A Nan, mười thứ cảnh hiện trong thiền định như thế đều do thọ ấm và tâm dụng công giao xen nên hiện ra như vậy. Chúng sanh ngu mê, chẳng biết xét lượng, gặp nhân duyên ấy mê chẳng tự biết cho là lên bậc thánh, thành tội đại vọng ngữ, đọa ngục Vô gián. Sau khi ta diệt độ, các ông nên đem lời nói của Như Lai truyền dạy cho đời mạt pháp, khiến cho chúng sanh đều tỏ ngộ nghĩa này, không để cho thiên ma tiện dịp quấy phá, giữ gìn che chở cho người tu hành khiến thành tựu đạo vô thượng.
Ma của phạm vi sắc ấm là mười, của phạm vi thọ ấm là mười. Qua hai phạm vi này, chúng ta thấy sự dễ lạc đường như thế nào.
Ma của thọ ấm là ‘‘ở trong định, bỗng nhiên phát sanh cảm xúc’’, rồi bị cuốn theo cảm xúc ấy. Cho nên trong định mà một niệm cảm xúc vừa khởi lên, phải dùng định, huệ, thiền và các Phật pháp có sẵn để hóa giải.
Khi làm việc với những cảm xúc của mình, chúng ta thấy chúng ta đang sống trong một rừng cảm xúc tiêu cực, và đời sống mỗi ngày của chúng ta bị quy định trong những cảm xúc ấy. Sự chiến thắng là khó khăn, và qua sự chiến đấu với những bệnh tật của mình chúng ta mới biết thương người khác, họ chìm đắm biết bao trong rừng cảm xúc ấy để tự gây khổ đau suốt đời.
Bởi vì tánh của sắc và thọ chính là tánh Diệu Minh, cho nên chỉ cần hết sự che đậy (ấm) thì tánh Diệu Minh hiện bày. Chính vì tánh Diệu Minh ở ngay nơi sắc ấm vàthọ ấm mà khi đụng chạm, làm việc trên sắc ấm và thọ ấm những kinh nghiệm thoáng qua dễ hiện ra, thấy cũng giống như ngộ, như đã vào được Pháp thân, mà thực ra là lầm lẫn. Để tránh những lầm lạc như vậy, thiết nghĩ cần có những yếu tố sau:
Khi có một kinh nghiệm tâm linh, cần phải hỏi một vị thầy, một thiện tri thức đã trải qua những kinh nghiệm ngộ, nhờ vị thầy thẩm xét. Tốt hơn nữa là có sự hướng dẫn của vị ấy ngay từ đầu.
Về phần người tu phải tỉnh táo thẩm xét, có ‘‘sai mất chánh định’’, có ‘‘lâu tự tiêu mất’’, có ‘‘quên mất suy xét’’, có ‘‘không có trí huệ để tự cứu’’… hay không.
Ngay từ giai đoạn đầu, Tư lương vị, người tu phải tích tập đủ công đức và trí huệ, không bỏ qua một món nào có thể làm được như phát nguyện, sám hối, trì chú, ngồi thiền, tụng kinh, bố thí, cúng dường, tin sâu sắc Tam bảo, ở chung với chúng…Sở dĩ bị các ma vui, buồn, ngã mạn, ma dục vào trong lòng dạ bởi vì người tu không cảnh giác. Một ý nghĩ phạm giới khởi lên là phải cắt đứt ngay, còn để đó cho nó lân la vào ở thì có ngày nó phá hoại hết. Ở chung với thầy, với bạn, nhờ sức mạnh tâm linh của tập thể cũng khiến người tu có thể vượt qua các trở ngại.
Tóm lại, phá năm ấm để giải thoát và giác ngộ là việc làm khó khăn ‘‘như tự chặt đầu mình’’ (Kinh Viên Giác), cho nên người tu hành càng có nhiều thiện nghiệp phước đức càng tốt và trí huệ quán chiếu một cách thận trọng lối đi. Chỉ khi ngộ, vào Sơ địa thì lúc đó mới bắt đầu nhờ đạo lực của tánh Diệu Minh hay Pháp thân để giải quyết những vấn đề, chướng ngại và tai nạn trên đường tu.
Phải luôn luôn nhớ rằng tất cả đạo Phật là vô ngã và vô pháp. Thế nên ngã và pháp càng tăng là ‘‘sai mất chánh định’’, làm một cái gì theo cái ‘tôi’, thấy một kinh nghiệm nào rồi cho là ‘của tôi’, bèn ‘‘tức lọt vào tà’’.
Khi cảnh hiện không chạy theo cảnh mà xoay ngược về nguồn ‘‘chiếu hiện’’ ra cảnh, chiếu hiện ra thọ ấm. Đây là ‘‘tâm chư Phật như gương sáng’’, hay là tánh giác Diệu Minh.
-----oo0oo-----
Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"
Dịch và giảng giải: Đương Đạo
NXB Thiện Tri Thức-2016
Ảnh: Nguồn internet