SỰ HOÀN THIỆN CỦA BỐ THÍ - GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

SỰ HOÀN THIỆN CỦA BỐ THÍ

GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

-------o0o-------

Lại nữa, người thực hành bố thí có thể làm lợi lạc cho những người khác. Với bố thí người ta có thể nhóm họp những người tu hành rồi đặt để họ vào trong Pháp quý báu.
SỰ HOÀN THIỆN CỦA BỐ THÍ - GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

Sáu chủ đề (ba la mật) diễn tả những chi tiết của Bồ đề tâm hạnh. Tóm tắt:

Suy nghĩ về những lỗi lầm và những thiện hạnh,

Định nghĩa, phân loại,

Những tính chất của mỗi phân loại,

Tăng trưởng, hoàn thiện

Và kết quả

Bảy cái này bao gồm sự hoàn thiện của bố thí. 

I. Suy nghĩ về những lỗi lầm và những thiện hạnh.

Những người không thực hành bố thí sẽ luôn luôn chịu nghèo và thường tái sanh làm quỷ đói. Cho dù được tái sanh làm người, họ sẽ chịu nghèo và thiếu những nhu yếu. Kinh Ngắn Sự hoàn thiện của Trí Huệ nói:

Người keo kiệt sẽ sanh vào cõi quỷ đói.

Nếu được sanh làm người, vào lúc đó nó sẽ chịu nghèo.

Thuyết về Giới luật nói:

Quỷ đói trả lời cho Nawa Chewari,

“Do sức mạnh của keo kiệt

Chúng tôi không thực hành bố thí gì.

Thế nên, chúng tôi ở đây trong thế giới của quỷ đói”

Không có thực hành bố thí, chúng ta không thể làm lợi lạc cho những người khác và như vậy không thể hoàn thành giác ngộ. Có nói rằng:

Không có thực hành bố thí, người ta sẽ không giàu có. Thế nên, không giàu có người ta không thể tụ họp chúng sanh,

Nói gì đến hoàn thành giác ngộ.

Mặt khác, người thực hành bố thí sẽ có hạnh phúc nhờ giàu có trong mọi kiếp sống khác nhau. Kinh Ngắn Sự Hoàn Thiện của Trí Huệ nói:

Bố thí của những bồ tát cắt đứt sự tái sanh làm quỷ đói. 

Cũng thế, nghèo khó và mọi phiền não đều bị cắt đứt. 

Bằng hành động khéo, người ta hoàn thành giàu có vô cùng trong cuộc đời bồ tát.

Bức thơ cho một Người bạn cũng nói:

Người ta cần thực hành bố thí thích hợp.

Không có thân thuộc nào tốt hơn bố thí.

Đi vào Trung Đạo nói:

Những chúng sanh ấy muốn hạnh phúc,

Và tất cả nhân loại không có tài sản sẽ không có hạnh phúc.

Biết rằng giàu có đến từ bố thí,

Đức Phật nói trước tiên về thực hành bố thí.

Lại nữa, người thực hành bố thí có thể làm lợi lạc cho những người khác. Với bố thí người ta có thể nhóm họp những người tu hành rồi đặt để họ vào trong Pháp quý báu. Có nói:

Bằng thực hành bố thí, người ta có thể làm trưởng thành trọn vẹn những chúng sanh khổ đau.

Lại nữa, để hoàn thành giác ngộ vô thượng, người thực hành bố thí sẽ được dễ dàng hơn. Tạng Bồ tát nói:

Với những người thực hành bố thí, thành tựu giác ngộ thì không khó khăn.

Kinh Đám Mây Ngọc Cao Cả nói:

Bố thí là giác ngộ của bồ tát.

Kinh Gia Chủ Drakshulchen thỉnh vấn giải thích lần lượt những đức hạnh của bố thí và những lỗi lầm của không bố thí:

Một vật được cho đi là của bạn; những đồ vật cất trong nhà không phải là của bạn. Một vật được cho đi thì có thể tánh; những đồ vật cất trong nhà thì không có thể tánh. Một vật đã được cho đi thì không cần bảo vệ; những vật cất trong nhà thì phải bảo vệ. Một vật được cho đi thì thoát khỏi sợ hãi. Một vật được cho đi thì gần hơn với giác ngộ; những vật cất trong nhà thì đi về hướng những ma. Sự thực hành bố thí sẽ dẫn đến thịnh vượng bao la; những vật cất trong nhà không đem lại nhiều thịnh vượng. Một vật được cho đi sẽ đem lại giàu có không vơi cạn; những vật cất trong nhà thì vơi cạn..... 

II. Định nghĩa.

Định nghĩa bố thí là sự thực hành cho đi trọn vẹn mà không có bám luyến. Những Địa Bồ Tát nói:

Một tâm đồng khởi với không bám luyến

Với động cơ ấy, cho đi trọn vẹn những sự vật.

III. Phân loại. Bố thí có ba loại:

A. cho tài sản

B. cho sự không sợ hãi, và

C. cho Pháp.

Sự thực hành cho tài sản sẽ làm vững chắc thân thể của những người khác, cho sự không sợ hãi sẽ làm vững chắc cuộc đời những người khác, và cho Pháp làm vững chắc tâm những người khác. Hơn nữa, hai thực hành bố thí đầu thiết lập hạnh phúc của những người khác trong đời này. Cho Pháp thiết lập hạnh phúc cho họ về sau.

IV. Những tính chất của mỗi phân loại.

A. Cho tài sản.

Hai chủ đề diễn tả sự thực hành cho tài sản:

1. sự cho bất tịnh, và

2. sự cho thanh tịnh.

Cái thứ nhất cần nên tránh, và cái thứ hai nên thực hành.

1. Sự cho bất tịnh.

Hơn nữa, có bốn mục nhỏ:

a) động cơ bất tịnh,

b) vật bất tịnh,

c) người nhận bất tịnh

d) phương pháp bất tịnh.

a) Động cơ bất tịnh.

Có những động cơ sai lầm và thấp kém. Thứ nhất, bố thí với động cơ sai lầm là bố thí để hại những người khác, bố thí với một mong muốn nổi danh trong đời này, và bố thí mà ganh đua với người khác. Các bồ tát nên tránh ba cái ấy. Những Địa Bồ Tát nói:

Bồ tát cần tránh cho để giết hại, trói buộc, trừng phạt, nhốt tù, hay xua đuổi những người khác. Và bồ tát không nên thực hành bố thí vì tiếng tăm hay khen ngợi. Và bồ tát không nên thực hành bố thí để ganh đua với người khác.

Động cơ thấp kém là bố thí được thúc đẩy bởi một sợ hãi nghèo khó trong đời này hay một tham muốn có thân thể và sung túc của những vị trời hay người. Các bồ tát nên tránh cả hai. Có nói:

Và:

Các bồ tát không nên cho vì sợ nghèo.

Các bồ tát không nên cho để đạt đến trạng thái của Indra, một quân vương vũ trụ, hay Ishvara.

b) Vật bất tịnh.

Những thực hành bố thí bất tịnh khác cần tránh được giải thích trong Những Địa Bồ Tát. Nói vắn tắt, nghĩa là: tránh những vật bất tịnh, bồ tát không nên cho thuốc độc, lửa, vũ khí..... dù có người cầu xin để làm hại chính mình hay người khác. Vòng Ngọc Quý nói:

Nếu cái cần giúp là thuốc độc

Thì cần cho thuốc độc.

Nhưng dù cao lương mỹ vị không giúp đỡ,

Thì cũng không nên cho.

Như khi một người bị rắn cắn

Cắt ngón tay có thể có lợi,

Đức Phật nói rằng dù nó có làm người ta khó chịu,

Những vật gì ích lợi cần nên cho.

Bạn không nên cho bẫy hay những phương tiện để săn bắt khi có người hỏi xin vắt tắt, bất cứ thứ gì gây hại hay gây khổ. Bạn không nên đem cho hay đem cầm cha mẹ bạn. Con cái, vợ của bạn..... không nên cho nếu không có sự bằng lòng của họ. Bạn không nên cho một lượng nhỏ khi bạn giàu có lớn. Bạn không nên tích tập giàu có để cho.

c) Người nhận bất tịnh.

Để tránh người nhận bất tịnh, chớ cho thân thể hay những phần của thân thể bạn cho những quỷ marakuladevata, bởi vì chúng hỏi xin với một động cơ làm hại. Bạn không nên cho thân thể bạn cho những người bị ma quỷ ám, mất trí, loạn cuồng, bởi vì họ không cần nó và không có tự do trong tư tưởng. Cũng vậy, bồ tát không nên cho thức ăn đồ uống cho những người háu ăn. 

d) Phương pháp bất tịnh.

Để tránh phương pháp bất tịnh, bạn không nên cho với tâm không hạnh phúc, giận dữ, hay loạn tâm. Bạn không nên cho với sự khinh thị, không kính trọng với một người thấp kém. Bạn không nên cho khi đe dọa hay mắng mỏ những người ăn xin. 

2. Sự cho thanh tịnh. Có ba mục nhỏ:

a) vật thanh tịnh

b) người nhận thanh tịnh

c) phương pháp thanh tịnh.

a) Vật thanh tịnh.

Cái thứ nhất có hai phần: giàu có bên trong và giàu có bên ngoài.

Vật bên trong. Vật bên trong là những thứ thuộc về thân thể bạn. Kinh Narayana Thỉnh Vấn nói:

Bạn nên cho tay bạn cho những người muốn có tay, chân bạn cho những người muốn có chân, mắt bạn cho những người muốn có mắt, thịt bạn cho những người muốn có thịt, máu bạn cho những người muốn có máu...

Những bồ tát chưa chứng ngộ trọn vẹn sự bình đẳng của chính mình và những người khác thì nên chỉ cho toàn thân thể họ, chứ không phải từng mảnh. Đi Vào Bồ Tát Hạnh nói:

Những người thiếu ý định thanh tịnh của lòng bi

Không nên cho thân thể họ.

Dù vậy, cả trong đời này và cả đời sau,

Họ cần hiến dâng nó cho nguyên nhân làm tròn mục tiêu vĩ đại.

Vật bên ngoài. Vật bên ngoài là thức ăn, nước uống, áo quần, xe cộ, con cái, vợ.... theo thực hành Pháp. Kinh Narayana Thỉnh Vấn nói:

Đây là sự giàu có bên ngoài: tài sản, hạt, bạc, vàng, ngọc, đồ trang sức, ngựa voi, con, chúa..

Những bồ tát gia chủ được phép cho tất cả tài sản bên trong và bên ngoài. Kinh Trang Nghiêm Đại thừa nói:

Không có gì mà bồ tát không thể cho những người khác 

Thân thể, tài sản…

Một nhà sư hay ni bồ tát sẽ cho mọi thứ trừ ba thứ áo Pháp, chúng không được phép cho. Đi Vào Bồ Tát Hạnh nói:

Hãy cho đi tất cả trừ ba áo Pháp.

Nếu bạn cho áo Pháp, nó có thể khiến sự làm lợi lạc cho người khác của bạn bị suy thoái.

b) Người nhận thanh tịnh.

Có bốn loại người nhận: những người nhận với những phẩm tính đặc biệt, như những vị thầy, Tam Bảo..., những người nhận giúp đỡ đặc biệt cho bạn, như cha, mẹ..; những người nhận đặc biệt do sự khổ đau của họ, như người bệnh, người không được bảo vệ..; và những người nhận đặc biệt bởi vì sự làm hại của họ, như những kẻ thù... Đi Vào Bồ Tát Hạnh nói:

Tôi làm việc trong những môi trường tuyệt hảo, lợi lạc và vân vân.

c) Phương pháp thanh tịnh.

Những phương pháp bố thí là cho với động cơ tuyệt hảo và cho với hành động tuyệt hảo. Cái thứ nhất là thực hành cho vì giác ngộ và lợi lạc của chúng sanh, do lòng bi thúc đẩy. Về cho với hành động tuyệt hảo, Những Địa Bồ Tát nói:

Các bồ tát thực hành bố thí với sùng mộ, tôn trọng, bằng chính bàn tay mình, đúng lúc, và không gây hại cho những người khác.

“Với sùng mộ” nghĩa là một bồ tát cần vui mừng trong cả ba thời. Vị ấy vui mừng trước khi cho, và không hối tiếc sau khi cho. “Tôn trọng” nghĩa là cho một cách tôn trọng. “Bằng chính bàn tay mình” nghĩa là không yêu cầu người khác làm điều đó. “Đúng lúc” là khi bạn có sung túc, đó là thời gian để cho. “Không gây hại cho những người khác” nghĩa là không gây hại cho chung quanh. Cho dù nó là sở hữu của riêng bạn, nếu người chung quanh chảy nước mắt khi bạn cho đi cái gì, bấy giờ chớ làm điều đó. Chớ cho tài sản do trộm cướp hay do lường gạt cái đó thuộc về kẻ khác.

Tạng A Tỳ Đạt Ma nói:

Hãy cho lập đi lập lại, cho không thành kiến, và đáp ứng mọi mong muốn.

“Cho lập đi lập lại” là một phẩm tính của người làm lợi lạc cho hết lần này đến lần khác. “Cho không thành kiến” là một phẩm tính của người nhận; người làm lợi lạc cho bất kỳ ai; không thiên vị. “Đáp ứng mọi mong muốn” là một phẩm tính của món đồ cho; làm lợi lạc cho bất cứ cái gì người nhận muốn. 

Đến đây là xong phần cho tài sản.

B. Cho sự không sợ hãi.

Cho không sợ hãi nghĩa là cho sự che chở, bảo vệ khỏi trộm cướp, thú dữ, bệnh tật, sông nước... Những Địa Bồ Tát nói:

Bố thí sự không sợ hãi là bảo vệ khỏi những sự vật như sư tử, cọp, cá sấu, vua chúa, trộm cướp, sông nước... 

C. Cho Pháp.

Thực hành bố thí Pháp có bốn chủ đề:

1. người nhận

2. động cơ

3. Pháp thực sự

4. phương pháp chỉ bày giáo pháp.

1. Người nhận.

Hãy bố thí Pháp cho những người ham thích Pháp, kính trọng Pháp, và những vị thầy dạy Pháp.

2. Động cơ.

Tránh những tư tưởng xấu và duy trì những tư tưởng hiền lành. Hơn nữa, “tránh những tư tưởng xấu” nghĩa là nên cho Pháp mà không để ý đến giàu có, tôn vinh, ca ngợi, danh tiếng... Kinh Ngắn sự Hoàn Thiện của Trí Huệ nói:

Hãy cho những giáo lý một cách đầy đủ cho chúng sanh mà không để ý đến vật chất.

Kinh Kashyapa Thinh Vấn nói:

Cho giáo Pháp với một tâm trong sáng không lưu tâm tới vật chất.

Được các Bậc Chiến Thắng ca ngợi và tôn vinh.

“Duy trì những tư tưởng hiền lành” là bày lộ Pháp do lòng bi. Kinh Ngắn sự Hoàn Thiện của Trí Huệ nói:

Hãy đem Pháp cho thế giới để loại bỏ khổ đau.

3. Pháp thực sự.

Chỉ bày Pháp, kinh.... Mà không có lỗi lầm hay làm méo

mó. Những Địa Bồ Tát nói:

Trong khi cho Pháp, nghĩa cần được chỉ ra mà không có lỗi lầm, cần được chỉ một cách có lý luận, và đệ tử cần chấp nhận thực hành hoàn hảo cơ sở của sự tu hành.

4. Phương pháp chỉ bày giáo pháp.

Bạn không nên cho những lời dạy ngay khi có người hỏi bạn. Kinh Vua của Nhập Định nói:

Về bố thí Pháp

Nếu có người thỉnh cầu, trước hết cần trả lời như vầy, “Tôi chưa nghiên cứu kỹ điều đó”.

Và cũng nói:

Chớ kể lại nó một cách tức thời

Bạn cần bắt đầu với việc khảo sát pháp khí,

Bấy giờ bạn nên cho những lời dạy thậm chí không có yêu cầu

Khi người ta cho một giáo lý, cần phải ở một chỗ sạch sẽ và dễ chịu. Kinh Hoa Sen Trắng của Pháp Cao Cả nói:

Trong một chỗ sạch sẽ và đáng ưa,

Hãy xây một cái ngai rộng, tiện nghi.

Vị thầy ngồi trên ngai và cho giáo lý. Có nói:

Hãy ngồi trên một chỗ ngồi vững vàng được trang hoàng

bằng nhiều thứ lụa.

Vị thầy cho những giáo lý khi mặc y phục sạch sẽ, trang nghiêm, và với thái độ từ hòa. Kinh Sagaramati Thỉnh Vấn nói: 

Vị thầy của Pháp cần sạch sẽ, có thái độ từ hòa, mặc y phục trang nghiêm.

Như vậy, với mọi đệ tử nhóm họp, vị thầy ngồi trên ngai. Để ngăn chặn trước những chướng ngại, vị ấy đọc thần chú thắng sức mạnh của các ma. Kinh Sagaramati Thỉnh Vấn nói:

TADYTHA SHAME SHAMA WATI SHAMITASATRU AM KURE MAM KURE MARA ZITE KAROTA KEYURE TEZO WATI OLO YAM VISUDDHA NIRMALE MALA PAN AYE KHUKHURE KHA KHA GRASE GRASANA O MUKHI PARAM MUKHI A MUKHI SHAMITWANI SARVA GRAHA BANDHANANE NIGRIHITVA SARVA PARAPRA WADINA UIMOKTA MARA PASA STHAVITVA BUDDHA MUDRA ANUNGATITA SARVA MARE PUTSA RITA PARISUDHE VIGATSANTU SARVA MARA KARMANI.

(Dịch thoát, thần chú có nghĩa: “Cũng thế, hãy kiệt hết. Hãy kiệt hết mọi kẻ thù đối với mục tiêu của tôi: bất cứ năng lực xấu nào trong tôi; hãy bị đánh bại! Hãy tịnh hóa trọn vẹn đến khi tôi là bậc chiến thắng, mọi hào quang thanh tịnh tan vào tôi. Hãy nhận mọi thức ăn đồ uống này một cách bình an, hãy thưởng thức nó, và được thỏa thuê đến độ mọi chướng ngại đều tiêu diệt. Hãy thoát khỏi mọi chướng ngại, mọi chướng ngại chung. Các ma bị đánh bại bởi ấn này của Đức Phật. Do tụng đọc thần chú này, nguyện tất cả ma chướng được tịnh hóa. Như một kết quả, nguyện tất cả ma đều bị đánh bại.”)

Saragamati, khi những âm ấy được tụng lên vào lúc bắt đầu và rồi giáo pháp được ban cho, trong một trăm do tuần (yojana) chung quanh không có ma nào có thể đến để gây chướng ngại. Những ai có thể đến cũng không thể gây chướng ngại.

Bấy giờ khi giáo pháp được ban cho, chúng cần liên hệ trực tiếp đến chủ đề, rõ ràng và chừng mực.

V. Tăng trưởng.

Dù ba bố thí này có thể nhỏ, nhưng có một phương pháp để tăng trưởng chúng. Tạng Bồ Tát nói:

Shariputra, một bồ tát thông tuệ có thể làm tăng thêm dù chỉ một món đồ cho nhỏ. Vị ấy có thể tăng trưởng nó nhờ năng lực của trí huệ bổn nguyên, có thể trải rộng đó nhờ năng lực của trí huệ phân biệt, và có thể làm cho nó vô tận bằng năng lực hồi hướng.

Thứ nhất, để cho người ta nhận được một công đức lớn từ bố thí, hãy hiểu rằng nó được tăng trưởng bởi năng lực của tỉnh giác trí huệ. Trong bất kỳ loại thực hành bố thí nào, nếu trước hết bạn làm nó với ý định bố thí để an lập chúng sanh trong trạng thái giác ngộ; trong khoảng giữa, không có bám luyến vào vật cho; và cuối cùng, thoát khỏi mong cầu kết quả nào, bạn sẽ nhận được nhiều công đức trong bố thí. Kinh Ngắn sự Hoàn Thiện của Trí Huệ nói:

Người ta nên an trụ không bám luyến vật cho. Cũng không nên mong chờ kết quả.

Bởi thế, nếu cho mọi thứ với thiện xảo lớn

Sẽ có đức hạnh vô cùng dù vật cho thì nhỏ.

Thứ ba, làm cho sự bố thí thành vô tận bằng năng lực của hồi hướng. Nó tăng trưởng vô tận nếu người ta hồi hướng sự thực hành bố thí này đến giác ngộ vô thượng vì lợi lạc của tất cả chúng sanh. Những Địa Bồ Tát nói:

Người ta không nên thực hành bố thí mà trông vào quả. Tất cả những thực hành bố thí cần được hồi hướng đến giác ngộ viên mãn vô thượng.

Hồi hướng không chỉ để tăng trưởng bố thí, mà còn làm cho

nó trở nên không cạn kiệt. Kinh Aksayamati Thỉnh Vấn nói:

Shariputra, chẳng hạn, một giọt nước rơi vào trong đại dương sẽ không cạn kiệt cho đến khi hết một đại kiếp. Cũng thế, khi người ta hồi hướng thiện căn đến giác ngộ, nó sẽ không cạn kiệt giữa khoảng bây giờ cho đến khi người ta hoàn thành giác ngộ.

VI. Sự hoàn thiện.

Về sự tịnh hóa hoàn hảo của bố thí, Bộ những Giáo Huấn Siêu Việt nói:

Nếu người ta làm với tánh Không và thể tánh của lòng bi,

Tất cả công đức sẽ được tịnh hóa.

Khi những thực hành bố thí được tánh Không nâng đỡ, chúng sẽ không trở thành một nguyên nhân của sanh tử. Khi chúng được lòng bi giúp đỡ, chúng sẽ không trở thành một nguyên nhân của thừa thấp. Chúng sẽ trở thành một nguyên nhân chỉ cho sự thành tựu niết bàn vô trụ xứ, thế nên chúng là “thanh tịnh”.

“Được tánh Không nâng đỡ”, theo Kinh Ratnacuda Thỉnh Vấn, nghĩa là sự thực hành bố thí cần được bốn ấn của tánh Không đóng dấu:

Người ta cần thực hành bố thí với bốn ấn. Bốn ấn là gì? 

Người ta cần được đóng dấu ấn tánh Không thấm khắp của thân bên trong, đóng dấu ấn tánh Không của tài sản bên ngoài, đóng dấu ấn tánh Không của tâm chủ thể, và đóng dấu ấn tánh Không của Pháp của Giác ngộ. Người ta cần thực hành được đóng ấn với bốn cái ấy. Bố thí “được lòng bi giúp đỡ” nghĩa là cho đi bởi vì bạn khổ đau của chúng sanh từng cá nhân hay tổng thể.

VII. Kết quả.

Người ta cần hiểu những kết quả của bố thí trong trạng thái tối hậu và quy ước. Kết quả tối hậu là người ta hoàn thành giác ngộ vô thượng. Những Địa Bồ Tát nói:

Như vậy, tất cả các bồ tát hoàn thiện trọn vẹn sự thực hành bố thí sẽ hoàn thành giác ngộ viên mãn vô thượng. Trong trạng thái quy ước, người ta sẽ được thịnh vượng bằng thực hành cho tài sản, dù nếu người ta không muốn điều đó. Hơn nữa, người ta có thể nhóm tụ những người tu hành bằng bố thí và kết nối họ với giác ngộ. Kinh Ngắn sự Hoàn Thiện của Trí huệ nói:

Sự bố thí của các bồ tát cắt đứt sự tái sanh làm quỷ đói. Cũng thế, nghèo đói và mọi phiền não bị cắt đứt.

Do hành động khéo léo, người ta sẽ hoàn thành giàu có vô cùng khi sống đời bồ tát

Và làm trưởng thành trọn vẹn tất cả chúng sanh bằng thực hành bố thí.

Những Địa Bồ Tát nói:

Người ta sẽ trở nên mạnh mẽ bằng cho thức ăn.

Người ta sẽ hoàn thành hình dáng đẹp nhờ cho bằng áo quần.

Người ta sẽ trở nên vững chắc bằng cho xe cộ.

Người ta sẽ có mắt sáng bằng cho đèn.

Bằng cách cho sự không sợ hãi, người ta không thể bị những chướng ngại và ma đụng đến. Tràng Ngọc Quý nói: 

Bằng cách cho sự không sợ hãi cho những người đang sợ hãi.

Người ta sẽ không bị tất cả ma nắm lấy 

Và sẽ trở thành uy lực tối cao.

Bằng cách cho giáo pháp, người ta nhanh chóng sẽ gặp Đức Phật, cùng đi với Ngài, và hoàn thành tất cả những điều mong muốn. Tràng Ngọc Quý nói:

Cho giáo pháp cho những người nghe 

Khiến những che ám bị xua tan

Và người ta sẽ đi cùng tất cả chư Phật,

Người ta sẽ nhanh chóng hoàn thành mọi điều ước muốn.

---o0o---

Tác giả: GAMPOPA

Trích: TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

NXB Thiện Tri Thức

Ảnh: Nguồn Internet.

Bài viết liên quan