PHẨM PHẬT QUỐC (2)-THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT-ĐƯƠNG ĐẠO

PHẨM PHẬT QUỐC (2)

THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Bồ tát tùy trực tâm thẳng suốt tánh Không mà phát ra việc làm lợi lạc cho mình và cho người. Tùy sự phát hạnh tức được thâm tâm, tức là tâm sâu thẳm của lòng bi làm mọi việc để cứu giúp chúng sanh.
PHẨM PHẬT QUỐC (2)-THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT-ĐƯƠNG ĐẠO

 

“Bảo Tích! Hãy biết rằng: Trực tâm là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh không dua nịnh sanh sang nước mình. Thâm tâm là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức sanh sang nước mình. Bồ đề tâm là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh Đại thừa sanh sang nước mình.

 

Trực tâm là tâm trực niệm Chân Như, tức pháp tánh, tức tánh Không. Người tu đạo Bồ tát niệm niệm tương ưng với tánh Không, đó là Trí huệ. Thâm tâm là tâm tích tập công đức sâu dày, kiên cố. Trực tâm là sự tích tập trí huệ; thâm tâm là sự tích tập công đức. Bồ đề tâm là tâm thâm nhập trí huệ vì lợi lạc mai sau cho tất cả chúng sanh.

Đoạn này nói rõ Hạnh và Quả là một. Ngay nơi Hạnh là Quả, Hạnh đến đâu Quả đến đó. Hành giả phải thấy tính cách Hạnh Quả đồng thời này, Nhân Quả đồng thời này. Có như thế, con đường Bồ tát tuy dài lâu, xa thăm thẳm, nhưng trong bất cứ giây phút nào hành giả cũng thọ dụng được những hoa thơm trái ngọt trên con đường vinh quang và phong nhiêu đó.

 

“Bố thí là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh có thể thí xả tất cả sanh sang nước mình. Trì giới là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh hành Mười Thiện tròn nguyện sanh sang nước mình. Nhẫn nhục là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh trang nghiêm bởi ba mươi hai tướng tốt sanh sang nước mình. Tinh tấn là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh chuyên cần tu tất cả công đức sanh sang nước mình. Thiền định là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh nhiếp tâm chẳng loạn sanh sang nước mình. Trí huệ là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh chánh định sanh sang nước mình. Bốn Tâm Vô Lượng là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh thành tựu Từ, Bi, Hỷ, Xả sanh sang nước mình. Bốn nhiếp pháp là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh đã được giải thoát qua bốn nhiếp pháp sanh sang nước mình. Phương tiện là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh phương tiện vô ngại nơi tất cả pháp sanh sang nước mình. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh có bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo sanh sang nước mình. Tâm hồi hướng là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, được cõi nước đầy đủ tất cả công đức. Nói pháp để trừ tám nạn là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, cõi nước không có ba đường ác và tám nạn. Tự giữ giới hạnh, không chê khuyết điểm của người khác là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, cõi nước không có danh từ phạm tội. Mười thiện là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh không yểu mạng, giàu có, phạm hạnh, lời nói thành thật, thường dùng lời dịu dàng, quyến thuộc chẳng chia lìa, khéo hòa giải việc tranh tụng, nói lời có lợi ích, không ghen ghét, không tức giận, có chánh kiến sanh sang nước mình.

 

