NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỮA BỆNH -  TULKU THONDUP - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỮA BỆNH

 TULKU THONDUP

NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

-----o0o-----

Trong bối cảnh của những bài tập chữa bệnh, điều quan trọng là tin tưởng vào sức mạnh của thiền định đem đến cho chúng ta an bình. Chúng ta phải hoàn toàn đưa mình vào bài tập và cảm nhận mạnh mẽ hết mức rằng vấn đề đã hoàn toàn biến mất. Không nên lo lắng về những hoàn cảnh khó chữa lành. Trong thời gian thiền định, chớ nên để ý bất cứ điều gì ngoại trừ sự khơi dậy...
NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỮA BỆNH -  TULKU THONDUP - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

Một số những bài tập sau đây được lấy trực tiếp từ kinh điển của Phật giáo Tây Tạng, trong khi những bài tập khác được chi tiết hóa bởi tác giả được đặt căn bản trên những nguyên lý trong kinh điển. Hãy chọn bài tập nào thích hợp với hoàn cảnh của bạn.

Để trầm mình vào một bài tập chữa bệnh, bạn cần phải làm quen với những phương tiện chữa bệnh được đưa ra ở Phần Một, chúng có thể được áp dụng cho bài tập riêng biệt.

Đa số những thực tập này được xây dựng trên bốn bước căn bản : (1) nhận thức những vấn đề cần được chữa lành, (2) dựa trên nguồn của năng lực, (3) áp dụng những phương tiện chữa bệnh, và (4) đạt được kết quả của chữa bệnh. Trong một số bài tập nguồn năng lực không được giới thiệu. Cũng vậy, trong một số bài tập cũng không giới thiệu hình ảnh, nhưng bạn phải quán tưởng bất cứ hình ảnh nào thích hợp.

Để tạo hiệu quả thực sự cho chữa bệnh, chúng ta cần phải có sức mạnh của trí tưởng tượng, sự hiểu biết, những cảm nhận và năng lực tin tưởng của chúng ta vào quá trình chữa bệnh. Chúng ta càng thấy, hiểu biết, cảm nhận và tin tưởng vào quá trình chữa bệnh thì những lợi lạc của nó càng sâu hơn.

Chúng ta có thể làm mạnh mẽ mỗi một trong bốn bước căn bản qua bốn kỹ thuật thiền định. Chúng ta có thể (1) thấy hay hình dung mỗi một kỹ thuật như một hình ảnh, (2) nghĩ về tên của mỗi kỹ thuật, (3) cảm nhận những tính chất của nó, và (4) tin vào hiệu quả của nó. Những kỹ thuật này đặt nền trên sự hiểu biết rằng những tư tưởng có được sức mạnh khi nó có một hình dạng cụ thể trong tâm thức chúng ta. Nhìn thấy làm cho sự vật sống động và tức thời đối với ta. Khi chúng ta định danh điều gì đó, chúng ta tạo sức mạnh cho nó và liên hệ nó với chúng ta qua sức mạnh của tư tưởng. Khi cảm nhận điều gì, chúng ta hoàn toàn thể nhập trong chúng. Khi chúng ta tin tưởng vào sức mạnh và hiệu quả của điều gì, nó trở thành một thực tại.

Ví dụ, để chữa buồn rầu, chúng ta phải áp dụng bốn kỹ thuật thiền định cho bốn bước căn bản. Thoạt tiên, hãy thấy nỗi buồn như một hình ảnh. Nhận biết nỗi buồn một cách bình an và hiện thực. Hãy để cảm xúc hay cảm giác buồn rầu xảy đến để sau đó bạn có thể giải thoát nó. Đôi khi có thể ích lợi – dù không nhất thiết – phải định vị nỗi buồn tập trung ở một nơi nào đó trong cơ thể như đầu, cổ họng, ngực hay chấn thủy. Có thể toàn thân bạn có vẻ căng thẳng. Bất cứ nỗi buồn ở chỗ nào, bạn có thể thấy (quán tưởng) nỗi buồn là một hình ảnh như một khối băng. Điều này có thể giúp tâm thức bạn tiếp xúc với điểm đau ốm này với những năng lực chữa bệnh.

Quán tưởng, cảm nhận, định danh và tin tưởng – nhưng không trụ chấp – đối với cơn bệnh sẽ giúp chúng ta nắm chắc được điều gì sai, nhờ đó chúng ta có thể điều trị được nó đúng cách.

Hãy thấy nguồn sức mạnh dưới dạng quả cầu sáng giống như mặt trời, với những phẩm tính như sức nóng, hỷ lạc và sự vô biên.

Hãy thấy phương tiện chữa bệnh dưới dạng những tia sáng rực mạnh mẽ làm tan đi tảng băng buồn rầu trong thân bạn chỉ bằng việc tiếp xúc, giống như tia sáng nóng của mặt trời trên tảng băng.

Hãy thấy bạn được tràn ngập bởi ánh sáng và sau đó chuyển hóa thành thân ánh sáng chữa bệnh rực rỡ với sự ấm áp, hỷ lạc và rộng mở.

Thứ hai, bêân cạnh việc thấy những hình ảnh đó, chúng ta cũng có thể định danh và nhận biết nỗi buồn, nguồn sức mạnh, phương tiện chữa bệnh, và đạt được sự khỏi bệnh.

Thứ ba, không chỉ thấy và định danh chúng mà còn cảm nhận nỗi buồn nhưng không trụ chấp trong nó.

Hãy cảm nhận sự hiện diện của nguồn sức mạnh.

Hãy cảm nhận năng lực của phương tiện chữa bệnh, bằng cách kêu cầu năng lực chữa bệnh này và cho nó hình thức thích hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của bạn. Nó có thể là một luồng gió mạnh xua tan những phiền não, hay sự nuôi dưỡng, một cơn mưa nhẹ, hay năng lượng ánh sáng, hoặc sức mạnh tịnh hóa của lửa, hay bất cứ những phương tiện chữa bệnh nào khác thích hợp với bạn.

Hãy cảm nhận toàn thân bạn tràn ngập năng lực chữa bệnh đầy nồng ấm, hỷ lạc, hạnh phúc, mạnh mẽ và rộng mở.

Sau đó, cuối buổi tập, không có những tư tưởng hay hình ảnh nào nữa mà chỉ đơn giản buông lỏng và mở rộng với bất cứ những cảm nhận nào mà bạn có.

Cuối cùng, không chỉ thấy, định rõ và cảm nhận mà phải hoàn toàn tin tưởng rằng nỗi buồn của bạn hiện hữu ở trong dạng băng. Rằng nguồn sức mạnh đang hiện diện trước bạn với năng lực tuyệt đối để chữa bệnh. Rằng phương tiện chữa bệnh có thể chữa lành bạn chỉ qua tiếp xúc. Và rằng bạn hoàn toàn được chữa lành và chuyển hóa thành thân thể ánh sáng chữa bệnh của sự ấm áp, hỷ lạc và rỗng rang. Hãy cảm nhận và tin tưởng rằng vấn đề của bạn đã được chữa lành. Hãy vui thích trong sự chữa lành như bạn thấy và cảm nhận nó xảy đến. Hãy tin tưởng rằng khó khăn của bạn được xoa dịu, tịnh hóa, tan biến hay loại bỏ. Sau đó, không có những tưởng niệm hay hình ảnh, đơn giản chỉ thư giãn và mở rộng với những cảm nhận mà bạn có trong cuối buổi tập.

Một số những vấn đề sẽ biến mất một cách nhanh chóng không dấu vết. Những cái khác có thể cần nhiều buổi tập.

Ngoài ra, chúng ta cần thực tế về phạm vi khả năng của chúng ta để cải thiện thế giới quanh ta hay thay đổi những vấn đề xảy đến. Tuy nhiên, mặc dầu thiền định không luôn thay đổi những hoàn cảnh của chúng ta, thì thái độ của chúng ta hướng về chúng có thể thay đổi. Chúng ta có thể hạnh phúc và an bình hơn. Điều này, tự thân nó sẽ cải thiện hoàn cảnh hoặc thay đổi cách hành động của những người khác quanh ta.

Trong bối cảnh của những bài tập chữa bệnh, điều quan trọng là tin tưởng vào sức mạnh của thiền định đem đến cho chúng ta an bình. Chúng ta phải hoàn toàn đưa mình vào bài tập và cảm nhận mạnh mẽ hết mức rằng vấn đề đã hoàn toàn biến mất. Không nên lo lắng về những hoàn cảnh khó chữa lành. Trong thời gian thiền định, chớ nên để ý bất cứ điều gì ngoại trừ sự khơi dậy năng lực chữa bệnh và tin tưởng vào sức mạnh của nó. Đây là cách đánh thức sức mạnh bên trong của tâm và thân.

 

Trong cuộc sống hàng ngày khi chúng ta bắt đầu con đường chữa bệnh, tốt nhất là giải quyết một vấn đề đơn giản như thay đổi thói quen lo lắng về thời tiết hay nói quá nhiều mà không suy nghĩ. Tương tự, khi thực hành những thiền định chữa bệnh, trước tiên, dễ dàng hơn cho chúng ta khi giải quyết một vấn đề đơn giản hơn là giải quyết những vấn đề phức tạp. Phương pháp đơn giản này phát sinh ra sự khéo léo, thói quen và cảm hứng để dần dần đối phó được với những vấn đề lớn hơn.

Nếu bạn đang áp dụng một thực hành chữa bệnh cho một khó khăn đặc biệt trong nhiều buổi tập, không cần thiết mỗi lần lại bắt đầu bằng cảm nhận hay quán tưởng hình ảnh của vấn đề. Sau một lúc, bạn có thể bắt đầu thiền định ngay về năng lực chữa bệnh.

Ngoài ra, cũng nên suy nghĩ về nỗi buồn và cố gắng xác định đặc tính của nó. Có thể ích lợi nếu bạn có thể cảm nhận được nó nóng hay lạnh. Nếu là lạnh, hãy quán tưởng ánh sáng, nước hay không khí ấm áp như phương tiện chữa bệnh. Nếu nóng là vấn đề, hãy quán tưởng ánh sáng, nước, không khí lạnh. Hãy làm bất cứ điều gì cảm thấy đúng và nếu không cần phải áp dụng về nhiệt độ, bạn có thể thực hành bất cứ điều gì là tự nhiên với bạn.

Cũng nên nhớ rằng, nếu bạn đã cảm thấy tích cực, đây là thời gian làm cảm thức về hạnh phúc của bạn được sâu hơn nhờ thiền định và lúc nào cũng sẵn sàng với những phiền não khi chúng xảy đến. Bạn có thể tham thiền ánh sáng hay nguồn sức mạnh của bạn, hoặc dùng bất cứ kỹ thuật chữa bệnh nào. Dù bạn thực hành bất cứ sự chữa bệnh nào, hãy luôn luôn trau dồi thiền định của bạn như một ốc đảo bình an.

 

KHAI THÔNG NHỮNG BẾ TẮC NĂNG LƯỢNG

1. Giải thoát những gông cùm của căng thẳng

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một sự tiếp cận thông thường, sự tiếp cận này tự thân chúng sẽ hữu ích hay là một sơ bộ cho thiền định hay bất kỳ kiểu hoạt động nào.

Tập trung sinh lực và sau đó buông lỏng là cách tốt để giải thoát cho bất cứ sự căng thẳng vật chất hay tinh thần nào. Hãy tập trung tâm thức bạn, cảm thấy sự căng thẳng, rồi buông xả. Đây là cách đơn giản để làm thông thoát những bế tắc năng lượng trong tâm và thân.

Khi bạn cảm thấy căng thẳng, trước tiên hãy tập trung cảm nhận áp lực ở đâu. Thường bạn có thể xoa dịu căng thẳng chỉ bằng việc đem tỉnh giác đến nơi đó rồi buông xả. Nếu những cơ bắp bị căng thẳng ở nơi nào, thư giãn khi tỉnh giác về sự buông xả có mặt ở đó.

Hãy giải thoát căng thẳng hay lo âu trong đầu bạn bằng việc buông lỏng các cơ mặt, trán và buông xả mọi căng thẳng. Bạn cũng có thể tưởng tượng rằng một ánh sáng chữa bệnh mở rộng và làm thư giãn sự siết chặt hay đau đớn trong đầu bạn, hoặc căng thẳng ở bất cứ đâu.

Một phương pháp đơn giản khác là đưa tay qua khỏi đầu và nắm chặt bàn tay lại. Hít vào khi đưa tay lên, gồng cơ bắp, giữ tư thế đó một lúc, sau đó tháo lỏng kết hợp với thở ra. Một tiếng ngáp to có thể giúp bạn trong lúc tháo lỏng. Hãy cảm nhận rằng mọi căng thẳng được giải thoát như nắm tay của bạn mở ra và buông xả. Nếu ích lợi bạn hình dung hơi thở ra như một cơn gió ấm áp quét đi mọi căng thẳng. Hãy giải thoát hơi thở trong vô tận của hư không.

Bất cứ bước nhỏ nào khiến chúng ta cảm thấy ít căng thẳng hơn cũng giúp chúng ta được nhiều, nếu thái độ của chúng ta là tích cực và chúng ta hiến mình hoàn toàn cho sự giải thoát.

 

2. Hồi phục lại năng lực của an bình và hạnh phúc

Như được mô tả ở chương trước, nguồn sức mạnh là phương tiện căn bản của chữa bệnh. Bằng cách gợi lại hình ảnh này chúng ta có thể cho chúng ta sự thoải mái đã có sẵn khi thân và tâm ta mệt mỏi và cuộc sống dường như trống rỗng, vô hy vọng và không ý nghĩa.

Hãy thư giãn trong ít phút. Hít sâu vài hơi, thải ra những năng lực tiêu cực hay năng lực chết khi bạn thở ra. Bây giờ quán tưởng nguồn sức mạnh, an nghỉ tâm bạn và tập trung trọn vẹn ở nơi đó. Không nên chạy theo hay quá phấn khích trong thiền quán. Hơn nữa, hãy để những cảm giác thoải mái và tiùch cực này khởi lên do hình ảnh gợi lên trong bạn. Hãy từ từ xây dựng một tri giác tự tin rằng hình ảnh này là hiện thân của mọi năng lực tích cực hoặc những bậc thiêng liêng của toàn vũ trụ. Hãy ở với hình ảnh và hiến mình trọn vẹn cho nó. Hãy ở trong những cảm nhận về sự ấm áp và hoan hỷ mà nó sinh ra và vui thích với bất cứ cảm nhận tích cực nào xảy đến. Cuối cùng, hãy buông xả những hình ảnh, thư giãn và hiện diện tỉnh giác trong những cảm nhận của bạn.

 

3. Nuôi dưỡng đóa hoa của năng lượng tích cực

Thiền định về một hình ảnh đẹp trong thiên nhiên, như một bông hoa, có thể đánh thức niềm vui sống của chúng ta. Để khai thông những bế tắc năng lực, hay củng cố năng lực tích cực chúng ta đang cảm nhận vào lúc đó, hãy quán tưởng bông hoa trước khi kết nụ. Hãy nghĩ bạn như bông hoa, cho dù bạn thấy nó ngay trước mặt hay cảm thấy tự thân bạn là bông hoa. Bây giờ nụ hoa đang được nuôi dưỡng bởi cơn mưa nhẹ, ánh sáng mặt trời, những ngọn gió mang lại sự sống. Hãy cảm nhận những ban phước đó một cách sâu sắc. Nếu điều đó có ích, hãy thấy chúng như đến từ nguồn năng lực của bạn.

Hãy tận hưởng thời gian bạn an trú trong nụ hoa khi nó nở thành một đóa hoa rực rỡ. Vẻ đẹp và sự thuần khiết của nó làm thích thú tất cả chúng sanh. Hãy thưởng thức những cảm giác đáng yêu, rộng mở mà sự thiền định có thể đem lại.

Để mở rộng bài tập này của bạn trong đời sống hàng ngày, khi trồng cây, nuôi dưỡng chăm sóc cây cối, hãy quán tưởng rằng bạn đang chia xẻ và là một phần cuộc sống giàu có của thế giới tự nhiên.

Khi bạn nhìn thấy một hình ảnh đẹp xảy ra trong đời sống hàng ngày, hãy cố gắng không bám chấp nó theo tâm thức như một đối tượng “ngoài kia” tách biệt với bạn, hay bị trói buộc theo cảm xúc vào nó như một sự hưởng thụ dục vọng. Hãy cho phép bạn tự thấy hình ảnh và cảm nhận kinh nghiệm về vẻ đẹp với một tâm buông lỏng và rỗng rang. Do vậy, sự tươi tắn, rỗng rang và an vui, những phẩm tính mà bạn đang thấy sẽ nở hoa trong lòng bạn. Sự thật là ý niệm về vẻ đẹp và hiệu quả của nó phát khởi trong tự tâm bạn chứ không phải ở trong những đối tượng.

 

CHỮA LÀNH NHỮNG CẢM XÚC PHIỀN NÃO CỦA CHÚNG TA

1. Buông bỏ những đám mây đen của phiền muộn

Khi nỗi buồn mạnh, hãy biết sự hiện diện của nó. Hãy đón chúng với hai tay mở rộng. Hãy cảm nhận nỗi buồn một cách ngắn gọn và hoàn toàn, đủ lâu để ôm nắm lấy nó, và hãy biết cảm xúc đối với cái đang là. Bằng việc cảm nhận nỗi buồn, chúng ta có thể buông xả nó.

Hãy quán tưởng nỗi buồn như một đám mây đen ở đầu, tim, bụng bạn hoặc bất cứ đâu mà bạn cảm thấy đau nhất. Nó có thể là một cuộn mây đe dọa. Có thể đám mây là nặng nề, như đè nặng trên bạn. Hoặc bạn có thể cảm thấy một cảm giác lạ thường, buồn nôn.

Khi bạn đã chú tâm vào nỗi buồn đủ để có cảm nhận nó, hãy buông bỏ đám mây. Bạn có thể bắt đầu buông xả nó bằng cách trục xuất nó ra theo hơi thở của bạn.

Hãy để nỗi buồn bốc từ từ ra ngoài cơ thể bạn giống như hơi nước nóng thoát khỏi ấm nước. Hãy để chúng hoàn toàn thoát ra hết. Cảm thấy sự nhẹ nhõm khi bạn hình dung chúng đang rời bỏ. Sau đó quan sát đám mây đen chậm chạp mà chắc chắn trôi đi xa dần, bay vèo trên bầu trời. Hãy trông theo nó trở nên càng lúc càng nhỏ hơn vào khoảng không, giống như một con chim bay đi. Hãy mất đi càng lúc càng nhiều sự liên quan với chúng.

Cuối cùng ở tận chân trời xa nhất, đám mây hoàn toàn biến mất. Hãy cảm thấy bạn hoàn toàn mất bất cứ mối liên quan nào với nỗi buồn. Mọi căng thẳng trong bạn đã rời xa, rất xa và biến mất. Thân và tâm bạn cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái và thoát sạch ngay cả với vết tích của căng thẳng. Hãy nghỉ ngơi trong cảm giác đó.

Lập lại bài tập này nhiều lần nếu thích hợp.

 

2. Soi sáng bóng tối của phiền muộn

Quán tưởng ánh sáng là một cách khác để loại bỏ phiền muộn. Nếu bạn cảm thấy tâm mình bị bao phủ trong chán nản, bối rối, thất vọng, không thấy hay biết mình phải làm như thế nào, thoạt tiên hãy quán tưởng phiền muộn này ở dạng bóng tối. Quán tưởng toàn thân và tâm bạn bị bóng tối tràn ngập hoàn toàn. Hãy cảm nhận nỗi buồn nhưng không bị chìm ngập bởi nó. Sau đó cầu khẩn ánh sáng chữa bệnh.

Có thể quán tưởng ánh sáng xuất phát từ nguồn sức mạnh của mình. Ánh sáng có thể đến từ trong bạn, trước hay sau bạn hay bất cứ đâu mà bạn cảm thấy đúng. Hãy thấy những tia sáng – ấm áp, hạnh phúc như hàng trăm mặt trời – chiếu sáng mạnh mẽ và tiếp xúc với bạn và lập tức xua tan bóng tối. Giống như một đóa hoa đẹp nở hoa khi ánh sáng mặt trời tiếp xúc, toàn thân và tâm bạn nở hoa với ánh sáng hoan hỷ.

Ánh sáng ấm áp tràn ngập toàn thân bạn, thấm vào từng tế bào xuống đến tận nguyên tử. Bạn cũng có thể tưởng tượng một trong những tế bào là toàn thể vũ trụ được tràn ngập bởi ánh sáng. Tế bào này sáng lấp lánh hay chiếu ra những tia sáng nhiều màu sắc. Hoặc ánh sáng chữa lành chuyển hóa tế bào thành một số hình ảnh đẹp đẽ hay những khuôn mẫu mà bạn tự lựa chọn.

Sau đó, hình dung ánh sáng chiếu vượt ra cơ thể bạn làm sáng lên toàn thể thế giới. Hãy cảm nhận tính chất của ánh sáng chữa lành – không phải vật chất, tinh tế, rực rỡ, tỏa khắp, mềm mại, vô biên. Ánh sáng không phải là cứng đặc, nên không có gì để bám víu. Không gì có thể gây ra áp lực hay căng thẳng. Tất cả mọi sự đều là ánh sáng và phi vật chất.

Hãy tin tưởng chắc chắn rằng sự u ám của phiền muộn hoàn toàn biến mất vĩnh viễn và một ánh sáng tuyệt diệu, đem lại sức khỏe tràn ngập toàn thể hiện hữu. Bạn, thế giới và ánh sáng trở thành một. Hãy vui thích ghi nhớ điều này. Có những khoảng nghỉ ngắn, lập lại thực tập này nhiều lần, cuối cùng buông lỏng trong cái gì bạn cảm nhận mà không cần những hình ảnh.

Bạn có thể trải rộng thực tập này trong cuộc sống hàng ngày. Khi bật đèn hãy thấy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, hãy thấy ánh sáng tràn ngập bóng tối và đem lại sức mạnh chữa bệnh.

 

3. Làm khô đi những giọt nước mắt của phiền muộn

Nếu bạn có thói quen cảm thấy lạnh hay ớn lạnh, một sự không may nhẹ nhất hay một trạng thái xấu có thể gây ra cảm giác làm toàn thân bạn giống như bị ướt đẫm trong nước mắt của sự buồn rầu.

Những vấn đề của hệ tuần hoàn, thiếu tập luyện, và chế độ ăn uống hay sự mất cân bằng của hóa chất cũng có thể làm chúng ta cảm thấy lạnh. Và những vấn đề tại nơi làm việc, hay những mối liên hệ của chúng ta hoặc ngay cả những việc bình thường như thời tiết cũng có thể làm chúng ta thấy lạnh. Vì vậy chúng ta cần nhận ra những nguyên nhân đó và cần ứng xử với chúng một cách thực tế.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận ra rằng tâm thức ta là nguyên nhân lớn nhất của phiền muộn, và việc biểu lộ cảm giác lạnh của thân thể là sự phản ảnh của tâm thức chúng ta. Và nó cũng giúp chúng ta phát triển một thái độ rộng mở, vô tư lự ngay khi đối diện với khó khăn, và thiền định trong một cách đem lại sự ấm áp nhiệt thành.

Hãy bình thản cảm nhận nỗi buồn của bạn và quán tưởng nỗi buồn trong bạn như bóng tối, hay những đám mây ướt đẫm nước mắt. Ở bên trên và đàng trước bạn, hãy quán tưởng nguồn sức mạnh như là trung tâm và tinh túy của sức nóng đem lại sự sống. Bạn phải quán tưởng rằng nguồn lực chuyển hóa thành một trái cầu ánh sáng và sức nóng màu cam và như mặt trời hoặc có thể là một bổn tôn.

Dần dần quán tưởng những tia sáng từ hình ảnh đó chạm đến đầu của bạn. Hãy thấy và cảm nhận sức nóng và ánh sáng rực rỡ. Hãy cảm thấy rằng sự lạnh lẽo, bóng tối và nước mắt dần dần bốc hơi, giống như khăn ướt được mặt trời làm khô.

 

Hãy tập luyện bài tập này từng giai đoạn một cho mỗi phần của cơ thể bạn từ đầu cho đến ngón chân. Sau đó, quán tưởng sự ấm áp, ánh sáng, và cảm giác hài lòng đầy tràn trong toàn thân thể bạn, và rồi ánh sáng từ bạn chiếu ra và lập tức sưởi ấm môi trường quanh bạn hay thậm chí cả toàn thể vũ trụ. Lập đi lập lại cách thiền định này. Chấm dứt với một cảm nhận rộng mở rỗng rang.

 

4. Xua tan ảo tưởng của sợ hãi

Khi bạn sợ hãi, hãy quán tưởng nỗi sợ và nghi ngờ như một màn sương hay bóng tối tạm thời trong thân bạn. Hãy cảm thấy màn sương mù này. Sau đó quán tưởng một tia sáng ban phước rực rỡ mạnh mẽ từ nguồn ánh sáng sức mạnh của bạn chạm vào khối sương mù và hoàn toàn loại bỏ chúng khỏi thân bạn. Toàn thân bạn được tràn ngập với ánh sáng chữa bệnh. An trụ trong sức mạnh và ấm áp này.

Bạn cũng có thể quán tưởng trước mặt một vị thiêng liêng đầy thần lực ở dạng an bình hay phẫn nộ tùy bạn lựa chọn. Trong con mắt tâm của bạn, hãy nhìn thẳng vào vị nam hay nữ ấy, thấy và cảm nhận sức mạnh lạ thường của ngài chiếu ra rực rỡ. Rồi cầu nguyện và xin vị thần ban sức mạnh, hoặc hình dung rằng vị thần chuyển thành ánh sáng rực rỡ và hòa nhập vào bạn. Bây giờ, hãy cảm nhận cái gì là không sợ hãi. Rồi tưởng tượng rằng bạn có thể di chuyển tự do khắp thế giới hay bất cứ đâu trong vũ trụ, không còn bất cứ một dấu vết nào của sợ hãi.

Lập lại thực tập, ở yên trong bất cứ cảm nhận được ban truyền sức mạnh (quán đảnh) của an tĩnh và hư không mà sự thiền định này đem lại cho bạn.

 

5. Khai quang những hạ tầng của lo lắng

Cho dù chúng ta hạnh phúc hay khỏe mạnh, chúng ta vẫn chứùa chấp sợ hãi hay lo lắng trong những chiều sâu của tâm thức và lòng mình. Nếu chúng ta không chuyển hóa những cảm xúc này, chúng có thể xuất hiện mạnh mẽ khi cơ hội khởi lên.

Nếu bạn sử dụng một ít thời gian yên lặng nhìn vào trong mình bạn có thể nhận ra một số lo lắng hay sợ hãi quen thuộc. Trong một cách thân thiện hãy mời mọc chúng biểu hiện ra. Hãy cảm nhận bất cứ cảm xúc khó chịu nào khởi lên, và chú ý nếu dường như chúng đến từ một phần đặc biệt của cơ thể. Hãy quán tưởng một hình ảnh nào thích hợp cho sự lo lắng của bạn.

Có lẽ nỗi lo lắng giống như một ánh sáng tối tăm đến từ một hang động. Hãy hình dung ánh sáng tối tăm lạ lùng này bị che phủ hay bằng cách nào đó bị “kẹt” bên trong bạn, bây giờ không cần cố gắng, hãy mở và chiếu sáng ra ngoài. Mọi tối tăm hoàn toàn biến mất khỏi thân bạn.

Bạn cũng có thể thấy nguồn sức mạnh của mình như chạm xúc hay hòa tan vào nơi bóng tối bị che phủ. Hãy cảm nhận và tin tưởng rằng thói quen lo nghĩ đã biến mất, và bất cứ sự lo lắng nào đều bị nhổ bật rễ khỏi tầm nhìn vĩnh viễn. Bạn cũng có thể tự nhủ “Tôi không có lo nghĩ ! Thật là tuyệt khi cảm thấùy tự do như vầy.” Hãy thưởng thức cảm giác nhẹ nhàng của tâm và thân thoát khỏi lo nghĩ.

 

6. Phá vỡ lớp vỏ tự bảo vệ của nhạy cảm

Nếu vì sự thiếu tự tin của mình, chúng ta để thói quen nhạy cảm với cảm xúc phát triển, cuối cùng chúng ta sẽ kinh nghiệm hầu hết những hoàn cảnh như một nguồn của sợ hãi, nguy hiểm và đau khổ. Để chữa lành đặc tính nhạy cảm tâm thức, chúng ta cần phải phá vỡ thói quen của sự tự giới hạn, siết chặt, và sự dễ bị thương tổn của lớp vỏ bảo vệ của mình.

Trước tiên, hãy nhận ra và chấp nhận những cảm giác nhạy cảm của mình. Bấy giờ, không ở trong những nghi ngờ và sợ hãi, tưởng tượng bạn là một hình thể vi tế – không có chất thể, trong suốt, và rỗng rang. Bạn có thể nghĩ mình hình thành bởi do ánh sáng, hay phi vật chất giống như một hình bóng phản chiếu trong gương. Hãy cảm thấy bạn chẳng có gì để cần phải bảo vệ. Không có gì có thể nắm giữ hay làm thương tổn bạn, và tất cả sự gây hại đi xuyên qua bạn và biến mất. Khi bạn thiền định về điều này, hãy tin tưởng rằng mọi cảm giác thương tổn, nhạy cảm và tự bám víu đã biến mất.

Không cần phải lo nghĩ quá nhiều về sự vững chắc, buộc chặt của “cái ta”, bây giờ bạn có thể thoải mái và hưởng thụ đời sống của mình. Bạn có thể hoàn toàn hiện diện với bất cứ điều gì mỗi khoảnh khắc đem lại, và ứng xử với sự tự tin, nhiệt thành với những người mà bạn gặp.

Vào cuối bài tập bạn có thể khơi lên nguồn sức mạnh và cảm thấy được tràn đầy ánh sáng chữa bệnh. Năng lực của nguồn sức mạnh có thể đem lại cho bạn sự phục hồi mạnh mẽ và rộng mở tâm thức.

 

7. Làm bình lặng thái độ tự chỉ trích

Tội lỗi không phải luôn luôn là một điều xấu. Nếu chúng ta kiêu mạn, một cảm thức lành mạnh về tội lỗi có thể làm giảm bớt tính ích kỷ và ngăn ngừa chúng ta lập lại lỗi lầm. Tuy vậy, một số trong chúng ta lại tự phê bình mình thái quá. Chúng ta chấp vào việc phạm tội và đánh mất cơ hội để hạnh phúc và thỏa mãn.

Không nên cảm thấy mặc cảm phạm tội vì tội lỗi của mình. Điều này chỉ làm bạn lạnh lùng và khắt khe. Hãy vui lòng đối với tội lỗi của mình, vì khiêm tốn là sự tích cực. Bất cứ quan điểm tích cực nào đều có thể tự động trở thành sự cảm hứng và chữa lành, ngay trong khoảnh khắc chúng ta bắt đầu chuyển đổi thái độ của mình. Vậy hãy thấy sự tự phê bình của bạn như một nguồn của sự nồng ấm. Trong tâm bạn, hãy bao bọc nó với cảm nhận về khoảng không và sự an ủi.

Sau đó buông đi tội lỗi như một gánh nặng không cần thiết. Hãy cảm nhận dường như nó không có sức nặng nào cả và hãy để cho nó bị cuốn đi giống như một lông chim trong cơn gió nhẹ.

Thiền quán về ánh sáng, như được mô tả trong những bài tập khác, cũng có thể có ích. Hãy quán tưởng sự tự phê bình hay tội lỗi như bóng đêm, mây đen hay sương mù. Hãy hình dung những tia sáng rực rỡ đến từ nguồn sức mạnh của bạn, chạm vào với tội lỗi, sưởi ấm nó, cảm thấy nó không có chất thể. Ánh sáng tràn đầy thân bạn, tiếp xúc với lòng và tâm thức, xua tan tất cả bóng tối. Không có tội lỗi, giờ đây chúng ta có thể cảm nhận niềm vui, ánh sáng và sự ấm áp. Hãy cho bạn buông xả trong bất kỳ cảm giác tích cực nào khởi lên. Hãy lập lại thực tập này nhiều lần, cuối cùng thiền định trong một cách rộng mở.

 

8. Tập trung tâm tán loạn

Khi tâm thức quá nhạy cảm và tự thu mình lại, chúng ta thiền định để mở rộng ra. Trái lại, với một tâm vô mục đích và không kiểm soát chúng ta cần phải phát triển sự tập trung.

Nếu tâm trí bạn lộn xộn hay tán loạn như chiếc lá trong cơn gió hãy thực hành một trong những bài tập sau.

Hãy quán tưởng thân bạn to lớn và nặng như một núi bằng vàng, bạc hay thủy tinh. Quán tưởng nó cố định và không thể di chuyển được. Cảm nhận tính chất sức nặng không thay đổi và không thể lay chuyển của cơ thể và nền tảng của nó. Hãy để thân và tâm bạn cảm thấy sức nặng. Lập lại bài tập này và nghỉ ngơi trong cảm giác về sức nặng.

Hoặc quán tưởng tượng đức Phật to lớn như một núi vàng. Quán tưởng sức nặng, cứng rắn, sức mạnh và sự không thể di chuyển của tượng. Lập lại bài tập và nghỉ ngơi trong cảm giác của sức mạnh và vững chắc.

Tỉnh thức trong cuộc sống hàng ngày cũng làm chúng ta tập trung và vững chắc. Ví dụ, nếu bạn đang đọc, hãy tạo thói quen tập trung trên mỗi chữ và nghĩa của nó, không suy nghĩ gì khác. Khi bạn không làm gì, sự tập trung vào hơi thở rất có hiệu quả.

 

9. Ổn định những năng lực trôi nổi

Cách khác để ổn định cho năng lực bị phân tán là quán tưởng ánh sáng tạo sự vững chắc. Khi tư tuởng và cảm xúc không ổn định, hãy quán tưởng sức nặng của ánh sáng từ nguồn năng lực xuống toàn thân bạn. Từ đầu tới chân, cảm nhận sức mạnh vững chắc của ánh sáng này. Khi nó vào lòng bàn chân, nó làm cho bạn vững vàng trên mặt đất. Bạn đang đứng chân trần trên một đồng cỏ xanh đầy sức sống, với sự sống rực rỡ và ấm áp. Tập trung cảm giác vào hai lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất màu mỡ, phong phú và giàu có. Cảm thấy sự bồn chồn không yên của bạn đã mất. An trú trong cảm giác thoải mái của sự an toàn và vững chắc khi bạn đứng trong nơi đẹp đẽ này. Hãy trở thành một với cảm nhận đó.

Đây là một kỹ thuật đơn giản nếu bạn bị quấy rầy bởi những cảm giác trôi nổi, những tư tưởng lộn xộn hay lo lắng. Hãy tập trung sự chú ý của bạn vào lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Cũng như vậy, việc chà xát nhẹ nhàng lòng bàn chân trong một cách buông lỏng và tâm thức thoải mái có thể làm bạn trở lại với thân thể mình và ổn định bạn.

 

10. Xoa dịu những ký ức tiêu cực

Nếu bạn bị rối loạn bởi sự châm chích của ký ức, như một việc xấu xảy ra nơi làm việc, thoạt tiên hãy thấy trong tâm thức bạn một hình ảnh, tình trạng hay những người liên quan, mà không có phê phán hay đối kháng. Bấy giờ nó có thể giúp bạn quán tưởng và cảm thấy rằng ký ức đó là sương mù, đám mây, khói, hay ánh lửa trong cơ thể bạn. Tịnh hóa ký ức với một năng lực chữa lành thích hợp như ánh sáng, gió hay cam lồ êm dịu. Kéo dài càng lâu nếu bạn thích trong cảm giác dễ chịu. Cảm nhận rằng ký ức đã được làm bình lặng, bạn không còn phải đau khổ bị châm chích ngay cả nếu bạn có nhớ lại việc xảy ra. Hãy an trú và hạnh phúc trong cảm giác tự do càng lâu theo sức bạn.

 

11. Cắt đứt những trói buộc của những liên hệ khó chịu

Nếu bạn cảm thấy mình bị những cảm xúc làm bầm dập hay sợ hãi vì một liên hệ xấu hay ký ức về một người, qua thiền định có thể giúp bạn cắt đứt sự trói buộc với nó. Những bài tập dưới đây cũng có thể giải thoát sự ràng buộc của bạn với những tương quan phụ thuộc thái quá khiến bạn cảm thấùy quá yếu để đứùng vững.

Vấn đề khó khăn hay ký ức có thể dính dáng với một ai đó tại nơi làm việc, hay có thể là một người yêu hay người bạn đời trước kia. Gợi lên những cảm giác tiêu cực và quán tưởng người đó cách một khoảng trước bạn, lôi kéo bạn và trói buộc bạn bằng một sợi dây. Bạn không còn sức mạnh để ở yên, bạn bị dằng xé dữ dội.

Sau đó, hãy cầu nguyện từ giữa trái tim mình, đếùn nguồn sức mạnh để được giải thoát. Hãy quán tưởng nguồn năng lực này môït cách rõ ràng, và tưởng tượng nó phóng ra ánh sáng ban phước giống như tia laser sắc bén nhắm trực tiếp vào sợi dây. Do sự xúc chạm, ánh sáng không những cắt đứt mà còn đốt cháy toàn bộ sợi dây không còn sót lại vết tích nào giống như giấy bị lửa đốt cháy.

Hoặc tưởng tượng mình bị xô đẩy lôi kéo bởi một sợi xích. Khi ánh sáng ban phước tiếp xúc với xiềng xích, nó sẽ được tháo gỡ khỏi bàn tay người mà bạn lệ thuộc, giống như sắt bị lực hút mạnh mẽ của nam châm. Sau đó quán tưởng xiềng xích tan chảy thành ánh sáng mềm dịu và hạnh phúc.

Trong những quán tưởng đó, hãy hưởng thụ niềm thoải mái lớn lao của sự tự do thoát khỏi những tương quan có hại. Hãy cảm nhận sức mạnh bên trong của chính bạn. Thoải mái trong cảm giác tích cực càng lâu nếu bạn thích.

Nếu bạn phải tiếp tục gặp gỡ hay làm việc với người có vẻ gây ra những khó khăn cho mình, bài tập này vẫn rất hiệu quả. Bạn có thể phá vỡ sự nô lệ vào những cảm xúc tiêu cực để tự do, hay tối thiểu ít bị chúng phiền nhiễu. Nếu bạn hoan hỷ hơn và ít xem vấn đề là trầm trọng, hoàn cảnh bên ngoài có thể bắt đầu cải thiện.

 

12. Liên kết với những người khác trong ánh sáng của chữa lành và tình thương

Chúng ta có thể bị lôi kéo vào những cảm xúc gây tổn hại như thù hận hay khao khát muốn trấn áp người khác nếu chúng ta ở trong cảm nhận rằng người này độc ác hay không tốt với ta. Thay vì nuôi dưỡng sự chán ghét hay giận dữ, hãy cố gắng nhìn thấy kẻ thù của bạn bản chất là tốt đẹp, cho dù bạn không nghĩ ông hay bà ấy thật sự như vậy.

 

Trong đạo Phật, người tử tế và hiền từ nhất có thể tưởng tượng ra là “người mẹ”. Hãy tưởng tượng kẻ thù của mình như là một “người mẹ” đã lạc đường. Người tốt này đã bị mù quáng bởi vô minh và bệnh tật, là nạn nhân bị hành hạ bởi chính những phiền não của họ. Người ấy đang làm nguy hiểm cho hạnh phúc của y bằng việc tạo ra cõi địa ngục. Nếu bạn có thể thực hành từ bi và nhẫn nhục, tâm bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và kiên cố hơn. Vì vậy, chính người này cho bạn một cơ hội bằng vàng. Người ấy như một ông chủ tặng thưởng cho bạn vì làm việc giỏi. Ở một mức độ nào đó người ấy độc ác với bạn, và làm nguy hiểm cho chính hạnh phúc tâm linh của y, bạn phải biết ơn người ấy vì có cơ hội thực hành buông bỏ bản ngã và tạo nên tiến hóa tâm linh thật sự.

Sau khi phát sinh được những cảm giác đại bi này, hãy quán tưởng những đám mây của ánh sáng trắng chữa lành và nồng ấm phát ra từ thân bạn và xúc chạm với kẻ thù của mình. Chỉ bằng sự xúc chạm với ánh sáng mà thân, lòng và tâm người ấy ngập đầy hạnh phúc. Người ấy được an bình và hạnh phúc lạ thường mà chưa bao giờ nó nghĩ được. Hãy để cho người ấy nghỉ ngơi và hân thưởng cảm giác này. Sau đó hãy cảm nhận sự nồng ấm của lòng bi chiếu ra tới những người khác, và thậm chí tắm đẫm toàn vũ trụ.

Bạn cũng có thể quán tưởng rằng ánh sáng từ nguồn sức mạnh của bạn chiếu ra chạm đến kẻ thù và chính bạn, và cả hai hòa tan vào một thân bằng ánh sáng.

Nếu bạn có thể thiền định theo cách từ bi này, sẽ dễ dàng hơn để làm dịu đi những khổ đau và trở nên thư giãn hơn trong sự liên hệ với người khác. Khi bạn bình an, bạn có thể ứng xử với những khó khăn thật sự trong cách thiết thực không thiên chấp mù quáng bởi những cảm xúc tiêu cực. Sức mạnh của đại bi sẽ cải thiện mối quan hệ của bạn và phát sinh năng lực an bình, hạnh phúc trong bạn và người khác.

 

13. Tịnh hóa những giấc mơ dữ dội

Những giấc mộng xấu là cách tự nhiên để giải thoát năng lượng tinh thần, vậy chúng ta không cần để ý chúng – chúng đáng được quan tâm hơn là sợ hãi. Tuy nhiên, nếu ác mộng gia tăng đeo đuổi và quấy rối, chúng ta có thể tịnh hóa chúng bằng cách cởi mở chúng trong thiền định những lúc tỉnh thức, hay ngay trong giấc ngủ nếu ta khéo léo. Chúng ta phải tự nhắc nhở rằng bất cứ cơn ác mộng nào cũng là một sáng tạo vô hại của tâm. Cũng vậy, ánh sáng chữa bệnh có thể làm an lặng bất cứ hình ảnh quấy rối nào.

Ví dụ, nếu bạn nằm mơ bị bỏ tù, hãy dùng ánh sáng chữa bệnh từ nguồn sức mạnh chạm đến hình ảnh trong giấc mơ và hãy thấy và cảm nhận tù ngục biến mất.

Hoặc trong những giấc mơ bạn bị một cái gì đó đuổi bắt nhiều lần, cuối cùng khi bạn cảm thấy sẵn sàng đối mặt với nó, bạn có thể ngừng lại và cứ để cho nó nắm. Không nên gây hấn hay sợ hãi, mà chỉ dùng ánh sáng chữa bệnh xúc chạm với nó và hóa nó thành những hình ảnh an bình và hoan hỷ. Trước mắt bạn nó có thể chuyển thành một hình ảnh an bình !

 

14. Xoa dịu những triệu chứng rối loạn thần kinh

 

Một số người bị xáo trộn vì những ảo giác, điềm báo hay những cảm nhận về một tính cách huyền bí hoặc những triệu chứng thần kinh nghiêm trọng. Những lúc thức của họ giống như một cơn ác mộng.

Cũng như chúng ta dịu dàng với những giấc mơ xấu ám ảnh giấc ngủ, sự dịu dàng là thích hợp với những xáo trộn loạn thần.

Với những rối loạn này, chúng ta sẽ không nên sợ phải tìm kiếm giúp đỡ và trợ giúp từ bạn bè hay những cố vấn khôn ngoan nếu cần thiết. Những thiền quán chữa bệnh cũng có thể giúp đỡ tịnh hóa những nguyên nhân tiềm phục.

Chúng ta có thể dùng trí của mình để nhận biết rằng kinh nghiệm rối loạn này là giả – chỉ là những bịa đặt hay phóng ảnh của tâm thức – ngay cả từ những quan điểm của chân lý quy ước. Điều này tự thân nó cũng có thể xoa dịu những đau khổ của chúng ta.

Chúng ta cũng có thể thấy khổ não là tích cực, vì nó chỉ cho ta thấy cần phải giải thoát và chữa lành những đau khổ nằm ở dưới sâu. Những triệu chứng loạn thần kinh là kết quả của tâm thức cố gắng bám chấp để bảo vệ một vết thương tình cảm hay tâm linh sâu hơn, cũng giống như sự co cơ gây đau đớn là một phản xạ để bảo vệ quanh vùng bị chấn thương hay căng cứng ở phần lưng. Sự khủng hoảng tinh thần cho ta cơ hội để chữa bệnh một cách sâu hơn. Cuối cùng chúng ta được khỏe mạnh và hạnh phúc hơn trước.

Hãy để cho triệu chứng riêng biệt và những nhu cầu nhất thời hướng dẫn. Nếu có thể, hãy dùng bất cứ luyện tập nào đã được diễn tả phù hợp với những triệu chứng của mình. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy bị mắc kẹt, thiền định về ánh sáng sẽ có ích.

Nếu bạn cảm thấy vui buồn thất thường và không kềm chế được, hãy nghỉ ngơi một cách yên tĩnh và tỉnh thức với cảm giác thoải mái là đang hiện diện trong cơ thể bạn. Bất cứ cách thiền định nào làm bình an và ổn định chúng ta đều tốt.

Nếu bạn bị quá rối loạn, hãy bình tĩnh nghỉ ngơi trong sự nhận biết rằng rối loạn sẽ qua đi với sự nghỉ ngơi và chữa lành. Thậm chí trong tình trạng tâm thức này, bạn có thể tìm thoải mái trong một bức tranh hay quyển sách gây cảm hứng. Nhẹ nhàng đem sự chú tâm của bạn vào một chữ trong một lúc, ngay cả chỉ đọc một đoạn hay một câu cũng đủ.

Nếu bạn cảm thấy bị đè nặng hay tê liệt bởi những triệu chứng thần kinh bị kích động, hãy quán tưởng những cảm giác đó ở dạng một sức nặng khổng lồ. Sau đó đặt chúng sang một bên và có thể đi dạo hay thăm bạn hữu.

Đôi khi, đơn giản ở với những cảm nhận theo cách buông lỏng lại tốt nhất, đi theo dòng cảm xúc với hiểu biết và tin tưởng rằng bạn có thể vượt ra cơn bão phiền não. Hãy nghỉ ngơi và bình lặng. Hãy luôn luôn có thái độ chăm sóc đối với hạnh phúc của bạn.

 

15. Dập tắt ngọn lửa phiền não

 

Nếu bạn kinh nghiệm một cảm xúc tràn ngập cao độ như thèm khát, giận dữ hay ghen ghét, hãy tạo khoảng cách với cảm xúc, nếu cần thiết hãy làm mình bình an với hai hơi thở buông xả. Hãy nhận biết sự tấn công và hấp dẫn của cảm xúc mà không bị choáng ngợp. Bây giờ hãy quán tưởng cảm xúc trong thân bạn như một ngọn lửa xanh. Cảm nhận cảm giác châm chích của ngọn lửa này.

Sau đó tập trung sự tin tưởng mạnh mẽ rằng bạn phải bảo vệ hạnh phúc của mình. Hãy cầu nguyện sức mạnh từ nguồn năng lực của mình. Hãy tưởng tượng dòng cam lồ chữa bệnh mát mẻ xuống từ nguồn năng lực vào trong cơ thể bạn, tràn đầy từ đầu đến chân và dập tắt ngọn lửa hủy hoại. Hãy tưởng tượng bất cứ cảm giác dễ chịu, chữa lành nào có thể giúp cho bạn như sự mát mẻ hay cảm giác hài lòng của sự thoải mái và êm dịu. Cảm nhận và tin tưởng rằng ngọn lửa đã ra đi. Hãy vui mừng rằng ngay khoảnh khắc này bạn hoàn toàn giải thoát khỏi cảm xúc hủy diệt. Kéo dài cảm giác rộng mở này trong vài phút hoặc lâu hơn nếu bạn thích. Nếu có thể được, đem sự tĩnh lặng vào một hoạt động nó sẽ vận dụng sự chú tâm của bạn và khôi phục lại sự vui thích, mạnh khỏe và thoải mái.

 

16. Tịnh hóa những tham dục và những độc hại thuộc cảm xúc

Một cách thiền định khác dành cho những phiền não mạnh mẽ, đặc biệt nếu họ cảm thấy tâm thường hay khô cứng là quán tưởng chúng như dơ bẩn và không thanh tịnh trong cơ thể. Hãy cảm thấy cảm xúc này giống như một chất độc, nếu bám vào cảm xúc này có thể làm bạn bệnh. Thiết lập sự tiếp xúc vững chắc trong tâm thức với nguồn năng lực, kêu gọi hay cầu nguyện giúp đỡ. Sau đó quán tưởng rằng từ nguồn năng lực một ngọn lửa chữa lành to lớn, biểu tượng của trí huệ đến với bạn. Hình dung nó như một ngọn lửa trại mạnh mẽ nhưng hiền hòa. Chỉ việc chạm vào tất cả cảm xúc dơ bẩn trong hệ thống của bạn bị đốt thành tro. Sau đó, một dòng nước chữa lành, tượng trưng từ bi chảy vào trong bạn, rửa sạch tất cả những tro tàn cảm xúc nhiễm ô. Cuối cùng, một cơn gió ban phước, mạnh mẽ biểu tượng năng lực, thổi bay đi tất cả những gì bất tịnh, không để lại một dấu vết nào. Hãy kinh nghiệm sự không có những cảm xúc tiêu cực.

Hãy tin tưởng rằng những năng lực chữa lành xoa dịu mọi cảm xúc căng thẳng của bạn. Nghỉ ngơi với cảm giác thoải mái và tự do trong tâm và thân.

Bạn có thể đem bài tập thiền định này vào trong đời sống hàng ngày bằng sự quán tưởng rằng những phiền não của bạn được chữa lành bất cứ khi nào bạn thấy hay tiếp xúc với bất cứ sự biểu hiện nào của lửa, sức nóng, nước hay gió.

 

17. Thoát khỏi phiền não với hơi thở

Với tất cả những cách chữa bệnh, đôi khi chúng ta có thể quên đi nguồn cung cấp lúc nào cũng sẵn sàng để chúng ta dùng, đó là hơi thở. Khả năng quán tưởng những hình ảnh tích cực là một công cụ rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số người lại muốn thoát khỏi căng thẳng theo một cách khác, tùy theo nhu cầu của họ.

 

Có lẽ bạn đã mệt mỏi vì đọc tất cả những lời hướng dẫn trong sách này, và đòi hỏi một cách nào đó dễ dàng ? Và đây là một bài tập rất đơn giản và rất hiệu quả.

Nếu bạn chịu sức ép của bất cứ loại căng thẳng hay cảm xúc khó khăn nào, hãy đem tỉnh giác vào hơi thở của mình, và đặc biệt là hơi thở ra. Hãy để hơi thở ra vào thư thả, trong lúc đó theo sát hơi thở ra. Tự cho mình buông lỏng trong hơi thở ra. Bạn có thể thấy rằng hơi thở ra trở nên rất thư giãn và dài, nhưng bất cứ nó thế nào, đơn giản bạn để tỉnh giác có mặt với nó. An trú với điều này càng lâu nếu bạn cần. Đây là một chữa lành rất đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể làm.

 

CHỮA LÀNH QUA ÂM THANH

Quán tưởng và tham thiền về hơi thở là hai phương tiện thiện xảo của chữa lành. Một phương tiện khác là giọng nói của chúng ta.

Thông qua lịch sử, những tôn giáo đã sử dụng âm thanh như là một diễn đạt quang vinh của tâm linh. Cũng vậy, trong văn minh thế gian, âm nhạc và lời hát dường như khởi lên tự nhiên như là một sự tán dương của nhân loại.

Một số âm thanh tự nhiên làm chúng ta cảm thấy thoải mái và rộng mở. Những ca sĩ quen thuộc với lý thuyết âm nhạc nhận thức những khả năng làm cho vui tươi bằng cách (dùng) những nguyên âm “hồ hởi” được phát âm là “ah”, “ee”, “ay” (như trong may), “oh” và “oo”. Tôi cũng đã nói rằng những bản nhạc soạn của truyền thống nhà hát nhạc Broadway được viết để cho ca sĩ đơn ca chấm dứt trên một từ nằm trong bất cứ những âm thanh nào kể trên. Ca sĩ có thể giữ nốt cuối với một cổ họng mở rộng và thoải mái, âm thanh bay vút lên và sự giải thoát mang màu sắc tình cảm có từ đó làm cho mọi người cảm thấy hạnh phúc.

Chúng ta có thể đem âm thanh chữa bệnh vào thiền định và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ca hát là việc đơn giản tất cả chúng ta ai cũng làm được, nhưng khi làm với chú tâm nó có thể trở thành sự chữa bệnh phong phú. Đạo Phật khuyên thực hành những chữ, những âm thanh nào đó, mặc dù bạn có thể cảm thấy thích hợp hơn để hát hay cầu nguyện với những âm thanh có ý nghĩa hơn với bạn, như bất cứ tên nào về Thượng Đế theo truyền thống của bạn, hay một chữ như amen, shalom (tiếng Do Thái là “hòa bình”), peace hay OM AH HUNG.

 

1. Tạo êm dịu qua âm thanh của sự rộng mở rỗng rang

Trong kinh điển Phật giáo, AH được xem là nguồn gốc của tất cả lời nói và âm thanh – nguồn của sự rỗng rang. Việc hát nhẹ nhàng âm thanh này là một sự thiền định xoa dịu, mở rộng lòng mình.

 

Hãy để cho âm thanh phát ra ngoài một cách tự nhiên với hơi thở và ngưng lại khi cần. Thưởng thức âm thanh của giọng mình, và tưởng tượng rằng toàn thế giới tràn đầy âm thanh an bình. Sau đó, tưởng tượng rằng âm thanh vang khắp truyền đến bạn một thông điệp này nhưng mạnh mẽ : “Mọi cảm giác bất toàn, mọi tội lỗi, mọi năng lực tiêu cực trong bạn đã hoàn toàn được tịnh hóa ! Bây giờ, bạn thuần khiết, mạnh khỏe và hoàn thiện ! Hãy tri ân và vui thích.” Hãy cảm nhận rằng âm thanh khơi dậy lập tức một cảm giác mạnh mẽ ấm áp và chữa lành, và thư giãn trong kinh nghiệm đó. Bấy giờ hãy hòa nhập bạn với sự ca hát của bạn trong một lúc. Đơn giản hãy là một với âm thanh.

Bạn cũng có thể chữa lành những thương tổn gây ra bởi những lời nói tiêu cực. Nếu bạn cảm thấy tội lỗi hay giận dữ với ai đó, chẳng hạn như cha bạn, hãy quán tưởng rằng bạn nghe giọng của cha mình lập đi lập lại với âm thanh tích cực, nhân từ và trung thực như : “Cha rất hạnh phúc và vui lòng có con. Cả hai chúng ta đều có những thiếu sót, mà có ai lại không ? Chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Này con, bất cứ con là gì, hãy là chính con, Cha thương con.” Hãy kinh nghiệm một cách bình an ý nghĩa và cảm giác của những lời này. Rồi bằng âm thanh ca hát của bạn, bạn có thể nói với ông : “Cám ơn cha đã nói với con điều cha cảm thấy ! Con rất vui mừng khi cha là cha của con ! Con thương cha, cha ơi !” Sau đó, hãy cảm nhận tất cả mọi khó khăn giữa bạn và cha mình biến mất giống như sương mù trong mặt trời mùa hạ, vì vậy bạn cảm thấy an bình và bình thản.

Tình thân thuộc không phải luôn luôn thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng nếu thực hành một thiền định như vậy một cách toàn tâm toàn ý như trên có thể tịnh hóa những bực tức phẫn uất trong chúng ta. Điều này cuối cùng có thể đưa đến một sự cải thiện rất ấn tượng.

Một cách dùng khác của âm thanh là lớn tiếng tự khuyến khích mình. Khi những khó khăn xảy đến, hãy cố gắng tự nói với mình tất cả mọi việc đều hoàn toàn tốt ngay cả sự kiện không hoàn hảo. Hãy lựa chọn những lời thích hợp với nhân cách và những nhu cầu của bạn. Năng lực mạnh mẽ của âm thanh có thể khuếch đại hiệu quả tích cực của những lời nói bình thường hay cầu nguyện.

Một số chúng ta miễn cưỡng khi phải phát âm. Với những người quá nhạy cảm, âm thanh có thể chỉ là việc giải thoát những cảm giác như sợ hãi và nghi ngờ. Nếu bạn xấu hổ vì những người khác có thể nghe bạn, hãy tìm một nơi hẻo lánh. Khi tôi trưởng thành ở Tây Tạng, những tu sĩ trẻ đã thực hành những bài hát của họ ở bờ sông đang gầm thét. Trong một thành phố bạn có thể tụng hay hát gần một con đường đông đúc, ồn ào, ở đó chẳng ai để ý gì đến bạn. Làm cho ấm lên một cách chậm chạp và với hơi thở ra thư giãn của mình, hãy phát âm to chữ AH hay bất cứ âm thanh nào mà bạn cảm thấy tự nhiên. Thật sự buông xả – quyền của bạn là tạo ra một tiếng ồn hoan hỷ !

 

2. Chữa lành qua âm thanh ban phước

Những âm thanh OM, AH, và HUNG (phát âm hoong với âm h nhẹ) được xem như những “chủng tử tự” của thân, ngữ, tâm của Phật, bản tánh toàn giác. Vì tính phổ quát của những âm thanh đó mà bất cứ ai cũng có thể được lợi ích từ chúng.

 

Ba âm tiết này cấu thành một trong những bài tụng mạnh mẽ nhất trong đạo Phật. Chúng thuần khiết và là một mô hình lý tưởng trong bản chất, thoát khỏi mọi tạo tác giả tạo, khái niệm, bám chấp, và cứng nhắc. Vậy chỉ cần phát âm những âm thanh này cũng cho chúng ta nhiều rộng mở hơn.

Với những Phật tử, những âm thanh này cũng hiện thân ý nghĩa đặc biệt trong diễn tả của họ về tất cả những phẩm tính của đức Phật. OM là sức mạnh bất biến và sự đẹp đẽ của bản tánh chân thật mà chúng ta có, là thân Phật ; AH là sự diễn đạt không ngừng và là năng lực khắp cả của thực tại, là lời nói của Phật ; HUNG là sự toàn thiện bất động của sự rộng mở rỗng rang nguyên sơ của thực tại, là tâm Phật. Sử dụng lâu dài trong những thực hành chữa bệnh, những âm thanh này được ban phước bởi chư Phật và bậc giác ngộ qua suốt thời gian.

Mỗi âm tiết đại diện cho những phẩm tính chữa lành đặc biệt. Ca, tụng chủng tự OM đem đến an bình, hỷ lạc, trong sáng, vững chắc, can đảm, kiên cố và sức mạnh ; AH đem lại năng lực, rỗng rang, mở rộng và xin cho thần lực ; HUNG là sự kết hợp với giác ngộ, vô tận, tinh túy và nhất thể.

Bạn có thể hát tụng mỗi âm tiết với sự nhấn mạnh bằng nhau. Hoặc nhấn mạnh khác đi và lập lại một âm tiết tùy theo những phẩm tính chữa bệnh riêng biệt mà bạn cần. Ví dụ :

 

OOOOOOOOOOMMMM AHHHHHHHHHHHH HUUUUUUUNNNNNGGG

OOOOOOOOOOOOOOOOOOOMMMMMMM AHHHHH HUUUUNNNGGG

OOOOMM AHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHHH HUUUNNNGGG

OOOOMM AHHHHHHHHH HUUUUUUUUUUUUUUUUUUUNNNNNGGG

 

Tuy nhiên, bạn hãy hát theo cách nào mà bạn cảm thấy dễ chịu – trong một giai điệu lên hoặc xuống hay một nốt, lớn tiếng hay thầm lặng, cao hay thấp với một âm thanh dịu dàng hay như sấm sét.

Bạn cũng có thể dùng những âm thanh này để chuyển hóa những tư tưởng, cảm giác và hình ảnh gây khó khăn. Hãy cảm nhận cảm xúc buồn phiền hay đau khổ được chứa trong âm OM ở dạng đám mây, khói hay sương mù. Khi bạn hát AH hãy buông đi vĩnh viễn những vấn đề khó khăn. Với HUNG hãy cảm nhận sự chữa lành của an bình và rộng mở rỗng rang.

Bạn cũng có thể khơi dậy nguồn sức mạnh của mình với những âm tiết này (hay chỉ với một âm AH). Hãy cảm nhận rằng, âm thanh cầu khẩn và phát sinh ra tất cả lực chữa lành trong vũ trụ, và rằng nguồn sức mạnh phát khởi từ âm thanh và bản thân nó là một hiện thân của âm thanh. Hãy thấy và cảm nhận ánh sáng chiếu ấm áp, rực rỡ chiếu ra từ âm thanh và hình ảnh. Ánh sáng dần dần tràn đầy đầu và toàn thân bạn. Trong khi bạn tiếp tục hát, hãy để thời gian tán dương âm thanh và ánh sáng đem lại sự chữa lành cho mọi phần của thân tâm mình.

3. Tịnh hóa những cảm xúc một cách thầm lặng

Cũng có thể trì tụng thầm. Một bài tập được gọi là “hơi thở ba phần” gồm việc niệm “ba chủng tử tự” hòa hợp với hơi thở. Phương pháp này phát triển sự tập trung và sức mạnh của tâm thức, tịnh hóa những cảm xúc tiêu cực và có thể là một khởi đầu tốt đẹp cho bất cứ sự thiền quán chữa bệnh nào khác.

Trong hơi thở ba phần, niệm thầm OM khi hít vào. Niệm AH khi ngừng thở một lúc khi hơi thở gần bắt đầu muốn ra. Niệm HUNG trên hơi thở ra. Cảm nhận bạn đang hòa nhập hơi thở với thân, ngữ, tâm của chư Phật mọi thời. Nếu bạn cảm thấy thích hợp hơn với cách tiếp cận trần tục, hãy thông cảm những âm này như hiện thân của sức mạnh, sự rộng mở và nhất thể của vũ trụ.

Hãy để cho hơi thở và những âm trôi chảy tự nhiên. Hoàn toàn chú tâm đến điều này sao cho hơi thở, những âm và tâm bạn trở thành một. Cuối cùng, hãy để cho việc niệm thầm tan vào hơi thở thư giãn, buông bỏ những âm và hòa nhập vào sự tĩnh lặng của hơi thở.

Giữa những tiếng ồn ào của đời sống hiện đại, đã thu hút chúng ta vào những phóng dật ồn ào đem chúng ta xa khỏi con người thực của chúng ta. Có thể chúng ta sợ hãi sự yên lặng, giống như trẻ em sợ bóng tối. Bằng việc hoàn toàn hiến mình cho việc hát, tụng, do thân và tâm hợp nhất, chúng ta biết cách thưởng thức âm thanh. Sau đó sẽ trở nên dễ dàng hơn trong việc hoàn toàn thưởng thức sự tĩnh lặng.

-----o0o-----

Trích: “Năng Lực Chữa Lành Của Tâm”

Tulku Thondup
Việt dịch: Tuệ Pháp - Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2000

Bài viết liên quan