TÂM LINH HOÁ THỂ XÁC – EDGAR CAYCE GIẢNG LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – JOHN VAN AUKEN

TÂM LINH HOÁ THỂ XÁC: CHƯƠNG 1-10

EDGAR CAYCE GIẢNG LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – JOHN VAN AUKEN

-------o0o-------

Trong chương đầu tiên của Sách Khải Huyền, tông đồ John tự giới thiệu và những tình huống diễn ra chung quanh các thị kiến của ông (những tiết 1-9).
TÂM LINH HOÁ THỂ XÁC – EDGAR CAYCE GIẢNG LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – JOHN VAN AUKEN

Trong chương đầu tiên của Sách Khải Huyền, tông đồ John tự giới thiệu và những tình huống diễn ra chung quanh các thị kiến của ông (những tiết 1-9). Sau đó, ông bắt đầu mô tả thị kiến với sự xuất hiện của một nhân vật đáng sợ, nói với ông rằng, “Ta là Alpha và Omega”, người này đã căn dặn John viết ra một thông điệp cho bảy hội thánh, tượng trưng cho bảy trung tâm tâm linh bên trong cơ thể, và giải thích với John ý nghĩa của bảy ngôi sao và bảy cây đèn bằng vàng.

Trong chương đầu, John mô tả cuộc gặp gỡ:

Tôi quay lại để xem tiếng ai nói. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng;

và ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng.

Đầu Ngài tóc trắng như len trắng, trắng như tuyết; mắt Ngài như ngọn lửa hồng;

và chân Ngài giống như đồng đỏ được tôi luyện trong lò; và tiếng Ngài như tiếng nước lũ.

Tay hữu Ngài cầm bảy ngôi sao và từ miệng Ngài phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén. Mặt Ngài tỏa sáng như mặt trời chói lọi.

Lúc thấy Ngài tôi ngã vật xuống chân Ngài, như chết vậy. Ngài đặt tay hữu lên tôi và nói: “Đừng sợ! Ta là Đầu tiên và là Cuối cùng.

Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời, Ta giữ chìa khóa của Cái chết và Âm phủ.

Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này. Sách Khải Huyền 1:12-19.

Nhưng John không phải là người duy nhất thấy một nhân vật đáng sợ và bảy món vật tượng trưng cho bảy trung tâm; cả Ezekiel lẫn Daniel đã tường thuật thấy thị kiến tương tự như vậy.

Ezekiel bắt đầu thị kiến của mình bằng cách kể cho chúng ta nghe, “Trời mở ra, và tôi thấy thị kiến Thượng Đế cho xem.” (Ezekiel 1:1) Trong thị kiến của mình, ông thấy bốn con dã thú, giống y như Daniel và John đã thấy. Ông thấy bảy bánh xe quay tròn, tượng trưng cho bảy luân xa. Ông nghe một tiếng nói chỉ dẫn ông qua những cuộc chiến đấu và thử thách có liên quan với quá trình phát triển tâm linh hay tâm linh hoá. Hình ảnh rất kinh khiếp, nhưng thông điệp thì cũng giống như thông điệp đã cung cấp cho Daniel và John: Tất cả sự khủng bố, sự kinh hoàng, chiến tranh và bệnh dịch tượng trưng cho quá trình chuyển hoá từ đời sống thân xác, trần tục thành đời sống tâm linh, thánh thiện.

Đây là một đoạn trích từ thị kiến của Ezekiel:

Và có tiếng vọng xuống từ trên đầu chúng đầu của những con dã thú: khi chúng dừng lại, thì cánh rũ xuống.

Từ mái vòm, ngay trên đầu chúng, có cái gì giống như đá lam ngọc, tựa như cái ngai, và trên cái ngại đó, trông như hình dáng một người ở trên cao.

Và tôi thấy có cái gì giống như kim loại lấp lánh, giống như một đám lửa bao quanh, từ khoảng ngang lưng trở lên, còn từ khoảng ngang lưng trở xuống, tôi thấy có cái gì giống như một đám lửa và ánh sáng chiếu tỏa chung quanh.

Cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào, thì ánh sáng chiếu tỏa chung quanh cũng như vậy. Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của Thượng Đế. Và khi vừa thấy thế, tôi liền sấp mặt xuống và tôi nghe có tiếng nói.

Tiếng đó bảo tôi: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, ta sắp nói với ngươi.”

Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Ngài phán với tôi và làm cho chân tôi đứng vững; tôi đã nghe tiếng Ngài.

Ngài phán với tôi: “Hỡi con người, chính ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại ta, chúng cũng như cha ông chúng đã nổi lên chống lại ta mãi cho đến ngày nay.

Những đứa con mặt dạn mày dày, lòng chai dạ đá, chính ta sai người đến với chúng; và người sẽ nói với chúng: “Thiên Chúa là Thượng Đế phán thế này.”

Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.

Phần ngươi, hỡi con người, đừng sợ chúng, cũng đừng sợ những lời chúng nói, dù ngươi có bị chống đối, có gặp chông gai tứ bề, hay ngồi trên bọ cạp. Những lời chúng nói, ngươi đừng sợ, có phải giáp mặt chúng cũng đừng khiếp, vì chúng là nòi phản loạn.

Người cứ nói với chúng những lời của ta, dù chúng nghe hay không, vì chúng là quân phản loạn.

Còn ngươi, hỡi con người, hãy nghe điều ta sắp nói với ngươi, đừng phản loạn như nòi phản loạn ấy! Mở miệng ra mà ăn cái ta sắp ban cho ngươi.”

Tôi nhìn, thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuộn sách, rồi mở ra trước mặt tôi; sách được viết cả mặt trong lên mặt ngoài, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa.” Ezekiel 1:25-28 - 2:1-10

Daniel mô tả cuộc gặp gỡ của mình:

Tôi ngước mặt lên nhìn, thì này: một người mặc áo vải gai, lưng thắt đai vàng Uphaz.

thân hình giống kim lục thạch, dung mạo như ánh chớp, đôi mắt tựa ngọn đuốc hồng, cánh tay và đôi chân trông như đồng đánh bóng, tiếng Ngài vang dội như tiếng đám đông.

Tôi là Daniel, người duy nhất đã thấy thị kiến, còn những người ở bên tôi thì không. Dầu vậy họ vẫn khiếp đảm kinh hồn chạy trốn tìm chỗ ẩn.

Chỉ còn lại có một mình tôi, và tôi đã thấy thị kiến lớn ấy. Tôi không còn sức nữa. Thể lực tôi giảm sút thảm hại. Tôi đã kiệt sức rồi.

Tôi nghe tiếng Ngài vang dội. Vừa nghe thấy, tôi liền ngất xỉu, chúi mặt xuống đất.

Này đây một bàn tay đụng đến tôi, nâng tôi dậy đang khi đầu gối và tay tôi run rẩy.

Ngài nói với tôi: “Hỡi Daniel là người được quý mến, hãy hiểu rõ các lời ta sắp nói với người. Hãy đứng yên tại chỗ người đang đứng, vì giờ đây ta được sai đến với ngươi.” Trong lúc Ngài nói với tôi điều ấy, thì tôi đứng run cầm cập.

Người còn bảo tôi: “Daniel, đừng sợ, bởi vì ngay từ hôm đầu, khi người đem hết lòng tìm hiểu và ăn chay hãm mình trước nhan Thượng Đế của ngươi, thì Thượng Đế đã nghe những lời người nói, vì chính vì những lời ấy mà ta đến. Daniel 10:5-12

Từ viễn cảnh của Cayce, nhân vật này là bản ngã tâm linh sâu sắc hơn, cao thượng hơn. Nhân vật này nói với John, “Đừng sợ: ta là Đầu tiên và Cuối cùng, và là Đấng Hằng Sống; và ta đã chết, và này, ta sống mãi mãi, và ta giữ chìa khoá của Cái chết và  Âm phủ.” (John 1:17-18) Cùng với John, những bản ngã tâm linh của chúng ta, được tạo ra theo hình ảnh Thượng Đế và được định đoạt là những kẻ đồng hành với Thượng Đế, đã bị chết vì chúng ta và sẽ còn mãi cho tới khi chúng ta ra đời với chúng một lần nữa, như Jesus căn dặn Nicodemus (John 3:14). Lời dặn đầu tiên từ bản ngã tâm linh là dành cho bảy trung tâm tâm linh trong cơ thể, tượng trưng bởi bảy thứ khác nhau qua những chương đầu của Sách Khải Huyền.

Ý tưởng cho rằng cơ thể hay thể xác có bảy trung tâm hay luân xa có thể được sử dụng đối với việc phát triển tâm linh có niên đại vào những thời gian cổ xưa. Một trong những bản thảo đầu tiên được ghi chép để dạy về điều này là các cuốn kinh “Yoga Sutras” của Patanjali, được viết bằng tiếng Sanskrit (tiếng Phạn) cổ, vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Patanjali là một bậc thầy về kinh văn tôn giáo cổ xưa nhất được phát hiện trên thế giới, Veda (khoảng 1200 trước Công nguyên). Chủ thuyết của Veda (hay Vedism) là tôn giáo của dân tộc Ấn- u cổ xưa, đã định cư ở Ấn Độ. Một trong những lời giáo huấn cốt lõi của chủ thuyết Veda, cuối cùng đã đi vào trong một bản văn tiếng Phạn cổ khác, đó là Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca) ( khoảng 200 trước Công nguyên), nói rằng Đấng Tối Cao hay Thượng Đế đã tạo ra các linh hồn của chúng ta với một sự chia sẻ vĩnh viễn Bản Ngã của Ngài trong mỗi linh hồn, nhưng sự chia sẻ này tiềm tàng bên trong chúng ta và vì thế cho nên phải được đánh thức (Bhagavad Gita, IX, 7-11). Cayce xác nhận quan niệm này khi ông được hỏi: “Ý thức về Đấng Christ có nên được mô tả như sự nhận thức bên trong mỗi linh hồn (sự nhận thức nội tâm), được ghi khắc thành khuôn mẫu trong tâm trí và chờ đợi được đánh thức bởi ý chí, về sự hợp nhất của linh hồn với Thượng Đế chăng?” Ông trả lời: “Đúng. Đó là ý tưởng chính xác!” (5749-14) Patanjali dạy rằng Hiện Hữu tiềm tàng này nằm trong mọi sự sáng tạo, và quan trọng nhất đối với chúng ta, trong mỗi thể xác, và nó có thể được đánh thức. Để trải nghiệm Hiện Hữu (Presence) được chia sẻ của Đấng Tối Cao hay Thượng Đế (Supreme Being), Patanjali đã dạy rằng, người ta cần phải nâng những mức độ bình thường của lực cơ thể và sự nhận thức tinh thần lên cao. Những mức độ mà chúng ta nhận thấy là đầy đủ cho đời sống hàng ngày thì không đầy đủ đối với sự tiếp xúc sâu sắc với Thượng Đế.

Trong các bản văn của kinh Veda và hầu hết những kinh văn khác của phương Đông, năng lực và ý thức được tượng trưng bởi con rắn. Các tín đồ Do Thái Thiên Chúa giáo thường đánh đồng Cái Ác và quỷ Satan với con rắn, nhưng những lời rao giảng của Đấng Christ và Moses cũng chứa đựng hình ảnh con rắn như một phần của sự phát triển tâm linh. Hãy nhớ lại một lời giáo huấn của Jesus với Nicodemus trong cuộc viếng thăm bí mật trong đêm tối của thành viên cao cấp của hội đồng nhà nước Do Thái cổ này (John 3). Nicodemus muốn học hỏi, tìm hiểu nhiều hơn, và Jesus đã cho ông ta ba lời dạy quan trọng. Thứ nhất là chúng ta phải được tái sinh; chúng ta đã được sinh ra về mặt thể xác, nhưng chúng ta cũng cần phải được sinh ra về mặt tinh thần. Lời dạy thứ nhì là không hề có ai đi lên thiên đàng nhưng những kẻ nào đầu tiên đi xuống, ngay cả con người, đều liên quan tới sự thoái hoá của tinh thần thành vật chất trước khi có sự tiến hoá đi lên qua vật chất. Tất cả chúng ta, dù cho chúng ta có nhớ điều đó hay không, đều có một phần nhỏ bên trong chúng ta ban đầu đã từ thiên đàng đi xuống.

Tuy nhiên, mấu chốt của việc nghiên cứu của chúng ta trong chương này là lời dạy thứ ba: “Như Moses nâng con rắn trong sa mạc lên, con người cũng phải được nâng lên tới sự sống vĩnh cửu.” Jesus ám chỉ tới thời gian khi Moses rời khỏi vương quốc của Pharaoh (do đó là tượng trưng của cái ngã bên ngoài và những sự theo đuổi trần tục) để tìm kiếm Thượng Đế trong sa mạc. Trong cuộc tìm kiếm của mình, ông đi tới một cái giếng sâu chung quanh có bảy cô trinh nữ đang cố gắng cho bầy súc vật của họ uống nước. Bảy cô trinh nữ? Những người con gái của một thầy tư tế? Đây là biểu tượng của bảy trung tâm tinh thần, bảy luân xa, bảy hội thánh. Moses đã giúp đỡ bọn họ, và cuối cùng, kết hôn với cô gái lớn nhất. Sau đó, ông đã gặp Thượng Đế trong một bụi cây đang cháy, và lần đầu tiên được chỉ dạy cách biến cây gậy của mình thành một con rắn, và nâng con rắn lên thành cây gậy trở lại. (Xuất hành 2,3,4) Sau này, khi ông đã đưa dân mình ra sa mạc cùng với mình, Moses được Thượng Đế chỉ dạy để đặt một con rắn “mãnh liệt” trên một cây gậy được nâng lên, vừa nói rằng bất kỳ ai bị một con rắn cắn sẽ được chữa lành khi người đó nhìn vào con rắn được nâng lên (Dân số 21-8-9). Ở đây, một lần nữa, tôi tin rằng tác giả đang cố gắng chuyển tải nhiều hơn một câu chuyện thực sự, tự nhiên đến với chúng ta.

Chúng ta cũng thấy rằng con rắn có thể là cả hai thứ: nọc độc và phương thuốc. Con rắn bò trên mặt đất là độc địa và chết người, nhưng khi con rắn được nâng lên cao và “mãnh liệt”, nó trở thành phương thuốc chữa bệnh.

Chúng ta phải quay trở lại Vườn Địa Đàng để hoàn toàn hiểu rõ điều này, bởi vì Adam và Eva không phải là những kẻ duy nhất sa ngã ở Vườn Địa Đàng; con rắn cũng sa ngã. Con rắn tượng trưng cho sinh lực và tâm thức bên trong mỗi chúng ta. Năng lực này có thể là có hại nếu bị lạm dụng, nhưng nâng nó lên là một bước đi chủ yếu theo con đường dẫn tới vinh quang của tâm thức trực tiếp với Thượng Đế và sự hiện hữu của Ngài bên trong chúng ta. Trong những lời giảng của Patanjali và Cayce (264-19, 262-87, 444-2), sinh lực bên trong là cơ thể có thể hạ thấp xuống hay nâng lên những rung động và tâm thức. Jesus và Moses đã dạy rằng con rắn tượng trưng năng lực bên trong, năng lực này phải được nâng lên để nhận thức được đời sống vĩnh cửu và dẫn dắt chúng ta vào sự hiệp thông với Thượng Đế.

Quá trình nâng cao năng lực bắt đầu bằng việc nhận thức năng lực này nằm chỗ nào trong cơ thể, nó được nâng lên bằng cách nào, và con đường nó đi qua trong cơ thể. Theo “Yoga Sutras”, năng lực này cuộn tròn như một con rắn (kundalini) ở phần dưới của thân người. Nó di chuyển lên cột sống (sushumna), qua các trung tâm tinh thần (chakras [các luân xa] hay padmas [các bông sen]), tới đáy não, xuyên qua não, và lên tới trán. Con đường của sinh lực hay kundalini xuyên qua cơ thể được tượng trưng bằng một con rắn hổ mang trong tư thế đầy ấn tượng hay bằng cây gậy của người chăn cừu (một cây gậy với một cái móc lớn, xòe ra ở đầu). Nhiều cuốn sách thời nay dạy rằng kundalini lên đến cực điểm ở tại đỉnh đầu, nhưng những hình ảnh và những lời giảng xa xưa hơn, cũng như của Cayce, luôn mô tả nó đi lên tột đỉnh ở trán. Điều này sẽ gây ra một số nhầm lẫn hay bối rối cho nhiều người đã nghiên cứu và luyện tập nhiều năm khi sử dụng luân xa đỉnh đầu như trung tâm tâm linh cao nhất trong cơ thể. Cayce khẳng định rằng con đường thực sự của Kundalini đi qua luân xa đỉnh đầu và đi vào Luân xa ở trán, chính là con mắt thứ ba. (281-54)

Bảy trung tâm tinh thần hay tâm linh được kết nối với bảy tuyến nội tiết trong cơ thể: (1) tinh hoàn hay buồng trứng, (2) các tế bào sinh dục, (3) tuyến thượng thận, (4) tuyến ức, (5) tuyến giáp, (6) tuyến tùng, và (7) tuyến yên. Chúng cũng được nối kết với các hạch thần kinh quan trọng hay các đám rối thần kinh dọc theo xương sống (khung xương chậu hay thắt lưng, vùng hạ vị hay vùng bụng, vùng thượng vị hay vùng mặt trời, tim, yết hầu hay cổ họng, và bản thân bộ não). Cayce khuyên rằng những người tập yoga có những cách chỉnh hình cột sống của họ để cho năng lực kundalini lưu chuyển tốt hơn (281-12).

Chúng ta hãy xem xét kỹ những gì mà bản ngã tâm linh của tông đồ John đã phải nói về mỗi trung tâm tinh thần, bắt đầu bằng trung tâm thấp nhất và di chuyển lên qua cơ thể tới trung tâm cao nhất. Trong từng trường hợp, bản ngã tâm linh của John trước tiên mô tả đặc tính của bản thân nó có liên quan tới hội thánh, trung tâm, và tuyến nội tiết riêng biệt đó. Kế đó, ông thừa nhận những sức mạnh hay những đặc tính của trung tâm, tiếp theo là những tật xấu và những khiếm khuyết của trung tâm đó. Sau cùng, ông giao cho trung tâm một chỉ thị, một mệnh lệnh. Thú vị thay, trong những lời giảng của Patanjali, trung tâm trước trán được gọi là “ajna”, có nghĩa đen là “một lời răn” hay “một mệnh lệnh”. Những lời răn này được bản ngã tâm linh giao cho mỗi trung tâm. Hãy nhớ, Cayce đã phát biểu rằng kinh nghiệm của John là một tham khảo tuyệt vời dành cho tất cả chúng ta để phù hợp với sự luyện tập riêng của mỗi người.

-------o0o-------

Trích: “Edgar Cayce Giảng Luận Về Sách Khải Huyền”.

Tác giả: John Van Auken.

Việt Dịch: Nguyễn Quốc Dũng.

NXB Từ Điển Bách Khoa – 2013.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan