TÂM TRÍ KỂ CHUYỆN - JACK KORNFIELD - TRÁI TIM THÔNG TUỆ

TÂM TRÍ KỂ CHUYỆN

JACK KORNFIELD - TRÁI TIM THÔNG TUỆ

-----o0o-----

Khi mới nhận lấy áo choàng và gia nhập cộng đồng tu tập của Ajahn Chah, tôi đã tự mình hành thiền hai năm. Bây giờ, đứng, ngồi và đi trong chánh niệm hàng giờ liền trong một căn chòi nhỏ trong khu rừng hoang vu, tâm trí tôi đã trở nên cởi mở và nhạy cảm hơn.
TÂM TRÍ KỂ CHUYỆN - JACK KORNFIELD - TRÁI TIM THÔNG TUỆ

TÂM TRÍ KỂ CHUYỆN

JACK KORNFIELD - TRÁI TIM THÔNG TUỆ

-----o0o-----

Ai là kẻ thù của bạn? Tâm trí là kẻ thù của bạn.

Ai là bạn bè của bạn? Tâm trí là bạn bè của bạn.

Hãy học cách tâm trí làm việc. Hãy trông nom tâm trí cẩn thận.

– Đức Phật

Thế giới hiện đại nhìn về một thiên sư như thế nào?

Chìm trong suy nghĩ.

- Ajahn Buddhadasa

Khi mới nhận lấy áo choàng và gia nhập cộng đồng tu tập của Ajahn Chah, tôi đã tự mình hành thiền hai năm. Bây giờ, đứng, ngồi và đi trong chánh niệm hàng giờ liền trong một căn chòi nhỏ trong khu rừng hoang vu, tâm trí tôi đã trở nên cởi mở và nhạy cảm hơn. Một ngày nọ khi đang quét sự chú ý của mình qua cơ thể, tôi thấy tò mò rằng có một số vùng tôi hầu như không cảm giác được gì và da thịt tôi như tê liệt. Với nhận thức sâu xa hơn, quan điểm này ngày một rõ ràng. Rồi tôi có một suy nghĩ rằng những mảng tế liệt ở các chi là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh hủi. Tôi không thường xuyên nghiêng về chứng nghi bệnh, nhưng trong suốt khoảng thời gian ở Peace Corps, tôi đã làm việc với những người bị bệnh hủi trong một chương trình sức khỏe địa phương. Bây giờ, tâm trí tôi đã lo lắng. Tôi sợ rằng tình trạng tê liệt có nghĩa là tôi đã mắc bệnh hủi. Tôi phải làm gì đây. Họ có đuổi những nhà sư bị hủi ra khỏi đền không? Nỗi sợ hãi của tôi tăng lên nhanh chóng. Suy nghĩ sinh sôi không ngừng. Tôi hình dung ra quãng đời phát bệnh hủi của mình, một kẻ bị gạt ra rồi trở thành ăn xin. Đã bị cô lập trong căn chòi trong rừng, tôi cảm thấy thật sự cô đơn. Rồi tôi hình dung phải nói với mẹ mình rằng “Con trai của mẹ là một con hủi và nó sẽ không thể trở về nhà nữa”. Lòng tự thương hại đã được thêm vào hồi chuông báo động. Suy nghĩ tôi trở nên điên loạn. Tôi nên làm gì? Tôi quá xấu hổ để nói gì về điều đó. Nếu nó không đúng thì sao? Nếu nó đúng thì sao? Tôi đã chờ đợi và thực hành trong khi bộ phim ấy được chiếu trong nhiều ngày.

Rồi tôi chú ý thấy những vùng tê liệt đã di chuyển và thay đổi. Tôi lấy can đảm để hỏi một thầy sư cấp trên về cảm giác, dù không phải về bệnh hủi. Thầy đã giải thích những quan điểm cơ thể thay đổi trong khi thiền như thế nào – thỉnh thoảng bạn sẽ cảm thấy nhiều cảm giác mới, và thỉnh thoảng những bộ phận trên cơ thể dường như rời ra hay biến mất. Nó cũng có thể xảy ra với da thịt hoặc bên trong cơ thể. “Bạn chỉ cần chánh niệm chú ý mọi thứ”, thầy ấy cười to, như thể để xóa tan nỗi căng thẳng của tôi. Trong ba ngày, tôi đã sống như bệnh nhân hủi. Bây giờ, mọi suy nghĩ đó đã tan biến như một giấc mơ. Tâm trí tôi sẽ tạo ra điều gì tiếp theo? Làm sao để thiền với tâm trí kể chuyện? Nhà thơ Muriel Rukeyser viết rằng, “Vũ trụ này được tạo nên bởi những câu chuyện, chứ không phải nguyên tử”. Tâm lý học Phật giáo nhấn mạnh rằng chúng ta phải hiểu sức mạnh của những câu chuyện mình kể, và phân biệt chúng với trải nghiệm trực tiếp từ cuộc sống. Bằng cách này chúng ta có thể dùng suy nghĩ mà không mắc bẫy chúng. Một người thầy của tôi đã nói, “Suy nghĩ là những tên đầy tớ giỏi, nhưng là một ông chủ dở tệ”.

Bước đầu tiên để thiền với tâm trí kể chuyện là chú ý dòng chảy vô tận của suy nghĩ và tư liệu song song với trải nghiệm của chúng ta. Hầu hết mọi người ngồi xuống thiền đều giật mình vì quá trình này. Mặc dù cố gắng tập trung sự chú ý vào hơi thở, cơ thể hay một lời cầu nguyện, chúng ta đều sẽ bị những thác lũ ý tưởng, ký ức và kế hoạch xen ngang. Có một sự sáng suốt chính được gọi là “nhìn dòng thác chảy”. Một thiền sư Phật giáo nói rằng một người trung bình có 17.000 suy nghĩ mỗi ngày.

Giống như tuyến nước bọt sinh ra nước bọt, tâm trí sinh ra suy nghĩ. Những suy nghĩ cũng tự mình suy nghĩ. Quá trình sản sinh này không hề xấu; đó đơn giản là công việc của tâm trí. Một bộ phim hoạt hình tôi từng xem mô tả một chiếc xe hơi trên đường cao tốc dài ở sa mạc miền viễn tây. Một biển chỉ đường cảnh báo, “Suy nghĩ chán ngắt của chính bạn – 200 dặm nữa”. Tâm lý học Phật giáo hướng dẫn chúng ta điều tra cả nội dung của những suy nghĩ này và cả bản thân quá trình suy nghĩ.

Đây là nguyên tắc thứ 10 của tâm lý học Phật giáo:

10. Suy nghĩ thường một chiều và sai sự thật. Hãy học cách chánh niệm suy nghĩ thay vì lạc lối trong nó.

Khi nhìn vào quá trình suy nghĩ liên tục và lặp lại của chính mình, chúng ta sẽ nhìn thấy thói quen tạo ra một cảm giác về bản ngã và người khác. Như Don Juan giải thích cho môn đệ của mình Carlos Castaneda, “Trò nói chuyện với bản thân quá nhiều. Trò không đặc biệt đâu. Mọi người chúng ta đều như vậy. Chúng ta duy trì thế giới của mình với đoạn hội thoại nội tâm. Một người đàn ông (hay phụ nữ) có tri thức sẽ nhận biết được rằng thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn khi họ ngừng nói chuyện với bản thân”.

Khi sự chánh niệm được tập trung vào quá trình suy nghĩ, một chiều kích hoàn toàn khác của sự tồn tại sẽ hiện lên trong tầm mắt. Chúng ta sẽ thấy dòng suy nghĩ lố bịch lặp đi lặp lại của mình liên tục xây nên cảm giác hạn chế của bản ngã, với phán xét, tự vệ, tham vọng và đền bù. Khi chúng không được kiểm tra, chúng ta sẽ tin tưởng vào chúng. Nhưng nếu ai đó theo sau và liên tục thầm thì với chúng ta ý nghĩ của chính ta, chúng ta sẽ nhanh chóng chán ngấy lời lẽ của họ. Nếu điều này tiếp tục, chúng ta sẽ mất hết tinh thần vì những chỉ trích không ngớt và nỗi sợ hãi, rồi sự tức giận vì họ chẳng bao giờ chịu im miệng. Cuối cùng chúng ta sẽ đơn giản kết luận rằng họ bị điên. Nhưng, chính chúng ta đang làm điều đó với bản thân mình mà!

Và thông thường, nếu thành thật chúng ta sẽ nhận ra rằng những phán đoán của mình không đúng sự thật. Ajahn Chah nói, “Thật đơn giản. Khi ai đó gọi bạn là một con chó bẩn thỉu, bạn chỉ cần nhìn vào mông mình. Nếu bạn không nhìn thấy một cái đuôi ở đó, vấn đề đã được giải quyết”. Điều này cũng đúng khi chúng ta tự đánh giá bản thân. Hãy thử thí nghiệm. Vào cuối đoạn này, hãy đặt sách xuống, nhắm mắt lại, và cố gắng đếm những suy nghĩ của bạn trong một hoặc hai phút. Ngồi yên lặng và chờ đợi chúng, giống như một con mèo ở trước hang chuột. Đếm từng cái một. Xem những gì sẽ xảy ra.

Khi làm điều này bạn sẽ nhận thấy một vài sự thật thú vị. Một số người trong chúng ta chủ yếu suy nghĩ bằng từ ngữ, những người khác có suy nghĩ hình ảnh. Một số có cả hai. Vài suy nghĩ thậm chí còn có hình thức tinh tế dựa trên cơ thể hoặc các hiểu biết trực quan. Ban đầu, những suy nghĩ có xu hướng chậm lại vì bạn không bị lạc lối và xác định với chúng. Sau đó, trong một hoặc hai phút, có thể có năm hoặc mười hai hoặc hai mươi suy nghĩ từ ngữ, hoặc một số lượng tương tự suy nghĩ hình ảnh. Một số suy nghĩ có thể lén lút đằng sau: “Vẫn chưa có nhiều suy nghĩ nhỉ?” Một số có thể cố gắng bắt lấy danh tính của bạn: “Tôi có đang làm đi không?” Nếu cảm nhận cẩn thận, bạn cũng có thể nhận ra khoảng trống giữa các suy nghĩ, không gian của nhận thức trong mỗi suy nghĩ phát sinh. Như thể bạn trở thành nhân chứng của mọi thứ, im lặng, cởi mở, sống động. Và nếu nhìn xa hơn, bạn sẽ thấy mình không phải là nhân chứng, vì nếu bạn tìm kiếm bản ngã, chỉ có sự chứng kiến, bản thân nhận thức đang làm điều đó chứ không phải ai khác.

Bằng cách phát triển suy nghĩ chánh niệm, chúng ta có thể thấy cách niềm tin và nỗi sợ hãi bịt mắt chúng ta. Trong khóa tu, Aaron, một nhà tâm lý học sáu mươi lăm tuổi đã phải đối mặt với những suy nghĩ của mình về Thượng Đế. Sinh ra ở Ba Lan trong Thế chiến II, ông và gia đình đã trải qua những vụ đánh bom, tước đoạt và các trại tị nạn. Hai anh chị em của ông đã chết. Phần còn lại thời thơ ấu của ông chỉ tốt hơn được một chút.

Sau nhiều năm học hành, chữa bệnh và tự sự, Aaron đã chấp nhận quá khứ của mình hơn nhiều. Nhưng khi theo đuổi thiền định, ông thấy khó mà tin tưởng vào chính mình và cả thầy cô. Như thể ông bị dị ứng với bất cứ điều gì về tâm linh hay tôn giáo. Tuy nhiên, ông cũng bị cuốn vào nó. Khi chúng tôi nói chuyện, tôi đề nghị ông nên lưu tâm đến bất cứ khi nào ông cảm thấy nghi ngờ tràn vào và thiếu thốn niềm tin. Tôi khuyến khích ông chú ý đến những cảm xúc và tình trạng của mình mà không phản ứng lại chúng. Khi Aaron làm vậy, sự nghi ngờ và sợ hãi trở nên mạnh mẽ hơn, đáng sợ hơn. Ông cảm thấy bản thân thật nhỏ bé. Tôi nhắc nhở ông hãy cho phép không gian của chánh niệm giữ tất cả chúng.

Sau đó, Aaron nhớ lại khi còn là một cậu nhóc, khi đó hình ảnh về tôn giáo và tâm linh trong ông vẫn còn đơn giản, ngay từ Kinh Thánh bước ra. Thượng Đế là một người đàn ông có râu đầy sức mạnh trên bầu trời, phán xét xem ai là người cao trọng và ai không phải. Nhưng cũng chính Thượng Đế này đã cho phép chiến tranh, giết chóc, tàn phá và mất mát xảy ra. Aaron từ lâu đã kết luận rằng chính Thượng Đế cũng không đáng tin cậy. Và dù có bằng tiến sĩ và nhiều năm trị liệu tâm lý, niềm tin này vẫn còn tràn ngập tâm trí ông, mạnh mẽ như bao giờ hết. Aaron cười toe toét khi nhận ra những nỗi sợ hãi vô thức của tôn giáo. Hình ảnh cũ của Thượng Đế đã bắt đầu tan biến ngay cả khi ông thừa nhận nó. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu không có ý nghĩ này? Tôi khuyến khích ông giữ mình cởi mở. Ngày hôm sau, ông bước vào, dang rộng đôi tay và nói, “Bây giờ tôi đã hiểu. Đây là Thượng Đế! Cả thế giới của trái đất, thực vật, động vật và con người – mọi thứ đều thiêng liêng, và tôi đang ở giữa nó”. Ông đã tìm thấy sự thiêng liêng trong cuộc sống, ở đây và ngay bây giờ.

KIỂM TRA SUY NGHĨ

Tâm lý học Phật giáo giúp chúng ta thiền với những suy nghĩ theo hai cách quan trọng. Thứ nhất, nó dạy chúng ta cách thừa nhận nội dung của suy nghĩ. Thứ hai, chúng ta học được khả năng gỡ rối mình ra khỏi chúng.

Khi kiểm tra dòng suy nghĩ của mình bằng chánh niệm, chúng ta sẽ chạm trán với âm thanh nội tâm. Khi chúng phát lên, chúng ta có thể trở thành anh hùng, nạn nhân, công chúa, hoặc người bị hủi. Trong đầu chúng ta có cả một bộ phim truyền hình và giám đốc casting đang bừa bãi phân vai cho nội tâm như những nhà độc tài, các thẩm phán, các nhà thám hiểm và lũ con trai phá của, quyền lợi và sự nghèo nàn. Ngồi trong một lớp thiền, chúng ta buộc phải thừa nhận tất cả. Như Anne Lamott viết, “Tâm trí tôi là một khu phố bất hảo. Tôi sẽ cố gắng không đến đó một mình”.

Khi chúng ta nhìn thấy những suy nghĩ này lặp lại cưỡng ép thế nào, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được sự thật tâm lý của samsara - luân hồi, từ tiếng Phạn là đi vòng tròn, sự tồn tại lặp lại. Trong bài học Phật giáo, luân hồi thường dùng để chỉ bánh xe cuộc sống. Trên bánh xe này, chúng sinh được tái sinh và phải chịu đau khổ cho đến khi nào họ phát triển được sự hiểu biết và tìm thấy tự do. Samsara cũng mô tả những sự lặp đi lặp lại không lành mạnh trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ở cấp độ khoảnh khắc, chúng ta có thể nhìn thấy các khuôn mẫu tư tưởng luân hồi của mình phát sinh, theo những cách vô thức và hạn chế. Ví dụ, chúng ta thấy những suy nghĩ thường xuyên của mình bao gồm sợ hãi, phán xét hay nắm chặt. Suy nghĩ của chúng ta cố gắng biện minh cho quan điểm của bản thân mình. Như một câu châm ngôn Ấn Độ chỉ ra, “Người không biết nhảy đổ tại sàn nhà không đều”.

Khi mới chú ý, chúng ta phát hiện ra những ý nghĩ không lành mạnh rất dính dớp, khó thoát ra giống như một đường. Như Ajahn Buddhadasa đã quan sát thấy, hầu hết thời gian chúng ta “chìm đắm trong suy nghĩ.” May mắn thay, bằng cách luyện tập chúng ta có thể trở nên chánh niệm về những khuôn mẫu đã tạo điều kiện cho nhận thức của mình. Chúng ta có thể cắt đứt những khuôn mẫu dính dớp của sợ hãi hoặc cạnh tranh, ghen tuông, phán xét, hoặc tham vọng.

Để bắt đầu, sẽ tốt hơn nếu thừa nhận những suy nghĩ lặp đi lặp lại nhiều nhất, “top 10 giai điệu”, bằng cách đặt tên cho chúng. Đó có thể là những suy nghĩ về tiền bạc, xung đột hoặc kế hoạch đầy lo âu. Suy nghĩ phán xét cũng là một giai điệu phổ biến, đại diện cho tất cả những giọng nói phê bình, thất vọng từ thời thơ ấu của chúng ta. Nếu chúng ta chiến đấu chống lại nó - “Tôi không nên phán xét. Tối quá khắc nghiệt” - chúng ta chỉ đang phán xét nhiều hơn thôi. Khi tâm trí phán xét xuất hiện, chúng ta chỉ cần đơn giản thừa nhận điều đó bằng một cái cúi chào bên trong và nói, “À, vâng, tâm trí phán xét”. Ngay khi chúng ta làm điều này, suy nghĩ phán xét sẽ mất đi quyền lực của nó đối với chúng ta. Thậm chí chúng ta cũng có thể nói, “Cảm ơn vì ý kiến của bạn”.

Giống như một nhà điêu khắc có nhiều công cụ, có rất nhiều phương tiện khéo léo để vượt qua các bụi cây suy nghĩ. Nếu bị cuốn trôi, đầu tiên chúng ta có thể yên tĩnh tâm trí bằng cách tập trung vào hơi thở hoặc sử dụng một hình ảnh hoặc lặp lại một câu thần chú đơn giản. Chúng ta có thể bước ra ngoài suy nghĩ của mình thông qua chánh niệm về cơ thể hoặc đi bộ chiêm nghiệm. Chúng ta có thể giải phóng suy nghĩ của mình bằng cách ngẫm nghĩ về cái chết, về tình yêu, về sự trống rỗng. Chúng ta có thể bắt đầu tìm kiếm những khoảnh khắc tĩnh lặng bất cứ khi nào chúng phát sinh.

Đôi khi một người thầy có thể giúp cả cộng đồng tìm được con đường đến với tĩnh lặng. Có một sự im lặng xung quanh Ajahn Chah khi thầy ngồi với chúng tôi, nó hỗ trợ cho sự vững vàng của riêng chúng tôi. Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang theo sự yên tĩnh này ngay cả khi ông di chuyển. Định kỳ, ông đến để giảng dạy cho hàng ngàn sinh viên tụ tập ngoài trời tại Trung tâm Thiền Spirit Rock. Mỗi lần như vậy, khi bước về phía con đường để bắt đầu giảng dạy, mọi người đều nhìn thấy được những bước chân ông đặt chậm rãi, cẩn thận và đẹp đẽ trên mặt đất. Một sự tĩnh lặng bao trùm xuống đám đông. Quyền năng chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mang tất cả mọi người vào hiện tại. Sự hiện diện của ông đã truyền cảm hứng về sự chú ý sâu sắc.

Tất cả chúng ta đều có thể có sự chú ý này. Chúng ta không phải ngồi với Thích Nhất Hạnh hay đi bộ ở bờ Grand Canyon. Có một sự im lặng bao la xung quanh chúng ta. Dù ở nơi đầu, chúng ta cũng có thể hít một hơi thật sâu, cảm nhận cơ thể, mở ra những giác quan và bước ra ngoài những câu chuyện vô tận của tâm trí. Chúng ta có thể dừng lại. Chúng ta có thể để nhận thức nghỉ ngơi trong một trái tim rộng mở và từ bi. Sau đó, chúng ta có thể nhìn thấy dòng suy nghĩ, những lo lắng và hình ảnh chỉ là một phần của một câu chuyện lớn hơn nhiều.

GỠ RỐI TỪ CÂU CHUYỆN

Thật nhẹ nhõm biết bao khi khám phá ra rằng những chuyện của bản thân không thể định nghĩa đầy đủ chúng ta là ai và điều gì đang xảy ra với chúng ta. Một học viên đang trong một khóa tu mùa hè tại một khu trại trong rừng cây gỗ đỏ. Cô tỉnh dậy vào giữa đêm, giật mình, tim đập thình thịch vì nghe thấy một tiếng gầm lớn ngay bên ngoài. Cô chắc chắn đó là một con gấu ở gần đó, có lẽ sẽ nguy hiểm. Bật một chiếc đèn pin nhỏ, cô nhìn quanh và chờ đợi đầy sợ hãi thứ phát ra tiếng gầm gừ ấy sẽ gây ra tiếng ồn khác. Sau một phút trôi qua, bụng cô vang lên một tiếng “gầm gừ” lớn. Cô nhận ra rằng món súp đậu từ bữa tối đang “tình tự” với bộ máy tiêu hóa của mình! Tiếng gầm lớn đó chính là cô ấy.

Với chánh niệm chúng ta có thể bước ra khỏi câu chuyện mình kể và chỉ đơn giản chú ý đến việc kể ra điều đó. Chúng ta trở thành nhân chứng, một không gian nhận thức. Khi làm việc này, chúng ta sẽ an trú trong những gì Ajahn Chah gọi là Người Biết. Với một tâm trí yên tĩnh, Người Biết sẽ thấy được cách chúng ta xây dựng thế giới của mình bằng cách lặp lại câu chuyện của bản thân. Và giống như con gấu gầm gừ, chúng ta phát hiện ra hầu hết những câu chuyện ấy không đúng với sự thật.

Khi người ta nói với tôi rằng việc thiền định của họ đong đầy suy nghĩ, tôi hỏi: “Bạn thường nghĩ gì?” Họ mô tả những câu chuyện về khao khát, oán giận, thành công và thất bại của họ. Họ kể câu chuyện về gia đình, công việc, cơ thể, thế giới tâm linh và chính trị của họ. Sau đó, chúng tôi sẽ cùng nhau điều tra xem liệu họ có lạc lối trong câu chuyện. Tôi có thể hỏi: “Có phải lúc nào cũng có những khoảnh khắc, giống như ngay bây giờ, khi bạn chỉ đơn giản thừa nhận câu chuyện và cảm xúc của nó mà không có sự xác định với kiểu chú ý đó không?” Họ thường hít một hơi và kể lại những cảm giác dễ dàng hơn. Nếu đó là một câu chuyện khó hay đáng sợ, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau trong sự hiện diện của câu chuyện, hấp thụ bầu không khí của nó trong một thời gian dài, cho đến khi toàn bộ chòm sao của những suy nghĩ và cảm xúc đã được nhìn thấy. Sau đó, chúng tôi bắt đầu xem liệu nó có đúng hay không. Niềm tin về bản thân chúng ta được câu chuyện xây dựng nên là gì? Thế giới quan của nó là gì? Nó có thực sự đúng không?

Một người phụ nữ tên Paula đã đến với thiền sau một vụ ly hôn đau thương. Người chồng đã bỏ rơi cô và đứa con trai sáu tuổi của họ. Nỗi đau của cô thật mãnh liệt, nỗi sợ hãi và tức giận cũng vậy. Cô đã thiền để trở nên chánh niệm về những cảm xúc của mình trong nhiều tuần. Bên dưới nỗi sợ của Paula, một giọng nói vẫn kể cô nghe câu chuyện về việc cô không đáng yêu và cô sẽ luôn bị để mặc, ruồng bỏ. Tôi hỏi cô đã cảm nhận mình thế này bao lâu rồi. Paula trả lời rằng đây là câu chuyện về cuộc đời của cô. Khi có ba tuổi, cha ruột cô đã bỏ nhà ra đi và từ bỏ cả Paula và mẹ cô, rồi ông qua đời vài năm sau đó. Khi lớn lên, cô cảm thấy việc cha bỏ đi một phần do lỗi của mình. Paula tin rằng cô chính là vấn đề, vì cô không hoàn thiện và không đáng yêu.

Trong nhiều tuần, tôi lắng nghe Paula đang dần chánh niệm về việc ly hôn của cô, với tất cả nỗi đau và sự tức giận và sợ hãi kèm theo. Cô đã luyện tập giữ cơ thể mình và quá khứ đau đớn của cô trong lòng từ bi. Cuối cùng Paula đã sẵn sàng trở lại cảnh tượng đau đớn nhất trong tất cả. Tôi yêu cầu cô ấy nhắm mắt và nhớ về đêm cha cô bỏ đi. Cô đã ba tuổi, mặc một chiếc váy cotton màu xanh da trời, đứng ở đầu cầu thang nghe cha mẹ mình cãi vã. Sau đó cô nhìn thấy cha tóm lấy cái va-li của mình, và không nhìn về phía cô, lao ra khỏi cửa và ra khỏi cuộc đời cô. Điều đó thật đau đớn. “Ông ấy thậm chí không thèm nhìn tôi. Ông ấy không nói gì với tôi”. Khi tôi hỏi cô bé ấy đã nghĩ gì, cô nói: “Tôi đã làm sai điều gì đó; có gì đó sai trái trong tôi. Nếu không cha sẽ ở lại”.

Sau khi Paula giữ đứa trẻ ba tuổi bị tổn thương này trong lòng từ bi một lúc, tôi đã yêu cầu cô tưởng tượng rằng cô có thể bước vào trải nghiệm của cha cố khi đang đứng ở cửa. “Khi trở thành ông ấy cơ thể bạn cảm thấy thế nào?”, tôi hỏi. “Kinh khủng. Thắt chặt, cứng ngắc như thể sẽ bùng nổ. Tôi sợ rằng tôi đang bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân tồi tệ mà tôi không mong muốn, trong một công việc bế tắc. Chúng tôi cãi nhau suốt ngày và tôi đang đánh mất đời mình. Tôi phải thoát ly. Tôi phải chạy trốn, để cứu lấy mạng sống của tôi.” “Và bây giờ khi bạn lấy va-li đi ra khỏi cửa, bạn có biết rằng con gái Paula đang đứng đó ở đầu cầu thang không?” “Tôi có, nhưng tôi không thể nhìn con bé. Tôi không thể. Nếu tôi nhìn thấy khuôn mặt con, tôi sẽ không bao giờ có thể rời khỏi. Tôi thương nó rất nhiều, nhưng nếu không đi tôi sẽ chết. Tôi phải ra ngoài ngay”. Paula bắt đầu khóc cho cha mình và nỗi sợ hãi của ông, cho nỗi đau của tất cả mọi người.

Khi cùng ngồi yên lặng, tôi hỏi Paula về câu chuyện cô đã kể từ ngày hôm ấy, rằng cô đã làm một điều gì đó sai trái, rằng cô ấy mình không đáng yêu. “Ai bịa nên chuyện này vậy?”, tôi hỏi. Sau một lúc tạm dừng, cô trả lời một cách ngượng ngùng, “Tôi đã làm điều đó”. “Nó có thật không?” “Không hẳn”, cô nói và hơi mỉm cười với tôi. “Bạn có chắc không?”, tôi hỏi. Cô cười phá lên. Chúng tôi trò chuyện về việc liệu cô có muốn lặp lại câu chuyện và khuôn mẫu của sự không đáng yêu này không. “Cô là ai nếu không phải là câu chuyện này?”, tôi hỏi. Chúng tôi nhìn nhau trong sự tĩnh lặng của trái tim, bên ngoài những nỗi sợ hãi của cô, bên ngoài thời gian. Chúng tôi ngồi cùng nhau trong vẻ đẹp thiêng liêng của hiện tại chứa đựng tất cả những câu chuyện và hơn thế nữa. Paula bắt đầu cảm thấy tự do.

HIỆN THỰC BÊN DƯỚI SUY NGHĨ

Khi quan sát những suy nghĩ và đặt câu hỏi về niềm tin của bản thân, chúng ta hiểu rằng mặc dù suy nghĩ, lập kế hoạch và ghi nhớ là quan trọng đối với đời sống của mình, nhưng chúng ta lại nghi ngờ nhiều hơn tin tưởng. Những suy nghĩ của chúng ta luôn luôn mang tính tạm thời và một chiều hơn chúng ta thừa nhận. Thông thường chúng ta tin tưởng vào chúng. Nhưng đặt câu hỏi cho suy nghĩ của chúng ta là trọng tâm của thực hành Phật giáo. Những gì chúng ta tin tưởng có thật không, có vững vàng và chắc chắn không? Như nhà văn Richard Haight đã quan sát, “Tù trưởng Roman Nose của Cheyenne và người dân của ông tin rằng ông là bất tử, ông và họ đều đúng mỗi ngày trong cuộc đời trừ một ngày”.

Ajahn Chah nói, “Bạn có rất nhiều quan điểm và ý kiến, điều gì tốt và xấu, đúng và sai, về những điều nên làm. Bạn bám níu vào những quan điểm ấy và đau khổ rất nhiều. Chúng chỉ là những quan điểm, bạn biết đấy”. Khi chúng ta tin tưởng những ý nghĩ và quan điểm của mình, sẽ trở thành những người theo chủ nghĩa cực đoan. Sẽ có các Phật tử cực đoan, các nhà khoa học cực đoan, các nhà tâm lý cực đoan. Nhưng cho dù chúng ta tin tưởng mạnh mẽ đến mức nào, thì luôn luôn có những quan điểm khác. Trong những mối quan hệ cá nhân của chúng ta, điều này thực sự rõ ràng. Một mối quan hệ trưởng thành khi mỗi đối tác cho phép người khác được đúng (mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng tin vào điều đó).

Hầu hết những đau khổ tinh thần của chúng ta đến từ việc chúng ta giữ niềm tin của mình chặt đến mức nào. Trong tu viện Ajahn Chah thường mỉm cười và hỏi: “Nó có thật không?” Thầy muốn chúng ta học cách giữ những suy nghĩ của mình một cách nhẹ nhàng. Trong rèn luyện Phật giáo, suy nghĩ của chúng ta đã bị tháo dỡ, toàn bộ cấu trúc đã bị rã ra từng tấm, từng tấm một.

Có một câu chuyện nổi tiếng về kẻ ngốc thần thánh Mullah Nasrudin. Một vị vua không hài lòng với sự dối trá của thần dân mình nên đã quyết định buộc họ phải nói ra sự thật. Khi cổng thành phố được mở ra vào một buổi sáng, những giá treo cổ đã được dựng lên trước mặt họ. Một người bảo vệ hoàng gia tuyên bố: “Bất kỳ ai vào thành phố trước tiên phải trả lời câu hỏi do đội trưởng canh gác đưa ra”. Mullah Nasrudin tiến lên phía trước đầu tiên. Đội trưởng nói to, “Ngài đang đi đâu? Nói sự thật... hay thay bằng cái chết treo cổ”. “Tôi sẽ bị treo cổ trên những cái giá đó.” “Tôi không tin anh!” người bảo vệ trả lời. Nasrudin bình tĩnh hội đáp, “Rất tốt. Nếu tôi đã nói dối, hãy treo cổ tôi!”. “Nhưng điều đó sẽ biến nó thành sự thật”, người bảo vệ bối rối nói. “Chính xác”, Nasrudin nói, “sự thật của anh đó”.

Trong sự tĩnh lặng của thiền định, chúng ta thấy được bản chất không vững chắc của suy nghĩ. Chúng ta học cách quan sát từ ngữ và hình ảnh phát sinh và biến mất, không để lại dấu vết nào. Sự tiếp nối của hình ảnh và các liên kết – thường được gọi là gia tăng tinh thần – xây dựng nên những lâu đài suy nghĩ. Nhưng những lâu đài và kế hoạch này trôi dạt một lúc và sau đó biến mất, như những bong bóng trong ly soda. Chúng ta có thể trở nên thật im lặng để thực sự cảm thấy năng lượng suy nghĩ tinh tế xuất hiện và biến mất một lần nữa. Nhưng nếu những suy nghĩ là trống rỗng, chúng ta có thể trông cậy vào điều gì? Nơi trú ẩn của chúng ta ở đâu? Đây là cách một trong những hiền nhân Ấn Độ Nisargadatta trả lời câu hỏi này, “Tâm trí tạo ra vực thẳm, trái tim vượt qua nó”. Tâm trí suy nghĩ xây dựng nên quan điểm của đúng và sai, tốt và xấu, bản ngã và cái khác. Đó là những vực thẳm. Khi để cho những suy nghĩ đến và đi mà không bám níu, chúng ta có thể sử dụng suy nghĩ, nhưng ta sẽ lan trú trong trái tim. Trái tim là vô tội. Chúng ta là đứa con của tinh thần. Và có một sự khôn ngoan bẩm sinh. Chúng ta là người cổ đại. An trú trong trái tim, chúng ta sống trong sự hòa hợp với hơi thở, cơ thể của mình. An trú trong trái tim, chúng ta trở nên tin tưởng và can đảm, và lòng kiên nhẫn của chúng ta sẽ phát triển. Chúng ta không cần phải nghĩ đến tất cả mọi thứ. Cuộc sống đang mở ra xung quanh chúng ta. Như người thầy Ấn Độ Charon Singh đã nói, “Đến đúng thời điểm, ngay cả cỏ cũng trở thành sữa”.

Tất nhiên, các câu chuyện đều có giá trị. Là một người thầy và người kể chuyện, tôi đã tôn trọng sức mạnh liên tưởng của chúng, và trong cuốn sách này tôi cũng kể nhiều câu chuyện. Nhưng ngay cả những câu chuyện này cũng giống như ngón tay trỏ vào mặt trăng. Lạc quan nhất là khi chúng thay thế một bài tường thuật văn hóa ảo tưởng hoặc một tưởng tượng sai lạc về giai thoại của lòng từ bi.

Trong các cuộc gặp riêng từng cá nhân khi thiền định, tôi cố gắng giúp mọi người giảm xuống dưới mức câu chuyện của họ và nhìn thấy vẻ đẹp tỏa sáng xung quanh họ. Nhà tâm lý học Len Bergantino viết về một loạt các buổi trị liệu đầy bực dọc với một bệnh nhân, mà người này đã bị ngắt kết nối, tách ra hoặc nhắm đến việc làm hài lòng quá đáng. “Cảm giác của tôi trong ngày cụ thể này là tôi không muốn nói một lời nào với anh ấy về bất cứ điều gì. Vì vậy, để làm anh ta ngạc nhiên, tôi đã lấy cây đàn mandolin của tôi ra và theo cách đẹp đẽ êm dịu yêu thương nhất có thể, tôi chơi bài Trở lại Sorrento. Ông đã vỡ vụn trong nước mắt và khóc suốt bốn mươi phút của buổi trị liệu, chỉ nói một điều Bergantino, chắc bây giờ bạn kiếm được tiền rồi! Tôi trả lời, và nghĩ rằng, tôi đã lãng phí tất cả những năm tháng qua để nói chuyện với mọi người? Khi chúng ta xuống một cấp dưới câu chuyện của mình, chúng ta sẽ được dẫn về sự bí ẩn ở đây và ngay bây giờ.

EM BÉ, NƯỚC TẮM VÀ SUY NGHĨ KHÉO LÉO

Mục đích của chánh niệm không phải là để thoát khỏi suy nghĩ, mà để học cách suy nghĩ một cách khéo léo. Truyền thống Phật giáo rèn luyện tâm trí suy nghĩ và trí tuệ suy nghĩ sáng suốt và rõ ràng. Chúng ta cần lập kế hoạch, suy nghĩ, tổ chức, tưởng tượng và sáng tạo. Xem suy nghĩ là một món quà tuyệt vời. Những suy nghĩ của ta có thể định hướng, mang lại cho chúng ta sự hiểu biết, phân tích và phân biệt, và hòa hợp với cuộc sống của chúng ta. Khi an trú trong trái tim, chúng ta có thể sử dụng suy nghĩ một cách khôn ngoan, có thể lên kế hoạch và tưởng tượng bằng những cách nhân từ.

Một giáo sư về toán học và đo vẽ địa hình đến với thiền định đã lo lắng vì công việc của ông đòi hỏi nhiều giờ suy nghĩ. Ông hỏi làm thế nào mình có thể hành thiền trong khi suy nghĩ thông qua những vấn đề toán học phức tạp này. Liệu ông có nên cố gắng lùi lại và luôn ý thức rõ về suy nghĩ của mình không? Điều này khiến ông cảm thấy tự ý thức. Nó thật là khó hiểu. Tôi đáp lại với một chỉ dẫn đơn giản, “Trước hết hãy kiểm tra động lực của bạn. Tiếp cận toán học một cách tích cực và sáng tạo. Sau đó, khi suy nghĩ về toán học, chỉ suy nghĩ về toán học mà thôi. Nếu bạn cạnh tranh và lo lắng về việc công bố giải pháp của mình trước một đồng nghiệp khác, đó không phải là toán học. Nếu bạn thấy mình mơ ước về việc giành giải Nobel hoặc huy chương Field, thì đó không phải là toán học. Sau đó hãy tìm một động cơ khéo léo rồi làm toán và tận hưởng sự sáng tạo của tâm trí”.

Chìa khóa để suy nghĩ khôn ngoan là cảm nhận trạng thái năng lượng đằng sau suy nghĩ đó. Nếu chú ý, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những suy nghĩ nhất định được tạo ra bởi sự sợ hãi và cảm giác nhỏ bé về bản thân. Đi cùng với chúng sẽ là bám víu, cứng nhắc, không xứng đáng, phòng thủ, gây hấn hoặc lo âu. Chúng ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng của chúng lên trái tim và cơ thể. Khi nhận thấy sự đau khổ này, chúng ta có thể thư giãn, hít thở và nới lỏng sự xác định. Với nhận thức này, tâm trí sẽ trở nên cởi mở và dễ hiểu. Với sự tạm dừng này, chúng ta sẽ trở lại với bản chất Phật của mình. Bây giờ chúng ta có thể suy nghĩ, tưởng tượng và lên kế hoạch nhưng từ một trạng thái dễ chịu và nhân từ. Điều đó thật đơn giản.

THỰC HÀNH: SUY NGHĨ MỘT CHIỀU

Hãy chọn một lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống của bạn, đó bạn đang gặp khó khăn hoặc xung đột. Hãy ghi nhớ những niềm tin chủ chốt, những suy nghĩ của bạn về tình hình, con người, tổ chức, tình huống: “Họ là...”, “Tôi là..., “Đó là...”, và vân vân. Sau khi đã đưa những niềm tin vào tâm trí, hãy đặt câu hỏi cho chúng. Chúng có hoàn toàn đúng không? Chúng có một chiều không? Ai đã tạo nên câu chuyện này? Điều gì sẽ xảy ra nếu ngược lại cũng đúng? Mình sẽ trải nghiệm điều gì nếu buông bỏ những suy nghĩ và niềm tin đó đi? Hãy thử để chúng ra đi, và nghỉ ngơi trong cái không biết, hoặc nghỉ ngơi trong lòng nhân ái. Điều này ảnh hưởng đến cơ thể và tâm trí của bạn như thế nào? Điều này ảnh hưởng đến tình huống đó như thế nào? Làm thế nào để sống mà không mắc kẹt vào những suy nghĩ của bản thân?

-----o0o-----

Trích: “Trái Tim Thông Tuệ"

Tác giả: Jack Kornfield.

Dịch giả: Hạ Nhiên – Viết Hổ.

Nhà Xuất Bản Thế Giới, 2020.

Ảnh: nguồn Internet.

Bài viết liên quan