PHẨM CƠ DUYÊN - LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

PHẨM CƠ DUYÊN - THỨ BẢY

---o0o---

Kinh nói: ‘Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui’, chẳng rõ thân nào tịch diệt, thân nào thọ vui? Nếu nói sắc thân, thì khi sắc thân diệt rồi, bốn đại phân tán, hoàn toàn là khổ, khổ thì không thể nói vui được. Còn như nói Pháp thân tịch diệt, tức đồng như cỏ cây gạch đá, cái gì thọ được vui?
PHẨM CƠ DUYÊN - LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

PHẨM CƠ DUYÊN - THỨ BẢY

---o0o---

Đại sư từ khi đắc pháp tại Hoàng Mai, rồi trở về làng Tào Hầu thuộc Thiều Châu, không có ai biết. Có nho sĩ tên Lưu Chí Lược lấy lễ đãi ngài rất trọng vọng. Chí Lược có người cô làm ni, tên Vô Tận Tạng, thường tụng Kinh Đại Niết Bàn. Đại sư nghe qua liền rõ diệu nghĩa, giảng nói cho vị ni nghe.

Ni mới cầm cuốn kinh hỏi chữ.

Sư nói: Chữ thì ta không biết, nghĩa xin cứ hỏi.

Ni nói: Chữ còn chẳng biết, làm sao có thể hiểu nghĩa?

Sư nói: Chân lý mầu diệu của chư Phật chẳng dính dáng gì với văn tự.

Ni kinh ngạc lấy làm lạ, bèn thông báo khắp cho các bậc đạo đức trong làng rằng: Vị ấy là bậc hiểu đạo, nên thỉnh về cúng dường.

Khi ấy có người tên là Tào Thúc Lương, dòng dõi của Ngụy Võ Hầu, cùng các cư dân đua nhau đến làm lễ.

Lúc bấy giờ Bảo Lâm là một ngôi chùa xưa, từ cuối thời nhà Tùy bị binh lửa mà bỏ hư, mọi người xây sửa lại, rước Sư về ở, chẳng bao lâu thành một nơi đạo tràng.

Sư ở đó được hơn hai tháng, lại bị bọn ác tìm đến. Sư bèn lánh mình, ẩn trong núi phía trước, bọn ấy phóng hỏa đốt rụi cỏ cây. Sư phải nấp vào khe đá mới được thoát nạn. Nơi tảng đá này còn dấu ngồi kiết già và dấu nếp áo, nhân đó gọi là Tảng đá lánh nạn.

Sư nhớ lời Ngũ Tổ dặn về huyện Hoài và Hội, nên ngài ẩn nơi hai xứ ấy.

Chúng ta thấy cuộc đời hành đạo của Lục Tổ có nhiều hoạn nạn. Hoạn nạn vì đây là cõi Ta Bà (Kham Nhẫn), đời ác năm trược.

Nhưng từ những khó khăn ấy chúng ta cần tìm hiểu rút ra những bài học để tu hành theo. Tại sao Lục Tổ chịu đựng được những khó khăn hoạn nạn như vậy?

Ngài niệm niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, an trụ trong tự tánh nghĩa là ở trong Vô sanh pháp nhẫn nên chuyện gì xảy ra cũng như không có. Thường ở trong tự tánh, nên thấy mọi sự là như huyễn, như mộng: “Bình đẳng như mộng huyễn” (Phẩm Cơ duyên). Chính cái Như huyễn tam muội mới có thể ở nơi sanh tử để hành đạo.

Khi Lục Tổ nói với Ni Vô Tận Tạng, “Chân lý của chư Phật chẳng dính dáng gì với văn tự”, điều này nhấn mạnh tu ở nơi tâm, còn ngôn ngữ văn tự chỉ là phương tiện hữu hạn để chỉ đường và diễn đạt chân lý. Ngôn ngữ văn tự chân chánh thì chỉ thẳng tâm. Người không biết cứ chạy theo ngôn ngữ mà bỏ quên tâm, chỗ từ đó ngôn ngữ phát xuất và là chỗ nơi đó ngôn ngữ trở về, thì thật là đáng tiếc.

Tăng Pháp Hải ở Khúc Giang tỉnh Thiều Châu, ban đầu đến tham vấn Tổ sư, hỏi rằng: “Tức tâm tức Phật”, xin chỉ dạy cho.

Sư nói: Niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật. Thành tất cả các tướng tức tâm, lìa tất cả tướng tức Phật.

Nếu ta nói cho đủ thì cùng kiếp cũng chẳng hết. Hãy nghe kệ ta:

Tức tâm là Huệ

Tức Phật là Định

Định Huệ đồng trì

Trong ý thanh tịnh.

Ngộ pháp môn đây

Do ông tu tánh

Dụng vốn vô sanh

Song tu là chánh.

Chỉ một câu “niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật” mà tham thiền cho thấu nguồn tột đáy, bèn biết tâm tức là Phật, biết “dụng vốn vô sanh”.Chỉ một câu ‘‘dụng vốn vô sanh’’, tức là ngay đây giải thoát.

Tâm Phật là cái chẳng sanh chẳng diệt này. Chẳng sanh chẳng diệt cho đến niệm trước hay sanh tử, chưa từng có sanh, niệm sau hay Niết bàn, chưa từng có diệt.

“Thành tất cả tướng tức tâm”, tâm tạo ra tất cả các pháp. Quán sát và thấy biết tâm tạo thành tất cả các pháp bèn ở ngay trong Đệ nhất nghĩa bất động. Tất cả là tâm, không có một khe hở nào cho ‘chẳng phải là tâm’ cả. Tâm đây là Phật, nên tất cả pháp, tất cả tướng do tâm hiện thành đều là Phật pháp. Tâm đây là Phật, nên ‘‘thành tất cả tướng’’ mà ‘‘lìa tất cả tướng’’, nghĩa là tất cả pháp, tất cả tướng đều vốn tự giải thoát.

Nói theo Lục Tổ thì “nói cho đủ thì cùng kiếp chẳng hết”. Người muốn thoát khỏi sanh tử, dứt hẳn những trò hý luận của ý thức phân biệt, thì hãy tham thiền một câu, cho đến khi tấm lưỡi ý thức phân biệt bị phá tung, “đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt”. Lúc đó mới trực tiếp thấy biết tâm, Phật, tự tánh, hay khuôn mặt thật xưa nay bao đời bao kiếp của mình là gì.

Tham thiền là gì? “Định Huệ đồng trì, trong ý thanh tịnh”.

Muốn ngộ cái cửa vào pháp (pháp môn) này, thì phải tu tánh. Tu tánh là song tu Định Huệ, cho đến “dụng vốn vô sanh”.

Pháp Hải ngay dưới lời nói đại ngộ, dùng kệ tán thán:

Tức tâm nguyên là Phật

Chẳng ngộ mà tự khuất

Con biết nhân định huệ

Song tu lìa các vật.

Tăng Pháp Hải là vị ghi chép lại Pháp Bảo Đàn Kinh. Phải là người ngộ tánh mới ghi lại lời Tổ được, mới như ngài A Nan mở đầu các cuốn kinh, “Như vầy tôi nghe”.

Tự khuất lấp tâm Phật của mình, đó là người chưa thấy tánh. Còn thấy tánh rồi thì biết tu, không tự khuất lấp tâm Phật của mình bằng vọng tưởng và vọng tướng, ở ngay nơi cái nhân của định huệ, tức là tự tánh, mà tu, thì sẽ hoàn toàn đạt đến cái Quả của định huệ, tức là tự tánh đã được thấy biết viên mãn.

Ngay nhân là quả, sự tiệm tu nhanh hay chậm là do con người, còn pháp thì ngay nhân của định huệ chính là quả của định huệ.

Vấn đề của người tu là chúng ta có thấy biết nhân của định huệ ở ngay trước mắt hay không. Nếu chưa biết thì hãy tu cho thật nhiều, rồi đi hỏi một người sáng mắt.

Có vị tăng tên Pháp Đạt, người ở Hồng Châu, bảy tuổi xuất gia, thường tụng kinh Pháp Hoa. Một hôm đến lễ Tổ Sư mà đầu chẳng sát đất.

Sư quở rằng: Lễ lạy mà đầu chẳng sát đất thì chi bằng đừng lạy. Trong tâm ông chắc có một vật gì, tích chứa điều gì vậy?

Pháp Đạt nói: Con tụng niệm Kinh Pháp Hoa đã đến ba ngàn bộ.

Sư nói: Nếu ông niệm đến một vạn bộ, rõ được ý kinh mà chẳng lấy đó làm hơn thì mới cùng ta đồng hành. Nay ông cậy vào sự nghiệp ấy mà chẳng biết lỗi. Hãy nghe kệ ta:

Lạy vốn bẻ kiêu mạn

Đầu sao chẳng sát đất

Có ngã tội liền sanh

Quên công phước không sánh.

Tăng Pháp Đạt tụng ba ngàn bộ Kinh Pháp Hoa, nghĩ rằng đó là công phu cao quý. Nhưng tụng trên nền tảng vô minh là cái ta và cái của ta nên sanh kiêu mạn. Bị Tổ la rầy.

“Có ta tội liền sanh. Quên công phước không sánh”. Tụng kinh mà không có ta và cái của ta mới tương ưng được với tự tánh Ba thân.

Tổ lại hỏi: Ông tên là gì?

Thưa: Con tên Pháp Đạt.

Sư nói: Tên ông Pháp Đạt, mà chưa hề đạt pháp.

Lại nói kệ rằng:

Ông nay tên Pháp Đạt

Siêng tụng hoài không dứt

Tụng rỗng chỉ theo tiếng

Sáng tâm, gọi Bồ tát.

Nay ông bởi có duyên

Ta vì ông mới nói

Chỉ tin Phật vô ngôn

Hoa sen từ miệng phát.

Pháp Đạt nghe kệ, ăn năn hối lỗi, thưa rằng: Từ nay về sau con khiêm cung với tất cả. Đệ tử tụng Kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu nghĩa kinh, tâm thường có chỗ nghi, Hòa thượng trí huệ rộng lớn, xin ngài lược nói nghĩa lý trong kinh.

Sư nói: Pháp Đạt, pháp rất thông suốt, chỉ vì tâm ông chẳng thấu suốt. Kinh vốn không có nghi, tâm ông tự nghi. Ông niệm kinh ấy, lấy gì làm tông?

Pháp Đạt thưa: Kẻ học đạo này, căn tánh tối tăm chậm lụt, lâu nay cứ theo văn kinh tụng niệm, chớ chẳng biết tông chỉ thế nào.

Sư nói: Ta chẳng biết văn tự, ông thử lấy kinh tụng một biến, ta sẽ giải nói cho ông.

Pháp Đạt liền cất tiếng tụng lớn, đến phẩm Thí Dụ, sư bảo: Dừng lại. Kinh này nguyên lấy nhân duyên xuất thế làm tông, dầu có nói nhiều thứ thí dụ cũng không vượt ngoài việc ấy. Nhân duyên ấy là gì? Kinh nói: Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện nơi thế gian. Một đại sự (việc lớn) ấy là cái thấy biết của Phật.

Người đời ngoài mê thì bám tướng, trong mê thì bám không. Nếu ở trong tướng mà lìa tướng, nơi không mà lìa không, tức là trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ pháp này thì một niệm tâm khai mở, đó là khai mở cái thấy biết của Phật.

Phật cũng là Giác, chia làm bốn môn.

Khai mở cái thấy biết của Giác, Chỉ bày cái thấy biết của Giác, Ngộ cái thấy biết của Giác, Nhập cái thấy biết của Giác.

 Nếu nghe khai, thị bèn có thể ngộ, nhập, đó là cái thấy biết của Giác, tức là chân tánh vốn xưa nay được xuất hiện.

Chúng ta thấy Lục Tổ chỉ nghe tụng kinh liền hiểu mà không cần học từ trước, bởi vì tất cả kinh lưu xuất từ và nói về chân tánh, Phật tánh, Giác tánh, mà cái thấy biết của Giác này ngài đã ngộ nhập. Đạo Phật chỉ cốt thực hành để ngộ nhập, để thấy biết kinh nghiệm Giác ngộ của Phật, còn kinh điển là để chỉ đường và để kiểm chứng lại kinh nghiệm của mình.

Kinh Pháp Hoa dạy về Khai, Thị, Ngộ, Nhập cái thấy biết của Phật, của Giác. Cái thấy biết của Phật là đại sự nhân duyên khiến Phật xuất hiện nơi đời.

Cái thấy biết của Phật ở ngay cái thấy biết của chúng sanh, bởi thế mà có Khai mở, Chỉ bày. Khai mở, chỉ bày cái chúng ta đang có, chứ không phải tạo tác ra, xây dựng nên. Cái thấy biết của chúng sanh mà không để cho nhiễm ô bởi tướng và tưởng, thì đó là cái thấy biết của Phật

Cái thấy biết ấy là thấy biết không bám tướng. Bám tướng bèn tạo ra sanh tử. Không bám tướng thì đây là tự tánh Niết bàn. Ngay cả việc bám vào cái không ở bên trong thì vẫn là bám tướng.

Trong ngoài không bám tướng bèn ngộ pháp này, tâm khai mở, đó là khai mở cái thấy biết của Phật. Chỉ cần một niệm không bám tướng thì đây là cái thấy biết của Phật. Không bám tướng thì tất cả tướng là “chân tánh vốn xưa nay”. Và niệm niệm không bám tướng thì niệm niệm là cái thấy biết của Phật, mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp đều là chân tánh vốn xưa nay.

Ông hãy cẩn thận, chớ hiểu lầm ý kinh, thấy kinh nói khai thị ngộ nhập mà cho đó là cái thấy biết riêng của Phật, chớ chúng ta thì không có phần nào trong đó. Nếu hiểu như vậy là chê kinh nhạo Phật. Ngài đã là Phật, đã đầy đủ thấy biết, cần gì phải khai mở nữa. Nay ông phải tin cái thấy biết của Phật này chỉ là tự tâm của ông, chớ chẳng có Phật nào khác.

Tất cả chúng sanh vì tự che lấp ánh sáng, tham ái trần cảnh, ngoài thì duyên níu, trong thì nhiễu loạn, nên đành chịu rong ruỗi theo sanh tử. Bởi vậy mới làm nhọc Thế Tôn từ Chánh định đứng dậy dùng bao nhiêu lời lẻ khuyên chúng sanh hãy thôi nghỉ, chớ hướng ngoài tìm cầu thì cùng Phật không khác. Cho nên nói khai mở cái thấy biết của Phật.

Ta nay cũng khuyên tất cả mọi người ở trong tâm mình thường khai mở cái thấy biết của Phật.

Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng nói thiện tâm nghĩ ác, tham giận, ghen ghét, dối nịnh, ngã mạn, lấn người hại vật, ấy là tự mình khai mở cái thấy biết của chúng sanh. Nếu có thể chánh tâm thường sanh trí huệ, quán chiếu tự tâm, dứt ác làm thiện, ấy là tự mình khai mở cái thấy biết của Phật.

‘‘Phải tin cái thấy biết của Phật này chỉ là tự tâm của ông, chớ chẳng có Phật nào khác’’, không có cái gì ở ngoài cái đang thấy biết này. Tin thì bèn có ngay trước mắt.Tất cả các bóng đều ở trong tâm gương tâm, tức là cái thấy biết đang có này. Tất cả các tướng đều ở trong tánh đang thấy biết yên lặng mà chiếu soi này.

“Cái thấy biết của Phật này chỉ là tự tâm của ông”, chúng ta từ xưa nay vẫn sống, suy nghĩ, hành động trong và bằng cái thấy biết của Phật này. Có điều thay vì khai mở cái thấy biết của Phật vốn có sẳn ấy, chúng ta lại khai mở cái thấy biết của chúng sanh, mà tự mình tạo ra sanh tử khổ đau.

Bởi vì cái thấy biết của Phật đã có sẳn nơi tâm chúng ta, cho nên để khai mở cái thấy biết của Phật, chỉ đừng khai mở cái thấy biết của chúng sanh. Dừng lại cái thấy biết phân biệt, phân mảnh, ta người, tham sân, ghen ghét, ngã mạn…thì cái thấy biết toàn thể và hằng thanh tịnh tự nhiên hiện tiền.

Niệm niệm sống với cái thấy biết của giải thoát giác ngộ này, đó là điều Lục Tổ nói “chánh tâm thường sanh trí huệ, quán chiếu tự tâm” thì “ánh sáng” tự tâm chiếu suốt cả trong ngoài, thấu thoát làm tiêu tan những hình tướng sanh tử.

Một niệm khai mở cái thấy biết của chúng sanh, đó là một niệm ngu mê. Một niệm khai mở cái thấy biết của Phật, đó là một niệm ngộ. Cứ thế mà ngộ liên tục cho đến giác ngộ.

Ông phải niệm niệm khai mở cái thấy biết của Phật, chớ khai mở cái thấy biết của chúng sanh. Khi khai mở cái thấy biết của Phật tức là xuất thế. Khai mở cái thấy biết của chúng sanh tức là thế gian, nếu ông chỉ bo bo chấp việc tụng niệm cho là công khóa thì khác nào con trâu yêu thích cái đuôi của nó?

Pháp Đạt thưa: Nếu như vậy, thì chỉ rõ được nghĩa, chẳng cần nhọc sức tụng sao?

Sư nói: Kinh đâu có lỗi gì mà ngăn trở ông tụng niệm. Chỉ vì mê ngộ nơi người, tổn hay ích là do mình. Miệng tụng tâm làm, tức làchuyển kinh, còn miệng tụng tâm chẳng làm tức là bị kinh chuyển.

Hãy nghe kệ ta:

Tâm mê Pháp Hoa chuyển

Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa

Tụng kinh lâu chẳng rõ

Cùng nghĩa hóa làm thù.

Vô niệm, niệm tức chánh

Hữu niệm, niệm thành tà

Hữu vô đều chẳng quản

Cỡi mãi bạch ngưu xa (xe trâu trắng).

Tu là niệm niệm khai mở cái thấy biết vốn lìa tướng lìa tưởng của Phật để nghiệp chướng là cái thấy biết của chúng sanh mờ dần đi. Nghiệp là thói quen, tập khí. Thói quen làm chúng sanh, thói quen khai mở cái thấy các tướng phân biệt của chúng sanh để cái thanh tịnh niết bàn hóa thành cái bất tịnh sanh tử rất khó trừ. Thế nên Phật là bậc Điều Ngự, bậc Chiến Thắng.

Ở đây chúng ta thấy thêm lời dạy đúng đắn của Lục Tổ: Ngài không bác bỏ kinh, như về sau có người cho kinh là Giáo môn, Thiền mới là Tông môn. Vấn đề là phải hiểu ngộ kinh đang chỉ tự tánh đang sẳn có của mình. Tụng kinh Phật là tụng Phật tánh mình chớ không phải tụng chữ. Nếu mê không biết tự tánh thì bị chữ câu chuyển, còn ngộ tự tánh thì tụng là chuyển Pháp Hoa, tâm mình tương ưng với kinh, tâm mình là kinh. Khi đã biết tụng kinh là tụng tâm mình, lúc ấy đi đâu cũng tụng kinh, lúc nào cũng khai mở cái thấy biết của Phật trước mắt mình.

Tâm vô niệm tức là tâm vô phân biệt, không có ngôn ngữ văn tự, niệm mà không phân biệt là niệm chánh. Còn tâm hữu niệm là tâm phân biệt, niệm phân biệt là niệm tà. Cho đến vô niệm tức là và cũng chẳng dính dáng gì hữu niệm, hữu niệm tức là và cũng chẳng dính dáng gì vô niệm, đó là giảt thoát, “cỡi mãi xe trâu trắng”.

Pháp Đạt nghe kệ xúc động rơi lệ, ngay dưới lời nói đại ngộ, bèn thưa với Sư rằng: Pháp Đạt từ xưa đến nay thật chưa từng chuyển kinh Pháp Hoa mà bị Pháp Hoa chuyển.

Lại thưa tiếp: Trong kinh có nói, “Các đại Thanh Văn cho đến Bồ tát đều hết sức suy nghĩ, đo lường mà chẳng thể dò nỗi trí Phật”. Nay khiến người phàm phu này chỉ ngộ được tự tâm bèn gọi là cái thấy biết của Phật, nếu tự mình chẳng phải là bậc thượng căn thì chẳng khỏi nghi ngờ chối bỏ. Lại kinh nói ba thứ xe, xe dê, xe nai, xe trâu với xe trâu trắng, khác nhau thế nào? Xin Hòa thượng từ bi khai thị cho.

Tuy đại ngộ, thấy biết rõ một phần Pháp thân, vượt phàm lên thánh, nhưng chưa hoàn toàn nên vẫn còn nghi. Các kinh đều nói phải đến Đệ bát địa tương đương với một vị A La Hán vô học, vô lậu thì mới hết tu, vì còn tu thì còn nghi.

Tự tâm là cái thấy biết của Phật, là Pháp thân, là Phật nhưng vì mới thấy, chưa trọn vẹn, nên vẫn còn nghi mà hỏi tiếp. Pháp thân thì từ địa đầu cho đến địa cuối thứ mười thì chỉ là một Pháp thân, nhưng người thấy biết được nhiều hay ít là do các phiền não chướng và sở tri chướng còn nhiều hay ít.

Ngài Pháp Đạt còn nghi tại sao trong Kinh Pháp Hoa nói có ba loại xe tượng trưng cho ba thừa để rồi tất cả đều được trao cho một xe trâu trắng? Tại sao có sự phân loại trong chỉ một tự tâm Pháp thân?

Sư nói: Ý kinh rõ ràng, ông tự mê trái. Các người trong ba thừa chẳng thể lường được trí Phật, cái tai hại là ở việc suy lường. Càng cùng nhau suy lường, tận lực tư duy thì càng cách xa hơn nữa.

Phật vốn vì phàm phu mà nói, chớ chẳng phải vì Phật mà nói chân lý ấy. Nếu chẳng chịu tin thì như (năm ngàn người trong hội Pháp Hoa) kia lui ra khỏi hội. Đâu biết rằng mình đã ngồi sẳn trên xe trâu trắng, lại còn tìm ba xe ngoài cửa làm chi.

Huống gì trong văn kinh đã nói rõ cho ông, chỉ có một Phật thừa, không có thừa nào khác. Nếu kinh nói hai thừa ba thừa cho đến vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên, thí dụ,ngôn từ thì các pháp ấy đều chỉ là một Phật thừa mà thôi.

Sao ông chẳng xét ba xe, ba thừa là giả, là chuyện thời trước, một thừa là thật, là chuyện bây giờ, ấy là dạy cho ông bỏ giả về thật. Đã về thật rồi thì cái thật ấy cũng không có tên nữa.

Vậy phải biết bao nhiêu của báu hiện có ấy đều thuộc về ông, do ông thọ dụng, lại chẳng tưởng của cha, cũng chẳng tưởng của con, cũng không có tưởng việc thọ dụng. đó mới gọi là trì Kinh Pháp Hoa, từ kiếp này sang kiếp khác tay chẳng rời quyển kinh, từ ngày đến đêm, không lúc nào chẳng niệm.

Trí Phật thì không thể dùng sự động niệm phân biệt của thức mà suy lường được. Cho nên “cái tai hại là ở việc suy lường, càng suy lường càng cách xa hơn nữa”. Cũng như muốn biết hư không thường trụ bất động mà lấy tay nắm nó, người ta chỉ cầm được những ngón tay của mình.

Tâm vô tướng, vô niệm và vô trụ thì không có cái gì thoát khỏi nó. Niệm khởi thì phải khởi từ tâm vô niệm. Có tướng thì tướng ấy phải ở trong tâm vô tướng. Có chỗ để trụ thì chỗ ấy phải ở trong tâm không có chỗ trụ.

Tất cả hành động thân khẩu ý của chúng ta đều ở trong tâm vô niệm, vô tướng, vô trụ này. Tâm ấy là cái đầu tiên và là cái cuối cùng của quá trình Khai Thị Ngộ Nhập của Kinh Pháp Hoa. ‘‘Mình đã ngồi sẳn trên xe trâu trắng’’, ‘‘tất cả đều chỉ là một Phật thừa’’, ‘‘bao nhiêu của báu hiện có ấy đều thuộc về ông’’, phải chịu tin như thế.

Người tu hành phải tận lực tham thiền, không phải là tận lực suy lường, bằng tất cả năng lực Phật pháp mà mình có được để mở ra cánh cửa bước vào tâm vô niệm như hư không này, để biết rằng mọi cử động dầu nhỏ nhất của thân khẩu ý đều ở trong cái hư không này. Kinh gọi điều này là ngộ.

Tâm như hư không này chỉ là một, một Phật thừa. Hư không thì trên dưới, trước sau, hôm qua, ngày mai, đều là hư không, không chỗ chia cắt, không thể phân chia. Nhưng vì căn cơ con người có hạn, nên Đức Phật đã chia làm ba thừa, để cho khỏi ngợp, khỏi sợ. Thế nên chuyện chia làm ba thừa là chuyện thời trước, còn chuyện bây giờ vẫn là một đại sự nhân duyên là tánh Không tánh Như. Đã về cái thật rồi thì cũng không còn có tên, đã “tất cả pháp Không” rồi, đã hoàn toàn là tâm vô niệm rồi, thì tâm đó không có ngôn ngữ, văn tự, lấy đâu mà đặt tên là tướng là tánh, là sanh tử là Niết bàn?

Kinh Pháp Hoa gọi cái này là “thật tướng của tất cả các pháp”. Thật tướng của tất cả các pháp thì luôn luôn hiện tiền, có pháp cũng có nó mà không có pháp cũng có nó. Đây là tâm vô niệm như hư không trùm khắp cả ba cõi. Tất cả đều là tánh Không tánh Như, đó là gia tài của báu chẳng bao giờ mất của mỗi người.

Khi nó đã hiện tiền thì không có gì không là nó, sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý, không cái gì không phải là nó. Đây là kho tàng vô tận (Vô Tận Tạng Bồ tát). Trong đó, là tất cả (tánh Như) mà không là gì cả (tánh Không), không là con không tưởng là của con, không là cha không tưởng là của cha, cũng không có người thọ dụng và việc thọ dụng.

Tâm vô niệm “một là tất cả tất cả là một”, là kho tàng gia tài ấy, luôn luôn hiện có trước mắt, cho nên chẳng lúc nào không trì kinh, từ ngày đến đêm, từ kiếp này sang kiếp khác. Trì như vậy, thọ dụng như vậy thì nói gì đến không gian thời gian, nói gì tu, nói gì chứng.

Pháp Đạt nhờ Tổ mở tỏ, nhảy nhót vui mừng, dùng kệ tán thán:

Tụng kinh ba ngàn bộ

Tào Khê một câu mất

Chưa rõ ý xuất thế,

Đâu hết nhiều kiếp cuồng.

Dê, nai, trâu quyền đặt

Sơ, trung, hậu khéo bày

Ai biết trong nhà lửa

Nguyên sẳn đấng pháp vương.

Sư nói: Ông từ nay về sau mới đáng gọi là tăng biết tụng kinh.

Pháp Đạt từ đây lãnh hội ý chỉ huyền diệu, nhưng cũng chẳng bỏ việc tụng kinh.

Tuy là tụng ba ngàn bộ, nhưng chỉ lấy thức mà tụng nên không biết được ý chỉ. Nay nhờ một câu nói của Tổ mà mất đi cái thức bôn ba theo sóng, trí huệ bao la như đại dương hiển lộ hiện tiền. Lúc ấy mới ngộ được kinh, ngộ được trí lâu nay vẫn ở trong thức, mà chẳng bị thức làm nhiễm ô, ngộ được đấng pháp vương nguyên có sẵn trong nhà lửa.

Từ đây mới biết tụng kinh tức là tụng tự tâm, vì kinh là tự tâm biểu lộ thành ngôn ngữ. Từ đây mới thường xuyên tụng kinh, khi đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ, vì kinh tự tâm ấy không còn lìa khỏi cuộc đời mình. Thường tụng kinh là thường làm ông chủ thay vì là khách, theo kinh Lăng Nghiêm. Thường tụng kinh là thường ở trong chánh định tự nhiên của tự tâm, “thường cỡi xe trâu trắng”.

Tăng Trí Thông người ở An Phong thuộc Thọ Châu, ban đầu xem Kinh Lăng Già, có hơn một ngàn lần mà chẳng thấu hiểu Ba Thân Bốn Trí. Ông đến làm lễ Tổ cầu giải nghĩa này.

Sư nói: Ba thân là Thanh tịnh Pháp thân, đó là tánh của ông; Viên mãn Báo thân, đó làtrí của ông; Ngàn trăm ức Hóa thân, đó là hạnh của ông. Nếu lìa bản tánh mà nói riêng ba thân thì gọi là có thân mà không có trí. Nếu ngộ Ba Thân là không có tự tánh, thì gọi là Bốn Trí giác ngộ.

Hãy nghe kệ ta:

Tự tánh đủ ba thân

Phát minh thành bốn trí

Chẳng lìa duyên thấy nghe

Siêu nhiên lên Phật địa.

Nay ta vì ông nói

Thật tin hằng không mê

Chớ học người chạy kiếm

Trọn ngày nói Bồ đề.

Trí Thông lại bạch rằng: Cái nghĩa Bốn Trí có thể nghe được chăng?

Sư nói: Đã thấu hiểu Ba Thân bèn rõ Bốn Trí, sao lại hỏi nữa? Nếu lìa Ba Thân mà nói riêng Bốn Trí, đó gọi là có trí không có thân, tức là có trí lại thành không có trí.

Lại nói kệ rằng:

Trí đại viên cảnh, tánh thanh tịnh

Trí bình đẳng tánh, tâm không bệnh

Trí diệu quan sát, thấy chẳng công

Trí thành sở tác, đồng viên cảnh.

Năm, tám, sáu, bảy, quả nhân chuyển

Chỉ dùng danh ngôn không thật tánh

Nếu ngay chỗ chuyển chẳng lưu tình

Rộn ràng, vẫn mãi Na già định.

Tự tánh là Phật, gồm đủ ba thân. Pháp thân thì hằng thanh tịnh như hư không, đây là tánh của mỗi người. Báo thân là ánh sáng viên mãn của trí huệ. Hóa thân để làm việc trong ba cõi cho nên Hóa thân là hạnh. Pháp thân là tánh Không, Báo thân là ánh sáng của tánh Không, Hóa thân là sự hoạt động trong hai thân trên. Cả ba thân đều có sẵn trong tự tánh của mỗi người, chỉ “phát minh” ra cho đến lúc trọn vẹn.

Tu tự tánh dần dần sẽ chứng được tánh Không (Pháp thân), ánh sáng hay tánh sáng (Báo thân) và như huyễn (Hóa thân), cả ba không lìa nhau, và không có tự tánh: ‘‘Nếu ngộ Ba Thân là không có tự tánh, thì gọi là Bốn Trí giác ngộ’’.

Ba thân này ‘‘chẳng lìa duyên thấy nghe’’, nghĩa là nơi các giác quan đều có thể thấy biết tự tánh Ba thân, mà chẳng có gì làm ô nhiễm được nó.

Đây là nói tự tánh về mặt thân, còn về mặt trí thì có bốn trí, hoặc năm trí tùy theo hệ thống.

Trí Đại viên cảnh, tánh thanh tịnh. Đây là tánh Không hay Pháp thân, thanh tịnh vì vốn vô niệm, vô tướng, vô trụ. Thấy tánh là thấy được tất cả hiện hữu là trí như tấm gương lớn này.

Trí Bình đẳng tánh, tâm không bệnh. Bệnh là thức phân biệt, thấy các pháp khác nhau, nhấp nhô cao thấp. Không bệnh là thấy tánh bình đẳng của tất cả các pháp, tướng thì hình như phân biệt nhưng tánh thì vô phân biệt. Các pháp như các bóng trong gương, bình đẳng trên mặt gương. Vô phân biệt, bình đẳng là một vị của sanh tử và Niết bàn, của tướng và tánh.

Trí Diệu quan sát, thấy chẳng công. Bình đẳng, vô phân biệt nhưng khác biệt, phân biệt, đây là cái thấy của trí Diệu quan sát, thấy phân biệt trong cái không phân biệt, thấy các tướng trong tánh. Thức thì thấy phân biệt, chia cắt, phân mảnh, đây là cái thấy có công sức phân biệt của thức. Cho nên cái thấy có công sức, dần dần thành mệt mỏi của thức tạo ra sanh tử lao nhọc khổ đau. Còn trí Diệu quan sát thì thấy phân biệt ở trên nền tảng vô phân biệt nên không bị đắm chìm vào phân biệt, không bị đắm chìm trong sanh tử. Đây là cái dụng tự nhiên của tâm vô niệm. Như trong tấm gương, các bóng thì khác nhau, nhưng đều là tấm gương trí Đại viên cảnh, đều bình đẳng là Trí bình đẳng tánh.

Trí Thành sở tác hoạt động nơi năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tức là hoạt động và làm thành tựu công việc ở nơi thế giới vật chất. Đối với một vị Tổ và đảm đương trách nhiệm như Lục Tổ thì chắc chắn đã đạt đến Địa thứ Tám trở lên, thì trí thành sở tác đồng với trí đại viên cảnh. Thành tựu công việc nơi thế gian nhưng sự thành tựu ấy vẫn nằm trong trí Đại viên cảnh, tức là nằm trong tánh Không tánh Như. Nghĩa là làm việc ở thế gian nhưng vẫn là vô sanh pháp nhẫn, hoạt động nơi tướng nhưng vẫn thấy tất cả tướng là tánh, làm việc nơi sanh tử nhưng vẫn thấy ở đó là Niết bàn. Đây là “chẳng lìa duyên thấy nghe, siêu nhiên lên Phật địa”.

Khi tất cả tướng đều là tánh, tất cả thức đều là trí (nếu ngay chỗ chuyển chẳng lưu (còn) tình) thì nói tướng chuyển thành tánh, thức chuyển thành trí chỉ là sự dùng danh ngôn chứ không có thật tánh. Khi ấy dầu ở trong sanh tử rộn ràng, bề bộn, vẫn mãi ở trong Na già định, là thường định tự nhiên của tự tánh.

Trí Thông đốn ngộ tánh trí, bèn trình kệ rằng:

Ba thân nguyên thể mình

Bốn trí vốn tâm minh

Thân trí dung không ngại

Ứng vật mặc tùy hình.

Khởi tu đều vọng động

Giữ trụ cũng chẳng chân

Diệu chỉ nhân thầy hiểu

Rốt mất tên nhiễm ô.

Đốn ngộ tánh trí là thấy biết trực tiếp và tức khắc tánh mình, trí mình. Thấy biết cái ấy tức là thấy biết Pháp thân, nền tảng cho mọi sự tu hành chân thực.

Lúc ấy mới thấy biết trực tiếp ba thân nguyên thể mình, bốn trí vốn là tâm sáng, thân và trí dung thông không ngại, và tấm gương trí Đại viên cảnh ấy ứng theo vật mà có hình. Có trải qua một kinh nghiệm đốn ngộ như vậy thì mới hiểu những sự việc ấy từ trong tâm mình, chính là tâm mình. Còn không thì chỉ kẹt trong ngôn từ và ý niệm, lờ mờ mà chẳng sống trực tiếp được.

Khi thấy biết tất cả đều là tâm sáng của mình, trên thực tại tâm hằng hằng sẳn đủ ấy, mà khởi tu tâm, giữ sự an trụ vào tâm đều là vọng động, cái tâm giữ trụ ấy cũng là nỗ lực, dư thừa, cũng chỉ là mặt trăng thứ hai. Lúc ấy mới biết tự do là gì, giải thoát là gì, thấy tánh là gì. Lúc ấy mới biết tâm vốn tự do, không nương vào tướng, vào danh từ, ngôn ngữ, ý niệm. Rốt cuộc cái tên nhiễm ô hay không nhiễm ô cũng mất, cũng chưa từng có.

Tăng Trí Thường, người ở Quý Khê, Tín Châu, xuất gia lúc thiếu niên, chí cầu thấy tánh, một ngày nọ đến tham lễ.

Sư hỏi: Ông từ đâu đến, muốn cầu sự gì?

Trí Thường thưa: Lúc gần đây kẻ học đạo này đến núi Bạch Phong ở Hồng Châu, đảnh lễ Hòa thượng Đại Thông, nhờ ngài chỉ bày nghĩa ‘thấy tánh thành Phật’, nhưng chưa giải quyết được chỗ nghi, nên từ xa đến đây đảnh lễ Hòa thượng, cúi mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Sư nói: Hòa thượng nói gì, ông thuật lại ta xem.

Tăng thưa: Trí Thường này đến đó, trải qua ba tháng mà chưa được chỉ dạy. Vì lòng tha thiết học pháp nên một hôm một mình vào nhà phương trượng thưa hỏi, ‘cái gì là bản tâm, bản tánh của con’?

Hòa thượng Đại Thông nói: Ông thấy hư không chăng?

Đáp rằng: Thấy.

Vị ấy hỏi rằng: Ông thấy hư không có tướng mạo gì không?

Đáp rằng: Hư không không hình, làm gì có tướng mạo.

Hòa thượng nói: Bản tánh của ông cũng như hư không, trọn không có một vật có thể thấy, đó gọi là chánh kiến; không có một vật có thể biết, đó gọi là chân tri; không có xanh, vàng, dài, ngắn, chỉ thấy giác thể tròn sáng, bản nguyên thanh tịnh, tức gọi là thấy tánh thành Phật, cũng gọi là cái thấy biết của Như Lai.

Kẻ học đạo tuy nghe nói như vậy mà cũng chưa xác quyết rõ ràng, xin Hòa thượng khai thị cho.

Sư nói: Chỗ vị sư kia nói cũng còn sự thấy biết (trên tướng) nên khiến ông chưa rõ. Nay ta chỉ bày cho ông một bài kệ:

Chẳng thấy một pháp còn (cái) không thấy

Giống như mây nổi che mặt trời

Chẳng biết một pháp giữ không biết

Lại như hư không sanh điện chớp.

Cái thấy biết này bỗng dấy lên

Lầm nhận đâu từng hiểu phương tiện

Ông phải một niệm tự biết sai

Linh quang chính mình thường hiển hiện.

Trí Thường nghe kệ, tâm ý rỗng rang, bèn nói bài kệ:

Không đâu khởi thấy biết

Bám tướng cầu Bồ đề

Tình còn một niệm ngộ

Sao thoát khỏi xưa mê.

Tự tánh nguyên thể giác

Theo chiếu uổng trôi lăn

Chẳng vào Tổ Sư thất

Mông lung chạy hai đầu.

Để có một kinh nghiệm ngộ, phải qua một quá trình chín muồi của tâm thức. Sư Trí Thường xuất gia từ lúc thiếu niên, chí cầu thấy tánh. Trải qua nhiều năm trong đời sống nhà chùa, ngồi thiền, tụng kinh, làm việc, tâm thức vẫn tập trung vào mục tiêu và cũng là sự nghi ngờ thấy tánh là gì.

Sau đó đi tham vấn Hòa thượng Đại Thông xin chỉ bày nghĩa thấy tánh mà vẫn chưa giải quyết được chỗ nghi che chướng. Chưa giải quyết được, vì, thứ nhất, tâm thức tham thiền của học trò chưa chín muồi, thứ hai sự trả lời của Hòa thượng Đại Thông đúng nhưng chưa rốt ráo, còn vướng vào tình thức, vào tướng, lại thêm sức mạnh trong lời nói của Hòa thượng người chưa thấy tánh rõ ràng nên chưa đủ để phá tan sự che chướng của học trò đối với thấy tánh.

Thành thử, khi đọc sự trả lời của Lục Tổ mà chúng ta không lọt vào trong đó là bởi vì tâm thức chúng ta chưa đủ chuẩn bị để chín muồi và chúng ta không có sự hiện diện đầy oai lực của Lục Tổ.

Chỗ nói của Hòa thượng Đại Thông cũng còn sự thấy biết nghĩa là còn người thấy biết và đối tượng tánh được thấy biết. Cho nên chẳng thấy một pháp, chẳng biết một pháp thì vẫn còn người không thấy, vẫn còn người giữ cái không biết. Cái thấy biết có người thấy, người giữ và tánh Không được thấy, được giữ lại thành một che chướng khởi lên che mờ Linh quang chính mình.

Chỉ cần một niệm tự biết cái thấy biết còn vướng mắc ấy là sai lầm, là sự che chướng thì cái thấy biết đúng (tự tánh nguyên thể giác) vốn có xưa nay bèn thường hiển hiện.

Tất cả là Linh quang của chính mình, nhưng bám tướng, bám theo sự chiếu hiện của Linh quang thì đã lọt vào sanh tử: ‘‘Theo chiếu uổng trôi lăn’’.

Để có được cái thấy tánh như Tăng Trí Thường, chúng ta cần lấy một câu hợp với mình nhất mà tham thiền suốt năm này qua năm khác, đến khi không thể “tự mình biết sai (tự tri phi)” thì mới đi học hỏi một vị thầy. Khi đã đại ngộ, đã thấy tánh thì những câu kệ như “Không đâu khởi thấy biết, bám tướng cầu bồ đề” mới là sự hiểu biết thường ngày, mới là “tự biết sai” trong từng niệm niệm.

Một ngày kia, Trí Thường hỏi Sư rằng: Phật nói pháp ba thừa, lại nói tối thượng thừa. Đệ tử chưa hiểu, xin nhờ ngài chỉ dạy.

Sư nói: Ông hãy quán bản tâm mình, chớ bám chấp tướng ở ngoài. Pháp không có bốn thừa mà tâm con người tự có các sai khác.

Chuyển tụng theo thấy nghe là Tiểu thừa. Ngộ pháp hiểu nghĩa là Trung thừa. Y pháp tu hành là Đại thừa. Muôn pháp đều thông, muôn pháp đều sẳn đủ, tất cả chẳng nhiễm, lìa các pháp tướng, một mảy không có chỗ đắc, gọi là Tối thượng thừa.

Thừa nghĩa là làm, chẳng phải nơi miệng tranh luận. Ngươi cứ tự tu, chớ hỏi ta làm gì. Trong tất cả thời gian tự tánh tự như.

Trí Thường lễ tạ, theo hầu hạ Sư đến trọn đời ngài.

Một lần đại ngộ, tuy đã vào Pháp thân, nhưng chưa chứng hết Pháp thân. Cho nên vẫn còn có chỗ chưa thông mà phải hỏi. Trường hợp tăng Trí Thường, ở với Tổ trọn đời ngài, vì chưa chứng đến mức có thể làm thầy ở riêng. Điều này cho thấy dù đốn ngộ thấy tánh vẫn phải “khéo tự hộ trì” cho đến lúc viên mãn.

Câu hỏi thắc mắc của tăng Trí Thường “thấy tánh thành Phật” ở trên cần hiểu cho chính xác. Thấy tánh là thấy được cái nền tảng Pháp thân chung của tất cả chư Phật. Nền tảng Pháp thân ấy là nền tảng để thành Phật. Thấy nền tảng ấy thì ắt có ngày thành Phật.

Sự trả lời của Tổ về các thừa là giảng theo sự khác biệt căn cơ nhiều hơn là theo ý nghĩa các thừa truyền thống. Tiểu thừa là tu trên cái cụ thể thấy nghe, nơi tướng mà tu. Trung thừa, khái niệm này do Tổ đặt ra, là tu nhiều hơn trên nghĩa đã hiểu ngộ. Đại thừa là tu trên pháp hay pháp tánh. Còn Tối thượng thừa thì thấy tánh và an trụ trong tánh nên muôn pháp đều thông vì cùng một tánh Không, muôn pháp đều sẳn đủ vì đều là tánh Như. Tánh Không nên tất cả đều chẳng nhiễm, đều lìa tướng, đều vô sở đắc. Tánh Như nên tất cả thời tự tánh tự như, tâm cảnh như như.

‘‘Một mảy không có chỗ đắc’’, hãy tham cho đến khi sanh tử tiêu tan.

Có vị tăng tên là Chí Đạo, người ở Nam Hải, Quảng Châu, đến xin chỉ dạy, thưa rằng: Kẻ học đạo này từ khi xuất gia xem Kinh Niết Bàn đã hơn mười năm mà chưa rõ đại ý, xin Hòa thượng xuống ơn chỉ dạy.

Sư nói: Ông nghi như thế nào?

Thưa: Tất cả chúng sanh đều có hai thân là sắc thân và Pháp thân. Sắc thân thì vô thường, có sanh có diệt. Pháp thân thì thường, không tri không giác.

Kinh nói: ‘Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui’, chẳng rõ thân nào tịch diệt, thân nào thọ vui? Nếu nói sắc thân, thì khi sắc thân diệt rồi, bốn đại phân tán, hoàn toàn là khổ, khổ thì không thể nói vui được. Còn như nói Pháp thân tịch diệt, tức đồng như cỏ cây gạch đá, cái gì thọ được vui?

Lại pháp tánh là cái thể của sự sanh diệt, năm uẩn là cái dụng của sự sanh diệt. Một thể năm dụng sanh diệt là thường, sanh thì từ thể khởi ra dụng, diệt thì thu dụng về thể. Nếu cho rằng sanh lại tức là loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu cho rằng chẳng sanh lại, tức là vĩnh viễn về nơi tịch diệt, đồng với vật vô tình. Như thế thì tất cả các pháp đều bị Niết bàn cấm cản đè nén, sanh còn chẳng được, có gì vui đâu?

Cũng vì chưa thấy trực tiếp tự tánh Niết bàn nên dùng ý thức hữu hạn mà suy luận nên lầm lạc rối bời, sanh đủ thứ nghi. Mê lầm không hiểu thật tướng của sắc thân và Pháp thân, của sanh diệt và tịch diệt, của hữu tình và vô tình, của tịch diệt và vui… Những cái ấy đối nghịch nhau trong suy lường giới hạn của ý thức.

Muốn tìm hiểu những cái đối nghịch loại trừ lẫn nhau trong sanh tử, thì phải vượt khỏi ý thức và thức chấp ngã (mạt na thức) để có một kinh nghiệm ngộ, thấy trực tiếp những cái đó là gì, nếu không chúng chỉ là những danh từ và ý niệm chống đối mâu thuẫn nhau. Kinh Phật nói đến năm người mù sờ voi là như vậy.

Sư nói: Ông là con họ Thích, sao lại học tập tà kiến đoạn thường của ngoại đạo mà bàn luận pháp tối thượng thừa? Cứ như ông nói, thì ngoài sắc thân còn có riêng Pháp thân, lìa sanh diệt mà cầu nơi tịch diệt, lại suy diễn Niết bàn thường vui mà nói có thân thọ dụng. Ấy là tiếc giữ sanh tử, mê đắm cái vui thế gian.

Ông nay phải biết: Phật vì tất cả các người mê, họ nhận năm uẩn hòa hiệp làm tướng ngoại trần, rồi ham sống ghét chết, niệm niệm trôi dời, chẳng biết là mộng huyễn hưgiả, uổng chịu luân hồi, lấy Niết bàn thường lạc chuyển thành tướng khổ mà trọn ngày cầu kiếm.

Vì thế Phật thương xót nên chỉ bày Niết bàn chân lạc, trong sát na không có tướng sanh, trong sát na không có tướng diệt, lại không có sanh diệt nào để diệt, đây là tịch diệt hiện tiền. Đang khi hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền, mới gọi là thường lạc.

Cái lạc này không có người thọ cũng không có người không thọ, thế thì làm sao có tên một thể năm dụng? Huống gì lại nói Niết bàn cấm ngăn các pháp, làm cho vĩnh viễn chẳng sanh. Đó là báng Phật nhạo Pháp.

Thức thì phân biệt, không phải vô thường thì là thường, không phải thường tức là vô thường, không phải sanh diệt thì là chẳng sanh chẳng diệt, không phải chẳng sanh chẳng diệt tức là sanh diệt, không phải Pháp thân tức là sắc thân, không phải sắc thân tức là Pháp thân… Chính cái thức phân biệt này chia cắt thực tại, đặt tên cho những chia cắt ấy để cái toàn nguyên thành ra sanh tử.

Cho nên để thấy được, sống được cái toàn nguyên cũng tức là Niết bàn này, phải vượt khỏi thức phân biệt. Vượt khỏi thức phân biệt, đây là trí huệ thấy cái toàn nguyên, cái Niết bàn “đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt”.

Những lời chỉ dạy của Lục Tổ thật rõ ràng, quý báu đến độ được người xưa gọi là kinh. Chúng ta học Thiền là phải tham thiền về những câu nói ấy bằng tất cả thân tâm mình cho đến khi chúng tỏ lộ ra như là thực tại xưa nay vẫn như vậy. Người tu hành phải chứng thực cái đó, để cho nó hiện tiền, không bao giờ mất nữa. Thế nên, Lục Tổ nói ở trước, “Thừa có nghĩa là làm, chẳng phải nơi miệng tranh luận”.

Cái gì là mê lầm nhận năm uẩn hòa hiệp làm tướng thân tâm mình, phân biệt các pháp làm tướng ngoại trần, khiến Niết bàn thường lạc chuyển thành tướng sanh tử khổ đau? Chứng thực được sự mê lầm ấy thì sanh tử biến mất, trước mắt là Niết bàn, nhìn đâu cũng Niết bàn, đi đâu cũng Niết bàn.

Trong sát na không có tướng sanh, trong sát na không có tướng diệt, lại không có sanh diệt nào để diệt, dùng Định Huệ để thấy được cái đó, tức là thấy Niết bàn tánh Không, tức là thấy tánh. Không có tướng sanh là ngay cả khi niệm sanh thì không thấy có tướng sanh, niệm đó vẫn là vô tướng, là tướng Không vì không có tự tánh. Không có tướng diệt là ngay khi niệm đang diệt vẫn không thấy có tướng diệt, vì niệm diệt là vô tướng, là tướng Không vì không có tự tánh. Lại không có sanh diệt nào để diệt: thấy cái này là thấy Niết bàn. Phải thực hành liên tục cho đến khi thấy trực tiếp được điều này, không còn thắc mắc, nghi ngờ, vì đây là điều dĩ nhiên.

Khi đã thấy trực tiếp Niết bàn mới hiểu được tịch diệt hiện tiền là gì, Niết bàn thường lạc và không ngăn cấm các pháp, các khái niệm là gì.

Người tu hành không cần học nhiều, chỉ cần lấy một câu chánh ngữ mà tham thiền cho đến khi vỡ lẽ, cho đến khi thấy được lẽ thật này là gì. Chỉ có giới định huệ mới có thể cứu được chúng ta, còn ngôn ngữ, ý nệm chỉ là trò chơi của vọng tưởng.

Niết bàn là không sanh không diệt. Tất cả đều không sanh không diệt, tất cả là Niết bàn.

Không phải sanh tử có sanh có diệt một bên, Niết bàn không sanh không diệt một bên. Không phải tướng có sanh có diệt một bên, tánh không sanh không diệt một bên. Mà sanh tử cũng không sanh không diệt, tướng cũng không sanh không diệt, vì tướng nào cũng là vô tướng, vì tướng nào cũng là tánh. Thấy sanh tử không sanh không diệt bèn thấy sanh tử tức là Niết bàn.

Tất cả không sanh không diệt, đây là tịch diệt hiện tiền. Tất cả không sanh không diệt, đây là lạc thường hằng.

Hãy nghe kệ ta:

Vô thượng đại Niết bàn

Tròn sáng thường tịch chiếu

Phàm ngu gọi là chết

Ngoại đạo chấp là đoạn.

Các người cầu Nhị thừa

Thấy đó là vô tác

Đều thuộc tình suy tính

Gốc sáu hai kiến chấp

Vọng lập tên hư giả

Đâu phải chân thật nghĩa.

Chỉ người vượt thức lượng

Thông đạt, không lấy bỏ

Vì biết pháp năm uẩn

Và ngã trong năm uẩn

Ngoài hiện các sắc tượng

Tất cả tướng âm thanh

Bình đẳng như mộng huyễn

Không khởi (cái) thấy phàm thánh

Không tạo (cái) thấy Niết bàn

Hai bên, ba thời dứt.

Thường ứng (nơi) dụng các căn

Mà chẳng khởi dụng tưởng

Phân biệt tất cả pháp

Chẳng khởi tưởng phân biệt.

Kiếp hỏa đốt cháy biển

Gió thổi núi chọi nhau

Chân thường tịch diệt lạc

Tướng Niết bàn như vậy.

Ta nay cưỡng nói ra

Khiến ông bỏ tà kiến

Ông chớ theo lời hiểu

Cho ông biết ít phần.

Chí Đạo nghe nói đại ngộ, hớn hở làm lễ rồi lui ra.

Tự tánh Niết bàn thì vừa tịch lặng, không sanh không diệt, tức là tánh Không, vừa chiếu soi, tức là tánh Sáng. Cái thể tròn sáng này ai cũng có, và Thiền là khám phá tự tánh tròn sáng này. Khám phá vì nó có sẳn, không phải làm ra hay trừ bớt, mà phải như Kinh Viên Giác nói, ‘‘tùy thuận’’. Tùy thuận ‘‘vô thượng đại Niết bàn, tròn sáng thường lặng chiếu’’, đó là tu Thiền.

Vừa khởi lên suy nghĩ bèn rơi vào sáu mươi hai kiến chấp, bị thức tình trói buộc. Khi không còn trói buộc trong tình thức suy tính, trong cái lượng hẹp hòi của thức thì đây là trí, hay Định (Chỉ) tự nhiên, Huệ (Quán) tự nhiên, Định Huệ đồng thời tự nhiên.

Định là bản tánh không sanh không diệt của tánh Không. Huệ là tánh Sáng thấy năm uẩn và cái ngã trong năm uẩn, ta, người, thế giới đều “bình đẳng như mộng huyễn”. Bình đẳng như mộng huyễn tức là xưa nay chẳng sanh nay cũng chẳng diệt, ‘‘trong sát na không có tướng sanh, trong sát na không có tướng diệt’’.

Khi đã hợp nhất tâm thức chúng sanh của mình với tánh Không và tánh Sáng, thì tất cả những gì xảy ra từ trước đến giờ ở trong khoảng cách giữa mình và tánh Không tánh Sáng đều trở thành mộng huyễn. Từ đây sống trong tánh Không tánh Sáng thì tất cả những gì xảy ra đều là mộng huyễn. Đây là Như huyễn tam muội: ‘‘Bình đẳng như mộng huyễn’’.

Định Huệ đồng thời là thể tịch chiếu tròn sáng ấy thường ứng hiện nơi dụng của các căn mà không có một cái ngã để khởi tưởng là dụng, phân biệt tất cả các pháp mà chẳng khởi tưởng phân biệt. Thể là tịch lặng chiếu soi thì dụng là các tướng cũng tịch lặng chiếu soi, ‘‘lại không có sanh diệt để diệt, đây là tịch diệt hiện tiền’’.

Khi không khởi, không tạo cái hiểu, khi không vọng lập về phàm thánh, về Niết bàn thì chính cái không khởi không tạo không vọng lập ấy là tự tánh Niết bàn xưa nay. Tịch diệt hiện tiền là “hai bên, ba thời dứt”.

Khi “lìa tướng” thì tướng ấy thanh tịnh, nghĩa là không sanh không diệt. Tướng ấy chính là tâm vô niệm, là tánh. Bấy giờ tướng, tánh đều thanh tịnh, không sanh không diệt, đây là “chân thường tịch diệt lạc”.

Thiền sư Hành Tư, nhà họ Lưu, sanh ở An Thành Cát Châu, nghe nói đạo tràng Tào Khê hoằng hóa rất thịnh, bèn đến tham bái và hỏi rằng: Nên làm thế nào mới khỏi sa lạc vào giai cấp?

Sư nói: Ông từng làm việc gì?

Bạch rằng: Thánh đế cũng chẳng làm.

Sư nói: Sa vào giai cấp nào?

Bạch rằng: Thánh đế còn chẳng làm, thì làm gì có giai cấp nào!

Sư rất trọng, bảo Hành Tư làm thủ chúng. Một ngày kia Tổ bảo: Ông phải tách ra hóa độ một phương, chớ để giáo pháp đoạn tuyệt.

Hành Tư đắc pháp bèn trở về núi Thanh Nguyên thuộc Cát Châu, hoằng hóa hóa độ, được phong độ là Hoằng Tế Thiền sư.

Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng là hai đại đệ tử của Lục Tổ, từ hai vị ấy mà phát sanh năm phái Thiền Trung Hoa.

Những câu đối đáp giữa sư Hành Tư và Lục Tổ là những câu trực chỉ, mà về sau trở thành những công án, phá thấu qua được thì gọi là ngộ. Ngộ cái gì? Ngộ tánh Không bổn lai.

Người tu học về sau phải học sự thiết tha cầu đạo của sư Hành Tư, tham thiền để thấu hiểu cái mà từ đó có ra những lời truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ấy. Học sự ở lại với Lục Tổ lâu ngày để thâm nhập, khi Tổ thấy được, cho đi thì mới đi.

Tự tánh hay Phật tánh không do làm cũng không phải là không làm. Làm thì thành giai cấp, không làm thì thành vô tri. Thấy biết được nó mới biết tu là tu cái không tu, chứng cái không chứng, xưa như vậy nay cũng như vậy.

Thiền sư Hoài Nhượng, nhà họ Đỗ, ở Kim Châu. Ban đầu yết kiến An quốc sư ở núi Tung Sơn. An quốc sư bảo đến Tào Khê tham vấn. Sư Hoài Nhượng đến lễ bái.

Sư nói: Ở đâu đến?

Bạch: Ở Tung Sơn.

Sư nói: Vật gì đó, đến thế nào?

Bạch: Nói giống một vật thì chẳng trúng.

Sư nói: Lại có thể tu chứng chăng?

Bạch: Tu chứng tức chẳng phải không có, ô nhiễm thì chẳng thể được.

Sư nói: Chỉ cái chẳng ô nhiễm này là chỗ hộ niệm của chư Phật. Ông đã như thế, ta cũng như thế.

Sư Hoài Nhượng liền suốt thông khế hội, rồi hầu hạ bên ngài mười lăm năm, mỗi ngày thêm sâu nhiệm (huyền áo).

Sau qua núi Nam Nhạc, xiển dương rộng lớn Thiền tông, được sắc phong là Đại Huệ thiền sư.

Một câu hỏi, “vật gì đó, đến thế nào?”, đối với sư Hoài Nhượng, người đã tham thiền nhiều năm mới trả lời được. Nhưng trả lời rồi lại còn bị hỏi tiếp.

Qua đây, chúng ta thấy những câu hỏi đáp trong Thiền tông là kinh nghiệm tâm linh tu hành nhiều năm chứ không phải là hỏi đáp bình thường. Hỏi là hỏi cái mà ta đang kinh nghiệm trong hiện tại, chứ không qua kinh sách, qua kiến thức. Những câu hỏi đáp đó về sau trở thành những công án, những quan mà có phá thấu qua mới thoát khỏi ý thức phân biệt tạo thành sanh tử. Nói như Kinh Lăng Già, phải vượt khỏi tâm, ý, ý thức.

Câu trả lời cũng thế, nếu ta còn trong sanh tử, câu trả lời của chúng ta sẽ vướng mắc trong tấm lưỡi sanh tử. Nếu ta ở trong Niết bàn, câu trả lời sẽ là sự chỉ thẳng Niết bàn. Thế nên, không ích gì mà giải nghĩa những câu này, có giải nghĩa cỡ nào cũng lọt vào thức.

Nếu thấy thích hợp, người tu phải hỏi mình mỗi lúc mỗi giây “cái gì đó, đến thế nào?” mới mong có ngày thấy trực tiếp được “thật tướng của các pháp”, “khuôn mặt xưa nay của mình”, “cái không thể ô nhiễm bởi tu chứng” là cái gì. Lúc ấy các Tổ mới nói, “ấy là chỗ hộ niệm của chư Phật. Ông đã như thế, ta cũng như thế”.

Nhưng có ngộ như thế cũng chưa đủ đâu. Ngài Hoài Nhượng phải thân cận hầu hạ Tổ mười lăm năm, mỗi ngày thêm sâu nhiệm, rồi mới làm một vị thầy xiển dương rộng lớn Thiền tông.

Nhân đây, chúng ta thấy rằng trong kinh, khi giới thiệu một Bồ tát, kinh không nói định huệ, tinh tấn gì của vị ấy mà nói “đã thân cận nhiều đức Phật, đã trồng nhiều thiện căn”. Thân cận một Thiền sư, đó là Thiền.

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, họ Đới, ở Ôn Châu, thuở nhỏ học tập kinh luận, chuyên về pháp môn Chỉ Quán của tông Thiên Thai. Nhân xem kinh Duy Ma Cật mà phát minh tâm địa. Tình cờ gặp đệ tử của Tổ là Huyền Sách đến thăm, cùng nhau đàm luận, thấy lời Huyền Giác nói đều thầm hợp với chư Tổ.

Huyền Sách hỏi: Nhân giả đắc pháp ở thầy nào?

Huyền Giác đáp: Tôi nghe kinh Phương đẳng và các luận đều có thầy truyền dạy, sau nhờ kinh Duy Ma Cật ngộ được tâm tông của Phật mà chưa có người chứng minh.

Huyền Sách nói: Từ Phật Oai Âm Vương về trước thì được, nhưng từ Phật Oai Âm Vương về sau, nếu không thầy mà tự ngộ thì đều là ngoại đạo thiên nhiên.

Huyền Giác nói: Xin nhân giả chứng minh cho tôi.

Huyền Sách nói: Lời tôi nói không giá trị lắm. Hiện nay ở Tào Khê có Lục Tổ Đại sư, bốn phương hội tụ mà thọ pháp với ngài. Nếu ông muốn đến tôi sẽ cùng đi.

 

 

Ngài Huyền Giác đọc kinh Duy Ma Cật mà ngộ, nhưng cũng cẩn thận nhờ người ấn chứng. Chuyện tu chứng phải nghiêm khắc thì Phật giáo mới tồn tại ở đời được.

Phật Oai Âm Vương về trước, Phật Oai Âm Vương về sau là thế nào, người ngộ rồi mới biết

Huyền Giác cùng Huyền Sách đến tham vấn, đi nhiễu Tổ ba vòng, rồi chống tích trượng mà đứng.

Sư nói: Phàm là sa môn thì phải đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, đại đức từ phương nào đến đây mà sanh ngã mạn lớn vậy?

Huyền Giác bạch: Sanh tử là việc lớn, vô thường thì nhanh chóng.

Sư nói: Sao chẳng thể hội vô sanh, rõ không nhanh chóng?

Huyền Giác bạch: Thể hội tức vô sanh, thấu rõ vốn không nhanh chóng.

Sư nói: Như thế, như thế!

Huyền Giác bèn đủ oai nghi lễ lạy, rồi một lát xin cáo từ.

Sư nói: Trở về nhanh chóng vậy?

Bạch: Vốn tự chẳng động, có gì là nhanh chóng!

Sư nói: Ai biết chẳng động?

Bạch: Nhân giả tự sanh phân biệt.

Sư nói: Ông rất đắc cái ý vô sanh.

Bạch: Vô sanh há có ý sao?

Sư nói: Không có ý thì cái gì đang phân biệt?

Bạch: Phân biệt cũng chẳng phải ý.

Sư nói: Hay thay! Hãy ở lại đây ít ra một đêm.

Lúc bấy giờ gọi là Một đêm Giác. Về sau có làm Chứng Đạo Ca, thịnh hành trong đời. Được sắc phong là Vô Tướng đại sư, đương thời xưng là Chân Giác.

Thiền nhằm chứng thực cái hiện tiền vô sanh, cái hiện tiền không có thời gian, đó là giải thoát. Cho nên Lục Tổ đưa ngài Huyền Giác vào cuộc đối đáp về vô sanh. Ngộ hay thấy tánh là “thể hội tức vô sanh, thấu rõ vốn không nhanh chóng”.

Mặc dầu nói “như thế, như thế” nhưng Lục Tổ vẫn tiếp tục đẩy tới đến chỗ vi tế hơn. Người thấy tánh rõ ràng thì biện tài vô ngại, vì thấy pháp rõ ràng cho nên có thể trả lời mọi câu hỏi, vượt qua mọi lắt léo chướng ngại.

“Ai biết mình chẳng động?” Về sau có những công án để tham thiền tập trung vào chữ ‘ai’ này để giải thoát khỏi bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu cái vô sanh mà còn có người đắc, còn vương vấn trong ý niệm chủ thể và đối tượng thì chưa thật chứng tánh Không, nên Tổ nói “Ông rất đắc cái ý vô sanh”. Ngài Huyền Giác trả lời vô sanh thì không có người đắc và không có ý niệm nào trong đó cả.

Lập tức Tổ hỏi một câu rất khó trả lời nếu với người không thực chứng, “Không có ý thì cái gì đang phân biệt?”, rõ ràng là đang đối đáp, đang dùng ý phân biệt đây, tại sao lại nói là không có ý. Câu trả lời của ngài Huyền Giác thật tuyệt vời, “Phân biệt cũng chẳng phải ý”.

Vô sanh, giải thoát không phải là không có gì hoạt động cả, ý đang phân biệt mà vẫn là vô sanh, thế mới gọi là hiện tiền vô sanh, hiện tiền giải thoát. Lúc ấy, ý hay thức phân biệt cũng chính là trí vô phân biệt.

Về sau ngài có sáng tác Chứng Đạo Ca, mà giá trị vẫn còn mãi đến ngày nay, thậm chí, như Pháp Bảo Đàn Kinh, càng sáng thêm theo thời gian.

Thiền giả Trí Hoàng, ban đầu tham học với Ngũ Tổ, tự cho mình đã đắc chánh thọ (chánh định). Ở trong một cái am, ngồi thiền suốt hai mươi năm.

Đệ tử của Tổ là Huyền Sách đi du phương đến Hà Sóc, nghe danh Trí Hoàng mới đến am hỏi rằng:

Ông làm gì ở đây?

Trí Hoàng đáp: Nhập định.

Huyền Sách nói: Ông nói nhập định là có tâm nhập, hay không có tâm nhập? Nếu không có tâm mà nhập thì tất cả những loài vô tình cây cỏ gạch đá lẽ ra cũng đắc định. Còn nếu có tâm mà nhập thì tất cả các loài hữu tình hàm thức cũng đều đắc định.

Trí Hoàng nói: Chính trong lúc tôi nhập định thì không thấy có cái tâm ‘có tâm không tâm’.

Huyền Sách nói: Không thấy có cái tâm có không tức là thường định, có gì là xuất nhập! Còn nếu có xuất nhập thì chẳng phải là đại định.

Trí Hoàng không đáp được. Một hồi lâu hỏi rằng: Thầy của ông là ai?

Huyền Sách nói: Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.

Chúng ta thấy ở trên gặp sư Huyền Giác là ngài Huyền Sách, ở đây gặp sư Trí Hoàng cũng là ngài Huyền Sách. Ngài là đệ tử của Lục Tổ, đã ngộ, đã thấy tánh, và sự việc đi gặp vị này vị khác để đưa về Lục Tổ là do lòng từ bi giúp người của ngài. Những lời nói của ngài không phải để tranh luận như đời thường, mà là sự khai thị đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng căn cơ, đúng hoàn cảnh. Trí huệ luôn luôn đi với từ bi là như vậy.

Sư Trí Hoàng chỉ biết cái định khi ngồi thiền nhập định mà chưa biết cái thường định có trong mọi thời gian không gian, dầu là khi ngồi hay khi làm việc lúc thức. Cái định có khi ngồi mà không có khi “hậu thiền định” là cái định bị giới hạn bởi điều kiện. Thường định là cái định của tự tánh “tự tịnh tự định”, không lúc nào chẳng có.

Trí Hoàng hỏi: Thiền định của Lục Tổ là thế nào?

Huyền Sách nói: Thầy tôi nói thiền định là trong trẻo mầu diệu, tròn đầy vắng lặng, thể dụng như như, năm uẩn vốn Không, sáu trần chẳng phải có, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn. Tánh thiền không trụ, lìa sự trụ vào cái vắng lặng của thiền, tánh thiền không sanh, lìa sự sanh ra cái tưởng thiền. Tâm như hư không mà cũng không có cái lượng hư không.

Trí Hoàng nghe nói như vậy, mới đi đến yết kiến Đại sư.

Sư hỏi rằng: Nhân giả ở đâu đến?

Trí Hoàng thuật đủ duyên do từ trước.

Sư nói: Quả thật như lời nói ấy. Khi tâm ông như hư không mà chẳng bám vào cái thấy không, ứng dụng vô ngại, động tịnh đều vô tâm, tình phàm thánh dứt, năng sở đều hết, tánh tướng như như, thì không lúc nào chẳng định.

Trí Hoàng ngay đó đại ngộ. Tâm sở đắc từ hai mươi năm nay đều không còn bóng dáng âm vang. Đêm ấy ở Hà Bắc người ta nghe trên không trung có tiếng rằng: Hoàng thiền sư ngày nay đắc đạo.

Sau đó Trí Hoàng làm lễ từ biệt Tổ, trở về Hà Bắc khai hóa bốn chúng.

Cái định của sư Trí Hoàng là tướng định, cái định như Huyền Sách nói là tánh định. Tánh định là cái định của tự tánh, nó vốn là vô niệm, vô tướng, vô trụ, và thường hằng như vậy.

Lời của ngài Huyền Sách đều đúng như lời của Lục Tổ, vì đã thấy tánh. Y theo lời ngài mà tu, thực hiện được như vậy là đã đủ cho một đời tu học. Vấn đề với người tu học chúng ta là cần phải chứng cho được tánh định ấy, chứ ngôn ngữ ý niệm thì chẳng ích gì, như muốn ăn cho no mà chỉ đọc thực đơn thôi vậy.

Lời nói của Lục Tổ mạnh mẽ hơn, có oai lực hơn, cọng với tâm thành khẩn cầu học của sư Trí Hoàng, khiến cho tâm sư tương ưng được với tánh định vốn có này. Khi tương ưng, thấy biết được cái thật, thì cái giả rơi rụng không còn âm vang bóng dáng.

‘‘Động tịnh đều vô tâm’’, đây là cái chúng ta vẫn dùng hàng ngày mà không biết.

Có một vị tăng hỏi Sư rằng: Ý chỉ của Hoàng Mai người nào được?

Sư nói: Người hội Phật pháp được.

Tăng nói: Hòa thượng có được chăng?

Sư nói: Ta chẳng hội Phật pháp.

Người chứng ngộ tánh Không hoàn toàn mới trả lời được như vậy. Để thấy biết trực tiếp ý chỉ của Thiền, chúng ta phải tham thiền câu nói “ta chẳng hội Phật pháp” cho đến khi vỡ lẽ, thấy thấu suốt tánh Không.

Đoạn này cùng một nghĩa với phần sau của Kinh Kim Cương, ‘‘chẳng chứng, chẳng đắc’’.

Một hôm Sư muốn giặt cái y đã được truyền thọ, mà không tìm được suối trong. Nhân đi ra sau chùa ước chừng năm dặm, thấy núi rừng rậm rạp, khí tốt vây quanh, Sư dộng tích trượng xuống đất, mạch suối theo đó mà chảy ra, chứa đầy thành ao. Sư quỳ gối trên đá mà giặt y. Bỗng có vị tăng người ở Tây Thục, tên là Phương Biện đến ra mắt Sư.

Sư hỏi: Thượng nhân chuyên làm nghề gì?

Bạch: Dạ, khéo về nghề đắp tượng.

Sư nghiêm chỉnh nét mặt, nói rằng: Ông thử đắp hình ta xem.

Phương Biện bối rối, qua vài ngày sau mới đắp thành tượng, cao độ bảy tấc, điểm nào cũng khéo.

Sư cười mà nói: Ông chỉ khéo hiểu tánh đắp tượng mà chưa hiểu tánh Phật.

Rồi Sư xoa đỉnh đầu Phương Biện mà nói rằng: Ông hãy hằng làm phước điền cho trời người, và lấy y đền đáp công Phương Biện.

Phương Biện lấy y phân làm ba phần, một phần choàng vào tượng, một phần để lại cho mình, và một phần dùng làm hộp đựng rồi chôn xuống đất, thệ nguyện rằng: Sau này người nào được y này, tức là ta ra đời, trụ trì ở đây, tu sửa lại ngôi chùa.

Đạo Phật bắt đầu bằng hai sự tích tập phước đức và trí huệ ở Tư lương vị và chấm dứt với sự viên mãn hai tích tập ấy ở quả vị Phật. Khi Lục Tổ bảo sư Phương Biện, ‘‘ông hãy hằng làm phước điền cho trời người’’, cho thấy là Thiền tông chẳng bao giờ coi nhẹ phước đức. Trái lại phải ‘‘hằng làm’’. Cuộc đời Lục Tổ cho thấy điều này. Có điều hằng làm phước đức mà chẳng bao giờ lìa trí huệ tánh Không.

Tuy chưa hiểu Phật tánh, nhưng lời thệ nguyện từ một thân, khẩu, tâm ý trong sạch đủ sức mạnh để định hình tương lai. Còn những vị thông đạt Phật tánh mà nguyện ở lại trần gian, không nhập Niết bàn, để độ chúng sanh thì lời nguyện ấy sẽ thành hiện thực, như trong suốt dòng Thiền Trung Hoa, có những vị Thiền sư đã nằm mộng thấy Lục Tổ và nghe sự căn dặn của ngài. Thiền sư Hư Vân thế kỷ 20 là một trong số những vị ấy.

Có vị tăng đọc lại bài kệ của Thiền sư Ngọa Luân rằng:

Ngọa Luân có nghề giỏi

Dứt được trăm tư tưởng

Đối cảnh chẳng khởi tâm

Bồ đề ngày ngày lớn.

Sư nghe kệ, nói rằng: Bài kệ ấy chưa rõ tâm địa. Nếu y theo đó mà tu hành thì thêm sự trói buộc. Nhân đó khai thị một bài kệ:

Huệ Năng không tài nghề

Chẳng dứt trăm tư tưởng

Đối cảnh tâm luôn khởi

Bồ đề làm sao lớn?

Khi chưa rõ tâm địa vốn là tánh Không thì lấy sự dứt được các tư tưởng, sự đối cảnh tâm chẳng khởi làm công phu. Đây là một bề tu Định. Tu Định được như vậy là tốt, nhưng nếu không có thầy chỉ bày thì chỉ thấy mặt Tịch mà không thấy mặt Chiếu của tâm, mặt Định mà không có mặt Huệ.

Người thấy tánh, thấy tâm địa thì khác. Nếu không có tư tưởng thì làm sao đi đứng nằm ngồi, thuyết pháp, độ sanh? Người thấy tâm địa vô niệm thì có khởi, nhưng là những tư tưởng thiện lành và thật tánh của các tư tưởng thiện lành ấy là vô sanh. Dù là tư tưởng thiện lành hay trung tính thì tư tưởng ấy khởi lên rồi lại tan biến tức thì trong tâm vô niệm, không để lại dấu vết gì. Như một đám mây khởi trong bầu trời và tan biến ngay trong bầu trời mà không để lại dấu tích. Đây chính là tâm vô sanh.

Giải thoát không phải là không có tư tưởng khởi, mà tư tưởng khởi trong tâm vô niệm, vô sanh, nên tư tưởng là vô sanh, vốn tự giải thoát.

---o0o---

Trích: "Lục Tổ - Pháp Bảo Đàn Kinh Giảng Giải"

Giảng giải: Đương Đạo

Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức, 2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan