RỘNG MỞ HOÀN TOÀN - GARCHEN RINPOCHE - TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU - Trần Thị Lan Anh dịch, hiệu đính: Thiện Tri Thức

RỘNG MỞ HOÀN TOÀN

Garchen Rinpoche - Tuệ Đăng Phổ Chiếu

Trần Thị Lan Anh dịch, hiệu đính: Thiện Tri Thức

-----o0o-----

Trong trạng thái Pháp thân vô sở trụ, không có điểm quy chiếu ấy, hành giả chứng ngộ tánh giác vô khái niệm. Tánh giác trần trụi trong suốt như nó là, trí tuệ siêu vượt tâm thức này được mô tả là “một trạng thái trống rỗng thảng thốt sáng tỏ trong suốt”. Khi bạn không bám chấp vào bất cứ niệm tưởng nào, bạn có thể trực tiếp thấy ra bản tâm. Đó chính là bản tánh thật sự...
RỘNG MỞ HOÀN TOÀN - GARCHEN RINPOCHE - TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU - Trần Thị Lan Anh dịch, hiệu đính: Thiện Tri Thức

Trong trạng thái Pháp thân vô sở trụ, không có điểm quy chiếu ấy, hành giả chứng ngộ tánh giác vô khái niệm. Tánh giác trần trụi trong suốt như nó là, trí tuệ siêu vượt tâm thức này được mô tả là “một trạng thái trống rỗng thảng thốt sáng tỏ trong suốt”. Khi bạn không bám chấp vào bất cứ niệm tưởng nào, bạn có thể trực tiếp thấy ra bản tâm. Đó chính là bản tánh thật sự của tâm. Đó là một tri giác trực tiếp tánh giác vốn sẵn có.

Các dòng tiếp theo là bình giảng của Khenpo Munsel Rinpoche về ý nghĩa của sự rộng mở hoàn toàn. Ngài nói:

Trong suốt sáng tỏ có nghĩa là không bị che chướng. Không bị che chướng có nghĩa là siêu vượt mọi vấn đề bên ngoài và ở yên không bị tác động bởi bất cứ điều gì.

Rộng mở hoàn toàn là muốn nói đến trạng thái tâm không thể tác hại bởi bất cứ hoàn cảnh nào. Ví dụ nếu ai đó tức giận và xúc phạm bạn, bạn sẽ không đáp trả lại bằng sự giận dữ. Như thế thì người kia không thể tác động đến bạn. Bạn chỉ có thể bị tổn hại nếu có một cái ngã, khi có sự bám chấp vào cái tôi và bạn nghĩ rằng “làm sao mà anh có thể nói điều đó với tôi được?”. Nếu không có chấp ngã thì chẳng hề hấn gì dù người ta có nói gì với bạn – anh có thể nói bất cứ điều gì anh muốn và điều đó không ảnh hưởng đến tôi bởi vì không có bản ngã. Chỉ khi có cái tôi cảm nhận bị xúc phạm hay bị đe dọa thì chính cái tôi ấy phải trải nghiệm sự đau khổ khốn cùng, giống như bị đâm bởi gai nhọn. Khi cảm xúc đó xuất hiện thì hãy hô “PHAT!” và đừng bám chấp vào cảm xúc. Nó cũng giống như một kệ trong 37 Pháp Tu Bồ Tát: chúng ta phải tự do thoát khỏi những niệm tưởng bám chấp hay ghét bỏ.

Những người có một mức độ kinh nghiệm tu tập nhất định có thể hiểu được ý nghĩa “rộng mở hoàn toàn”. Bạn có thể kinh nghiệm nó trong cuộc sống hàng ngày, chẳng có điều gì có thể làm ảnh hưởng đến bạn theo cách này hay cách khác. Ví dụ khi bạn đang thưởng thức món ăn ngon, vẫn có tánh giác nhận ra hương vị của món ăn bạn có thể phân biệt được giữa hương vị tốt và hương vị tồi. Nhưng nếu sau đó bạn lại nghĩ “hương vị này ngon, tôi chỉ muốn ăn cái này thôi” thì suy nghĩ đó đã ảnh hưởng được bạn. Và khi đó không còn rộng mở hoàn toàn nữa. Ngược lại, khi thức ăn không có hương vị ưa thích thì bạn không muốn ăn, đây cũng không phải là rộng mở hoàn toàn. Bạn nhận ra và phân biệt được giữa hương vị ngon và không ngon nhưng rộng mở hoàn toàn có nghĩa là bạn có thể ăn cả hai – nó không gây sự khác biệt cho bạn. Khi bạn đã quen với những kinh nghiệm nhỏ thì bạn có thể mở rộng nó đối với các tình huống khó khăn hơn.

Còn ý nghĩa “siêu vượt tâm” là gì? Ai cũng có một tâm nhưng chúng ta cần hiểu được sự khác nhau giữa thức và trí tuệ nguyên sơ. Thức thông thường tham gia vào mọi hoạt động thể gian và hoạt động Pháp. Thức ấy là nhà sáng tạo của mọi thứ và cũng là chủ thể làm mọi thứ. Bất cứ ai cũng có thức này – ngay cả đó là một con côn trùng. Bất kỳ ai có tâm cũng đều có thức. Chỉ là chúng ta không nhận biết được bản tánh của thức ấy. Cải thức nhận biết thức bình thường – chúng ta cần nhìn vào cái thức này. Thức ấy nhận ra bất cứ thứ gì khởi hiện - nó thấy được mọi niệm tưởng, nó phân minh được những niệm tưởng thiện lành và niệm tưởng bất thiện, giữa bạn bè và kẻ thù. Đó là tánh giác nhận biết, phân minh một cách rõ ràng, có thể dự kiến và thực hiện các hoạt động. Thức ấy là tâm mà chúng ta cần nhận ra. Phản chiếu ra bên ngoài thì đó là Thức nhận biết được các đối tượng bên ngoài.

Chúng ta thiền định để nhận biết bản tánh của tâm hay bản tâm, để nhận biết các niệm tưởng mà không đuổi theo chúng. Khi quan sát và khảo sát sự tỉnh giác đang nhận biết các niệm tưởng này, chúng ta nhận ra bản tánh thực sự của mình – nó sáng tỏ một cách tự nhiên như một ngọn đèn bơ. Ánh sáng của ngọn đèn bơ sáng tỏ một cách tự nhiên; không có một tác nhân bên ngoài nào làm cho ngọn đèn bơ sáng tỏ cả. Khi bạn nhìn vào bản tánh đích thực của chính mình, bạn sẽ nhìn thấy trí tuệ nguyên sơ. Milarepa đã nói, “Ta không nhìn thấy ý thức. Ta chỉ nhìn thấy trí tuệ nguyên sơ”. Khi bạn nhìn thấy bản tánh của ý thức, bạn nhìn thấy trí tuệ nguyên sơ. Nó được gọi là trí tuệ nguyên sơ bởi vì nó đã có ở đó từ vô thủy vô chung, và nó được gọi là “trí tuệ” vì nó thấy rõ mọi sự. Nếu bạn nhận biết nó thì bạn sẽ nhận biết rằng cho dù luận hồi và niết bàn có bao la và vô hạn như thế nào chăng nữa thì cũng chẳng gì có thể vượt khỏi tánh giác này. Đại Thủ Ấn dạy rằng chẳng có gì siêu vượt được tánh giác. Tương tự như vậy, Đại Viên Mãn cũng dạy rằng chẳng có gì là không trọn vẹn và không hoàn thiện trong tánh giác.

Ví dụ bên ngoài của tánh giác là hư không – chẳng có gì là không được hư không bao trùm. Mọi thứ đều được dung chứa trong hư không. Khi bạn nhìn thấy bản tánh đích thực của tâm, thì trạng thái này hoàn toàn tự do khỏi mọi bám chấp và tạo tác – nó siêu vượt trung tâm và biên bờ. Milarepa đã nói: “Chứng ngộ rằng tâm và hư không là bất khả phân tức là chứng ngộ được Pháp thân”. Thông thường, chúng ta gọi tâm là thức, nhưng khi chứng ngộ bản tánh của nó, chúng ta gọi cũng cái tâm này là “trí tuệ nguyên sơ”. Đó vẫn thực sự cũng là một tâm. Khi tâm được phóng chiếu ra ngoài, thì đó là thức phân biệt thường phàm. Khi tâm được quay trở vào bên trong – khi bạn nhìn vào nó và trực nhận được tinh túy của nó như nó là – bạn có thể gọi nó là trí tuệ nguyên sơ. Nhưng chúng không tách biệt khỏi nhau. Chúng cùng một bản tánh duy nhất. Tuy được gọi với những cái tên khác nhau trong các kinh điển khác nhau, nhưng nó thực sự chỉ là tánh giác này.

Trí tuệ này được gọi là nền tảng, là Pháp thân, là [chân tâm, là tánh giác, là chân lý hai mức độ.

Bản tánh này được gọi bằng các tên khác nhau nhưng tất cả đều cùng nói về một tâm. Chân lý hai mức độ là chánh kiến của Đạo Phật. Hai chân lý cũng được bao hàm trọn vẹn trong bản tâm. Hai chân lý là gì? Đầu tiên là Chân lý Tương đối, đó là sự vận hành không sai chệch của nghiệp báo, nhân quả. Nếu bạn nhận ra được các cảm xúc ô nhiễm khi chúng sinh khởi thì chúng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến bạn. Nhưng thường thì chúng ta bị các cảm xúc ô nhiễm kiểm soát và sai sử, và điều ấy làm sinh khởi càng nhiều ý niệm tiêu cực. Ví dụ giả sử có ai đó xúc phạm hay chọc tức bạn. Nếu việc ấy dẫn đến làm bạn buồn hay bạn nói điều gì đó tệ hại lại đối với người kia thì bạn đã tích lũy nghiệp. Sau đó dòng suy nghĩ sinh sôi và bạn đi theo sự bám luyến hay ghét bỏ.

-----o0o-----

Trích: Tuệ Đăng Phổ Chiếu

Tác giả: Garchen Rinpoche

Trần Thị Lan Anh dịch, hiệu đính: Thiện Tri Thức

NXB. Hồng Đức

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan