SỞ GIẢI BÀI NGUYỆN ĐẠI THỦ ẤN (ĐỨC RANGJUNG DORJE - KARMAPA III) - CHANG CHEN-CHI - THIỀN ĐẠO TU TẬP

SỞ GIẢI BÀI NGUYỆN ĐẠI THỦ ẤN (ĐỨC RANGJUNG DORJE - KARMAPA III)

CHANG CHEN-CHI - THIỀN ĐẠO TU TẬP

Như Hạnh dịch, 1972

NXB Hồng Đức, 2017

-----o0o-----

Chữ Phạn Mahāmudrã, Trung văn dịch là “Đại Thủ Ấn”. “Đại” có nghĩa là bao gồm tất cả, chí cao chí thượng “thủ ấn” có nghĩa là ký hiệu và biểu tượng. Dựa vào truyền thống Tây Tạng mà giải thích, “Đại Thủ Ấn” có nghĩa là đại ký hiệu, giống như pháp lệnh do quốc vương ban bố, đều có thủ ấn do chính tay ngài đóng làm bằng tín.
SỞ GIẢI BÀI NGUYỆN ĐẠI THỦ ẤN (ĐỨC RANGJUNG DORJE - KARMAPA III) - CHANG CHEN-CHI - THIỀN ĐẠO TU TẬP

Chữ Phạn Mahāmudrã, Trung văn dịch là “Đại Thủ Ấn”. “Đại” có nghĩa là bao gồm tất cả, chí cao chí thượng “thủ ấn” có nghĩa là ký hiệu và biểu tượng. Dựa vào truyền thống Tây Tạng mà giải thích, “Đại Thủ Ấn” có nghĩa là đại ký hiệu, giống như pháp lệnh do quốc vương ban bố, đều có thủ ấn do chính tay ngài đóng làm bằng tín. Phàm cái sắc lệnh có bằng tín do thủ ấn của quốc vương, không ai dám vi phạm cả. Cái lý mà pháp môn này nêu rõ, cái pháp mà pháp môn này biểu thị, bao hàm tất cả, siêu việt tất cả, là vua của tất cả các pháp môn, cho nên gọi là Đại Thủ Ấn, cũng y như thủ ấn của quốc vương có đầy đủ quyền uy tối thượng vậy. Chữ Phạn Mudrā, ngoài nghĩa là thủ ấn, còn có nghĩa là “biểu tượng” vì thế Mahāmudrā cũng có thể dịch là “Đại biểu tượng” (the Great Symbol). Tất cả ngữ ngôn chỉ có tác dụng biểu thuyên, chỉ có thể đại biểu hoặc miêu tả cái lý mà ta thuyên giải, cái sự mà ta nói đến, chứ không phải là cái bản thân của cái lý hay cái sự ấy. Khi miêu tả ngoại cảnh mà ngữ ngôn văn tự còn chỉ có tác dụng đại biểu hoặc tượng trưng, hà huống khi miêu thuật cảnh giới hiện lượng ly tuyệt ngôn thuyên của nội tâm, thì dù ngôn ngữ văn tự nào đi chăng nữa đương nhiên cũng không kiêm nổi, nhiều lắm chỉ có tác dụng biểu tượng. Đó là ý nghĩa của “Đại Thủ Ấn” hoặc “Đại biểu tượng”. Đại Thủ Ấn nguyện văn là một bài văn phát nguyện, y cứ theo lý của “Đại Thủ Ấn” mà tạo. Bài nguyện văn này có thể dùng làm bài khóa tụng hàng ngày.

1. Thượng sư bổn tôn đàn thành chư thánh chúng

Thập phương tam thế chư Phật và Phật tử,

Bi niệm đến đệ tử và lời [đệ tử] phát nguyện

Giúp được như ý thành tựu lời cầu xin

Các điều đệ tử và vô lượng chúng sinh tạo tác,

Lìa tam luân cấu thân tâm thanh tịnh nghiệp

Như nước núi tuyết khe trong kia tuôn chảy,

Hội Nguyện đều thâm nhập vào biển Phật Tứ Thân.

GIẢI THÍCH:

Hai tụng ngôn này ý tứ minh bạch đơn giản, không cần phải giải thích, vì mục đích tiện lợi cho các độc giả sơ nhập Phật học, xin giải thích sơ qua vài thuật ngữ như sau:

1. Thập phương: Đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, trên, dưới là thập phương.

2. Tam thế: Quá khứ, vị lai, hiện tại là tam thế.

3. Tam luận cấu: Năng tác, sở tác, tác nghiệp là tam luân. Tất cả các tư tưởng hành động của chúng sinh đều không thoát ly được tam luân này. Vì cái tam luân này mà trôi lăn sinh tử. Tam luân này là gốc rễ của cái hoạn sinh tử, cho nên gọi là “cấu”.

4. Tứ thân: Thông thường Phật pháp Đại thừa đều nói Phật có ba thân, tức Pháp thân, Báo thân, Hóa thân. Các học giả Mật Thừa ngoài tam thân ra còn khai mở thêm một Pháp giới Thể tính thân. Thân này hắn không phải là ở ngoài tam thân, còn có một thân khác. Chỉ là do ở mặt vô phân biệt của ba thân Pháp, Báo, Hóa mà lập danh là Pháp giới Thể tính thân. Vô luận nói Phật tam thân cũng được, tứ thân cũng được, không nên có thị kiến chết cứng. Ba thân hay bốn thân đều chẳng có thân nào là Phật thân, chẳng qua chỉ là vài phương tiện đức tướng mà thôi.

2. Ngay lúc chưa đạt được quả vị như thế,

Trong tất cả các đời đời kiếp kiếp kia

Không nghe danh hiệu của tội nghiệp khổ não

Nguyện thường được thụ dụng biển pháp thiện lạc

Đủ tín, trí huệ, tinh tiến và nhàn hạ,

Gặp thiện tri thức được khẩu truyền tâm yếu,

Như pháp tu trì không gián đoạn chướng ngại,

Nguyện trọn đời đời kiếp kiếp được pháp lạc.

GIẢI THÍCH:

“Quả vị như thế” chỉ điều câu tụng trên nói, tứ thân trong biển Phật tứ thân. Tụng ngôn này xiển minh rằng nếu như trong kiếp này mà chúng ta không thể thành tựu được, thì hy vọng trong các đời đời kiếp kiếp vị lai, đều có thể gặp được các hoàn cảnh tốt để học Phật. Hy vọng trong các hoàn cảnh ấy, chúng ta ngay cả các danh tự của tội nghiệp, thống khổ, và phiền não đều không nghe đến chứ đừng nói là chính thực thể của tội nghiệp, thống khổ, và phiền não. Hy vọng trong hoàn cảnh ấy, ta có thể luôn luôn được hưởng thụ cái đại dương Phật pháp chí thiện chí lạc kia. Hy vọng trong cái sinh mệnh ấy, ta là một kẻ đầy đủ tín tâm, đầy đủ trí huệ, đầy đủ tinh tiến, đầy đủ “nhàn hạ” và đầy đủ điều kiện viên mãn để học Phật. Hy vọng trong các đời đời kiếp kiếp vị lai, chúng ta đều gặp được bậc thượng sư, thiện tri thức thông suốt, truyền thụ cho ta khẩu quyết tâm yếu của việc tu trì. Hy vọng trong khi tu pháp không hề có gián đoạn hay chướng ngại. Trong vô lượng kiếp thời vị lai, hy vọng ta luôn được thụ dụng niềm vui của Pháp.

3. Nghe thánh lý lượng giải thoát vô tri chướng,

Tư duy lời dạy mãi diệt các nghi ám,

Tu được quang minh như lượng chứng thực tướng,

Nguyện tăng trưởng ba loại trí huệ hiển hiện.

GIẢI THÍCH:

Thánh lượng là gọi tắt chữ Thánh giáo lượng. Thánh giáo tức là lời Phật nói, y theo lời Phật nói làm nền tảng và tiêu chuẩn để phán định tất cả cho nên gọi là “lượng”. “Lý” tức là cái tiên thiên lý tính của chúng ta, dựa vào lý tính của chúng ta để cân nhắc và phán đoán vạn sự, gọi là “lý lượng”. Đó là chỗ bất tương đồng lớn nhất giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác lấy lời dạy của giáo chủ làm nền tảng và tiêu chuẩn tuyệt đối, không được có tơ hào hoài nghi hay trái phạm. Phật giáo thì không như vậy, đức Phật dạy người ta, ngoài việc y cứ vào huấn thị của Phật, còn phải dựa vào lý tính của chính mình. Ngay cả lời Phật nói cũng phải trải qua sự khảo nghiệm của lý tính mới có thể đem tiếp thụ. Ý nghĩa câu “nghe thánh lý lượng giải thoát vô tri chướng” tức là nói rằng nhờ lắng nghe và y cứ hai lượng thánh, lý, chúng ta có thể giải thoát mình ra khỏi vô tri. Nhưng mà chỉ dựa vào hai lượng thánh, lý vẫn còn chưa đủ, vẫn chưa diệt trừ được các nghi vấn và lưới mê đối với một số vấn đề nào đó. Do vậy, người học Phật trên đường gặp các khó khăn và nghi vấn thực tế, còn phải đợi tư duy khẩu quyết của thượng sư, mới có thể giải quyết được, đó tức là nghe huệ (văn huệ) và suy tư về huệ (tư huệ). Câu thứ ba, “tu được quang minh như lượng chứng thực tướng”, là nói rằng lấy văn huệ và tư huệ làm nền tảng, sau đó mới tiến lên mà thực tu (huệ). Nhờ thực tế tu trì, mới có thể theo như lượng chứng đắc cảnh giới thực tướng bất khả tư nghị, tức là cái tu huệ thù thắng nhất trong văn tư tu tam huệ vậy.

4. Lìa chấp đoạn thường mượn hai để làm căn,

Lìa chấp tăng giảm vốn liếng đạo thù thắng,

Lìa thắng quả hai lợi luân hồi niết bàn

Nguyện thường gặp pháp không lầm về điều ấy

GIẢI THÍCH:

Tụng ngôn này thuyết minh căn đạo quả, hoặc “nhân đạo quả” của Đại Thủ Ấn. Phật pháp tuy mênh mông như biển lớn, nhưng có thể lấy ba chữ “căn đạo quả” mà khái quát. Lấy ví dụ mà nói, Phật pháp Tiểu thừa lấy tâm xuất ly làm căn, tứ để làm đạo, A la hán vị làm quả. Bồ Tát thừa ắt lấy Bồ đề tâm làm căn, lục độ làm đạo, Đại Bồ để làm quả. Còn như pháp môn Đại Thủ Ấn, lấy gì làm căn, làm đạo, làm quả đây? Đại Thủ Ấn lấy chân lý tuyệt đối, trung đạo lìa biên giới làm căn, lấy tâm tính như pháp tự nhiên hiện thành, không tăng không giảm, cái đạo không mượn tạo tác làm đạo. Lấy Đại vô trụ Niết bàn viên mãn tự lợi, lợi tha làm quả. Các kiến chấp, hoặc cách thức nhìn chân lý của chúng sinh, bởi vì quan hệ đến cái chấp thực nên không rơi vào “thường” kiến ắt lại rơi vào “đoạn” kiến, hoặc rơi vào cái kiến hết “thường” lại “đoạn”. Đại Thủ Ấn là pháp môn khai hiển tâm tính tự nhiên như pháp (pháp nhĩ tâm tính), cái tâm tính bổn lại thu nhiếp hết thảy các pháp, hết thảy các lý. Nếu như nhất định phải dùng danh tự mà thuyết minh, có thể theo hai đế thế tục và thắng nghĩa mà thuyết minh. Y theo cái chân lý mà hai đế thắng nghĩa và thế tục hiển minh, tức là cái lý căn bản mà pháp môn Đại Thủ Ấn y cứ vào. Cũng là “căn nhân” của Đại Thủ Ấn. Pháp tu của Đại Thủ Ấn không giống với các pháp môn khác, không thêm chỉnh trị, không thêm tác ý thư thả bảo nhậm cái tâm tính minh không này, tức là tu đạo. Cho nên gọi là cái đạo bất tăng bất giảm. Cái tâm tính tự nhiên này, khai hiển một cách triệt để, tức gọi là thành Phật. Tuyệt không lìa khỏi tâm này mà có Phật nào khác để thành. Bởi vì pháp môn này không giống cái khí vị đoạn xả phiền não khát cầu Niết bàn của Tiểu thừa. Mà cốt ở chỗ khai hiển cái Phật tâm bổn lai hiện hành. Cho nên cái quả chứng đắc không bị Hữu dư và Vô dư Niết bàn hạn chế, mà thành tựu được Đại vô trụ Niết bàn cùng pháp giới đồng thể.

5. Nơi thể tính tịnh thể minh không song vận,

Kim Cương Du già Đại Thủ Ấn năng tịnh,

Tịch tịnh các nhiễm cấu mê loạn vô căn,

Nguyện chứng được quả Pháp thân ly cấu tịnh.

GIẢI THÍCH:

“Phật tâm” mà chúng sinh sẵn có, tất cả ngữ ngôn không thể miêu thuật được. Lìa xa tất cả các hí luận hữu, vô, năng, sở, thử, bỉ. Nhưng mà vì để khai hiển lý này, khiến chúng sinh có thể liễu giải và thâm nhập Pháp này, cho nên vẫn không thể không mượn ngôn ngữ và văn tự. Một khi đã dùng ngôn ngữ văn tự, tất nhiên phải tùy thuận theo cái hình thức tư tưởng năng tịnh, sở tịnh, tịnh thể... mà tâm thức chúng sinh quen dùng. Đại Thủ Ấn bổn lai lìa năng sở, dứt hí luận, thì còn có năng tịnh, sở tịnh, và tịnh thể nào? Vì thuyết minh lý này cho chúng sinh, bất đắc dĩ mà thôi! Tụng ngôn này giải thích giản dị, tức là nơi cái tâm tính minh không song vận bổn thể thanh tịnh bổn lai hiện thành, dùng cái quán pháp “Kim Cương Du già Đại Thủ Ấn” có thể quét sạch tất cả chấp trước kia, mới có thể trừ sạch cái phiền não khinh suất vô căn, và các cấu nhiễm của vô minh, mà hiện chứng được pháp thân thanh tịnh ly cấu.

6. Nơi thể lìa các tăng ích là định kiến,

Thủ hộ thể ấy không tán là tu yếu,

Trong các pháp tu đây là tối thắng tu,

Nguyện thường đầy đủ kiến hành tu tam yếu.

GIẢI THÍCH:

Đối với cái tâm tính minh không, lập tức đảm đương, lìa hết thảy tăng ích, tức là “Đại Thủ Ấn quyết định kiến”. Điều này với điều Thiền tông đề xướng: đương hạ tức thị không được thêm đầu lên đầu, thật là hoàn toàn tương đồng. Tu Đại Thủ Ấn, chỉ cần không quên mất cái niệm minh không tĩnh tịch này, đừng tán loạn là được, chứ chẳng có pháp tu xảo diệu, thần kỳ nào khác. Trong khi đi đứng, nằm ngồi, trong các việc động tĩnh, thường nhật, đừng lìa niệm này, tức là cái “hành” tối thù thắng. Đó là ba điều cốt yếu kiến, hành, tu của Đại Thủ Ấn.

7. Tất cả các pháp là do tâm biến hiện,

Tâm vốn vô tâm thể tính tâm là không

Không mà không diệt, không gì là chẳng hiển hiện,

Nguyện khéo quán sát nơi thể đắc định kiến.

GIẢI THÍCH:

Tụng ngôn này có ý nghĩa hết sức rõ ràng vốn không cần chú giải. Nhưng câu tụng này có thể đề tỉnh chúng ta về một vấn đề rất hữu thú, hiện tại có thể bàn qua. Các nhà Phật học giảng giáo lý, lăng xăng trong Duy thức, Trung Quán, không, hữu. Cuối cùng đem chỗ tâm đắc mà đề ra “phán giáo”. Có người chỉnh Phật pháp thành Tiểu, Thủy, Chung, Đốn, Viên. Có người phân thành Tạng, Thông, Biệt, Viên. Có người phân là Không, Hữu, hai hệ thống lớn. Có người phân thành các hệ thống Chân thường duy tâm, Pháp giới viên giác, Duyên khởi tính không... Phí hết bao nhiều sức lực, đem tư tưởng Phật giáo ra phân loại theo hệ thống, nhưng mà ngữ khí câu tụng này rốt cuộc là lập trường Duy thức sao? Hay là lập trường Trung Quán? Nghiêm cách mà nói, thì chẳng phải Duy thức, mà cũng chẳng phải giống Trung Quán. Nhân vì thông thường các phương pháp phán giáo kia, tuy đều có chỗ cung hiến và ích lợi. Có điều là người phán giáo, thiếu sót công phu chứng lượng, nói đi nói lại đều chỉ là cách giầy gãi ngứa, có vẻ đúng nhưng mà sai nhiều hơn. Các nhà Phật học cắn văn nhai chữ, đục mài danh tướng kia, lỡ gặp người tu Thiền mặt cười mày cợt, ắt chẳng biết làm gì. Thiền tông quả là một con Tứ bất tượng, lại giống như một con vượn rừng khó thuần phục. Các ngài nói Thiền là đốn giáo ư? Thiền dạy ta gót chân chấm đất, ngồi cho rách bồ đoàn. Các ngài nói Thiền là tiệm giáo ư? Thiền lại nói một niệm đốn ngộ, tức cùng với chư Phật mười phương thở một lỗ mũi. Các ngài nói Thiền không đủ viên ư? Thiền nói ngang nói dọc, nói giải thoát tự tại, nói cuồng nói điên, nói bất tư nghị, chốn chốn biểu hiện cái viên của nó. Các ngài nói Thiền biểu chương vạn pháp duy tâm, nên thuộc vào Duy thức ư? Thiền một mạch không lý hội các lời dư lẽ thừa về ngũ pháp, tam tự tính, bát thức, nhị vô ngã này nọ. Các ngài nói Thiền là chân thường duy tâm ư? Thiền lại nói “một chữ Phật nọ, ta chẳng thích nghe”, “vạn pháp quy về một, cái một quy về đâu?” Kỳ thực quyết không phải là những tay “thợ” thấu triệt của tông môn, có ba đầu sáu tay tám lưỡi chín mũi, chỉ cùng lắm là những nhà Phật học làm trâu ngựa cho chữ nghĩa, đến chỗ này ắt lộ nguyên hình, khắp nơi thi thố vụng về không còn che dấu được. Nói đến đây các bạn đọc, ngại gì mà không vươn cái lưng đại lãn, đem tất cả các tri kiến, cùng với cái Đại Thủ Ấn, tiểu thủ ấn quái gì đó, vứt quách đi. Nếu còn lại chút tơ hào nào, băm ra đem cho chó ăn, há không sảng khoái hơn sao?

8. Từ gốc chưa có tự hiện mê làm cảnh,

Vì vô minh nên chấp tự minh làm ngã,

Vì hai chấp bị trôi lăn các cõi hữu,

Nguyện dứt căn nguồn của vô minh mê loạn.

GIẢI THÍCH:

Tụng ngôn này thuyết minh hai nhân tố khiến chúng sinh trôi lăn trong sinh tử. Một là cái ngoại cảnh bị quán duyên hiển hiện, hai là cái tâm thức giả ngã năng quán duyên. Vì hai chấp năng sở này nên lưu chuyển trong tam hữu. Căn nguồn của vô minh mê loạn tức là hai cái chấp năng sở này. Chợt thấy tụng ngôn có vẻ giống giọng điệu Duy thức. Đọc và nghiên cứu kỹ càng biết rằng không hoàn toàn là Duy thức, so với Duy thức nói rõ ràng thấu triệt hơn, “từ gốc chưa có tự hiện mê làm cảnh” là nói rằng tất cả ngoại cảnh, vốn do tự tâm hiển hiện. Chúng sinh không rõ đạo lý này, quay ngược lại chấp trước ngoại cảnh, coi là thực tướng. Trên thực tế, ngoại cảnh nào có, cái gọi là ngoại cảnh, chân chính mà nói, chẳng qua chỉ là “tự hiện” mà thôi. Nghe có vẻ như đang nói về Duy thức, nhưng khi chú ý “từ gốc chưa có” bốn chữ, liền rõ được chủ trương của tác giả, quyết không hạn nơi Duy thức. Tự hiện không phải là “cái hữu của y tha khởi” mà là từ gốc chưa từng có. Từ xưa tới nay, thực chưa từng có cái giả cảnh tự hiện, đó là nói một cách rõ ràng, nghĩa lý của “không tính vô tính”. Tụng ngôn này với tụng ngôn trước đều rõ ràng biểu thị tư tưởng của tác giả, là dung hợp Trung Quán và Duy thức. Nhưng chúng ta không được quên rằng Tự Sinh Kim Cương (Karmapa thứ Ba Rangjung Dorje), không phải chỉ là một học giả vĩ đại mà còn là một vị đại thành tựu giả. Đương nhiên tư tưởng của ngài không bị Duy thức hay Trung Quán gì hạn chế cả, theo cách nhìn của dịch giả thì, “Từ gốc chưa có tự hiện mê làm cảnh, do vô minh nên chấp tự minh làm ngã”, hai câu toàn là lời do nơi tu chứng hiện lượng của tác giả mà lưu xuất. Không giống các nghị luận phát xuất từ sự dung hợp Duy thức với Trung Quán của các học giả thông thường. Câu thứ hai - “Do vô minh nên chấp tự minh làm ngã” - có phần có ý nghĩa sâu xa. Cái “ngã” mà chúng sinh chấp trước, nói rõ ràng một chút, tức là cái tâm thức “tự minh” kia. Các nhà Duy thức cũng nói “tự chứng phần” tức là tự thể của tâm thức. Đại Thủ Ấn lại thuyết minh rõ ràng hơn nữa, gọi là “tâm” ấy chỉ là cái tự giác tướng của “minh lãng” này mà thôi. Cái bổn phận của “tự minh” này, không không như vậy. Vốn không một vật, cũng không năng sở hoặc ngã pháp, mà cái tập khí vô minh, lại nhận cái tự minh này làm “ngã”. Đó là cái sở chấp ngoại cảnh là chân thực, với cái năng chấp “tự minh” là “chân ngã”, hai cái chấp ngang ngửa này, làm mưa làm gió. Mới từ chốn lao nhọc này đề ra được cái công án tử sinh.

9. Tất cả là hữu chư Phật còn không thấy

Tất cả phi vô các căn nhân luân niết,

Không nghịch không thuận song vận trung quán đạo,

Nguyện chứng được pháp tính tâm thể lìa biên.

GIẢI THÍCH:

Cái bản thể của một tâm này, tức là pháp tính của các pháp, tính chất nó phi hữu phi vô, lìa hết thảy biên giới. Cho nên nói Phật còn không thấy hết thảy là hữu. Chúng sinh vừa nghe nói nhất thiết là hữu không đúng, lập tức bèn nghĩ rằng vậy thì nhất định là nhất thiết phi vô, chứ có biết đâu cái “hữu” kiến nhất thiết phi vô này, tạo thành hoa đốm trên không trăng dưới nước, luân hồi Niết bàn. Chân lý tuyệt đối, là không hữu bất nhị, là cái trung đạo song vận không nghịch không thuận. Cũng tức là pháp tính tâm thể lìa hết thảy biên chấp, câu tụng này nguyên văn tiếng Tây Tạng nếu trực dịch ra phải là: “Tất cả phi hữu chư Phật còn không thấy, tất cả phi vô các căn nhân luân niết”. Như thế thì không dễ nói cho thông, lại cũng không thích hợp với ngữ khí chỗ này. Tôi không sẵn có các bản chú giải và bình luận bài tụng này của các nhà Tây Tạng nên không có tài liệu để đoán định xem nguyên bản có chỗ sai không. Vì mục đích để dễ hiểu và thông đạt, tôi đổi nguyên kinh dịch là: “Tất cả là hữu chư Phật còn không thấy”.

10. Nói là như vậy ai cũng khó miêu họa,

Nói không như vậy ai cũng khó đuổi trừ.

Vô vi pháp tính lìa ý thức hành cảnh,

Nguyện thấu cứu cánh chính nghĩa được quyết định.

GIẢI THÍCH:

Đây là tâm thể ly hí luận tuyệt tư nghị, khó mà miêu hoa ra. Ví như ta muốn nói với thổ dân nguyên thủy ở Congo Phi châu, về kem lạnh ăn ngon thế nào chăng nữa, họ cũng không hiểu được. Cái tâm thể ly ngôn này, cực kỳ khó miêu tả. Chỉ có tự chính mình kinh nghiệm, trực tiếp thể hội mới được. Câu nói như người uống nước, tự biết nóng lạnh là vậy đấy. Nhưng cái tâm thể quảng đại này, nhiếp trọn hết thảy các pháp, tràn khắp tất cả mọi nơi, do đó mà không ai nói được: “Cái này không phải là tâm thể, hoặc cái kia không phải là tâm thể”. Tóm lại, pháp tính vô vi, vượt qua cảnh giới hiện hành của ý thức. Không thể khẳng định nó mà cũng không thể phủ định nó. Tức nhất thiết, ly nhất thiết, như thị như thị. Tụng ngôn này, câu thứ ba, “không nghịch không thuận” bốn chữ, cũng có phần khẩn yếu. Trong các hình thái tư tưởng chúng sinh, có một hình thái “đã không thế này, hẳn phải thế kia” hoặc “không đấy tức kia”, cũng là cái mà trong luận lý học gọi là “bài trung luật”. Hình thái tư tưởng của chúng sinh nhận rằng không phải là cái này thì đương nhiên phải là cái kia. Nếu cái này đúng, cái kia nhất định phải sai. Cái này là tốt, cái kia xấu. Pháp này là cao, pháp kia là thấp, cái này là thuận Phật pháp, cái kia hẳn trái Phật pháp ...

Sự việc ấy chỉ là vọng tưởng phân biệt của chúng sinh, người chứng cảnh, thấy tất cả đều là Đạo. Chim hót, hương hoa, cầu nhỏ, nước trôi, thiên đàng, địa ngục, chẳng có gì không là Đạo. Cái cảnh giới viên diệu này, vốn không là nghịch mà cũng không là thuận. “Khó khó khó, mười thạch hồ ma bày trên cây. Dễ dễ dễ, trăm đầu ngọn cỏ đầy xuân ý”, chính là cách thuyết minh hay nhất về cảnh giới viên diệu, không nghịch không thuận, không tức không ly.

11. Vì không rõ vậy biển luân hồi lưu chuyển,

Nếu chứng tính này lìa nó nào có Phật.

Tất cả là nó lìa nó đều không hữu,

Nguyện chứng pháp tính nhất thiết chủng yếu nghĩa.

GIẢI THÍCH:

Vì không thấu rõ cái tâm tính ly hí luận này, cho nên trôi lăn trong biển lớn sinh tử. Nếu như từ khi đã ngộ được tâm này trở về sau, tức biết rằng lìa cái tâm tính này, chẳng có Phật nào để thành cả, cho nên gọi là “nhất thiết chủng” này, cần giải thích một lần, để tránh hiểu lầm. Chữ Tây Tạng Kuin Gzi có thể dịch là “nhất thiết chủng” hoặc “nhất thiết căn”. Nhất thiết chủng thức, Tạng văn cũng gọi là Kuin Gzi Rian shee, nhưng “nhất thiết chủng” ở đây, đương nhiên không có nghĩa là Đệ Bát thức, lại cũng không phải là như tôn giáo khác nói “thần”, “ngã”..., cái năng nhân có thể sinh ra vũ trụ vạn vật. Ở đây, Kuin Gzi lẽ ra cũng không nên dịch là “nhất thiết chủng” mà nên dịch là “nhất thiết biến” thì hay hơn. Trong kinh Phật, thường có ngữ cú như: “Tất cả từ pháp tính sinh, từ pháp tính diệt”. Loại ngữ cú này nếu ta không suy sao cặn kẽ, rất có thể hiểu lầm ý nghĩa kinh văn, nhận lầm những điều trong kinh Phật giảng như Pháp tính, Chân như... là cái nhân năng sinh vạn pháp. Như thế, ắt ngoại trừ sự bất tương đồng danh từ với “Thần ngã”, “Đại phạm”, “Thượng đế”, còn trên mặt nghĩa lý thì chẳng có tơ hào sai biệt. Những ngữ cú như vậy nên xem từ phương diện hoành, chứ đừng xem từ phương diện tung. Xem từ phương diện tung có nghĩa là xem Chân như, Pháp tính, như có thực thể năng sinh vạn pháp, với tôn giáo khác và nhất nguyên luận triết học có gì là bất đồng đâu? Xem từ phương diện hoành, có nghĩa là phải liễu giải Pháp tính Chân như, không lìa nhân duyên pháp mà tồn tại một mình. Cũng nhờ ở nơi các pháp do nhân duyên chuyển biến, mới làm hiển hiện được Chân như Không tính. Còn như ý nghĩa của ngữ cú trong kinh Phật rằng: “Tất cả các pháp từ pháp tính sinh”, dùng một ví dụ mà giải thích, tức giống như là sự quan hệ giữa hư không và nhân duyên pháp, tất cả các pháp bất sinh, mỗi pháp có nhân và các duyên như tăng thượng duyên... Nhưng sự sinh diệt biến hóa của chúng đều không thể lìa hư không. Do đó, theo ý vị của một phương diện nào đó mà nói, cũng có thể nói các pháp từ trong pháp tính sinh khởi, về nơi pháp tính mà diệt. Bởi vì cái đạo lý này, mà dịch giả cho rằng “nhất thiết chủng” có lẽ nên dịch là “nhất thiết biến” thì hay hơn.

12. Hiển hiện là tâm không ấy cũng là tâm,

Rõ tỏ tâm này mê loạn cũng là tâm

Sinh ấy là tâm diệt ấy cũng là tâm,

Nguyện rõ tất cả tăng tổn đều do tâm.

GIẢI THÍCH:

Tụng ngôn này minh bạch không cần giải thích. Nhưng ý nghĩa rất mực khẩn yếu, nói rất trúng Phật pháp, nhất là yếu điểm của Tâm địa pháp môn, xin độc giả chú ý.

13. Không nhiễm cấu bệnh tác ý tu quán kia,

Cũng lìa gió thế gian tán loạn trói buộc.

Không chỉnh bản thể an trụ nơi tự nhiên,

Nguyện được thiện xảo hộ trì tu tâm nghĩa.

GIẢI THÍCH:

Đại Thủ Ấn nguyện văn, từ tụng ngôn này trở về sau hơn nửa giảng về pháp tu thực tế. Câu đầu - “Không nhiễm cấu bệnh tác ý tu quán kia” - là một trong các yếu quyết của pháp tu thực tiễn Đại Thủ Ấn. Tu Đại Thủ Ấn pháp bước thứ nhất, cần bậc thượng sư chỉ tâm tính cho đệ tử. Đối với cái đương hạ nhất niệm này, có điều lãnh ngộ rồi, sau đó chỉ cần bảo nhậm cái tâm thể minh không này là được. Nếu lại lập ý niệm tu quán, tức là trên đầu lại thêm đầu, không những là thừa, mà còn thành cấu bệnh. Sau khi đã không vướng cái cấu bệnh lập ý niệm tu quán, lập tức nói tiếp câu thứ nhì - “Lại lìa gió thế gian tán loạn trói buộc”. Không tác ý tu quán, quyết không phải là xui người ta xô bồ theo thế gian tán loạn, hoặc trôi lăn theo triền phược thế gian. Tha hồ thích ý thụ cảm giác, tuyệt chẳng có gì giống buông thả tán loạn. Câu thứ ba - “Không chỉnh bổn thể an trụ nơi tự nhiên” - là khẩu quyết khẩn yếu nhất của Đại Thủ Ấn pháp. Đại Thủ Ấn pháp trừ một câu này ra không có một khẩu quyết nào thù thắng hơn. Theo ý kiến của dịch giả, câu này nếu có thể đổi là, “không chỉnh khoan thản an trụ nơi tự nhiên”, càng vi diệu hơn. Đi thẳng vào pháp môn tâm địa, không còn cái nào xảo diệu hơn. Khoan thản không bày vẽ tu chỉnh tức đúng khoan hoãn tự nhiên mà an trụ tức đắc. Người tu đạo, nếu thể hội được đến chỗ yếu diệu khoan hoãn và không chỉnh trị, người ấy còn cách minh tâm kiến tính chẳng xa! Lời nói tuy như vậy, nếu không có bậc thượng sư trực tiếp chỉ thị hay làm khuôn phép, e rằng khoan thản được không phải là việc dễ đâu, không chỉnh trị lại càng khó hơn. Ngoại trừ Đại Thủ Ấn ra, các pháp còn lại như trì chú, niệm Phật, quán tưởng lễ bái tụng kinh ngồi Thiền... đều là các pháp hữu tác vi “chỉnh trị cái tâm này”. Đại Thủ Ấn chỉ thẳng đương hạ nhất niệm, khoan thản tự tại, không bày vẽ một chút chỉnh trị, không tơ hào nỗ lực. Cái Không tính bổn lại hiện thành, tự nhiên dần dần hiển lộ tăng trưởng chẳng cần lập ý niệm “không quán” gì hết. Xin thử suy tưởng lúc này: Không tính hoặc Phật tính, nếu xưa nay sẵn đủ nếu không phải do chúng ta mới tạo ra, thì hà huống tất yếu phải “tu quán” sao? Nhận thức nó theo phương pháp này, nhận thức rồi, thục luyện nó, khoáng đại nó, viên mãn nó lại không được sao? Đây đúng là chỗ xảo diệu cao siêu của pháp môn Đại Thủ Ấn, đây quả là tâm yếu bí mật của tất cả chư Phật, là khẩu quyết vô thượng thù thắng nhất, trực tiếp nhất.

14. Các sóng vọng niệm thô tế tự tịch tĩnh,

Không thác lũ loạn tâm tất tự nhiên trụ

Cũng lìa luôn cáu bẩn hôn trầm trạo cử,

Nguyện được biển Thiền định kiên cố bất động.

GIẢI THÍCH: Theo lập trường Đại Thủ Ấn, tất cả đều là Đạo (- Nhất thiết giai thị đạo). Thế nhưng người tu hành, có phải hàng phục, tiêu diệt các vọng niệm không? Lời tục nói: “Ít nói đi một câu, niệm thêm một tiếng Phật, đập chết vọng niệm đi, để Pháp thân sống động”. Câu nói này rốt cuộc đúng không? Trên phương diện thực tế tu hành mà nói, câu nói này thật là lời vàng ngọc. Nhưng trên phương diện “kiến” mà nói, câu nói này sai lắm thay! Lập trường Đại Thủ Ấn là phải liễu tri rằng vọng niệm tức là Pháp thân, đương nhiên không cần phải hàng phục và tiêu diệt vọng niệm. Ha! Ha! Nếu thực người ta đem vọng niệm đập chết, không khéo Pháp thân của họ cũng bị đập chết nốt. Có thể ở nơi vọng niệm mà hiển hiện Không tính, mới là Đại Thủ Ấn chân chính. Nhưng mà khi thực sự tu hành Đại Thủ Ấn, người đã đắc Đại Thủ Ấn kiến, tuy không coi vọng niệm là trở ngại, nhưng mà nhờ bảo nhậm một mạch tập lực của tâm thể, tự nhiên định cảnh dần dần tăng trưởng. Do đó, vô số các làn sóng vọng niệm thô tế, tự nhiên phải bình tịnh. Tâm này như dòng sông êm đềm, nhàn hoãn an trụ. Lúc ấy, minh không nhất vị, tự nhiên không có các sự hỗn trầm trạo cử phát sinh, định tâm rộng rãi kiên cố, như biển lớn không ngắn mé vậy. Lại phổ thông tu tập tâm địa, đại khái có ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất cảm thấy vọng niệm tràn trề lai láng, giai đoạn thứ nhì là nhàn hoãn an trụ, giai đoạn thứ ba là năng sở đều quên, ấy là giai đoạn bổn giác và thủy giác hợp nhất. Tổ sư Tilopa trong sách Hằng hà Đại Thủ Ấn nói: “Hành giả ban đầu thấy cảm giác như thác lũ, sau như nước sông Hằng nhàn hoãn dần, cuối cùng như sông nhập biển lớn như tử mẫu hội quang minh!”

Đó là một miêu tả rất sinh động về các cảnh giới của tu hành. Tóm lại, chỉ có Đại Thủ Ấn kiến mà không có định lực, cũng khó mà thâm nhập. Một loại cuồng Thiền không tu tĩnh định, cũng là một điều hết sức đáng bi mẫn lắm thay!

15. Lần lần khi quán cái tâm không thể quán,

Thấy suốt rõ ràng cái nghĩa không thể thấy.

Mãi lìa các niệm nghi rằng đúng rằng sai,

Nguyện tự chứng tri tự diện mục không lầm.

GIẢI THÍCH:

Cái tâm tính minh không song vận này, tuy không thể quán sát được, nhưng người tu tập Đại Thủ Ấn, ngay vào lúc buông thả khoan thản, vẫn phải luôn luôn quán chiếu tâm này. Kết quả của sự liên tục quán sát không gián đoạn, liền rõ ràng thấy suốt được cái ý nghĩa không thể thấy. Đến được cảnh giới này, mãi mãi lìa được các nghi hoặc về đúng sai, và chứng tri thấu triệt được bản lai diện mục của mình.

16. Quán sát nơi cảnh thấy tâm không thấy cảnh

Quán sát nơi tâm tâm vô thể tính không

Quán sát năng sở hai chấp tự giải thoát

Nguyện chứng thực tướng của tâm thể quang minh

GIẢI THÍCH:

Đi vào Đại Thủ Ấn có hai biện pháp. Một loại là đốn nhập pháp tức là Thượng sư truyền pháp, chỉ thị cái tâm thể của đệ tử, sau khi đệ tử có chỗ lĩnh ngộ rồi, mới lại tập định, sau khi thục luyện, quảng đại, và viên mãn cái tâm thể được chỉ thị, để đắc Đại Thủ Ấn kiến. Một loại khác là tiệm nhập pháp, tức là tu Thiền định trước, sau khi có định lực tương đương rồi, mới lại quán sát ngoại cảnh và nội tâm trụ ở chỗ nào, từ nơi nào tới, rồi đi về đâu, tính tướng thế nào, là nhất hay dị... Kết quả của việc quán sát ngoại cảnh sẽ như lượng chứng đắc cái giác thụ “tâm vốn vô tâm thể tính không tịch”. Quan sát liên lỉ thâm nhập như vậy, tâm năng duyên và cảnh sở duyên, đoạn được hai chấp này, tự nhiên sẽ giải thoát vậy. Đốn nhập với tiệm nhập, mỗi biện pháp đều có chỗ sở trường. Chỗ sở trường của đốn nhập, là trợn mắt ra, trong tâm ắt có chỗ nắm. Nhưng chỗ sở đoản của đốn nhập là dễ đọa vào cuồng huệ hoặc bị lý chướng che mờ, lại chẳng thấu thoát được. Người tiệm nhập như có bậc minh sư chỉ đạo luôn cho, thế nào cũng có cơ sở định lực. Một sớm được thầy chỉ thị tâm thể, sự ngộ nhập đa số có phần thâm sâu, giác thụ so ra cũng kiên cố. Các Tổ sư Tây Tạng dạy người học, chẳng có phương pháp nhất định. Xem chỗ bất đồng của căn khí người học, mà quyết định dạy cho họ pháp môn nào.

17. Sự lìa ý này tức là Đại Thủ Ấn,

Việc ly biên này tức là Đại Trung Đạo,

Thu nhiếp nhất thiết này cũng gọi Đại Viên Mãn,

Nguyện được lòng tin rõ một rõ tất cả.

GIẢI THÍCH:

Cái tâm địa pháp môn minh tâm kiến tính này, có rất nhiều danh xưng khác nhau, theo quan điểm Phật pháp Đại thừa mà giảng, thì gọi là Bát Nhã Ba la mật đa. Trong Thiền tông lại gọi là Tổ sư Thiền với Như Lai Thiền gì đó. Ở Tây Tạng, cũng có rất nhiều danh xưng, như Đại Thủ Ấn, Đại Trung Đạo, Đại Viên Mãn... Tất cả các danh xưng bất đồng này, tuyệt không phải là biểu thị các pháp môn bất đồng. Trên thực tế là một thứ sự vật, có điều là có nhiều danh xưng khác nhau mà thôi. Tụng ngôn này là muốn thuyết minh lý ấy. Tụng ngôn nói: Cái tâm tính mình không song vận này, sao gọi là Đại Thủ Ấn. Vì nó vượt lìa cái cảnh hiện hành của tâm ý thức. Sao gọi là Đại Trung Đạo? Vì nó lìa tất cả các biên kiến hữu, vô, đoạn, thường. Sao gọi là Đại Viên Mãn? Vì nó bao hàm tất cả, dung nhiếp tất cả. Người tu học Đại Thủ Ấn, nền phải có đầy đủ tín và kiến, quyết định “rõ một tức rõ tất cả”.

18. Không tham lớn nên Đại lạc thường không đoạn,

Không chấp tướng nên sáng tỏ lìa che chướng,

Siêu ca đã Siêu việt ý thức tự tại vô phân biệt,

Nguyện tu trì chăm chăm không hề gián đoạn.

GIẢI THÍCH:

Tu tập Thiền định nếu có thể tiến tới, tự nhiên sẽ thấy thân thể khinh an, cảm thấy an lạc khoan khoái. Cái lạc (vui) của Thiền định có nhiều loại, có khi vì làm điều nhu mà sinh lạc, có khi là cái lạc do khí mạch sở dẫn sinh ra. Có cái lạc cạn, có cái lạc sâu, có cái lạc phát sinh cục bộ, có cái lạc tràn trề khắp thân, nhiều loại chẳng đồng. Những thứ “định” lạc này, nghiêm cách mà nói, đều không thể gọi là Đại lạc (niềm vui lớn). Cái “lạc” lớn nhất, phải ly tham trước mới đạt được. Đại Thủ Ấn không chấp trước tất cả các tướng khoan thản buông bỏ cả, tự nhiên bèn lìa tham trước. Vì lìa tham trước, cái Đại lạc thù thắng vô lậu, tự nhiên ắt sinh khởi. Đã sinh khởi rồi tức có thể tương tục không gián đoạn, ngày đêm sáu thời thường luôn ở trong cái vui lớn, lại nhân vì tu tập khoan thản buông bỏ cả, cho nên tự nhiên lìa chấp trước. Vì không chấp trước các tướng, tâm tính quang minh, tự nhiên sẽ chọc thủng được tấm màn vô minh, tự tại mà hiển lộ ra. Trên đây là giải hai câu thứ nhất và thứ nhì, dưới đây giảng câu thứ ba: “Phân biệt là một loại nỗ lực của tâm thức” trên bản chất là một trạng thái khẩn trương của tâm thức lúc dụng lực, do đó nói phân biệt, ắt nhất định không phải là tự tại. Tự tại nhất định là không tương ứng với phân biệt, mà tương ứng với vô phân biệt. Do đó mà câu thứ ba nói “tự tại vô phân biệt”. Cảnh giới tự tại vô phân biệt này, tự tại lồng lộng, khi đi đường mà tựa như cách mặt đất ba tấc, đạp trên hư không vậy. Tâm không quái ngại, cũng không phân biệt, đến cảnh giới này tự nhiên lìa tất cả “ra sức dũng mãnh”, lìa hết thảy chỉnh trị, vô gián tự tại, vô gián giải thoát vậy.

19. Tự giải thoát khỏi tham trước thiện diệu thụ,

Ác niệm mê loạn tự tính tự nhiên tịnh.

Bình thường tâm vốn chẳng giữ, bỏ, được, mất,

Nguyện chứng nghĩa để pháp tính lìa hí luận.

GIẢI THÍCH:

Tu Thiền định một khi gặp được cảnh giới thiện diệu, thể nào cũng không tự chủ được mà thấy cao hứng, hưng phấn, tham luyến cái khoái lạc thụ ấy, hy vọng mãi mãi không rời xa nó, đó là một thứ lỗi lầm nặng. Các Tổ sư Tây Tạng nói, tham trước “lạc” thụ sẽ sinh vào cõi dục giới thiên; tham trước “minh” thụ, sẽ sinh vào cõi sắc giới thiên; tham trước “vô niệm” thụ, sẽ sinh vào cõi vô sắc giới thiên. Vì thế người tu Thiền định, nếu không vượt qua được cái giác thụ thiện diệu, lạc minh, vô niệm này, nhất định vẫn còn bị trôi lăn trong ba cõi, không xuất ly được. Người tu hành nếu trên phương diện nhân mà không có Bát Nhã kiến thâm hậu, hoặc trên phương diện Bát Nhã không huệ kiến, không huân tập tiến triển đủ mức thâm thiết, nhất định khó lòng mà vượt qua được cái thiện diệu trong định lạc. Do đó, người tu Đại Thủ Ấn, nhất định phải một lần ra sức thấu triệt Bát Nhã không huệ học. Nghe nhiều nghĩ sâu huân tập tiệm tiến, như vậy mới có thể giải thoát khỏi sự “tham trước thiện diệu thụ”. Câu thứ hai - “Ác niệm mê loạn tự tính tự nhiên tịnh” - là nói rằng người học Đại Thủ Ấn, đối diện với tất cả các ác niệm mê loạn không tất phải cố ý trừ bỏ. Nếu ác niệm mê loạn khởi dậy, ra sức quán chiếu, hoặc thậm chí chẳng cần quán chiếu, tức nơi tâm tính minh không sẽ được tự nhiên như pháp thanh tịnh. Vô minh và vọng niệm, vốn tự vô thể vô căn, có gì mà phải mệt nhọc trừ bỏ. Nếu nhân vô thủy tập khí mà gom hết tập lực, vọng niệm mê loạn sẽ lần lần hiện khởi, cũng sẽ tự nhiên nơi tâm tính minh không, tự nhiên như pháp giải thoát! Câu thứ ba trước giả đề ra một danh từ rất thú vị - “bình thường tâm”. Danh từ này giống hệt cái “bình thường tâm” mà Thiền tông đề xướng. Tạng văn, Tal ma shee pa, dịch thẳng ra Trung văn, đúng là ba chữ “bình thường tâm” không hơn không kém. Chân lý quả thật là không phân chia quốc gia, chủng tộc, thời gian, không gian, quả là đầy đủ cái thường hằng tự nhiên có tính cách phổ biến. Pháp môn Đại Thủ Ấn Tây Tạng với Thiền tông Trung Hoa, không những tương đồng về mặt bổn chất, mà còn dùng rất nhiều danh từ giống nhau, đây thật là một sự việc vô cùng thú vị.

Có ông tăng hỏi Triệu Châu: “Thế nào là Đạo?” Đáp: “Bình thường tâm là đạo”. Cái đương hạ nhất niệm này, không thêm tạo tác, không bày sửa trị. Cái tâm không lồ lộ, sáng rỡ, tức là bình thường tâm. Cái “bình thường tâm” ở tất cả mọi thời này, tự nhiên như pháp hiện hành, chẳng có gì là thủ, xả, đắc, thất cả. Cái “bình thường tâm” này cũng tức là pháp tính nghĩa đế lìa xa tất cả các hí luận.

20. Tự tính chúng sinh tuy thường là Phật tính,

Vì không rõ, nẻo luân hồi lạc vô hạn,

Ở nơi chúng hữu tình vô cùng thống khổ,

Nguyện thường sinh khởi tâm đại bi khó nén.

Khi tâm bi mẫn khó nén kia chưa diệt

Giản Không nghĩa của thể tính cũng hiển hiện rõ,

Đạo song vận tối thắng lìa lỗi lầm này,

Nguyện được ngày đêm thường tu quán chẳng lìa.

GIẢI THÍCH:

Tu Đại Thủ Ấn quyết không phải là rơi vào không vô. Nếu tu Đại Thủ Ấn được đắc lực, nhất định là đại bi tâm sẽ tự nhiên sinh khởi. Hai tụng ngôn trên, hẳn là xiển minh cái đạo lý rất mực khẩn yếu này. Thiền tông nói: “Việc lớn chưa tỏ, như mất cha mẹ. Việc lớn tỏ rồi, như mất cha mất mẹ” ( - Đai sự vị minh, như táng khảo tỷ, đại sự dĩ minh, như táng khảo tỷ). Cũng là cái đạo lý này! Khi chưa thấu triệt việc lớn, một lòng cầu đạo, gian nan nhiều trở ngại, trong lòng đau đáu hoảng hốt, y như mất cha mẹ vậy. Cho nên nói “đại sự vị minh, như táng khảo tỷ” như vậy còn dễ hiểu. Ngặt câu sau, việc lớn đã thấu triệt rồi, như mất cha mất mẹ, ắt cần giải thích. Dịch giả cho rằng, ý nghĩa câu việc lớn đã thấu triệt, như mất cha mất mẹ, là khi vô phân biệt trí hiển hiện, đại bi tâm hẳn không do tư duy tạo tác, tự nhiên sinh khởi. Cái tình bi mẫn chúng sinh, y như là mất cha mẹ vậy. Cho nên nói “đại sự dĩ minh, như táng khảo tỷ”. Tụng ngôn sau câu thứ nhất và câu thứ nhì, phải đọc luôn một mạch. Ý nghĩa hai câu này có phần khẩn yếu. “Khi cái bi tâm khó nén khởi bi niệm, không nghĩa của thể tính cũng lồ lộ hiển hiện”, là nói rõ rằng, đúng ngay lúc cái tâm đại bi khó nén hiện khởi, cái cảnh giới thể tính không cũng lồ lộ hiện rõ. Ấy cũng là nói, Bi và Trí thường là đồng khởi. Cái Đại đạo bi trí tịnh hành này, quả thật là pháp môn chi thượng, thù thắng nhất, chính xác nhất, lìa xa tất cả lầm lỗi.

21. Nhờ tu mà sinh các thần thông như nhãn...,

Thành thực hữu tình thanh tịnh các cõi Phật

Viên mãn các đại nguyện thắng pháp của Phật

Rốt cuộc viên thành nguyện thanh tịnh thành Phật,

Mười phương chư Phật, Phật tử lực đại bi,

Tất cả lực của các thanh tịnh thiện nghiệp,

Nguyện nơi lực ấy thanh tịnh mình và người,

Nguyện được như Pháp tự nhiên mà thành tựu.

GIẢI THÍCH:

Do cái sức tu Thiền định mà dần dần sinh khởi các thần thông như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mệnh thông... Sau khi đã có đại thần thông lực hiện suốt, lợi ích chúng sinh, thành thục hữu tình, tự nhiên được nhiều phương tiện. Nhờ tu tập Đại Thủ Ẩn mà đắc Đại giải thoát, Đại thần biến lực, tự nhiên có thể biến mãn mười phương thế giới, làm tất cả các sự nghiệp hữu tình lợi ích mà viên mãn đại nguyện của chư Phật. Một sự thần thông kia, vốn không đủ khinh trọng. Sự việc khẩn yếu nhất là hoằng pháp độ sinh đương nhiên cũng không là thần thông. Nhưng người chứng cảnh, có thành tựu, không mong cầu thần thông, thần thông cũng tự nhiên đến. Các bậc đại đức có tu chứng xưa, như Đạt Ma, Huệ Năng, Thạch Đầu, Ẩn Phong... đều có thần thông bất khả tư nghị. Nhưng các bậc này, từ bao giờ vẫn không lấy thần thông làm tiêu chuẩn. Đó mới là cái truyền thống và tông phong đáng được người ta khâm bội của Đại Thủ Ấn Tây Tạng cùng với Thiền môn Trung Hoa.

-----o0o-----

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan