SỰ TỰ DO CỦA ĐẠI DỤNG HIỆN TIỀN - TÁC GIẢ: NGUYỄN THẾ ĐĂNG

SỰ TỰ DO CỦA ĐẠI DỤNG HIỆN TIỀN

(TĂNG THỐNG KHÁNH HỶ)

---o0o---

Ví như con mắt động thì thấy nước lặng trong thành ra xáo động. Lại như con mắt cố định thì thấy đốm lửa quay thành một vòng tròn, mây bay mà thấy mặt trăng chạy, thuyền chuyển mà thấy bờ đi, cũng đều như thế.
SỰ TỰ DO CỦA ĐẠI DỤNG HIỆN TIỀN - TÁC GIẢ: NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Thiền Uyển Tập Anh chép:

“Thế hệ thứ Mười Bốn (Bốn người, ba người khuyết lục)

Tăng thống Khánh Hỷ (1067-1142). Làng Từ Liêm, huyện Vĩnh Khương, người Cổ Giao, huyện Long Biên, họ Nguyễn, dòng dõi tịnh hạnh. Từ nhỏ không ăn thịt cá. Lớn lên theo học với Thiền sư Bổn Tịch ở chùa Chúc Thánh.

Một hôm, sư theo Bổn Tịch đến nhà thí chủ cúng dường. Dọc đường Sư hỏi:

- Thế nào là ý Thiền của chư Tổ?

Vừa lúc nghe nhà dân đang đánh trống làm việc đồng cốt. Bổn Tịch đáp:

- Thứ lời nói ấy chẳng phải là loại đồng cốt giáng thần sao?

Sư thưa:

- Hòa thượng chớ đùa giỡn mãi.

Bổn Tịch đáp:

- Ta chưa từng đùa giỡn chút nào.

Sư chẳng hiểu bèn từ giã ra đi. Đến Thiền sư Biện Tài ở chùa Vạn Tuế. Biện Tài hỏi: “Ông từ chỗ nào đến?

Sư thưa:

- Từ thầy Bổn Tịch đến.

Biện Tài hỏi:

- Vị ấy cũng là một bậc thiện tri thức ở một phương, đã từng nói với ông câu gì?

Sư thưa:

- Con thờ thầy ấy nhiều năm, nhưng chỉ hỏi một câu mà thầy chẳng chịu, nên con bỏ đi.

Biện Tài nói: Ông hỏi cái gì?

Sư thuật lại những lời trước. Biện Tài bảo:

- Ôi! Thầy Tịch đã vì ông nói vỡ ra hết rồi, ông chớ phỉ báng bổn sư.

Sư đứng im hồi lâu ngẫm nghĩ.

Biện Tài nói:

- Chẳng thấy nói, “Đạt thì khắp cảnh đúng, chẳng ngộ mãi trái sai”, sao?

Sư bỗng nhiên đốn ngộ, bèn trở về”

Câu nói khiến sư phải từ giã thầy mà đi là, “Thứ lời nói ấy chẳng phải là loại đồng cốt giáng thần sao?” Câu trả lời của Thiền sư Bổn Tịch cho câu hỏi của sư, “Thế nào là ý Thiền của chư tổ?” không chỉ chê cười sư là “thứ lời nói của loại đồng cốt giáng thần”, vì nếu chỉ chê bai sư thì sư không đến nổi bỏ đi, bỏ thầy.

Câu nói ấy còn động chạm đến “ý Thiền của chư Tổ”, tức là mục đích tu học của sư và những Thiền sư trong quá khứ đã từng chỉ dạy ý Thiền, đã từng nói ra, chỉ thẳng ý Thiền cho các đệ tử. Chẳng lẽ những lời nói ra “ý Thiền của chư Tổ” cũng là “thứ lời nói ấy chẳng phải là loại đồng cốt giáng thần sao?”

Chính vì không chịu nổi câu nói ấy mà sư dám thưa với thầy là, “Hòa thượng chớ đùa giỡn mãi”.

Nhưng khi thầy nói, “Ta chưa từng đùa giỡn chút nào”, nghĩa là thầy nói thật, thì sư đành từ giã ra đi. Chỉ một câu nói và một lời xác định “không nói đùa” của thầy đã đẩy sư vào vực thẳm của khủng hoảng, hoang mang và nghi ngờ, điều về sau phái thiền “tham thoại đầu” gọi là “nghi tình”.

Đâu là lý do của Thiền sư nói câu ‘động trời’ ấy?

Thứ nhất khi học trò còn bì bỏm trong vũng lầy của thức chấp ngã và ý thức phân biệt, thì nói, hay chỉ thẳng căn bản trí hay tự nhiên trí vô phân biệt là vô ích, vì thực tại bình đẳng vô phân biệt sẽ trở thành thức chấp ngã và ý thức phân biệt. Kinh Viên Giác nói:

“Chưa ra khỏi luân hồi mà nghĩ bàn Viên Giác thì tánh Viên Giác cũng thành lưu chuyển. Nếu khỏi được luân hồi thì không có các chuyện đó.

Ví như con mắt động thì thấy nước lặng trong thành ra xáo động. Lại như con mắt cố định thì thấy đốm lửa quay thành một vòng tròn, mây bay mà thấy mặt trăng chạy, thuyền chuyển mà thấy bờ đi, cũng đều như thế.

Thiện nam tử! Trước khi chuyển xoay chưa ngừng mà muốn vật kia dừng lại còn không thể được, huống chi lấy cái tâm sanh tử dơ nhiễm luân chuyển chưa thanh tịnh mà quán sát tánh Viên Giác Như Lai thì làm sao thấy tánh Viên Giác kia khỏi luân chuyển. Bởi thế các ông mới sinh ra ba điều ghi lầm đó.” (Chương Bồ Tát Kim Cương Tạng).

Cho nên học trò phải thiền định thiền quán đến một mức nào để thức chấp ngã và ý thức phân biệt dừng lại phần nào thì “ý Thiền của chư Tổ” mới lọt vào được và phát huy hiệu quả.

Thứ hai, khi Thiền sư Bổn Tịch bác bỏ cả “ý Thiền của chư Tổ” là để cắt đứt tâm thức phan duyên phân biệt của sư, để làm cho tâm thức lưu chuyển ấy dừng lại. Nếu dừng lại được thì thấy ngay thực tại, như đoạn sau Thiền sư Biện Tài nói, “Đạt thì khắp cảnh đúng, chẳng ngộ mãi trái sai”.

Với tâm trạng hoang mang, nghi ngờ, mất những điểm tựa ấy, sư đến tham hỏi Thiền sư Biện Tài ở chùa Vạn Tuế. Các Thiền sư thì hiểu nhau, vì đều cùng ở trong “một vị” Thiền. Cho nên khi nghe sư kể lại câu chuyện, Biện Tài đã chỉ dạy cho sư, “Ôi, thầy Tịch đã vì ông nói vỡ ra hết rồi, ông chớ phỉ báng bổn sư”.

“Sư đứng im hồi lâu ngẫm nghĩ”, đây là điều mà trước kia Thiền sư Bổn Tịch đã làm cho sư, nhưng lúc ấy tâm thức của sư chưa thành thục, cho nên đã bỏ đi. “Đứng im hồi lâu” là thiền định, và “ngẫm nghĩ” là thiền quán.

Ngay sau đó, Thiền sư Biện Tài nhắc lại câu nói đã từng được nói ra trong giới Thiền học, “Đạt thì khắp cảnh đúng, chẳng ngộ mãi trái sai”. Ngay lúc đó, “sư bỗng nhiên đốn ngộ”. Với một tâm thức đã chuẩn bị đầy đủ, đã thành thục, thì chỉ một câu nói cũ cũng làm cho những trói buộc tâm thức ấy “vỡ ra hết rồi”.

Ở đây chỉ xin nói rõ thêm về chữ “đúng” trong câu nói “Đạt thì khắp cảnh đúng”. Để dịch cho gọn thành hai câu, mỗi câu năm chữ, thì chỉ dùng một chữ “đúng”. Thật ra chữ “đúng” này trong nguyên bản Hán văn là chữ “thị”, có nghĩa là “đích thị, chính là, vốn là”.

“Sư trở về, Thiền sư Bổn Tịch thấy, hỏi:

- Ngươi từ đâu đến mà nhanh thế?

Sư lễ lạy, thưa:

- Con có tội hủy báng Hòa thượng nên đến xin sám hối.

Bổn Tịch nói: - Tánh và tướng của tội vốn Không, ông sám hối như thế nào?

Sư đáp: Phải biết đó chính là sám hối.

Bổn Tịch bèn thôi.

“Lại thường cùng hai thiền giả Tịnh Nhãn và Tịnh Như đứng hầu thầy. Bổn Tịch bảo: Các ông theo học với ta cũng đã lâu, nay mỗi người hãy trình bày kiến giải (thấy hiểu) của mình để xem chỗ tiến đạo như thế nào?

Nhãn và Như sắp mở miệng thì sư quát:

Một khi mắt bệnh

Hoa đốm loạn rơi.

Bổn Tịch nói: Xà lê Khánh Hỷ, sao đi thuyền lại đập vỡ gàu múc nước?

Sư nói: Dùng thuyền làm gì?

Bổn Tịch nói: Gã lanh lợi này, chớ có ồn ào. Ngươi chỉ giải thoát ở việc bên này, còn việc bên kia vẫn còn chưa mộng thấy.

Sư đáp: Tuy nhiên chỉ là Nó.

Bổn Tịch hỏi: Buông bỏ đầu sào trăm thước, rồi bỏ luôn một việc đi bộ, ngươi nói làm sao?

Sư đưa cao hai tay, đáp: Không sao! Không sao!

Bổn Tịch nói: Tha cho người một gậy.

Từ đó, danh tiếng Sư vang khắp tùng lâm”.

Khi đã đốn ngộ, đã vào cửa còn phải tiệm tu cho tới lúc hoàn hảo. Trong Thiền tông, gọi việc này là “hộ trì, bảo nhậm”.

Có vị thì tiếp tục ở với thầy, để chỗ ngộ càng thêm sâu xa, vi diệu. Như Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng, sau khi tham vấn Lục Tổ bèn “khế hội, rồi hầu hạ bên ngài mười lăm năm, mỗi ngày thêm sâu nhiệm (huyền áo)” (Kinh Pháp Bảo Đàn - Phẩm Cơ Duyên). Có vị thì đi hành cước, tham hỏi, cơ phong vấn đáp, có vị thì vào núi ẩn tu… để sự đốn ngộ ban đầu càng thêm sâu rộng, tỏ rõ, hiển nhiên.

Sư ở với thầy, tiếp tục tham học cho đến khi thành Thiền sư, “Từ đó danh tiếng Sư vang khắp tùng lâm”.

“Trong khoảng niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138), Sư được mời về kinh, vua Lý Thần Tông khen ngợi Sư đối đáp xứng hợp ý chỉ, vua bái phong chức Tăng Lục, rồi thăng làm Tăng Thống.

Một hôm, đệ tử Pháp Dung hỏi:

- Rõ thấu sắc Không thì sắc là phàm hay thánh?

Sư ứng tiếng đọc bài kệ:

Nhọc đời thôi hỏi sắc cùng Không

Học đạo gì bằng hỏi Tổ tông

Ngoài trời tìm tâm khôn định thể

Nhân gian trồng quế há thành rừng.

Vũ trụ trọn nơi đầu sợi tóc

Nhật nguyệt gồm trong hạt cải mòng

Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ

Ai hay phàm thánh với tây đông?

Lao sinh hưu vấn sắc kiêm Không

Học đạo vô như phỏng Tổ tông

Thiên ngoại mịch tâm nan định thể

Nhân gian thực quế khởi thành tùng.

Càn khôn tận thị mao đầu thượng

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung

Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ

Thùy tri phàm thánh dữ tây đông.

Nói xong, ngày 25 tháng 1, niên hiệu Đại Định thứ 3 (1142), Sư thị hiện có chút bệnh rồi tịch, thọ 76 tuổi.

Sư có tác phẩm Ngộ đạo ca thi tập lưu hành ở đời”.

“Nhọc đời thôi hỏi sắc cùng Không, học đạo gì bằng hỏi Tổ tông”.

Nếu ở nơi thức phân biệt để tìm hiểu sắc và Không thì chỉ “nhọc đời”. Bát Nhã Tâm Kinh đã dạy, “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc”. Cái “chẳng khác, tức là” này thức phân biệt không thể thấu hiểu, chỉ có trí huệ bất nhị, vô phân biệt mới có thể “vào cửa” được. Thế nên, người học đạo phải bằng thiền định, thiền quán (Chỉ, Quán) bằng tích tập công đức để chuẩn bị cho nhẹ bớt chấp ngã, chấp pháp mới có thể nhảy qua bờ bên kia, của “chẳng khác, tức là”.

Khi đã chuẩn bị xong thì nhờ lời của Tổ, của Phật mới hy vọng “vào cửa”. Nhưng tốt nhất là gặp và sống với một vị thầy đã thấu hiểu cái “đại sự nhân duyên” này. Chính nhờ sự thân cận với một vị thầy, mà khi tâm thức đã thành thục, đã chín muồi, quả mới rụng xuống trên tay. Vị thầy khi chỉ thẳng, không chỉ có lời nói, nhiều khi chỉ lập lại lời của các vị Tổ xưa, như trường hợp sư Khánh Hỷ và Thiền sư Biện Tài ở trên, mà trong lời nói còn có năng lực của người đã chứng ngộ, nên có thể đưa đệ tử vào cửa. Cửa này, nói theo danh từ chuyên môn, gọi là Tổ sư quan.

“Ngoài trời tìm tâm khôn định thể, nhân gian trồng quế há thành rừng”: Trồng trọt cho nhiều trên mảnh đất của thức phân biệt của nhân gian thì không thể nào thành rừng Trí được.

“Vũ trụ trọn nơi đầu sợi tóc, nhật nguyệt gồm trong hạt cải mòng”: đây là cảnh giới của đốn ngộ và tiệm tu, nói theo Kinh Pháp Hoa là Ngộ, Nhập, sau sự Khai Thị của thầy. Cảnh giới này là Pháp giới sự sự vô ngại, Một bao hàm Tất Cả, Tất Cả gồm trong Một.

“Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ, ai hay phàm thánh với tây đông?”.

“Quyền” là võ bằng tay, như “cước” là võ bằng chân. Quyền tại thủ (bàn tay) là võ sẳn có nơi tay. Võ ở đây là đại dụng hiện tiền, khi thế đế (chân lý tương đối, sắc) và chân đế (chân đế tuyệt đối, Không) đã hợp nhất, “chẳng khác, tức là”. Đại dụng hiện tiền này biểu lộ nơi tất cả mọi sự vật của đời sống bình thường, khi ấy tất cả đời sống là phương tiện thiện xảo để chỉ bày thực tại. Đó là sự vô ngại của thế đế và chân đế. Nói theo những thành ngữ trong Kinh, Luận thì đại dụng hiện tiền là trí - bi vô ngại, biện tài vô ngại, phương tiện vô ngại...

Trong cảnh giới vô ngại tự do của đại dụng hiện tiền này, làm sao phân chia được sắc và Không, phàm và thánh, tây và đông: “Ai hay phàm thánh với tây đông?”. Đây là sự tự do rốt ráo của người đã chứng ngộ được sự “chẳng khác, tức là” của sắc và Không, hay của sanh tử và Niết bàn.

---o0o---

Tác giả: Nguyễn Thế Đăng

Nguồn: Thư viện hoa sen

Đăng ngày: 04/08/2021

Bài viết liên quan