Thân, ngữ, tâm của mình như thế nào, thì sự chiêu cảm như thế đó. Đây là luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Bồ tát có thiện nghiệp gì, thì khi thành Phật, những chúng sanh đồng những thiện nghiệp đó sẽ sanh về cõi nước mình. Ngay trong đời sống trên trái đất này cũng thế: cõi Tịnh độ của bồ tát đã dần dần tựu thành khi những con người và môi trường liên hệ với bồ tát có sự chuyển hóa. Tâm bồ tát sẽ không còn sự xấu ác thì bồ tát sẽ gặp toàn những người lành, thiện và những hoàn cảnh lành, thiện. Tâm bồ tát tràn đầy từ bi hỷ xả thì bồ tát gặp nhiều người từ bi hỷ xả và môi trường từ bi hỷ xả. Luật nhân quả nghiệp báo thật sít sao trong từng hành vi của thân, ngữ, tâm, của hành giả. Và hành giả có thể xem con người và môi trường chung quanh để biết sự tu hành của mình tiến bộ ra sao: cảnh của ta chính là sự biểu hiện của tâm ta vậy. Môi trường bên ngoài là hình ảnh phản chiếu của trí huệ và phước đức của mình, môi trường bên ngoài chính là hình ảnh của mình, như khi soi vào gương, cái trong gương (môi trường bên ngoài) chính là khuôn mặt của ta vậy.

 

“Như vậy, Bảo Tích! Bồ tát tùy chỗ trực tâm mà hay phát hạnh. Tùy chỗ phát hạnh tức được thâm tâm. Tùy thâm tâm ấy, tức ý điều phục. Tùy điều phục đó, tức làm như thuyết. Tùy như thuyết mà làm, tức hay hồi hướng. Tùy hồi hướng đó, tức có phương tiện. Tùy phương tiện đó, tức thành tựu chúng sanh. Tùy thành tựu chúng sanh, tức cõi Phật tịnh. Tùy cõi Phật tịnh, tức thuyết pháp tịnh. Tùy thuyết pháp tịnh, tức trí huệ tịnh. Tùy trí huệ tịnh, tức tâm này tịnh. Tùy tâm này tịnh, tức tất cả công đức tịnh.

 

Bồ tát tùy trực tâm thẳng suốt tánh Không mà phát ra việc làm lợi lạc cho mình và cho người. Tùy sự phát hạnh tức được thâm tâm, tức là tâm sâu thẳm của lòng bi làm mọi việc để cứu giúp chúng sanh. Hai tâm đó đi song hành với nhau, trí huệ tánh Không và đại bi cứu độ, tức là Bồ đề tâm. Bồ đề tâm càng sáng sạch thì tất cả công đức đều thanh tịnh. Phật là Lưỡng Túc Tôn, bậc đầy đủ hai kho trí huệ và công đức. Trí huệ đã thanh tịnh vì tánh Không thanh tịnh, thì tất cả công đức đều thanh tịnh. Đầy đủ trí huệ thanh tịnh thì đắc Pháp thân, đầy đủ công đức thanh tịnh thì có Sắc thân (gồm Báo thân và Hóa thân).

 

“Thế nên, Bảo Tích! Nếu Bồ tát muốn được Tịnh độ hãy tịnh tâm mình. Tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật tịnh.”

 

Sanh tử tức Niết bàn là sự chứng ngộ của Đại thừa. Nhưng cái gì làm cho sanh tử và Niết bàn khác biệt, hay nói cách khác, cái gì làm cho chúng ta thấy cùng một thực thể mà có người thấy là sanh tử, có người thấy là Niết bàn? Chính tâm thức tạo ra sanh tử, cũng chính tâm thức thấy biết Niết bàn. Tâm thức trụ vào những nhớ tưởng quá khứ bèn tạo ra quá khứ, phóng ảnh về tương lai bèn tạo ra tương lai. Bằng sự chia cắt manh mún như vậy tâm thức tạo ra thời gian. Tâm thức phân biệt đây kia, sự vật này với sự vật khác, và tạo ra khoảng cách của không gian. Nói tóm lại, một tâm thức chấp trụ và phân biệt đã tạo ra thời gian và không gian hữu hạn, nghĩa là tạo ra sanh tử ta-người, đây - kia, đã qua - sắp tới, còn - mất, có - không...

Khi tâm thức không chấp trụ, không phân biệt, nghĩa là không biến thái thành niệm tưởng tức là thời gian và thành hình tướng tức là không gian mà ở ngay trong bản tánh vô niệm và vô tướng của chính nó, thì đó là Niết bàn, đó là cõi tịnh của Phật. Khi ấy chỉ có Nhất Tâm, nghĩa là tất cả là một vị, toàn tướng tức tánh, toàn niệm tức vô sanh, như vậy bèn được cõi Phật tịnh.

 

Lúc ấy, ngài Xá Lợi Phất nương oai thần Phật có ý nghĩ rằng: “Nếu tâm Bồ tát tịnh, ắt cõi Phật tịnh. Thế Tôn chúng ta, khi còn làm Bồ tát tâm ý lẽ nào chẳng thanh tịnh mà cõi Phật này lại chẳng thanh tịnh như vầy?”

Phật biết ý nghĩ ấy, bèn bảo rằng: “Ý ông thế nào? Mặt trời, mặt trăng há chẳng thanh tịnh sao, mà người mù chẳng thấy?”

Đáp rằng: “Thưa Thế Tôn, chẳng phải thế. Đó là lỗi của người mù, chớ chẳng phải lỗi do mặt trời mặt trăng.”

- Xá Lợi Phất! Do tội chướng của mình, chúng sanh không thấy cõi nước Như Lai thanh tịnh và trang nghiêm, chớ chẳng phải lỗi của Như Lai. Này Xá Lợi Phất! Cõi này của ta vẫn thanh tịnh, mà vì ông chẳng thấy.

Bấy giờ Loa Kế Phạm Vương thưa với ngài Xá Lợi Phất: “Chớ có ý nghĩ ấy, cho rằng cõi Phật đây không thanh tịnh. Tại sao? Tôi thấy cõi Phật Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh, tỷ như cung trời Tự Tại.”

Xá Lợi Phất nói: “Tôi thấy cõi này toàn là gò nổng, hầm hố, gai góc, sỏi sạn, đất đá núi non, đầy dẫy dơ bẩn xấu xa.”

Loa Kế Phạm Vương nói: “Tâm ngài có cao thấp, chẳng y nơi huệ Phật nên thấy cõi đây chẳng thanh tịnh vậy.

“Thưa ngài Xá Lợi Phất! Bồ tát đối với tất cả chúng sanh, thảy đều bình đẳng. Thâm tâm thanh tịnh, y nơi trí huệ Phật bèn thấy cõi Phật này là thanh tịnh.”

 

Do tội chướng của mình, chúng sanh không thấy cõi nước Như Lai thanh tịnh và trang nghiêm, trong khi cõi Phật này vẫn làu làu sáng soi, không một mảy bụi. Đó là cái đẹp của thế giới kim cương, mỗi sự mỗi vật đều là kim cương, làu làu sáng sạch, không chút nhiễm ô bụi bặm. Cái đẹp thấu suốt cổ kim ấy tư tưởng không làm nhiễm ô được, hình tướng không làm nhiễm ô được, quá khứ không làm nhiễm ô được, vị lai không làm nhiễm ô được.

Tội chướng là những cái dơ bẩn trong tâm của mỗi chúng sanh: thương ghét, lấy bỏ, cao thấp, tốt xấu, đây kia... tóm lại tội chướng bắt nguồn từ sự phân biệt, chia rẽ, manh mún. Bằng thiền định và thiền quán, đưa tất cả những tư tưởng chia biệt trở lại cội nguồn không phân biệt và vô niệm của chúng, thấy tất cả những hình tướng sai biệt đều là tâm, không cảnh nào không phải là tâm, tất cả chỉ là tâm thì mọi phân biệt đều tiêu dung trong biển Nhất Tâm muôn thuở. Khi ấy toàn tướng tức là tánh, toàn thức tức là trí, toàn sóng là nước. Khi mọi sự đã phản bổn hoàn nguyên - đó là một cách nói, chứ thực ra, tất cả xưa nay chưa từng một sát na nào rời lìa cội gốc - thì đó là thế giới Thường Tịch Quang, Tịnh độ không của chỉ đức Thích Ca mà của tất cả chư Phật.

Bổn phận của người tu học là ít nhiều gì cũng phải thể nghiệm cho được sự thật “cõi Phật này là thanh tịnh” như vậy.

 

Ngay đây, Phật dùng ngón chân ấn xuống đất. Tức thì thế giới tam thiên đại thiên hiện thành bao nhiêu trăm ngàn trân bảo nghiêm sức, ví như cõi Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng tán thán chưa từng có và đều tự thấy mình ngồi trên tòa sen báu.

Phật bảo Xá Lợi Phất: “Ông có thấy cõi Phật đây trang nghiêm và thanh tịnh?”

Xá Lợi Phất nói: “Thưa có, Thế Tôn. Từ trước đến giờ con chưa từng thấy, con chưa từng nghe. Nay cõi nước Phật trang nghiêm thanh tịnh biểu hiện rõ ràng.”

Phật bảo Xá Lợi Phất: “Cõi nước Phật của ta thường tịnh như vậy. Vì muốn hóa độ những người thấp yếu ở đây, nên biểu thị cõi bất tịnh xấu xí đó thôi. Ví như chư thiên cùng dùng chén bát quý báu để ăn, nhưng tùy theo phước đức của mỗi vị mà sắc cơm có khác.

“Như vậy, Xá lợi Phất! Nếu tâm người tịnh, liền thấy cõi này đầy đủ công đức trang nghiêm.”

 

Phật thị hiện một hành động giản dị, dùng ngón chân ấn xuống đất tức thì cõi này hiện thành nghiêm tịnh. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, con người chỉ làm một hành động nhỏ để thân tâm mình tiếp xúc với mảnh đất tâm - bản tánh của tâm thức - thế giới này liền trở thành thanh tịnh. Hơn thế nữa, đều tự thấy thân tâm mình là hoa sen của Phật tánh (“đều tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu”).

Tiếp xúc với thế giới, không qua tư tưởng đã méo mó vì nghiệp thức cá nhân, không qua quá khứ chất chồng lớp lớp tưởng niệm cũ kỹ, không qua toàn bộ tâm thức mãi mãi lưu lạc, mãi mãi lẩn quẩn trên con đường loanh quanh hạn hẹp giữa hai bờ lề thương ghét, thiện ác, còn mất, ta người... nghĩa là tiếp xúc thế giới bằng một tâm vô niệm, rũ sạch mọi quá khứ, hiện tại, tương lai, khi ấy ta và thế giới cùng một bản tánh, cùng một vị, nghĩa là một vị bình đẳng thanh tịnh, một vị rỗng rang tự do, một vị sáng rỡ và tịch tịnh. Đó là công đức trang nghiêm của cõi nước Phật.

Đương khi Phật biểu thị cõi nước nghiêm tịnh này, năm trăm con nhà trưởng giả do Bảo Tích dẫn đến đều đắc Vô sanh pháp nhẫn, tám vạn bốn ngàn người đều phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Phật thâu nhiếp thần lực lại. Ngay đó thế giới trả lại như cũ. Ba vạn hai ngàn người và Trời cầu Thanh Văn thừa hiểu được các pháp hữu vi đều vô thường, xa lìa trần cấu, đắc Pháp nhãn tịnh. Tám ngàn Tỳ kheo chẳng chấp thọ các pháp, phiền não hết sạch, tâm ý giải thoát.

 

Vô sanh pháp nhẫn là chứng ngộ được tất cả các pháp chưa từng sanh ra, nghĩa là xưa nay rốt ráo tịch diệt. Đây là cái tâm đã giải thoát khỏi mọi ràng buộc của thời gian, không gian.

Đắc pháp nhãn tịnh là bước vào Kiến đạo vị, thấy được một phần cõi nước Phật thanh tịnh, hay là bước vào địa thứ nhất của con đường Bồ tát, tức là lần đầu thấy được một phần Pháp thân, nghĩa là một phần cõi nước Phật thanh tịnh.

 

----oo0oo-----

Trích: Thực Hành Con Đường Bồ Tát Qua Kinh Duy Ma Cật

Giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức, 2015

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan