SỰ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI, KHUYÊN TU CHÁNH PHÁP - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

SỰ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI, KHUYÊN TU CHÁNH PHÁP

KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

---------------------------------------------------

 

A Nan, xét kỹ thì bảy loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần tiên, trời và a tu la như thế đều là những tướng hữu vi hôn trầm, do vọng tưởng mà thọ sanh, do vọng tưởng mà thọ nghiệp. Trong Bản Tâm diệu viên minh vô tác, đều như hoa đốm giữa hư không, nguyên chẳng có gì dính bám, chỉ một sự hư vọng, tuyệt không gốc rễ mối manh.

 

Bảy loài sanh tử luân hồi không dứt đều nằm trong lưới vọng tưởng do mình tạo ra. Vọng tưởng càng ngày càng nặng nề, hôn trầm càng lúc càng tăm tối chìm đắm thì sanh ở loài thấp; vọng tưởng nhẹ sáng thì sanh ở loài cao, nhưng vẫn nằm trong lưới vọng tưởng. Thế nhưng tất cả những vọng tưởng, vọng thấy ấy đều như hoa đốm trong Bản Tâm viên minh như hư không xưa nay chưa từng có một vật, nguyên chẳng có gì dính bám, không có chỗ cho một hạt giống nào nảy mầm thành gốc rễ.

Thấy được bảy loài đang lăn lộn khổ đau trong lưới vọng tưởng và lưới vọng tưởng này lại ở chính trong Bản Tâm Viên minh vô tác, tâm đại bi bèn tự nhiên tỏa khắp bao la như chính Bản Tâm. Tâm đại bi càng sâu sắc khi biết ở đâu có lưới vọng tưởng sanh tử khổ đau thì ngay đó đã vốn có Bản Tâm viên minh vô tác. Càng thấy vọng tưởng điên đảo của chúng sanh thì tâm đại bi càng mạnh đến độ không gì ngăn cản nổi.

Tâm đại bi của Đức Phật bao trùm từ địa ngục cho đến cõi phi tưởng, thế nên chúng ta vẫn thường xưng tán, ‘‘Đạo sư của trời người, cha lành bốn loại sanh’’.

 

A Nan, những chúng sanh đó chẳng nhận biết bản tâm, chịu sự luân hồi như vậy trong vô lượng kiếp, chẳng chứng đắc cái Chân Tịnh, đều do thuận theo sát, đạo, dâm, còn ngược lại ba nghiệp ấy thì sanh ra không sát, đạo, dâm. Có, gọi là quỷ; không có, gọi là loài trời, có và không thay nhau, khởi ra sự luân hồi.

Nếu người khéo phát được tam ma đề ắt là thường hằng tịch lặng nhiệm mầu, trong đó hai cái có và không đều không; và cái không có cả hai cũng diệt. Cái không sát, không đạo, không dâm còn không có, lấy đâu mà thuận theo sát, đạo, dâm?

A Nan, chẳng đoạn ba nghiệp thì mỗi mỗi chúng sanh đều có phận riêng, nhân mỗi mỗi phận riêng đó mà có đồng phận chung của những cái riêng ấy, không phải là không có chỗ nhất định. Ấy là do tự hư vọng phát sanh, sự sanh ra của hư vọng thì không có nhân, không thể tìm thấy ở đâu cả.

Ông khuyên người tu hành muốn được giác ngộ, cốt yếu phải đoạn trừ ba thứ mê lầm. Ba mê lầm chẳng hết dù có được thần thông cũng đều là công dụng hữu vi của thế gian. Tập khí mà chẳng diệt thì lạc vào đường ma; tuy muốn trừ vọng lại càng tăng thêm hư dối sai lầm. Như Lai nói là rất đáng thương xót. Đó là do mình tự tạo hư vọng, chứ không phải lỗi nơi giác ngộ.

Nói như thế gọi là lời chân chánh; nếu nói khác đi tức là lời Ma vương.

 

Bản tâm thì hiện hữu ngay đây lúc này. Thế mà vọng thấy tướng, khởi vọng tưởng để chạy theo các nghiệp thế gian là sát, đạo, dâm và các nghiệp bất động không có sát đạo dâm của các cõi trời bèn chịu nghiệp báo sanh tử luân hồi.

Có sát đạo dâm hay làm cho không có sát đạo dâm đều là nghiệp, chỉ khác nhau nặng nhẹ, thấp cao mà thôi. Như thấy hoa giữa hư không, ngắt hay không ngắt đều là nghiệp hư vọng thấy hoa. Như nằm mộng, thấy làm hành động xấu hay làm hành động tốt thì đều là nghiệp nằm mộng. 

Tập khí thấy hoa giữa hư không, tập khí nằm mộng mà chẳng diệt thì dù có được thần thông cũng đều là việc thấy huyễn, nằm mộng.

Thấy được cái mê lầm căn bản này thì mới gần giống như Đức Phật mà nói, ‘‘rất đáng thương xót’’. Như người mù, làm gì cũng mê lầm vì không có ánh sáng, chúng sanh ba cõi đều nằm trong lưới vọng tưởng mê lầm, thấy như vậy mà không thương xót sao?

 

-----oo0oo-----

Tâm đại bi của Đức Phật bao trùm từ địa ngục cho đến cõi phi tưởng, thế nên chúng ta vẫn thường xưng tán, ‘‘Đạo sư của trời người, cha lành bốn loại sanh’’.
SỰ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI, KHUYÊN TU CHÁNH PHÁP - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan