SỰ THỰC HÀNH CHÍNH YẾU LÀ TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM - CON ĐƯỜNG CĂN BẢN ĐẾN GIÁC NGỘ - CHOGYAM TRUNGPA

SỰ THỰC HÀNH CHÍNH YẾU LÀ TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM

CON ĐƯỜNG CĂN BẢN ĐẾN GIÁC NGỘ - CHOGYAM TRUNGPA

–––––o0o–––––

Với sự hiểu biết này, chúng ta có thể bắt đầu trải rộng cảm thức không gây hấn và không bất mãn, không giận dữ và không thù ghét vượt khỏi sự cảm kích chỉ riêng với người mẹ của chúng ta. Điều này liên hệ với trì giới ba la mật, nó thì thoát khỏi sự say mê và trong đó liên hệ với sự cho đi. Theo truyền thống, chúng ta dùng bà mẹ chúng ta như một thí dụ kiểu mẫu và rồi...
SỰ THỰC HÀNH CHÍNH YẾU LÀ TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM - CON ĐƯỜNG CĂN BẢN ĐẾN GIÁC NGỘ - CHOGYAM TRUNGPA

SỰ THỰC HÀNH CHÍNH YẾU LÀ TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM

CON ĐƯỜNG CĂN BẢN ĐẾN GIÁC NGỘ - CHOGYAM TRUNGPA

–––––o0o–––––

BỒ ĐỀ TÂM TỐI HẬU VÀ TƯƠNG ĐỐI

Bồ đề tâm Tối hậu và Bố thí ba la mật

Nguyên lý Bồ đề tâm tối hậu hay tuyệt đối được căn cứ trên sự phát triển của bố thí ba la mật, nó được tượng trưng bằng viên ngọc như ý. Danh từ Tây Tạng để chỉ sự bố thí là jinpa, có nghĩa là “cho”, “mở ra”, hay “chia phần”. Thế nên ý niệm bố thí không có nghĩa là nắm giữ lại mà cho đi thường trực. Bố thí, rộng lượng là rỗng không tự hữu, rỗng không toàn triệt. Bạn không lệ thuộc nữa vào việc nuôi dưỡng kế hoạch hay dự định của mình. Và cách tốt nhất để tự mở mình trống không là làm bạn với chính mình và với những người khác.

Theo truyền thống, có ba loại bố thí. Loại thứ nhất là bố thí bình thường, cho những tài vật, hay cung cấp những hoàn cảnh thuận lợi cho những người khác. Loại thứ hai là cho sự không sợ hãi. Bạn làm những người khác yên tâm và dạy cho họ rằng họ không phải dằn vặt và bứt rứt hoàn toàn vì cuộc đời của họ. Bạn giúp họ thấy rằng có lòng tốt nền tảng và thực hành tâm linh, rằng có một cách thức để duy trì cuộc đời họ. Đó là sự trao tặng cái không sợ hãi. Loại bố thí thứ ba là cho giáo pháp. Bạn chỉ cho những người khác rằng có một con đường dựa vào giới, định, huệ. Qua cả ba loại bố thí này, bạn có thể mở trống tâm thức của người ta. Theo cách đó sự đóng kín, khốn khổ và tư tưởng nhỏ hẹp của họ có thể chuyển thành một cái nhìn rộng lớn hơn.

Nói chung đó là cái nhìn căn bản của đại thừa : làm cho người ta nghĩ lớn lao hơn, vĩ đại hơn. Chúng ta có thể mở trống chính mình và nối kết với phần còn lại của thế giới bằng một cảm thức rộng lượng bao la và giàu có bao la. Chúng ta càng cho đi, chúng ta càng có được – dù cái chúng ta có thể được không phải là lý do cho việc ban bố của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta càng cho đi, chúng ta càng được cảm hứng để cho đi thường trực. Và luôn luôn tiến trình “có được” xảy ra một cách tự nhiên, tự động.

Cái trái ngược với bố thí là keo kiệt, giữ lại – có một tâm thái nghèo nàn, căn bản có thể nói như vậy. Nguyên lý nền tảng của những châm ngôn về Bồ đề tâm tối hậu là an trụ trong thức thứ tám hay alaya, và không chạy theo những tư tưởng lan man của chúng ta. Alaya là một từ Sanskrit có nghĩa là “căn cứ”, hay đôi khi “chỗ trú ngụ”, hay “nhà”, như trong chữ Himalaya, “nơi trú ngụ của tuyết”. Thế nên nó có ý niệm là một dãy núi bao la. Alaya là trạng thái nền tảng của ý thức, trước khi phân biệt thành “ta” và “người”, hay thành những thứ thức tình phiền não khác. Nó là nền tảng căn bản nơi sự vật diễn tiến, nơi sự vật hiện hữu. Để an trụ trong bản tánh của alaya, bạn cần vượt qua thái độ nghèo nàn của bạn và chứng ngộ rằng alaya của bạn thì tốt đẹp, thiện tâm như alaya của bất cứ ai khác. Bạn có một cảm thức của sự giàu có sung mãn và tự đầy đủ. Bạn có thể thực hiện điều đó, và bạn cũng có thể cho ra. Và những châm ngôn Bồ đề tâm tối hậu (châm ngôn 2-6) là những điểm quy chiếu căn bản qua đó chúng ta sắp tự mình làm quen với Bồ đề tâm tối hậu.

Bồ đề tâm tối hậu tương tự với nguyên lý tánh Không (shunyata) tuyệt đối. Và bất cứ nơi nào có nguyên lý tánh Không tuyệt đối, chúng ta cũng đồng thời có một thấu hiểu căn bản về đại bi tuyệt đối. Shunyata nghĩa đen là “rỗng rang” hay “trống không”. Tánh Không căn bản là sự thấu hiểu vô tự tánh. Khi bạn bắt đầu chứng nghiệm không thực hữu, vô tự tánh, bấy giờ bạn có đủ bi mẫn hơn, rộng lượng hơn. Một vấn đề là chúng ta luôn luôn muốn bám giữ vào lãnh địa của chúng ta và trụ vào mảnh đất riêng biệt đó. Một khi chúng ta bắt đầu trụ bám vào mảnh đất ấy, chúng ta không có đường nào để cho đi. Thấu hiểu tánh Không nghĩa là chúng ta bắt đầu chứng nghiệm rằng không có mảnh đất nào để nắm, rằng chúng ta rốt ráo tự do, không hiếu chiến, rỗng rang vô ngại. Chúng ta chứng ngộ rằng chính chúng ta thực sự là vô tự tánh, không thực hữu. Chúng ta không là – mà hơn nữa, không.(1) Bấy giờ chúng ta có thể cho đi. Chúng ta có phần để được và không có gì để mất ở điểm này. Điều này rất căn bản.

Lòng bi căn cứ trên một cảm thức nào đó về “điểm mềm yếu” trong chúng ta. Như thể là chúng ta có một mụt nhọt trên thân rất nhức nhối – đến nỗi chúng ta không muốn chà xát hay gãi nó. Khi tắm rửa chúng ta không muốn xát xà phòng lên đó vì nó đau. Có một điểm nhức nhối hay điểm mềm yếu gây đau đớn khi chà xát, khi dội nước nóng hay lạnh lên.

Điểm nhức nhối trên thân thể chúng ta là một cái tương tự với lòng bi. Tại sao ? Bởi vì ngay giữa sự hiếu chiến lớn lao, sự vô cảm hay lười biếng trong đời sống chúng ta, chúng ta luôn luôn có một điểm mềm yếu, một điểm nào đó mà chúng ta có thể nuôi dưỡng – hay ít nhất không làm tổn thương. Mỗi con người đều có loại điểm mềm yếu căn bản này, cả thú vật cũng thế. Dầu chúng ta điên, ngốc, hung bạo, trói buộc trong cái ta, dầu chúng ta có là gì, vẫn có điểm mềm yếu này trong chúng ta. Một vết thương mở, đó có thể là một ví von sống động hơn, luôn luôn ở đó. Cái vết thương mở này thường xuyên rất bất tiện và gây vấn đề. Chúng ta không thích nó. Chúng ta muốn được cứng chắc. Chúng ta thích chiến đấu, mạnh mẽ, thế nên chúng ta không muốn phải bảo vệ bất cứ mặt nào của bản thân chúng ta. Chúng ta muốn tấn công kẻ thù chúng ta ngay tại chỗ, đơn thương độc mã. Chúng ta thích đặt những ý đồ của chúng ta lên bất kỳ người nào một cách hoàn toàn, đến nỗi chúng ta không che dấu cái gì. Thế đấy, nếu có ai định đánh chúng ta ở sau lưng, chúng ta sẽ không bị thương đâu. Và hy vọng rằng, không có ai đánh chúng ta vào điểm mềm yếu ấy, vào vết thương trong chúng ta. Tư chất căn bản của chúng ta, những cấu tạo căn bản của tâm thức chúng ta, được đặt nền đồng thời trên sự đam mê (passion) và lòng bi (compassion). Nhưng dù chúng ta có lầm lạc bao nhiêu, dầu có là một con quái vật vũ trụ bao nhiêu, vẫn luôn luôn có một vết thương mở hay một điểm mềm yếu trong chúng ta. Sẽ luôn luôn có một điểm mềm yếu.

Đôi khi người ta diễn dịch điểm mềm yếu hay vết thương mở này là “niềm tin tôn giáo” hay “kinh nghiệm thần bí”. Nhưng chúng ta hãy dẹp chuyện đó đi. Nó không liên quan gì đến Phật giáo, với Thiên Chúa giáo, và hơn nữa chẳng liên quan gì đến bất cứ thứ gì khác. Nó chỉ là một vết thương mở, đích thị chỉ là một vết thương mở. Điều này rất tốt đẹp – ít nhất là chúng ta có thể bị chạm đến ở một chỗ nào đó. Chúng ta không hoàn toàn bao phủ bởi một cái áo giáp trong mọi lúc. Thật là một sự an ủi ! Cám ơn cuộc đời !

Vì điểm mềm yếu riêng biệt này, dầu nếu chúng ta là một con quái vật vũ trụ – Mussolini hay Hitler – chúng ta cũng còn có thể biết yêu. Chúng ta còn có thể cảm kích với cái đẹp, nghệ thuật, thơ ca, hay âm nhạc. Phần còn lại của chúng ta có thể bao phủ với những tấm mộc bằng sắt, nhưng cái điểm mềm yếu nào đó luôn luôn hiện diện trong chúng ta, thật kỳ quái. Điểm mềm yếu đó được xem là lòng bi trứng nước, lòng bi tiềm thể. Ít nhất chúng ta có một loại kẽ hở nào đó, một sự không thống nhất nào đó trong hiện thể của chúng ta nó cho phép sự minh mẫn căn bản chiếu xuyên qua.

Cấp độ minh mẫn của chúng ta có thể rất là sơ khai. Điểm mềm yếu của chúng ta có thể chỉ là yêu thích món bánh bột hay cà ri. Nhưng thế là đủ tốt rồi. Chúng ta có một cách mở rộng nào đó rồi. Bất kể là yêu thích cái gì, thì bao giờ vẫn có một điểm mềm yếu, một vết thương mở. Thế là tốt. Đó là nơi tất cả mầm mống có thể mọc lên và chiếm hữu chúng ta và ảnh hưởng hệ thống của chúng ta. Chắc chắn thái độ bi mẫn xảy ra tương tự như vậy.

Không chỉ thế, mà cũng còn một vết thương bên trong, nó gọi là như lai tạng, hay Phật tánh. Như lai tạng giống như một trái tim bị cắt lát và tổn thương bởi trí huệ và đại bi. Khi vết thương bên ngoài và vết thương bên trong bắt đầu gặp gỡ và tiếp thông với nhau, bấy giờ chúng ta bắt đầu thấu hiểu rằng toàn thể con người chúng ta hoàn toàn được tạo từ một điểm mềm yếu trọn vẹn, cái được gọi là “cơn sốt Bồ tát”. Sự có thể bị tổn thương này là lòng bi. Chúng ta không còn cách gì để tự bảo vệ mình nữa. Một vết thương khổng lồ bao trùm khắp vũ trụ – một vết thương bên trong và một vết thương bên ngoài đồng thời. Cả hai nhạy cảm với không khí lạnh, nóng và những xáo trộn nhỏ của khí hậu bắt đầu ảnh hưởng lên chúng ta cả bên trong lẫn bên ngoài. Đó là ngọn lửa sống động của tình thương, nếu bạn muốn gọi như thế. Nhưng chúng ta cần rất cẩn thận với cái chúng ta gọi là tình thương. Tình thương là gì ? Chúng ta có biết tình thương không ? Đó là một chữ mơ hồ. Trong trường hợp này thậm chí chúng ta không gọi nó là tình thương. Trước tuổi dậy thì không ai có cảm thức nào về dục tính hay những chuyện yêu đương. Cũng thế, bởi vì chúng ta chưa thâm nhập để hiểu biết điểm mềm yếu của chúng ta là cái gì, chúng ta không thể nói về tình thương. Hình như quá vĩ đại để nói về lòng bi. Có vẻ kỳ lạ, nhưng thật sự không thể nói về tình thương, nó rất là trọng đại. Lòng bi (compassion) là một loại say mê (passion), say mê chung nhau (com-passion), cũng khá dễ hiểu.

Có một kẽ hở trong da chúng ta, một vết thương. Theo một nghĩa nào, nó rất khắc nghiệt, nhưng trái lại nó rất dịu dàng. Ý định thì dịu dàng, nhưng sự thực hành thì rất khắc nghiệt. Bằng cách phối hợp ý định và thực hành, bạn vừa là “khắc nghiệt” và cũng vừa “dịu dàng”, có thể nói như thế. Đó là cái làm cho bạn thành một bồ tát. Bạn phải đi qua loại tiến trình này. Bạn phải nhảy vào hỗn hợp đó. Bạn cần phải làm thế. Đích thực nhảy vào hỗn hợp và làm việc với nó. Bấy giờ bạn bắt đầu cảm thấy bạn bơi trong hỗn hợp. Thậm chí bạn có thể hưởng thụ nó một ít, sau khi bạn tiến bộ. Thế nên một thấu hiểu thực sự về Bồ đề tâm tối hậu chỉ đến từ lòng bi. Nói cách khác, một kết luận thuần lý luận, nghề nghiệp hay khoa học không đem bạn đến đó được. Năm châm ngôn về Bồ đề tâm tối hậu là những bước hướng đến một đường lối bi mẫn.

Phần đông các bạn, thật đáng choáng váng, thì không hề bi mẫn. Bạn không cứu cho bà nội khỏi chết đuối và bạn không cứu cho con chó cưng khỏi bị giết. Bởi thế chúng ta phải xuyên qua chủ đề lòng bi này. Lòng bi là một chủ đề rất đỗi rộng lớn, một chủ đề rộng lớn phi thường, bao gồm làm sao để là bi mẫn. Và thực ra, Bồ đề tâm tối hậu là sự chuẩn bị cho Bồ đề tâm tương đối. Trước khi chúng ta trau dồi lòng bi, trước tiên chúng ta cần hiểu làm thế nào để là, để hiện hữu một cách chính đáng. Làm sao để thương yêu bà của bạn và làm sao để thương yêu con ruồi con muỗi của bạn – chuyện đó đến sau. Phương diện tương đối của lòng bi đến về sau. Nếu chúng ta không có một thấu hiểu về Bồ đề tâm tối hậu, thì chúng ta không có hiểu biết nào về căn cứ hoạt động thực sự của lòng bi và lòng tốt với người nào khác. Chúng ta chỉ vào hội chữ thập đỏ và làm hại chính chúng ta và tạo thêm bậy bạ.

Theo truyền thống đại thừa, chúng ta được biết rằng chúng ta có thể thực sự hưng khởi hai loại Bồ đề tâm : Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tối hậu. Chúng ta có thể hưng khởi cả hai cái đó. Bấy giờ, đã phát Bồ đề tâm, chúng ta có thể tiếp tục đi xa hơn và thực hành theo gương mẫu bồ tát. Chúng ta có thể là những bồ tát sống.

Để phát khởi Bồ đề tâm tối hậu hay tuyệt đối, chúng ta phải kết hợp shamatha (chỉ) và vipashyana (quán) với nhau. Đã khai triển sự vững chắc nền tảng của shamatha và sự tỉnh giác toàn bộ của vipashyana, chúng ta đặt chúng song hành để cho chúng bao trùm toàn bộ đời sống của chúng ta – những khuôn khổ thái độ và cuộc sống hàng ngày của chúng ta – tất cả mọi thứ. Theo cách đó, trong cả thực hành thiền định và sau thiền định, chánh niệm và tỉnh giác xảy ra đồng thời, luôn luôn trong mọi lúc. Hoặc ngủ hay thức, ăn hay đi, sự vững chắc và tỉnh giác luôn luôn có mặt. Đấy hoàn toàn là một kinh nghiệm thích thú.

Vượt khỏi sự thích thú ấy, chúng ta cũng nhằm khai triển một cảm thức là bạn bè với tất cả mọi sự vật. Có thể nói mức độ ban đầu đã được vượt qua bằng chánh niệm và tỉnh giác. Thay vào đó là một ý niệm về thiện tâm, cái tốt nền tảng, nó được diễn tả trong các bản văn Kadam như là đức hạnh tự nhiên của alaya. Đây là một điểm quan trọng để chúng ta hiểu. Alaya là trạng thái căn bản của hiện hữu, hay của tâm thức, trước khi nó phân chia thành “tôi” và “người khác”, hay thành những thức tình đủ loại. Nó là nền tảng nơi mọi sự vật diễn tiến, nơi mọi sự vật hiện hữu. Và trạng thái căn bản của nó, hay cách thức tự nhiên của nó, là cái tốt, cái thiện. Nó rất nhân đức. Có một trạng thái căn bản của hiện hữu nó vốn thiện và chúng ta có thể nương dựa vào. Đó là chỗ để thư giãn, chỗ để chúng ta mở bung chính chúng ta. Chúng ta có thể làm bạn với chính chúng ta và với những người khác. Đó là đức hạnh nền tảng hay thiện tâm căn bản, và nó là căn cứ của Bồ đề tâm tuyệt đối.

Một khi chúng ta đã được cảm ứng bởi sự vững chắc của shamatha và sự tỉnh thức của vipashyana, chúng ta tìm thấy rằng có cái chỗ, nó cho chúng ta khả tính của sự ngây thơ chân thật toàn diện, theo nghĩa tích cực. Ngây thơ trong tiếng Tây Tạng là pak-yang, nó có nghĩa là “vô tư” hay thả lỏng. Chúng ta có thể vô tư với tính thiện căn bản của chúng ta. Chúng ta không phải toàn tâm thăm dò, truy tìm cho chắc rằng không có muỗi mòng hay trứng côn trùng trong alaya của chúng ta. Cái thiện căn bản của alaya có thể trau dồi, nuôi dưỡng và tiếp xúc với một cách hoàn toàn tự nhiên và tự do, theo một cách thoải mái (pak-yang). Chúng ta có thể khai triển một cảm thức thảnh thơi và thoát khỏi khốn khổ – khỏi hẳn mê hồn trận của cái này-và-cái kia.

Bồ đề tâm tương đối và Trì giới Ba la mật

Điều ấy đưa chúng ta đến giai đoạn tiếp theo. Lại nữa, thay vì chỉ nhớ cấp độ lý thuyết, ý niệm, chúng ta trở lại cấp độ thực hành nhất. Trong đại thừa, quan tâm chính của chúng ta là làm sao đánh thức chính mình. Chúng ta bắt đầu hiểu rằng chúng ta không bị nguy hiểm như chúng ta nghĩ. Chúng ta phát triển ý niệm nào đó về lòng tốt hay maitri (từ), và đã phát triển từ, chúng ta bắt đầu chuyển qua karuna hay bi.

Sự khai triển của Bồ đề tâm tương đối liên hệ với trì giới Ba la mật. Có nói rằng nếu bạn không có giới luật, điều đó cũng như cố gắng đi mà không có chân. Giới trong tiếng Tây Tạng là tsušltrim : tsušl nghĩa là “thích đáng” và trim là “kỷ luật” hay “theo những điều luật”. Ý niệm căn bản của tsušltrim vượt khỏi chỉ riêng sự cho đi, nó nghĩa là có một hạnh kiểm tốt. Nó cũng có nghĩa là có cảm thức nào đó về không đam mê và không cục bộ. Tất cả các thứ đó liên hệ rất nhiều với Bồ đề tâm tương đối.

Bồ đề tâm tương đối đến từ kinh nghiệm đơn giản và căn bản thấu hiểu rằng bạn nên có một tấm lòng dịu dàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngay cả những con thú độc ác nhất cũng có lòng dịu dàng chăm sóc cho những đứa con nhỏ, hay chăm sóc cho chính mình. Từ sự tu hành căn bản shamatha-vipashyana của chúng ta, chúng ta bắt đầu thấu nghiệm tính thiện nền tảng của chúng ta và để mặc nó. Chúng ta bắt đầu ở trong bản tánh của alaya – theo một nghĩa nào, là không lo lắng, rất chất phác và bình thường, tùy tiện. Khi chúng ta tự mình để mặc, chúng ta bắt đầu có một cảm giác về đời sống tốt đẹp trong chúng ta. Điều ấy có thể được xem như ý niệm rất bình thường về sự vui thú. Tuy nhiên, khi chúng ta có những ý định tốt đối với chúng ta, điều ấy không có nghĩa cố gắng hoàn toàn thành cái gì đó – chúng ta chỉ cố gắng là chính mình. Như vẫn thường nói, chúng ta có thể như chúng ta vốn là. Ở điểm này chúng ta có một cảm thức tự nhiên rằng chúng ta có thể cho chính chúng ta sự tự do. Chúng ta có thể nghỉ ngơi. Chúng ta có thể đối xử với chính mình tốt hơn, tin chính mình hơn, và tự để mặc chính mình cảm nghiệm cái tốt đẹp. Cái tốt đẹp nền tảng của alaya thì luôn luôn ở đó. Chính cái cảm thức mạnh khỏe, vui tươi và sự chân chất này đem chúng ta đến sự chứng ngộ Bồ đề tâm tương đối.

Bồ đề tâm tương đối liên hệ với việc làm thế nào chúng ta bắt đầu học thương yêu lẫn nhau và chính mình. Đấy có vẻ là điểm căn bản. Rất khó cho chúng ta để học thương yêu. Chúng ta có thể thương yêu nếu một đối tượng hấp dẫn được trình diện cho chúng ta hay nếu có một loại mơ tưởng hứa hẹn nào được giới thiệu. Bấy giờ có lẽ chúng ta có thể học thương yêu. Nhưng rất khó cho chúng ta học thương yêu được nếu chỉ cho đi tình thương mà không mong có gì trao đổi lại. Rất khó làm điều đó. Khi chúng ta quyết định thương yêu ai, chúng ta thường hy vọng rằng người ấy sẽ đáp ứng mong muốn của chúng ta và phù hợp với sự tôn thờ thần tượng của chúng ta. Nếu những hy vọng của chúng ta có thể được đáp ứng, chúng ta có thể thương yêu. Thế nên trong hầu hết chuyện thương yêu, cái thường xảy ra là tình thương của chúng ta tuyệt đối có điều kiện. Nó là chuyện áp phe hơn là tình thương thật sự. Chúng ta không có ý niệm làm sao truyền thông một cảm thức ấm áp. Khi chúng ta bắt đầu truyền thông một cảm thức ấm áp cho người nào, điều này làm chúng ta rất căng thẳng bồn chồn. Và khi đối tượng của tình yêu của chúng ta cố gắng làm chúng ta vui sướng, nó trở thành một xúc phạm.

Đó là một đường lối rất hiếu chiến. Trong đại thừa, đặc biệt trong truyền thống tham thiền, tình thương và yêu mến căn cứ rộng rãi trên tình thương tự do, tình thương mở rộng không đòi hỏi cái gì đổi lại. Đấy là một cuộc khiêu vũ chung lẫn nhau. Ngay trong một cuộc khiêu vũ, nếu chân bạn có đạp lên ngón chân của người khác, điều ấy không thể xem là có vấn đề hay xúc phạm. Chúng ta không biểu lộ kiêu ngạo hay tự ái về chuyện đó. Học thương yêu, học mở ra trống rộng, là một trong những việc khó nhất của tất cả chúng ta. Chúng ta bị đam mê quy định, điều kiện hóa trong mọi lúc. Vì chúng ta ở trong cõi người, chú tâm chính hay đặc trưng của chúng ta là đam mê và tham dục trong mọi thời. Thế nên cái mà những giáo lý đại thừa dạy thì căn cứ trên sự tương thông, rỗng rang và không có những mong đợi.

Khi chúng ta bắt đầu chứng nghiệm rằng bản tánh của những hiện tượng là thoát khỏi ý niệm, trống không tự bản chất, rằng những cái ghế, cái bàn và thảm màn và tường vách không như thế nữa, bấy giờ chúng ta có thể mở rộng quan niệm về thương yêu một cách không cùng tận. Không có cái gì cả theo cách chúng ta thường nghĩ. Ý định đích thật của sự luận bàn về tánh Không là để cung cấp cho chúng ta cái tánh Không này, đến đỗi chúng ta có thể lấp đầy toàn thể không gian bằng một cảm thức thương yêu – tình thương không mong đợi, không đòi hỏi, không sở hữu. Đó là một trong những cái thần lực mạnh nhất mà đại thừa đã đóng góp.

Trái lại, những hành giả tiểu thừa thì rất say mê trong con đường cứu độ cá nhân mình, không làm hại những người khác. Họ có lý, thiện ý và rất lịch sự. Nhưng làm thế nào mà bạn có thể lịch sự và giữ mãi nụ cười hai mươi bốn tiếng một ngày trên nền của một sự giải thoát cho chỉ cá nhân, không làm gì cho những người khác ? Thứ gì bạn cũng luôn luôn làm cho chính mình, dù cho bạn có tốt bụng, dễ thương và lịch sự. Điều ấy rất là khó. Ở cấp độ đại thừa, cảm thức yêu mến và tình thương có nhiều chỗ – khoảng không và can đảm bao la. Không có thì giờ để tỏ lộ sạch sẽ, đứng đắn đặc biệt khi bạn phát sanh yêu mến.

Sự tương quan giữa một người mẹ và đứa con là ví dụ giống nhất được dùng trong việc phát triển thực hành Bồ đề tâm tương đối. Theo những truyền thống Ấn-Tạng thời trung cổ, cách thức trau dồi Bồ đề tâm tương đối là chọn bà mẹ của bạn như người kiểu mẫu trước tiên bạn cảm thấy mềm lòng. Bạn cảm thấy ấm áp và tốt lòng với mẹ bạn, đó là theo truyền thống. Trong xã hội hiện đại, điều đó có thể có vấn đề. Tuy nhiên bạn có thể trở về với quan niệm nguyên lý người mẹ. Bạn có thể cảm kích cách thức hy sinh sự thoải mái của riêng bà cho bạn. Bạn có thể nhớ bà thường thức dậy nửa đêm khi bạn khóc, thường cho ăn và thay tã và mọi thứ khác cho bạn như thế nào. Bạn có thể nhớ lại bạn đã hành động như một kẻ cai trị trong căn nhà nhỏ của bạn, và mẹ trở thành kẻ nô lệ của bạn như thế nào. Và khi lớn lên, bà rất quan tâm đến sự an toàn của bạn, giáo dục của bạn v.v... Thế nên để khai triển Bồ đề tâm tương đối, sự dịu dàng tỉnh thức tương đối, chúng ta dùng bà mẹ của chúng ta như một kiểu mẫu, như ánh sáng của người chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta nghĩ về bà và hiểu biết bà đã hy sinh cho chúng ta như thế nào. Lòng tốt của bà là thí dụ hoàn hảo của sự xem những người khác quan trọng hơn chính bạn.

Suy nghĩ về mẹ mình là sơ khởi của thực hành Bồ đề tâm tương đối. Bạn cần xem đó là điểm bắt đầu của bạn. Bạn có thể là một người đầy giận dữ và có một hận thù với toàn thể vũ trụ. Bạn có thể là một người hoàn toàn bất mãn. Nhưng bạn còn có thể nghĩ lại về thời thơ ấu và nghĩ đến bà mẹ bạn đã tốt với bạn như thế nào. Bạn có thể nghĩ đến điều đó, dù cho sự gây hấn và ghét hận của bạn. Bạn có thể nhớ rằng đã có một thời khi có người hy sinh đời bà vì đời bạn, và nuôi nấng bạn lớn lên thành người cho đến ngày nay.

