NƠI THIỀN TÔNG VÀ MẬT TÔNG HỘI NGỘ - MƯỜI BỨC TRANH CHĂN TRÂU THẬP MỤC NGƯU ĐỒ

NƠI THIỀN TÔNG VÀ MẬT TÔNG HỘI NGỘ

MƯỜI BỨC TRANH CHĂN TRÂU THẬP MỤC NGƯU ĐỒ

Chogyam Trungpa Rinpoche

-----o0o-----

Mười bức tranh chăn trâu là sự tái hiện nổi tiếng của Thiền tông về quy trình luyện tâm, một quy trình vô cùng cơ bản tới mức nó có thể coi là nền tảng cho tất cả trường phái Phật giáo. Một cung cách sâu xa hơn để nhìn nó bằng những hạn từ của sự phát triển tâm linh từ shravakayana/ thanh văn thừa tới maha ati/đại ati hay đại toàn thiện.
NƠI THIỀN TÔNG VÀ MẬT TÔNG HỘI NGỘ - MƯỜI BỨC TRANH CHĂN TRÂU THẬP MỤC NGƯU ĐỒ

Trungpa Rinpoche thấy mười bức tranh chăn trâu (Thập mục ngưu đồ) tại nhà người xuất bản sách của ông, Sam Berholz, nơi những ngọn đồi cao phía trên khu Berkeley, California, Hoa Kì. Chính những bức vẽ này ở giữa những văn vật khác về Thiền tông do nhà thơ haiku người Mỹ là Paul Reps thu thập. Khi Reps xuất bản bộ tranh sưu tập vào năm 1957, dưới nhan đề Zen Flesh, Zen Bonesl/ Thiền nhục, Thiền cốt, nó có một hiệu ứng mạnh mẽ, tức khắc nơi những người truy cầu tâm linh và những độc giả thuộc thế hệ ấy.

Học trò thân cận của Trungpa Rinpoche là Michael Kohn (pháp danh Tây Tạng là Sherab Chodzin) tường thuật lại rằng Rinpoche rất xúc động bởi sự thể hiện của Thiền tông về những giai đoạn trên đường đạo khi lần đầu ông thấy chúng vào năm 1971, và ông bắt đầu soạn lời bàn riêng của mình {Lời bình luận của Trungpa Rinpoche bắt đầu từ trang sau.} Công việc này vẫn tiếp tục khi Trungpa Rinpoche rời Berkeley và quay về cộng đồng mới tạo dựng của ông ở Karmê Choling, Vermont, vùng đông bắc Hoa Kì.

“Bộ tranh này rất có uy lực và lơ lửng trên đầu tôi. Tôi nhớ những khóa giảng như thể chuyên chở cảm thức quyền năng đó vốn thường bao quanh Rinpoche thuở ấy, chuyên chở cái cốt tủy của giáo lí trong một sự ban phát huy hoàng. Nụ cười hoàng kim vô hình triền miên...”.

Lời bàn của Chogyam Trungpa:

Mười bức tranh chăn trâu là sự tái hiện nổi tiếng của Thiền tông về quy trình luyện tâm, một quy trình vô cùng cơ bản tới mức nó có thể coi là nền tảng cho tất cả trường phái Phật giáo. Một cung cách sâu xa hơn để nhìn nó bằng những hạn từ của sự phát triển tâm linh từ shravakayana/ thanh văn thừa tới maha ati/đại ati hay đại toàn thiện. Trong truyền thống Tây Tạng có một ẩn dụ tương tự về chăn voi, nhưng nó quy chiếu chủ yếu về phép thực hành shamatha/ thiền chỉ. Biểu tượng không đi vượt quá việc cưỡi voi. Trong những bức tranh chăn trâu, quy trình tiến hóa của việc thuần hóa trâu rất gần với quan điểm của kim cương thừa về sự chuyển hóa năng lượng. Một cách đặc thù, việc quay trở lại thế gian như một biểu hiện về lòng từ bi của nirmamakaya/ ứng thân cho thấy rằng sự thực hiện tối hậu của Thiền tự động dẫn tới trí tuệ của đại ati.

1. TÌM TRÂU

Hứng khởi cho bước đầu tiên này, việc đi tìm con trâu là cảm nhận rằng sự vật không ổn thỏa, thiếu thốn một thứ gì đó. Cảm nhận về mất mát ấy sinh ra đau đớn. Bạn đang tìm kiếm bất cứ thứ gì để tình huống được chỉnh đốn. Bạn khám phá rằng toan tính của cái tôi để tạo ra một cảnh quan lí tưởng là không thỏa mãn.

2. PHÁT HIỆN NHỮNG DẤU CHÂN

Bằng sự thông hiểu nguồn cội, bạn tìm ra khả tính để vượt thoát trạng thái này. Đó là sự tri giác về bốn chân lí cao cả tức tứ diệu đế. Bạn thấy rằng trạng thái là do hậu quả của những tranh chấp mà cái tôi tạo ra, và bạn khám phá những dấu chân của con trâu, vốn là những dấu hiệu của cái tôi trong toàn cục của các sự kiện. Bạn được cảm hứng bằng những kết luận không thể lầm lẫn và hợp lí, hơn là bằng niềm tin mù quáng. Điều này tương ứng với những con đường thanh văn thừa và pratyekabuddhayana/ duyên giác thừa hay độc giác Phật thừa hay bích chi Phật thừa.

3. NHẬN BIẾT TRÂU

Bạn giật mình khi nhận biết con trâu và bởi không còn bất cứ kì bí nào nữa, bạn tự hỏi liệu có chắc nó ở đó không; bạn nhận biết phẩm tính không có thực chất của nó. Bạn mất đi khái niệm về những tiêu chuẩn của chủ thể tính. Khi bạn bắt đầu chấp nhận sự nhận biết về tính bất nhị (chủ thể và khách thể không phải là hai thứ), bạn thư thái, bởi không còn phải bảo vệ sự tồn tại cái tôi nữa. Rồi bạn có thể cởi mở và bao dung. Bạn bắt đầu thấy một đường lối khác để đối đãi với những phóng chiếu của bạn, đó là sự hoan hỷ trong bản thân, mức độ tâm linh đầu tiên của sự tựu thành bồ tát.

4. BẮT ĐƯỢC TRÂU

Thoáng nhìn thấy bóng trâu, bạn thấy rằng bao dung và giới luật là chưa đủ để đối đãi với những phóng chiếu của bạn, bởi vì bạn còn phải vượt thoát trọn vẹn sự lấn lướt. Bạn phải thừa nhận sự chính xác của phương tiện thiện xảo (là những cách làm tốt lành), và sự đơn sơ thuần phác của việc nhìn thấy sự vật như chúng là, như gắn kết với tâm từ bi được phát triển toàn mãn. Việc chế phục sự lấn lướt không thể được thực thi trong một khuôn khổ mang tính nhị nguyên – sự cam kết trọn vẹn vào con đường từ bi của bồ tát được đòi hỏi, vốn là sự phát triển hơn nữa về kiên trì và tinh tiến.

5. THUẦN PHỤC TRÂU

Một khi đã bị bắt, con trâu được thuần phục tức là được chăn dắt với sự chính xác của nhận thức toàn cảnh về thiền định và ngọn roi sắc bén của tri thức siêu việt. Vị bồ tát đã hoàn tất “những hành vi siêu việt” (paramita ba la mật là những thiện xảo) – bằng việc không trụ vào bất cứ thứ gì.

6. CƯỠI TRÂU VỀ NHÀ

Không còn bất cứ vấn đề gì về việc tìm kiếm. Con trâu (cái tâm) sau cùng đã vâng lời chủ và trở thành hoạt động sáng tạo. Đây là sự đột phá tới trạng thái giác ngộ - thiền định kim cương của bhumi/ địa hay cảnh giới thứ mười một. Với sự mở phơi của trải nghiệm về mahamudra/ đại thủ ấn, sự hoan hỉ và màu sắc của mandala trở thành tiếng nhạc dẫn trâu về nhà.

7. VƯỢT THOÁT TRÂU

Ngay cả sự hoan hỷ và màu sắc ấy cũng trở thành không liên quan. Mandala đại thủ ấn về những biểu tượng và những năng lượng tan biến thành đại ati qua sự vắng mặt toàn diện của ý niệm về trải nghiệm. Không còn trâu nữa. Trí tuệ điên đã trở nên ngày càng hiển hiện, và bạn buông bỏ toàn diện tham vọng về thao túng.

8. CẢ TRÂU VÀ NGƯỜI ĐỀU VƯỢT THOÁT

 Đây là sự vắng bặt của cả nỗ lực và không nỗ lực. nó là hình ảnh trần trụi của nguyên lí giác ngộ sơ nguyên (the primordial buddha principle). Việc tiến nhập vào dharmakaya/ pháp thân là sự hoàn hảo của việc không thấy – không còn các tiêu chí, và sự thông hiểu về đại ati như là giai đoạn chót được siêu thoát trọn vẹn.

9.  VỀ NGUỒN

Bởi đã có không gian và sự cởi mở như thế, và sự vắng mặt toàn diện của sợ hãi, cuộc du hí của trí tuệ là một quy trình tự nhiên. Nguồn năng lượng không cần phải tìm kiếm mà có đó. Bạn thực sự giàu có, hơn là được làm giàu bởi một thứ gì khác. Bởi có sự ấm áp cơ bản, cũng như không gian cơ bản cho hoạt động giác ngộ của tâm từ bi trở nên sống động, bởi thế mọi truyền thông đều sáng tạo. Đó là nguồn mạch trong ý nghĩa là kho tàng vô tận của hoạt động giác ngộ. Vậy, đây là sambhogakaya/ báo thân.

10. VÀO THẾ GIAN

Nirmanakaya/ Ứng thân là trạng thái tỉnh thức trọn vẹn về hiện hữu trong thế gian. Hành động của nó giống như mặt trăng phản chiếu trong hàng trăm chén nước; mặt trăng không có ham muốn nào để phản chiếu, nhưng đó là bản chất của nó. Trạng thái này đối đãi với trái đất với sự đơn sơ tối hậu. Bạn đã siêu thoát việc noi theo tấm gương của bất cứ ai. Đó là trạng thái của “buông rơi trọn vẹn”. Bạn hủy diệt bất cứ nhu cầu nào về việc bị hủy diệt, bạn khuất phục bất cứ nhu cầu nào về việc bị khuất phục, và bạn chăm lo bất cứ nhu cầu nào mà bạn chăm lo.

-----o0o-----

Trích: "THE TEACUP & THE SKULLCUP - Where Zen and Tantra Meet - Nơi Thiền Tông & Mật Tông Hội Ngộ”.

Nguyễn Tiến Văn dịch - NXB Hồng Đức.

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan