PHẨM VĂN THÙ SƯ LỢI THĂM BỆNH (PHẦN 1/2) - THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT - ĐƯƠNG ĐẠO

PHẨM VĂN THÙ SƯ LỢI THĂM BỆNH

THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Chỉ một câu nói, “Vì tất cả chúng sanh bệnh nên tôi bệnh”, nếu chúng ta tham thiền thật sự về nó, chúng ta sẽ tiếp xúc được với lòng bi ở đáy lòng mình. Đó là một lòng bi thẩm thấu tất cả thế gian, tất cả sanh tử, vô tận như những chiều sâu khổ đau của sanh tử.
PHẨM VĂN THÙ SƯ LỢI THĂM BỆNH (PHẦN 1/2) - THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT - ĐƯƠNG ĐẠO

 

Bấy giờ Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Vị thượng nhân ấy khó bề đối đáp. Ông ấy thâm đạt thật tướng, khéo nói pháp yếu, biện tài không trệ, trí huệ vô ngại, biết hết mọi chỗ làm của chư Bồ tát, vào hết tạng bí mật của chư Phật, chiến thắng các ma, du hý thần thông, trí huệ và phương tiện đều vẹn toàn. Tuy nhiên, con xin vâng theo thánh ý của Phật mà đến thăm bệnh ông.”

Lúc ấy trong chúng, các Bồ tát, đại Đệ tử, Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương… đều nghĩ rằng: “Nay hai đại sĩ Văn Thù Sư Lợi và Duy Ma Cật đàm luận với nhau, ắt nói diệu pháp.”

Tức thì tám ngàn Bồ tát, năm trăm Thanh Văn và trăm ngàn trời người đều đi theo. Lúc đó Văn Thù Sư Lợi, với sự cung kính vây quanh của các vị Bồ tát, các đại đệ tử cùng các trời người, đi vào thành lớn Tỳ Da Ly.

Bấy giờ, trưởng giả Duy Ma Cật nghĩ rằng: “Văn Thù Sư Lợi cùng đại chúng sẽ đến đây.” Liền dùng thần lực làm cho nhà mình trống không, không có vật gì cũng không có người hầu, chỉ để lại một cái giường cho ông nằm bệnh.

 

Thị hiện bệnh là để chỉ tình trạng hiện thời của sanh tử. Làm cho nhà trống không chỉ để Tâm Không hay Pháp giới Không vậy. Trong pháp giới không này, hẳn bệnh chỉ là cái giả mà thôi vậy.

 

Ngài Văn Thù Sư Lợi vào nhà, thấy phòng trống không, không có gì cả, chỉ độc một giường nằm. Bây giờ, Duy Ma Cật nói: “Quý hóa thay, ngài Văn Thù Sư Lợi! Tướng không đến mà đến, tướng không hiện mà hiện, tướng không thấy mà thấy.”

 

Tướng không đến, tướng không hiện, và tướng không thấy là thật tướng Pháp thân của ngài Văn Thù Sư Lợi và cũng của ngài Duy Ma Cật. Chẳng lìa thật tướng ấy mà đến, mà hiện, mà thấy, mà đi đứng nói năng thì ở nơi sanh tử bệnh khổ có đến có đi, có được có mất, có nói có nín… này, liền hết bệnh, vì những thứ ấy chỉ là thị hiện như huyễn từ nguồn thật tướng. Hãy nhìn tất cả mọi sự “không đến mà đến, không hiện mà hiện, không thấy mà thấy” bèn thấy ra thật tướng Pháp thân.

 

Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Như vậy, cư sĩ. Nếu có đến, rốt ráo là chẳng đến. Nếu có đi, rốt ráo là chẳng đi. Tại sao thế? Đến, không từ đâu đến; đi, không đến nơi đâu, cái có thể thấy(cái hiện ra), rốt ráo là chẳng thể thấy.

 

Trong thật tướng, trong thực tại hiện giờ, dù có đến, có đi, quan sát kỹ lại, chẳng thể nào có tướng đến tướng đi. Rốt ráo là chẳng đến, rốt ráo là chẳng đi, đó chính là đạo tràng chẳng động, bèn ngay đó mà hết bệnh, ngay đó mà giải thoát. Cái có thể thấy hay cái hiện ra, rốt ráo là chẳng thể thấy vì không có tướng, đó là thấy tánh: “thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai”(Kinh Kim Cương).

Ở đây, chúng ta thấy con đường Bồ tát là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai chân lý: chân lý quy ước hay thế đế, hay Sự (có đến, có đi, có xuất hiện, có thấy) và chân lý tuyệt đối, hay chân đế, hay Lý (không đến, không đi, không xuất hiện, không thể thấy). Có làm gì trong thế giới quy ước mà không lìa rời khỏi chân lý tối hậu, thế giới quy ước chưa từng tách lìa khỏi “thế giới” tuyệt đối, đó là thị hiện bệnh sanh tử mà thật chưa từng có bệnh vậy.

 

“Nhưng hãy gác việc ấy lại. Bệnh của cư sĩ có thể chịu được chăng? Điều trị có bớt mà không thêm chăng? Thế Tôn ân cần hỏi thăm rất nhiều — ngài có ít phiền hà, ít không thoải mái, ít đau ốm, sự khôn khó của ngài có nhẹ, ngài có được chăm sóc, được thong dong, không tự trách móc, và ngài có đang sống tiếp xúc với hạnh phúc tối thượng không? Thưa cư sĩ, bệnh của ngài do đâu mà khởi? Sanh đã bao lâu, làm sao mà diệt?”

Duy Ma Cật nói: “Từ vô minh và khát ái, bệnh tôi bèn sanh. Vì tất cả chúng sanh bệnh nên tôi bệnh. Nếu tất cả chúng sanh được hết bệnh, thì bệnh tôi diệt. Tại sao như thế? Bồ tát vì chúng sanh mà vào sanh tử, có sanh tử thời có bệnh. Nếu chúng sanh lìa thoát khỏi bệnh, ắt Bồ tát không còn bệnh nữa. Ví như vị trưởng giả chỉ có một đứa con, đứa con ấy bệnh, cha mẹ cũng bệnh. Nếu con lành bệnh, cha mẹ cũng lành. Bồ tát cũng vậy, thương yêu tất cả chúng sanh như thể mỗi chúng sanh là đứa con độc nhất của mình. Chúng sanh bệnh thì Bồ tát bệnh. Chúng sanh lành bệnh, Bồ tát cũng lành bệnh. Ngài lại hỏi bệnh ấy nhân đâu mà khởi? Bệnh của Bồ tát là do đại bi mà khởi.”

 

Có thể định nghĩa Bồ tát là người đã thấu đạt phần nào thật tướng không sanh không diệt, nên dầu có bệnh sanh khởi nơi Bồ tát, thì vị ấy vẫn “được chăm sóc, thong dong, không tự trách móc”, bởi vì, “vẫn đang sống tiếp xúc với hạnh phúc tối thượng”.

Nhưng bệnh nói chung do đâu mà khởi? Từ vô minh và khát ái, nghĩa là từ mười hai nhân duyên sanh tạo ra vòng sanh tử mà khởi. Tất cả chúng sanh đều đang bị cuốn vào vòng xích khắc nghiệt ấy – mà hai mắt xích quan trọng là vô minh và khát ái. Vô minh là nguyên nhân tiềm ẩn, cái khởi đầu cho nên rất vi tế của vòng mười hai nhân duyên sanh tử khổ đau. Khát ái là cái đã hiện hình nên dễ thấy. Tất cả chúng sanh đang bệnh, đang tự cột trói mình càng lúc càng chặt bằng mười hai mắt xích nhân duyên sanh. Không những chỉ một sợi xích mười hai nhân duyên sanh của một đời, mà vô số sợi xích mười hai nhân duyên sanh của vô số đời đã tạo thành một tấm lưới khổng lồ, bền chắc trùm siết tất cả chúng sanh trong ba cõi sanh tử. Chính vì cái nhìn trí huệ này thấy tất cả chúng sanh đang bệnh, đang duy trì bệnh, đang bồi bổ cho bệnh, đang làm mồi cho vô số bệnh mà lòng đại bi của Bồ tát phát khởi: “Vì chúng sanh bệnh nên tôi bệnh.” Và vì để cứu chúng sanh thoát khỏi bệnh, Bồ tát phải vào sanh tử, mà có sanh tử thì có bệnh.

 

Ở đây, để rõ ràng hơn, chúng ta theo kinh điển chia năm mươi địa vị Bồ tát thành ba cấp độ tương đương với điều kinh điển gọi là “ba a tăng kỳ kiếp”. Ở cấp độ thứ nhất (Thập tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng), có thể gọi là Sơ phát tâm, mình cũng hoàn toàn đang bệnh, thậm chí chưa có phương thuốc gì để thực sự chữa lành, nhưng do Phật, Tổ chỉ dạy mà bắt đầu thấy ra mình và tất cả mọi người đều bệnh, do đó mà Bi và Trí bắt đầu phát lộ, và tuy chúng có được thoáng thấy, nhưng chúng chưa có nền tảng thật sự. Ở cấp độ thứ hai, Bồ tát từ Sơ địa đến Thất địa, đã thấy được Pháp thân từ sơ địa thứ nhất, do đó có nền tảng (địa) thực sự để lành bệnh, để Trí và Bi hiển lộ. Tuy ở cấp độ này có thể thực sự lành bệnh và chữa được bệnh cho người khác (tự giác giác tha), nhưng cấp độ này được gọi là con đường còn ô nhiễm, nghĩa là còn có dấu vết sanh tử, còn có dấu vết của bệnh. Phải đến địa thứ tám mới hết nhiễm ô, hết sanh tử, hết bệnh và giải thoát. Cho nên khi nói “Bồ tát vào sanh tử” theo cách nói của ngài Duy Ma Cật, thì Bồ tát ở đây phải đã ra khỏi sanh tử, hết hẳn bệnh, tức là từ địa thứ tám trở lên đến địa vị Phật.

“Nếu tất cả chúng sanh hết bệnh, bệnh tôi sẽ hết”, chúng ta thấy đây đích thực là một lời nguyện, một lời nguyện như sấm nổ vang cả ba cõi. Thế mà lời nguyện ấy được diễn tả thành một câu nói có vẻ bình thường tự nhiên. Cái bình thường ở đây là cái bình thường của những Bồ tát ở bậc cao, không còn cố gắng phát tâm, phát nguyện, ở nơi các ngài Trí Huệ và Đại Bi đã trở thành mạng sống (Huệ mạng và có thể nói là Bi mạng), cái mạng sống tinh khiết đã loại bỏ rồi những nhiễm ô ta – người, xấu – tốt, được – mất, có – không… Trí Bi và cả Dũng đều tự nhiên, bình thường, đó là một dấu hiệu rất cao cả ở một con người.

 

Ở đây chúng ta thấy, “thương yêu tất cả chúng sanh như thể mỗi chúng sanh là đứa con độc nhất của mình” là lòng từ. Và không chịu nổi khi thấy tất cả chúng sanh đang bệnh là lòng bi. Và lòng bi này càng sâu rộng khi đi đôi với trí huệ, bởi vì trí huệ cho chúng ta thấy bệnh ấy nặng như thế nào, chúng sanh không biết tự chữa như thế nào, nguyên nhân và kết quả của bệnh như thế nào, sự cấp bách mỗi phút mỗi giây bệnh nặng thêm như thế nào…

Chỉ một câu nói, “Vì tất cả chúng sanh bệnh nên tôi bệnh”, nếu chúng ta tham thiền thật sự về nó, chúng ta sẽ tiếp xúc được với lòng bi ở đáy lòng mình. Đó là một lòng bi thẩm thấu tất cả thế gian, tất cả sanh tử, vô tận như những chiều sâu khổ đau của sanh tử. Đó là một lòng bi bao trùm và xuyên thấu, nó trở thành một cái gì tuy vô hình nhưng không thể hủy hoại, và tâm thức nào chứa đựng một cái gì bao la không thể hủy hoại, tâm thức đó cũng trở thành bao la không thể hủy hoại. Như thế bằng một lòng bi ban đầu là do phát khởi, nó sẽ đạt đến nền tảng bất tử của chính nó.

 

Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Nhà của cư sĩ vì sao trống không, không có cả người hầu?”

Duy Ma Cật nói: “Tất cả quốc độ của chư Phật cũng đều Không.”

Lại hỏi: “Vì gì mà Không?”

Đáp rằng: “Vì Không mà Không.”

Lại hỏi: ‘’Không sao lại dùng Không?”

Đáp rằng: “Vì không có phân biệt Không nên Không.”

Lại hỏi: “Không mà có thể phân biệt được ư?”

Đáp rằng: “Phân biệt cũng Không.”

 

Một đoạn đối đáp về thực tại tánh Không như thế này làm hiển lộ thực tại và đưa người mà tâm thức đã chín do tu hành có thể thể nhập được thực tại. Những sự đối đáp kiểu này về sau được dùng rất nhiều trong Thiền tông để đưa đến ngộ đối với người chưa ngộ và đưa đến thâm nhập thêm vào pháp tánh với người đã từng có kinh nghiệm ngộ.

Ngài Duy Ma Cật đã làm cho ngôi nhà của ngài trống không để hiển lộ cho chúng ta thấy tánh Không, hay cái Không. Thật ra mọi thứ chúng ta đang kinh nghiệm, cây cối, nhà cửa, người qua kẻ lại… tất cả đều trống không như ngôi nhà của ngài. Đó là kinh nghiệm về thực tại tối hậu của đạo Phật. Nhưng thực tại tánh Không này không có nghĩa là không có gì cả. Nói cho dễ hiểu, thì mọi thứ chúng ta thấy đều là những hình bóng trong gương (Tâm Không, tánh Không, Đại Viên Cảnh Trí), và với người chưa biết được gương, thì họ nói tất cả thực tại chính là những hình bóng này, nhưng với người biết được gương, họ sẽ nói rằng mọi thứ có là gì đi nữa, cũng chỉ là gương. Và chỉ có gương là tồn tại, là thật. Chỉ có cái Không là thật, và dù cuộc đời này có diễn xuất như thế nào, cũng chỉ sanh diệt trong cái Không này, và do đó tất cả đều là Không, tất cả đều trống không như nhà của ngài Duy Ma Cật.

 

Nhưng sự trống không đó do gì mà trống không, cái Không đó do gì mà Không? Với người đã đạt đến bản tánh của tâm thức mình, bản tánh đó là tánh Không, thì câu trả lời rất hiển nhiên và rất đơn giản: Vì Không cho nên Không. Vì nền tảng là Không, vì tất cả các pháp dù có xuất hiện nhưng vô tự tánh cho nên tất cả là Không. Hay nói theo thí dụ trên, vì mọi hình bóng đều xảy ra trong gương Không nên tất cả phải là Gương Không.

Lại hỏi: Đã vốn là Không, thì việc gì phải làm cho trống không? Cần gì phải có ý niệm Không, hay quán tưởng ra cái không có tướng hay ra cái có tướng nữa để làm gì? Đáp rằng: Vì không có phân biệt Không, nên Không. Khi tâm ta không có phân biệt nào trong thực tại, tâm bèn trở lại bản vị của nó, tức tánh Không, nên đó chính là tánh Không. Và trong cái Không này, mọi phân biệt đều bất khả đắc, dù có phân biệt cũng bất khả đắc, cho nên nói rằng, trong cái Không, không thể có phân biệt nào.

Lại hỏi: Không mà có thể phân biệt được ư? Người mà ở trong tánh Không thì thấy câu này quả là hiển nhiên không thể chối cãi. Đã là Không thì còn chỗ nào đâu nữa cho phân biệt? Đáp rằng: Dù có muốn phân biệt gì gì đi nữa, thì cũng chẳng làm gì được với cái Không kim cương bất hoại này. Dù tư tưởng có tạo tác kiểu gì cũng vẫn là Không, không thể ra ngoài cái Không này được. Dù có tạo ra bao nhiêu hình bóng trong gương, cũng chẳng có bóng nào chẳng phải là gương, chẳng có bóng nào thoát ra khỏi gương. Và như vậy, Không chẳng thể sanh ra, chẳng thể kiến tạo ra Không, vì mọi sanh ra, mọi kiến tạo đều bất khả đắc vậy.

Ở trên chỉ là một cách tiếp cận với tánh Không qua những lời đối đáp của hai vị Đại Bồ tát và lối giải thích tiếp cận ấy cũng chỉ là nhất thời, trong lúc này của chỉ một người, vào lúc khác sẽ diễn giảng khác. Nói thế để biết mỗi người phải nỗ lực tư duy và thiền định trong khuôn khổ khuynh hướng tâm thức của mình để mở ra một cái thấy về tánh Không bằng chính kinh nghiệm của mình. Bởi vì tánh Không là vô biên, vô lượng, nên nghĩa những câu kinh trên cũng vô biên, vô lượng.

 

Lại hỏi: “Không, nên tìm ở đâu?”

Đáp rằng: “Nên ở trong sáu mươi hai kiến chấp mà tìm.”

Lại hỏi: “Sáu mươi hai kiến chấp nên tìm ở đâu?”

Đáp rằng: “Nên ở trong sự giải thoát của chư Phật mà tìm.”

Lại hỏi: “Giải thoát của chư Phật nên tìm ở đâu?”

Đáp rằng: “Nên ở trong tâm hạnh của tất cả chúng sanh mà tìm.”

 

Đoạn trên nói về cái Không trong tương quan với chính nó, nghĩa là trong chân lý tuyệt đối; đoạn này nói về cái Không trong tương quan với chân lý quy ước.

Sáu mươi hai kiến chấp là sáu mươi hai tà kiến của thế gian bình thường: chấp năm ấm và những thứ đoạn thường, có không… Tìm Không trong sáu mươi hai kiến chấp nghĩa là tìm trong kiến chấp nào của thế gian cũng thấy nó không căn cứ, không nền tảng, không thể lập, nên kiến chấp nào cũng là Không. Bất kỳ một ý kiến nào, một tư tưởng nào, một tình cảm nào khởi lên, nếu tìm rốt ráo, nó phải là Không. Sáu mươi hai kiến chấp là lông rùa, sừng thỏ ở trong cái Không này. Sáu mươi hai kiến chấp chính là tánh Không.

Những món kiến chấp, ý kiến, tư tưởng, tình cảm đó tìm ở đâu? Bằng sự quán chiếu sâu xa, chúng ta thấy rằng chúng vô sở hữu, như hoa đốm vọng thấy giữa hư không, như mười thí dụ như huyễn trong kinh Đại Bát Nhã. Thấy sáu mươi hai kiến chấp “trong sự giải thoát của chư Phật”, tức là trong tánh Không, bèn ngay đó giải thoát.

Và rồi giải thoát của chư Phật lại tìm thấy ở đâu? Ở trong tâm hành của tất cả chúng sanh. Nghĩa là tất cả những tư tưởng, những xúc cảm… đã sanh khởi, đang sanh khởi hay sẽ sanh khởi, tất cả những tâm hành ấy chính là sự giải thoát của chư Phật, nghĩa là chính là tánh Không. Những tâm hành ấy không chỉ sanh ra trong Không, trụ trong Không và diệt trong Không, mà chúng chính là Không, sóng chính là nước, bóng chính là gương, cho nên sanh mà vĩnh viễn chẳng sanh: “Nếu có đến rốt ráo là chẳng đến; nếu có đi, rốt ráo là chẳng đi; cái xuất hiện rốt ráo là chẳng thấy”. Đó là giải thoát của chư Phật.

 

“Ngài lại hỏi, vì sao tôi không có người hầu? Tất cả chúng ma và các ngoại đạo là người hầu của tôi. Vì sao thế? Chúng ma ưa sanh tử, mà Bồ tát thì không bỏ sanh tử; ngoại đạo ưa các kiến chấp, mà Bồ tát thì nơi các kiến chấp mà chẳng động.”

 

Chúng ma và ngoại đạo ở đây không phải là một loại đặc biệt nào, mà là tất cả chúng sanh nào ưa thích sanh tử và chưa được chánh kiến nên vẫn sanh khởi đủ loại kiến chấp. Nói tóm, tất cả chúng sanh là người hầu của Bồ tát, là bạn của Bồ tát, bởi vì Bồ tát có lòng bi nên không bỏ sanh tử, và có trí huệ nên có thể ở chung lộn với các kiến chấp, vì “ở nơi các kiến chấp mà chẳng động”.

 

Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Bệnh của cư sĩ có tướng trạng thế nào?”

Duy Ma Cật nói: “Bệnh tôi không có hình trạng, không thể thấy được.”

Lại hỏi: “Bệnh ấy hiệp với thân ư? Hiệp với tâm ư?”

Đáp rằng: “Chẳng phải hiệp với thân, vì thân tướng vốn lìa. Cũng chẳng phải hiệp với tâm, vì tâm như huyễn.”

Lại hỏi: “Trong bốn đại, địa, thủy, hỏa, phong, bệnh nơi đại nào?”

Đáp rằng: “Bệnh này chẳng phải địa đại, cũng chẳng lìa địa đại. Thủy, hỏa, phong đại cũng lại như vậy. Nhưng bệnh của chúng sanh nương nơi bốn đại mà khởi. Vì chúng sanh có bệnh cho nên tôi bệnh.”

 

Bệnh của Bồ tát là lòng bi đối với bệnh sanh tử của chúng sanh. Nhưng bệnh sanh tử này của chúng sanh không tìm thấy đâu cả trong bốn đại, trong thân lẫn trong tâm, tìm kiếm tận cùng, rốt ráo là bất khả đắc. Quan sát kỳ cùng căn bệnh sanh tử này cho đến chỗ: “không có hình trạng, không thể thấy được” bèn chứng nghiệm bệnh rốt ráo không có, liền hết bệnh sanh tử.

Chính vì bệnh của chúng sanh không có tướng trạng gì, không thể thấy được mà lòng bi của Bồ tát cũng không có tướng trạng gì, không thể thấy được. Lòng bi không bị giới hạn theo hình tướng, nên là vô tướng, vô biên; không còn sanh khởi theo duyên, nên là vô duyên vô ngại. Đó là đại bi, ứng theo vật mà hiện hình, không phân biệt, không bỏ sót, không bị ngăn trệ nên sức mạnh là vô tận, không có hình tướng nên không bị hư hoại, cần biết rằng càng bớt chấp vào tướng thì đại bi càng “lớn lên”, càng bớt trụ vào hình bóng thì mặt gương càng rộng, càng sáng.

Nhưng với chúng sanh như chúng ta, hay người mới phát tâm đi con đường Bồ tát như chúng ta, cái khó khăn đầu tiên và quan trọng nhất là biết mình bị bệnh: thấy có tướng ở đâu thì chỗ đó có bệnh, khởi tâm phân biệt lên tức thời là sanh bệnh, khởi tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mạng lên là sanh bệnh, khởi tâm hơn thua lên là sanh bệnh… Khi đã rõ bệnh sanh ra như thế nào rồi, thì biết tình trạng khỏe mạnh trước khi bệnh sanh ra là thế nào, từ đó mà dần dần phục hồi lại trạng thái không bệnh.

Khi thấy rõ bệnh “chẳng hiệp với thân, vì thân tướng vốn lìa. Cũng chẳng hiệp với tâm, vì tâm như huyễn”. Khi thấy bệnh không có ở đâu cả, thì hết bệnh sanh tử.

 

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi hỏi Duy Ma Cật rằng: “Bồ tát nên an ủi Bồ tát có bệnh như thế nào?”

Duy Ma Cật nói: “Nói thân là vô thường, chẳng nói chán bỏ thân. Nói thân có khổ, chẳng nói thích nơi niết bàn. Nói thân vô ngã, mà nói hãy hướng dẫn chúng sanh. Nói thân không tịch, chẳng nói tìm rốt ráo tịch diệt. Nói sám hối tội trước, chẳng nói đi vào quá khứ. Hãy lấy bệnh mình mà thương bệnh người. Hãy nhớ vô số kiếp trước khổ đau mà tưởng đến sự làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Hãy nhớ tu phước đức thiện căn, tưởng đến đời sống trong sạch, chớ sanh lo buồn, thường sanh tinh tấn. Hãy làm vị y vương, chữa trị tất cả các bệnh. Bồ tát nên an ủi Bồ tát có bệnh như vậy, khiến cho hoan hỷ.”

 

‘Bồ tát có bệnh’ ở đây là Bồ tát mới tu, cần sự an ủi để đi cho đúng đường, chưa thực sự tự mình chữa lành bệnh cho mình được. Khi bệnh thì dễ chán thân, dễ hướng sự tu hành đến chỗ giải quyết cho được cái thân này mà quên đi những người khác cũng đang bệnh, và dĩ nhiên là bệnh nặng hơn mình nhiều. Cho nên thấy mình bệnh, thấy mình đã từng khổ đau từ vô số kiếp thì hãy mở tâm ra mà nghĩ đến vô số người đang bệnh, đang khổ đau từ vô số kiếp. Chỉ sự mở tâm ra này đã làm lành bệnh rồi, bởi vì tất cả mọi bệnh tật đều lấy một cái ta làm nơi tập trung, tất cả mọi nghiệp quả đều từ nơi cái ta mà trổ. Phải chữa lành bệnh – kết quả của nghiệp xấu – bằng làm phước đức thiện căn, bằng cách sống đời trong sạch đầy nghiệp thiện, bằng sự thường tinh tấn. Hãy làm vị y vương chữa bệnh cho mình và cho người bằng Phật pháp.

 

-----oo0oo-----

Trích: Thực Hành Con Đường Bồ Tát Qua Kinh Duy Ma Cật

Giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức, 2015

Ảnh: Nguồn internet

 

 

 

Bài viết liên quan