NƯƠNG CÁI THẤY ĐỂ GẠN TÂM - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

NƯƠNG CÁI THẤY ĐỂ GẠN TÂM

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Tất cả nhân quả, thế giới, vi trần đều do tâm mà thành thể. A Nan, như tất cả sự vật hiện hữu trong thế giới, từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, nút thắt… xét tìm nguồn gốc của chúng thì đều có thể tánh. Ngay cả hư không cũng có tên gọi và tướng mạo, huống là cái Tâm sáng suốt, thanh tịnh, nhiệm mầu là tâm tánh của tất cả mà không có tự thể sao?
NƯƠNG CÁI THẤY ĐỂ GẠN TÂM - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

A Nan ! Nay ông muốn biết con đường xa ma tha, ước nguyện ra khỏi sanh tử, nay ta lại hỏi ông.

Liền khi ấy Như Lai đưa cánh tay sắc vàng lên, co năm ngón tay lại rồi hỏi A Nan: Ông có thấy không ?

A Nan thưa: Dạ có thấy.

Phật bảo: Ông thấy cái gì?

A Nan thưa: Con thấy Như Lai đưa cánh tay lên, co năm ngón tay lại thành nắm tay sáng chói chiếu tâm và mắt con.

Phật hỏi: Ông lấy cái gì để thấy?

A Nan thưa: Con và cả đại chúng đều thấy bằng mắt.

Phật bảo A Nan: Nay ông trả lời ta, Như Lai co năm ngón tay lại thành nắm tay sáng chói chiếu tâm và mắt ông. Con mắt ông thì có thể thấy, vậy ông lấy cái gì làm tâm để biết được nắm tay sáng chói của ta?

A Nan thưa: Nay Như Lai gạn hỏi tâm ở chỗ nào, nay con dùng tâm suy nghĩ cùng tột để tìm kiếm, tức cái tâm đang suy nghĩ ấy, con lấy nó làm tâm.

Phật bảo: Không đâu! A Nan! Cái đó chẳng phải là tâm ông.

A Nan hoảng hốt rời chỗ ngồi, đứng dậy chắp tay bạch Phật: Cái đó chẳng phải tâm con thì gọi là cái gì?

Phật bảo A Nan: Cái đó là những tưởng tạo nên các tướng hư vọng của tiền trần, nó làm mê lầm chân tánh của ông. Do từ vô thủy cho đến nay ông đã nhận giặc làm con, bỏ mất cái vốn thường trụ (nguyên thường) của chính ông nên phải chịu luân chuyển.

Đức Phật dùng nắm tay đưa lên để ngài A Nan trực tiếp nhận ra tánh thấy vốn thường trụ chẳng hề dính dáng gì đến các tướng tiền trần hư vọng có đến có đi, có sanh có diệt, có dơ có sạch, có một có nhiều… Nhưng ngài A Nan vẫn lầm lẫn hai thứ căn bản, nói đúng ra ngài vẫn chưa nhận ra cái căn bản thứ hai là thể Bồ đề Niết bàn làm nền tảng cho mọi tướng và tưởng sanh tử hư vọng.

Ngài vẫn chưa nhận ra điều Kinh Lăng Già nói, “Cái sanh diệt kia là thức, cái chẳng sanh diệt là trí”. Và chưa nhận biết cái vốn thường trụ này thì phải luân chuyển trong sanh tử. Chính vì từ bao đời nay vẫn nhận giặc làm con, bỏ mất cái vốn thường trụ, cho nên mới hoảng hốt như vậy.

Cái bao đời nay mình cho là tâm mình rồi cưng rồi quý chỉ là giặc dẫn mình đi mãi miết trong sanh tử. Tâm đó chỉ là những tưởng tạo nên các tướng hư vọng của tiền trần, đó là sanh tử bắt đầu, rồi chạy theo chúng, đó là sanh tử tiếp nối, luân chuyển không ngừng.

Trực tiếp thấy biết được cái căn bản thứ hai, cái thấy chưa từng chuyển động, ngay lúc đó sự lưu chuyển của sanh tử dừng lại. Điều cốt yếu là bánh xe sanh tử dừng lại, còn cái trớn của nó sẽ lần hồi tiêu mất.

Cho nên cái xa ma tha đích thật là thấy được sự điên cuồng chạy theo các tướng và tưởng hư vọng này, thấy được thật sự mình chưa từng lìa khỏi Bồ đề Niết bàn một mảy may nào cả. Sự dừng lại trong xa ma tha vốn chưa hề chuyển động, đây là đại định tự nhiên của tất cả pháp giới.

Đức Phật đưa tay lên: nhìn mà không có tưởng, thì ngay lúc ấy, đó là tánh thấy, đó là mặt trăng thật, chẳng phải mặt trăng thứ hai.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con là em yêu của Phật, vì lòng mến mộ Phật nên con xuất gia. Tâm con chẳng những cúng dường Như Lai mà còn trải khắp hằng sa cõi nước phụng thờ chư Phật và thiện tri thức, phát đại dũng mãnh, làm tất cả những pháp sự khó làm, đều dùng tâm này. Dầu cho hủy báng chánh pháp, đời đời lui sụt thiện căn, cũng do tâm này.

Nay Phật phát minh cái ấy không phải là tâm, thì con thành ra không có tâm, giống như gỗ đá, vì ngoài cái hiểu biết này ra rốt chẳng còn gì nữa. Tại sao Như Lai nói cái ấy chẳng phải là tâm? Con thật kinh sợ và đại chúng ở đây ai cũng nghi hoặc. Xin Phật rủ lòng từ bi bày cho người chưa ngộ.

Người đời thường chỉ biết những ý tưởng mình, dù thấp hèn hay cao cả, cho đó là tất cả tâm mình. Thật ra những ý tưởng lăng xăng, loạn động ấy chỉ là những mảnh khoác ngoài có có không không của tâm.

Cái gì, từ đâu, sanh ra các ý tưởng ấy? Ý tưởng thì vô hạn, đâu là nền tảng vô hạn của chúng? Đây là cái mà Kinh gọi là chân tâm, hay bản tánh của tâm.

Sống cái tâm toàn thể là sống với những ý tưởng và bằng nền tảng hay bản tánh của những ý tưởng. Còn không thì cuộc sống chỉ lạc lõng theo những ý tưởng mà không biết mình đích thực là cái gì.

Như chỉ biết những đám mây mà không biết bầu trời vô hạn sanh ra và chứa những đám mây ấy, chỉ thấy sóng mà chẳng biết đại dương bao la là nơi sanh ra và chỗ diệt mất của những làn sóng, thì có sống bao nhiêu kiếp cũng là uổng phí.

Muốn tu được, phải thấy dưới những ý tưởng là nền tảng tâm của những ý tưởng. Hơn nữa, phải thấy ý tưởng chính là nền tảng tâm Không vô hạn. “Tưởng chẳng khác Không, Không chẳng khác tưởng. Tưởng tức là Không, Không tức là tưởng”.

Bấy giờ Thế Tôn khai thị cho A Nan và cả đại chúng, muốn cho tâm họ nhập vô sanh pháp nhẫn, nên ở trên tòa sư tử xoa đầu A Nan và nói:

Như Lai thường nói: các pháp sanh ra đều chỉ do tâm biểu hiện. Tất cả nhân quả, thế giới, vi trần đều do tâm mà thành thể. A Nan, như tất cả sự vật hiện hữu trong thế giới, từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, nút thắt… xét tìm nguồn gốc của chúng thì đều có thể tánh. Ngay cả hư không cũng có tên gọi và tướng mạo, huống là cái Tâm sáng suốt, thanh tịnh, nhiệm mầu là tâm tánh của tất cả mà không có tự thể sao?

“Các pháp sanh ra đều chỉ do tâm biểu hiện mà thành thể”: có pháp là có tâm, ngay nơi pháp mà thấy tâm, ngay nơi sóng mà thấy đại dương.

Nhập vô sanh pháp nhẫn là đưa cái tâm tạo bằng những ý tưởng nhập vào nguồn gốc hay bản tánh vô sanh của nó.

Cái Tâm sáng suốt, thanh tịnh, nhiệm mầu là tâm tánh của tất cả chúng sanh và thế giới. Tâm ấy trống không (Không), sáng suốt (Minh), thanh tịnh (Tịnh), nhiệm mầu (Diệu). Tâm ấy vốn sẳn nên không lúc nào không hiện diện, không chỗ nào không biểu hiện. Đức Phật khai thị là khai thị tâm này, chúng ta ngộ nhập là ngộ nhập tâm này.

Ngộ nhập được cái Một này thì có tất cả, bởi vì tất cả sanh ra từ Nó, tất cả là Nó.

Thấy một vật gì, một tướng gì, một tưởng gì thì thấy ngay nguồn gốc Tâm vô sanh của chúng.

Nếu ông chấp chặt tính cách phân biệt soi chiếu hiểu biết này cho là tâm thì tâm ấy khi rời tất cả các sự nghiệp tiền trần sắc thanh hương vị xúc pháp phải riêng có toàn tánh. Chứ như hiện nay, ông vẫn nghe pháp âm của ta, đó là nhân nơi tiếng mà có phân biệt. Dù có diệt hết tất cả thấy, nghe, hiểu, biết, giữ lấy lặng lẽ trống rỗng bên trong, thì đó cũng vẫn là bóng dáng của sự phân biệt pháp trần mà thôi.

Chẳng phải ta bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, mà chính nơi tâm này phải chín chắn, suy xét cho kỹ. Nếu rời tiền trần mà vẫn có tánh biết phân biệt, thì đó mới thật là tâm của ông.

Còn nếu tánh phân biệt mà lìa tiền trần thì không có tự thể thì nó chỉ là bóng dáng của sự phân biệt tiền trần. Tiền trần không thường trụ,vậy khi chúng biến diệt thì cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng đồng lông rùa sừng thỏ, ắt pháp thân ông cũng đồng với đoạn diệt. Còn cái gì để tu chứng Vô sanh pháp nhẫn.

Cái tâm duyên theo bóng dáng tiền trần mà có phân biệt hiểu biết thì đó chỉ là cái tâm sanh diệt, chẳng phải tâm thường trụ. Nhưng nói nó không phải tâm thì cũng không đúng, Đức Phật không bảo như vậy. Tâm có sanh có diệt ấy là cái dụng của tâm chẳng sanh chẳng diệt, như nói sóng không phải là đại dương là không đúng, sóng là cái dụng của đại dương. Khi nhập sâu hơn vào tâm chẳng sanh chẳng diệt thì sẽ thấy tâm sanh diệt chỉ là sự phô diễn, trò chơi vô hại của tâm chẳng sanh chẳng diệt. Như sóng là sự phô diễn, trò chơi vô hại của đại dương.

Bỏ tất cả sóng để tìm đại dương thì “dù có diệt tất cả thấy nghe hiểu biết, giữ lấy lặng lẽ trống rỗng bên trong, thì đó cũng vẫn là bóng dáng của sự phân biệt pháp trần mà thôi”. Bỏ tất cả sóng thì chỉ là không có sóng, chứ chẳng phải là đại dương. Nhận lấy cũng sai, bỏ đi cũng sai.Ở đây phải thực sự bước vào Pháp thân tức thật tướng của tất cả các pháp, mới được.

Một trong những lối vào pháp thân vô sanh là hãy nhìn cho thấy được bản tánh của tâm sanh diệt, hãy nhìn cho thấy được bản tánh của sóng.

Hãy mở mắt ra nhưng không dính dáng với tiền trần thì đây chính là chân tâm: “Nếu rời tiền trần mà vẫn có tánh biết phân biệt, thì đó mới thật là tâm của ông”.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan