PHẠM VI CỦA THỌ ẤM - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

PHẠM VI CỦA THỌ ẤM

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Ma của thọ ấm là ‘‘ở trong định, bỗng nhiên phát sanh cảm xúc’’, rồi bị cuốn theo cảm xúc ấy. Cho nên trong định mà một niệm cảm xúc vừa khởi lên, phải dùng định, huệ, thiền và các Phật pháp có sẵn để hóa giải.
PHẠM VI CỦA THỌ ẤM - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan, thiện nam tử kia tu Tam ma đề, ở trong Xa ma tha (Chỉ) khi sắc ấm hết, thấy tâm chư Phật như trong gương sáng hiển hiện ảnh tượng, hình như có chỗ được nhưng chưa thể dùng, như người bị mộc đè: tay chân y nguyên, thấy nghe không lầm, nhưng tâm gặp khách tà mà không cử động được. Đó gọi là phạm vi của Thọ ấm.

Nếu mộc hết đè thì cái tâm rời khỏi thân, trở lại xem mặt mũi, đi ở tự do, không còn ngăn ngại, gọi là thọ ấm hết. Người ấy có thể siêu vượt Kiến trược. Quán sát nguyên do Kiến trược thì gốc rễ là vọng tưởng hư minh.

 

Phạm vi của thọ ấm là ‘‘khi sắc ấm hết, thấy tâm chư Phật như gương sáng hiển hiện ảnh tượng, hình như có chỗ được nhưng chưa thể dùng’’, ‘‘sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ’’. Rồi do dụng công đè nén thái quá mà hiện ra những cảm xúc còn có nền tảng là phiền não, chưa phải nằm trên nền tảng tánh giác. Nếu cho những cảm xúc khác thường này là thánh chứng, bèn sai mất chánh định, sẽ bị trôi chìm.

Vượt qua Sắc ấm thì tâm sáng như gương (Đại viên cảnh trí) nhưng chưa thể dùng, chưa thật sự đạt được. Thọ ấm là những cảm thọ của thân mà gốc rễ là vọng tưởng hư minh kết tập lại thành ra luôn luôn thấy có thân. Khi thọ ấm hết thì thân không còn trói buộc tâm được nữa.

 

  1. A Nan, thiện nam tử ấy, ngay tại trong đó tâm phát minh được rất sáng tỏ, do bên trong đè nén quá phần, bỗng nhiên nơi đó phát sanh lòng bi vô cùng, như vậy cho đến xem thấy muỗi mòng như là con đỏ, tâm sanh thương xót, bất giác chảy nước mắt. Đây gọi là dụng công đè nén thái quá. Biết như thế thì không có lỗi, chẳng phải là thánh chứng. Hiểu biết chẳng mê lầm, lâu rồi sẽ tiêu mất. Nếu cho là thánh chứng thì bị ma bi thương vào trong lòng dạ, thấy người thì thương xót khóc thương vô hạn, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
  2. A Nan, lại các thiện nam tử ấy, ở trong định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, tướng tốt hiện tiền nên cảm kích quá độ, bỗng ở trong đó sanh lòng dũng mãnh vô hạn. Cái tâm mạnh bén, chí bằng chư Phật, nói rằng một niệm có thể vượt khỏi ba a tăng kỳ. Đây gọi là dụng công lấn lướt quá mức. Biết như thế thì không có lỗi, chẳng phải là thánh chứng, hiểu biết chẳng mê lầm, lâu rồi sẽ tiêu mất. Nếu cho là thánh chứng thì có ma cuồng vào trong lòng dạ, thấy người thì khoe khoang, ngã mạn không ai bằng đến nỗi tâm người ấy trên không thấy Phật, dưới chẳng thấy người, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
  3. A Nan, lại các thiện nam tử ấy, ở trong định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, tới trước thì chưa có chỗ chứng mới, lui lại thì mất chỗ cũ, trí lực suy kém, vào trong chỗ suy hủy, hoàn toàn không thấy gì. Trong tâm bỗng nhiên sanh ra rất khô khát. Trong cả mọi thời thầm nhớ không thôi, cho như thế là tướng tinh tấn. Đây gọi là tu tâm mà không có trí huệ, tự sanh lầm lạc. Biết thì không lỗi, chẳng phải là thánh chứng. Nếu cho là thánh chứng thì có ma nhớ vào trong lòng dạ, ngày đêm nắm cái tâm treo vào một chỗ, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
  4. Lại các thiện nam tử ấy ở trong định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, sức huệ nhiều hơn định, bị các lỗi quá mạnh bén, ôm nhớ trong tâm những tướng phi thường này, tự nghĩ mình là Phật Tỳ Lô Xá Na, được chút ít cho là đủ. Đây gọi là dụng tâm quên mất suy xét thường xuyên nên chìm nơi thấy biết. Biết thì không lỗi, chẳng phải là thánh chứng. Nếu cho là thánh chứng thì có ma hạ liệt dễ biết đủ vào trong lòng dạ, thấy người thì tự xưng đã được Đệ nhất nghĩa đế Vô thượng, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
  5. Lại các thiện nam tử ấy ở trong định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, chỗ chứng mới chưa được mà tâm cũ đã mất, xem cả hai bên, tự cho là gian nan nguy hiểm, tâm bỗng nhiên sanh ra buồn vô hạn, như ngồi giường sắt, như uống thuốc độc, tâm không muốn sống, thường cầu người khác sát hại thân mình để sớm giải thoát. Đây gọi là tu hành sai mất phương tiện. Biết thì không lỗi, chẳng phải là thánh chứng. Nếu cho là thánh chứng thì có một phần thứ ma thường lo buồn vào trong lòng dạ, tay cầm đao kiếm tự cắt thịt mình, thích được bỏ mạng, hoặc thường lo buồn, chạy vào rừng núi, không muốn thấy người, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
  6. Lại các thiện nam tử ấy ở trong chánh định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, ở trong chỗ thanh tịnh, tâm an ổn rồi, bỗng nhiên tự sanh vui mừng vô hạn. Trong tâm mừng rỡ không thể tự dừng. Đây gọi là sự khinh an mà không có huệ tự kiềm chế. Biết thì không lỗi, chẳng phải là thánh chứng. Nếu cho là thánh chứng thì có một phần thứ ma thích vui mừng vào trong lòng dạ, thấy người thì cười, ở bên đường cái tự ca tự múa, tự cho đã đắc giải thoát vô ngại, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.   
  7. Lại các thiện nam tử ấy ở trong chánh định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, tự bảo đã đủ, bỗng nhiên vô cớ sanh đại ngã mạn. Như thế cho đến lòng mạn, mạn quá mạn, hoặc tăng thượng mạn, ty liệt mạn đồng thời phát ra. Trong tâm còn coi thường cả mười phương Như Lai, huống gì các quả vị dưới như Thanh Văn, Duyên Giác. Đây gọi là thắng giải quá mức, không có huệ để tự cứu. Biết thì không lỗi, chẳng phải là thánh chứng. Nếu cho là thánh chứng thì có một phần ma đại ngã mạn vào trong lòng dạ, chẳng lạy chùa tháp, phá hủy kinh tượng, bảo với người khác rằng: đó là vàng, đồng, hoặc gỗ, đất; kinh là lá cây hay giấy lụa. Thân thịt chân thường, không tự cung kính, lại sùng bái gỗ đất, thật là điên đảo. Những người quá tin theo đó mà phá nát hoặc chôn bỏ trong đất, do gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh đọa vào địa ngục Vô gián, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
  8. Lại các thiện nam tử ấy ở trong chánh định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, trong chỗ tinh minh viên ngộ tinh lý, được đại tùy thuận, tâm ấy bỗng sanh vô lượng khinh an, nói đã thành thánh, được đại tự tại. Đây gọi là nhân cái huệ mà được các sự nhẹ trong. Biết thì không lỗi, chẳng phải là thánh chứng. Nếu cho là thánh chứng thì có một phần loại ma thích sự trong nhẹ vào trong lòng dạ, tự cho là đủ chẳng thèm cầu tiến. Những người này phần nhiều như tỳ kheo Vô Văn, gây nghi lầm cho chúng sanh, đọa vào địa ngục A Tỳ, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
  9. Lại các thiện nam tử ấy ở trong chánh định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, trong chỗ minh ngộ tánh hư minh, trong ấy bỗng xoay hướng về đoạn diệt vĩnh viễn, bác không nhân quả, một mực nhập không. Tâm không hiện tiền, cho đến tâm sanh chấp đoạn diệt mãi mãi. Biết thì không lỗi, chẳng phải là thánh chứng. Nếu cho là thánh chứng thì có ma không vào trong lòng dạ, bèn chê bai người giữ giới là Tiểu thừa, còn Bồ tát ngộ Không thì có gì là giữ hay phạm. Người này thường ở nhà thí chủ tín tâm, ăn thịt uống rượu, làm nhiều điều dâm uế. Nhờ có sức ma mà nhiếp phục người ta, khiến không sanh nghi báng. Quỷ vào tâm lâu ngày, ăn uống đại tiện tiểu tiện cùng rượu thịt, cứ cho mọi thứ đều không. Phá luật nghi của Phật, làm người khác lầm lạc mắc tội, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
  10. Lại các thiện nam tử ấy ở trong chánh định, thấy sắc ấm tiêu rồi, thọ ấm tỏ rõ, nghiền ngẫm cái hư minh, ghi sâu vào tim cốt, trong tâm bỗng sanh yêu thích vô hạn. Yêu quá phát cuồng bèn làm chuyện tham dục. Đây là cảnh định an thuận nhập vào tâm, không có huệ tự giữ mình, mê lầm vào các dục. Biết thì không lỗi, chẳng phải thánh chứng. Nếu cho là thánh chứng thì có ma dục vào trong lòng dạ, một bề nói dục là đạo Bồ đề, dạy hàng cư sĩ bình đẳng mà hành dục, những người hành dâm gọi là đệ tử giữ gìn pháp. Do sức của thần quỷ, nhiếp phục người phàm phu trong đời mạt pháp số đến cả trăm cho đến hai trăm, hoặc năm trăm, sáu trăm, nhiều thì đến ngàn vạn. Khi ma sanh chán rời bỏ thân thể người kia, oai đức không còn thì sa vào lưới pháp luật. Do gây nghi lầm cho chúng sanh nên vào địa ngục Vô gián, sai mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.        
     

A Nan, mười thứ cảnh hiện trong thiền định như thế đều do thọ ấm và tâm dụng công giao xen nên hiện ra như vậy. Chúng sanh ngu mê, chẳng biết xét lượng, gặp nhân duyên ấy mê chẳng tự biết cho là lên bậc thánh, thành tội đại vọng ngữ, đọa ngục Vô gián. Sau khi ta diệt độ, các ông nên đem lời nói của Như Lai truyền dạy cho đời mạt pháp, khiến cho chúng sanh đều tỏ ngộ nghĩa này, không để cho thiên ma tiện dịp quấy phá, giữ gìn che chở cho người tu hành khiến thành tựu đạo vô thượng.

 

Ma của phạm vi sắc ấm là mười, của phạm vi thọ ấm là mười. Qua hai phạm vi này, chúng ta thấy sự dễ lạc đường như thế nào.

Ma của thọ ấm là ‘‘ở trong định, bỗng nhiên phát sanh cảm xúc’’, rồi bị cuốn theo cảm xúc ấy. Cho nên trong định mà một niệm cảm xúc vừa khởi lên, phải dùng định, huệ, thiền và các Phật pháp có sẵn để hóa giải.

Khi làm việc với những cảm xúc của mình, chúng ta thấy chúng ta đang sống trong một rừng cảm xúc tiêu cực, và đời sống mỗi ngày của chúng ta bị quy định trong những cảm xúc ấy. Sự chiến thắng là khó khăn, và qua sự chiến đấu với những bệnh tật của mình chúng ta mới biết thương người khác, họ chìm đắm biết bao trong rừng cảm xúc ấy để tự gây khổ đau suốt đời.

Bởi vì tánh của sắc và thọ chính là tánh Diệu Minh, cho nên chỉ cần hết sự che đậy (ấm) thì tánh Diệu Minh hiện bày. Chính vì tánh Diệu Minh ở ngay nơi sắc ấm vàthọ ấm mà khi đụng chạm, làm việc trên sắc ấm và thọ ấm những kinh nghiệm thoáng qua dễ hiện ra, thấy cũng giống như ngộ, như đã vào được Pháp thân, mà thực ra là lầm lẫn. Để tránh những lầm lạc như vậy, thiết nghĩ cần có những yếu tố sau:

Khi có một kinh nghiệm tâm linh, cần phải hỏi một vị thầy, một thiện tri thức đã trải qua những kinh nghiệm ngộ, nhờ vị thầy thẩm xét. Tốt hơn nữa là có sự hướng dẫn của vị ấy ngay từ đầu.

Về phần người tu phải tỉnh táo thẩm xét, có ‘‘sai mất chánh định’’, có ‘‘lâu tự tiêu mất’’, có ‘‘quên mất suy xét’’, có ‘‘không có trí huệ để tự cứu’’… hay không.

Ngay từ giai đoạn đầu, Tư lương vị, người tu phải tích tập đủ công đức và trí huệ, không bỏ qua một món nào có thể làm được như phát nguyện, sám hối, trì chú, ngồi thiền, tụng kinh, bố thí, cúng dường, tin sâu sắc Tam bảo, ở chung với chúng…Sở dĩ bị các ma vui, buồn, ngã mạn, ma dục vào trong lòng dạ bởi vì người tu không cảnh giác. Một ý nghĩ phạm giới khởi lên là phải cắt đứt ngay, còn để đó cho nó lân la vào ở thì có ngày nó phá hoại hết. Ở chung với thầy, với bạn, nhờ sức mạnh tâm linh của tập thể cũng khiến người tu có thể vượt qua các trở ngại.

Tóm lại, phá năm ấm để giải thoát và giác ngộ là việc làm khó khăn ‘‘như tự chặt đầu mình’’ (Kinh Viên Giác), cho nên người tu hành càng có nhiều thiện nghiệp phước đức càng tốt và trí huệ quán chiếu một cách thận trọng lối đi. Chỉ khi ngộ, vào Sơ địa thì lúc đó mới bắt đầu nhờ đạo lực của tánh Diệu Minh hay Pháp thân để giải quyết những vấn đề, chướng ngại và tai nạn trên đường tu.    

Phải luôn luôn nhớ rằng tất cả đạo Phật là vô ngã và vô pháp. Thế nên ngã và pháp càng tăng là ‘‘sai mất chánh định’’, làm một cái gì theo cái ‘tôi’, thấy một kinh nghiệm nào rồi cho là ‘của tôi’, bèn ‘‘tức lọt vào tà’’.

Khi cảnh hiện không chạy theo cảnh mà xoay ngược về nguồn ‘‘chiếu hiện’’ ra cảnh, chiếu hiện ra thọ ấm. Đây là ‘‘tâm chư Phật như gương sáng’’, hay là tánh giác Diệu Minh.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

  

 

Bài viết liên quan