THẬP HỒI HƯỚNG - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

THẬP HỒI HƯỚNG

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Hồi hướng có hai, hồi hướng về chúng sanh và hồi hướng về tánh bổn nhiên. Nhưng tánh chúng sanh là tánh bổn nhiên, nên hồi hướng về chúng sanh tức là hồi hướng về tánh bổn nhiên, và hồi hướng về tánh bổn nhiên tức là hồi hướng về chúng sanh.
THẬP HỒI HƯỚNG - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

  1. A Nan, người thiện nam ấy đầy đủ thần thông, Phật sự đã thành tựu đều tinh chân thuần khiết, xa lìa các lỗi lầm. Chính khi hóa độ chúng sanh mà diệt dứt các tướng năng độ, sở độ. Xoay tâm vô vi hướng đường Niết bàn, gọi là Cứu hộ tất cả chúng sanh, lìa chúng sanh tướng Hồi hướng.

 

Hồi hướng có hai, hồi hướng về chúng sanh và hồi hướng về tánh bổn nhiên. Nhưng tánh chúng sanh là tánh bổn nhiên, nên hồi hướng về chúng sanh tức là hồi hướng về tánh bổn nhiên, và hồi hướng về tánh bổn nhiên tức là hồi hướng về chúng sanh.

Cứu giúp chúng sanh nhưng vẫn ở trong tánh Không không có ta, người, tức là hồi hướng về Niết bàn tánh Không. Như vậy càng cứu giúp chúng sanh nhưng lìa tướng chúng sanh thì càng hướng về con đường tánh Không. Đây là tự giác, giác tha đồng nhất để càng thâm nhập tánh Không, vì thật tướng của tự giác giác tha là tánh Không. Trí huệ tánh Không và đại bi hành động cứu giúp dần dần hợp nhất.             
 

  1. Hoại diệt cái có thể hoại, xa lìa các sự lìa, gọi là Bất hoại hồi hướng.

Cái có thể hoại là cái hư giả, không thật, đó là các tướng. Hoại diệt các tướng là đưa chúng trở về thực tướng Không tướng của chúng. Các sự có thể lìa là các thứ hư giả, cho đến cái sự lìa cũng được xa lìa.

Cho đến không có gì để có thể hoại, không có gì để có thể lìa, đây là cái vốn bất hoại vì xưa nay chưa từng có tướng, là cái vốn xa lìa vì xưa nay chưa từng ô nhiễm.

 

  1. Bản giác lặng trong như nhiên, giác bằng với giác của Phật, gọi là Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng.

Bản giác vốn lặng trong như nhiên. Khi không có gì để có thể hoại, để có thể lìa thì đây là bản giác hay tánh Không bằng với cái giác của Phật.

Tâm bản giác này luôn luôn hiện diện nơi mình, thậm chí khi không hoại diệt, khi không lìa thì nó vẫn có đó, bình đẳng với tâm vốn giác của Phật. Khi có ý tưởng, có tướng chẳng lẽ không có tâm bản giác? Tấm gương khi có bóng chẳng lẽ đó chẳng phải là tấm gương? Bầu trời khi có mây chẳng lẽ chẳng phải là bầu trời?

 

  1. Tinh chân phát sáng, địa như Phật địa, gọi là Chí nhất thiết xứ hồi hướng.

Tinh chân là thủy giác (còn tánh chân là bản giác), dùng chữ của Đại toàn thiện là Tịnh quang con. Thủy giác phát sáng cho nên tương ưng được, hồi hướng được về bản giác hay tịnh quang mẹ. Ở đây, địa giống như Phật địa, mà Phật địa thì khắp tất cả chỗ (chí nhất thiết xứ) cho nên tinh chân phát sáng khắp tất cả chỗ, là một với bản giác.

 

  1. Thế giới, Như Lai hỗ tương dung nhập, được không chướng ngại, gọi là Vô tận công đức tạng hồi hướng.

Với Như Lai thì thế giới là Báo thân và Hóa thân, nên hỗ tương dung nhập với Pháp thân tức Như Lai. Khôngchướng ngại giữa thế giới và Như Lai, nghĩa là thế giới tức là Như Lai, Như Lai tức là thế giới. Lúc ấy bèn thọ dụng Vô tận công đức tạng, ‘‘mỗi mỗi đều là Nhất Chân vô vi, thanh tịnh vô lậu, vì đều là tánh bổn nhiên’’.

 

  1. Ở nơi đồng với Phật địa, trong ấy mỗi mỗi sanh nhân thanh tịnh, y những nhân ấy mà phát huy, giữ lấy đạo Niết bàn, gọi là Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng.

Ở nơi đồng với Phật địa, thì trong ấy cái gì sanh ra đều là nhân thanh tịnh và nhân ấy là quả Niết bàn. Cái gì cũng là thiện căn bình đẳng một vị Niết bàn, nên y những nhân ấy mà phát huy rồi hồi hướng, bèn có ngay quả Niết bàn, gọi là giữ lấy đạo Niết bàn.

 

  1. Chân căn đã thành, mười phương chúng sanh đều là bản tánh của mình. Tánh thành tựu viên mãn không bỏ sót một chúng sanh, gọi là Tùy thuận đẳng giác nhất thiết chúng sanh hồi hướng.

Thiện căn bình đẳng là chân căn. Chân căn này là bản tánh của mình và của tất cả chúng sanh. Thế nên khi chân căn thành tựu thì mười phương chúng sanh đều là bản tánh của mình, không bỏ sót chúng sanh nào. Bản tánh ấy vốn viên thành, nên tất cả đều là Giác.   

Như tấm gương sáng, bản tánh của mình và của tất cả chúng sanh đồng là một tấm gương, gương bình đẳng nhiếp tất cả các bóng, không bỏ sót một chúng sanh nào. Ánh sáng của gương là trí, sự rộng khắp của gương để in bóng tất cả là bi. Trí bi hợp nhất là tấm gương. Chân căn tấm gương này tùy thuận bình đẳng quán chiếu tất cả chúng sanh, trong đó tất cả chúng sanh bổn lai thành Phật.

 

  1. Tức tất cả pháp, lìa tất cả tướng. Cả tức và lìa đều không dính mắc, gọi là Chân như tướng hồi hướng.

Chân căn tấm gương ấy là Chân Như, in bóng tất cả pháp vào đó, tất cả pháp đều là Chân Như. Tấm gương là tất cả bóng, nhưng tất cả tướng bóng ấy không thể in chết cứng vào tấm gương. Với tấm gương, tất cả tướng bóng đều lìa.

Chân Như là ‘‘tức tất cả pháp, lìa tất cả tướng’’. Tức tất cả pháp, đây là Diệu Hữu. Lìa tất cả tướng, đây là Chân Không. Đời sống đích thực là Chân Không Diệu Hữu. Đây là điều phải được trải nghiệm, chứng ngộ thì cuộc đời mới đầy dẫy Thường Lạc Ngã Tịnh được.

‘‘Tức tất cả pháp, lìa tất cả tướng’’, chỉ một câu này mà tham thiền cho đến rốt ráo thì địa nào cũng đạt đến.

 

  1. Thật đắc tất cả đều Như, mười phương vô ngại, gọi là Vô phược giải thoát hồi hướng.

Tất cả bóng trong gương đều là gương, tất cả đều là Như, mười phương đều là Như nên tất cả mười phương vô ngại, đó gọi là không trói buộc, giải thoát. Giải thoát không phải là lìa khỏi, đi đâu cả. Giải thoát là thấy tất cả đều Như.

 

  1. Đức của tánh viên thành, hạn lượng của pháp giới diệt, gọi là Pháp giới vô lượng hồi hướng.

Tánh thì ở khắp cả, vô lượng. Vì pháp giới tánh thì toàn khắp vô lượng nên pháp giới cũng toàn khắp, vô lượng. Nhưng chưa chứng được cái đức của tánh là vô lượng nên thấy pháp giới có hạn lượng. Khi chứng được cái đức của tánh là vô lượng thì pháp giới trở thành vô lượng.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet


 

Bài viết liên quan