NỖ LỰC CHÍNH YẾU - PHÁP NÚI – DUDJOM RINPOCHE

NỖ LỰC CHÍNH YẾU

PHÁP NÚI – DUDJOM RINPOCHE

Dịch và bình luận bởi Keith Dowman

Việt dịch: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

-----o0o-----

Vào lúc cuối cùng, trí năng cạn kiệt, ý hướng tiêu tan, như không gian bên trong của một cái chai bể hợp nhất với không gian bên ngoài, thân thể tan thành những nguyên tử và tâm tan vào pháp giới tánh. Điều này gọi là “chuyển hóa thành thân cái bình trẻ trung”, sự rạng rỡ bên trong của dòng tương tục nền tảng bổn nguyên.
NỖ LỰC CHÍNH YẾU - PHÁP NÚI – DUDJOM RINPOCHE

Làm Thế Nào Đi Trực Tiếp Vào Thực Hành Sau Khi Nhổ Gốc Những Quan Niệm Sai Lầm Và Nghi Ngờ Về Cái Thấy, Thiền Định, Và Hành Động.

Thứ nhất, về cái thấy thấu hiểu cái thực sự đang là, bản tánh tối hậu của tự tâm, trạng thái hiện hữu tự nhiên của nó thoát khỏi mọi loại phân biệt mà tâm phân biệt áp đặt, được gọi một cách quy ước là rigpa, hiện diện thanh tịnh. Rigpa sanh khởi trần trụi trong cái biết hay tánh giác bất nhị biểu lộ tự phát ngay tại đây và bây giờ. Nó không thể diễn tả bằng lời và không thể chỉ ra bằng ẩn dụ. Nó không phải là sự mê mờ của sanh tử cũng không phải sự sáng suốt của niết bàn. Nó không sanh và nó không diệt. Nó không thể được giải thoát và nó không thể rơi vào sai lầm. Nó không hiện hữu cũng không là không hiện hữu. Nó không là vô tận cũng không bị buộc vào bất kỳ phương hướng nào.

Tóm lại, trong tại đây và bây giờ, bởi vì nó không được xác minh là cái gì, trạng thái hay hành động đặc biệt, nó có khuôn mặt nguyên thủy của tánh Không, thanh tịnh từ ban sơ, tỏa khắp và thâm nhập khắp. Bởi vì sự lộng lẫy vô ngại của tánh Không và vô số bộ phận cấu thành của sanh tử và niết bàn thì không thể chia tách giống như mặt trời và những tia sáng của nó, tánh Không được kinh nghiệm một cách tích cực như cái gì đó và nó có bản tánh nội tại của tánh giác bất nhị của vũ trụ sanh khởi tự phát và thanh tịnh. Như vậy, sự nhận biết sự hiện diện của cái đang là, như trạng thái tự nhiên của chúng sanh trong cái bây giờ, ‘chân ngã’ gồm ba thân Phật, sự hiện diện thanh tịnh là sự hợp nhất của ánh sáng và tánh Không, được gọi là cái Thấy của Đại Toàn Thiện không thể nghĩ bàn.

Như đại đạo sư Padmasambhava nói, “Pháp thân không thể nghĩ bàn là bản tánh đích thực của tâm.” Ôi! Thật là một niềm vui không thể diễn tả khi giữ được tâm của Kuntuzangpo trong bàn tay con!

Cái thấy này là tinh hoa của sáu mươi bốn trăm ngàn tantra của Đại Toàn Thiện, chúng lại là tinh túy của tám mươi bốn ngàn phương diện của giáo pháp Đức Phật. Không có chỗ nào vượt khỏi cái này và trong viễn cảnh này con sẽ giải quyết mọi nghi ngờ của con, cuối cùng, trên mọi cấp độ.

Thứ hai, bây giờ tất cả những nghi ngờ và quan niệm sai lầm về cái thấy Dzogchen đã được giải quyết, duy trì sự liên tục của cái thấy ấy là thiền định. Hãy quên mọi loại thiền định khác, được quan niệm bằng tâm thức và những thiền định được thiết kế có một đối tượng hay mục tiêu nào đó – con không làm gì với loại ấy. Dưới sự cung ứng của cái thấy được làm sáng tỏ ở trên, sức mạnh của nó được duy trì, hãy thả lỏng và thư giãn trong dòng chảy tự nhiên của mọi cái biết ở năm cửa giác quan.

Thiền định với một bình luận song song của tâm thức nhận ra những phương diện đặc biệt của một tiến trình thì không phải là thiền định. Nó là hoạt động trí thức. Thật ra, không có gì để thiền định về, và không có tiến trình của thiền định. Nhưng chớ để cho một khoảnh khắc không chú ý. Lang thang khỏi tự tỉnh giác là mê lầm đích thực, thế nên chớ xao lãng! Bất cứ tư tưởng nào sanh khởi, hãy để nó sanh khởi, nhưng không theo và không ngăn chặn nó.

Bấy giờ, phải làm gì? Bất cứ thông tin đối tượng giác quan nào sanh khởi chỉ là hiện tướng, không bám nắm hình tướng của nó, mà đúng ra, ở trong sự tươi mới nguyên sơ của kinh nghiệm, giống như cái nhìn của một đứa trẻ chuyển động quanh một ngôi chùa xây bằng huyễn thuật mà không trụ vào chỗ nào. Mọi hiện tượng tâm thức chốc lát ở trong chính chỗ của chúng, hình tướng không bị sửa đổi, màu sắc không thay đổi, và sự lộng lẫy bất biến. Hơn nữa, bằng cách giữ những ấn tượng giác quan không bị hư hại vì những tư tưởng tham lam bám nắm, tất cả những hiện tướng của tâm sanh khởi như là tánh giác bất nhị trần trụi của tánh Không sáng rỡ.

Một số người khả năng kém có thể mê mờ bởi mọi giáo lý “sâu thẳm và bao la” này và nếu tôi phải cô đọng nghĩa của chúng trong chỉ bày tinh chất cho họ, tôi sẽ nói thế này: Trong khoảng hở giữa sự dừng dứt của một tư tưởng và sự sanh ra của cái kế tiếp, có phải có một khoảnh khắc bất động của thức tại đây và bây giờ, nó là tánh giác trần trụi trong sáng? Hô! Đó chắc chắn là bản thân hiện diện thanh tịnh! Và bởi vì con không thể trụ trong không gian ấy của tánh Như thanh tịnh, thì không tránh được sẽ có một tư tưởng sanh khởi, có phải không? Tư tưởng ấy là sự biểu lộ sáng tạo của hiện diện thanh tịnh! Khi con không nhận biết tự thân tư tưởng ngay khi nó khởi, nó sanh sôi nảy nở thành tư tưởng phân biệt lang thang mà có thể được gọi là “một chuỗi xích của mê lầm” và đó là nguồn gốc của sanh tử. Khi con nhận biết tư tưởng ngay lúc nó hình thành và chỉ để nó như vậy không chạy theo nó, bất cứ tư tưởng nào sanh khởi đều giải thoát một cách tự nhiên vào không gian của hiện diện thanh tịnh, pháp thân.

Trong thiền định ấy những chuỗi của cái thấy trekcho (cắt đứt) và thiền định được bện với nhau. Nó tạo thành nền tảng của thiền định Dzogchen. Guru nguyên thủy, Garab Dorje nói,

Từ trong bản tánh của không gian vốn thanh tịnh

Chánh niệm về tánh giác ngay khi nó biểu lộ

Thì giống như tìm thấy viên ngọc ở đáy đại dương.

Đây là pháp thân, không do thiết kế, tạo tác bởi bất kỳ ai.

An trụ trong kinh nghiệm này không xao lãng, cả ngày và đêm, tánh Không là một thực tại thường thể nghiệm, hiện diện thanh tịnh là ngôi nhà của con.

Thứ ba, qua hành động, thiền định được hiện thực hóa và thực hành được đi vào một cách trực tiếp.

Tôi đã nói ở trước và nói lại lần nữa, “Chớ phân biệt dù một khoảnh khắc giữa Guru – Lama và Đức Phật, và hãy cầu nguyện đến ngài từ trái tim với sùng mộ nhiệt thành”. Sùng mộ như vậy là thuốc bách bệnh phổ quát và không có cách gì tốt hơn để xua tan những chướng ngại, để hiện thực hóa thiền định của con, và để trực tiếp đến đích.

Về những lỗi lầm trong thiền định: Khi bị chìm trong hôn trầm, con cần đề khởi tỉnh giác; và khi xao lãng không yên con phải thư giãn tâm sâu vào bên trong. Nhưng điều này không nên ép buộc, cưỡng bách bằng sự áp dụng dòng tâm thiền định nhấp nháy, mà đúng hơn, chỉ nhớ nhận biết bản tánh của tâm. Sự nhận biết này được duy trì liên tục, trong mọi hoàn cảnh, khi ăn, ngủ, đi, ngồi, và trong mỗi hoạt động, trong cả những thời ngồi thiền chính thức và cũng trong những khoảng giữa chúng. Bất cứ tư tưởng nào khởi lên, vui hay buồn, hay bị nhuốm màu cảm xúc nào, mọi tư tưởng được để tự chúng, không hy vọng hay lo sợ, không chối bỏ hay yêu quý, và không thử làm trung hòa chúng bằng những đối trị. Bất cứ cảm giác vui hay khổ nào đều được để vào bản tánh thật của chúng – không ô nhiễm, nguyên sơ, tươi mới và sống động. Con sẽ thấy rằng con luôn luôn trở lại một điểm chính duy nhất, thế nên chớ làm bận rộn đầu óc với mọi loại lý thuyết tâm lý học. Cũng vậy, hãy nhớ rằng không cần thiết tập chú vào phương diện tánh Không như một đối trị với những tư tưởng và cảm xúc phê phán, phân biệt không muốn có. Đồng thời với sự nhận ra chúng là hiện diện thanh tịnh chúng tự động giải thoát như một con rắn tự mở sự cuộn vòng của nó. 

Những ngày này nhiều loại người biết làm sao diễn tả bằng lời nói nghĩa tối hậu ẩn giấu của Tâm Kim Cương Tịnh Quang (Wosel Dorje Nyingpo), nhưng nếu họ không có kinh nghiệm chứng thực về nó thì lời kể lể của họ giống như một con két nói tầm phào. Chúng ta là những người rất may mắn!

Bây giờ có cái khác con phải hiểu. Hai kẻ thù chết chóc đã trói buộc chúng ta vào sanh tử từ vô thủy là Người Nắm Giữ và Cái Được Nắm Giữ. Bằng ân huệ của Guru – Lama giới thiệu vào pháp thân thường trụ, bây giờ hai kẻ thù ấy đã cháy tiêu như một lông chim chạm vào lửa, không để lại dấu vết tàn dư. Đó là một cú đánh! Nhưng nếu con không hiện thực hóa giáo huấn sâu xa của phương pháp trực tiếp đã có được, thì giống như đặt một viên ngọc như ý vào miệng một xác chết. Uổng biết bao! Chớ để tâm mục nát! Hãy làm nó bây giờ!

Về tâm của người mới học: Con sẽ thấy rằng những tư tưởng đen tối xâm chiếm và ngấm vào tâm và không tránh khỏi tạo ra những xao lãng trầm trọng. Những dòng tư tưởng xấu như vậy sẽ sinh sôi, dẫn con vào mất chánh niệm nơi con sẽ lưu lại cho đến khi một sự nhớ lại rõ ràng đưa con trở lại ánh sáng với tư tưởng hối hận. “Tôi đã lang thang!” Khi điều này xảy ra, chớ gián đoạn những tư tưởng ấy và chớ cảm thấy tội lỗi và vân vân, mà chỉ duy trì dòng chảy bắt đầu bằng lấy lại chánh niệm về bản tánh của tâm.

“Chớ chối bỏ những tư tưởng của con – hãy thấy chúng là pháp thân”. Sự khiển trách thường được trích dẫn này thì hoàn toàn rất tốt, nhưng trừ phi khả năng quán chiếu thấu suốt của con được nâng cao, chừng nào con còn ở trong một trạng thái yên tĩnh trống không mà chỉ nghĩ, “đây là pháp thân” thì sẽ dẫn đến một bình thản không hứng khởi trong đó không có tỉnh giác những sự vật tự chúng là thế nào. Thế nên lúc ban đầu chỉ nhìn chăm chú, không lan man vào những tư tưởng ngay khi chúng sanh khởi, nhận ra cùng với người biết những tư tưởng, giống như một người già trông những đứa trẻ đang chơi, trông chừng mà không thấy, thấy mà không phán xét. Ở trong cái nhìn cố định này con sẽ rơi vào một trạng thái không có tư tưởng, nó thình lình bị hủy diệt (chẳng hạn bằng một âm PHAT) và trong khoảnh khắc ấy trí huệ bổn nguyên vượt khỏi tâm sẽ biểu lộ trong tất cả sự trong sáng trần trụi của nó.

Theo thời gian, con sẽ kinh nghiệm lạc phúc, sáng tỏ và không có tư tưởng và nếu con vẫn thoát khỏi mọi tự hài lòng, bám chấp tự phụ, những hy vọng và sợ hãi, con sẽ không đi lạc.

Quan trọng cốt yếu là từ bỏ bám luyến vào xao lãng và thiền định với chú ý nhất tâm. Rơi vào phân tích trí thức trong kinh nghiệm thiền định không liên tục, tập trung tĩnh lặng sẽ tràn ngập và con sẽ tự đắc và tự mãn. Không thâm nhập được những phương diện của kinh nghiệm thiền định sâu xa, chỉ được thuận tiện trong diễn tả bằng lời và thi vị, lợi lạc sẽ không tăng trưởng.

Hãy nhớ những câu cách ngôn Dzogchen xưa, “Hiểu biết trí thức giống như một miếng vá – nó sẽ hư mòn,” và “Kinh nghiệm tâm linh huyền bí giống như sương – nó sẽ tan biến”. Ngay cả những người lão luyện cũng có thể bị đánh lừa bởi những sự cố tầm thường – tốt hay xấu – và để mất mình trong đó. Và dù sau khi tác động của thiền định đã đánh trúng tâm, trừ phi nó được trau dồi liên tục, những lời chỉ dạy sâu xa sẽ chỉ nằm trong những trang sách. Thiền định đích thực không thể lộ ra từ một tâm không được tinh luyện, một lối tiếp cận hoang dã hay một thực hành không có kỹ luật. Các con là những thiền giả tóc đã hoa râm, vẫn còn là những người tập sự trong thực hành, hãy coi chừng! Con có thể chết với muối phủ đầy trong tâm!

Sau khi con đã quen với cách này trong một thời gian dài, nhờ vào sùng mộ hay tác nhân nào như vậy, kinh nghiệm hiện thực sẽ trở thành chứng ngộ và con sẽ thấy hiện diện thanh tịnh trần trụi và chiếu sáng. Giống như lấy một cái mũ trùm đầu lâu ngày ra khỏi đầu con, thật là nhẹ nhỏm! – sự mù lòa được thay thế bằng cái thấy tối thượng, cái thấy không có gì để thấy. Bây giờ tư tưởng lang thang sanh khởi như thiền định, tĩnh và động đều giải thoát như nhau. Ban đầu, nhận biết những tư tưởng giống như gặp một người bạn cũ. Về sau, sự giải thoát tự động của những tư tưởng giống như một con rắn mở nút khoanh của nó. Cuối cùng, sự giải thoát không có ảnh hưởng của những tư tưởng giống như một tên trộm vào một nhà trống không. Con sẽ kinh nghiệm ba cách giải thoát này lần lượt. Một tin chắc mạnh mẽ, bất biến sẽ sanh khởi từ bên trong rằng mọi hiện tượng là một phô diễn huyễn thuật của hiện diện thanh tịnh hay tánh giác. Những cuộn sóng của tánh Không và lòng bi sẽ vỡ tung. Khuynh hướng phân biệt giữa sanh tử và niết bàn tan biến. Không có sự phân biệt nào sanh ra giữa Phật và chúng sanh. Bất kể con làm gì con không thể tách lìa khỏi không gian bản tánh của tâm trong suốt hai mươi bốn giờ một ngày. Thế nên có nói trong Đại Toàn Thiện: “Chứng ngộ, như bầu trời, là bất biến.”

Thiền giả với chứng ngộ này có thân thể của một người bình thường, nhưng tâm người ấy an trụ trong Phật lực của pháp thân vô tác và vượt qua mọi con đường và địa bằng không hành động.

Vào lúc cuối cùng, trí năng cạn kiệt, ý hướng tiêu tan, như không gian bên trong của một cái chai bể hợp nhất với không gian bên ngoài, thân thể tan thành những nguyên tử và tâm tan vào pháp giới tánh. Điều này gọi là “chuyển hóa thành thân cái bình trẻ trung”, sự rạng rỡ bên trong của dòng tương tục nền tảng bổn nguyên. Và sẽ như thế. Hoàn tất này của cái thấy, thiền định và hành động được gọi là sự hiện thực hóa mục tiêu không thể đạt được. Những cấp độ hòa nhập của kinh nghiệm và chứng ngộ có thể sanh khởi lần lượt, không có trật tự đặc biệt, hay tức thời, tùy theo khả năng của cá nhân. Nhưng vào lúc hoàn tất tột đỉnh, thì không có phân biệt nào.

-----o0o-----

Trích “Pháp Núi”

Tác giả: Dudjom Rinpoche

Dịch và bình luận bởi Keith Dowman

Việt dịch: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

NXB Thiện Tri Thức, 2020

Bài viết liên quan