PHIỀN NÃO KHÔNG CÓ NƠI CHỐN - KINH BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG BỔN NGUYỆN VÀ THƯA HỎI PHẬT - QUYỂN 8 - LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH

Bấy giờ, trong chúng hội có chư vị trời Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế thấy ma Ba-tuần được thọ ký đạo quả Bồ-đề, tất cả đều sinh tâm cho là điều hết sức kỳ lạ, đặc biệt, khen ngợi và thưa:
PHIỀN NÃO KHÔNG CÓ NƠI CHỐN - KINH BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG BỔN NGUYỆN VÀ THƯA HỎI PHẬT - QUYỂN 8 - LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH

PHIỀN NÃO KHÔNG CÓ NƠI CHỐN

KINH BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG BỔN NGUYỆN VÀ THƯA HỎI PHẬT QUYỂN 8

LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH

–––––o0o–––––

Bấy giờ, trong chúng hội có chư vị trời Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế thấy ma Ba-tuần được thọ ký đạo quả Bồ-đề, tất cả đều sinh tâm cho là điều hết sức kỳ lạ, đặc biệt, khen ngợi và thưa:

–Bạch Thế Tôn! Các ma đó ở nơi Phật đã khéo nêu giảng về giáo pháp, giới luật, tuy làm việc của ma, mà hãy còn gặp Đức Như Lai, lại có phước đức và được thọ ký sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ-đề, Niết-bàn rốt ráo.

Bạch Thế Tôn! Lẽ nào có hàng thiện nam, thiện nữ, là những người khéo dùng tín tâm đối với pháp Phật, mà chỗ phước nghiệp đạt được có thể so sánh! Nên biết đấy đều là cảnh giới của chư Phật, các hàng Thanh văn, Duyên giác không thể suy lường được.

Lúc đó, Đức Phật bảo trời Đế Thích, Phạm vương Hộ Thế và chúng trời người:

–Như lời các ông đã nói, là thật chứ không hư dối. Đó chính là cảnh giới của chư Phật, Như Lai.

Này thiện nam! Nói về tâm là pháp duyên sinh. Ví như tấm vải lụa được nhuộm có chỗ thấm màu, hoặc có chỗ thì không thấm màu, tâm hành của chúng sinh cũng lại như vậy, hoặc khởi phiền não, hoặc không khởi phiền não, hoặc có lợi căn hay độn căn. Như Lai đều tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp thích hợp để giáo hóa, khiến cho tất cả cùng được tỏ ngộ, thâm nhập nơi chánh pháp.

Này thiện nam! Nói về phiền não thì không có nơi chốn, cũng không chỗ trụ, lại không tích tụ. Từ chỗ hòa hợp với tác ý không đúng như lý mà sinh ra. Nếu quan sát đúng như lý thì tánh của tạp nhiễm là thanh tịnh. Nhưng mật ý của Như Lai gọi là tà kiến, nếu nhận biết đúng như thật tức là chánh kiến, không phải là tà, chánh, do nhận thức vượt qua chỗ thật có nơi hiện tại. Nếu đối với tà kiến và chánh kiến nhận biết rõ về mình, không sinh chấp giữ thì gọi là hội nhập vào nẻo chánh kiến.

Này thiện nam! Phiền não như lớp da, sự thanh tịnh là tánh, do bị nó ngăn che nên trí tuệ không có hiệu lực, vì thế không thấy được bản tánh thanh tịnh. Lại nữa, có sự phân biệt gọi là phiền não, không phân biệt gọi là tánh thanh tịnh.

Này thiện nam! Ví như đại địa nương vào nước mà trụ, nước nương vào gió mà trụ, gió dựa vào hư không mà trụ. Đó là cái không trong bốn giới, không có chỗ nương tựa. Do hư không ấy không hủy hoại, không lay động, nên không có chỗ tích tụ. Do không có chỗ tích tụ nên trụ nơi chẳng sinh diệt, tương ưng với tự tánh. Vì thế, ba cõi chẳng tồn tại lâu dài, là vô thường, biến đổi, chẳng phải là cảnh giới hư không. Như vậy, uẩn, xứ, giới dựa vào nghiệp, phiền não mà trụ, nghiệp phiền não dựa vào tác ý không đúng như lý mà trụ, tác ý không đúng như lý thì dựa nơi tự tánh của tâm thanh tịnh mà trụ. Tâm thanh tịnh này không bị phiền não của khách trần làm cho cấu nhiễm. Tác ý không đúng như lý, nghiệp, phiền não, uẩn, xứ, giới hiện có, tất cả đều do nhân duyên hòa hợp mà có, nếu thiếu nhân duyên thì không sinh khởi. Tánh thanh tịnh ấy thì không có nhân duyên, không có hòa hợp, chẳng có sinh diệt, tánh như hư không. Tác ý không đúng như lý thì như gió, nghiệp, phiền não như nước, uẩn, xứ, giới như đất. Do đó, tất cả pháp đều không bền chắc, nguồn gốc không trụ, xưa nay đã thanh tịnh. Này thiện nam! Đó gọi là pháp môn quang minh của tự tánh thanh tịnh. Bồ-tát đã chứng nhập nơi pháp môn này, nên không bị các thứ cấu uế của phiền não làm ô nhiễm, cũng không suy nghĩ phân biệt về pháp thanh tịnh này. Vì không suy nghĩ phân biệt, nên dứt bặt tất cả mọi sự tìm cầu, quán xét duyên dựa, chứng được tánh thanh tịnh, vì chứng được tánh thanh tịnh nên vượt hơn cảnh giới của ma. Nhờ vượt hơn cảnh giới của ma nên được an trụ vào cảnh giới của Phật. Nhờ an trụ vào cảnh giới của Phật nên vượt hơn cảnh giới của chúng sinh, hội nhập vào pháp giới bất động. Do hội nhập vào pháp giới thanh tịnh bất động, nên nhập vào cảnh giới bình đẳng không sai khác. Đó gọi là đạt được trí Nhất thiết trí.

 

Khi Đức Phật giảng nói pháp này thì có vô lượng Bồ-tát đều xa lìa mọi sự trói buộc cấu uế của chướng nơi nghiệp, phiền não, chứng được pháp Nhẫn vô sinh.

–––––o0o–––––

Trích: “Kinh Bồ Tát Hư Không Tạng Bổn Nguyện và Thưa Hỏi Phật”.

Hán dịch: Đời Đường Sa Môn Tam Tạng Bất Không.

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo.

Nhà Xuất Bản Hồng Đức - 2018.

Ảnh nguồn Internet.

Bài viết liên quan