Ý niệm Bồ đề tâm tương đối trong trường hợp này là rất sơ khai, theo một nghĩa nào đó. Ngược lại, nó cũng rất khai sáng, như Bồ đề tâm là vậy. Dù bạn có là người đầy giận dữ, bạn không thể nói rằng trong suốt đời bạn không có ai giúp đỡ mình. Có người nào đã tốt với bạn và hy sinh đời ông hay đời bà cho bạn. Nếu không có ai đã nuôi nấng bạn, bạn không thể lớn lên, trưởng thành. Bạn cần hiểu rằng không chỉ vì bắt buộc mà chính từ lòng chân thật mà mẹ bạn nuôi bạn lớn và chăm lo cho bạn khi bạn không ai giúp đỡ. Và nhờ đó mà bạn có mặt ở đây. Loại lòng bi này thì rất cụ thể và rất trực tiếp.

Với sự hiểu biết này, chúng ta có thể bắt đầu trải rộng cảm thức không gây hấn và không bất mãn, không giận dữ và không thù ghét vượt khỏi sự cảm kích chỉ riêng với người mẹ của chúng ta. Điều này liên hệ với trì giới ba la mật, nó thì thoát khỏi sự say mê và trong đó liên hệ với sự cho đi. Theo truyền thống, chúng ta dùng bà mẹ chúng ta như một thí dụ kiểu mẫu và rồi chúng ta trải rộng vượt khỏi điều đó đến những bạn bè và đến người khác nói chung. Cuối cùng, thậm chí chúng ta cố gắng cảm thấy tốt hơn với những kẻ thù của chúng ta, với những người chúng ta không ưa thích. Chúng ta cố gắng trải rộng cảm thức dịu dàng, nhu mì và biết ơn này. Chúng ta không đặc biệt nói về ý niệm bác ái Thiên Chúa giáo, chúng ta nói làm thế nào chúng ta thành nhu mì và biết điều hợp lý. Chúng ta đang nói làm sao chúng ta có thể kinh nghiệm một cảm thức biết ơn đối với bất kỳ ai, bắt đầu với bà mẹ chúng ta và vươn lên để cũng bao gồm cha chúng ta – tiếp tục như thế cho đến khi chúng ta bao gồm phần còn lại của thế giới. Thế nên cuối cùng chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy thiện cảm thậm chí cả với những con rệp và muỗi của chúng ta.

Điểm bắt đầu của thực hành Bồ đề tâm tương đối là thấu hiểu rằng những người khác thì thực sự quan trọng hơn chính chúng ta. Người khác có thể đem đến cho chúng ta những rắc rối thường xuyên, nhưng chúng ta vẫn tốt với họ. Theo lý luận của Bồ đề tâm tương đối, chúng ta nên cảm thấy rằng chúng ta ít quan trọng và những người khác thì quan trọng hơn – bất kỳ người nào khác cũng quan trọng hơn ! Làm thế, chúng ta bắt đầu cảm thấy như là một gánh nặng khủng khiếp đã dỡ khỏi vai chúng ta. Cuối cùng, chúng ta chứng nghiệm rằng có chỗ khác nữa để cho đi tình thương và yêu mến, hơn là chỉ dành cho cái được gọi là “tôi” này trong mọi lúc. “Tôi là cái này, tôi là cái nọ, tôi đói, tôi mệt, tôi linh tinh.” Chúng ta có thể chiếu cố đến những người khác. Từ quan điểm này, nguyên lý Bồ đề tâm tương đối thì hoàn toàn giản dị và bình thường. Chúng ta có thể chăm sóc những người khác. Chúng ta thực sự đủ kiên nhẫn để khai triển sự phụng sự vô ngã cho những người khác. Và những châm ngôn Bồ đề tâm tương đối (châm ngôn 7-10) là những chỉ dẫn như làm sao để khai triển Bồ đề tâm tương đối trong một cách thức cực kỳ đơn giản, một đường lối tiếp cận “của bà ngoại” với thực tại, nếu có thể nói như vậy.

–––––o0o–––––

Trích: Con đường căn bản đến giác ngộ

Tác Giả: Chogyam Trungpa

Dịch Giả: Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức

NXb: Thiện Tri Thức in năm 2001

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan