cái vốn là một. Ta không dạy lý luận và phân tích để siêu vượt lý luận và phân tích. Ta không dạy, sửa chữa cái gì để đạt được thể trạng bất biến. Ta dạy rằng ở tự nhiên trong thể trạng rốt ráo của mọi sự, người ta làm việc và tri giác, không suy nghĩ cái gì, là cách tự giải thoát!

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm bây giờ! Vì thế trạng tự nhiên của giác ngộ, vượt khỏi lấy và bỏ, thì giống như bầu trời, thân và tâm không bị biến đổi. Vì [trong trạng thái này] không có bám chấp do phán xét của thức gây ra, không có gì để thiền định về.

Như bầu trời, trạng thái này là thanh tịnh rốt ráo, vượt khỏi mọi bất tịnh. [An trụ trong đó] người ta không vào trong ý niệm một đối tượng, cũng không hiểu biết một đối tượng nào.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm rõ bây giờ! Con chớ để bị mắc vào trong việc phê phán những đối tượng giác quan, nhưng đồng thời cũng không giữ tâm ở bên trong: không dùng những đối trị, không tịnh hóa thân tâm, hãy hiểu rằng thể trạng bất biến của thân và tâm là bản thân tinh túy nền tảng!

Hãy nghe! An trụ thư giãn không cố gắng trong thái độ của nguồn tối thượng, mọi mục tiêu được thành tựu. Vì tất cả được thống nhất trong tinh túy này, không còn cái gì để lấy hay bỏ. Vì không có hy vọng hay sợ hãi, trạng thái vượt khỏi khổ đau (Niết bàn) không là mục tiêu của thiền định nữa.

Bất cứ ai hiểu thái độ của ta đều siêu vượt mọi định nghĩa “vào” hay “không vào” trạng thái vô sanh bình đẳng của ba thời. Đây là nghĩa “không có gì để lấy hay bỏ”.

[78. Chương khai thị rằng trong tánh bình đẳng không có lấy hay bỏ]

9. Về Trí huệ

Nguồn tối thượng, thầy của các vị thầy, dạy rằng tinh túy vô ngại là trạng thái chân thật của hiểu biết. Tất cả mọi hiện tượng của hiện hữu là một trong chiều kích vô sanh tối hậu. Như thế, trong trạng thái của Tâm, tinh túy vô sanh, không có phân biệt giữa ngại và vô ngại.

Sattvavajra, bây giờ hãy kinh nghiệm rõ! Vì tất cả là một trong chiều kích vô sanh tối hậu, những người muốn loại bỏ những chướng ngại và chấp nhận trạng thái vô ngại thì không tương ưng với thật nghĩa. Theo giáo lý của nguồn tối thượng, tâm thức toàn thể và thanh tịnh, bằng cách kinh nghiệm cái vô sanh, tất cả mọi hiện tượng liên tục “được sanh ra” biểu lộ như tinh túy. Người nào an trụ trong trạng thái giống như bầu trời, thì siêu vượt phân tích và phán đoán, hiểu rằng ngại và vô ngại đều an trụ trong tâm thức toàn thể và thanh tịnh.

Hãy nghe! Mục tiêu của giáo lý mà nguồn tối thượng trao truyền cho những đệ tử là làm rõ nghĩa trí huệ không thể bị chướng ngại: thật vậy, nó an trụ trong tinh túy tự sanh khởi không dựa vào những nguyên nhân hay điều kiện. Nó là trạng thái của hiểu biết, mà một khi hiểu được, đưa người ta vượt khỏi xác nhận và phủ nhận.

Thế nên, Sattvavajra, hãy kinh nghiệm bây giờ! Trí huệ tự sanh khởi vượt khỏi mọi đối tượng của tâm: chớ làm cho cái hiểu trở thành một đối tượng để trụ vào đó. Vì nó siêu vượt bất kỳ đối tượng nào, nó không kiềm chế thức bình thường. Vì mọi hiện tượng vật chất biểu lộ như tinh túy, nó không thiền định gì cả. Vì những hình tướng biểu lộ như tinh túy, nó không có chỗ nào cho nhị nguyên hy vọng và lo sợ.

Hãy nghe! Thầy của các vị thầy, nguồn tối thượng dạy những đệ tử trạng thái bất biến, khiến họ hiểu dứt khoát tinh túy bất biến là gốc của mọi hiện tượng. Hiểu bản tánh nền tảng đơn nhất, tất cả được thống nhất trong trạng thái của nguồn tối thượng, nó là bản tánh phổ quát. Thế nên, ai biết trọn vẹn nguồn tối thượng cũng thông thạo trong mọi hiện tượng vô tận. Ai quen biết với trạng thái của ta cũng quen thuộc với mọi sự.

Sattvavajra, hãy kinh nghiệm rõ! Kết luận về mọi sự là hiểu và quen thuộc với tinh túy của cái người ta tri giác qua thấy và nghe. Bất cứ hình tướng nào tinh túy đảm đương, người ta hiểu bản tánh vô sanh của nó. Hiện diện không xao lãng vượt khỏi hy vọng và lo sợ là trạng thái của hiểu biết.

Sattvavajra, bây giờ hãy kinh nghiệm rõ! Bất cứ hình thức nào mà những hiện tượng đảm đương chỉ là một phương cách tượng trưng cho nguồn tối thượng: chớ có đi vào trong xung đột với phương pháp dạy này!

Một khi những con ta đã hiểu rằng tất cả là trạng thái vô sanh, họ không nghĩ theo sanh tử và niết bàn nữa: bản tánh nền tảng hoàn toàn vượt khỏi phán đoán và phân tích!

[79. Chương về trạng thái không biết đến những chướng ngại]

10. Về Tự toàn thiện

Sattvavajra, bây giờ hãy kinh nghiệm rõ! Ta, vị thầy nguồn tối thượng, dạy rằng mọi hiện tượng của hiện hữu không trừ cái gì đều là bản tánh của tâm vô sanh.

Hãy nghe! Vì bản tánh của tâm là tự toàn thiện, ta không dạy nhị nguyên chứng ngộ và không chứng ngộ. Ta không phán đoán theo nhị nguyên vui và khổ. Ta thoát khỏi hy vọng niết bàn và lo sợ sanh tử.

Vì bản tánh của tâm tự toàn thiện biểu lộ khắp nơi, ta không truyền đạt rằng tất cả là trống không và tất cả không bao giờ sanh. Vì tinh túy nền tảng siêu vượt phán đoán và phân tích, ta không bị vướng vào ý niệm chứng ngộ và thiết lập.

Hãy nghe, Sattvavajra. Bây giờ hãy kinh nghiệm rõ! Chính vì ta không phán đoán tinh túy tự toàn thiện siêu vượt phân tích theo chứng ngộ và không chứng ngộ, con cũng hãy làm như thế!

Hãy nghe! Những người bị dính mắc vào khái niệm rằng trong tinh túy tự toàn thiện vượt khỏi hành động và tìm kiếm không có cái gì để hòa nhập thì giống như những đứa trẻ chiến đấu với không khí: chúng không thấy bản tánh của ta. Những tâm của những người tin rằng hòa nhập cốt ở bỏ đi cái gì thì vẫn bị nô lệ bởi hy vọng và lo sợ: nhưng làm sao một hành giả còn dính mắc vào giới hạn của “không giới hạn” có thể đạt được tinh túy của tự toàn thiện?

Hãy nghe, Sattvavajra! Hãy kinh nghiệm rõ! Khi tri giác trạng thái vô sanh thanh tịnh rốt ráo, người ta không còn cho những xuất hiện hình tướng là thật hay bám dính vào chúng. Khi những xuất hiện hình tướng tự giải thoát trong cái vô sanh, không cần thiền định về tánh Không, người ta tự giải thoát bằng cách hiểu thể trạng đích thật.

Ta, nguồn tối thượng, thầy của các vị thầy, dạy rằng tất cả hiện tượng của hiện hữu là vô sanh và rốt ráo thanh tịnh. Như thế bất cứ sự vật nào “sanh” ta hiểu là tinh túy.

Hãy nghe! Những vị thầy của ba chiều kích lưu xuất từ ta đều nói đến “bản tánh vô sanh của tâm”, nhưng dù họ bàn luận dài dòng nghĩa của “không có tự tánh”, họ không hiểu “vô sanh” chân thật.

Như vậy, mục tiêu của giáo lý của ta là thông truyền cái tinh túy và khiến người ta ở lại trong trạng thái này mà không xao lãng. Tuy nhiên, không áp dụng chút nào nỗ lực, tịnh hóa tâm bằng những đối trị, tập trung vào một đối tượng, hay rút tâm vào bên trong. Vì bất cứ cái gì biểu lộ là bản tánh nền tảng, hãy vào trạng thái của ta, nguồn tối thượng!

Hãy nghe! Nguồn tối thượng, thầy của các vị thầy, dạy những đệ tử bản tánh bất biến của tâm. Thiền giả hiểu rằng tất cả là cái vô sanh thì không cần áp dụng nỗ lực đối với mười bản chất.

Trong bản tánh của tâm thức toàn thể và thanh tịnh không có nhị nguyên chủ thể và đối tượng và không có gì để từ bỏ: khi cái hiểu chinh phục mọi sự khác và người ta thực sự ở trong chiều kích này, trạng thái tự toàn thiện của nguồn tối thượng biểu lộ một cách tự phát.

[80. Chương khai thị như thế nào tự toàn thiện thì vượt hỏi hy vọng và lo sợ]

III. KẾT LUẬN

Nếu, Sattvavajra, con hiểu rõ giáo lý này về tâm thức toàn thể và thanh tịnh là gốc của mọi thừa, gốc nằm trong nguồn tối thượng, con sẽ trở thành Bậc Chiến Thắng của những Bậc Chiến Thắng, nguồn tối thượng. Thế nên, Sattvavajra, hãy dạy trạng thái này cho các đệ tử của ta! Hãy dạy rằng sanh tử và niết bàn là một trong chiều kích tối hậu! Hãy dạy rằng nhân và quả đã toàn thiện trong cùng khoảnh khắc!

[81. Chương khai thị chìa khóa vào nghĩa nền tảng]

Thấy của các vị thầy, nguồn tối thượng! Ngài là gốc biểu lộ từ trí huệ tự sanh khởi của Nhất Tâm của ngài, thế nên con đảnh lễ ngài, tinh túy của những hiện tượng!

Thầy của những vị thầy, nguồn tối thượng! Xua tan con đường vô minh, ngài khiến ánh sáng trí huệ chiếu khắp nơi. Con đảnh lễ ngài, nguồn tối thượng!

Tự sanh khởi, mọi hiện tượng biểu lộ với tri giác thì siêu vượt bất kỳ nhân và duyên nào. Soi sáng thể trạng bất biến đích thật của tinh túy nền tảng, dầu người ta có khảo sát trạng thái của nguồn tối thượng đến đâu, trí huệ tự sanh khởi vượt khỏi những giới hạn của trung tâm, hàng ngang và chiều sâu. Nó là nguồn gốc của mọi sự và siêu vượt mọi ý nghĩ. Nó vượt khỏi sanh và diệt, vượt khỏi những khái niệm và làm bình lặng mọi sự. An trụ trong nguồn tối thượng, gốc của những hiện tượng, nghĩa là vượt khỏi mọi nỗ lực.

Sattvavajra nói như vậy. 

[82. Chương tán thán]

Giáo lý này khai mở trực tiếp hiểu biết tinh túy của giác ngộ, siêu vượt bất kỳ căn cứ nào, phải được ban cho những người có đức tin, giữ gìn những cam kết, và siêng năng; người có lòng bi, nhẫn nhục, buồn rầu [bởi sanh tử], và không thay đổi tâm; và người có khả năng cho đi mà không bám luyến nhưng với đức tin và làm vui thích chính thân thể họ, con cái họ, vợ chồng, tôi tớ, tài sản họ. Tất cả mọi điều này là một dấu hiệu của đức tin và cam kết giới nguyện, vì họ hiểu rằng nghĩa nền tảng là cái quý báu nhất để nhận.

Nghĩa nền tảng và giáo lý về cái vô sanh cần được trao truyền cho bất cứ người nào biểu hiện những dấu hiệu đã từ bỏ danh tiếng và thoát khỏi kiêu mạn và không tiết kiệm thân thể và cuộc đời để chứng ngộ ý nghĩa nền tảng, và không xâm phạm những mệnh lệnh.

“Bây giờ tôi đã tìm thấy giáo lý tinh túy, làm sao tôi có thể còn bị quy định bởi những đặc tướng của những sự vật thế gian? Bây giờ tôi đã tìm thấy giáo lý, tôi sẽ hành động thuận theo những giáo huấn của thầy!” Giáo lý này nên được trao truyền cho bất kỳ ai có giới nguyện này.

“Thưa thầy, chừng nào con còn sống, cho đến khi thân tâm lìa nhau, con sẽ hành động tương ưng với những giáo huấn của thầy!” Kunjed Gyalpo, tinh túy của giáo lý, cần được phổ biến cho người nào có một lời nguyện như vậy.

Tóm lại, thân tâm người ta phải được dâng hiến, hãy để mặc những vật chất, đất đai, và chuồng trại! Dù các ngài không cần chúng, những vị thầy sẽ chấp nhận mọi thứ và dâng lên Tam Bảo.

---o0o---

Tác giả: CHOGYAL NAMKHAI NORBU

Trích: Nguồn Tối Thượng - Tantra căn bản của Dzogchen Semde Kunjed Gyalpo; NXB Thiện Tri Thức.

Ảnh: Nguồn Internet.

Bài viết liên quan