SỰ NHÂN LÝ MÀ THÀNH LẬP, LÝ NHÂN SỰ MÀ TỎ BÀY - VẠN THIỆN ĐỒNG QUY TẬP – QUYỂN 1

SỰ NHÂN LÝ MÀ THÀNH LẬP, LÝ NHÂN SỰ MÀ TỎ BÀY

VẠN THIỆN ĐỒNG QUY TẬP – QUYỂN 1

THIỀN SƯ VĨNH MINH DIÊN THỌ (904-975)

-----o0o-----

“Nhất tâm bao hàm vạn pháp, không chỉ một niệm quán tưởng Phật phát xuất từ tâm mình, ngay cả vạn hạnh Bồ Tát, Thể và Dụng của quả Phật cũng đều không rời tâm, đồng thời cũng đều do tâm này mà phá trừ sự sai lầm vọng chấp”.
SỰ NHÂN LÝ MÀ THÀNH LẬP, LÝ NHÂN SỰ MÀ TỎ BÀY - VẠN THIỆN ĐỒNG QUY TẬP – QUYỂN 1

Phàm làm những việc lành đều trở về Thật tướng, như hư không dung nạp tất cả, như mặt đất sinh trưởng vạn vật. Thế nên chỉ cần khế hợp với Nhất như, tự nhiên bao hàm mọi công đức.

Song, chẳng động bản thể mà vạn hạnh vẫn thường hưng khởi, chẳng hủy hoại duyên sanh mà pháp giới hằng hiện. Lặng lẽ chẳng trở ngại động dụng; Tục chẳng trái ngược với Chân. Xét Có và Không đồng nhau, một mé bình đẳng.

Do đó Vạn pháp Duy Tâm, cần phải thực hành Lục độ rộng rãi, không nên ngồi không giữ cái ngu làm ngưng trệ sự chân tu.

Nếu muốn thực hành vạn hạnh thì rốt cuộc vẫn phải dựa vào Lý và Sự. Lý và Sự vô ngại, đạo ở ngay trong ấy. Được như vậy, mình và người đều được lợi ích, từ đó tròn đầy lòng Từ Bi Đồng Thể, lại bao quát trước sau, thành tựu hạnh vô tận.

Nếu nói về quan hệ của Lý và Sự thì ý chỉ sâu xa khó tưởng tận. Xét kỹ thì chẳng phải “một” cũng chẳng phải “khác”.

Do đó lý thật tánh và sự tướng giả dối lực dụng qua lại, mở ra và đóng lại đồng thời. Bản thể cùng khắp chẳng có sự sai biệt nhưng vết tích năng và sở dường như khác nhau.

Sự nhân Lý mà thành lập, chẳng ẩn Lý mà thành tựu Sự. Lý nhân Sự mà tỏ bày, chẳng hủy hoại Sự mà hiển bày Lý. Hỗ trợ nhau thì cả hai được thành lập; thâu nhiếp nhau thì đều trở về nơi không. Sự ẩn và hiển của Lý-Sự, khiến cả hai làm thành lẫn nhau; mà sự vô ngại của chúng thì khiến đồng thời hiển hiện; bài xích và đoạt lấy lẫn nhau thì chẳng Có chẳng Không, tương tức tương thành thì chẳng thường chẳng đoạn.

Nếu rời Sự mà suy xét Lý thì rơi vào cái ngu của hàng Thanh Văn. Nếu rời Lý mà thực hành Sự thì đồng với kiến chấp của phàm phu.

Nên biết, rời Lý không có Sự, bởi vì toàn nước là sóng; rời Sự không có Lý bởi vì toàn sóng là nước. Nhưng Lý cũng chẳng phải là Sự, bởi vì sự dao động và tánh ướt chẳng đồng nhau. Sự cũng chẳng phải là Lý, bởi vì năng và sở khác biệt. Phủ định Lý, phủ định Sự thì Chân đế và Tục đế đều không; khẳng định Lý khẳng định Sự thì Nhị đế hằng được xác lập. Soi chiếu cả hai thì đều giả dối mà huyễn tướng vẫn tồn tại rõ ràng; phá dẹp cả hai thì tức là rỗng không tiêu dung lặng lẽ. Đã chẳng phải Không, chẳng phải Giả thì Trung đạo thường tỏ sáng. Chẳng động nhân duyên thì đâu tổn hại đến Lý thể.

Do đó, Bồ Tát dùng Vô sở đắc làm phương tiện. Dù ở trong Có chẳng trái với Không, y cứ vào Thật tế phát khởi môn hóa độ; thực hành Chân mà chẳng chướng ngại Tục.

Bồ Tát luôn thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, chẳng mờ tối ánh sáng tự tâm, mây từ bi bủa giăng, biển vạn hạnh dậy sóng ba đào. Do đó, ở trong trần lao mà dung thông vô ngại, tự tại tùy duyên; tất cả việc làm đều là Phật sự. Thế nên kinh Bát Nhã nói: “Nhất tâm đầy đủ Vạn hạnh”.

Kinh Hoa Nghiêm nói:

“Trưởng giả Giải Thoát bảo đồng tử Thiện Tài:

Ta muốn thấy Phật A Di Đà ở thế giới An Lạc liền được thấy theo ý muốn. Không chỉ Phật A Di Đà mà cho đến tất cả chư Phật mười phương cũng đều có thể thấy từ tâm mình.

Thiện nam tử! Nên biết, Bồ Tát tu tất cả các pháp của chư Phật, làm thanh tịnh các cõi Phật, tích lũy hạnh cao đẹp, điều phục chúng sanh, phát thệ nguyện lớn, tất cả những việc trên đều phát xuất từ tự tâm.

Thế nên thiện nam tử! Nên dùng pháp lành trợ giúp tâm mình, nên dùng nước pháp thấm nhuần tâm mình, nên dùng cảnh giới sửa trị thanh tịnh tâm mình, nên dùng hạnh tinh tấn làm vững chắc tâm mình, nên dùng trí huệ làm sáng suốt tâm mình, nên dùng sự tự tại của Phật để khai phát tâm mình, nên dùng Thập lực của Phật để soi xét tâm mình”.

Bậc Cao đức thuở xưa giải thích rằng:

“Nhất tâm bao hàm vạn pháp, không chỉ một niệm quán tưởng Phật phát xuất từ tâm mình, ngay cả vạn hạnh Bồ Tát, Thể và Dụng của quả Phật cũng đều không rời tâm, đồng thời cũng đều do tâm này mà phá trừ sự sai lầm vọng chấp”.

-----o0o-----

Trích “Vạn thiện đồng quy tập”

Tác giả: Vĩnh Minh Diên Thọ

Người dịch: Thích Minh Thành

NXB Tôn Giáo

Bài viết liên quan