QUÁN CHÂN THÂN PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ (PHẬT THÂN QUÁN) - TỊNH ĐỘ NGŨ KINH – QUYỂN HẠ

QUÁN CHÂN THÂN PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ (PHẬT THÂN QUÁN)

TỊNH ĐỘ NGŨ KINH – QUYỂN HẠ

---o0o---

Vô Lượng Thọ Như Lai có tám muôn bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, và mỗi vẻ đẹp lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng. Những tia sáng ấy soi khắp các cõi ở mười phương, thâu nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật
QUÁN CHÂN THÂN PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ (PHẬT THÂN QUÁN) - TỊNH ĐỘ NGŨ KINH – QUYỂN HẠ

QUÁN CHÂN THÂN PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ (PHẬT THÂN QUÁN)

TỊNH ĐỘ NGŨ KINH – QUYỂN HẠ

---o0o---

Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: - Môn tưởng này đã thành tựu, kế lại quán thân tướng quang minh của Phật Vô Lượng Thọ.

Này A Nan! Ông nên biết thân Phật A Di Đà rực rỡ như sắc vàng Diêm Phù Đàn của trăm ngàn muôn ức cung trời Dạ ma. Phật thân cao sáu mươi sáu vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần. Tướng bạch hào giữa đôi mày uyển chuyển xoay về bên hữu như năm núi Tu di. Mắt Phật xanh trắng phân minh, rộng như nước bốn biển lớn. Các chơn lông nơi thân tuôn ra ánh sáng như Diệu Cao sơn. Viên quang của Phật to rộng như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới. Trong ấy có trăm muôn ức na do tha hằng hà sa Hóa Phật, mỗi vị đều có vô số Hóa Bồ Tát làm thị giả.

Vô Lượng Thọ Như Lai có tám muôn bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp tùy hình, và mỗi vẻ đẹp lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng. Những tia sáng ấy soi khắp các cõi ở mười phương, thâu nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật.

“Rực rỡ như sắc vàng Diêm Phù Đàn” là mói về thể sắc;  
trăm ngàn muôn ức cung trời Dạ Ma”, nói về thân lượng to rộng. “Na do tha” cũng gọi Na – du – đa, Trung Hoa dịch là Ức. Số ức có ba dạng: mười muôn, trăm muôn, ngàn muôn, nên các cổ đức định về số này không đồng. Thân Phật tuy cao sáu mươi sáu vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, nhưng khi quán tùy theo căn cơ, tâm lượng, mỗi chúng sanh đều thấy khác nhau. Theo ngài Thiện Đạo, nếu kẻ nào tâm lực kém yếu, chỉ nên thành kính chú tưởng một trong ba tướng: nhục kế, bạch hào, hay thiên bức luân nơi chơn, sẽ lần lần được thấy các tướng hảo khác.

Hỏi: Nếu tu các hạnh lành hồi hướng về Tây Phương đều có thể vãng sanh. Tại sao ánh sáng của Phật soi khắp mười phương, lại chỉ thâu nhiếp chúng sanh niệm Phật?

Đáp: Trong ấy có ba nghĩa.

  1. Thuyết minh về thân duyên: Chúng sanh khi khởi hạnh, thân lễ Phật, Phật liền thấy; miệng niệm Phật, Phật liền nghe; ý tưởng Phật, Phật liền biết. Chúng sanh nhớ tưởng Phật, Phật cũng ức niệm chúng sanh, kia và đây tương quan nhau, nên gọi là “thâu nhiếp”.
  2. Thuyết minh về cận duyên: Chúng sanh nguyện thấy Phật, Phật liền tùy niệm hiện thân, có cảm tất có ứng, gọi là “thâu nhiếp”.
  3. Thuyết minh về tăng thượng duyên: Chúng sanh niệm hồng danh được tiêu tội trong nhiều kiếp, khi lâm chung Phật cùng thánh chúng đến tiếp nghinh, các tà nghiệp không thể làm chướng ngại. Có tiếng tất có vang, đây gọi là “thâu nhiếp”.

Tóm lại, vì lý cơ cảm tương quan, nên ánh sáng của Phật mới thâu nhiếp chúng sanh niệm Phật. Cho nên các hạnh khác dù gọi là lành, so với công đức niệm Phật vẫn kém phần trực thiệp.

Hỏi: Người không niệm Phật, quang minh của Phật có thâu nhiếp không?

Đáp: Nghĩa thâu nhiếp trên đây là luận về sự cơ cảm giữa chúng sanh và Phật mà thôi. Thật ra, Phật A Di Đà trải lòng từ bi bình đẳng, phóng quang soi khắp mười phương, những chúng sanh niệm Phật cùng không, đều ở trong vùng nhiếp thủ của Phật. Vậy sự đắc ích hay vãng sanh được cùng không là do chúng sanh chớ không thể nói quang minh của Phật thâu nhiếp có riêng tư. Như mặt trời buông ánh sáng soi khắp mọi nơi, nhưng kẻ mù lòa không thấy là do họ tối mắt chớ không phải tại vầng nhật. Vì thế Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chư Phật mẫn niệm chúng sanh như mẹ trông chờ con, nếu con cứ bỏ đi, thì mẹ dù nhớ cũng không biết làm sao được!”

Những tướng hảo, quang minh cùng hóa Phật đó vô cùng, nói không thể xiết! Hành giả chỉ nên thành kính nhớ tưởng, khiến cho tâm nhãn được thấy.

Thấy được tướng này, tất thấy tất cả chư Phật mười phương. Vì thấy chư Phật, nên gọi là Niệm Phật tam muội. Tu phép quán này gọi là quán thân tất cả chư Phật. Và vì quán thân Phật nên cũng thấy tâm Phật. Tâm Phật là tâm đại từ bi, dùng Vô Duyên Từ nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật. Quán như thế, khi xả báo thân sẽ vãng sanh về trước chư Phật, được Vô Sanh Nhẫn. Cho nên người trí phải hệ niệm quán kỹ Phật Vô Lượng Thọ.

Muốn quán Phật Vô Thượng Thọ, phải từ một tướng hảo mà đi vào. Trước tiên phải quán tướng lông trắng giữa đôi mày cho cực rõ ràng. Khi thấy được tướng bạch hào, tự nhiên tám muôn bốn ngàn tướng tốt sẽ hiện. Và thấy được Phật A Di Đà, tức thấy vô lượng chư Phật ở mười phương. Vì thấy vô lượng chư Phật ở mười phương. Vì thấy vô lượng chư Phật, nên được chư Phật hiện tiền thọ ký.

Đây là môn tưởng tất cả tướng nơi sắc thân, thuộc về phép quán thứ chín. Quán như thế gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác, là tà quán.

“Tâm nhãn” ở đây chỉ cho dùng ý mà duyên tưởng. Vì chư Phật đồng một Pháp Thân, các tướng không ngoài bản thể mà có, nên nói “thấy được tướng này, tức thấy tất cả chư Phật mười phương’. Các pháp đều duy tâm, thân là tướng của tâm, nên nói: “Vì quán thân Phật, nên cũng thấy tâm Phật”. Bởi Phật tướng đã không, tất cả đều duy tâm, chỉ là một thể đại từ bi, nên gọi: “tâm Phật là tâm đại từ bi”. Vô Duyên Từ là đức Phật dùng tâm từ bi bình đẳng soi khắp pháp giới, không duyên trụ nơi các tướng có, không, cùng thời gian, không gian, mà phổ nhiếp tất cả chúng sanh. Trạng thái này, ví như mặt trăng trong tuy in bóng khắp muôn dòng nước lặng, song thỉ chung trăng vẫn vô tâm. Quán lý trên đây, duy bậc trí huệ mới có thể thâm nhập, nên nói: “Người trí phải hệ niệm quán kỹ Phật Vô Lượng Thọ”.

Tướng bạch hào gồm nhiếp các tướng, nên khi quán tướng này thì các tướng khác đều hiện. Cứ theo chánh văn, thì đây là quán tướng bạch hào lớn như năm núi Tu Di, chớ không phải hào tướng của kim thân một trượng sáu, nên mới nói: “Tự nhiên tám muôn bốn ngàn tướng tốt sẽ hiện”. “Thọ ký” là trao lời ghi nhận cho đương nhơn sẽ chứng các đạo quả, hoặc thành Phật.

---o0o---

Trích “Tịnh Độ Ngũ Kinh” – Quyển Hạ

Bài viết liên quan