TẠI SAO ANH TA KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG? - HYUNGSEOK KIM - SỐNG TRĂM NĂM VÀ TÔI NHẬN THẤY...

TẠI SAO ANH TA KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG?

HYUNGSEOK KIM - SỐNG TRĂM NĂM VÀ TÔI NHẬN THẤY...

-------o0o-------

Hyungseok Kim sinh năm 1920, ông là giáo sư triết học tại Đại học Yonsei trong 31 năm kể từ năm 1954. Ông là người đặt nền móng cho triết học Hàn Quốc và bồi dưỡng các học giả trẻ. Kể từ khi nghỉ hưu năm 1985, ông tiếp tục cống hiến cho xã hội thông qua các bài giảng và nhiều tựa sách nổi bật, trong đó có Sống trăm năm và tôi nhận thấy…
TẠI SAO ANH TA KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG? - HYUNGSEOK KIM - SỐNG TRĂM NĂM VÀ TÔI NHẬN THẤY...

Có những người bề ngoài vô cùng thành công và nổi tiếng trên mạng xã hội, nhưng lại luôn hối hận vì cho rằng mình đã thất bại và thú nhận rằng càng ở những năm cuối đời, họ càng nỗ lực so với thời còn tráng niên. Đó là những người mặc dù có danh tiếng lẫy lừng, nhưng lại không được đánh giá cao về mặt lịch sử.

Ông A, một người bạn của tôi, là người được biết đến rộng rãi hơn cả tôi. Ông ấy là một người rất có năng lực. Ông tin rằng mình là một học giả có năng lực quản lý hành chính vượt trội.

Chủ tịch của một trường đại học đã hỏi tôi nghĩ thế nào về việc mời ông ấy làm hiệu trưởng. Mặc dù đánh giá ông ấy là một người tốt và phù hợp, nhưng khi nghĩ tới lợi ích của trường đại học và vị chủ tịch, tôi hơi ngần ngại một điểm khi tiến cử ông ấy.

Trước đây khi trường tôi mời ông A, ông từng nói chỉ khi được giao vị trí trưởng khoa thì ông mới về làm giáo sư của trường. Hiệu trưởng trường đại học của chúng tôi đã thỏa thuận rằng, “Vì khoa vẫn đang có một trưởng khoa đương nhiệm, nên trước hết ông hãy cứ về trường làm việc, đến khi điều kiện cho phép, trường sẽ xem xét đề nghị này. Khi đó, hiệu trưởng trường tôi cũng muốn mời nhưng cho rằng ông ấy có vẻ ưu tiên cho bản thân nhiều hơn nên đã bảo lưu quyết định này.

Cuối cùng, ông A đã đồng ý với lời mời của vị chủ tịch ở trên dù đó không phải là một trường đại học danh tiếng và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ hiệu trưởng bốn năm ở đây. Kết quả làm việc của ông rất tốt, các giáo sư cũng đánh giá cao ông. Tuy nhiên, sau khi nhiệm kỳ đầu tiên kết thúc, vị chủ tịch đã phản đối việc ông A tiếp tục nhiệm kỳ mới. Cuối cùng, tuy muốn phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa nhưng ông A đã phải rời khỏi vị trí này.

Tôi đã có dịp gặp lại chủ tịch của trường đại học nói trên. Vị chủ tịch nói, “Tôi muốn làm việc cùng hiệu trưởng A thêm vài năm nhưng không thể được” và điều này khá đúng với những gì tôi dự đoán. “Hiệu trưởng A là một người có năng lực và là người tốt, nhưng mục tiêu của ông ấy không phải là ở đây, ông ấy chỉ coi vị trí hiệu trưởng trường đại học này như một bước đệm để trở thành hiệu trưởng của một trường đại học tốt hơn.

Tôi cũng nghĩ quyết định của chủ tịch là đúng đắn. Ông A đã đánh giá quá cao khả năng của bản thân. Mục đích cuối cùng của ông ấy là ở bên kia sông và chỉ đang lấy công trình bên này sông làm bàn đạp tiến lên.

NHỮNG NGƯỜI ĐỨNG Ở BÊN NÀY VÀ THÈM MUỐN BÊN KIA SÔNG

Sống càng lâu, ta sẽ nhận ra dường như có rất nhiều người như vậy. Năm ngoái, tôi đã gặp hiệu trưởng của một trường trung học địa phương. Sau khi trò chuyện, tôi được biết vị hiệu trưởng chỉ miễn cưỡng giữ chức hiệu trưởng ở đây, mục đích của ông ấy là trở thành hiệu trưởng của một trường ở một thành phố lớn, dù ông ấy có phải chuyển vị trí giữa nhiệm kỳ. Nói hơi quá nhưng điều này chẳng khác nào việc các em học sinh cấp Ba ở đây phải lớn lên như những đứa trẻ không nhận được tình yêu thương của mẹ.

Có lần, trong cuộc gặp riêng với bạn của tôi, một vị đang là hiệu trưởng của một trường đại học, được kính trọng trong giới giáo dục cho biết mục tiêu của ông ấy không phải là trở thành hiệu trưởng của trường đại học hiện tại mà chỉ lấy vị trí này làm bàn đạp để ra tranh cử tổng thống. Ông lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi và người bạn của mình không tin vào việc đó.

Một thời gian sau, ông rời bỏ ngành giáo dục và tham gia chính trường. Nếu mọi việc suôn sẻ, có thể ông ấy đã trở thành tổng thống. Nhưng tôi và bạn tôi cảm thấy điều đó không đáng được kính trọng. Cuối cùng, ông ấy cũng không thực hiện được mục tiêu của mình.

Khi giao tiếp với nhiều người khác nhau trong xã hội, ta sẽ nhận ra có không ít những người mang giá trị quan như vậy. Tôi tin rằng có thể những người có tham vọng như vậy sẽ đạt được thành công.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ theo hướng khác, có thể thấy rằng cuộc đời của một người cũng giống như quá trình cây tre lớn lên. Mỗi đốt tre đều phải phát triển khỏe mạnh, chắc chắn. Nếu bất kỳ đốt tre nào yếu đi, đốt tiếp theo sẽ bị bệnh và gãy hỏng. Và nếu mọi người vì mục đích của mình mà cẩu thả với những gì đang làm thì những người phải chịu thiệt hại sẽ ra sao? Và nếu tất cả mọi người đều sống như vậy thì xã hội đó sẽ thế nào?

CUỘC GẶP GỠ VỚI INCHON KIM SEONG-SOO

Trước khi vào đại học, tôi đã học bảy năm tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Joongang ở Seoul. Trong nửa năm sau, tôi làm việc dưới sự điều hành của nhà sáng lập trường – tiên sinh Inchon Kim Seong-soo. Ông được mọi người biết đến nhờ những mối quan hệ cá nhân nổi bật. Nhiều người kính trọng ông và được ông hướng dẫn, giúp đỡ.

Khi đó, tôi mới tầm 30 tuổi, chưa trưởng thành về mặt xã hội. Suốt những năm tháng ấy, nhờ ông mà tôi đã học hỏi và giác ngộ được rất nhiều điều. Nếu không có được những lời dạy từ ông trong giai đoạn ấy, tôi nghĩ rằng mình sẽ phải trải qua rất nhiều thử thách và sai lầm khi hoạt động ngoài xã hội.

Inchon không thân thiết với những người tâng bốc, nói xấu đồng nghiệp, hoặc những người bè phái, chia rẽ. Nhưng với những người mà ông cho phép làm việc cùng thì ông lại rộng lượng, quan tâm hết mình. Nhờ học được những điều như vậy, tôi đã quyết tâm sẽ trở thành người như ông và tiếp tục những hoạt động xã hội của mình.

Đó là khi tôi đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng trường Trung học Joongang. Hiệu trưởng trường đã tìm đến và đề xuất sa thải một giáo viên vào cuối học kỳ đó. Giáo viên ấy có năng lực yếu kém và phụ huynh học sinh cũng không hài lòng. Tôi cũng đã đoán trước việc này. Nhưng tôi nghĩ nếu ở vào vị trí của giáo viên ấy thì sẽ nghĩ gì và nếu là Inchon thì thầy sẽ xử lý thế nào. Vì vậy, tôi đã đề nghị Hiệu trưởng cho giáo viên ấy cơ hội dạy thêm một học kỳ nữa.

Tôi lặng lẽ đến gặp giáo viên ấy và truyền đạt ý kiến của thầy Hiệu trưởng, đồng thời chia sẻ rằng tôi sẽ giúp đỡ trong một học kỳ, cậu ấy hãy cố gắng hết sức để nhà trường và học sinh đánh giá một cách công bằng. Giáo viên ấy đã cố gắng hết mình. Một học kỳ trôi qua, chúng tôi quyết định thảo luận về vấn đề này. Cậu giáo viên thừa nhận rằng mình nên ra đi và mong muốn nhà trường giúp đỡ để có thể chuyển về một trường học địa phương phù hợp hơn.

Tôi đã hỏi ý kiến của Hiệu trưởng và giúp cậu ấy chuyển việc về một trường địa phương. Sau đó, tôi chuyển đến Đại học Yonsei. Từ đó về sau, cậu giáo viên ấy luôn dành cho tôi lòng cảm kích, gần như là vô cùng kính trọng. Gia đình cậu ấy cũng biết ơn tôi như ân nhân. Cho đến khi già rồi về hưu, cậu ấy cũng không quên công ơn ấy. Con trai của cậu ấy làm việc ở Severance cũng tìm đến tôi để bày tỏ lòng biết ơn.

Nhờ những lời dạy từ Inchon, tôi đã chọn cách hành xử như vậy. Cần phải xử lý việc công theo nguyên tắc, nhưng tuyệt đối không nên coi nhẹ tình cảm. Đặc biệt, trong xã hội chúng ta, nơi mọi người sống với nhau bằng tình cảm ấm áp thì lại càng cần chú ý đến điều đó.

ĐỐI THOẠI, THẢO LUẬN VÀ ĐẤU TRANH

Ở Hàn Quốc, người ta cho rằng để phục vụ cho nền chính trị dân chủ thì trước hết việc giao tiếp phải diễn ra phổ biến trước đã. Giao tiếp bắt nguồn từ đối thoại. Trên thực tế, đối thoại có truyền thống lâu đời trong xã hội phương Tây.

Phương pháp giảng dạy của Socrates là giáo dục thông qua đối thoại.

Đối thoại giúp chúng ta nhận ra sự khác biệt trong quan điểm và tư duy giữa tôi và bạn. Điểm chung là mọi người chấp nhận quan điểm của nhau. Khi nhận ra một điểm khác biệt nào đó, người ta sẽ suy xét rằng liệu có thể tìm thấy giá trị khách quan và giải pháp cao hơn từ trong đó hay không. Sau khi đưa ra được một đáp án khách quan có triển vọng, người ta chỉ cần đi tìm phương pháp thực hiện điều đó. Đầu tiên, chúng ta phải mở rộng cánh cửa trái tim và chăm chú lắng nghe. Nếu cho rằng quan điểm của mình là đúng, ta phải thuyết phục đối phương hiểu được lý lẽ của mình. Và đối thoại chính là đi tìm điểm khác biệt và kết quả tốt hơn rồi từ đó đồng cảm, thông cảm và hợp tác với nhau.

Có một số điều kiện tiên quyết cho một cuộc đối thoại như vậy. Đầu tiên, trong đối thoại, ta không được đặt cảm xúc lên trên lý trí.

Nếu ta can thiệp hoặc đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, cuộc đối thoại sẽ không thể đưa tới kết quả. Chúng ta thường không gặp trở ngại khi giải một bài toán vì trong đó không tồn tại lợi ích riêng. Nhưng khi gắn với lợi ích liên quan, cuộc đối thoại sẽ trở thành một giao dịch trao đổi. Những lúc như vậy, chúng ta phải lựa chọn phương hướng dựa trên tính khách quan về lợi ích.

Đó là lần tôi đến New York, cách đây cũng lâu rồi. Tôi nhớ lại câu chuyện mà tôi nghe được từ Chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Hàn Quốc, Khi thực hiện các giao dịch kinh doanh, người Hàn Quốc chỉ xem xét lợi ích của bản thân nên họ không đạt được thành công trong nhiều giao dịch. Họ chỉ theo đuổi lợi nhuận trước mắt và đạt được một hoặc hai giao dịch là dừng lại. Khi người Do Thái thực hiện một thỏa thuận, họ tính đến lợi ích giữa các bên. Vì cả hai bên đều có lợi nên giao dịch đó vẫn được duy trì trong thời gian dài. Còn người Anh thường cho đối tác biết nếu mua hàng của mình thì sẽ được những lợi ích gì. Và cuối cùng, họ là những người nắm được quyền kinh doanh.

Nếu ta chỉ chăm chăm lợi ích cá nhân thì sẽ không thể đối thoại với người khác.

Đôi lúc, chúng ta cảm nhận được giới hạn tồn tại ngay cả trong thế giới tôn giáo, nơi đáng lẽ đối thoại phải được ưu tiên hàng đầu. Thậm chí, một số trường hợp xung đột giáo lý đã mở rộng thành chiến tranh tôn giáo.

Nguyên nhân rất đơn giản, là do trong thế giới tôn giáo và chính trị có nhiều nhà lãnh đạo tinh thần không thể thoát khỏi xiềng xích của những định kiến và khuôn mẫu. Tất cả bắt nguồn từ những người tin tưởng hoàn toàn vào hệ tư tưởng chính trị và những người tuyệt đối hóa các giá trị tôn giáo của mình. Kiến thức hiện tại có thể được thay thế khi người ta tìm thấy kiến thức tốt hơn. Tuy nhiên, một khi đã xây dựng lòng tin vững chắc, thì dù có điều tốt đẹp hơn xuất hiện, họ cũng không thể thay đổi niềm tin ban đầu. Vì điều đó đã trở thành một đức tin.

Khi không thể đối thoại, đó sẽ là một cuộc thảo luận chỉ dựa trên lý lẽ. Nếu không tìm ra câu trả lời trong cuộc thảo luận, nó sẽ phát triển thành một cuộc đấu tranh. Một cuộc đấu tranh tinh thần có thể trở thành một cuộc cách mạng và một cuộc chiến. Đây là những hiện tượng phổ biến trong xã hội của chúng ta.

Có vẻ như rất nhiều người không hiểu nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt giao tiếp này nằm ở đâu. Bản thân tôi cũng đang mắc phải sai lầm tương tự, cả trong những việc lớn và nhỏ.

-------o0o-------

Trích: SỐNG TRĂM NĂM VÀ TÔI NHẬN THẤY…

Tác giả: Hyungseok Kim

Hà Hương dịch – NXB Thế Giới 2023.

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan