SỰ NHẬN DIỆN - TRÍCH “MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG TỚI TỰ DO” - Tác Giả: Karma Chagme - Với Bình Giảng Của Gyatrul Rinpoche

SỰ NHẬN DIỆN

TRÍCH “MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG TỚI TỰ DO”

Những Hướng Dẫn Thực Hành Về Sự Hội Nhập Của Mahamudra Và Atiyoga.

Tác Giả: Karma Chagme - Với Bình Giảng Của Gyatrul Rinpoche

Người dịch: Hoàng Lan

B. Alan Wallace Chuyển Ngữ Sang Tiếng Anh. Bản Quyền 2009 Của NXB. Snow Lion.

--o0o--

Tâm này có thể được xem là hiện hữu theo nghĩa nó là nền tảng mà từ đó sanh khởi toàn bộ sanh tử. Thêm vào đó, nó là nền tảng mà từ đó những trải nghiệm về Niết bàn sanh khởi, và nó cũng là nền tảng từ đó các cõi tịnh độ sanh khởi.
SỰ NHẬN DIỆN - TRÍCH “MỘT CON ĐƯỜNG THÊNH THANG TỚI TỰ DO” - Tác Giả: Karma Chagme - Với Bình Giảng Của Gyatrul Rinpoche

Tinh Túy Bát Nhã viết:

Không nhìn thấy hình tướng, không nhìn thấy cảm xúc, không nhìn thấy nhận thức, không nhìn thấy các hành, và không nhìn thấy thức, tâm hay là cái biết ở bất kỳ đâu - Như Lai chỉ rằng người như vậy nhìn thấy thực tại.

- Người nhận biết rằng không có tự tánh nào tìm ra được lại thấy biết thực tại. Bằng cách bám chấp vào hình tướng, cảm xúc, và vân vân, chúng ta che chắn bản tánh của thực tại; trong khi các Như Lai, người không bám chấp vào những uẩn tâm vật lý nhận biết thực tại.

Orgyen Rinpoche nói:

Thật kinh ngạc! Tánh giác và tánh sáng liên tục được gọi là tâm hiện hữu, nhưng không hiện hữu thậm chí là như là một vật duy nhất. Nó sanh khởi, bởi vì nó biểu hiện lên như là sanh tử và niết bàn, và như là vô số niềm vui và nỗi buồn. Nó được xác quyết, vì nó được xác quyết tuỳ theo mười hai nhân duyên. Nó là một cái tên, bởi vì nó được đặt tên theo những cách không thể tưởng tượng được. Một số người gọi nó là tự tâm. Một số người không phải là Phật tử gọi nó là bản ngã. Các vị Thanh Văn gọi nó là vô tự tánh. Những người theo Duy thức Tông gọi nó là tâm. Một số gọi nó là Trung Đạo. Một số gọi nó là Trí huệ Bát nhã. Một số đặt tên cho nó là Như Lai. Một số gọi nó là Đại Ấn. Một số đặt tên nó là thức bình thường. Một số gọi nó là bindu trọn vẹn. Một số gọi nó là bản tánh tối hậu của thực tại. Một số đặt tên nó là nền tảng tổng thể.

- Tâm này có thể được xem là hiện hữu theo nghĩa nó là nền tảng mà từ đó sanh khởi toàn bộ sanh tử. Thêm vào đó, nó là nền tảng mà từ đó những trải nghiệm về Niết bàn sanh khởi, và nó cũng là nền tảng từ đó các cõi tịnh độ sanh khởi. Tất cả những trải nghiệm này có tâm là nền tảng. Thật kỳ lạ là hiện tượng duy nhất này, tâm, lại có vô số những tên gọi cao quý.

Để giới thiệu điều này bằng cách chỉ thẳng nó ra, thức quá khứ đã biến mất mà không để lại một dấu vết nào. Hơn thế nữa, chứng ngộ tương lai chưa sanh khởi và trong sự tươi mới của sự hiện diện của chính nó, hiện diện không chỉnh sửa, có thức hiện tại bình thường. Khi nó nhìn chính nó, với sự quan sát này, có một sự sống động mà trong đó không có gì được nhìn thấy. Tánh giác này là tính quang minh trong trẻo, trống không, không tạo tác, sinh động, trần trụi trực tiếp; tính sáng tỏ và tánh Không bất nhị, độc đáo. Nó không thường hằng, nhưng không được tạo dựng. Nó không là hư vô, nhưng toả sáng sống động. Nó không là một, mà là rõ biết và sáng tỏ nhiều vẻ. Nó không có nhiều vẻ nhưng là một vị không thể phân chia. Nó là không khác với tánh giác tự biết. Đây là sự giới thiệu thật sự về bản tánh bổn nguyên của sự hiện diện.

 

- Trong trạng thái thức, một tư tưởng sanh khởi và trôi qua trong một khoảnh khắc. Trong lúc tạm thời chưa sanh khởi tư tưởng tiếp theo, có một le lói về thực tại của tánh Không. Khi bạn đi ngủ vào ban đêm, trước khi những hiện tướng của giấc mơ sanh khởi, nhưng sau khi những hiện tướng của ý thức ban ngày đã tan biến, có một mặt tương tự của tánh sáng tỏ và quang minh của tánh giác. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn tánh giác với thức trong khi ngủ sâu. Khi bạn tỉnh khỏi trạng thái giấc mơ, khi tất cả những hiện tướng của giấc mơ đã tan biết và trước khi ý thức tỉnh táo sanh khởi, một lần nữa, bộ mặt này của tánh sáng tỏ có thể được nhận biết. Những trạng thái trung ấm là bản tánh thật sự của tánh sáng tỏ được giới thiệu trong bài thực hành này.

Tại đây, ba hiện thân Phật là trọn vẹn theo cách không thể tách biệt. Pháp thân là tánh Không hoàn toàn không tạo tác. Báo thân là sự tỏa rạng rõ ràng của tánh Không. Hoá thân xuất hiện bất kỳ đâu mà không ngăn ngại. Tự Tánh Thân đơn giản, trọn vẹn một cách lạ thường.

Để giới thiệu điều này bằng cách chỉ thẳng nó ra một cách mạnh mẽ: nó là thức hiện tại của chính con.

Khi nó là thức tự tỏa sáng, không do tạo dựng, con có ý gì khi nói: “Tôi không nhận biết được tự tâm?”

Không có gì ở đây để thiền định về, do đó, con có ý gì khi nói: “Nó không sanh khởi nhờ thiền định?”

Khi nó chỉ là tánh giác trực tiếp, con có ý gì khi nói: “Tôi không tìm thấy tâm của chính mình"?

Khi nó chỉ là tánh giác sáng tỏ không gián đoạn, con có ý gì khi nói: “Bản tánh của tâm không được thấy biết?”

Khi nó là người suy nghĩ về tâm, con có ý gì khi nói: “Không thể tìm thấy nó bằng cách truy tìm”?

Khi hoàn toàn không có gì để làm, con có ý gì khi nói: “Nó không sanh khởi qua hành động"?

Khi chỉ cần để yên nó trong trạng thái không tạo dựng, con có ý gì khi nói: “Nó không duy trì"?

Khi chỉ cần để nó hiện diện mà không làm gì cả, con có ý gì khi nói “Tôi không thể làm điều này"?

Khi nó là tánh Không, tánh giác, tánh sáng thống nhất, không thể phân biệt, con có ý gì khi nói “Nó được chấp nhận và chối bỏ"?

Khi nó tự sanh khởi không cần nguyên nhân hay điều kiện, con có ý gì khi nói: “Tôi không thể làm điều này?

Khi những tư tưởng sanh khởi và giải phóng đồng thời với nhau, con có ý gì khi nói: “Chúng không đồng thời xuất hiện"?

Khi nó chính là ý thức về hiện tại này, con có ý gì khi nói: “Tôi không nhận biết nó"?

Khi tự tâm chắc chắn là trống không và không được tạo thành. Tâm con là vô hình như hư không trống rỗng. Nó có phải là giống như thế hay không? Hãy quán sát tâm con!

Trí huệ bổn nguyên trống rỗng và trống không, nhưng không theo quan điểm hư vô, tự sanh khởi là ý thức nguyên thuỷ, sáng tỏ. Tự sanh khởi và tự chiếu sáng, nó giống như là bản tánh của mặt trời. Nó có phải là giống như thế hay không? Hãy quán sát tâm con!

Trí huệ bổn nguyên của tánh giác là chắc chắn không diệt. Tánh giác không gián đoạn giống như là dòng sông. Nó có phải là giống như thế hay không? Hãy quán sát tâm con!

Những tư tưởng suy luận lan man là chắc chắn không thể nắm bắt được. Sự lan man vô hình này giống như là bầu trời mù sương. Nó có phải là giống như thế hay không? Hãy quán sát tâm con!

Hãy nhận biết tất cả những hiện tướng là tự sanh khởi. Những hiện tướng tự sanh khởi giống như là những hình ảnh trong gương. Nó có phải là giống như thế hay không? Hãy quán sát tâm con!

Tất cả những dấu hiệu hình tướng là hoàn toàn giải thoát trong trạng thái của chính nó. Tự sanh khởi và tự giải thoát, chúng như là mây trên bầu trời. Nó có phải là giống như thế hay không? Hãy quán sát tâm con.

 

- Bản tánh của tự tâm là trống không, nhưng không giống như là một cái hang trống, bởi vì nó chính là bản tánh của sanh tử và niết bàn. Câu nói: “Nó không thể được tìm thấy bằng cách truy tìm” ngụ ý rằng cái tâm truy tìm và cái được tìm thấy là giống nhau. Bởi vì không có cái gì để thiền định về và không có cái gì để nắm bắt, tại sao lại tìm kiếm bản tánh của tâm ở bên ngoài? Thức tự toả sáng, không do tạo dựng đã sẵn hiện hữu, không có gì để làm.

Người ta phàn nàn: “Ồ! Tôi không thể khiến tâm tôi tĩnh lặng; tôi không thể duy trì trong trạng thái thiền định.” Trong thực tế, chỉ cần để tâm trong trạng thái không do tạo dựng là đủ. Tại sao có quá nhiều phàn nàn và câu hỏi? Tại sao lại làm phức tạp vấn đề? Việc sanh khởi của những tư tưởng giống như là những con sóng trong đại dương chỉ vì những tư tưởng là cùng một bản tánh với tâm. Bản tánh của tâm là trống không và vô hình - không có thực tánh và không có bám chấp.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không nhìn thấy tâm trong quá khứ, Ngài không nhìn thấy nó trong hiện tại hay trong tương lai. Mặc dù chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có thể nhìn thấy tâm, làm sao mà chúng ta có thể nhìn thấy điều mà chính Đức Phật cũng không thể nhìn thấy? Tuy nhiên, hãy kiểm tra thử thách này bằng quan sát thực nghiệm của chính bạn. Dung dịch có bản tánh là lỏng; lửa có bản tánh là nóng. Tương tự như vậy, tánh giác trong bản tánh của nó có những phẩm chất còn mãi của tánh Không và quang minh, những phẩm chất không phải ngẫu nhiên hay tạo tác. Cũng như là con nước của một dòng sông lớn chảy liên tục không gián đoạn, miễn là chúng ta là chúng sanh hữu tình, thì dòng chảy không ngừng của khởi tưởng trong tâm biểu hiện. Mặt khác, khi giác ngộ đạt được, có sự hiện diện bất tận của hai loại trí huệ: trí huệ bản thể học về bản tánh thực sự của thực tại và trí huệ mang tánh hiện tượng học về bản tánh của thế giới hiện tượng. Những tư tưởng không được xác định từ nguyên thuỷ, chúng không có nền tảng trong thực tại, và do đó, bám chấp vào chúng là không thích hợp. Tất cả những hiểu hiện của sanh tử và niết bàn và tất cả những hiện tướng của các cõi bất tịnh và thanh tịnh là tự biểu hiện. Tất cả những dấu hiệu biểu hiện một cách tự nhiên và cũng, một cách tự nhiên, biến mất theo cách riêng của chúng, giống như những đám mây trên bầu trời.

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan