PHẨM HỘ PHÁP - LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

PHẨM HỘ PHÁP - THỨ CHÍN

---o0o---

Pháp hay thực tại thì không có tâm phân biệt so sánh, cho nên không có tướng và danh đối đãi nhau. Trong tánh, thì không có tướng đối đãi. Thấy và sống được như vậy gọi là giải thoát, giác ngộ.
PHẨM HỘ PHÁP - LỤC TỔ - PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI

Niên hiệu Thần Long, năm đầu, ngày rằm thượng nguyên, hoàng thái hậu Tắc Thiên và vua Trung Tông ra lời chiếu rằng: Trẩm thỉnh hai đại sư Huệ An và Thần Tú vào cung để cúng dường, thừa khi công việc có rảnh thì nghiên cứu về Nhất thừa. Nhưng hai sư đều nhường và nói: Ở phương Nam có Thiền sư Huệ Năng được mật truyền y pháp của Đại sư Hoằng Nhẫn, truyền tâm ấn của Phật, nên thỉnh người đến mà hỏi. Nay sai nội thị là Tiết Giản mang chiếu nghinh thỉnh, xin Đại sư từ bi nghĩ đến, nhanh đến kinh đô.

Sư dâng sớ cáo bệnh xin từ, nguyện trọn đời ở nơi rừng núi.

Tiết Giản bạch: Các vị thiền đức ở kinh thành đều nói rằng: Muốn được ngộ đạo ắt phải ngồi thiền tập định. Nếu chẳng do thiền định mà được giải thoát là điều chưa từng có. Vậy chưa rõ chỗ thuyết pháp của Đại sư như thế nào?

Sư nói: Đạo do tâm ngộ, đâu phải do ngồi. Kinh nói: Nếu nói Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm. đó là hành tà đạo. Vì sao thế? Không từ chỗ nào đến, cũng không có chỗ nào đi.

Không sanh không diệt, đây là Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp không tịch, đây là Như Lai thanh tịnh tọa. Cứu cánh không có gì là chứng, huống chi là ngồi?

Đạo do tâm ngộ, do sự sáng tỏ của tâm. Sự sáng tỏ của tâm bao la trùm khắp, đâu có lệ thuộc gì vào tư thế đi đứng nằm ngồi của thân. Nếu Thiền chỉ có khi ngồi thì khi chết làm sao? “Khi sống ngồi chẳng nằm, chết rồi nằm chẳng ngồi, một đống xương thịt thúi, sao lập nên công phu?”

Tánh của tâm không thể giới hạn trong tướng của thân. Nên cho Như Lai ngồi hay nằm, ấy là hành tà đạo. Tánh của tâm là Như Lai thanh tịnh thiền, không từ chỗ nào đến, cũng không có chỗ nào đi, không sanh không diệt. Tánh của tâm là Như Lai thanh tịnh tọa, hằng ngồi nơi các pháp không tịch.

Hai phẩm chót này Lục Tổ tóm lại, tổng trì những điều quan trọng ngài đã dạy. Ngài không bác bỏ việc ngồi thiền, bởi ngài cũng có ngồi, như khi gặp Thượng tọa Minh, dấu ngồi thiền còn in trên đá, khi ngồi trên Tảng đá lánh nạn, và khi ngài viên tịch.

Ngài chỉ bác bỏ cho rằng Phật giáo chỉ có ngồi thiền như là phương tiện duy nhất. Ngài bác bỏ sự chú trọng vào chỉ việc ngồi, vào tướng ngồi, thay vì chú trọng vào tánh của tâm, cái ngồi thiền trong mọi lúc, nghĩa là cái xuyên suốt cả thiền định và sau thiền định. Ngài chú trọng vào cái tâm vốn ngộ, cái tâm “không tu nữa”, “vô học”, “không chứng”, vì vô tướng, vô niệm và vô trụ.

Chính vì điều này ngài đã đưa thiền vào mọi mặt của đời sống, đưa thiền vào mọi hoạt động của Bồ tát hạnh, mở ra một lối sống toàn diện cho cả vùng Đông Á.

Tiết Giản bạch: Đệ tử về kinh, Chúa Thượng chắc sẽ hỏi. Xin Sư từ bi chỉ bày yếu nghĩa của tâm để truyền tâu lại với hai cung cùng các vị học đạo ở kinh thành. Ví như một ngọn đèn thắp ra cho trăm, ngàn ngọn đèn, các chỗ tối đều sáng, sáng sáng không cùng.

Sư nói: Đạo không có sáng tối, sáng tối là cái nghĩa thay nhau; còn sáng sáng không cùng cũng là có cùng, đối đãi nhau mà lập ra hai cái tên. Cho nên kinh Tịnh Danh nói: “Pháp không có so sánh, vì không đối đãi nhau”.

Tâm phân biệt vọng tưởng ra sự đối đãi rồi đặt tên cho sự đối đãi này: sáng và tối, cùng và không cùng. Chính từ đây mà sống trong vọng tưởng là có sanh tử đối đãi thật đã sanh ra. Thật ra sanh tử chỉ có trong danh tướng, danh phân biệt và tướng phân biệt.

Pháp hay thực tại thì không có tâm phân biệt so sánh, cho nên không có tướng và danh đối đãi nhau. Trong tánh, thì không có tướng đối đãi. Thấy và sống được như vậy gọi là giải thoát, giác ngộ.

“Pháp không có so sánh, vì không đối đãi nhau”, đó là cái gì, hãy mở mắt nhìn cho rõ. Thấy được Pháp như vậy thì bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả chết sạch.

Tiết Giản bạch: Sáng ví như trí huệ, tối ví như phiền não. Người tu đạo nếu không lấy trí huệ soi phá phiền não thì làm sao ra khỏi sanh tử từ vô thủy?

Sư nói: Phiền não tức Bồ đề (giác ngộ), không hai không khác. Nếu lấy trí huệ chiếu phá phiền não, đó là kiến giải Nhị thừa, căn cơ xe nai xe dê. Người thượng trí đại căn chẳng phải như vậy.

Tiết Giản bạch: Thế nào là kiến giải Đại thừa?

Sư nói: Sáng và không sáng, người phàm thấy là hai, người trí thì rõ thông tánh chúng không có hai, tánh không hai là tức là thật tánh. Thật tánh này nơi phàm ngu chẳng giảm, nơi hiền thánh chẳng tăng, trụ phiền não mà chẳng loạn, ở thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở giữa hay chẳng ở ngoài, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng đổi, gọi đó là đạo.

Người đời vì không có cái thấy tròn vẹn dung nhiếp nên cứ phân hai, trí huệ soi phá phiền não, sáng soi phá tối… mà không biết tận nguồn gốc thì trí huệ và phiền não, sáng và tối chỉ là một vị, một tánh. Phiền não là một vị một tánh với Bồ đề giác ngộ. Thấy là thấy cái một vị một tánh ấy, và tu là niệm niệm thấy cái một vị, một tánh ấy, để rồi tất cả tướng tiêu dung là một vị, một tánh. Tất cả tướng là một vị, một tánh.

Tâm hay tánh thì như tấm gương không biên không bờ. Khi thấy gương, niệm niệm là gương thì tất cả các bóng đều là gương, tất cả tướng đều là tâm hay tánh, không hai không khác.

Cái gương sáng không hai ấy là thật tánh không hai. Gương ấy nơi tướng thánh chẳng tăng, nơi tướng phàm chẳng giảm, nơi tướng phiền não chẳng loạn, nơi tướng thiền định mà chẳng lặng, chẳng đến chẳng đi, chẳng sanh chẳng diệt. Ở nơi tướng nào thì cũng chỉ là một tánh không hai ấy.

Vì tánh và tướng không hai, gương và bóng không hai, nên tánh không đến không đi, chẳng sanh chẳng diệt thì tướng hay bóng cũng không đến không đi, chẳng sanh chẳng diệt, nên gọi là tánh tướng như như, gương bóng như như.

Tiết Giản bạch: Đại sư nói ‘chẳng sanh chẳng diệt’ thì có gì khác với ngoại đạo?

Sư nói: Chỗ nói chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo là lấy cái diệt mà dừng dứt cái sanh, lấy cái sanh mà hiển bày cái diệt, diệt như vậy thì giống như chẳng diệt, sanh như vậy mà nói là chẳng sanh.

Ta nói chẳng sanh chẳng diệt là vốn tự vô sanh nay cũng chẳng diệt, nên chẳng đồng ngoại đạo. Ông nếu muốn biết yếu nghĩa của tâm thì chỉ tất cả thiện ác đều chẳng nghĩ suy bèn tự nhiên vào được tâm thể thanh tịnh, trong trẻo thường lặng mà diệu dụng như số cát sông Hằng.

Chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo là lấy cái diệt để dừng dứt cái sanh, nhìn cái sanh để thấy ra cái đã diệt.

Chẳng sanh chẳng diệt như vậy là nằm trong vòng tương đối của duyên sanh, trong đối đãi của tướng.

Lục Tổ đứng trong tánh mà nói, “vốn tự vô sanh, nay cũng chẳng diệt”. Muốn thấy thực tại của tâm này thì phải vô niệm, chẳng nghĩ suy tất cả thiện ác, bèn tương ưng với tâm thể thanh tịnh vốn vô niệm này. Khi đã quen nhiều với tâm thể thanh tịnh ấy thì mới thấy tất cả các niệm nghĩ suy đều khởi từ tâm thể thanh tịnh nên chúng cũng thanh tịnh.

Như ban đầu, phải thấy đại dương giữa hai làn sóng, thấy tâm thể thanh tịnh giữa hai niệm. Khi đã thấy rõ ràng đại dương thì ngay các sóng cũng là đại dương. Các sóng là diệu dụng của đại dương, đại dương “vốn tự vô sanh, nay cũng chẳng diệt” thì sóng cũng không sanh không diệt, cũng vốn là giải thoát. Các niệm là diệu dụng của tâm thể thanh tịnh, các niệm chính là tâm thể thanh tịnh, theo nghĩa không sanh không diệt, vốn tự giải thoát.

Tiết Giản nhờ ơn chỉ dạy, hoát nhiên đại ngộ, làm lễ từ giả về kinh đô, dâng biểu ghi các lời của Tổ.

Trong năm ấy, ngày mồng ba tháng chín, có lời chiếu dụ khen tặng rằng: Đại sư cáo từ vì già bệnh, vì trẩm mà tu hành, là ruộng phước của nước. Sư cũng như ngài Tịnh Danh xưa kia bày ra việc bệnh ở thành Tỳ da ly mà xiển dương Đại thừa, truyền pháp bất nhị tâm yếu của chư Phật.

Tiết Giản có truyền lời Sư chỉ dạy về tri kiến Như Lai. Trẫm nhờ tích tập việc thiện và trồng căn lành đời trước, được gặp Sư ra đời mà tỏ hiểu pháp thượng thừa, thật cảm ơn Sư, đầu đội chẳng xiết.

Trẩm xin dâng cái áo cà sa và bình bát bằng thủy tinh. Lệnh cho quan Thứ sử ở Thiều Châu sửa sang ngôi chùa và sắc tứ chùa cũ của đại sư ở là Quốc Ân tự.

Một vị Tổ là bậc trí huệ và từ bi, là “ruộng phước của nước”. Qua những lời tri ân tôn kính này chúng ta thấy các vua nhìn thấy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng và xã hội như thế nào để xây dựng nên đời Đường, một triều đại thịnh vượng nhất của Trung Hoa và cả thế giới vào lúc đó, về tất cả mọi mặt, chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo.

---o0o---

Trích: "Lục Tổ - Pháp Bảo Đàn Kinh Giảng Giải"

Giảng giải: Đương Đạo

Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức, 2016

Ảnh: Nguồn internet

 

 

Bài viết liên quan