NIỀM SAY MÊ HỌC TẬP - THOMAS ARMSTRONG – 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH

NIỀM SAY MÊ HỌC TẬP

THOMAS ARMSTRONG – 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH

---o0o---

Nhiều người vô cùng vui sướng khi khám phá được năng lực mới của bản thân nhưng sau đó lại chẳng làm gì cả để phát triển khả năng đó. Tôi đã từng rất hứng thú lúc nhận ra rằng “Tôi có thể vẽ” sau khi làm theo một số bài tập trong quyển sách Draning on the Ringt Side of the Brain (Khả năng vẽ bên phần não phải) của Betty Edward.
NIỀM SAY MÊ HỌC TẬP - THOMAS ARMSTRONG – 7 LOẠI HÌNH THÔNG MINH

Tuy nhiên, tháo bỏ trở ngại chưa đủ để đánh thức những trí tuệ còn tiềm ẩn. Cần phải có một tia lửa trong những giai đoạn đầu của việc phát triển trí tuệ để làm cho ngọn lửa bùng cháy. Khởi nguồn này có thể là một quyển sách (như là với Mandino) hoặc nó có thể là một kinh nghiệm, một con người hoặc sự kiện nào đó tạo ra niềm say mê cho học tập. David Henry Feldmen, giáo sư tâm lý thuộc Đại học Tufts, gọi các dạng động cơ thúc đẩy này là những kinh nghiệm tích lũy và chỉ ra rằng chúng là công cụ hữu hiệu thúc đẩy những cá nhân sáng tạo đạt được các thành tựu lớn nhất trong cuộc đời.

 

Howard Gardner và Thomas Hatch đã phỏng vấn nhiều nhân vật ưu tú về kinh nghiệm tích lũy của họ. Một nhà nhiếp ảnh nhớ lại lần tới thăm Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại khi đóng quân ở New York lúc ông vẫn còn làm trong ngành hải quân. Trải nghiệm đó đã đánh thức ông về giá trị của loại nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đó, như chỉ mới hôm qua vậy – thời tiết và cả con người trên đường phố. Tôi đoán bạn có thể đó là một sự “hiện diện thần thánh”. Cũng như vậy, một nhà toán học đã nhận biết một số “mẹo” toán mà cha ông dạy như một ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp của ông. Trong phần đầu quyển sách này chúng ta cũng đã thấy một số ví dụ về kinh nghiệm tích lũy: ký ức tuổi thơ của Carl Jung, việc đọc Kinh Thánh của Martin  Luther và sự trải nghiệm về cái chết của Ramana Maharshi. Trong mỗi trường hợp đều có một bước ngoặc nhất định, một giây phút đưa họ tiến tới sự hoàn thành một sứ mệnh đặc biệt.

 

Khi niềm say mê khám phá một loại thông minh nhất định đã được đánh thức thì nó còn cần phải được nuôi dưỡng. Triết gia Alfred North Whitehead viết về một chuỗi rèn luyện bao gồm ba giai đoạn cơ bản để tiếp thu điều mới: giai đoạn tưởng tượng, thời kì bạn cảm nhận sức sống và niềm say mê đi cùng với một kinh nghiệm tích lũy, giai đoạn rõ ràng, thời kì bạn cần phải đưa ra những cam kết cho bản thân để đạt được cũng như làm chủ một khả năng cụ thể và giai đoạn thực hiện, thời kì bạn áp dụng trực tiếp năng lực này vào những tình huống thực tế trong cuộc sống. Nhiều người vô cùng vui sướng khi khám phá được năng lực mới của bản thân nhưng sau đó lại chẳng làm gì cả để phát triển khả năng đó. Tôi đã từng rất hứng thú lúc nhận ra rằng “Tôi có thể vẽ” sau khi làm theo một số bài tập trong quyển sách Draning on the Ringt Side of the Brain (Khả năng vẽ bên phần não phải) của Betty Edward. Đó là mười hai năm về trước và tôi chỉ rèn luyện rất ít để tiếp tục phát triển khả năng vẽ của mình.

 

Đó là lý do tại sao, sau khi đã được “đánh thức”, việc tìm cho mình nguồn hỗ trợ, như một nhóm học tập, chương trình mở rộng, khóa học hàm thụ hoặc một khóa học nghề nhằm giúp bạn từng bước phát triển tiềm năng của mình lại rất quan trọng.

 

Ước tính hàng năm có khoảng 40 triệu người Mỹ trưởng thành tham gia vào các hoạt động giáo dục giúp phát triển tiềm năng trong mỗi người. Thông qua những chương trình giáo dục này, bạn có thể tham gia rất nhiều hình thức hoạt động học tập liên quan đến các loại hình thông minh, từ thiết kế chăn, viết nhật ký tới quản lý tài chính cá nhân, chơi kèn tuba và giúp đỡ người vô gia cư. Thậm chí có cả dịch vụ môi giới học tập có thể giúp bạn xác định nhu cầu của mình, đặt ra mục tiêu và liên kết với những nguồn học tập phù hợp theo lĩnh vực của bạn. (đối với liệt kê từng phần, hãy xem cuốn sách The Lifeling Learner (Người học suốt đời) của Ronald Gross.

Nhiều người lại chọn cách phát triển sự thông minh của họ thông qua các kế hoạch học tập cá nhân. Patrick Penland, nhà nghiên cứu về giáo dục cho người trưởng thành thuộc Đại học Pitesburgh, chỉ ra rằng cứ ba trong bốn người trưởng thành lại đặt một hoặc nhiều kế hoạch học tập riêng cho họ mỗi năm. Những kế hoạch này bao gồm các hoạt động như làm vườn, sửa chữa động cơ ô tô hoặc may một bộ quần áo cùng với thời hạn hoàn thành trong khoảng 156 giờ. Hãy nghĩ đến những kế hoạch hoặc chương trình giáo dục mà bạn muốn tham gia để phát triển tiềm năng của mình. Dành thời gian xem xét lại bản liệt kê “25 cách để nâng cao sự hiểu biết của bạn” từ Chương 2 tới Chương 8. Sau đó hãy làm bài tập sau. Nó sẽ giúp bạn nhận biết được rõ hơn tiềm năng còn ẩn giấu của bạn và đưa ra kế hoạch nằm phát triển tiềm năng đó.

Chọn một trong bảy loại hình thông minh để rèn luyện. Bạn có thể chọn một loại thông minh mà bạn thấy dường như vẫn rõ nét trong ký ức tuổi thơ. Hoặc thay vào đó bạn có thể tập trung vào một loại thông minh có sự liên hệ với kế hoạch hoặc giấc mơ cụ thể mà bạn luôn nghĩ đến trong thời gian rảnh rỗi. Thậm chí bạn có thể quyết định chọn một loại thông minh theo kiểu: “Nếu ngày mai tôi chết, loại thông minh nào tôi sẽ cảm thấy hối tiếc vì đã không phát triển nó trong cuộc đời?”

Viết tên của loại thông minh này ra đầu một tờ giấy. Sau đó, viết câu chuyện về cuộc đời bạn liên quan đến loại thông minh đó. Bạn có thể bắt đầu bằng cách viết về những ký ức đầu tiên bạn thấy nhớ nhất về dạng thông minh này. Gồm những ví dụ về kinh nghiệm tích lũy ở thời kỳ thơ ấu, nếu có. Ngoài ra, hãy đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực có thể đã khiến bạn không thể phát huy trí thông minh này – sự xấu hổ, bẽ mặt, tổn thương hoặc bị bỏ mặc. Bao gồm cả những người quan trọng từng khuyến khích hoặc cản trở việc phát triển khả năng của bạn. Hãy tiếp tục viết về tiềm năng có thể đã xuất hiện ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của bạn (tuổi thơ sau này, thời thanh niên, thời kỳ đầu của tuổi trưởng thành) khi bạn cố gắng phát triển nó. Cuối cùng, viết về cách mà hiện thời bạn đang sử dụng loại thông minh này (có phải nó đang hiện hữu, im lìm hay chỉ được bộc lộ rất ít ra bên ngoài?).

Dưới tự luyện, hãy viết ra năm việc bạn đặt kế hoạch thực hiện trong các tháng và năm tới theo những thời kỳ cụ thể để phát triển loại thông minh đó. Kế hoạch ấy có thể bao gồm một số yếu tố sau:

  • Các khóa học
  • Những người có thể giúp bạn
  • Những quyển sách có thể định hướng bạn
  • Những tổ chức bạn có thể tham gia
  • Phần mềm bạn có thể sử dụng
  • Những công cụ học tập bạn có thể kiếm được.

Phần “phương pháp” ở đằng sau quyển sách này bao gồm những cuốn sách, phần mềm, tổ chức và các tài liệu giúp bạn đẩy mạnh sự phát triển của mỗi loại trong bảy loại hình thông minh.

Những người tư duy không gian có thể thích làm bài tập theo mốc thời gian, bài viết về tranh ảnh hoặc một chuỗi họa tiết. Những người có khả năng tương tác cá nhân, mặt khác, có thể đơn giản chỉ muốn kể câu chuyện của họ với một người bạn tin cậy.

Bài tập ở trên giúp bạn nhận biết được khả năng tiềm ẩn của bạn có một lịch sử độc đáo của chính nó. Hãy sử dụng tự truyện như một bản đồ để giúp bạn tạo ra kế hoạch phát triển khả năng này. Bạn cũng có thể áp dụng bài tập trên vào sáu loại hình thông minh còn lại để so sánh quá trình xuất hiện của chúng.

Một khi đã lập được kế hoạch cụ thể nhằm biến một tiềm năng thành hiện thực, bạn phải chắc chắn khẳng định nó theo cách cụ thể nào đấy. Sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều bạn có thể có ít nhất bảy cách khác nhau:

  • Ngôn  ngữ: đặt cụm từ Tiến hành! Trên một tờ áp phích như một sự nhắc nhở.
  • Không gian: tưởng tượng bản thân đang làm một công việc cụ thể có liên quan tới loại thông minh này.
  • Âm nhạc: chơi một bản nhạc tạo sự thúc đẩy như: “Bạn cần phải có trái tim”, hoặc “Đi trên đôi chân của bạn” bằng máy thu âm.
  • Vận động thân thể: sử dụng dấu ra hiệu tán thành để thể hiên sự quyết tâm của bạn bất cứ khi nào bạn bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về kế hoạch của mình.
  • Lô – gic toán học: tạo một áp phích và viết lên đó thời gian bạn dự định sẽ đạt được mục tiêu của mình.
  • Tương tác cá nhân: kể cho người khác nghe về kế hoạch thực hiện của bạn và thời điểm bạn hoàn thành nó.
  • Nhận thức bản thân: chiêm nghiệm sâu sắc về lòng quyết tâm sẽ tiến đến mục tiêu của mình

Chính quyết tâm này là phẩm chất cuối cùng đặt biệt quan trọng giúp một cá nhân vượt qua những thử thách và trở ngại để đạt được thành công to lớn. Cam kết này khi kết hợp với các nhân tố khác được nhắc tới trong chương này, có thể tạo nên những điều kỳ diệu.

Trong cuốn sách của mình See you at the top (Trên đỉnh vinh quang), Zig Ziglar viết về chuyên gia mỹ phẩm – Mary Kay Ash, người đã vượt qua thời kỳ khởi đầu khó khăn trong sự nghiệp kinh doanh của mình và từng phái tằn tiện để có đủ tiền tham dự lễ trao giải doanh nhân quốc gia. Trong buổi tiệc chúc mừng danh hiệu Nữ hoàng doanh thu của buổi lễ trao giải, bà đã đưa ra một quyết định dẫn bà đến con đường thành công. Chính trong buổi lễ ấy, bà đã tuyên bố với mọi người rằng trong các năm tới chính bà sẽ đạt được danh hiệu này. Sự quyết tâm đã giúp bà đạt được mục tiêu đó và cả những mục tiêu sau này trong quá trình xây dựng cơ sở sản xuất mỹ phẩm hàng triệu đô la của bà.

Không phải ai cũng có thể đạt được thành công như Mary. Nhưng mỗi người đều có thể đưa ra những mục tiêu thành công cho mình và thực hiện chúng. Người Hopis có niềm tin rằng mỗi người khi sinh ra đều có tài năng và mục đích của cuộc sống là phải nhận biết được tài năng đó. Như Joseph Campell đã nói tất cả mọi người cần phải “đi theo hạnh phúc của mình” và giữ nguyên vẹn những ước mơ sâu xa nhất của bản thân. Tiểu thuyết gia Tom Clancy, một người cũng có tài năng nở muộn (ông bắt đầu cuốn truyện đầu tiên của mình vào tuổi 35) đã nói rằng: “Không có gì thực như ước mơ. Thế giới có thể thay đổi nhưng ước mơ thì không. Trách nhiệm không thể thay đổi nhưng ước mơ thì không. Trách nhiệm không thể xóa bỏ nó. Nghĩa vụ không thể che mờ nó. Bởi vì ước mơ nằm bên trong bạn, không ai có thể mang nó đi.”

---o0o---

Trích “7 loại hình thông minh”

Tác giả: Thomas Armstrong

Người dịch: Mạnh Hải, Thu Hiền

NXB Lao Động, 2007

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan