TÁNH VÀ TƯỚNG - Nguyễn Thế Đăng

TÁNH VÀ TƯỚNG

Nguyễn Thế Đăng

-------o0o-------

  Chữ Tánh, Bản tánh, Tự tánh được nói đến trong rất nhiều kinh, luận Đại thừa. Đó cũng chính là mục đích rốt ráo cần tu chứng. 1/ Tánh là gì? Ở đây lấy một vài trích dẫn. Luận Phật tánh của Bồ tát Di Lặc (Maitreya) truyền cho ngài Thế Thân được dịch sang tiếng Tây Tạng và được dịch sang tiếng Anh là: Buddha Nature do Khyentse Foundation ấn hành năm 2007. Vậy bản tánh là nature....
TÁNH VÀ TƯỚNG - Nguyễn Thế Đăng

 

 

Chữ Tánh, Bản tánh, Tự tánh được nói đến trong rất nhiều kinh, luận Đại thừa. Đó cũng chính là mục đích rốt ráo cần tu chứng.

1/ Tánh là gì?

Ở đây lấy một vài trích dẫn. Luận Phật tánh của Bồ tát Di Lặc (Maitreya) truyền cho ngài Thế Thân được dịch sang tiếng Tây Tạng và được dịch sang tiếng Anh là: Buddha Nature do Khyentse Foundation ấn hành năm 2007. Vậy bản tánh là nature.

Trong những bản văn của Đại Ấn (Mahamudra) và Đại Toàn Thiện, xưa cũng như nay, đều nói mục đích của hành giả là chứng ngộ “bản tánh của tâm” (nature of mind). Thiền tông được gọi là tâm tánh pháp môn, nghĩa là pháp môn để chứng ngộ tâm tánh, bản tánh của tâm. Chữ bản tánh này Lục Tổ Huệ Năng gọi là “tự tánh”.

Trong kinh, nói rất nhiều đến tánh. Chẳng hạn, “tánh Không” (sunyata), “tánh Như” (tathata, thusness, suchness), “pháp tánh” (dharmata), “tự tánh” (trong câu thường có trong kinh: “tự tánh xưa nay thanh tịnh”), tánh giác (TT. Rigpa, awareness). Ngài Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo phú nhiều lần nói đến “tánh Không” và “tánh sáng”.

 

Như vậy, tánh hay bản tánh là thực tại tối hậu. Sau đây sẽ trích vài câu từ kinh Duy Ma Cật, phẩm Nhập pháp môn bất nhị, để làm rõ thêm nghĩa chữ tánh:

Bồ tát Đức Đỉnh (Srikuta) nói: Nhiễm ô và thanh tịnh là hai. Thấy được thật tánh của nhiễm ô thì không có tướng thanh tịnh, bèn tùy thuận với sự tịch diệt của các tướng. Đó là vào pháp môn không hai”.

Bồ tát Thiện Nhãn nói: Tướng duy nhất và không có tướng là hai. Nếu không giả định hay tạo tác cái gì thì không thiết lập sự không có tướng của nó. Thâm nhập vào tánh bình đẳng của hai cái này, đó là vào pháp môn không hai.

Bồ tát Na La Diên nói: Thế gian và xuất thế gian là hai. Thế gian tánh Không, tức đó là xuất thế gian, trong đó không có đi vào, không có ra khỏi, không tiến bộ, không lui sụt. Đó là vào pháp môn không hai.

Bồ tát Thiện Ý nói: Sanh tử và Niết bàn là hai. Nếu thấy tánh sanh tử thì không có sanh tử, không có trói buộc, không có giải thoát, không sanh không diệt. Thấu hiểu như vậy, đó là vào pháp môn không hai”.

 

2/ Tánh và tướng

Qua vài câu trên chúng ta thấy có sự phân biệt giữa tánh và tướng, thậm chí tướng là cái đối nghịch với tánh. Lạc vào thế giới của tướng là lạc vào sanh tử xung đột, khổ đau.

 

Trong năm luận của Bồ tát Di Lặc có Luận Phân biệt những hiện tượng với bản tánh nội tại của chúng nxb Thiện Tri Thức, 2023 (Dharmadharmatavibhanga, Distinguishing phenomena from their intrinsic nature), bản tiếng Hán là Biện pháp pháp tánh luận.

Ngay trong tựa đề, phân biệt những hiện tượng (pháp, sự vật, tướng) với bản tánh nội tại của chúng (tánh, pháp tánh) là phân biệt giữa tướng và tánh.

Luận nói sự phân biệt giữa những hiện tượng (tướng) và bản tánh nội tại của chúng (tánh) là sự phân biệt giữa sanh tử và Niết bàn:

Nếu tất cả những cái ấy được tóm tắt

Chúng có thể được hiểu là hai

Bởi vì mọi sự bao gồm trong

Những hiện tượng và bản tánh nội tại của chúng

 

Cái được xếp loại là những hiện tượng

Là vòng sanh tử, trong khi bản tánh nội tại

Được xếp loại là sự vượt khỏi khổ đau

Của ba thừa.

(trang 26, bản tiếng Việt)

Bản tánh nội tại được luận định nghĩa như sau:

Hơn nữa, bản tánh nội tại được định nghĩa

Là chân như, trong đó không có phân biệt

Giữa cái được hiểu và cái hiểu,

Cái được diễn tả và cái diễn tả

(trang 31, bản tiếng Việt)

Cái hiểu, cái diễn tả là chủ thể và cái được hiểu, cái được diễn tả là đối tượng. Trong bản tánh nội tại hay chân như không có sự phân biệt thành chủ thể và đối tượng, và đó là “sự vượt khỏi khổ đau của Ba thừa”.

Và các tướng, các pháp, các hiện tượng được luận định nghĩa:

Ở đây những hiện tượng được định nghĩa là những xuất

                                                                   hiện của các tướng

Của nhị nguyên và của sự vật được diễn tả –

Những xuất hiện của tưởng tượng giả dối.

Chúng xuất hiện nhưng không hiện hữu,

Thế nên chúng là giả dối.

Những cái ấy hoàn toàn không hiện hữu trong thật tế,

Bởi vì chúng chỉ là những khái niệm, chúng là tưởng tượng.

(trang 29)

 

Để hiểu rõ tất cả các pháp, tất cả các tướng xuất hiện đều là vọng tưởng không thật hiện hữu, chúng ta nhớ lại bài kệ chấm dứt của Kinh Kim Cương Bát Nhã, mà phần đông đều biết:

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, ảnh

Như sương, như điện chớp

Hãy quán thấy như vậy.

 

Tu tập là lìa bỏ sự chấp vào các tướng để thấy được thật tánh của chúng, bản tánh nội tại của chúng là chân như:

Đến sự nhận biết thực tại ấy

Ám chỉ chân như hết sạch những vết dơ,

Nơi tất cả xuất hiện chỉ là chân như.

Điều này cũng là sự xác minh

Của sự chuyển hóa nền tảng.

(trang 65)

Sự chấp vào các vọng tưởng phân biệt cho rằng các tướng là hoàn toàn hiện hữu một cách cụ thể khiến người ta lạc vào sanh tử và luân hồi, trong khi “các tướng xuất hiện nhưng không hiện hữu”.

Khi “những vết dơ” của vọng tưởng phân biệt khiến thực tại bị chia cắt thành các tướng đã hết sạch, thì thực tại chân như hiển lộ trọn vẹn:

Nơi tất cả xuất hiện chỉ là chân như.

Khi ấy người ta thấy tất cả các tướng chỉ là Một Tướng (Một Tướng - Không Tướng là từ thường được nói trong Kinh Đại Bát Nhã), đó là Chân Như. Trong các luận các ngữ lục Thiền thường nói, “toàn tướng tức tánh” là vậy.

Cần phải thấy rằng kinh, luận không nói phá hủy các tướng để không còn cái gì cả, điều theo các luận, đó gọi là chấp đoạn. Không phải phá hủy các tướng, vì “nơi tất cả xuất hiện chỉ là chân như”, mà là làm “hết sạch những vết dơ”, đây là “sự chuyển hóa nền tảng”. Ngài Tilopa, vị khai sáng phái Kagyu, một trong bốn phái của Phật giáo Ấn - Tạng, nói một cách cụ thể: “Không phải các tướng trói buộc ngươi, mà chính là sự bám chấp vào các tướng trói buộc ngươi”.

 

Tóm lại, để thấy Phật, để thấy Như Lai, Chân Như, để thấy tánh, thì phải lìa sự phân biệt các tướng. Như Kinh Kim Cương Bát Nhã nói:

Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”.

 

Bài viết liên quan