PHẬT BẢO NGÀI VĂN THÙ CHỌN CĂN VIÊN THÔNG (1) - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 PHẬT BẢO NGÀI VĂN THÙ CHỌN CĂN VIÊN THÔNG

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Chỉ bốn câu kệ mà lập đi lập lại cho thuộc, rồi ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, tham thiền về nó, thì chẳng phải sướng lắm sao, hạnh phúc lắm sao! Làm như vậy chẳng lẽ không thấm chút gì pháp vị của Phật pháp sao?    
PHẬT BẢO NGÀI VĂN THÙ CHỌN CĂN VIÊN THÔNG (1) - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

Phóng ánh sáng, hiện điềm lành

 

Bấy giờ Thế Tôn nơi tòa sư tử, từ năm vóc đồng phóng ánh sáng báu, xa rọi trên đảnh mười phương Như Lai như số vi trần và các Pháp vương tử và các Bồ tát. Các Như Lai kia cũng từ năm vóc đồng phóng ánh sáng báu từ các thế giới như vi trần đến rọi trên đảnh Phật và rọi trên đảnh các Đại Bồ tát và A La Hán trong hội. Rừng cây ao hồ đều diễn pháp âm, ánh sáng giao nhau trùng trùng như lưới tơ báu.
 

Đại chúng được việc chưa từng có, tất cả đều được Kim cương Tam muội. Liền khi ấy trời mưa hoa sen trăm báu, màu xanh, vàng đỏ, trắng xen lẫn nhau, mười phương hư không thành sắc bảy báu. Cõi Ta bà này đất đai núi sông đồng thời chẳng hiện, chỉ thấy mười phương cõi nước như vi trần hợp thành một cõi, tiếng hát ngợi ca tự nhiên trỗi khắp.

 

Đây là cảnh giới và hành động của chư Phật đã chứng trọn vẹn viên thông, cho chúng ta thấy phần nào “chuyển được vật tức đồng Như Lai” là thế nào.

Rọi trên đảnh, tiếng Hán là quán đảnh. Đức Phật toàn thân phóng ánh sáng báu, rọi trên đảnh chư Phật và các Pháp vương tử ở khắp mười phương, và chư Phật ở các phương kia cũng làm như vậy đối với phương này. Chư Phật là một, một thân, một khẩu, một tâm, một đồng thời, một cõi nước một Tâm Phật, một Bảo Giác viên dung thanh tịnh.

Trong Tâm Phật này, “mười phương hư không thành sắc bảy báu, cõi Ta bà này đất đai núi sông đều chẳng hiện, chỉ thấy mười phương cõi nước như vi trần hợp thành một cõi”, khi trần tướng đã tiêu tan về tánh thì tất cả tướng là tánh, thông suốt nhau hợp thành duy nhất một cõi Phật. Khi ấy sắc là sắc Phật, thanh là thanh Phật, hương vị xúc pháp là hương vị xúc pháp Phật. Tất cả giao nhau trùng trùng như lưới tơ báu, đây là cảnh giới sự sự vô ngại của các bậc giác ngộ.    
 

Phật bảo ngài Văn Thù chọn căn viên thông.

 

Khi ấy, Như Lai bảo Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử: Ông nay hãy xem xét trong hai mươi lăm vị Vô học Đại Bồ tát và A La Hán đây, mỗi vị đều trình bày phương tiện thành đạo lúc ban đầu, đều nói tu tập tánh viên thông chân thật, chỗ tu hành của các vị thật không có hơn kém, trước sau sai khác.

Nay ta muốn khiến A Nan khai ngộ, thì trong hai mươi lăm pháp tu hành, pháp nào hợp căn cơ ông ấy. Lại sau khi ta diệt độ, chúng sanh trong cõi này muốn vào Bồ tát thừa, cầu đạo vô thượng thì pháp môn phương tiện nào được dễ thành tựu.

Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử vâng ý chỉ từ bi của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thừa oai thần Phật, nói kệ đáp lời:

 

Đức Phật hỏi ngài Văn Thù lựa chọn căn viên thông, vì ngài Văn Thù là bậc Đại trí thứ nhất trong hội. Vậy mà ngài vẫn nương vào oai lực Phật để nói kệ đáp. Chúng ta ngày nay dám ở ngoài thần lực của chư Phật, chư Đại Bồ tát mà tu hành, học hỏi sao? Chắc hẳn lòng sùng mộ, sùng tín mãnh liệt đối với các ngài sẽ đưa chúng ta đến gần Trí Huệ và Từ Bi của các ngài hơn.

 

Tánh biển giác tròn lặng

Toàn trong, giác nguyên diệu

Nguyên minh, chiếu sanh sở

Sở lập tánh chiếu vong.

 

Biển giác, tánh nó vốn trong lặng (trừng), quang minh, viên mãn, tròn đầy, vốn sẳn (viên). Sự trong lặng viên mãn ấy là cái diệu vốn có của tánh giác. Nhưng trong lặng ấy không phải là một tịch diệt hư vô, mà vốn sáng, vốn là ánh sáng. Và tánh giác trong lặng vốn sáng này có sự chiếu sáng khắp cả pháp giới.

Vô minh là không biết tánh sáng chiếu vốn có này mà chấp vào sự chiếu sáng cho là cảnh ở ngoài tánh sáng (sở). Thấy sự chiếu sáng là đối tượng (sở), ngay lúc đó vọng tưởng về một năng chiếu, một trung tâm là cái tôi được giả lập. Sở đã lập, năng cũng lập, khi ấy không còn thấy biết tánh sáng chiếu, chỉ còn chủ thể và đối tượng.

Khi sở đã lập thì ánh sáng của tâm liền biến mất.

Viên thông là đưa đối tượng sở lập và chủ thể năng lập này xoay lại và tiêu dung trong tánh giác trong lặng và thường chiếu.

 

Mê vọng, có hư không

Nương không, lập thế giới

Tưởng đọng thành cõi nước

Tri giác là chúng sanh.

 

Biển giác thì vốn trong lặng, không tịch và vốn sáng (nguyên minh). Mê vọng, vô minh đầu tiên là sự phân chia tánh trong lặng, tức là tánh Không một bên và tánh sáng một bên. Tánh Không thì không có tánh sáng, tánh sáng thì không có tánh Không lặng trong.

Cái mê vọng vô minh phát triển thô nặng thêm, tánh Không trở thành hư không trống rỗng và tánh sáng trở thành “sanh sở”, tức là thế giới ảnh hiện theo duyên nghiệp và tri giác phân biệt của chúng sanh.

Rồi sự tu hành xoay trở lại cũng vẫn bị ô nhiễm bởi cái mê vọng ấy: vọng tưởng rằng Niết bàn là cái “không” trống rỗng, và sanh tử là thế giới sắc tướng lộn xộn do phân biệt và các phiền não. Sự phân chia của sanh tử và Niết bàn cũng là sự phân chia mê vọng ban đầu.

 

(Hư) không sanh trong Đại Giác

Như biển, một bọt phát

Cõi hữu lậu như bụi

Đều nương không, sanh khởi

Bọt diệt, (hư) không (vốn) chẳng có

Huống là có ba cõi.

 

Vì mê vọng mà có hư không sanh, nhưng dù hư không có hư vọng sanh ra thì cái hư vọng ấy vẫn nằm trong Đại Giác, như một bọt nước phát sanh đều khởi từ biển, hiện hữu trong biển và tiêu tan trong biển.     
 

Ở đây cần thấy rõ là Kinh không nhằm giải thích một vũ trụ mà chúng ta cứ nghĩ là ở bên ngoài mình. Tiến trình này nhằm giải thích vũ trụ sanh ra bên trong chúng ta như thế nào, vì nguyên lý của tất cả kinh điển Đại thừa là ‘‘Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức’’. Do thiền định và thiền quán chúng ta hiểu vũ trụ sanh ra nơi ta như thế nào, và do đó, chúng ta cũng thấy được con đường ‘‘xoay lại trở về’’ và thực hiện con đường ấy.

Hư không sanh trong tâm Đại Giác của chúng ta, và từ đó có các cõi hữu lậu nhiều như vi trần sanh khởi theo duyên nghiệp và tri giác phân biệt của chúng sanh. Hư không vốn chưa hề có và hư vọng, thì làm sao ba cõi sanh ra từ đó lại có thể có được. Thực sự và trực tiếp thấy được điều này, bèn tức thời giải thoát.

Lại nữa, hư không và các cõi hữu lậu đang thấy đây thì vẫn đang nằm trong biển tâm Đại Giác. Tất cả mọi sắc, dù hư vọng, thì vẫn nằm trong tánh Không và chính là tánh Không: ‘‘Sắc tức là Không, Không tức là sắc’’. Thấy được như vậy bèn tức thời ‘‘thoát khỏi mọi khổ ách’’.

Trong tham thiền, chúng ta phải vượt qua hư không trong tâm mình thì mới tiếp xúc được với biển Đại Giác, tánh giác Không-Minh, mà các Kinh khác gọi là Tịnh Quang, Thường Tịnh Quang, Đại Quang Minh Tạng…

Chỉ bốn câu kệ mà lập đi lập lại cho thuộc, rồi ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, tham thiền về nó, thì chẳng phải sướng lắm sao, hạnh phúc lắm sao! Làm như vậy chẳng lẽ không thấm chút gì pháp vị của Phật pháp sao?      
 

Về nguồn, tánh không hai

Phương tiện có nhiều cửa

Thánh tánh, đâu cũng thông

Thuận nghịch đều phương tiện

Sơ tâm vào tam muội

Nhanh chậm chẳng đồng nhau.

 

Nguồn tánh, thánh tánh, Phật tánh thì không có hai, và nơi nào cũng có, không chỗ nào chẳng có viên thông (thánh tánh vô bất thông). Và chẳng có sự vật gì mà nó chẳng thông được. Phương tiện có nhiều cửa, thậm chí đâu cũng là cửa vì đâu cũng có mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp…. Nơi đó thuận nghịch đều là phương tiện, tất cả sanh tử là phương tiện để khám phá tánh của sanh tử tức là tánh viên thông hay Niết bàn.

Tam muội ở đây là ‘‘thật tướng của tất cả các pháp’’, là tánh viên thông của tất cả các pháp. Tam muội đây là Kim Cương tam muội, Một Bảo Giác viên dung thanh tịnh của chư Đại Bồ tát và chư Phật. Tam muội là thường định, không tu nữa, Vô học của bậc A La Hán và Vô công dụng đạo của Bồ tát Địa thứ Tám.

Sơ tâm ở đây chỉ cho người chưa vào địa và cũng chỉ cho ngài A Nan mới vào địa. Sơ tâm ấy và tâm cứu cánh là một, vì sự viên mãn đã có sẳn, vì sơ tâm thì viên thông với tâm cứu cánh, vì như hư không, không có đâu là đầu đâu là cuối, và vì các che chướng thì như hoa đốm không thật có.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan