SỰ SANH KHỞI VÀ NHÂN QUẢ CỦA SÁU NẺO LUÂN HỒI - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI- ĐƯƠNG ĐẠO

SỰ SANH KHỞI VÀ NHÂN QUẢ CỦA SÁU NẺO LUÂN HỒI

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Lúc chết thì những việc thiện ác trong một đời hiện ra, và tùy theo chất lượng đã sống như thế nào, tưởng và tình nặng nhẹ thế nào thì theo đó mà sanh ra nơi chỗ tương ứng. Nghiệp tưởng nhiều thì bay lên, nghiệp tình nhiều thì rớt xuống.
SỰ SANH KHỞI VÀ NHÂN QUẢ CỦA SÁU NẺO LUÂN HỒI - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI- ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính mà bạch Phật rằng: Đại oai đức Thế Tôn, từ âm không che ngại, khéo khai thị những mê lầm sâu kín nhỏ nhiệm của chúng sanh, khiến cho con ngày nay thân tâm khoan khoái rỗng rang, được lợi ích lớn.

Bạch Thế Tôn, cái Chân Tâm sáng sạch diệu mầu này bổn lai toàn khắp viên mãn như thế cho đến đất đai, cỏ cây, các loài máy động vốn nguyên là Chân Như, tức là chân thể thành Phật của Như Lai. Nếu thể Phật vốn chân thực như thế thì cớ sao lại có các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, tu la, người, trời. Bạch Thế Tôn các đường ấy là bổn lai tự có hay do tập khí hư vọng của chúng sanh sanh khởi?

Bạch Thế Tôn, như Tỳ kheo ni Bảo Liên Hương giữ giới Bồ tát lén làm việc dâm dục, lại nói càn rằng hành dâm chẳng phải sát sanh, chẳng phải trộm cắp, không có nghiệp báo. Nói ra lời ấy rồi, trước hết từ nơi nữ căn sanh ra ngọn lửa lớn, sau nơi mỗi mỗi đốt xương đều bị lửa đốt cháy, đọa địa ngục Vô gián.

Như đại vương Lưu Ly và Tỳ kheo Thiện Tinh vì giết hại họ hàng Cù Đàm. Thiện Tinh vì nói càn tất cả pháp đều rỗng không mà thân đang sống phải đọa vào ngục A tỳ.

Các địa ngục đó là có chỗ nhất định hay là tự nhiên, mà khi các người kia gây ra nghiệp thì mỗi người mỗi riêng chịu?

Cúi mong Phật rủ lòng đại từ, khai thị cho kẻ non dại, khiến cho tất cả chúng sanh trì giới nghe nghĩa quyết định, hoan hỷ kính cẩn giữ gìn không phạm.

 

Ngài A Nan hỏi về những nghiệp tạo thành các cõi như thế nào, tại sao cõi thì chung mà mỗi người chịu nghiệp báo riêng?

Việc tạo thành thế giới là do vọng tưởng kết thành, “do minh mà lập sở đối đãi lẫn nhau, nổi lên làm thành thế giới, tịch lặng thì thành hư không, hư không là đồng, thế giới là khác”.

Nghiệp là từ tâm ý khởi sanh rồi ra khẩu, ra thân. Nghiệp nặng thì đọa vào các cõi thấp, nghiệp nhẹ thì làm trời, người.

“Cái Chân Tâm sáng sạch diệu mầu này bổn lai toàn khắp viên mãn như thế, cho đến đất đai, cỏ cây các loài máy động vốn nguyên là Chân Như, tức là chân thể thành Phật của Như Lai”: Tâm ta vốn bình thường như thế, còn nếu sanh một niệm nào tương ứng với một trong sáu loài bèn đã gieo nhân vào loài ấy.      

Cùng một gốc là Như Lai tạng diệu chân như tánh, nhưng tùy tâm ý mà biến hiện ra cõi tốt cõi xấu. Để cải thiện nghiệp thì hãy cải thiện tâm ý. Để hết nghiệp thì hãy tìm nơi tâm ý.

 

Phật bảo A Nan: Hay thay, lời hỏi đó, khiến cho chúng sanh chẳng mắc vào tà kiến. Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông nói.

A Nan, tất cả chúng sanh thật vốn là chân tịnh, nhân những vọng kiến của họ mà có các thói quen tích tập hư vọng sanh ra, nhân đó mà chia ra phần trong và phần ngoài.

A Nan, phần trong tức là trong phần của chúng sanh. Nhân các ái nhiễm phát khởi vọng tình, tình tích chứa không ngừng thì sanh ra nước ái. Bởi thế chúng sanh hễ tâm nhớ đến thức ăn ngon thì trong miệng chảy nước bọt; tâm nghĩ đến người trước, hoặc thương hoặc giận thì nước mắt chảy ra; tham cầu của báu thì tâm phát ra nước ái cả mình đều trơn nóng; tâm đắm trước hành dâm thì hai căn nam nữ tự nhiên nước dịch khí chảy ra.

A Nan, các ái tuy có khác nhau, nhưng kết quả chảy nước là đồng, thấm ướt không bốc lên được, tự nhiên theo đó mà rơi xuống, đó gọi là phần trong.

A Nan, phần ngoài tức là ngoài phần của chúng sanh. Nhân các khao khát mà phát sanh ra những tưởng hư vọng. Tưởng tích chứa không ngừng thì sanh ra các khí. Bởi thế chúng sanh tâm giữ giới cấm thì cả thân thể nhẹ nhàng thanh thoát. Tâm giữ chú ấn thì mắt nhìn hùng dũng, uy nghiêm. Tâm muốn sanh lên cõi trời thì chiêm bao thấy bay lên; tâm để nơi cõi Phật thì cảnh thánh thầm hiện. Phụng thờ thiện tri thức thì tự xem thân mạng là nhẹ.

A Nan, các tưởng tuy khác nhau, nhưng sự nhẹ nhàng cất lên thì đồng, cất bay lên không chìm xuống, tự nhiên vượt lên, đó gọi là phần ngoài.

 

Tất cả chúng sanh thật vốn là chân tịnh, mà do các thói quen tích tập hư vọng sanh ra. Tích tập tình thì sanh ra nước chảy xuống, gọi là phần trong. Tích tập tưởng thì sanh ra khí bốc lên, gọi là phần ngoài. Nghiệp tình thì chảy xuống, nghiệp tưởng thì bay lên.

Còn không tình, không tưởng thì đây là chân thể thành Phật của Như Lai.

 

A Nan, hết thảy thế gian sống chết nối nhau, sanh là do thuận theo thói quen tích tập, tử thì theo sự đổi dòng. Lúc mạng chung chưa hết hơi nóng thì thiện ác một đời cùng lúc hiện ra. Cái nghịch của chết cái thuận của sống, hai tập khí giao nhau.

Thuần là tưởng thì bay lên, hẳn là sanh lên các cõi trời. Nếu trong tâm bay lên ấy gồm có phước đức và trí huệ cùng với nguyện thanh tịnh, thì tự nhiên tâm mở tỏ, thấy tất cả Tịnh độ của mười phương chư Phật, rồi tùy nguyện mà vãng sanh.

Tình ít, tưởng nhiều thì cất lên chẳng xa mà làm các loài phi tiên, đại lực quỷ vương, phi hành dạ xoa, địa hành la sát, dạo trong bốn cõi trời không bị ngăn ngại. Trong số đó nếu có thiện tâm thiện nguyện ủng hộ Phật pháp, hoặc ủng hộ giới cấm thì theo người trì giới, hoặc ủng hộ thần chú thì theo người trì chú, hoặc ủng hộ thiền định thì giữ yên pháp nhẫn, hết thảy hạng ấy đều được gần gủi dưới pháp tòa của Như Lai.

Tình và tưởng ngang nhau thì không bay lên, không rơi xuống, nên sanh nơi cõi người. Tưởng sáng thì thông minh, tình tối thì ngu độn.

Tình nhiều tưởng ít thì trôi dạt vào loài cầm thú; nặng thì làm loài mang lông, nhẹ thì làm loài có cánh.

Bảy phần tình ba phần tưởng thì chìm xuống thủy luân, sanh nơi mé hỏa luân, thọ khí phần của lửa mạnh, thân làm ngạ quỷ, thường bị thiêu đốt, vì nước có thể làm hại mình nên trải trăm ngàn kiếp không ăn không uống.

Chín phần tình một phần tưởng thì chìm xuống hỏa luân, thân đi vào ranh giới giao nhau của phong luân và hỏa luân, nhẹ thì sanh vào địa ngục hữu gián, nặng thì sanh vào địa ngục vô gián.

Thuần là tình thì chìm sâu vào địa ngục A tỳ. Nếu trong tâm chìm đắm ấy mà có sự hủy báng Đại thừa, phá cấm giới của Phật, cuồng vọng thuyết pháp tham cầu của tín thí, lạm nhận sự cung kính hoặc phạm ngũ nghịch thập trọng thì lại sanh vào địa ngục A tỳ trong mười phương.

Theo nghiệp ác đã tạo, tuy tự chuốc lấy quả báo, nhưng trong chúng đồng phận vẫn có chỗ sẳn.

 

Lúc chết thì những việc thiện ác trong một đời hiện ra, và tùy theo chất lượng đã sống như thế nào, tưởng và tình nặng nhẹ thế nào thì theo đó mà sanh ra nơi chỗ tương ứng. Nghiệp tưởng nhiều thì bay lên, nghiệp tình nhiều thì rớt xuống.

Thuần là tưởng thì bay lên, nếu tâm ấy gồm cả phước đức và trí huệ và nguyện thanh tịnh thì thấy các cõi Tịnh độ của mười phương chư Phật rồi tùy nguyện mà vãng sanh. Đây là cái chết tốt nhất.

Rồi cứ tùy theo nghiệp tưởng nghiệp tình mà xuống lần lần. Tưởng nhiều tình ít thì làm các loài thần hộ pháp. Tưởng và tình ngang nhau thì làm người.

Tình nhiều tưởng ít thì bắt đầu xuống ba đường xấu mà cuối cùng là các địa ngục.

Cho nên muốn tiến hóa lên đến đâu thì phải tạo nhân ngay lúc này. Cuộc đời trần gian rồi chẳng mang theo được một đồng xu, cái mang theo là nghiệp tưởng và nghiệp tình để sanh vào nơi khác.

Các địa ngục là cái có sẳn trước khi chúng ta ra đời, vì đó là cộng nghiệp của các chúng sanh tạo nghiệp địa ngục. Còn sanh về đó hay không là do biệt nghiệp tưởng tình của mỗi chúng sanh. Không ai có thể bắt chúng ta về đó nếu chúng ta không có nghiệp tương ứng với chỗ đó.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan