NƠI PHẬT PHÁP HẦU NHƯ BẤT LỰC - Nguyễn Thế Đăng  - Văn Hóa Phật Giáo - 2013

NƠI PHẬT PHÁP HẦU NHƯ BẤT LỰC

Nguyễn Thế Đăng 

Văn Hóa Phật Giáo - 2013

Như thế, chính là y vào định luật nhân quả mà chúng ta tạo ra nghiệp tốt, thiện, thay vì tạo ra nghiệp xấu, ác. Làm một điều thiện thì hạnh phúc nơi một điều thiện. Làm ba điều thiện thì hạnh phúc nơi ba điều thiện. Và điều thiện càng lớn rộng, càng sâu xa, thì hạnh phúc càng lớn rộng và sâu xa. Và dần dần chúng ta tiếp cận được hạnh phúc tối thượng, bất biến. Đi vào hạnh...
NƠI PHẬT PHÁP HẦU NHƯ BẤT LỰC - Nguyễn Thế Đăng  - Văn Hóa Phật Giáo - 2013
  1. Một vấn đề chưa thể giải quyết

 Cuối năm 2012, một kẻ sát nhân mới 20 tuổi, bắn chết mẹ mình rồi đến một trường tiểu học bang Connecticut bắn chết 20 em nhỏ và 6 người lớn ở trường. Chỉ vài hôm sau, một vụ bắn giết khác. Trước đó vài năm là những vụ bắn giết ở trường học của Mỹ.

Sau vụ việc, Hiệp hội súng đạn Mỹ kêu gọi trang bị súng cho tất cả các trường học để ngăn chặn thảm kịch trên tái diễn. Báo New York Times tức giận thốt lên: “Đó là lời phát biểu gian dối, ảo tưởng, gần như loạn trí”.

Không những người dân Mỹ mà cả thế giới ai cũng kinh sợ, đau xót. Riêng Chính phủ Mỹ, kể từ ít ra là thời Clinton, đã muốn bãi bỏ hoặc ít nhất giới hạn luật cho tự do giữ súng. Hơn 300 triệu người Mỹ thì gần 300 triệu khẩu súng. Thế nhưng những nhà làm và bán súng không chấp nhận vì quyền lợi của họ với đủ lý do hợp lý, hợp pháp và cả hợp hiến nữa. Người dân thích chơi súng cũng phản đối. Dĩ nhiên có các dân biểu Quốc hội hỗ trợ để có thể bác bỏ một dự luật cấm súng.

Thế nên chúng ta đặt tiêu đề “một vấn đề chưa thể giải quyết”. Rất khó giải quyết vì ngày nào tham tiền và quyền lợi, tham vọng chính trị bất chấp lương tri… thì pháp luật không thể giải quyết vì pháp luật bị điều khiển và bóp méo bởi những xúc tình tham sân si của con người.

Với một quốc gia như nước Mỹ, văn minh nhất, khoa học kỹ thuật nhất, các đại học nhất, xã hội giàu có và được tổ chức tinh vi nhất… nhưng cũng không thắng nổi những tham lam vô lý của một số người cũng dựa vào luật pháp và hiến pháp, dựa vào chế độ tự do bầu cử để bác bỏ điều mà ai cũng thấy là phải làm.

Đó chỉ là một vấn đề rắc rối, một vấn nạn của nước Mỹ. Chắc chắn ở những nước mà xã hội kém phát triển thì có nhiều vấn nạn hơn nữa. Nhìn rộng ra, một nghị quyết hợp lý của Liên Hiệp Quốc bị một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an bác bỏ vì quyền lợi riêng của nước mình, hay ngân sách quân sự mỗi năm mỗi tăng, chiến tranh, khủng bố, phá hoại môi trường, hố ngăn cách giàu nghèo… là những vấn nạn hầu như chưa được giải quyết, mặc dầu chúng ta tự cho là văn minh nhất, tiến bộ nhất từ khi có lịch sử loài người.

Phải chăng có những vấn nạn mà sự phối hợp nhiều kiến thức, nhiều ngành học, nhiều phương pháp tổ chức xã hội, nhiều luật lệ tinh vi, cũng đành bất lực? Phải chăng pháp luật, điều xã hội nào cũng cần có và là sự biểu lộ của lương tri con người về công bình, cũng chẳng có ý nghĩa gì mấy trước sự tham sân si không hợp lý của con người? Phải chăng mọi vấn nạn của xã hội, và nói rộng ra, của thế giới không nằm trong xã hội và thế giới, mà nằm chính ngay trong con người?

Đây là một vấn đề khổ tâm chưa giải quyết được, mặc dù sự văn minh, tiến bộ trong tất cả mọi lãnh vực xã hội là không thể chối cãi. Một vấn đề khổ tâm gây đau khổ, một căn bệnh xã hội, nói theo Phật giáo là một vấn đề nằm trong chân lý thứ nhất về sự khổ (Khổ đế).

Khi cuộc đời chịu thua, dù được trang bị bằng những thành tựu cao nhất của nhân loại, chúng ta hãy đi tìm một giải pháp theo Phật giáo.

  1. Nguyên nhân của vấn nạn.

Những vấn nạn trên có thể được giải quyết tận gốc nếu chúng ta nhìn ra những nguyên nhân tạo ra các cái khổ này. Chúng ta thấy pháp luật, công lý thì không sai. Chẳng hạn Công ước về lãnh hải của Liên Hiệp Quốc có thể chưa hoàn chỉnh nhưng không sai. Những ước vọng ngàn đời của nhân loại về công bình, bình đẳng, văn minh – nghĩa là sự tiến bộ của con người về vật chất và tinh thần – thì không sai.

 Cái sai nằm ở lòng tham lam bất hợp lý. Tham chưa được hay không được thì tức giận. Tức giận thì giành giựt bằng bất cứ giá nào, thậm chí đến đánh nhau. Rồi cái si mê tự cho mình là đúng, mình có quyền sống, mình có quyền hạnh phúc bất chấp quyền sống và quyền hạnh phúc của người khác.

Những cái tham, sân, si, kiêu căng, đố kỵ, nghi ngờ, hiếu chiến… khiến những tương quan với người khác bị hư hỏng, làm hư hỏng người khác đồng thời làm hư hỏng chính tính người của chúng ta. Làm hỏng tính người của chúng ta vì tính người của chúng ta là hướng đến công bình, bình đẳng, sáng suốt, từ bi… hướng đến Chân Thiện Mỹ trong tất cả mọi mặt của mình cũng như của xã hội.

Tham lam vô lý, tức giận, hiếu chiến, cố chấp si mê… là những cái Phật giáo gọi là những phiền não. Chính những phiền não này làm hại chúng ta trước hết, sau đó làm hại đến người khác. Chúng là những kẻ thù đích thực ở ngay trong ta mà chúng ta phải điều phục, phải chiến thắng nếu muốn không bị chúng làm hại, nếu muốn sống một đời hạnh phúc. Những phiền não ấy là những nguyên nhân của mọi vấn nạn, từ con người cho đến xã hội. Phật giáo nhận diện chúng là những nguyên nhân được tích tập trong tối tăm mê mờ rồi tạo ra khổ đau, vấn nạn. Đó là chân lý về sự tích tập khổ đau, Tập đế.

Giải tán, chiến thắng những nguyên nhân của khổ đau do mình tự tạo thay vì chiến thắng người khác hay thiên nhiên, đó là hạnh phúc:

Dầu ngoài bãi chiến trường

Thắng hàng vạn quân địch

Tự thắng mình tốt hơn

Thật chiến thắng tối thượng.

(Kinh Pháp Cú, phẩm Ngàn)

Chiến thắng sinh thù oán

Thất bại chịu khổ đau

Hạnh phúc, sống tịnh lạc

Bỏ sau mọi thắng bại.

(Phẩm Hạnh phúc)

  1. Cá nhân và xã hội hạnh phúc

Nếu chúng ta từ bỏ được những nguyên nhân gây ra vấn nạn khổ đau (bằng từ bi, trí huệ, nguyện vọng cao cả…) thì chúng ta được hạnh phúc và xã hội hạnh phúc, vì những nguyên nhân gây ra khổ đau đã diệt dứt. Điều này Phật giáo gọi là Diệt đế, chân lý về sự diệt dứt.

Chúng ta đều muốn sống trong một xã hội hòa bình, an toàn; người thường không có ai mang dao, súng. Rộng ra, một thế giới hòa bình, an toàn, màu xanh của những cánh đồng lúa, những nông trại trái cây nhiều hơn bom đạn, trái đất mãi mãi xanh tươi hơn là khói lửa của chiến tranh. Giải trừ vũ khí, giải trừ quân bị cho cá nhân và quốc gia không đợi đến thế kỷ 20 với hai cuộc đại chiến và rất nhiều cuộc chiến khác mới được kêu gọi. Từ thời Đức Phật, Ngài đã nói đến xã hội không còn bạo lực, không còn vũ khí, không còn “gậy gộc” không chỉ ở ngoài đời mà còn ở trong tâm thức. Một tâm thức không có sự xấu ác của bạo lực, thì tâm thức ấy hẳn phải hạnh phúc.

Ai cũng sợ gậy gộc

Tất cả đều sợ chết

Lấy ta suy ra người

Chớ giết, chớ bảo giết.

Ai cũng sợ gậy gộc

Ai cũng quý mạng sống

Lấy ta suy ra người

Chớ giết, chớ bảo giết.

(Phẩm Gậy gộc, 129, 130)

Dầu ăn mặc sang trọng

Nhưng an tịnh, nhiếp phục

Sống vững vàng, thanh tịnh

Không dùng gậy với ai

Ấy là người cao quý

Là Sa-môn, Tỳ-kheo.

(Phẩm Gậy gộc, 134)

Một xã hội cho đến một thế giới không có gậy gộc, không có bạo lực, từ trong tâm cho đến ngoài, là một xã hội và một thế giới hòa bình và hạnh phúc mà đạo Phật luôn luôn dẫn dắt mọi người thực hiện, vượt khỏi những nghiệp của thân phận làm người là giết hại, trộm cướp, tà dâm nói dối và say sưa mê mờ.

  1. Phương pháp giải quyết vấn nạn

Những phương pháp, những con đường thực hành để đưa đến sự tận diệt những phiền não, những thứ xấu ác trong lòng người, điều mà pháp luật, xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục… không thể làm một cách triệt để, thì có rất nhiều. Ở đây chỉ nói đến năm giới, những đức tính căn bản để làm người. Năm giới ấy đặt trên nền tảng định luật nhân quả.

Chúng ta thấy phương pháp của đạo Phật, thuốc chữa bệnh của đạo Phật dù là một món chính, nhưng bao giờ cũng có nhiều món khác hỗ trợ để tiến bước đồng bộ với nhau. Chẳng hạn, không thể có giới nếu không có định (sức mạnh vững chắc của tâm khiến không lay động, không bỏ cuộc, thối lui) và huệ (tâm sáng tỏ để thấy đúng sai, phải trái, điều cần làm và điều không nên làm).

Áp dụng vào vấn nạn này, năm giới dựa trên định luật nhân quả là: Trước hết, cấm giữ và mua bán súng đạn, chất nổ, rượu mạnh, các chất kích thích gây mất tự chủ, hình ảnh bạo lực hoặc khiêu dâm… Đó là giới của mọi người cư sĩ. Không có những thứ kích thích phạm tội và phương tiện để tạo ra sự xấu ác là đã khó làm việc xấu ác rồi.

Nhưng hơn thế nữa, phải trừ diệt sự xấu ác trong tâm thức thì mới hết gốc bệnh. Có nhiều phương pháp, nhưng ở đây chúng ta chỉ nói đến năm giới đặt nền trên định luật nhân quả.

Chúng ta giữ giới, không làm điều xấu ác bởi vì gây nhân xấu ác sẽ chịu hưởng quả xấu ác.

Người ngu làm sai trái

Không ý thức điều ác

Do hành động của mình

Bị giày xéo, thiêu đốt.

Dùng gậy hại (người) không gậy

Làm ác (với) người không ác

Sớm phải chịu một loại

Trong mười khổ sau đây.

Hoặc thọ khổ khốc liệt

Thân thể bị thương tích

Hoặc mắc phải bệnh nặng

Hay loạn tâm mất trí.

Hoặc tai họa từ vua

Hay bị vu trọng tội

Ly tán với thân quyến

Hay tài sản tan hoang.

Hoặc nhà cửa chốn ở

Bị nạn lửa thiêu rụi

Khi thân thể hoại diệt

Người ngu sanh khổ cảnh.

(Phẩm Gậy gộc, 136 đến 140)

Chọn lựa nhân quả là chọn lựa cuộc đời của mình. Không chọn nhân xấu, không làm ra nhân xấu, tức là đã từ bỏ được cảnh khổ. Khi lâm vào cảnh khổ, phần đông người không biết nhân quả sẽ làm cho người chung quanh khổ sở. Đời hành hạ tôi thì tôi hành hạ lại người khác.

Người không tin nhân quả, làm biếng suy nghĩ về những hành động của mình, “vô tư”, mê tín thì khi một tai họa xảy ra lại đổ lỗi, chạy chọt gian lận lung tung. Mê tín về sự vô tội của mình thì nói, “xui rủi vậy thôi”. Mê tín về một ông trời thì cho là trời thiên vị người khác, cho họ hạnh phúc, còn riêng mình bất hạnh. Mê tín về khoa học kỹ thuật thì cho rằng mình áp dụng khoa học kỹ thuật chưa đầy đủ (xe hơi tối tân nhất chưa hẳn là thoát được tai nạn). Một cái gì mất mát, tiêu tan, lại lo kiếm tiền gấp để có lại được ngay, đôi khi cách kiếm tiền lại tiếp tục gây ra nhân xấu ác.

Thế nên, muốn cải tạo số phận thì phải cải tạo nhân quả. Giúp đỡ thực sự người nào không chỉ là giúp đỡ để khắc phục hậu quả xấu trước mắt, mà còn giúp đỡ không tạo ra những nguyên nhân xấu để khỏi tiếp tục chịu những kết quả xấu ấy. Hơn nữa còn phải giúp đỡ họ làm ra những nguyên nhân tốt để trung hòa với những hành động xấu trước kia và để hưởng được những kết quả tốt trong tương lại.

Tóm lại, sống theo nhân quả chỉ là: muốn tránh khổ đau thì đừng tạo ra nhân của khổ đau. Muốn được hạnh phúc thì hãy tạo ra nhân của hạnh phúc. Mọi người đều tự do và bình đẳng sáng tạo cuộc đời mình trước định luật nhân quả.

Năm giới căn bản là: không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu say. Thấy giản dị như vậy nhưng giữ được đến mức vi tế trong toàn bộ con người mình, trong toàn bộ thân ngữ tâm của mình là chuyện không dễ. Bởi vì tâm thanh tịnh đến đâu thì giữ giới được đến đó. Thế nên, Hòa thượng Thánh Nghiêm viết trong Giới luật học cương yếu (Tuệ Đăng phiên dịch, 2000): “Đại sư Hoằng Nhất là một vị cao tăng thời cận đại nổi tiếng về học luật và giữ luật. Nhưng ngài tự nghiệm ngài chẳng những không đủ tư cách của Tỳ-kheo, cũng không đủ tư cách của Sa-di, thậm chí còn chẳng đủ tư cách cư sĩ của năm giới đầy đủ. Chúng ta thử nghĩ: Một vị cao tăng giữ luật nghiêm cẩn mà còn không dám tự cho mình là người thanh tịnh đầy đủ năm giới, thì bọn chúng ta có ai dám nói mình là người hành trì năm giới thanh tịnh chăng?”.

Giữ được năm giới đến đâu thì thân tâm thanh tịnh và an lạc đến đó. Giữ được năm giới thì có ngay hạnh phúc. Hạnh phúc trước mắt và hàng ngày. Ngược lại, hành động trái với năm giới là bắt đầu bước vào bất hạnh.

 Người ta còn có hạnh phúc nhiều hơn khi chẳng những giữ năm giới (các xấu ác chớ làm) mà còn tích cực làm những điều ngược lại với sự xấu ác (các điều thiện nên làm). Tức là thay vì giết hại thì bảo bọc, nuôi dưỡng, che chở cho mạng sống chúng sanh; thay vì trộm cướp thì cho đi, trao tặng; thay vì tà dâm thì tiết chế và chuyển hóa năng lực tình dục thành những năng lực sáng tạo khác; thay vì vọng ngữ thì nỗ lực đạt được chân lý để nói lên lời của chân lý; thay vì uống rượu say sưa thì chánh niệm tỉnh giác. Nếu như giữ năm giới chú trọng đến hạnh phúc của mình thì tích cực làm năm điều ngược lại chú trọng đến hạnh phúc của người khác hơn, và do đó hạnh phúc được mở rộng hơn.

Như thế, chính là y vào định luật nhân quả mà chúng ta tạo ra nghiệp tốt, thiện, thay vì tạo ra nghiệp xấu, ác. Làm một điều thiện thì hạnh phúc nơi một điều thiện. Làm ba điều thiện thì hạnh phúc nơi ba điều thiện. Và điều thiện càng lớn rộng, càng sâu xa, thì hạnh phúc càng lớn rộng và sâu xa.

Và dần dần chúng ta tiếp cận được hạnh phúc tối thượng, bất biến. Đi vào hạnh phúc tối thượng, bất biến chỉ bằng không làm năm việc xấu ác và làm năm điều thiện lành trong thân ngữ tâm. Hạnh phúc ấy ở ngay trong thế gian này, trong cuộc đời này. Tâm không còn một điều xấu ác vi tế nào, tâm im lặng vì không còn phiền não để đáp trả lại cuộc đời bằng những cái xấu ác, thì tâm ấy là Niết-bàn:

Nếu tự mình im lặng

Như một cái mõ bể

Người đã đến Niết-bàn

Người không còn giận oán.

---

Văn Hóa Phật Giáo: 1-3-2013

 

Bài viết liên quan